5 bí quyết giữ gia đình hạnh phúc
Mặc dù có rất nhiều cách để cải thiện cuộc sống vợ chồng, bạn vẫn nên tham khảo 5 vấn đề dễ gây ảnh hưởng xấu tới hôn nhân.
Đó là thiếu sự tôn trọng, không có đủ thời gian dành cho nhau, ít ham muốn trong "chuyện đó", thiếu sự chia sẻ trách nhiệm và thiếu sự đồng thuận đối với các mục tiêu tài chính.
Muốn có một gia đình hoà thuận, ấm êm, hai vợ chồng bạn hãy:
Chăm sóc nhau
Nếu bạn đang lơ là với bạn đời vì luôn tin tưởng đối tác sẽ luôn ở bên mình thì bạn đang phạm phải một lỗi lớn.
Hãy dành thời gian và cố gắng để trở nên ân cần, chín chắn, biết khen ngợi, tôn trọng, ủng hộ và làm nhiều việc vì người kia.
Để ý hơn tới bạn đời có nghĩa bạn nên nhớ tới những ngày kỷ niệm của hai vợ chồng và sinh nhật của người kia. Bạn cần hiểu những cảm xúc của vợ hay chồng mình và biết người ấy đang nghĩ gì. Bạn cần lắng nghe, không quấy rầy và cần thể hiện bằng cả hành vi và lời nói rằng bạn yêu anh ấy/cô ấy.
Cùng nhau cải thiện chuyện gối chăn
Nếu bạn không muốn kết thúc bằng một cuộc hôn nhân không tình dục thì đừng đặt nó vào danh sách những việc không cần quan tâm.
Hãy nhắc nhở bản thân khi nào hai bạn gặp nhau lần đầu tiên, bạn cảm thấy bị người ấy hút hồn bởi cái gì. Hãy dành tặng những lời nhắn lãng mạn, tình tứ đầy yêu thương cho chàng/nàng. Cả hai nên có khoảng thời gian dành riêng cho nhau một cách thường xuyên. Và tivi không nên để trong phòng ngủ.
Bạn nên để một nửa của mình thấy được tình yêu nồng nhiệt và sự chăm sóc thường xuyên cho cuộc sống tình dục thoả mãn và nhiệt thành.
Đồng ý chia sẻ việc nhà
Nếu bạn muốn một tổ ấm yên bình, hài hoà, sạch sẽ và gọn gàng thì cả hai vợ chồng cần phối hợp với nhau để đảm bảo những công việc trong gia đình như các khoản mục tài chính, mua sắm đồ đạc, dọn dẹp, nấu nướng, chăm nom con cái, lên kế hoạch cho tương lai... được chia sẻ.
Sự lộn xộn xung quanh ngôi nhà có thể dẫn tới trạng thái căng thẳng cho cả hai vì vậy vợ chồng nên bàn bạc với nhau để cùng thu xếp mọi việc nhằm giảm thiểu các yếu tố cản trở ấy.
Nói chuyện về tài chính
Tiền có thể trở thành thứ xen giữa mối quan hệ của hai vợ chồng nếu như các bạn không bàn bạc, nói chuyện về các mục tiêu tài chính, tiết kiệm và chi tiêu.
Nếu ngân sách gia đình hạn hẹp, tiền có thể dẫn tới stress và bất đồng khi bạn phải đối mặt với các hoá đơn cuối tháng và nỗi lo tài chính.
Tham dự một lớp học về tài chính, nói chuyện với một nhà hoạch định tài chính, tham khảo các phương thức xây dựng quỹ dự phòng cho những việc khẩn cấp và lên kế hoạch cho lúc nghỉ hưu là những việc bạn nên làm. Thảo luận về các vấn đề tài chính gia đình để giúp cả hai vợ chồng có cùng "biên độ" nắm bắt tình hình tài chính gia đình.
Đơn giản hoá cuộc sống
Bạn thử tính xem mình có bao nhiêu giờ làm việc mỗi ngày, thời gian dành cho các sở thích cá nhân hay gia đình và thời gian muốn gặp gỡ bạn bè hay họ hàng so với thời gian dành riêng cho bạn đời.
Đánh giá lại xem cả hai đã và đang sử dụng thời gian của mình ra sao, cân nhắc cách thức đơn giản hoá cuộc sống cho dù hai bạn mới kết hôn, đã có con hay đã về hưu. Nếu quá hăng say làm việc, mải mê với nhiều thứ ngoài phạm vi gia đình hay quá mệt mỏi tức là bạn đang đẩy cuộc sống hôn nhân của mình trước nguy cơ bị xáo trộn và ảnh hưởng không tốt.
Lời khuyên các bạn nên giảm cấp không đơn thuần là thu nhỏ không gian mà là thái độ của mỗi người với chính mái ấm của mình.
Theo VTV/About
Comment