Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Ca Dao Và Lịch Sử

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ca Dao Và Lịch Sử



    Ca dao và Lịch sử


    Tuệ Chương - Hoàng Long Hải



    Có lẽ trong cuộc sống cũ trước năm 1975, sau khi rời ghế nhà trường, chúng ta không có thì giờ, không có cơ hội để trở lại với văn chương bình dân mà chúng ta đã được học trong chương trình giáo khoa. Qua tới Mỹ, vấn đề văn hóa bỗng trở nên có sự cọ xát mãnh liệt giữa chúng ta và con cái, giữa văn minh Âu Mỹ và văn minh Việt nam nên có nhiều người muốn tìm hiểu lại văn hóa của dân tộc, nhất là trong lãnh vực giáo dục con cái. Điều đó không phải không có khó khăn.

    Chúng ta lãnh hội ý nghĩa ca dao tục ngữ một cách dễ dàng vì chúng ta lớn lên trong môi trường văn hóa Việt nam. Nói chi xa, chúng ta được giáo dục không những chỉ ở cha mẹ ông bà mà ngay cả nơi bà con, hàng xóm láng giềng. Nói như thế, có nghĩa là chúng ta không chỉ học văn chương bình dân ở ghế nhà trường mà thôi mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, khi con đi học hay khi đã vào đời.

    Sự cọ xát giữa hai nền văn minh làm cho chúng ta thấy văn chương bình dân VN là hay, nhất là trong ca dao, tục ngữ và muốn truyền thụ lại cho em chúng ta những tinh hoa của người xưa mà một thời vì công ăn việc làm, vì đeo đuổi công danh sự nghiệp, mà chúng ta hầu như lãng quên.

    Theo các nhà tây phương nghiên cứu văn học VN thì họ cho rằng tục ngữ là cái túi khôn của người VN. Họ tìm thấy trong đó những kiến thức mà một đứa bé mới chập chững biết đi đã được dạy dỗ. Chẳng hạn như câu "Con mèo con chó có lông, ống tre có mắt, nồi đồng có quai." Người lớn, ai chẳng biết như thế. Nhưng với trẻ em mới bắt đầu biết nhận xét, thì những câu nói như thế lại rất ích lợi cho nó. Đứa bé thấy cái lông con chó, thấy cái mắt ống tre, nhưng chưa biết gọi những cái ấy bằng tên gì. Đó là cách dạy cho đứa bé gọi tên những đồ vật trong nhà. Đó chỉ là một ví dụ đơn giản. Ngoài ra, tục ngữ còn dạy ta bao nhiều tri thức khác. Chẳng hạn như về thời tiết thì "Vàng gió, đỏ mưa". "Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão." Nước ta là một nước nông nghiệp. Thời xưa, chưa có đài khí tượng, việc xem xét "thiên văn" để trồng trọt là điều rất cần thiết. Không có kinh nghiệm đó, gieo mạ, cấy lúa (hoặc ra khơi nếu ở vùng biển làm nghề đánh cá) vào lúc chuồn chuồn bay thì sẽ gặp bão.

    Những cái hay hay túi khôn của người Việt chúng ta, tôi sẽ nói trong một bài khác. Bài này, tôi muốn nói về ca dao có liên hệ đến lịch sử mà mới đây vài người bạn thân có than phiền với tôi là rất nhiều khi họ không hiểu tron vẹn những câu ca dao đó. Tôi cũng không gì hơn. Nhờ có 10 năm dạy văn chương bình dân cho học sinh, tôi có để tâm đọc một số sách, báo, thâu thập vài ý kiến đã nghe từ các bậc lão huynh nói lại. Cho nên tôi trích lại đây và giải thích một vài câu mà tôi thấy hay và rất phổ cập, để làm quà cho độc giả.

    Nếu nói tục ngữ là sự khôn ngoan của người VN thì ca dao thuộc đời sống tình cảm của họ. Người Việt chúng ta có một đời sống tình cảm khá phong phú và họ thường gởi gắm tình cảm đó vào ca dao. Dân tộc chúng ta có những đặc thù mà đời sống tình cảm lại phong phú hơn các dân tộc khác. Tại sao? Điều đó rất khó giải thích. Tuy nhiên căn cứ vào lịch sử (lịch sử bao giờ cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống dân tộc) thì có lẽ vì tổ tiên chúng ta sống bên cạnh một anh khổng lồ, mà anh khổng lồ đó luôn luôn chực chờ cơ hội để đè đầu cưỡi cổ chúng ta, bóc lột chúng ta tận xương tủy, thì việc đoàn kết để sinh tồn là điều bắt buộc. Sự đoàn kết đó phải chặt chẽ, bền vững và lâu dài mới có kết quả. Sự đoàn kết nếu chỉ như bong bóng, thì nước ta không thể tồn tại sau một ngàn năm Bắc thuộc, không thể có ba lần đánh tan quân Mông cổ ở thế kỷ thứ 13, không thể có "mười năm bình định giặc Minh" của Lê Lợi. Sự đoàn kết đó không những nảy sinh từ cái đã có mà còn phát triễn mạnh thêm ra. Đó chính là tình cảm dân tộc vậy. Chỉ nói chừng đó thôi, chúng ta đã thấy dân tộc chúng ta khác với các dân tộc khác rồi.

    Bên cạnh đó, cuộc Nam tiến của cha ông chúng ta không phải là không quá nhiều gian lao. Cứ những câu như "Cọp Khánh Hòa, ma Bình thuận" thì ta cũng đã thấy rõ sự ghê rợn của cuộc Nam Tiến. "Tới đây đất nước lạ lùng, nghe con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kiêng". Đó không phải là tâm trạng sợ hãi của cha ông chúng ta khi tới một vùng đất mới? Hay "Xứ đâu như xứ Cạnh đền, muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội lền như bánh canh." Đó không phải là những khó khăn ghê gớm khi cha ông chúng ta vào tới Miền Tây Nam bộ. Đọc "Hương rừng Cà Mâu", "Tìm hiểu đất Hậu Giang" của Sơn Nam mới thấu hiểu những khó khăn vô cùng của cha ông chúng ta ngày trước. Tiếc rằng, dân tộc chúng ta quá nhiều "bận bịu" với chiến tranh mà không có thì giờ nghiên cứu, tìm hiểu thêm những nỗi gian khổ và nhọc nhằn của cha ông chúng ta trong cuộc Nam tiến để mô tả lại thành những cuốn phim như loại phim Western của Mỹ.

    Có lẽ không ít người không đồng ý với tôi khi tôi cho rằng dân tộc ta có khuynh hướng chia rẽ. Tự ái dân tộc khiến cho chúng ta nhiều khi rất chủ quan. Nhưng thử đặt một câu hỏi: Nếu không có sự chia rẽ thì sao lại phải kêu gọi đoàn kết, ngay từ khi đất nước mới hình thành. Đừng nói là chúng ta không kỳ thị hay phân biệt đối xử với các sắc tộc khác cùng ở trong nước mà đó không phải là điểm khở đầu cho sự chia rẽ đó sao?! Ngay như truyện Tiên Rồng, truyện cổ tích về nguồn gốc dân tộc, thì khởi thủy cũng là một sự chia lìa giữa 100 đứa con của ông vua Rồng (Lạc Long Quân) và bà vợ Tiên (Âu Cơ). Chúng ta thường tự hào về nguồn gốc Tiên Rồng của mình, nhưng suy cho kỹ thì Tiên Rồng phải chia rẽ nhau. Đã nói chia rẽ thì còn đoàn kết ở đâu. Sách Việt Nam Sử Lược, trang 12, Trần Trọng Kim viết:

    "Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai (* -TTK chú thích: "Có sách chép rằng Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng nở ra một trăm người con trai"). Lạc Long quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là dòng dõi Long quân, nhà ngươi là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được. Nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem năm mươi đứa lên núi, còn năm mươi đứa ta đem xuống bể Nam Hải."

    Thần thoại Mường cũng nói: "Một ngày kia có một cây si to lớn mọc trên núi cao, bị bão đổ xuống, trong đó bay ra một đôi chim lớn. Chúng đến ở động Hào, ngày nay là hang đá Ma Chung Diên, ở về xóm Phú Nhiên làng Ngọc Hào, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Đôi chim này đẻ ra một trăm cái trứng, trong đó có ba cái lớn dị thường. Đẻ xong, đôi chim biến thành người, gọi tên là Ay và Ua tức là hai con người đầu tiên ở trên mặt đất.

    “Đã năm tháng qua mà không một cái trứng nào nở cả, thất vọng, Ay và Ua mới vào rừng. Gặp hai bà tiên tên là Dam Cha Cu và Gia Cha Cang, hai người liền bày tỏ nỗi lo âu. Hai bà tiên bảo:

    "Hai con hãy về xếp lớp, cứ mỗi lớp năm chục quả trứng. Lấy thứ cỏ huyền diệu này về để ấp trứng. Cứ năm ngày lại thay đổi, lớp trên xuống dưới, lớp trứng ở dưới để lên trên. Cứ thế, sau năm mươi ngày cả trăm trứng sẽ nở ra con." Ay và Ua chưa kịp tạ ơn, hai bà tiên đã biến mất trong rừng. Trở về hang, Ay và Ua làm y theo lời các bà tiên, và năm mươi ngày sau, chín mươi bảy quả trứng nở thành người: năm mươi người về đồng bằng thành người Kinh, còn bốn mươi bảy người ở mạn ngược..." (Việt Nam Văn Học Toàn Thư- cuốn I -Thần Thoại - Hoàng Trọng Miên - trang 111).

    Cũng thần thoại Mèo nói trời đất sinh ra một trái bầu, có trăm đứa trẻ. Trời bèn lấy dùi sắt nung đỏ dùi vào trái bầu một lỗ cho trẻ chui ra. Những đứa gần lỗ dùi, vì nóng nên da chúng đen, ấy là người miền núi, những đứa ở xa lỗ dùi, không bị nóng nên da trắng. Ấy là người Kinh.

    Nói chung thì bao giờ cũng có một sự chia rẽ trong thần thoại hay cổ tích như trên. Hoặc vì tiên rồng mà xa nhau, hoặc vì da đen da trắng mà xa nhau.

    Xem như vậy, kêu gọi đoàn kết là vì có chia rẽ. Nếu không có chia rẽ, không ai phải kêu gọi đoàn kết làm gì. Sự kêu gọi đó, đã xuất hiện từ lâu lắm, ngay từ khi hoặc trước khi ông cha chúng ta lập quốc. Ngay như cộng đồng VN ở Mỹ, ở rất nhiều thành phố, sự chia rẽ là rất rõ ràng.
    Người qua đã lâu, giàu có; người mới qua sau, còn nghèo; người có chức quyền trong chế độ cũ, người không có gì, thậm chí ngày trước là đào binh, trốn quân dịch hay Việt Cọng hay từ miền Bắc VN tới, v.v... và v.v...
    Khi người Tàu qua đô hộ ta, kể từ năm 111 trước Tây lịch, thì đã không ít người chạy theo người Tàu mà kiếm vinh hoa phú quí, nhẫn tâm sống trên sự đau khổ của đồng loại. Do đó, ngay khi khởi nghĩa chống Tô Định, hai bà Trưng đã phải kêu gọi:

    Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
    Người trong một nước phải thương nhau cùng.

    Sử chép rằng:

    "Năm giáp ngọ (34), là năm Kiến Võ thứ 10, vua Quang Vũ (nhà Hán -tg) sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao chỉ.

    Tô Định là người bạo ngược, chính sách tàn ác, người Giao chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm canh tý (40), người ấy lại giết Thi Sách, người ở quận Châu Diên (Phủ Vĩnh Tường, trước thuộc Sơn Tây, nay thuốc Vĩnh Yên).

    Vợ Thi Sách là Trưng Trắc con gái quan lạc tướng ở huyện Mê Linh (làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên), cùng với em gái là Trưng Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về quận Nam Hải.

    Lúc bấy giờ những quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng thị. Chẳng bao lâu, quân hai bà hạ được 65 thành trì. Hai bà tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh, là chốn quê nhà.

    Dân tộc VN chúng ta sống trên một dãi đất hẹp, phía Đông là biển, phía Tây là núi. Muốn tồn tại, cha ông chúng ta phải chiến đấu ở cả hai mặt Bắc và Nam. Mặt Bắc thì chống lại người Tàu xâm lăng, mặt Nam thì phải đánh nhau với người Chiêm Thành, người Chân Lạp, người Lão qua và cả người Xiêm la (Thái Lan ngày nay) để mở mang bờ cõi. Do vậy mà người đàn ông lắm khi phải đi xa, để tham gia chiến tranh. Ngay trong thời bình cũng phải ra biên ải để canh phòng. Trong viễn ảnh đó, một mặt thì người đàn bà khuyên chồng mạnh dạn lên đuờng, một mặt thì kiên trì chờ đợi:

    Anh ơi phải lính thì đi,
    Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em.

    Tuy khuyên chồng hăng hái lên đường nhưng trong lòng thì đau đớn lắm.

    Sống bên cạnh anh khổng lồ, luôn luôn tìm cơ hội nhòm ngó xâm chiến nước ta nên việc canh phòng biên ải không thể bỏ ngơ. Người đàn ông phải đi thú, ba năm một kỳ mới về. Người lính thú:

    Ngang lưng thì thắt bao vàng,
    Đầu đội nón dấu vai mang súng dài.
    Một tay thì cắp hỏa mai,
    Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền.
    Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
    Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
    Ba năm đẵn gỗ trên gàn,
    Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai.
    Miệng ăn măng trúc măng mai,
    Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng

    Bao vàng: thắt lưng màu vàng. Nón dấu: gần giống như nón lá nhưng nhỏ hơn, có chóp đồng. Súng dài # súng hỏa mai: Súng ngày xưa, bắn phải châm ngòi. Trống đánh ngũ liên: Trống đánh năm tiếng một liền nhau, thúc gịuc quân lính lên đường. Măng trúc măng mai: Một loại măng miền núi. Giang và nứa: Một loại tre thân dài mọc theo triền núi.

    Miền núi không đủ gạo ăn nên người vợ:

    (Con cò lặn lội bờ sông), Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

    Nàng về nuôi cái cùng con, Để anh đi trẩy nước non Cao bằng.

    Đi trẩy là đi lính thú, ra ngoài biên ải để canh phòng bọn xâm lăng. Ngày nay đi lính còn được lãnh lương tiền nuôi vợ con. Ngày xưa thì coi như lính... quân dịch, có nghĩa là lính không lương, còn phải nhờ tiếp tế của gia đình.

    Trong ca dao, con cò thường tượng trưng cho người đàn bà Việt nam, phải nuôi con thay chồng khi chồng đi lính thú, khi chồng không có việc làm, chưa có sự nghiệp. Với Nguyễn Công Trứ thì:

    Con cò lặn lội bờ sông,
    Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
    Lộ diệc vũ tùng trung chi nhất,
    Thương cái cò lặn lội bờ sông,
    Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng.
    Ngoài nghìn dặm một trời một bước.
    Trông bóng nhạn bâng khuâng từng bước...

    Với Trần Tế Xương, khâm phục và thương xót vợ vì:

    Lặn lội thân cò nơi quảng vắng,
    Eo sèo mặt nước buổi đò đông

    Sự tích núi Vọng Phu có lẽ nhiều người biết, nhưng chúng ta cần hiểu thêm một sự phi thường khác của người đàn bà VN. Ôm con chờ chồng là một sự kiên nhẫn bình thường. Ôm con chờ chồng đến hóa đá là sự kiên nhẫn phi thường mà chỉ có người đàn bà VN mới làm được. Các dân tộc khác không thể có được.

    Vậy mà, đâu chỉ là một Hòn Vọng Phu ở Lạng sơn mà thôi.

    "Đồng Đăng có phố Kỳ lừa,
    Có nàng Tô thị, có chùa Tam thanh."

    Dọc theo chiều dài đất nước, có biết bao nhiêu là núi Vọng phu. Núi Vọng phu ở Thanh hóa, ở phía trong đèo Cả (thuộc Phú Yên) và đèo Mẹ Bồng con ở Long Khánh. Nỗi chờ chồng khổ đau của người đàn bà cao như núi, không chỉ là một núi mà rất nhiều núi, từ những ngọn núi ở Lạng Sơn ở cực bắc chạy dài cho tới những ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn.

    Chuyện nàng Tô thị, chuyện núi Vọng phu thì nhiều, mỗi nơi một cách. Tuy nhiên, nhìn chung, người ta vẫn thường nghĩ rằng đó là câu chuyện một người đàn bà chờ chồng đi chinh chiến lâu ngày không về, khiến người vợ phải chờ chồng lâu đến hóa đá. Có lẽ người ta chịu ảnh hưởng "Chinh Phụ ngâm" chăng? Nhạc sĩ Lê Thương cũng nghĩ như vậy. Ông còn cho rằng người chồng đó là người lính -một chinh phu- đi mở mang bờ cõi về phía Nam. Ông còn dùng những hình ảnh, những địa danh trong bài hát Hòn Vọng Phu (bài 1, 2 và 3) là những địa danh trong "Chinh Phụ Ngâm" hay trong lịch sử lấy đất Chiêm Thành.

    "Bên Man khê còn trong gió buị mịt mờ, Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng. (Hòn Vọng Phu 1).

    Thì trong "Chinh Phụ Ngâm" cũng có:

    "Tới Man Khê bàn sự Phục Ba"

    Phục Ba Tướng Quân là Mã Viên, người cầm quân đi đánh Man Khê. Cũng trong "Chinh Phụ Ngạm":

    Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
    Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng."

    "Nơi phía Nam, giữa núi mờ." Có phải đó là Hòn vọng Phu ngang đèo Cả. "Đường Cổ Lũy, đường Ải quan, đường Rừng lá Nước trong," là địa danh những vùng đất phía nam Trung Việt hay vùng khởi đầu đất Nam Việt.

    Tiếng ai trên núi véo von,
    Phải chăng chú lính trên hòn Cù Mông.
    Xa xa em đứng em trông,
    Hỏi chàng lính mộ thử chồng em đâu.

    Kể từ Hải Vân trở về Nam, chúng ta có nhiều quan ải. Có lẽ sau khi chiếm cứ một vùng nào đó, nhà vua sai lập một quan ải đẻ giữ gìn bờ cõi. Ví dụ Ải Vân Quan ở trên đèo Hải Vân, (Ải Vân là tên cũ, ghi trong sách sử, Hải Vân là tên thường gọi ngày nay), cao 510 mét, giữa Thừa Thiên và Quảng Nam.

    "Chiều chiều gió thổi Ải vân,
    Chim kêu ghềnh đá gẫm thân em buồn."

    Đó là tâm trạng người vợ thương chồng nơi ải quan.

    Cứ theo sử thì đời Trần Anh Tông, bờ cõi phía Nam của ta đã mở tới Ải Vân. Và Ải Vân trở thành một quan ải để giữ bờ cõi phía nam.

    Hai Châu Ô Lý vuông ngàn dặm,
    Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi.

    Hai câu này không phài là ca dao mà là thơ cổ.

    Năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng (Nhân Tông) đi sang Chiêm Thành xem phong cảnh, có ước gã Huyển Trân Công Chúa cho vua Chiêm là Chế Mân. Được ít lâu Chế Mân cho người đem vàng bạc và các sản vật sang cống và xin cưới. Triều thần có người không thuận. Chế Mân lại xin dâng châu Ô và châu Ri (Lý) để làm lễ cưới, bấy giờ Anh Tông mới quyết ý thuận gã. Đến tháng sáu năm Bính Ngọ (1306) cho công chúa về Chiêm Thành.

    Sang năm sau (1307) vua Anh Tông thu nhận hai châu Ô và Ri, đổi tên là Thuận châu và Hóa châu...

    (Việt Nam Sử Lược- Cuốn I-

    Trần Trọng Kim- trang 167)

    Đâu có riêng gì "Triều thần có người không thuận" như Trần Trọng Kim viết mà trong dân gian cũng có nhiều người thương tiếc:

    "Tiếc thay cây quế giữa rừng,
    Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.

    Hay:

    Tiếc thay hột gạo trắng ngần
    Đã vo nước đục lại vần lửa rơm

    Cây Quế là ám chỉ Huyền Trân công chúa. Giữa rừng là giữa xứ Chiêm. Người nước ta coi thường Chiêm thành, xem họ như thổ dân miền núi (Mán, Mường).

    Hột gạo trắng ngần là Công Chúa Huyền Trân. Nước đục là vua Chiêm, lửa rơm ám chỉ Trần khắc Chung.

    Huyền Trân Công Chúa lấy vua Chiêm Chế Mân được một năm thì Chế Mân mất. Theo tục lệ Chiêm Thành, vợ phải thiêu theo chồng. Vì vậy vua nhà Trần mới sai Trần Khắc Chung, trước là giả đi đám tang, sau là bắt cóc Công Chúa Huyền Trân đem về Bắc. Trần Khắc Chung là người yêu cũ của Công Chúa Huyền Trân. Hai người trốn đi bằng thuyền, gặp bão bị "lạc", phải một năm sau mới về tới Thăng Long.

    Ai bảo là tổ tiên chúng ta không kỳ thị, không phân biệt đối xử?

    Công lao của công chúa Huyền Trân rất to lớn. Ngày nay có ai về Huế, khen ngợi nơi này phong cảnh đẹp đẽ hữu tình, non xanh nước biếc thì hãy vui lòng nhớ rằng có được nơi này là nhờ công lao của một gái thuyền quyên. Một gái thuyền quyên đáng gì với hai châu Ô-Lý vuông ngàn dặm như câu thơ trích dẫn ở trên.

    Đoạn sử ở trên có viết: "Đổi làm Thuận châu và Hóa châu." Sau này gọi chung là Thuận Hóa. Hóa, nói trại là HUẾ vậy. Vậy mà người Huế có ai biết đến công lao của một công chúa Huyền Trân, có một ngày lễ húy nào trong năm để nhớ công ơn của bà?

    Trong ca Huế có bài Nam Bình nói về Công Chúa Huyền Trân như sau:

    Nước non ngàn dặm ra đi,
    Cái tình chi,
    Mượn màu son phấn
    Đền nợ Ô Ly,
    Tiếc thay vì đương độ xuân thì
    Số lao đao hay nợ duyên gì
    Má hồng da tuyết
    Cũng như liễu hoa tàn trăng khuyết
    Vàng lộn theo chì
    Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì
    Thấy chim hồng nhạn bay đi
    Tình lai láng
    Hướng dương hoa quì
    Dặn một lời Mân quân
    Như chuyện mà như nguyện
    Đặng vài phân
    Vì lợi cho dân
    Tình đem lại mà cân
    Đắng cay muôn phần./

    Giữa thế kỷ thứ 17, vì chiến tranh trong cuộc "Nam Bắc phân tranh", dân ở phía Bắc bèn bỏ vào vùng Mô Xoài và Lộc Dã (Biên Hòa- Đồng Nai ngày nay) để làm lụng sinh nhai. Tuy nhiên, họ thường bị người Chân Lạp quấy phá.

    Để bảo vệ dân gian của mình, chúa Nguyễn, lại dùng "Mỹ nhân kế" một lần nữa, gã Ngọc Vạn công chúa cho vua Chân Lạp. Tiếc rằng, việc hy sinh của "gái thuyền quyên" này không thấy sách sử hay một câu ca dao nào như trong câu chuyện công chúa Huyền Trân.

    Hải Vân là một chặng đường Nam Tiến. Cù Mông là một chặng đường Nam tiến khác. Ở đó có chàng lính mộ giữ gìn biên ải và có người vợ lặn lội đường xa đi tìm thăm chồng: "Tiếng ai trên núi véo von... ". Cù Mông thuộc tỉnh Bình Định. Đèo Cả (có nghĩa là đèo lớn nhất) ở ngay ranh giới tỉnh Bình Định và Phú Yên.

    Năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn đem quân đánh phá Hóa châu. Vua Lê Thánh Tôn bèn thân chinh cầm quân dẹp giặc. Quân ta đánh vào cửa Thị Nại (Qui Nhơn) rồi vây thành Đồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn.

    Bấy giờ vua Thánh Tông muốn cho Chiêm Thành không còn sức quấy phá nước ta nữa, bèn lấy đất Đồ Bàn (Bình Định) sát nhập vào nước ta, lập thêm đạo Quảng Nam, còn phần đất còn lại (gồm Phú Yên-Khánh Hòa-Phan Rang-Phan Thiết ngày nay) thì dùng chính sách chia để trị, phân làm 3 nước nhỏ là Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan với 3 ông vua không thuận thảo với nhau. Từ đó, coi như Chiêm Thành bị tiêu diệt, không bao giờ nổi lên được để chống phá nước ta nữa. Ai bảo rằng chính sách thực đân của ông cha chúng ta là không "độc địa"?

    Sau chiến công này, vua Thánh Tông lên đèo Cả, viết một bài thơ rồi cho khắc vào núi đá, kể công lao của ông. Núi đá này gọi là Thạch Bi Sơn, nôm na là Núi Đá Bia.

    Tiếng ai trên núi véo von? Đó là Hải Vân, Cù Mông, Đèo Cả, những chặng đường Nam tiến...

    Cũng lại có một nàng công chúa về làm dâu Bình Định:

    Gió đưa mười tám lá xoài,
    Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi.

    Xoài Bình Định nổi tiếng ngon. Lấy chồng Bình Định là trường hợp Ngọc Hân công chúa lấy Nguyễn Huệ, ông quê ở Bình Định. Nhưng tại sao "mười tám lá xoài". Cô gái ấy lấy chồng khi mười tám tuổi chăng? Nhưng Ngọc Hân công chúa lấy Nguyễn Huệ khi bà mới mười sáu tuổi.

    Cũng về phía Nam, cuộc đời chiến binh đưa tôi đi nhiều nơi. Nghiệm với "Hương Rừng Cà Mâu" của Sơn Nam, tôi cũng tìm ra vài điều tương ứng với sách. Khi "Gia Long tẩu quốc" -có nghĩa là ông bị Nguyễn Huệ đuổi riết phải chạy trốn sang Xiêm la (Thái lan ngày nay). Ông để lại nhiều lính tráng và cả "cung tần mỹ nữ" không kịp theo ông. Những người này không dám về quê cũ ở ngoài kia nữa (Thuận Hóa- Quảng Nam) vì sợ nhà Tây Sơn bắt tội. Họ đã định cư ở vùng đất mới. Rồi ngược lại, khi "Gia Long thống nhất sơn hà" thì những người dân Bình Định từng theo Tây Sơn đành trốn lại miền Tây Nam bộ. (Có nghĩa là những đối thủ cũ đã "hòa hợp hòa giải" khi họ không còn quyền lực, không còn vũ khí, không còn chủ nghĩa (theo Nguyễn Ánh hay Nguyễn Huệ). Họ chỉ còn là những người dân bình thường. Có biết như thế mới hiểu được câu ca dao:

    Rồng chầu ngoài Huế,
    Ngựa tế Đồng nai.
    Nước sông xanh sao lại chảy hoài,
    Thương người xa xứ lạc loài đến đây.

    Nhà Nguyễn đã lên ngôi (Rồng chầu ngoài Huế). Việc cai trị đã ổn định ở Miền Nam (Ngựa tế Đồng Nai). Người lính Tây Sơn vốn đã lăn lộn nhiều nơi, nay cũng không dám trở về quê cũ (Bình Định) như dòng nước xanh vẫn trôi mãi không ngừng, trở thành kẻ xa xứ lạc loài, gây lòng thương cảm cho người khác.

    Mấy chục năm trước đây, đọc "Chú Tư Cầu" của Lê Xuyên, tôi thấy có câu ca dao rất hay nhưng chỉ là của dân Nam bộ:

    Tàu xúp lê một còn thương còn nhớ.
    Tàu xúp lê hai còm đợi còn chờ
    Tàu xúp lê ba, tàu ra biển Bắc
    Tay vịn song sắt nước mắt chảy ròng ròng.
    Đôi ta mới ngộ (1) mà ông Trời không thương.

    (1) Ngộ là gặp gỡ.

    Tàu có xúp lê là tàu chạy bằng hơi nước, tàu Tây, là thời kỳ Tây đã đô hộ ta. Tàu ra biển Bắc là tàu đi Tây (Pháp). Xúp lê hồi một: Lòng còn thương nhớ. Xúp lê hồi hai: Còn chờ đợi. Xúp lê hồi ba: Tàu đã đi xa rồi, là vĩnh biệt. Còn chăng chỉ là tay vịn song sắt nhớ về cố hương, nhớ người yêu cũ mà khóc ròng.

    Khi tôi bị đổi về miền Tây, có dịp hỏi thăm các cụ già về câu ca dao trên. Họ cho biết đó là câu ca dao tả lòng người niềm Nam đi tham gia đánh Đức bên Pháp hồi thế giới chiến tranh, không rõ là cuộc chiến thứ nhất hay thứ hai.

    Ở Trị Thiên có câu hò:

    Gió đưa cây cải về trời,
    Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.

    Trong 10 năm dạy môn Văn Chương Bình Dân cho học trò trung học Đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), mặc dù tôi có đưa câu ca dao này vào sách giáo khoa của tôi nhưng tôi không hiểu rõ nghĩa lắm. Tôi có hỏi vài người quen ở quê nhưng họ cũng đành chịu. Tôi lại ra đề cho học trò đi sưu tầm nhưng cũng không có kết quả. Tôi hiểu lờ mờ bằng cách đoán chừng rằng ở nhà quê của ta, phía vườn sau, thường là chỗ "ảng nước" có đặt lu nước rữa mặt, chân tay, chủ nhà thường đánh một vồng đất nhỏ để trồng ít rau răm (gần ảng nước cho dễ tưới). Tiết kiệm đất, tới gần tết, người ta "dăm" thêm vào đó ít cây cải để ăn Tết. Hết mùa lạnh, người ta nhổ cải, chừa rau răm lại. Cải chỉ trồng theo mùa (mùa lạnh, hết lạnh cải không được tốt). Rau răm thì có tính "lưu niên", có thể trồng một lần nhưng để được một năm hay lâu hơn. Có thể ví hai người vợ bé, lẽ mọn một chồng, theo tục đa thê ngày xưa. Một người đã qua đời (Cây cải về trời) nhưng một người còn đó để chịu lời chì chiết của bà vợ cả (chịu lời đắng cay). Có thể là hai con ở (mari Sến), một chị đã mãn mùa (ngày xưa người ta thuê người ở theo mùa, không theo năm như sau này), đã về làng cũ, cũng có thể là đã chết, còn một chị ở lại chịu lời đay nghiến của bà chủ.

    Hiểu vậy là sai.

    Cách đây mấy hôm, khi tôi dịch cuốn "Văn Chương Bình Dân Việtnam" mà tôi đã soạn cách đây bốn mươi năm để dạy học trò, đọc lại cuốn "Thần Thoại Việt Nam" của Nguyển Tử Năng, trong có truyện "Đức Bà An Hải" là truyện nói tới bà Răm và con là cậu Cải và câu ca dao Răm Cải ở trên, tôi mừng hết sức, như bắt được vàng. Một câu ca dao đeo đẵng tôi gần nửa thế kỷ, nay mới hiểu hết ý nghĩa của nó, không mừng sao được.

    Truyện kể rằng:

    Đời Hiển Tông nhà Lê, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi vào Nam, rồi chạy ra Côn Đảo (Pulau Condor). Bấy giờ Nguyễn Ánh thua thất điên bát đão nhiều trận, thế cùng lực tận. Ông bèn nói với giám mục Bá Đa Lộc (Pignau De Behaine) đem con trai của ông là Hội An, tên tục là Cải, về Pháp để xin viện binh (Việc này xảy ra trước việc Hoàng tử Cảnh). Mẹ của Hội An (tức Cải) là bà Phi Yến, tên tục là Răm mới can rằng:

    - “Việc đánh nhau với Tây Sơn là việc trong nhà, nên dấy nghĩa binh mà chống lại. Rước người ngoại quốc (Việt Cọng gọi là người nước ngoài) vào có thể gây hậu họa, sau nữa dân chúng chê cười.”

    Nguyễn Ánh không những không nghe, còn nổi giận đùng đùng, cho rằng Phi Yến tư thông với giặc, ra lệnh chém. Quan quyền xông lại can, Nguyễn Ánh mới cho đem giam bà Phi Yến vào hang đá, chờ hậu xét. Khi bị đem đi giam, bà Phi Yến chỉ đem theo ít bánh, đủ ăn trong mười ngày (cũng giống như đi cải tạo, đem theo lương thực 10 ngày!!!) và một con vượn trắng làm bạn.

    Ít bữa sau, quân Tây Sơn đánh tới. Nguyễn Ánh vực gia quyến và một ít tàn binh lên thuyền tính chạy ra Phú Quốc. Khi lên ghe, cậu Hội An đòi đem mẹ theo cho được, không thì cho cậu ở lại với mẹ. Nguyễn Ánh giận lắm, cho là giống phản phúc, cũng theo mẹ mà tư thông với giặc thôi, bèn ném cậu xuống biển, nói:

    - “Mày muốn theo mẹ mày thì tao cho theo.”

    Cậu Hội An chết đưối. May nhờ có con cọp đen mà cậu nuôi từ nhỏ, nhảy theo cậu xuống biển rồi lôi xác cậu vào bờ, moi đất mà chôn. Dân làng biết, bèn đến đắp mộ tử tế.

    Do vậy mới có câu ca dao:


    Gió đưa cây Cải về trời,
    Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay.

    Cậu Cải (Hội An) chết sớm, mẹ cậu là Răm (tức bà Phi Yến) còn sống. Còn lời đắng cay thì do đâu mà ra? Sách của NTN cũng viết là "lời". Có thể đó là "Đời" mà không phải là "Lời" chăng? Chịu đời đắng cay là đời cô quạnh, con chết, chồng bỏ đó chăng? Người đàn bà có hai nỗi khổ lớn nhất trong đời họ: Một là con chết, hai là chồng bỏ. Bà Phi Yến gặp cả hai cảnh ngộ khổ đau này, không phải là "Đời đắng cay" đó sao? Còn "lời đắng cay" là lời trách mắng, chì chiết, chê bai... thì đâu có ai nói điều đó với bà Phi Yến đâu?

    Chuyện kể tiếp rằng:

    Một hôm cọp đi lang thang gặp vượn đi hái trái cây về cho bà Phi Yến, bèn nhận ra nhau là "bạn" (vì được nuôi cùng một nhà từ nhỏ). Vượn đưa cọp về hang. Cọp lấy lưng mà đẩy tảng đá che cửa hang lại rồi cả ba về làng.

    Một hôm, làng An Hải mở hội, bèn mời bà Phi Yến đến dự. Lúc đó bà mới 23 tuổi. Một tên vô lại họ Biện, thấy bà đẹp bèn đến nắm tay bà. Làng bắt tội nó, phải đòn. Riêng bà Phi Yến, theo tục lệ xưa, có chồng mà để cho người lạ nắm tay cũng là thất tiết với chồng nên bà cắn lưỡi tự tử. Dân làng chôn cất tử tế và xây đền thờ cả hai mẹ con.

    Người ta đồn là hai mẹ con bà hiển thánh, thường hay cứu độ dân làng. Những đêm mưa to gió lớn, họ nghe vọng từ trên trời xuống tiếng hai mẹ con khóc than vì số phận đắng cay của họ.

    Sau khi Pháp cai trị nước ta, chúng cho xây một nhà tù thật lớn ở Côn Đảo (Việt cọng gọi là traị cải tạo, không gọi là nhà tù). Đinh quang Giáo, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân là những người làm cách mạng chống Pháp, bị tù đầu tiên giam ở nhà tù nổi tiếng này, coi như là "tù trưởng".

    Đinh Quang Giáo đóng bè vượt ngục. Giữa biển, sóng đánh rơi mất lu nước ngọt ông mang theo, cơ hồ chết khát. Nghe danh Đức Bà An Hải (danh xưng dân làng An Hải gọi bà Phi Yến) linh thiêng, ông liền khấn nguyện. Chỉ một lúc sau, trời mưa xuống. Ông hứng được nước ngọt mà thoát chết. Đinh Quang Giáo được thuyền buôn của người Tàu chạy đường Hongkong-Singapor cứu thoát, đưa về Tàu. Sau ông đổi tên là Hiếu Văn, tốt nghiệp trường võ bị Hoàng Phố, đóng lon "Trung Tá" và tử trận khi ông đêm quân tấn công quân đội của Trương Tác Lâm ở Hoa Bắc.

    Bà Phi Yến quê ở đâu?

    Không có sách nào nói tới.

    Trong nam, tôi đi đã nhiều, từ Long An, Gò Công về tới Hà Tiên, Rạch giá, Cà Mâu, v.v... Người miền Nam không có tục đặt "ảng nước" trồng rau răm và cải chung một luống như ở miền Trung hay miền Bắc. Ở phía ngoài, dân đông, đất ít, tiết kiệm đất mới phải trồng chung rau răm và cải một luống như vậy.

    Sau khi Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương bị nhà Tây Sơn giết, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ rút về Trung thì Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh) mới hội binh với Đỗ Thành Nhân, Tống Phước Khuông, Lê Văn Câu v,v... lấy lại Saicôn (Saigon bây giờ). Đó là năm 1778, Nguyễn Ánh mới 17 tuổi. Ba năm trước, 1775, khi Nguyễn Nhạc khởi binh chống chúa Nguyễn, chiếm Qui Nhơn rồi Quảng Nam, Nguyễn Ánh theo gia đình chạy vào nam, mới 15 tuổi, có lẽ lúc ấy ông chưa có vợ. Chắc là ông lấy bà Phi Yến lúc sau này, khi ông chạy vào đất Gia định rồi.

    Cách đặt tên nôm na theo các sự vật gần gủi là một tục lệ xưa của người Việt Nam: Thằng Tre, Con Măng, Ỗi, Xoài, Ruộng, Lúa, Mạ, v.v... Bà Răm (Phi Yến) cậu Cải (Hội An) cũng được đặt tên theo thói tục đó, không kể là người Nam hay người Bắc. Chỉ khi làm bà vương bà tướng thì mới đổi là Phi Yến (Chim yến đang bay) nghe cho hay. Không lý có bà Chúa Răm? Đó cũng là thường tình, thiên hạ thiếu chi! Tuy nhiên bà Răm cũng là người hay chữ, có nghĩa là bà con nhà quan (không chắc là nhà giàu vì ngày xưa nhà giàu chưa chắc đã hay chữ). Khi con chết, chồng bỏ, bà có làm bài thơ oán than cho số mệnh như sau:

    Đốt nén hương thề lạy hóa công,
    Vì can mắc tội tiếng thông đồng.
    Ngai vàng một thuở ngồi chưa vững,
    Hang đá nghìn năm lệ nhỏ hồng.
    Máu chảy ruột mềm đau phận thiếp,
    Nồi da xáo thịt thỏa tình ông.
    Sầu sông thảm núi hờn hoa cỏ
    Con hỡi hồn con, chồng hỡi chồng.

    Nhưng tên thành phố Hội An thì đã có từ lâu, thời "Nam Bắc phân tranh", sau khi Chúa Nguyễn cai trị và mở mang vùng Quảng Nam (Phía nam nói chung, không riêng gì tỉnh Quảng Nam bây giờ). Đằng Ngoài thì có Phố Hiến (Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến), Đằng trong thì có Hội An. Faifo chỉ là tên thời thực dân sau này.

    Khi đặt tên cho cậu Cải là Hội An, có nghĩa là "hoài cố hương" đó chăng? Tên đó do Nguyễn Ánh hay bà Răm đặt cho con? Không biết được!

    Vấn đề tuy còn mơ hồ nhưng cứ căn cứ vào những ý vừa trình bày, có lẽ bà Phi Yến không phải là dân... Nam bộ.

    Hiểu ca dao như tôi nói ở trên không hẵn là đúng. Xin nhờ các vị nào hiểu thâm sâu hơn, hay chính là người nơi câu ca dao xuất xứ, xin cho lãnh hội.

    Bài này tôi viết ra cũng để tạ ơn học giả Thái Văn Kiểm. Năm 1958, tôi có đọc một bài của học giả đang trên tờ Phụng Sự, giới thiệu chặng đường Nam tiến của dân tộc ta có liên quan đến ca dao. Bài viết của học giả hồi ấy đã gợi hứng cho tôi thực hiện một cuộc hành trình vào ca dao kể từ khi đó cho tới bây giờ.


    Hoàng Long Hải/Tuệ Chương.
    Khi bạn cười thì sẽ có người cùng cười với bạn
    Nhưng khi bạn khóc thì bạn cũng sẽ chỉ khóc một mình

  • #2
    Vài cảm nghĩ về tình tự dân tộc Miền Nam và Ca Dao

    Hòa Đa

    Kính Tặng Má,
    tặng Hồng, vợ tôi,
    người đã ru con bằng ca dao.

    Một trong những thiếu sót trong chương trình học ở Việt Nam từ trước đến nay là sự mất cân đối trong việc giới thiệu đến học sinh những dữ kiện về văn học theo sự phân bố về địa dư. Nói cho rõ hơn, chương trình văn ở bậc trung học nghiêng nặng về những tác giả tác phẩm ở ngoài Bắc và đã bỏ quên những sinh hoạt văn học trong Nam. Không thể chối cãi là ở trung học, chúng ta học quá nhiều về Tự Lực Văn Đoàn, về Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo... mà không hề nói gì về những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc...chẳng hạn; chúng ta học quá nhiều về Nam Phong, Đông Dương tạp chí, học Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh... mà không nhắc gì về Gia Định Báo, Phụ Nữ Tân Văn, Phan Khôi... Có thể nói, trong mọi lãnh vực về văn học ở chương trình trung học, miền Nam đã bị bỏ quên, khiến cho sau bao nhiêu năm, sự lãnh hội về kiến thức trong chúng ta về văn học đã bị thiếu sót.

    Ca dao miền Nam cũng chịu chung số phận như thế.

    Mặc dù không hề được nhắc đến ở trường học, nhưng ca dao miền Nam vẫn có sức sống của nó. Chẳng những thế nó còn được phát triển mạnh và là một sinh hoạt tiềm tàng trong cuộc sống của người bình dân, cho dù chúng ta không còn thấy những màn hò đối đáp trong công việc hàng ngày ở trên đồng ruộng, sân lúa hay trên sông rạch như tiểu thuyết đã mô tả. Nó nằm ngay trên cửa miệng người bình dân, họ đọc ra như một phản xạ tự nhiên phù hạp với hoàn cảnh đang xảy ra không chê được.

    Chẳng hạn, thấy một chàng trai ở rể bị lợi dụng, miệng đời đã có câu đàm tiếu:

    Công anh làm rể đốn rào
    Tào lao phất ngọn, chớ nào vợ anh? (1)

    Câu này làm chúng ta nghĩ ngay đến câu tương tự ở ngoài Bắc:

    Công anh làm rể chương đài
    Một mình ăn hết mười hai vại cà,
    Giếng đâu thì dắt anh ra
    Không thì anh chết với cà nhà em.

    Hay để trêu chọc sự dan díu ngoài khuôn phép của gia đình và xã hội của một đôi trai gái, chúng ta đã có sẵn câu:

    Mùng ba thì có trăng non,
    Anh đi lên xuống có con anh bồng

    Nó cũng nằm ngay trong câu hát ru con của các mẹ, các chị bình dân, những câu ca dao cứ tuần tự tuôn ra một cách tự nhiên, không gò ép, không sửa soạn, cứ hết câu này đến câu khác, ru trẻ vào giấc ngủ. Nhiều khi họ còn dùng để diễn tả, kể lể tâm trạng của họ:

    - Má ơi đừng gả con xa,
    Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

    - Ví dầu cầu ván đóng đinh
    Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi

    - Giả đò mua khế bán chanh
    Giả đi đòi nợ thăm anh đỡ buồn

    ...

    Năm 1970, tôi về làm việc tại một tỉnh nhỏ ở đồng bằng Cửu Long nên có dịp tiếp xúc với người bình dân, nông dân. Sau 1975, do chính sách của chính quyền Việt Nam lúc bấy giờ, tôi lại có dịp sống hẳn ở nông thôn, gần gũi với nếp sống bình dị, làm quen với cách ứng xử, sinh hoạt của họ. Do đó xin nêu lên vài cảm nhận có tính rất chủ quan về ca dao miền Nam. Tôi không có tham vọng trình bày về ca dao miền Nam như một bài khảo cứu, công việc này xin dành cho những nhà biên khảo hay cho những công trình luận văn cao học, tiến sĩ. Cũng xin nói thêm, vì sự thuần nhất (một cách tương đối) về âm sắc trong cách nói, sự tương đồng về sinh hoạt, xin được nới rộng yếu tố địa dư miền Nam ra đến phần đất tam Phan (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết) mà do sự phân chia hành chánh, vùng này được xếp vào Trung phần. Và cũng xin nhấn mạnh bài viết chỉ nhằm đóng góp, nêu lên một phần di sản văn hóa bị bỏ quên trong văn học sử, tuyệt nhiên không có ý phân biệt địa phương.

    I. Vài nét về sự hình thành cư dân Miền Nam

    Kể từ sau cuộc hôn nhân Việt -Chiêm giữa Huyền Trân Công Chúa và Chế Mân , nước Việt chúng ta có thêm hai châu Ô, châu Rí (Thế kỷ XIV, XV). Để đối kháng với thế lực thống trị từ phía Bắc, Việt Nam cần phát triển hậu cứ, lập nền tảng kinh tế để phát triển tiềm năng kháng cự với Tàu, nên đã bắt đầu chú ý đến việc phát triển về địa lý vào phương Nam. Nhưng phải chờ đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá (năm 1558) và tuyên xưng là Chúa Nguyễn (năm 1600), hướng phát triển vào Nam mới được phát triển một cách có qui củ để tạo thành một thế lực ngang ngửa với chúa Trịnh ở miền Bắc. Với chính sách tầm ăn dâu, người Việt cứ bành trướng dần vào Nam. Những người tiền phong là những lính thú khai hoang lập ấp, họ là những người vừa chiến đấu vừa sản xuất. Họ cũng là những lưu dân từ vùng Thanh Nghệ, tìm đến phần đất của chúa Nguyễn để sinh sống, người có tài như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh... thì được trọng dụng, người bình dân thì được đưa vào dần trong Nam theo chân các tập đoàn quân sự khai hoang lập ấp. Họ cũng là những tù, hàng binh của Trịnh do Nguyễn bắt được, đưa sâu vào Nam để dễ bề quản thúc, kiểm soát... Cũng có những cuộc tình duyên có tính chính trị nhằm mở rộng lãnh thổ như cuộc tình duyên của công chúa Ngọc Hoan (hay Ngọc Vạn?) với vua Miên Chey Chetty dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi), bà hoàng người Việt này đã mang theo nhiều người Việt vào sinh sống ở vùng đất Chân Lạp. Sang thế kỷ XVII, các di thần nhà Minh không chấp nhận Thanh Triều đã đem bộ hạ và gia quyến vào xin đầu phục Chúa Nguyễn, Chúa Hiền cũng cho vào định cư vùng Đồng Nai, Biên Hòa (Trần Thắng Tài), Mỹ Tho (Dương Ngạn Địch, TrầnThượng Xuyên) và sau đó (2) vùng đất Hà Tiên do Mạc Cửu mộ dân khai thác được dâng cho Chúa Nguyễn.

    Khi Gia Long lên ngôi, một trong những chính sách quan trọng ở miền Nam là ổn định đời sống về kinh tế, miễn thuế cho cư dân thuộc vùng đã giúp nhà vua khi còn bôn đào trong thời chiến tranh với Tây Sơn. Sau Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị đã cho phát triển những đơn vị bán quân sự, cho đào kinh (3) khuyến khích việc mộ dân lập làng, tiếp tục miễn giảm thuế cho những vùng vừa khai thác nên dân số ngày càng đông . Thành phần cư dân hình thành trong vùng gồm phần đông là binh lính, di dân Việt từ Thuận-Quảng chuyên làm ruộng ít học, sau đó là người Miên, sống rải rác trong các sốc (làng Miên) trên những vùng đất cao ráo và người Hoa làm rẫy hay buôn bán, tập trung cạnh các con sông lớn, tạo thành những thị tứ thịnh vượng. Phát triển của vùng này chỉ được chú trọng vào quân sự và kinh tế, còn văn hóa chỉ phát triển có hệ thống về phía tôn giáo ở các miếu, đình, chùa.

    Hơn thế kỷ sau, Pháp xâm chiếm Việt Nam, chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ, miền Nam gần như mất hẳn ảnh hưởng chính quyền trung ương, văn hóa miền Nam cũng theo trào lưu đó mà biến đổi. Nền học cũ bị bãi bỏ, cái học mới chỉ để phục vụ cho chế độ thực dân. Đại đa số người dân miền Nam thiếu học, lại mất đi nguồn bổ sung nhân lực chính là các binh lính từ các phiên trấn thuộc chính quyền trung ương, sinh hoạt văn hóa thông thường và dễ dãi của người bình dân là hát hò với nhau.

    Với sự hinh thành về thành phần cư dân cho vùng đất miền Nam như thế, Sự giao lưu về văn hóa giữa ba nhóm cư dân nói trên (Việt, Miên, Hoa) nhất định phải xảy ra và vì vậy, chúng ta không thể không để ý đến tính đa văn hóa sẽ phát triển trên vùng đất này và có thể giải thích được tại sao văn hóa miền Nam không bị gò bó vào khuôn mẫu và có tính cách thuần nhất như ở miền Bắc. Người bình dân, lính thú... thiếu học, đơn giản, sống tương đối rải rác sẽ khó có thể có những sinh hoạt văn hóa dựa trên chữ viết, sân khấu... mà sinh hoạt truyền miệng, phóng khoáng hơn, dễ dãi hơn được phát tirển mạnh. Có điều nhận xét khá lý thú là âm sắc trong ngôn ngữ càng vào sâu trong Nam càng nhẹ dần, nhưng vốn từ vựng từ phía nam Hải Vân vẫn còn được duy trì thống nhất và được phát triển thêm, làm giàu thêm trong suốt chiều dài phát triển lãnh thổ về phía nam (4) . Tinh thần văn hóa ở phần đất này có những độc đáo, tự nhiên, bình dị và đôi khi đi đến sỗ sàng, trong khi tinh thần văn hóa ở phần đất thuộc Đàng Ngoài (thuộc chúa Trịnh) đã đạt đến mức tinh luyện, khuôn mẫu, nghiêm túc.

    Người dân miền Nam chịu ảnh hưởng của luồng văn hóa có tính bình dân của các văn nhân theo vào với Chúa Nguyễn trong giai đoạn đầu đan kết với những luồng văn hóa của Khmer, Hoa, Pháp, cộng với điều kiện sinh hoạt dễ dàng, đất rộng người thưa, sông sâu nước chảy, tài nguyên thiên nhiên thừa thải. Họ sống bình dị, không muốn bó mình trong những khuôn mẫu có sẵn là điều dễ hiểu. Có khi do điều kiện sinh hoạt riêng rẽ (trong giai đoạn đầu tiên không phải ở làng xã nào cũng có những bậc túc nho hay người biết chữ), nên sự tùy tiện trong giải thích hay trong sinh hoạt văn hóa làm nảy sinh tính dễ dãi, uyển chuyển, sao cũng được, miễn là mọi người vui và hạnh phúc là được rồi. Hơn nữa, đối với những con người tiền phong, sau những lúc phấn đấu với thiên nhiên còn mang tính hoang dã:

    Xứ đâu có xứ lạ lùng
    Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh

    hay

    Cà Mau khỉ khọt trên bưng
    Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um

    thì trong những lúc có dịp ngồi lại với nhau như sau vụ mùa, buổi chợ, trong những dịp ma chay cưới hỏi, cất nhà... người bình dân còn có nhu cầu giải trí nào khác ngoài những dạng nói thơ, kể chuyện tiếu lâm, hát, hò....? Họ không có khả năng ngâm vịnh, sáng tác.

    Ca dao miền Nam đã phát triển trong chiều hướng đó. Chính yếu tố bình dị, nghĩ sao nói vậy, mộc mạc, dễ hiểu đã làm cho ca dao miền Nam có sức sống rất mạnh, được quần chúng chấp nhận dễ dàng và do đó làm ảnh hưởng đến sự sinh hoạt và tư tưởng của quần chúng:

    - Hủ qua (khổ qua) xanh, hủ qua trắng
    Hủ qua mắc nắng hủ qua đèo
    Thương em, thì anh làm giấy giao kèo
    Lăn tay điểm chỉ mới thiệt con mèo của em

    - Thấy em gò má hồng hồng
    Phải chi em đừng mắc cỡ, anh bồng anh hun

    thật khó tìm thấy những câu tương tự như vậy ở ca dao miền Bắc.

    II. Vài tính chất có tính đặc trưng

    Ca dao, ở đâu cũng vậy, là sản phẩm của quần chúng. Chúng ta không biết tác giả hay hoàn cảnh sáng tác, nhưng chúng ta biết chắc một điều: ca dao được người bình dân biết đến, sử dụng và truyền bá. Không có quần chúng, ca dao nói riêng, văn chương bình dân nói chung không thể phát triển và lưu truyền. Qua ca dao, chúng ta có thể mường tượng được nếp sinh hoạt, hoàn cảnh sống và phần nào tâm tư của người bình dân. Do vậy, tuy ca dao có những cái chung nhưng cũng có những cái riêng của vùng. Chúng ta khó có thể tưởng tượng được ca dao miền Nam lại có những câu nói về núi cao, ao cá:

    - Núi cao chi lắm núi ơi,
    Che khuất mặt trời, không thấy người yêu.

    - Tiếc công anh đào ao nuôi cá,
    Năm bảy tháng trời, người lạ tới câu.

    dù trên thực tế, không phải người dân miền Nam không biết núi, biết ao.

    Chúng ta thử lược qua những tính chất đặc sắc của ca dao miền Nam.

    1/ Tính uyển chuyển.

    Một trong những nét dễ nhận thấy là người miền Nam không chịu bó trong những khuôn mẫu có sẵn, có lẽ do cuộc sống quá được ưu đãi từ thiên nhiên hào phóng, con người cũng trở nên phóng khoáng. Từ một câu có tính nhận xét trong đời sống hàng ngày, mà chúng ta thấy ở đâu cũng đúng:

    Chiều chiều quạ nói với diều
    Tìm nơi đống trấu có nhiều gà con

    vào đến miền Nam chúng ta nghe thấy nó biến thể thành:

    Chiều chiều quạ nói với diều
    Cù Lao Ông Chưởng (5) có nhiều cá tôm

    Người miền Nam có thể chuyển nhóm chữ "Cù Lao Ông Chưởng" thành một nhóm chữ nào đó thích hợp với địa danh họ đang sống, họ chẳng hề bị bó buộc phải rập khuôn theo câu ca có sẵn. Vùng Ô Môn, Bình Thủy (Cần thơ) cũng có câu tương tự, chỉ đổi bốn chữ cù lao Ông Chưởng bằng bốn chữ Ô Môn Bình Thủy. Chúng ta có thể tìm thấy dạng này khắp nơi ở miền Nam, lâu dần chúng ta không còn biết câu nào là nguyên bản, câu nào là sao chép. Ở vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười chúng ta có câu:

    Nước chảy Láng Linh, chảy ra Vàm Cú
    Thấy dáng em chèo, cặp vú muốn hun

    Nhưng vùng Trà Cú (Vĩnh Long - Vĩnh Bình), ta lại nghe:

    Nước chảy sông xa, chảy qua Trà Cú
    Thấy dáng em chèo, cặp vú muốn hun

    Một câu khác mà chúng ta ai cũng biết:

    Nam Vang đi dễ khó về,
    Trai đi có vợ, gái về có con

    để chỉ Nam Vang là xứ ở xa, rất xa, đi lại không tiện, ai đi Nam Vang (nghĩa là qua Miên) làm ăn thì thường lập gia đình luôn ở bên ấy. Ở miền Nam, chúng ta nghe không thiếu gì câu hát trên, chì đổi chữ Nam Vang thành Long Xuyên, Cần Thơ, Gò Công... và nghe những câu ấy, chúng ta cảm được cái tình ấm áp của người địa phương làm cho kẻ lãng du phải dừng chân:

    Tới đây thì ở lại đây,
    Chừng nào bén rễ xanh cây rồi về

    Thật ra. tính uyển chuyển vừa nêu không phải là một đặc thù của ca dao miền Nam, nhưng ở miền Bắc và miền Trung, những dị bản của những câu ca dao ít tìm thấy hơn ở trong Nam. Một trong những câu điển hình là câu:

    Gió đưa cành trúc la đà
    Hồi chuông Trấn Quốc, canh gà Thọ Xương

    ở ngoài Bắc, vào đến Huế biến thành:

    Gió đưa cành trúc la đà
    Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

    Cũng vì tính chất này mà ở miền Nam, chúng ta thấy ca dao thường ở dạng lục bát biến thể nhiều hơn. Số chữ trong mỗi câu hoàn toàn tùy thuộc vào cách nói, không bị gò cho đủ 6 hay 8 chữ, miễn sao diễn tả đủ ý muốn nói và có vần điệu dễ đọc, dễ nhớ. Phải chăng tính thực tiển và phóng khoáng của người dân Nam bộ đã làm cho sự uyển chuyển dễ xảy ra hơn? Nhân đây, xin nói thêm về tính uyển chuyển đó: ở trong Nam: Ai đã từng sống ở nông thôn vùng Cửu Long đều biết, khi cúng dựng nhà người nông dân miền Nam thường bày dĩa trái cây trên bàn thờ theo công thức: dừa, đu đủ, xoài; hay mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài biểu thị lòng mơ ước của họ: vừa đủ xài hay cầu vừa đủ xài, họ không bao giờ cúng chuối, dù trên bàn thờ của gia đình vào ngày Tết, cho rằng như vậy là chúi nhủi, khác với cư dân từ Nha Trang vào đến Xuân Lộc luôn có chuối trên bàn thờ, bất luận dịp nào- Đó là do cách phát âm trong Nam không phân biệt dừa và vừa, xoài và xài, chuối và chúi. Ở đồng bằng Nam Bộ người ta chỉ bày chuối trên bàn thờ Phật. Cũng do sự dễ dãi trong phát âm, không chàng trai gốc ngoài Bắc hay Trung nào, lần đầu tiên khi vào miền Nam (đặc biệt miệt vườn Cửu Long) không hết hồn khi gặp mấy cô gái ruộng tay cầm vòng hái (lưỡi hái) chấp lại kính cẩn chào xin vái thầy hay bị chới với khi cô gái vườn niềm nở mời hôm nào "quởn" ( hưởn), mời anh vô vườn em chơi. Xin nhắc lại là người miền Nam không phân biệt được âm v và âm d, gi .

    2/ Tính cường điệu:

    Người bình dân miền Nam nói riêng, và cả nước nói chung ít học, nhưng ở miền Nam, người bình dân lại thường ra vẻ "ta đây" hay chứng tỏ mình ngon lành, thích nói chữ như muốn chứng tỏ mình là người hay chữ, đôi khi không trúng trật vào dâu

    - Bước vô trường án, vỗ ván cái rầm
    Bủa xua (6) ông Tham biện, chớ bạc tiền ông để ở đâu?

    - Cách một khúc sông, kêu bằng cách thủy (?)
    Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa (7) ...

    Chính vì tính hay phô trương không đúng chỗ, nên chúng ta đừng chờ đợi ở ca dao miền Nam những cách sử dụng đúng từ ngữ, diễn tả đúng cách, đúng chỗ. Cái mà chúng ta thường gặp ở đó là những cách nói vô nghĩa, cốt chỉ có vần, có điệu; nhất là trong các câu hò, chúng ta thấy hình như họ cố ý kéo dài câu hò, nói lan man, cốt để tranh thủ thời gian tìm ý. Họ thường ưa nói quanh co, không đi ngay vào đề tài chính, mà đôi khi lối quanh co này chẳng dính dáng gì đền việc họ muốn nói. Muốn trêu chọc một cô gái, chàng trai nói lan man:

    Đầu giồng có bụi chuối
    Cuối giồng có cây đa
    Ngã ba đường cái có cây tơ hồng
    Con gái chưa chồng, cái lòng hực hở,
    Con trai chưa vợ, ruột thắt tầm canh

    để cuối cùng mới nói :

    Ngó lên mây trắng trời xanh,
    Ưng đâu cũng vậy, ưng anh cho rồi

    hay cô gái muốn từ chối nhẹ nhàng lời tỏ tình của chàng trai vì còn phải lo phụng dưỡng cha mẹ già (không chừng đó chỉ là cái cớ nêu ra để từ chối), cô không nói thẳng vào vấn đề, mà xa xôi bóng gió trước:

    Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
    Gió nào độc cho bằng gió Nam Vang
    Một tiếng anh than, hai hàng lụy nhỏ
    Có chút mẹ già, biết bỏ ai nuôi ?

    Ta thấy ngay, tính chất này khác hẳn với cách nói có tính cách khuôn mẫu ở ngoài Bắc, người dân miền Bắc thường nghiêm túc hơn, trữ tình một cách khách sáo hơn, mang ít nhiều tính nghệ thuật hơn, và thường "đi thẳng" vào vấn đề hơn:

    Trèo lên cây bưởi hái hoa,
    Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
    Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay...

    hay khen tặng vẻ đẹp của cô gái một cách kín đáo trong:

    ...Xây dọc rồi lại xây ngang
    Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
    Có rửa thì rửa chân tay,
    Đừng rửa lông mày chết cá ao anh

    Kiểu nói dông dài này gặp rất thường trong ca dao miền Nam, nơi mà con người thường ồn ào chứng tỏ sự "thông thái" của mình một cách rất dễ dãi, mà cũng rất dễ thương

    Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
    Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
    Anh về học lấy chữ nhu
    Chín trăng em đợi, mười thu em chờ

    hay:

    Tàu xúp lê một, còn thương còn nhớ
    Tàu xúp lê hai, còn đợi còn chờ
    Tàu xúp lê ba, tàu ra biển Bắc,
    Tay vịn song sắt, nước mắt ròng ròng
    Thương em từ thủa mẹ bồng
    Bây giờ em lớn, em lấy chồng bỏ anh!

    3/ Tính trữ tình

    Trữ tình vốn là một thuộc tính của tình nam nữ, cho dù ở phần nào của đất nước, người bình dân diễn tả tình cảm của mình một cách rất nhẹ nhàng, thoải mái. Quả thật, kho tàng văn chương bình dân cho ta vô vàn những câu tỏ tình bóng gió có, lộ liễu có, và rất đậm tình quê hương. Miền Nam cũng không ra khỏi thông lệ đó. Ca dao miền Nam dùng để tỏ tình có nhiều như bất cứ vùng nào của đất nước. Ta có thể đơn cử vài câu:


    -Rồng chầu ngoài Huế,
    Ngựa tế Đồng Nai,
    Nước sông trong chảy lộn sông ngoài,
    Thương người xa xứ lạc loài tới đây.

    -Thò tay anh ngắt ngọn ngò
    Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ

    - Mù u bông trắng, lá thắm, nhị (nhụy) vàng,
    Anh đi khắp xứ, tới đây mới gặp nàng thiệt dễ thương

    - Mẹ mong gả thiếp về vườn,
    Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh
    Thương anh cũng muốn theo anh
    Ngặt cha với mẹ không đành thì sao?


    Cũng như các phần khác của đất nước, ca dao miền Nam thể hiện rõ nét phong cảnh, sinh hoạt, đồng ruộng màu mỡ, sông rạch của miền Nam. Đời sống tình cảm của người dân cũng trải rộng với thiên nhiên, sông nước:


    -Bớ chiếc ghe sau, chèo mau anh đợi
    Qua khỏi chỗ này lùm bụi tối tăm.

    - Cầu cao ván yếu,
    Con ngựa nhỏ xíu nó kiệu tứ linh
    Em đi đâu tăm tối một mình
    Hay là em có tư tình với ai?

    - Tàu Nam Vang chạy ngang cồn cát,
    Xuồng câu tôm bơi sát mé nga
    Thấy em cha yếu mẹ già
    Muốn vô hoạn dưỡng biết là được chăng

    -Mười giờ xe lửa nhỏ bỏ chợ Bến Thành,
    Xúp lê kia dạo thổi, bộ hành xôn xao.


    Đối với những tình cảm nhẹ nhàng khác, tình gia đình chẳng hạn, cách diễn tả ở miền Nam cũng đơn giản và thực tế hơn:

    - Râu tôm nấu với ruột bầu,
    Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon

    - Chim quyên ăn trái nhãn lồng
    Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.

    - Sông dài cá lội biệt tăm
    Phải duyên chồng vợ, mấy năm cũng chờ

    khác hẳn với tính sâu sắc, nên thơ như ở miền Bắc:

    Hôm qua ra đứng bờ ao
    Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ...
    ...Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
    Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.

    hay thâm trầm như ở miền Trung.

    Chồng chài, vợ lưới, con câu
    Sông Ngô, bể Sở, biết đâu bến bờ?
    Khi nên tay kiếm tay cờ
    Không nên thì cũng chẳng nhờ cậy ai

    Qua ca dao chúng ta có thể tìm thấy nhiều từ rất thông dụng ở miền Nam. Đây là nguồn tài liệu quan trọng cho những ai muốn khảo cứu về ngữ âm miền Nam:

    - Nước rong (8) nước chảy tràn đồng
    Tơ duyên có đó, chỉ hồng chưa xe
    - Nước ròng bỏ bãi xa cừ
    Mặt em có thẹo, anh trừ đôi bông

    - Bậu nói với qua bậu không hái mận bẻ đào
    Chớ mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay.

    - Mưa lâm thâm, ướt dầm bông sói
    Bậu đi lấy chồng, sao không nói anh hay?

    ...


    4/ Tính chớt nhả, cắt cớ:

    Tính phóng khoáng trong cuộc sống ở miền Nam thể hiện rất rõ nét trong ca dao miền Nam, tính chất này còn được đẩy xa hơn, trở thành chớt nhả. Hơn đâu hết, chính miền Nam là nơi người ta tìm thấy dễ dàng sự cắt cớ, sống sượng đến độ bất ngờ khiến người trong cuộc (dù có học) chưa chắc thoát ra được. Cô gái đang làm việc dưới ruộng, mình mẩy dầy bùn sình, hỏi chàng trai đang ở trên bờ:


    Hai tay em cắm xuống bùn
    Mình mẩy lấm hết, chớ anh hun chỗ nào?


    chàng trai trả lời tỉnh bơ:


    Cầu trời đổ trận mưa rào
    Bùn sình trôi hết, chỗ nào anh cũng hun!


    Chàng trai, muốn đặt cô gái vào tình trạng khó xử, sống sượng yêu cầu


    Đôi mình mới gặp ngày nay
    Cho hun một cái em Hai đừng phiền

    chàng trai đắc ý, tưởng sẽ nhận được ở cô gái sự e thẹn, hay lời rủa sả hay một cái bộp tai; không dè cô gái không phải tay vừa, đốp chát liền:

    Ừ, muốn hun thì hun cho liền
    Đừng làm thố lộ xóm giềng cười em

    trong trường hợp nếu bạn là chàng trai đó bạn làm sao? không biết bây giờ ai là người bị lúng túng, ở đây chàng trai chẳng những không lúng túng mà còn liều lĩnh sống sượng hơn, lỡ rồi đành tới luôn:

    Tui hun mình dẫu có la làng
    Thì tui ra đó hai đàng chịu chung
    Tui hun mình dẫu có làm hung
    Nhơn cùng tắc biến, tui chun xuống sàn (9)

    Về tính cắt cớ, muốn đặt đối phương vào trong những tình huống khó tháo gỡ, chúng ta thường gặp trong những câu hò đố. Nếu ở ngoài Bắc những câu hát đố luôn có tính nghiêm trang, có tính "bác học" đến độ chúng ta phải đặt dấu hỏi liệu đó có phải là sản phẩm của lớp bình dân ít học? xin đơn cử:

    ...Chùa nào mà lại có hang
    Ở đâu lắm gỗ thời chàng biết không?
    Ai mà xin được túi đồng
    Ở đâu lại có con sông ngân hà
    Nước nào dệt gấm thêu hoa...
    ...Chùa Hương Tích mà lại có hang
    Trên rừng lắm gỗ thời nàng biết không?
    Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng
    Trên trời lại có con sông ngân hà
    Nước Tàu dệt gấm thêu hoa...

    hay những câu hát đố đẹp và hay như một bài thơ:

    Đố ai biết lúa mấy cây
    Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng
    Đố ai quét sạch lá rừng
    Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây...

    ở miền Trung, chúng ta có câu:

    Đố anh con rít mấy chưn
    Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người (10)

    thì ở miền Nam, chúng ta khó tìm thấy những câu hò, câu hát đố có tính trữ tình như thế, nhưng chúng ta lại tim thây khá nhiều những câu có tính buộc thắt, khiến đối phương phải rất nhanh trí để thoát khỏi thế bí, và như chúng ta sẽ thấy, họ "thoát hiểm" rất dễ dàng và gài lại đối phương. Những câu sau đây sưu tập được từ Vĩnh Long (11)


    -Thấy anh ăn học có thi
    Em đây xin hỏi con chi không đầu
    Sao em lại hỏi cơ cầu
    Thượng cầm hạ thú, không đầu là con cua

    - Thấy anh theo dõi bút nghiên
    Em đây xin hỏi, trời nghiêng bên nào
    Anh từng đọc sách bên Tàu
    Đất nghiêng thì có, trời nào đâu nghiêng

    - Thấy anh ăn học lảu thông
    Em đây xin đố, khăn lông có mấy đường
    Em về đếm hết cỏ vườn
    Lại đây anh nói mấy đường khăn lông

    - Thấy anh ăn nói có tài
    Em đây xin đố cây xoài có mấy bông
    Em về đếm cá dưới sông
    Lại đây anh nói mấy bông cây xoài.


    Những câu trên có cùng một dạng thức, điều đó chứng tỏ có thể từ một người làm ra, nhưng trong một đám cưới ở một vùng nông thôn thuộcVĩnh Long, trong đêm nhóm họ ở nhà cô dâu, chính người viết đã nghe ít nhất có hai câu đố trên, tất nhiên không thấy có câu trả lời thích đáng từ đối phương. Cũng có những câu đố mắc mỏ, không mong gì tìm được câu trả lời xác đáng:


    Đố ai kiếm được
    Cái vảy con cá trê vàng,
    Lá gan con tép bạc
    Mấy ngàn em cũng mua.


    chỉ còn nước trả lời theo kiểu huề vốn:

    Kiếm đâu cho được
    Cái vảy con cá trê vàng,
    Lá gan con tép bạc
    Để nàng chịu mua?


    III. Vài cảm nghĩ

    Trong những phần trên, chúng ta đã lượt qua một vài đặc sắc của ca dao miền Nam. Trong khuôn khổ của bài báo, người viết không thể trình bày hết những nét đặc thù của ca dao miền Nam nói riêng cũng như những dạng văn chương truyền khẩu khác như hò, vè... nói chung. Điều đáng nói là văn hóa miền Nam chưa có chỗ đứng dúng đắn trong văn học sử của Việt Nam, cũng chưa được đề cập một cách đầy đủ trong chương trình học ngày trước (và cả ngay bây giờ). Chúng ta có thể có nhiều cách giải thích. (1) Có lẽ do người viết chương trình của bộ giáo dục trong những năm đầu chuyển tiếp từ chương trình Pháp sang chương trình Việt (và cả những vị về sau, trong các chương trình cải tổ) không có tài liệu nhiều về văn học trong Nam; hay (2) người viết chương trình không biết gì về văn học trong Nam; hay (3) người viết chương trình cho rằng văn học trong Nam quá nôm na, không có vẻ "bác học"; hay (4) đơn giản hơn hết là văn học trong Nam chưa có đủ chiều dài về thời gian để có chỗ đứng trong văn học sử... Dù vì bất cứ nguyên nhân nào, chúng ta đã không dành một chỗ đứng thích đáng cho văn học trong Nam. Chúng ta đã bỏ quên tính đại chúng trong giáo dục, phần nào, chúng ta đã tự tách rời người có học với quần chúng; và quần chúng này, tuyệt đại đa số là những người có rất ít những liên hệ văn hóa với những phần đã được dạy ở nhà trường. Làm thế nào đại đa số quần chúng ở miền Nam ấy có thể hiểu và thông cảm với những gì mà chính họ, hay con cái của họ đã nhận được từ trường, khi những điều đó không thấy được thể hiện quanh họ? - Mặc dù không thể không nói đến những đóng góp về văn học Việt Nam do những nhà văn, nhà báo tiền phong (mà hầu hết đều xuất thân từ phân nữa trên của đất nước), nhưng sự mất cân đối trong chương trình học đã làm học sinh trở thành xa lạ với môi trường họ đang sống, trở thành vong thân với chính xã hội của họ.

    Ngày nay, phần nào văn chương bình dân của miền Nam đã đi vào đời sống qua các bài hát dựa vào các điệu lý, điệu hò. Nếu cách đây ít lâu, ngoại trừ lãnh vực cải lương, cổ nhạc Nam phần, ca sĩ dù người miền Nam, trình bày những bài hát về miền Nam cũng ráng tập phát âm bằng giọng Bắc, càng chuẩn càng tốt, không dám hát bằng giọng Nam sợ bị chê là quê mùa, thì bây giờ nhạc sĩ, ca sĩ (có cả người gốc ngoài Bắc) dùng hẳn giọng Nam để sáng tác, để hát, không có cái "mặc cảm" quê mùa như trước. Thử tưởng tượng Phi Nhung hát bài Lý con Sáo Bạc Liêu (Phan Ni Tấn) bằng giọng Bắc thì nó ra làm sao? Còn những bài khác nữa: Tiếng Hát Chim Đa Đa (Võ Đông Điền), Bài Tình Ca Đất phương Nam (Lư nhất Vũ - Lê Giang), Chiếc Áo Bà Ba (Trần Thiện Thanh), Còn Thương rau đắng mọc sau hè (Bắc Sơn), Điệu Buồn Phương Nam (Vũ Đức Sao Biển)... làm thế nào để ca sĩ diễn tả tính Nam bộ trong các bài hát đó bằng giọng Bắc. Cũng vậy, ngày xưa lúc ban Hợp Ca Thăng Long hát bài Tiếng Sông Cửu Long (trong trường ca Hội Trùng Dương), nghe Thái Thanh ngâm:

    Chẻ tre bện sáo cho dày
    Ngăn ngang sông Mỹ, có ngày gặp em

    hay thì có hay, nhưng thấy nó vẫn là lạ.

    Cũng nhân đây, xin nói thêm về cái thiếu hiểu biết về miền Nam, hay coi nhẹ tinh thần Nam bộ, mà các tác giả về mọi lãnh vực đã không đặt nặng việc sử dụng đúng ngôn ngữ trong Nam cho các công việc của họ. Trong Việt Nam Sử Lược, khi nói về Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh, sử gia Trần Trọng Kim chỉ dùng Nguyễn Hữu Kính, người dân miền Nam không thể nhận ra đó là vị Chưởng Cơ đã có rất nhiều công trong việc xây dựng và bảo vệ phần đất này trong giai đoạn đầu. Cũng vậy, khi Phạm Duy viết đến miền Nam (trong Con Đường Cái Quan) đã dùng:

    Giả ơn cái cối cái chày
    Đêm khuya giả gạo có mày có tao
    Giả ơn cái nhịp cầu ao
    Đêm khuya vo gạo, có tao có mày

    Không ai có ý kiến gì về lãnh vực âm nhạc mà nhạc sĩ Phạm Duy đã là bậc thầy, nhưng cách dùng chữ, rõ ràng là ông vẫn còn ảnh hưởng miền Bắc nên không dùng đúng những chữ mà người miền Nam đã dùng. Nghe nó ngọng nghịu và làm giảm ít nhiều giá trị đích thực của bài hát. Người miền Nam không ai nói "giả ơn" mà nói "trả ơn" hay "cám ơn". Chúng ta cũng có thể bỏ qua vì cứ xem người "lữ khách" của Phạm Duy chỉ mới vừa vào miền Nam, chưa đổi được thói quen của mình; nhưng "cầu ao" để vo gạo thì không có. Ở miền Nam chỉ có "cầu nước, cầu nhủi", đơn giản vì miền Nam không có ao (trừ ao Bà Om của Người Miên ở Trà Vinh, một địa điểm để du ngoạn, cắm trại), miền Nam chỉ có hồ, đìa, đầm, vũng, giếng...

    Chúng ta phải chấp nhận tính đơn giản mộc mạc... của miền Nam như là một đặc thù của văn chương ở vùng đất non trẻ này của đât nước, chúng ta không có mặc cảm gì về sự nôm na, chất phác của lớp người bình dân ấy. Trả lại cho văn chương và văn hóa miền Nam chỗ đứng đúng đắn trong văn học sử là việc nên làm, phải làm. Công việc đó qui mô và cần công sức của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, của nhiều người. Bài viết này xin được là một đóng góp nhỏ cho công việc to lớn ấy.

    Comment

    Working...
    X