T ì n h T r ầ u D u y ê n C a u Trong Ca Dao Xưa
Trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, hình ảnh miếng trầu đã trở nên hết sức quen thuộc, gần gũi. Và tục lệ mời trầu, ăn trầu là một nét văn hóa không chỉ trong các lễ nghi văn hóa truyền thống như hội hè, cưới hỏi mà còn được phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Trầu cau luôn tượng trưng cho tình yêu chung thủy, nồng thắm và hạnh phúc bền chặt của lứa đôi. Ngay từ thời xa xưa, trầu cau đã có mặt trong các truyện cổ tích như; Trầu Cau, Tấm Cám… và đặc biệt, lễ vật dân dã này xuất hiện khá nhiều trong ca dao về tình yêu đôi lứa...
Trầu cau có mặt trong suốt chặng đường nhân duyên, từ lúc làm quen, tỏ tình đến lễ chạm ngõ, xin dâu, lễ cưới sum họp hay chia ly. Trong giao tiếp, các chàng trai, cô gái thanh lịch bao giờ cũng rất ý tứ mà tinh tế, khéo léo, đặc biệt là giai đoạn làm quen, tỏ tình. Khi đó, miếng trầu là một bức thông điệp, là ‘’vật đưa tin’’ của các chàng trai, cô gái. Họ nhờ miếng trầu để bày tỏ tình cảm của mình:
Sáng ngày em đi hái dâu
Em gặp anh ấy ngồi câu thạch bàn
Và anh đứng dậy hỏi han
Hỏi rằng cô đã vội vàng đi đâu
Thưa rằng em đi hái dâu
Và anh mở túi đưa trầu mời ăn
Thưa rằng bác me em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người
Cô gái vốn con nhà nề nếp, trọng gia phong khuôn phép nên chẳng dễ dàng nhận trầu ngay. Và hơn nữa, nhận trầu là nhận lấy một sự ràng buộc nhất định về tình cảm, trong khi đây mới là buổi mới làm quen, cô chưa có nhiều hiểu biết về chàng trai nên cô thận trọng, khéo léo từ chối là lẽ đương nhiên. Nhưng đó lại chính là cơ hội để cho chàng trai giới thiệu về miếng trầu của mình:
Trầu này trầu quế trầu hồi
Trầu loan trầu phượng, trầu tôi trầu mình
Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình, trầu ta
Trầu này têm tối hôm qua
Trầu cha, trầu mẹ đem ra mời nàng
Trầu này không phải trầu hàng
Không bùa, không thuốc sao nàng không ăn?
Hay nàng chê khó, chê khăn
Xin nàng đứng lại mà ăn trầu này
Đây quả là miếng trầu “đặc biệt” được đưa ra mời trong một thời điểm “đặc biệt”. Nó hội tụ tất cả những gì đẹp đẽ, sang trọng nhất bởi miếng trầu đó được têm bằng tấm lòng chân thành, tình cảm trong sáng của chàng trai. Cô gái biết được lai lịch, giá trị của miếng trầu mà qua đó biết được lai lịch, giá trị của người mời trầu. Lời mời trầu của chàng trai rất tình tứ và có duyên khiến cô gái cũng dần phải xiêu lòng. Nhưng chẳng lẽ lại đồng ý ngay! Vì vậy, cô đành tỏ thái độ lờ lững nửa vời, cũng là để “báo hiệu” cho chàng trai:
Miếng trầu ăn nặng bằng chì
Ăn rồi em biết lấy gì đền ơn
Được lời như cởi tấm lòng, chang trai tiến tới khẳng định một lần nữa giá trị của miếng trầu và ngầm ý bảo với cô gái rằng việc mời trầu, nhận trầu là hoàn toàn tự nguyện và chàng luôn tôn trọng ý kiến của cô:
Trầu này têm với vôi Tàu
Giữa thêm cát cánh hai đầu quế cay
Trầu này ăn thật là say
Dù mặn dù nhạt dù cay dù nồng
Dù chẳng nên nghĩa vợ chồng
Xơi dăm ba miếng kẻo lòng nhớ thương
Sau buổi làm quen đó, hai người dần có tình cảm với nhau và tình yêu bắt đầu chớm nở. Để đến khi chàng trai sang nhà chơi thì cô gái có thể chủ động mời trầu:
Ra vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu cho anh xơi trầu
Cau bổ làm sáu là loại cau vừa đủ độ chín, không non cũng không già. Qua việc mời trầu này, cô gái đã kín đáo bày tỏ thái độ ưng thuận trước chàng trai. Và ngọn lửa tình yêu nhen lên đã giúp cô gái vượt qua những ràng buộc gò bó của lễ giáo phong kiến để chủ động ướm hỏi chàng trai:
Anh về cuốc đất trồng cau
Cho em vun ké dây trầu một bên
Chừng nào trầu nọ bén lên
Cau kia bén trái lập nên cửa nhà
Và đôi khi cô gái cũng không kém phần bạo dạn, tinh nghịch:
Có trầu mà chẳng có cau
Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm…
Được cô gái “mở đường chỉ lối”, chàng trai sung sướng như mở cờ trong bụng, nói thẳng ước muốn của mình mà không cần e ngại:
Vào vườn hái quả cau non
Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên
Tình yêu đã khiến cho cuộc đời của đôi lứa trở nên đẹp hơn giúp họ lạc quan, càng tin tưởng vững chắc vào tình yêu của mình.Trên cơ sở tình yêu đó, họ tiến tới hôn nhân ”trúc mai sum họp một nhà”. Chỉ có tình yêu chân thành, nồng thắm thì mới có thể giúp họ ”một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”, thông cảm và vị tha cho nhau:
Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Cau khô ăn vơi trầu vàng xứng không?
Hỏi là hỏi thế thôi chứ thực ra cô gái đã ngầm khẳng định tình yêu của mình với chàng trai mà cô đã nguyện gắn bó suốt đời.Tình yêu đó sẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn, vất vả để xây dựng hạnh phúc vững bền.
Tuy nhiên không phải mối tình nào cũng được “đơm hoa kết trái” mãn nguyện như thế. Nhiều bài ca dao cũng diễn tả tâm trạng đau xót, nhớ thương của chàng trai hay cô gái khi không lấy được người mình yêu. Vì một lý do nào đó mà chàng trai đã đến muộn, không kịp trao gửi tình cảm của mình. Để đến khi cô gái đã an phận ”như chim vào lồng như cá cắn câu” thì chàng trai mới buông lời nuối tiếc. Lúc đó, cô gái chỉ còn biết thở dài đồng cảm, chia sẻ và nhẹ nhàng trách móc chàng trai:
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Cho dù vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì tình yêu lỡ dở đều để lại niềm nuối tiếc, nhớ thương, xót xa cho chàng trai, cô gái:
Yêu nhau chẳng lấy đượ nhau
Cọn lợn bỏ đói, buồng cau để già
Mặc dù không thành đôi nhưng họ vẫn luôn tôn trọng hạnh phúc của nhau và có những cách ứng xử cao thượng, đúng mực để tình yêu mãi mãi là những kỷ niệm đẹp đẽ, trong trẻo.
Đọc lại những bài ca dao về đôi lứa, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn những vẻ đẹp của nền văn hóa dân tộc, vẻ đẹp trong đời sống tình cảm của ông cha ta. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong đó có phong tục mời trầu và ăn trầu, càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, để tình yêu mãi được trong sáng và thắm nồng như tình trầu duyên cau…
Trần Văn Lợi