Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

H á t D ỗ E m ở L à n g Q u ê Viêt Nam

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • H á t D ỗ E m ở L à n g Q u ê Viêt Nam


    H á t D ỗ E m ở L à n g Q u ê Viêt Nam







    Nói đến đời sống của dân cư tại các làng mạc miền Nam, mà không nói đến những câu hát dỗ em ngủ là còn một chút gì đó chưa trọn vẹn. Những câu hát dỗ em, ở những vùng khác còn gọi là ru em, dường như đã thấm vào từng mạch nguồn của đời sống dân quê ở đây, giống như những dòng nước mát mang phù sa với màu đục ngầu thấm vào ruộng lúa với những chùm rễ lúa non hấp thụ, nuôi dưỡng những lá lúa tươi xanh mơn mởn, lặt lìa. Như tiếng hát dân ca, ca dao, vè , hò, ...tiếng hát dỗ em ngủ cũng bắt nguồn từ một nền văn chương truyền khẩu, bình dân mà trai, gái, già, trẻ, ai ai cũng nhớ, cũng thuộc, cũng biết hát. Nếu đã nằm võng đưa em là tự động cửa miệng phải hát. Hát một cách tự nhiên, không thẹn thùng, không mắc cở. Hát nghêu ngao, hết câu này chuyển sang câu khác, hết bài này chuyển sang bài khác, đến khi em bé ngủ, rồi người hát dỗ em bé cũng ngủ lúc nào không hay, không biết. Mà trẻ nít ở đồng quê riết rồi cũng quen, nếu hôm nào không được đưa võng, không được hát, không được dỗ bằng những lời hát bắt quàng nhưng êm ái, y như rằng, hôm ấy thức hoài không chịu ngủ. Cho nên, ca dao có câu :


    " Ðố ai nằm võng không đưa,
    Ru em không hát, anh chừa rượu tăm. "


    Thông thường những lời hát dỗ em được lấy từ những câu ca dao trong dân gian, được truyền đi từ những người mẹ, người chị, không biết từ đời nào. Nhiều lúc những người hát cũng ít thắc mắc tại sao phải thế này, tại sao phải thế khác, mà họ vẫn hiểu ý nghĩa thật giản dị của câu hát. Còn trẻ con, thật ra, có khi chẳng hiểu ý nghĩa của những câu hát, cốt sao vần điệu êm tai , giọng hát ngân nga cho trẻ nít dễ ngủ là được rồi . Câu hát dỗ em sau đây, có lẽ, ai cũng có lần đã nghe với âm điệu réo rắt, nói lên tấm lòng cùng sự hy sinh của người Mẹ phải thức trắng đêm để dỗ con khi con còn bé hoặc lúc con bịnh, con đau :


    " Gió mùa Thu, Mẹ ru con ngủ,
    Năm canh chầy, thức đủ về năm. "


    Ðó là câu ca dao nguyên thủy như vậy. Nhưng khi hát dỗ em, thường thường người nhà quê cho thêm vào những chữ " ầu ơ ! " hoặc " ví dầu ! " để cho lời hát thêm dịu dàng, thêm êm êm, thêm réo rắt. Lúc bấy giờ hai câu trên, ở quê tôi, thường được nghe người ta hát như sau :


    "Ầu ơ ... Gió mùa Thu ... Mẹ ru con ngủ ...ờ ...
    Năm canh chầy ...ơ ờ, Mẹ thức đủ ...về năm ... "



    Có lẽ những từ ngữ đặc biệt này giúp chúng ta phân biệt được giữa hát dỗ em, hò miền Nam và nói vè. Hò miền Nam là một cách thể hiện những câu đối đáp bằng những vần điệu đặc biệt để quên đi những nhọc nhằn, cực khổ trên đồng áng hoặc chọc ghẹo, làm quen giữa những đôi trai gái trên ruộng lúa hay trên dòng sông, trên ghe xuồng vào những đêm trăng sáng vằng vặc. Nếu không có khiếu, không có hồn thơ, không lanh trí ứng phó không thể có những câu hò xuất sắc được vì hò không có bài bản sẵn như ca, ngâm sa mạc, nói vè, hoặc hát dỗ em. Nói như người bình dân, những câu hò từ trong bụng mà ra, chứ không có sẵn trong dân gian. Cho nên, hò là cả một nghệ thuật, là một cách ứng phó thật tài tình, thông minh mà không xa rời với thực tế của những điều đang đối đáp. Thí dụ như câu hò ngõ ý trong một mối tình nhà quê vừa mới chớm nở, sau đây :


    "Hò o o ớ ớ ... Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng, ơ ơ ơ ...
    Anh đi khắp xứ, tới đây mới được gặp nàng, ơ ơ ơ ... thật là dễ thương ơ ơ ...
    Hò o o ớ ớ ... Nghe giọng nàng, anh những vơ vẩn vấn vương.
    Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao. "


    Còn câu ca dao sau đây :


    "Ví dầu tình bậu muốn thôi,
    Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra ."


    Sau khi thêm vài chữ, trở thành câu hát dỗ em:

    "Ầu ơ ... Ví dầu ... tình bậu muốn thôi ...ờ
    Bậu gieo tiếng dữ ơ ờ ..., Cho rồi ... bậu ra ... ."


    Những câu hát dỗ em, ngoài những chữ " Ầu ơ ", " Ví dầu " , người bình dân còn thêm vào những chữ phụ nhằm làm cho câu hát được kéo dài cho phù hợp với ý nghĩa hoặc giọng hát mà dường như sự thêm bớt này không theo một qui luật nào, thật tự nhiên như giọng hát tự nhiên của họ. Chẳng hạn câu ca dao sau đây :


    "Má ơi, con vịt chết chìm,
    Thò tay vớt nó, cá kìm cắn tôi ."


    Ðến khi hát, tôi thường nghe hát như sau :


    "Ầu ơ ... Má ơi, con vịt " nó" chết chìm ...ờ
    Con thò tay vớt nó ơ ờ ..., Cá lìm kìm ... , nó cắn tay con ... ."


    Tiếng hát dỗ em bay theo gió, có khi trẻ em hát thật lớn cả xóm đều nghe, còn người lớn hát vừa đủ để em bé nghe êm tai dễ ngủ. Dưới mái lá nghèo nàn, dưới gốc xoài, bên chuồng bò, ở nhà bếp, ngoài vườn cam, vườn chuối... đâu đâu bạn cũng đều được nghe những tiếng hát bổng trầm như vậy dọc theo những con đường làng, cặp bờ sông sâu nước chảy, dọc theo những con đường mòn trong rẫy, trong ruộng hoặc theo các con rạch cạn nước vào mùa nắng hạn.
    Mặc dù phần lớn những câu hát dỗ em đều không có vẻ văn hoa bóng bẩy, nhưng nó phù hợp với sự ngây thơ, trong trắng của tuổi thơ. Những câu hát ấy cũng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa thâm thúy, chuyên chở những tình tự êm đềm, những bài học ý nhị, những mĩa mai nhẹ nhàng nhằm mục đích giáo dục, khuyên răn thật bình dị, thân tình mà những người bình dân nhất họ cũng dễ nhận ra. Chúng ta thử đi vào một vài thôn xóm miền Nam, ngồi dưới bóng cây bên quán nước dừa tươi, hay bên chòi hớt tóc ở lề đường hoặc vào bất cứ nhà quen nào, vẳng đâu đây giọng hát :


    " Ầu ơ ...Ví dầu cá bống ... hai hang...ờ
    Cá trê hai ngạnh ơ ờ ..., tôm càng ... hai râu ... ."


    Hoặc thể hiện rõ cái chơn chất ruộng đồng :


    "Ầu ơ ... Ví dầu ... ví dẫu, ví dâu ...ờ
    Ví qua, ví lại ơ ờ ..., con trâu ...nó vô chuồng .... "


    Miền Nam sông rạch chằng chịt, việc đi lại từ bờ sông này sang bên kia bờ, người trong xóm, trong làng phải đi ngang những chiếc cầu tre lắt lẻo. Những chiếc cầu khỉ ở miền Nam là hình ảnh thân thương của làng quê, làm cho bức tranh quê thêm nét hữu tình. Nó đã đi vào tiềm thức của mọi người rồi hiện ra trong ca dao, biến thành tiếng hát dỗ em, mang một tâm tư não lòng của những kiếp nghèo nơi ruộng đồng, thật cảm động :


    "Ầu ơ ... Ví dầu cầu ván ... đóng đinh ...ờ
    Cầu tre lắt lẻo ...ờ, gập ghình khó đi ...
    Khó đi mượn chén ăn cơm,
    Mượn ly uống rượu ơ ờ ..., mượn đờn ... kéo chơi ... "


    Ðôi khi những câu hát ví von những đứa không có tài cáng gì đặc sắc, làm gì cũng không nên thân, rớ tới đâu hư tới đó :

    "Ầu ơ ... Rủ nhau xuống biển ...mò cua ...ờ
    Bắt cua, cua kẹp ơ ờ..., bắt rùa,... rùa bơi .... "


    Sau đây là câu hát lúc nào tôi cũng nghe hát, nhớ những ngày Mẹ tôi kể lại, hồi xưa khi trẻ con còn bú sữa mẹ, không có sữa bò như bây giờ, nhiều lúc phải nhờ người lối xóm cũng có con còn nhỏ, cho em bú dùm khi mẹ đi chợ hoặc đi đồng chưa về, gọi là " bú thép " :


    "Ầu ơ ... Em tôi khát sữa ... bú tay ...ờ
    Ai cho bú thép ơ ờ ..., ngày rày ... mang ơn .... "


    Ở nhà quê, sự sanh sản dường như nhiều hơn ở thành thị, nên có nhiều gia đình con cái nheo nhóc, đứa này khóc dỗ chưa nín , đứa kia lại thức giấc :


    " Ầu ơ ... Em tôi buồn ngủ ...buồn nghê ...ờ
    Con này chửa nín ơ ờ ..., con kia dậy rồi ... "


    Câu hát này có chỗ còn hát như sau, mặc dù trong câu hát dường như không có nghĩa :


    " Ầu ơ ...Em tôi buồn ngủ ... buồn nghê ...ờ
    Con tầm chửa chín ơ ờ ..., con dê đã muồi ... "


    Có nhiều đứa trẻ khóc hoài dỗ không nín, nên những đứa bé hát dỗ em nhiều lúc cũng muốn khóc theo, buộc lòng phải nài nĩ :


    " Ầu ơ ... Ví dầu ... tình bậu muốn thôi ...ờ
    Bậu gieo tiếng dữ ... cho rồi bậu ra ...
    Bậu ra, ...bậu lấy ông câu ...
    Bậu câu con cá bống ơ ờ ..., chặt đầu kho tiêu ...
    Kho tiêu, kho ớt, kho hành ...
    Kho ba lượng thịt ơ ờ ..., để dành ... cho em ăn... "


    Ðứa bé đang khóc, nghe chị nó hát " để dành cho em ăn " thì dịu cơn khóc lại và từ từ ngủ thiếp trong những lời hát kế tiếp hoà vào trong cái cõi không gian vừa quê mùa chơn chất, vừa thanh nhã êm êm, vừa thương yêu đầm thắm như mật ngọt của bông chuối, bông so đủa, thơm thơm của hương thơm hoa cau, hoa bưởi, hoa chanh, hoa lài ngoài vườn toả nhẹ ngập đầy. Ðôi lúc, những câu hát nhằm diễn tả lòng nhân ái, từ tâm, yêu thương loài vật :


    " Ầu ơ ... Chiều chiều ... bắt két nhổ lông ..ờ.
    Két kêu bớ chị ơ ờ ... , sao đành ... bất nhơn ... "


    Thật ra, câu ca dao này nói về thảm cảnh ở trong triều đình nhà Nguyễn, nguyên văn như sau :


    "Chiều chiều bắt két nhổ lông,
    Két kêu bớ Tự, sao đành bất nhơn ?"


    Theo cụ Vương Hồng Sển trong sách Nửa Ðời Còn Lại, chữ " Tự " ám chỉ vụ " em giết anh khác mẹ, để giành ngôi ". Trở lại câu hát dỗ em sau đây, mang ý nghĩa từ tâm, nhân ái tương tự


    " Ầu ơ ... Chiều chiều ... bắt nhái cắm câu ...ờ
    Nhái kêu cái eọ ơ ờ ..., thảm sầu ... nhái ơi ! !... "


    Lòng nhân ái đó nó tự nhiên như khí trời, như gió, như mây, như mưa, như nắng, như ánh trăng sáng đêm rằm, không một chút gượng ép, không một chút giả tạo như tấm lòng của người Mẹ lo cho con sau đây :


    " Ầu ơ ...Miệng ru ... mắt nhỏ hai hàng ...ờ
    Nuôi con càng lớn ơ ờ ..., Mẹ càng... lo thêm ... "


    Bởi lẽ rất đơn giản vì người đời luôn luôn quan niệm : " Phúc đức tại mẫu là lời thế gian. " Hoặc tục ngữ còn có câu : " Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. " Do đó, cha mẹ hết sức quan tâm đến việc giáo dục con cái :


    " Ðẻ con, chẳng dạy, chẳng răn,
    Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng. "


    Vì thế, ở nhà quê cũng thường nghe câu hát dỗ em :


    " Ầu ơ ... Trồng trầu ... trồng lộn với tiêu ...ơ
    Con theo hát bội ơ ờ ..., Mẹ liều ... con hư .... "


    Và cũng không ít những lời hát dạy con hiếu đạo, một trong những đạo trọng của con người với nền giáo dục Ðông phương, như các gia đình nhà quê ở làng mạc miền Nam :


    " Ầu ơ ... Mẹ cha là biển ... là trời ...ờ
    Làm sao con dám ơ ờ ... cải lời ... mẹ cha ... "


    Bên cạnh những lời hát mang tính chất giáo huấn, cũng có những câu hát biểu lộ lòng cảm thông, chia xẻ với cảnh nghèo :


    " Ầu ơ ...Than rằng ... nhà dột, cột xiêu ...
    ờ Muốn đi cưới vợ ơ ờ ...,sợ nhiều ... miệng ăn .... "


    Hoặc có những lời hát cũng ẩn chứa nhiều ý nghĩa thâm trầm :


    " Ầu ơ ...Ai về ... nhắn với ông câu ...
    Cá ăn ... thì giựt ờ ..., chứ để lâu ...hết mồi ... "


    Rồi trẻ con cũng có những suy trước nghĩ sau thật chí lý :


    " Ầu ơ ... Cá không ăn câu ... thật là ... con cá dại ...ờ
    Vác cần câu về rồi ờ..., nghĩ lại ...con cá ... khôn .... "


    Bên cạnh những câu hát có những ý tứ rành mạch, còn có những câu hát mang tính cách đố chơi, nhiều lúc gợi cho người nghe những suy nghĩ, tò mò tìm hiểu vật gì qua câu hát :


    " Ầu ơ ...Non cao ...ai đắp mà cao ơ...?
    Sông sâu ai bới ờ ..., ai đào ...mà sâu ...? "


    Hoặc câu hát đố sau đây, nếu không ở đồng quê, có lẽ khó biết vật gì :


    " Ầu ơ ... Ta đâu há dễ ... chịu nghèo ...ờ
    Hóa công dẫu định ơ ờ ..., mấy đèo ... cũng băng ...."


    Ðó là loại rau cải trời. Chỉ có " cải trời " là cải lại "Hoá công " thôi. Rải rác đó đây, còn biết bao câu hát dỗ em như vậy. Tùy nơi, tùy vùng, tùy chỗ đông đúc hoặc vắng vẻ , mà giọng hát êm êm non nớt hoặc cao vút xa đưa khắp xóm, khắp rạch như bất tận nhưng dịu dàng, quen thuộc thân thương, không tách rời ra được như sự buộc chặt giữa những xóm làng với người nhà quê, giữa những câu hò tiếng hát nơi thôn dã với cái thanh tao, bình dị của những hương vị cỏ nội hoa đồng, không sặc sở nhưng lâu bền, không ngào ngạt mà thoang thoảng nhẹ nhàng, làm thành cái bền vững của nét đẹp ruộng đồng, khó mà tìm thấy ở bất cứ nơi nào trong cõi đời này ! !

    Những lời hát dỗ em ngủ ở làng quê miền Nam là một phần của đời sống tâm linh của người nông dân. Ở đó nó biểu lộ cái rung cảm thật dịu dàng, thật trong lành, thật bình dị, chất phác mà an nhàn, hạnh phúc, bởi lẽ, người ta khi cất lên được giọng hát, dù là hát dỗ em ngủ, là đã thả hồn bay bổng ra khỏi đời sống thường với những nhọc nhằn, cơ cực rồi




    Lương Thư Trung


Working...
X