T ì n h Y ê u T r o n g C a D a o
Em nắm vạt áo, em đề câu thơ:
...Chữ Trung thì để phần cha,
Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình.
Thế là ca dao đã phân định rõ ràng: lý trí xin để một bên để chữ tình diễn tả. Tự ngàn xưa ca dao đã "đầy ắp" những lời văn trữ tình cho yêu, cho nhớ, cho thương, cho thắc mắc "giả bộ" rằng tại sao lại yêu thương một người không phải là cha, không phải là mẹ, không phải họ hàng, có khi không phải người quen, chưa biết đã thương, chưa gặp đã mến:
Gió đâu thổi mát sau lưng,
Dạ sao lại nhớ người dưng vô cùng?
Hỏi là trả lời rồi, có lẽ anh đã thương em từ muôn thuở, từ kiếp trước, từ thuở nào xa xưa... Khi em mới chỉ là một noãn bào phôi thai, từ bào thai trong lòng mẹ:
Sao mai ba cái nằm ngang,
Thương em từ thuở mẹ mang trong lòng.
Thật là một tình yêu lãng mạn vô tiền khoáng hậu... Khi anh đã thương là anh phải tìm ba mươi sáu cách làm quen:
Chiều chiều bóng ngả về tây,
Hỏi cô hái củi bên đầy bên vơi:
Cô còn hái nữa hay thôi,
Cho tôi hái đỡ làm đôi vợ chồng.
hay:
Đò dọc rồi lại đò ngang,
Có đi anh đợi, có sang anh chờ?
Làm quen lắm lúc đầy thi vị, lãng mạn, nhưng cũng có khi ngớ ngẩn dễ thương:
Vườn em có đất trồng cau,
Cho anh bứng gốc cam sành trồng bên.
Đã yêu em rồi thì ra ngẩn, vào ngơ, lòng những bồi hồi, bàng hoàng, xốn xang:
Thương em nào biết mần răng,
Mười đêm ra đứng trong trăng cả mười.
Biết dư rằng đứng ngắm trăng chẳng ăn giải gì, nhưng trăng ơi mi làm tín trạm cho anh gởi nhớ, gởi thương đến người ấy nha. Hay mượn trăng làm chứng nhân cho mối tình chớm nở, có khi là mối tình một chiều...
Sáng trăng chi lắm nửa trời,
Để năm canh anh thơ thẩn cửa người cả năm.
Ca dao đã nói thực tất cả tấm lòng của người đang yêu, không đè nén, không che đậy sự thật. Luân lý Khổng Mạnh khắt khe là thế, chữ trung, chữ hiếu trọng đại là thế nhưng ca dao gạt phắt sang một bên vì là lý trí, còn đây là vương quốc của tình cảm cơ mà: chữ tình phải nhất, đó là sự thật một trăm phần trăm, ca dao đã can đảm nói lên điều đó:
Đêm nằm ở dưới bóng trăng,
Thương cha, nhớ mẹ không bằng nhớ em!
Ca dao đã cực tả tình yêu, tình thật là vĩ đại như đất trời, hơn cả đất trời và trách cả đất trời khi đất trời là kỳ đà cản mũi:
Bạn về có nhớ ta chăng?
Ta về nhớ bạn như trăng nhớ trời.
hoặc:
Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời, không thấy người thương.
Đã hân hạnh quen em, anh bèn thừa thắng xông lên đề nghị một tình yêu xây dựng, muốn cùng em chung... nhiều thứ. Nhưng anh đánh đòn phủ đầu bằng chữ hiếu em sẽ cảm động hơn vì em là con nhà gia giáo:
Khăn trắng em chít cho ai,
Có phải chít cho phụ mẫu xé hai ta chít cùng.
Đã thương em rồi thì anh đâu có quản "thân lươn lấm đầu," bao nhiêu khó khăn vượt hết, trở ngại san bằng, dù đèo cao, vực sâu, lũng thẳm, biển rộng, sông dài, rừng xanh, núi đỏ,.... dù phải cực thân, quy lụy vì ai:
Đi ngang nhà má,
Cái tay tôi xá,
Cái cẳng tôi quỳ,
Lòng thương con má, xá gì thân tôi.
Khi đã yêu anh không còn so sánh, yêu là yêu, vì yêu em, thế thôi!
Trắng như bông mà lòng anh không chuộng,
Đen như cục than hầm mà lòng muốn, dạ thương.
Và anh cũng không phân bì cùng em:
Bắc thang lên hỏi ngọn trầu vàng,
Trầu em cao số, muộn màng anh thương.
Bắc thang lên hỏi ngọn trầu hương,
Đó thương ta một, ta thương đó mười.
Đâu phải tình yêu một chiều, em cũng yêu anh không kém, nếu không muốn nói còn hơn:
Cách nhau một bức rào thưa,
Tay chùi nước mắt, tay đưa miếng trầu.
Em khóc vì cảm động đó anh! Đã yêu anh từ thuở nào, biết bao nhiêu, biết bao ngày để đến bây giờ là lúc anh ngỏ điều em ao ước. Nhưng em phận gái, em nói vòng quanh, anh phải hiểu:
Bên kia sông có trồng bụi sả,
Bên này sông ông xã trồng bụi tre,
Trách ai làm bụi tre nó ngả, bụi sả nó rầu.
Phải chi ngoài biển có cầu,
Anh ra đó, anh giải đoạn sầu cho em.
Vì ai mà em phải:
Giả đò mua khế bán chanh,
Giả đi đòi nợ thăm anh kẻo buồn.
Đã yêu em chẳng ngại nữ nhi thường tình mà "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình," hoặc chỉ đường đi nước bước cho anh:
Chuột kêu chút chít trong rương,
Anh đi cho khéo đụng giường má hay.
Vì kín đáo nên em giả bộ thờ ơ, không quen biết:
Đi qua nghiêng nón cúi lưng,
Anh không chào, em không hỏi vì chưng đông người.
Những khi không có người lạ thì:
Ra về mới đến nửa đồng,
Nón che, tay ngoắc trong lòng nhớ thương.
hoặc:
Nước chảy re re, con cá he nó xoè đuôi phụng,
Anh xa em rồi trong bụng còn thương.
Và ôm hoài kỷ niệm những lần gặp gỡ:
Em về nhớ phố, nhớ phường,
Nhớ nơi trò chuyện, nhớ đường em đi.
Ca dao là tình tự của dân tộc, là tiếng nói của tình yêu. Ca dao là tình tự trung thực nhất, đơn sơ nhất, bộc trực nhất. Là tiếng nói của con tim, không còn lý trí kiềm tỏa. Có sao nói vậy, không màu mè, không rào trước đón sau, không hoa hoè hoa sói. Uống lời thơ của con tim trong ca dao như uống giòng suối ngọt của nước mưa trời khi cổ cháy. Có khi nào bạn thấy lòng khô cháy như sa mạc, tình cùn như sỏi đá, bạn hãy uống thử trong giòng suối ngọt ngào tình tự ca dao, bạn sẽ thấy nhạc lòng trổi dậy, hoa lòng đưa hương và thần kinh giao cảm sẽ truyền lên bờ môi khô của bạn một ánh sáng nụ cười.
(ST)