C a D a o D ạ o Q u a C h ợ
Chợ lớn nhất và có thể nói là lâu đời nhất ở xứ bắc là chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, được nhắc qua câu ca:
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Thứ gì cũng có xa gần bán mua
Cổng chợ có chị hàng hoa
Có người đổi bạc chạy ra chạy vào
Có hàng "sực tắc" bán rau
Kẹo cau, kẹo đạn, miến xào, bún bung
Lại thêm bánh rán kẹo vừng
Đằng trước bún chả đằng sau bún giò.
Thứ đến là chợ tỉnh Nam Định, một trong các chợ lớn ở xứ bắc, cũng bán đủ các mặt hàng gia dụng:
Chợ tỉnh Nam vui lắm ai ơi!
Quanh năm tứ thời thiên hạ bán mua
Đủ hàng thịt gạo rau dưa
Đủ loài tôm cá ốc cua thịt gà
Bao nhiêu vải vóc lụa là
áo quần, khăn, mũ bầy ra thiếu gì!
Hàng quà chẳng thiếu thứ chi
Bún thang, bún chả, kẹo bi, kẹo vừng
Ở thành Nam, chợ Rồng là một trong những trung tâm buôn bán sầm uất. Chợ không chỉ buôn bán sản vật của cả vùng duyên hải xứ bắc, mà còn là một địa chỉ văn hóa - lịch sử:
Dù ai buôn đâu bán đâu
Chợ Rồng đệ nhất Tiên Châu thì về
Hay:
Ai chưa qua thử chợ Rồng
Biết thành Nam vẫn là không biết gì!
Ngày Tết, ở Nam Định còn có các phiên chợ đầu năm đông vui:
Mồng một chơi cửa, chơi nhà
Mồng hai chơi điếm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn đi chợ Qua Ninh
Mồng năm chợ Trình, mồng sáu Non Côi
Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng
Còn ở xứ Đoài, tức Hà Tây thì cũng lắm chợ bán đủ loại sản vật địa phương:
Hà Đông có chợ đàng xuôi
Ngỗng, vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều
Hay:
Chợ Nghè có món bún riêu
Bún cua, bún ốc, bún tiêu, bún gà
Bún đường bừa cái sợi nó ngà ngà
Riêu cua đầy gạch đổ òa lên trên
Mỗi chợ mỗi vẻ, đủ các mặt hàng tiêu dùng:
Tưởng rằng chợ Sái mỹ miều
Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm
Chợ Nưa hàng giậm hàng rơm
Chợ Trôi hàng vải, hàng cơm dải dầu
Chợ Nghệ thì lắm bò trâu...
Chợ Sái thuộc làng Quang Minh, huyện Thanh Oai. Chợ Nưa thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất; chợ Trôi ở Hoài Đức; chợ Nghệ ở thị xã Sơn Tây...
Sang xứ Bắc (Bắc Ninh) thì có:
Chợ Giàu một tháng tháng sáu phiên
Ai ơi nhớ lấy đừng quên chợ Giàu
Chợ Giàu bán sáo, bán sành
Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay
Đình Bảng bán ấm bán khay
Phù Lưu họp chợ mỗi ngày mỗi đông
Xuôi về xứ Đông, tức Hải Dương, có chợ Thanh Lâm khá nổi tiếng:
Ai lên Đông Tỉnh, Huê Cầu
Đông Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm
Nào ai đi chợ Thanh Lâm
Mua anh một áo vải thâm hạt dền...
Vào miền trung, Thừa Thiên - Huế có các chợ họp đông vui, nổi tiếng là nơi tập trung nhiều thổ sản đôi bờ Hương Giang:
Ru con con ngủ cho mùi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Cá tôm mua tại chợ Sình
Triều Sơn bán nón, Bao Vinh bán đường
Chợ Triều Sơn và chợ Bao Vinh ở huyện Hương Trà, chợ Quán, chợ Cầu ở huyện Phú Vang, chợ Sình ở ngã ba Sình, chợ Nam Phổ và chợ Dinh Ông ở thành phố Huế.
Bình Định cũng có nhiều chợ đã đi vào lời ru, tiếng hát ngọt ngào:
Thuốc An Lương hương thơm khói nhẹ
Chè Hòa Hội nước đậm mùi thơm
Em về mua vải chợ Gồm
Gò Găng mua nón, phiên Chàm anh vô!
Chợ Gồm ở huyện Phù Mỹ, chợ Gò Găng ở huyện Phù Cát và chợ Gò Chàm ở huyện An Nhơn.
Hoặc:
Chợ Gồm đồ gốm
Phú Hội đồ đan
Tiện đường ghé lại Cảnh An
Mua thêm chiếc võng cho nàng đưa con
Ở Khánh Hòa có chợ Đầm, còn gọi là chợ Nha Trang, là một trong những ngôi chợ lớn ở miền trung bán đủ các sản vật mọi miền, được giới thiệu qua câu ca dí dỏm:
Chợ Nha Trang trăm vật trăm ngon
Em vừa vừa cái miệng, kẻo chồng con mang nghèo!
Vào Nam Bộ, Chợ Lớn ở TP Hồ Chí Minh, thuở xưa, được xem là ngôi chợ lớn nhất ở miền nam. Đây là trung tâm buôn bán sầm uất với đủ các mặt hàng nội ngoại, các sản vật mọi miền đất nước.
Trà tàu chính gốc Hồng Mao
Trà Huế, nhãn nhục, hồng đào phơi khô
Chà là chí đến hạt dưa
Phèn xanh, phèn trắng, phèn chua gội đầu
Và:
Ống tiêu, ống địch, ngũ âm, cái kèn
Đường phổi, đường cách, đường phèn
Đường bột, đường bắc, đường đen Tam Kỳ
Bột khoai, bột báng, bột mì
Bột đậu, bột bắc, xa li, hột mè...
Đi sâu vào miền Tây Nam Bộ, còn có nhiều chợ nổi tiếng ở các địa phương như:
Chợ nào vui bằng chợ Gò (Công)
Tôm khô, cá trung, thịt bò, thịt heo
Thật nhiều bánh ướt, bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên lu
Sang Bến Tre xứ dừa, còn có:
Chợ Ba Tri thiếu chi cá biển
Anh thương nàng anh nguyện về đây!
Chợ không chỉ thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt của ngày thường, mà còn dành cho ngày hội và các ngày lễ, Tết:
Chợ Bưởi mồng chín tháng tư
Riêng một tháng tám lại dư phiên Rằm
Ai ơi nhớ lấy kẻo nhầm
Đi mua hoa quả chơi Rằm trung thu
Chợ trong kho tàng văn học dân gian nước ta, có thể nói, còn nhiều và nhiều lắm!
Bài Đọc Thêm:
Nói về chợ thì người bình dân họ diễn tả rất thực. Trong không khí rộn ràng của buổi chợ phiên, tiếng cười nói, tiếng chào nhau, tiếng rao hàng, tiếng khua động của dao của kéo, còn hàng hóa thì, ôi thôi, không kể xiết. Họ diễn tả:
...
Những còn hàng dép hàng giày
Nón ngựa, nón cúp bán rày liên thiên
Những còn các món nhiều tiền:
cà rá, hộp đá,
Gương, cài, dầu chanh, dầu thơm,
Bóp, dao, thùng quẹt máy,
Chỉ xanh, chỉ đỏ,
Bún nhỏ, bún to,
Đường phèn, đường cát
Cà dê, cà dĩa, cà chình,
Ớt Ngà, ớt bị, ớt sừng, ớt bay,
Rau răm, rau húng, bầu thúng, cà tây.
Mua bán bạc cây, mấy người hàng xén
Mấy chú rón rén, ăn cắp thiệt lanh,
Mấy chú mành sanh là anh trùm chợ
Mấy chú buôn mọi, bán rợ
Mấy chú An khê
Ở trên đem về
Xấp trầu, nài rễ
Dễ mua, dễ bán
Bánh tráng, kẹo cà,
Xu xoa, đậu hủ,
Mè thuẫn, bánh canh
Dạo hết xung quanh
Hành, ngò, cúc, cải,
Dây dừa, dầu rái,
Kẹo đỗ, kẹo dừa
Giỏ đố, giỏ thưa
Mấy chị đi trưa
Họ quơ trớt lớt.
Người dân quê tâm hồn họ thuần chất, nhưng đôi lúc cũng nảy sinh những bất mãn, và đây hãy nghe họ thể hiện nhưng tâm tư ấy:
Anh về hái đậu, chảy cà
Để em đi chợ kẽo mà lỡ phiên
Chợ lỡ phiên tốn công, thiệt của
Miệng tiếng cười người rõ sao nên
Lấy chồng phải gánh giang sơn
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì?
Chợ là một xã hội thu nhỏ, những cái xấu, cái tốt họ đều đem ra chợ. Chợ là nơi mua bán nhưng không phải ai đến chợ là mua cho mình một thứ gi đó, cũng có người đến chợ vì nguyên nhân khác:
Chiều chiều ra chợ Đông Ba
Ngó về hàng bột, trông ra hàng đường
Nhìn mai, ngắm liễu, xem hường
Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi.
Và chợ cũng là nơi dán cáo thị:
Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng
Chữ đề tên Bậu: không chồng có con.
Đó là những cô gái vì tình yêu mà bất chấp tất cả, những cô gái ấy đáng thương hơn đáng trách.Cũng có không ít cô đanh đá, chua ngoa đáng sợ hơn nhiều:
Gái này là gái chả vừa
Gái bán vải tấm, gái lừa vải con.
Gái này là gái chả non
Gái lường chợ Quán, gái buôn chợ Cầu.
Những chợ lớn buôn bán sầm uất, thứ gì cũng có, nhưng cũng có những chợ nhỏ họ buôn bán cốt yếu là để trao đổi hàng hóa với nhau, và những chợ như thế họ chỉ họp một buổi rồi tan.
Chim bay bay thấp bay cao
Bay qua cửa Phụ, bay về cửa Dinh
Chợ Dinh năm , bảy , mười người
Chị Chín đi trước, chị Mười đi sau.
Hay:
Đố anh con rít mấy chưn?
Cầu Ô mấy nhịp, Chợ Dinh mấy người?
Mấy người bán áo con trai
Chợ trong bán chỉ, chợ ngoài bán kim
Và có những chợ hàng hóa là đặc sản địa phương:
Ai về chợ Vạn thì về
Chợ Vạn có nghề đặt rượu nuôi heo.
hay:
Bạc liêu là chợ quê mùa
Dưới sông cá chốt, lên bờ triều_châu
Hoặc:
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
mua cau bất_nhị, mua trầu Hội_an.
Đôi khi, nói đến chợ nhưng trong thi ca bình dân có lối tả cảnh, tả tình cũng nên thơ và quyến rũ:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Chợ sài gòn xa, chợ Mỹ( Mỹ Tho) cũng xa
Viết thư thăm hết mọi nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.
Cho dù cách thể hiện tình cảm kín đáo nhưng đâu kém phần tha thiết, họ khuyên nhau:
Chợ Bến Thành dời đổi
Người sao khỏi hợp tan
xa gần gửi nghĩa tào khang
Chớ ham quyền quí mà đá vàng xa nhau.
Kho tàng văn học dân gian thật phong phú và đa dạng,người bình dân họ thật sự là những thi sĩ đại tài.
(ST)