C ả m H ứ n g G i a Đ ì n h Trong Ca Dao Xưa
Trong xã hội tiểu nông cá thể ngày xưa, gia đình là một đơn vị sản xuất hoàn toàn "tự chủ hạch toán và kinh doanh". Hai nhân vật trung tâm của gia đình là người vợ và người chồng. Trong công việc làm ăn, hai nhân vật này luôn gắn bó bên nhau:
Sớm khuya có vợ có chồng
Cầy sâu bừa kỹ mà mong được mùa.
Cảnh làm ăn cầy cấy thời ấy còn vất vả, khó nhọc lắm, nhưng cũng thật vui:
Rủ nhau đi cấy đi cầy
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa.
Qua thực tế lao động sản xuất, người nông dân thời xưa đã tích lũy được khá nhiều những kinh nghiệm sản xuất quý báu về cây, về con, về thời tiết, mùa vụ...Nhưng lạ nhất là ngay từ thời ấy, người nông dân cũng đã có ý thức bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, và một phần nào đó đã ý thức muốn vượt ra cái khuôn khổ thuần nông để tăng thêm thu nhập. Ta hãy nghe cách tính toán làm ăn của một người phụ nữ:
Đất mầu trồng đậu, trồng ngô
Ruộng sâu cấy lúa, đất khô làm vườn
Ngày rồi em lại đi buôn
Quanh năm no ấm em buồn gì đâu ?
Ở trình độ sản xuất còn thủ công và manh mún thời ấy, đời sống vật chất của người nông dân xưa còn khá đạm bạc, nếu không nói là còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng họ vẫn chấp nhận và còn rất tự hào:
Hết chiêm lại đến vụ mùa
Hết mùa rau muống đến mùa cải hoa
Đừng khinh dưa muối tương cà
Tuy không lịch sự nhưng mà sạch trong.
Tự hào không phải về sự giầu có vật chất mà tự hào về lòng tự trọng và biết sống trong sạch. Chính nhờ nhưng phẩm chất này mà "văn hóa gia đình" của người nông dân xưa đã đạt đến những chuẩn mực mà cho đến nay vẫn còn có thể làm rung động và thức tỉnh chúng ta:
Đây là niềm vui của họ khi sinh con:
Có vàng vàng chẳng hay phô
Có con con nói trầm trồ đễ ưa.
Đây là nhận thức của họ về trách nhiệm nuôi dạy con cái:
Nuôi con chẳng dậy chẳng răn
Thà rằng nuôi chó cho ăn giữ nhà
Con hư tại mẹ tại cha
Cháu hư thì tại cả bà lẫn ông.
Còn đây thì lại là "mục tiêu và phương pháp" giáo dục của họ:
Có con thì phải dạy con
Dạy con nên khéo nên khôn mọi đàng
Lấy lời hơn thiệt bảo ban
Tìm câu êm ái nhẹ nhàng nhủ khuyên
Dậy con nên thảo nên hiền
Dậy cho em dưới anh trên thuận hòa.
Không nói tới việc "dạy chữ", nhưng "dạy làm người" trong các gia đình xưa thì khá thấm thía và hiệu quả. Cho nên con cái thời xưa đa phần thường hiếu thuận với cha mẹ. Đây là cử chỉ và tấm lòng trân trọng của một người con đang nuôi mẹ:
Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già
Còn đây là tình cảm của một người con đã xa mẹ:
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.
Nhất là khi cha mẹ đã "khuất núi" thì tâm trạng chung của con cái là nhớ thương, tiếc nuói đến hụt hẫng:
Trông lên nhang tắt đèn mờ
Muốn nuôi cha mẹ bây giờ còn đâu.
Vẻ đẹp văn hóa trong các gia đình nông dân xưa tập trung biểu hiện ở chỗ họ coi trọng đời sống tình nghĩa, đời sống tinh thần hơn đời sống vật chất; họ coi trọng nhân phẩm con người hơn của cải. Ta hãy nghe tâm sự tự đáy lòng của một nàng dâu:
Chẳng thà ăn khế ăn sung
Gặp được mẹ chồng quý mến cũng vui
Còn hơn ăn thịt ăn xôi
Nghiến răng ken két làm tôi bực mình.
Trong một nền kinh tế tiểu nông, sản xuất chủ yếu nhằm tự cung tự cấp, người nông dân xưa thường rất tự hào về một gia đình đời sống vật chất tuy đạm bạc, nhưng thuận hòa trên kính dưới nhường, không phiền lụy ai, giữ tròn được đạo lý và phẩm cách:
Nhà em có vại cà đầy
Có ao rau muống có đầy chĩnh tương
Dầu không mỹ vị cao lương
Trên thờ cha mẹ dưới nhường anh em
Một nhà vui vẻ êm đềm
Đói no tùy cảnh chẳng thèm lụy ai.
Có lẽ chính cái vẻ đẹp văn hóa này đã tạo nên cái HƯƠNG SEN VIỆT "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" . Và đó cũng chính là một trong những nguồn năng lượng tinh thần để nuôi dưỡng và hun đúc nên nhân cách của con người Việt Nam xưa chăng ?
Đỗ Đình Tuân