Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

S ô n g T r o n g C a D a o N a m B ộ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • S ô n g T r o n g C a D a o N a m B ộ


    S ô n g T r o n g C a D a o N a m B ộ




    Nước VN nơi đâu cũng có sông, nhưng với Nam Bộ, sông là đặc điểm nổi bậc của môi trường thiên nhiên. Trong sách “Gia Định thành công chí” (Nhà văn hoá xuất bản. S..,1972), Trịnh Hoài Đức đã miêu tả: “Ở Gia Định, sông suối dọc ngang chằng chịt”, “Đất Gia Định nhiều sông, kênh, cù lao và bãi cát...”, “Ở Gia Định, chỗ nào cũng có ghe thuyền hoặc dùng thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chơi, đi thăm người thân, chở gạo củi, buôn bán,....”.


    Theo một số tài liệu xưa, những kênh đào Nam Bộ có tổng chiều dài khoảng 2500 km và các sông rạch tự nhiên khoảng 2400 km. Trong quyển “Thiên nhiên Việt Nam”(NXB KHKT.K., 1989) của Lê Bá Thảo cũng ghi nhận có 4900km kênh đào. Như vậy, chỉ với khoảng 40.000km2, Nam Bộ có tổng chiều dài kênh rạch đến gần 5000km. Kênh rạch chằng chịt, cắt xẻ ăn sâu khắp bề mặt vùng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và giao thông đường thuỷ.


    Làng xóm Nam Bộ thường lấy sông làm ranh giới địa phương, bên này sông là một địa phương và bên kia sông là một địa phương khác. Dòng sông dọc ngang chằng chịt như những mạch máu lớn nhỏ trong “cơ thể Nam Bộ”. Người Nam Bộ quý đất như xương thịt, quý màu xanh cây trái như làn da tươi mát và quý sông như máu nuôi cơ thể mình. Cuộc sống người dân Nam Bộ gắn bó với dòng sông, con sông là vì vậy.


    Sông có vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá vật chất ở Nam Bộ. Dòng sông là đường giao thông huyết mạch, của ngõ sông là nơi lập chợ, nhiều cư dân sinh sống trên sông, cất nhà ven sông. Sông chở nặng phù sa, mang nước tưới tiêu cho ruộng vườn và mang lại nhiều sản vật. đặc biệt là tôm cá.


    Đối với văn hoá tinh thần, nhiều tín ngưỡng, lễ hội dân gian và một số loại hình nghệ thuật dân gian hình thành từ môi trường sông nước. Môi trường đó trong nhiều trường hợp cũng chính là môi trường diễn xướng dân ca (ví dụ hò chèo ghe).



    Trong ca dao dân ca Viêt Nam nói chung, sông thường được nhắc đến như một đặc trưng cho quê hương, cho miền quê,... Tuy nhiên không ở đâu hình ảnh sông được lặp đi lặp lại nhiều lần với những giá trị thẩm mỹ sâu sắc, phong phú như trong ca dao dân ca trữ tình Nam Bộ. Hình ảnh quen thuộc trong ca dao Bắc Bộ là cây đa, mái đình,...gợi rõ nét văn hoá cổ truyền của nông thôn Bắc Bộ. Ca dao Trung Bộ là hình ảnh của núi, đèo, ruộng, rú, truông, phá,... thể hiện một không gian cao rộng từ địa hình tự nhiên của vùng đất.





    Khảo sát trong quyển “Ca dao dân ca Nam Bộ” của Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh, Bùi Mạnh Nhị (ký hiệu TL 1), chúng tôi nhận thấy hình tượng sông có tần số xuất hiện rất cao: 144 lần và việc sử dụng hình tượng sông nước ở đây không nhằm tái hiện hình ảnh một con sông cụ thể nào mà chủ yếu bị chi phối bởi các đặc thù của cảm xúc và mục đích biểu tượng hoá nghệ thuật – Sông trở thành một biểu tượng nghệ thuật khi được sử dụng với nghĩa bóng ổn định.


    Sông là hiện thân của dòng chảy lớn, dài, mênh mông, sâu và vô tận. Những đặc điểm này khiến người ta dễ hình dung nó như một thực thể sống động, có khả năng diễn đạt nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống con người. Từ quá trình khảo sát thống kê các bài ca, chúng tôi ghi nhận:


    1.Hình tượng sông khơi dậy ý niệm một cái gì đó mênh mông vô tận nên xu hướng phổ biến nhất là lấy đặc điểm hình thể: dài, rộng, sâu, bao la của sông để gợi liên tưởng về sự xa cách, sự bền vững, về cái lớn lao, vô tận:

    -Ơn hoài thai như biển

    Ngãi dưỡng dục tợ sông

    Em nguyền ở vậy không chồng

    Lo nuôi cha mẹ hết lòng đạo con.



    -Ơn cha rộng thênh thênh tựa biển

    Nghĩa mẹ dài dằng dặc tựa sông....




    Sông thuộc loại thiên nhiên “lớn”. Đứng trước thiên nhiên “lớn”, con người cảm thấy mình trở nên nhỏ bé. Tầm vóc lớn lao của sông được làm cơ sở chứng minh cho sự bền vững:


    -Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn

    Núi lở non mòn, nghĩa bạn không quên



    Chiều dài của sông dễ gợi người ta liên tưởng đến chiều dài vô tận của sự xa cách, của không gian và thời gian:

    -Sông dài cá lội biệt tăm

    Thấy anh người nghĩa, mấy năm em cũng chờ



    -Sông dài cá lội biệt tăm

    Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ

    Sông sâu cá lội vào bờ,

    Phải duyên thì lấy, đợi chờ nhau chi



    -Sông dài cá lội biệt tăm

    Người thương đâu vắng chỗ nằm còn đây





    Việc sang sông được xem là sang một vùng sống khác của cuộc đời, một ngã rẽ của cuộc đời:

    -Ai đem con sáo sang sông,

    Để cho con sáo sổ lồng sáo bay



    -Vai mang khăn gói sang sông

    Mẹ kêu em dạ, thương chồng phải theo



    2.Xu hướng mượn những sự vật có liên quan với sông để gợi những liên quan với sông để gợi những liên tưởng khác nhau về thân phận con người, về đời người:


    Cánh bào gắn bó với dòng sông, trôi dạt lênh đênh trên dòng sông không biết đâu là phương hướng, không biết đâu là bến bờ... Trong ca dao, hình ảnh cánh bèo trên sông được dùng để biểu đạt ý niệm thân phận, số phận con người.

    -Thiếp than cha mẹ thiếp nghèo

    Thiếp than phận thiếp như bèo trôi sông



    và dòng đời khác nào dòng sông, sông cũng trở thành phương tiện thể hiện những ý niệm trừu tượng về đời người:

    -Gío thổi lao xao khúc sông nào sóng nấy

    Thuyền em đi giữa dòng anh thấy anh thương



    -Khúc sông chật hẹp khôn tuỳ

    Lo cho thân bậu sá gì thân qua



    Trong mạch tư duy ấy, sông còn gợi lên những liên tưởng về những cảnh đời như “gạo chợ nước sông” trôi nổi:

    -Đạo nào bằng đạo đi buôn,

    Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông






    3.Xu hướng mượn hình tượng sông làm biểu tượng về chính con người, tình cảm con người:

    Chiều sâu của sông tạo một ý niệm về lòng người khó dò:

    -Chết đi thôi bớ vợ chồng đời

    Sông sâu anh không dọ để giữa vời hụt chân



    -Sông sâu sào vắn khó dò

    Kia kìa con tạo đưa đò âm cung



    về chính con người:

    -Tiếng anh nho sĩ học trò

    Thấy sông vội lội, không dò cạn sâu



    Trong những mối quan hệ nhất định với một yếu tố thiên nhiên khác, sông biểu đạt những ý niệm về các mối quan hệ tương quan nhiều mặt:

    Ví dụ:

    * Sông – Cá đặt trong tương quan trai gái:

    -Chim buồn tình, chim bay về núi

    Cá buồn tình, cá lủi xuống sông

    Anh buồn tình, anh dạo chốn non bồng

    Dạo miền sơn nước, xuống chốn ruộng đồng mới gặp em.



    * Sông - Nước đặt trong tương quan vợ chồng:

    -Sông bao nhiêu nước cũng vừa

    Trai bao nhiêu vợ cũng chưa thoả lòng






    *Sông – vòi- vịnh đặt trong tương quan so sánh hơn kém:

    -Sông bên voi bỏ vòi bên vịnh

    Hai đứa mình trời định đã lâu





    Qua việc khảo sát nghĩa của sông, chúng tôi nhận thấy:

    -Sông là biểu tượng nghệ thuật tiềm tàng. Tuỳ thuộc vào phương thức miêu tả sông, thể hiện sông như thế nào trong mỗi câu ca mà sông có những khả năng biểu trưng hoá nghệ thuật khác nhau.


    -Cơ sở hình thành biểu tượng sông trong ca dao dân ca trữ tình Nam Bộ chính là sự liên tưởng từ một nét tương đồng nào đó giữa sông và đối tượng được biểu hiện. Cũng thấy là tác giả dân gian có chú ý đến nghĩa vật thể của sông, nhưng chủ yếu là chú ý đến nghĩa biểu trưng nghệ thuật của nó. Một ý nghĩa thẩm mỹ của sông được quy định bởi một đặc tính tự nhiên nào có của chính nó(điều này không phải là ngoại lệ đối với các hình tượng khác). Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa các ý nghĩa thẩm mỹ của sông và điều đó tạo nên sự thống nhất về mặt ngữ nghĩa của hình tượng trong quá trình biểu tưng hoá nghệ thuật.


    -Khi sông cùng xuất hiện với một yếu tố thiên nhiên khác, trong những mối quan hệ nhất định, nó đạt tới những ý nghĩa thẩm mỹ đa dạng hơn. Hiện tượng sóng hợp này cũng thường phổ biến trong ca dao dân ca trữ tình nói chung, tạo nên những mô típ có tính truyền thống. Khi khảo sát, chúng tôi còn nhận thấy sông đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc thể hiện đề tài: “Tình yêu hôn nhân – gia đình”. Ngoài ra, sông cũng là yếu tố của một số định ngữ nghệ thuật quen thuộc trong dân gia: “sông dài biển rộng”, “gạo chợ nước sông”,....

    Nhìn chung, thiên nhiên sông nước trong folklore Nam Bộ được xây dựng thành những bức tranh nghệ thuật khá đa dạng, phản ánh nhận thức và thái độ thẩm mỹ của người Nam Bộ, cụ thể là nông dân Nam Bộ. Đặc điểm này tạo nên tính địa phương của ca dao dân ca Nam Bộ, góp phần làm phong phú thêm tiến trình phát triển chung của ca dao dân ca Việt Nam.






    TRẦN THỊ DIỄM THÚY
Working...
X