B í Q u y ế t T r ư ờ n g X u â n Qua Tục Ngữ Ca Dao
« Người xưa tuổi thọ kém, ai sống tới 70 đã cho là hiếm hoi, nhân sinh thất thập cổ lai hy ». Đã vậy, nhiều người suốt đời chỉ hùng hục làm việc, chạy theo bả lợi danh, bo bo giữ của, không biết hưởng đời là gì ; tới khi già yếu, sắp xuôi tay nhắm mắt, tính sổ cuộc đời mới thấy là dại :
- Một năm là mấy tháng Xuân
Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa ?
- Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
Bo bo giữ lấy của trời làm chi ?
Bảy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi ?
Từ đó, người xưa rút kinh nghiệm, để lại cho con cháu biết bao là lời khuyên bảo chí lý, không ngoài mục đích khuyến khích chúng ta hãy tận hưởng những hương vị của cuộc sống ngay từ thưở thanh niên son trẻ ; cùng cho chúng ta những bí quyết để kéo dài tuổi Xuân :
- Ai ơi chơi lấy kẻo già
Măng mọc có lứa, người ta có thì.
Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau.
- Mỗi năm, mỗi tuổi, mỗi già
Chẳng lo liệu trước ắt là lụy sau.
Ngày nay chúng ta đều biết, khoa học tiến bộ vượt bậc đã giúp cho con người rất nhiều phương tiện, để được hưởng một cuộc sống tiện nghi, thoải mái và lý thú hơn xưa. Đồng thời, ngành y dược cũng tiến bộ đáng kể, đã giúp cho con người chữa được lắm bệnh hiểm nghèo, tăng thêm sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ. Những kết quả này tuy đã đem lại nhiều phúc lợi cho nhân loại, nhưng vì thiếu tính chất nhân bản nên vẫn không giúp cho con người đạt được chân hạnh phúc. Đây chính là lý do vì sao chúng ta thích đọc lại ca dao, tục ngữ, một loại văn chương bình dân truyền khẩu phong phú của dân tộc, cốt tìm hiểu xem đâu là quan niệm nhân sinh của người xưa ; và qua đó, chúng ta lĩnh hội được những gì về bí quyết trường Xuân, để đem lại cho mình một đời sống hạnh phúc trọn vẹn, lâu dài ?
Sau khi nghiên cứu tục ngữ, ca dao, chúng ta hẳn thấy, bí quyết trường Xuân của người xưa đã được qui vào những điểm sau đây :
1. Người ta trước hết phải biết sống theo triết lý tri túc, tiện túc, nghĩa là biết đủ ấy là đủ.
Chính vì biết sống an phận, không đòi hỏi nhiều nên cuộc sống mới được nhàn nhã, tâm hồn mới được thảnh thơi :
- Ông cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc lại càng cả lo.
Ông bếp ngồi trong xó tro,
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm.
Huống chi cuộc đời quá ngắn ngủi, làm nhiều làm chi cho khổ thân :
- Đời người sống mấy gang tay,
Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm
2. Phải biết quẳng gánh lo đi mà vui sống.
Sự lo nghĩ, buồn phiền làm cho tâm thần rã rượi, mặt mày héo úa, xấu xí, sức khoẻ sa sút. Ông Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc, cũng như bà Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm Khúc đều đã công nhận điều này :
Chiều ủ dột giấc mai trưa sớm
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ.
(Cung Oán Ngâm Khúc)
Võ vàng đổi khác hình thù
Nỗi khuê ly biết mùi chua dường này !
(Chinh Phụ Ngâm Khúc)
Bởi vậy, ca dao mới khuyên ta chớ nên cả lo như các bà mẹ xưa, mười chuyện lo cả mười, chuyện không đáng cũng lo, như thế thì lo cả đời chưa hết :
- Mẹ già lo bảy, lo ba,
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.
Và phải biết xem nhẹ, xem thường mọi chuyện :
- Lo gì mà lo, lo con bò trắng răng
Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò.
3. Đồng thời, phải nuôi dưỡng lấy các đức tính Từ, Bi, Hì, Xả.
Có biết cảm thông, thương xót, giúp đỡ và tha thứ cho người, tâm ta mới không vướng bận ghen ghét, oán thù, mà hằng giữ được trong sáng, hoan lạc :
- Có câu tích đức tu thân
Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri (trì)
- Đấng trượng phu &đừng thù mới đáng
Đấng anh hùng đừng oán mới hay.
4. Cái tâm trong sáng, hoan lạc này lại cần được thể hiện qua nụ cười luôn luôn tươi nở trên môi.
Khi cười, không những các bắp thịt mặt được thư dãn, vẻ mặt trông tươi mát, mà lòng ta cũng cảm thấy phấn khởi, hạnh phúc. Giá trị của nụ cười đã được người xưa xác nhận qua câu tục ngữ : Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.
Ngoài ra, nụ cười tươi còn gây được ảnh hưởng vui sống cho những người xung quanh :
- Ngó lên lỗ miệng em cười
Như búp hoa nở, như mặt trời mới lên.
- Mình về, mình nhớ ta chăng
Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười.
Trăm quan mua lấy miệng cười
Nghìn quan chẳng tiếc, tiếc nụ cười em xinh.
(Đúng ra là : Nghìn quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen)
Giá trị nụ cười không chỉ được người Á Đông chúng ta đề cao, mà ngay ở Âu Mỹ cũng có nhiều câu danh ngôn được truyền tụng :
- Chaque fois qu’un homme sourit, et plus encore quand il rit, il ajoute quelque chose à ce brin de vie. (Mỗi khi một người mỉm cười, và hơn nữa khi hắn cười, hắn đã thêm một chút gì có ý nghĩa cho cuộc đời mong manh này).
- Le sourire apporte la chaleur à celui qqui recoit, ne cou^te rien à celui qui donne. (Nụ cười mang lại sự ấm áp cho người nhận, mà người cho chẳng mất mát gì).
5. Phải biết giữ vệ sinh cho thân thể.
Con người, thân thể có sạch sẽ mới khoẻ mạnh được.
Nhan sắc các bà các cô một phần do cái răng, cái tóc quyết định :
- Cái răng, cái tóc, một góc con người.
Ai muốn có một hàm răng đều đặn, tươi tắn, bóng bẩy như những câu ca dao vừa dẫn chứng ở trên, tất phải biết phép giữ vệ sinh và bồi dưỡng cho răng lợi. Bằng chẳng chịu giữ gìn, răng sẽ bị sâu, bị thối, bị sún, bị sứt, bị gãy, nhan sắc trông chẳng còn đẹp tí nào ; mà khi ăn lại khó nhai, khó cắn, mất cả ngon. Vậy muốn sạch miệng, tốt răng, người xưa dạy, phải xúc miệng bằng nước muối, phải ăn trầu và nhuộm răng đen. Muốn thơm da, mát thịt thì tắm nước nấu hoa hương nhu, hoa mùi già hay cánh hoa ngọc lan. Còn muốn tốt tóc, sạch gầu thì :
- Tốt tóc thì cỏ mần trầu
Sạch ghét, sách gầu bồ kết với chanh.
Người sạch sẽ là người biết tự trọng và dễ gây được thiện cảm với người xung quanh, nhất là người đó lại thuộc phái đẹp :
- Nước trong ai chẳng r&ửa chân,
Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn.
6. Bổn phận làm đẹp.
Nam hay Nữ đều nên làm đẹp. Riêng phái Nữ, làm đẹp còn phải kể là một bổn phận để tạo hạnh phúc cho gia đình. Trong Chinh Phụ Ngâm, bà Đoàn Thị Điểm cũng đã chấp nhận như thế :
- Vì chàng, tay chuốc chén vàng
Vì chàng, điểm phấn, đeo hương não nùng.
Người ta làm đẹp qua cách điểm trang và cách ăn mặc. Làm đẹp giúp ta trông trẻ ra, đẹp hơn và có duyên thêm :
- Trắng da vì bởi phấn giồi
Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa.
- Có trầu cho miếng đỏ môi
Có rượu cho chén thêm tươi má hồng.
- Cau già, dao sắc lại non, Nạ giòng trang điểm lại giòn hơn xưa.
- Người tốt về l&##7909 ;a (?)
Lúa tốt về phân
Chân tốt về hài
Tai tốt về hoãn.
Và cũng vì trang điểm đẹp thêm nên ta cảm thấy tự tin hơn, yêu đời hơn và cuộc đời cũng vì đó mà lên hương thêm, cao giá thêm :
- Còn duyên như tượng tô vàng
Hết duyên như tổ ong tàng ngày mưa.
- Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
- Còn duyên kén những trai tơ
Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng.
7. Phải biết ăn uống sao cho bổ và ngon.
Tục ngữ có câu Dĩ thực vi tiên. Người xưa xem chuyện ăn uống quan trọng hơn cả, vì hiểu rằng :
- Ăn vóc, học hay.
- Có thực mới vực được đạo.
và :
- No nên bụt, đói ra ma.
Hiển nhiên, có ăn mới khoẻ mạnh nên hình dạng con người đẹp đẽ, cũng như có học mới thành người giỏi, người tài. Sau nữa, có ăn no đủ người ta mới dễ dàng giữ được nhân cách, đạo đức, sống đời từ bi bác ái.
Khi đã xem vấn đề ăn uống là chuyện hàng đầu ở đời, mà chuyện ăn uống lại là chuyện tế nhị, chuyện nghệ thuật, chuyện văn hoá chứ chẳng phải chơi, nên người ta mới cần đến tài nội trợ, bếp núc đảm đang, khéo léo của các bà các cô.
Tất nhiên không kể đến những người quá nghèo, hay đang gặp cơn bỉ cực, không tiền mua gạo, đành phải ăn rau, ăn ráy, ăn khoai độn bụng để sống qua ngày :
- Đói ăn rau, đau uống thuốc.
- Đói thì ăn ráy, ăn khoai
Chớ thấy lúa trỗ tháng Hai mà mừng.
(trỗ : bắt đầu ra hoa, chữ dùng riêng cho lúa ngô)
Còn người nội trợ bình thường nào cũng biết “liệu cơm gắp mắm”, nghĩa là biết tuỳ theo khả năng mà lo cho chồng con được cơm dẻo canh ngọt. Hai bữa ăn chính của dân ta, cơm là căn bản nên phải lo trước tiên. Theo người xưa :
- Cơm ba bát, áo ba manh
Đói chẳng xanh, rét chẳng chết.
Cho thấy, con người ta khi cơm đủ no (mỗi bữa ba bát), tất sẽ có đủ sức khoẻ để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt. Cơm đủ ăn rồi, người ta mới nghĩ đến cách nấu nướng, chế biến thực phẩm thành những món ăn, làm sao đem lại sự khoái khẩu và tăng thêm chất lượng dinh dưỡng cho cơ thể.
- Nhiều tiền mua thịt Ít tiền mua xương.
Đúng vậy, người nội trợ khôn ngoan, khéo léo thì dù ít tiền vẫn có thể sửa soạn những món ăn ngon cho gia đình :
- Trời mưa cho ướt lá dừa
Cho tươi luống cải cho vừa lòng em
Cho em hái đọt rau dền
Nấu tô canh ngọt dâng lên mẹ già.
- Bồng em đi dạo vườn cà,
Cà non chấm mắm, cà già làm dưa.
- Râu tôm nấu với ruột bbầu
Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon.
Nói chung, ở thôn quê Việt Nam xưa, nhà nào có đủ gạo ăn, lại có được cái ao rau muống với hai món tương cà gia bản thì có thể yên tâm, gia đình sẽ được no đủ và gia đạo sẽ được an vui :
- Nhà em có vại cà đầy, Có ao rau muống, Có đầy chĩnh tương.
Dầu không mỹ vị cao lương
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em.
Một nhà vui vẻ êm đềm
Đói no tuỳ cảnh, không thèm luỵ ai.
Còn những gia đình khá giả thì người nội trợ thường hay sửa soạn, nấu nướng những món ăn đắt tiền hơn, cầu kỳ hơn, cốt làm tăng thêm khẩu vị cho mọi người. Cũng vì miếng ngon nhớ lâu nên người ta có thể kể lại vanh vách. Này đây là những món ngon dành cho mẹ già :
- Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi
Gĩa gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.
- Ba tiền một khía cá buôi, Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già.
Này đây là những món ngon dành cho vợ chồng con cái :
- Cơm trắng ăn với chả chim
(Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no).
- Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen.
- Bậu câu cá bống, ngắt đầu kho tiêu
Kho tiêu, kho mỡ, kho hành
Kho ba lượng thịt để dành cho em ăn.
- Cơm chín tới, cải vàng non
(Gái một con), gà mái ghẹ.
-Thú quê rau, cá đã từng
Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan.
... ...
+ Các bà nội trợ còn lo sắp xếp thực đơn mỗi ngày, mỗi bữa, món ăn đổi thay cho chồng con ăn không chán, lại thấy lạ và ngon miệng :
- Sáng ngày bồ dục chấm chanh
Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chầy.
Việc bếp núc cũng lắm công phu, muốn thành công người ta phải nắm được một số bí quyết, như :
+ Mùa nào thức ăn nấy. Như thế vừa rẻ, vừa ngon, vừa tươi lại có nhiều chất bổ dưỡng, giúp phát triển và bảo trì cơ thể lành mạnh :
- Chim, gà, cá, lợn, cành cau **
Mùa nào thức nấy giữ màu nhà quê.
(*) bông cau non cũng là một món ăn quí hiếm. Theo tác giả Nguyên Hương (Dallas) trong bài Nam Phổ... Trèo Cau, Làng Văn số 135 cho biết, Món bông cau non xào với tôm thịt, thêm hành, nhiều tỏi, rắc trên một chút mè, xúc ăn với bánh tráng, ngon tuyệt ! Bông cau non xào với ong con còn trong tổ,mùi vị món ăn cũng lạ miệng và thiệt ngon.
+ Biết cách chọn mua thực phẩm sao cho tươi và ngon :
- Mua thịt thì chọn miếng mông
(Lấy chồng thì chọn con tông nhà nòi)
- Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
- Mua bầu xem cuống
Mua muống xem lá
Mua cá xem mang
Mua cua xem càng.
+ Món ăn nào phải dùng gia vị nấy. Ngoài ra làm ăn phải sạch sẽ, giữ cho đồ ăn được tinh khiết, trong lành mới là trọn vẹn :
- Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng giềng.
- Thịt đầy xanh không hành không ngon.
- Cái cò, cái vạc, cái nông
Ba con cùng béo vặt lông con nào ?
Vặt lông con vạc cho tao
Hành, răm, mắm, muối bỏ vào mà thơm.
- Rau cải nấu với cá rô,
Gừng thêm một lát cho cô đắt chồng.
- Con lươn có tiếng hôi tanh
Xào nấu sạch sẽ cũng thành món ngon.
+ Nên biết những đặc sản của mỗi vùng. Khi đã biết, ra chợ dễ mua bán và khi đã mua được trái cây, thực phẩm ngon rồi, người nội trợ chắn chắn dễ thành công hơn trong việc cơm nước cho gia đình, hay những bữa tiệc tùng cho họ hàng, bạn bè :
Thí dụ 1, thổ sản miền Nam :
- Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ ?
- Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Bắp thì Chợ Giữa, giồng khoai Mỹ Hoà.
- Bánh tráng Mỹ Lồng
Bánh phồng Sơn Đốc.
Thí dụ 2, thổ sản miền Trung :
- Ốc gạo Thanh Hãn
Mật rú Bát Phường
... …
Thơm rượu Hà Trung
Mắm ruốc Cửa Tùng
Mắm nêm chợ Sải.
Thí dụ 3, thổ sản miền Bắc :
- Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
+ Biết chọn các món ăn đi cặp với nhau cho tăng khẩu vị :cuối cùng người nội trợ tế nhị, từng trải còn phải biết sắp xếp những món ăn nào đi cặp với nhau khiến ăn vào làm tăng thêm khẩu vị như :
- Mâm cốm kẽo kẹt mâm hhồng
(Bát bịt, mâm đồng kẽo kẹt một nơi)
Mâm thịt kẽo với mâm xôi
Thịt bùi, xôi dẽo kẽo nơi bà già.
Cùi dừa kẽo kẹt bánh đa
Cái đĩa thịt gà kẽo kẹt lá chanh.
Nồi cơm kẽo với nồi canh
Quả bí trên cành kẽo với tôm he.
Bánh ngọt kẽo với nước chè (trà) …
- Cơm nắm ăn với thịt dim
Vừa bùi vừa dẻo lại thêm mặn mà.
Chính nhờ tài nội trợ cơm nước khéo léo và cách sắp xếp món ăn hợp khẩu vị này mà các bà vợ Việt Nam đã bảo vệ được hạnh phúc gia đình. Người chồng xa nhà, thấy nhớ món ăn ngon của vợ lại muốn mau mau trở về :
- Anh đi, anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nấu ăn ngon đã trở thành một trong những bí quyết tạo hạnh phúc và giữ hạnh phúc gia đình. Đấy là lý do vì sao không một bà mẹ Việt Nam nào lại không dạy con gái nghệ thuật nấu nướng. Và cô gái nào có tiếng nấu nướng giỏi, có kém nhan sắc một chút cũng vẫn lấy được chồng ngon lành như thường :
- Có phúc lấy được vợ già
Vừa sạch cửa nhà, lại ngọt cơm canh.
8. Ăn chơi phải có chừng mực.
Ăn uống vừa bổ, vừa ngon miệng tất đem lại cho con người nhiều sức khoẻ. Có đạo đức lại có sức khoẻ, người ta mới mong sinh được những đứa con tốt lành :
- Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu nhiu lại nở ra dòng liu nhiu.
Lại nữa, có sức khoẻ, người ta mới mong hưởng thụ được nhiều lạc thú ở đời. Thôi thì đủ câu
- Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng.
- Già thì già tóc, già tai
Già răng, già lợi, đồ chơi không già.
Tuy nhiên chúng ta đều biết, cái gì thái quá cũng không nên :
- Ăn lắm thì hết miếng ngon
Nói lắm thì hết lời khôn hoá rồ.
Bởi vậy, nếu người ta cứ mặc sức ăn chơi, hưởng thụ theo cái lối buông thả, chơi cố :
- Đã sinh tài sắc ở đời
Chẳng ăn cũng thiệt, chẳng chơi cũng hoài.
Không tự giới hạn, kiềm chế được mình thì rồi trường Xuân đâu chưa thấy, tật bệnh đã theo nhau kéo đến. Lúc bấy giờ ăn cũng chẳng được, mà ngủ cũng chẳng yên, người ta mới thấm thía được hết ý nghĩa của câu tục ngữ :
- Ăn được, ngủ được là tiên
Không ăn, không ngủ mất tiền thêm lo.
Thêm lo thì đã quá muộn rồi. Vậy muốn được sống trường thọ, kéo dài tuổi Xuân thì ăn chơi phải có điều độ, phải biết dè chừng, theo tinh thần tự chế :
- Tay tiên chuốc chén rươu đào
Đổ đi thì tiếc, uống vào thì say.
Ngày nay nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI. Sách báo và nhiều người xung quanh ta thường nói tới những vấn đề liên quan đến các phát minh tiến bộ vượt bậc của khoa học, như về các loại máy móc điện tử, về truyền thông vệ tinh ... cùng các tiến bộ đáng kể của ngành y dược, như đã tìm ra các phương thuốc trị bệnh hiểm nghèo, đã cứu được nhiều sinh mạng bằng phép ghép thuận, ghép gan, thay tim … Nhờ vậy con người đã được hưởng một cuộc sống văn minh vật chất tiến bộ đáng kể, và sức khoẻ cũng được bảo vệ tối đa, tuổi thọ vì thế đã gia tăng rất nhiều.
Người xưa 50 tuổi đã được liệt vào thọ cách, ai sống đến 70 cho là hi hữu Người nay tuổi thọ trung bình đã vượt lên từ 70 tới 80 tuổi, có nhiều cụ đã sống trên cả trăm tuổi (Cụ bà Jeanne Clément là một trong những người thọ nhất nhì thế giới, báo chí cho hay, cụ đã ăn mừng sinh nhật lần thứ 126 !). Vậy mà giờ đây chúng ta còn giở lại những câu ca dao, thành ngữ cổ truyền của dân tộc để tìm hiểu, học hỏi thêm về những bí quyết trường Xuân của người xưa, không biết như thế có lạc hậu không ?
Tôi thiết nghĩ là không. Thực vậy, nếu chúng ta nắm được nghệ thuật sống, nghĩa là biết dung nạp những ưu điểm của hai lối sống kia để bổ khuyết cho nhau. Theo đó, chúng ta vẫn sống đời văn minh tiến bộ của Âu Mỹ để được bảo đảm sức khoẻ cùng những tiện nghi vật chất, nhưng chúng ta sẽ không bắt chước tinh thần Âu Mỹ chạy đua với kim đồng hồ, đua đòi đuổi theo mọi tiện nghi tối tân hiện đại để bị lệ thuộc tiện nghi, khiến lúc nào cũng vội vã, hùng hục làm việc, hùng hục hưởng thụ, để rồi suốt đời phải sống trong cái vòng quẩn quanh này. Ðồng thời, chúng ta nên sáng suốt trở về với quan niệm nhân sinh của ông cha ta : sống đời tri túc tiện túc, thanh thản, hoà hợp với thiên nhiên, cùng hướng về những thú vui tinh thần thanh cao, nhân ái và đạo nghĩa.
Chỉ có quan niệm sống dung hợp như thế chúng ta mới có nhiều cơ may kéo dài tuổi Xuân và tâm hồn lúc nào cũng được thoải mái, hạnh phúc. Và chỉ có quan niệm sống dung hợp như thế mới thực sự thích hợp với bản chất và tâm tính con người Việt Nam.
(GS Phạm Thị Nhung Paris 2009/12)