Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

H ì n h Ả n h C â y B ầ n T r o n g C a D a o

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • H ì n h Ả n h C â y B ầ n T r o n g C a D a o




    H ì n h Ả n h C â y B ầ n T r o n g C a D a o







    Ca dao Nam bộ là một bộ phận có ý nghĩa quan trọng trong ca dao người Việt nói riêng và Văn học dân gian nói chung.
    Ca dao thấm nhuần trong tâm hồn con người bằng cái tình quê dung dị, hiền hòa. Với ngôn ngữ dân gian của xứ sở “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh”, người dân Nam bộ đã góp nhặt những tiếng nói ân tình cho tâm hồn người Việt bằng những hình ảnh quen thuộc mang tính biểu trưng của vùng sông nước Cửu Long

    Nổi bật ở vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long là sự có mặt của hình ảnh cây bần, một loại cây rất gần gũi với bà con Nam bộ. Cây bần là loại cây đặc thù ở vùng đất bồi lắng phù sa này. Cây bần còn gọi là cây thủy liễu, thường mọc ven các kênh rạch hay xen lẫn trong những đám lá dừa nước. Là loại cây sống trong môi trường bùn nước, bần có rễ phụ mọc nhô lên khỏi mặt bùn.

    Cây bần có chức năng giữ đất rất tốt, gỗ chủ yếu dùng làm chất đốt. Hoa bần màu trắng pha chút hồng phấn, rất đẹp, cho trái. Trái bần có vị chua của phần thịt, chát của phần hạt rất thú vị. Đây cũng là món ăn “độc quyền” của bà con Nam bộ :

    Muốn ăn mắm sặc bần chua
    Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm





    Bà con Nam bộ đã dành cho cây bần một tâm tình ưu ái. Trong các câu ca dao, họ mượn hình ảnh cây bần để thổ lộ tấm lòng của mình với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ đó tạo nên nhận thức thẩm mỹ khá mới lạ về loài cây này.
    Xuất phát từ cái tên nghe quá đói khổ- “bần” mà người Nam bộ đã đặt câu đố về nó:

    Giống chi toàn là giống đực
    Thiếu tứ bề cam cực chung thân ?


    Từ kiếp bình sinh “thiếu tứ bề” ấy mà tác giả bình dân đã mượn trái bần để nói lên số phận hẩm hiu của người phụ nữ:

    Thân em như trái bần trôi
    Sóng dập gió dồi biết tắp vào đâu?


    Hình ảnh “sóng dập gió dồi” thật hay vì cây bần cho trái chín vào mùa nước nổi. Vì vậy nước tràn ngập lung bàu làm cho trái bần trôi dạt theo dòng nước mà không biết sẽ về đâu.
    Là thế đấy, cây bần mang số kiếp thật hẩm hiu, bị phũ phàng:

    Cây bần kia hỡi cây bần
    Lá xanh bông trắng lại gần không thơm


    Nhiều lúc cây bần trở nên mạt hạn, tầm thường trong thể hiện của người bình dân:

    Cảm thương ô dước, bời lời
    Cha sao mẹ sến, dựa nơi gốc bần


    Cây bần còn là cái để người ta so sánh sự sang hèn:

    Không thương em hổng có cần
    Trầm hương khó kiếm chớ đước bần thiếu chi


    Tuy nhiên, người Nam bộ không chỉ nhìn cây bần dưới con mắt bi quan như thế. Bằng cái nhìn hào sảng và lối sống phóng khoáng, lạc quan, cây bần còn là điểm tựa cho tình yêu đôi lứa:

    Làm thơ anh dán đọt bần
    Dán cho hai họ Nguyễn Trần gặp nhau


    Hy vọng để rồi khi tình duyên bị ngăn trở, bần lại là nơi cha mẹ phạt vạ con cái:

    Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại,
    Đem anh treo tại nhánh bần.
    Rũi đứt dây mà rớt xuống,
    Anh cũng lần mò kiếm em.







    Cái tình của người dân Nam bộ là thế, yêu “xả láng”, đánh chết cũng thương. Cây bần còn là biểu vật của sự nhớ thương, là mật hiệu của tình yêu:

    Chiều chiều xuống bến ba lần
    Trông em không thấy thấy bần xơ rơ


    hay:

    Lẻ đôi em chịu lẻ đôi
    Hoa tàn em cũng đợi, bần trôi em cũng chờ


    Nhưng nhiều lúc những cô Hai, anh Sáu lại nghi ngại, đặt vấn đề về chuyện cưới xin:

    Neo ghe vô dựa gốc bần
    Em thương anh nói vậy chớ biết mình đặng gần hay không

    Hay khi đã không thành duyên nợ thì:

    Bần gie, bần liệt, diệc đau chờ mồi
    Anh với em duyên nợ hết rồi
    Đi tìm chỗ khác đừng ngồi kế em


    Không chỉ vu vơ trách móc thế thôi, với cách nói như tát nước, người Nam bộ cũng mắng nhiếc:

    Mồ cha thằng đốn cây bần
    Không cho ghe cá đậu gần ghe tôm
    Nhưng đôi lúc cũng cảm thông:
    Bần gie đóm đậu sáng ngời
    Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên








    Dựa vào trường liên tưởng sự vật, người dân Nam bộ đã thổi vào cây bần một luồng sinh khí có sức sống đến kỳ lạ, nó hiển hiện dạt dào trong lòng người đọc tạo nên giá trị biểu đạt phong phú. Từ đó nó tạo nên cảm hứng thẩm mỹ cho người thưởng thức.

    Ngày nay, cây bần vẫn còn chiếm vị trí khá lớn bên dòng sông nước Nam bộ. Nó có một ý nghĩa lớn trong tâm hồn của người dân nơi đây. Trải bao thăng trầm của thiên nhiên, nhu cầu kinh tế, và cả tác động của con người, cây bần vẫn sừng sững trong tâm thức của người dân, gợi nhớ về một thời khai hoang vùng đất “vượn hú chim kêu” của ông cha - giúp chúng ta hiểu thêm về nền văn minh miệt vườn, nền văn hóa sông nước trù phú và ngọt ngào như lời ru từ lòng mẹ, để chúng ta sẽ thấy mình có trách nhiệm hơn với quê hương.





    Đặng Duy Khôi
Working...
X