T ì n h Q u ê H ư ơ n g Q u a C a D a o
Vào đêm giao thừa năm nay, trời xui đất khiến hay sao…mà tôi lại mở một bản nhạc đợi giao thừa thì nó trung ngay một bài…coi như là “bói nhạc” đầu năm…Bài đó co tên Đêm Giao Thừa Nghe Một Khúc dân Ca của Võ Đông Điền, qua giọng ca của Hương Thủy.
Ý mèn đét Thiên Địa Quỷ Thần ơi…sao mà nó lâm ly lạ kỳ…nghe xong nổi da gà luôn…Lời và nhạc …nó làm sao đó khó nói lắm…Nó như vầy “Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca, Bài dân ca tha thiết đậm đà, Từ tha hương nghe bài dân ca, Câu dân ca ấm lòng người đi xa, Nghe nôn nao như chiều 30 Tết, Bếp than hồng mẹ nấu bánh chưng xanh, Lời dân ca như phù xa con sông.
Thương quê hương thương vườn cau luống rau, Câu dân ca giao thừa nơi xa xứ, Có mùa xuân đến từ quê nhà…” Ý cha mẹ ơi, lần đầu tiên tôi nghe….nó lạnh trong xương sống, nó tê mê như uống chén rượu nồng….đế Gò Đen, đế Bà Điểm. Ngoài lời ca tiếng nhạc còn có tiếng nhịp ong lang nghe cốc cốc….nó mời đã làm sao. Thế mới biết ngày xưa Trương Lương làm rã rời một đoàn quân.
Nhạc, nếu biết khai thác…nó có ảnh hưởng thật mãnh liệt.
Tôi bừng tỉnh…chết thiệt chớ chẳng chơi. Nếu mà nâng lên “hàng quan điểm” thì thằng cha nhạc sĩ nầy chả đang chơi “NQ 36” đây. Ai thì tôi không biết, nhưng vói tôi, bài ca nầy nó có sức thẩm thấu thật sâu. Nếu nói tha thiết thì chưa đủ nghĩa, nói đậm đà tình dân tộc thì cũng còn thiếu…Diễn tả làm sao cà? Thì…cứ như vầy “Uống nước nóng lạnh tự biết”. Vậy đó, khó nói lắm. Tuy nhiên, “quan điểm” hay 35, 36 gì gì đó cũng chẳng sao.
Tôi thừ người ra. Ông bà của người Việt mình hay thiệt là hay, văn chương học lực chẳng bằng ai, không tiến sĩ, cũng chẳng bác vật…vậy mà có những lời ca, câu hát, điệu hò…ma đi đâu …cũng có đôi khi làm cho mình đứt ruột. Nhất là mình đang ở xa quê hương.
Hôm nay, mục Nhịp SốngViệt xin được trở về thăm quê qua những câu ca dao, tục ngữ, dân ca.
Thôi khỏi định nghĩa chi cho mất công, bởi vì ai ai cũng biết ca dao, tục ngữ…v.v. là cái gì rồi. Có người còn thuộc làu làu hàng chục, hàng trăm câu ca dao, mặc dù mù chữ. Thiệt đó, ngoại tôi, một bà già “quê rích quê rang”, hình như chưa có lần nào biết đến “Thầy Gòn”…vậy mà Kiều thuộcnhư cháo, ca da tục ngữ, hò…chứa một bụng, như các nhà hiền sĩ “Binh giáp tàng hung trung”. Nói cái gì bà cũng đệm một câu. Nhắc đến quê…bà phán ngay chốc:
“Cho em trở lại đường xưa
Để em tìm lại gốc dừa cạnh ao
Lời anh âu yếm chiều nào
Thoảng vang trong gió rì rào chớm thu”
Cứ như là thơ.
“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm.
Chuông hôm gió sớm trăng Rằm,
Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa.”
Nghe mà đã lỗ tai luôn. Chớ chi bà là trai..chắc đắc đào mời là dữ thần ôn luôn nha.
Nhắc đến nhà quê thì mới nhớ…Trai thanh gái lịch ở ruộng, nói noà ngay chẳng có ai đượchọc hành dỗ đạt gì, vậy mà cứ mùa gặt mùa cấy…hoặc chống xuồng trên kinh, rạch, gặo lúc giómát trăng thanh thì…ca dao, hò vè…cứ mà bay lơ lững trong không khí đượm mùi lúa chín, mùi sen nở, mùi bông lựu, bông mù u.
“Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ.
Ruộng ai thì nấy đắp bờ,
Duyên ai nấy gặp đừng chờ uổng công.”
Gặp mấy nàng như vầy thì các anh có nước mà độn thổ luôn. Đối đáp làm sao mà đặng? Đừng có nghĩ quê hương mình nghèo, dân mình ít học…mà khinh nha. Một cô gái nop1i nhưvầy thì trả lời, trả vốn làm sao? Chỉ có nước mần thinh là ăn chắc.
“Đố ai lượm đá quăng trời,
Đan gàu tát biển ghẹo người cung trăng.”
Hoặc
“Đừng thấy miếu rách mà khinh,
Miếu rách mặc miếu, thần linh hãy còn.”
Đó là những câu ca dao , tục-ngữ, dân-ca trong nền văn chương (văn học) bình-dân. Không biết có từ đời kiếp nào, mỗi ngay mỗi thêm …và ông già, bả lão, thanh niên thiếu nữ…thuộcnằm lòng. Không biết những anh ở tỉnh, ở thành…bác học, tiến sĩ….có thuộc hay không. Chẳng biết. Nhung cứ về miệt ruộng mà coi. Dường như từ năm chí bắc, từ ruộng đồng đến chốn đèo heo hút gió…Nhớngày xưa trong tuyện của Tự Lực Văn Đoàn có cô thôn nữ “Hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại cho em hỏi han đôi lời…” Ghẹo người ta mà văn chương ghê gớm chưa? Thưở nay văn minh lắm rồi, không biết có còn những cảnh “trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”…mà người ta có “tán tỉnh, chọc ghẹo” văn minh như ngày xưa không?
" Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ.
Nhện ơi! nhện hởi! nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao Mai,
Sao ơi! sao hởi! nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải Ngân hà,
Bóng sao Tinh-đẩu đã ba năm tròn,
Đá mòn, nhưng da chẳng mòn,
Tào-khê nước chảy vẫn còn trơ trơ..."
Việt Nam của minh ngày xưa tre xanh bao bọc làng quê , và sau hàng tre xanh đó, đời sống và tình cảm của người mình tha thiết, đậm đà, thân thương, trìu mến…đã có cả một kho tàng văn chương tuy là là “bình dân”, nhưng chứa trong lòng nó một nền tảng “bác học” nghiên cứu hoài chưa đến đáy…Và nó là nguồn gốc của tinh thần…Việt Tộc, là Rồng Tiên.
Không bác học mà người dân quê có những câu hóc búa như vầy:
" Đố ai biết đá mấy hòn?
Tua-rua mấy chiếc, trăng tròn mấy đêm?
Đố ai biết lúa mấy cây?
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng?
Đố ai quét sạch lá rừng?
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Đố ai lặn xuống vực sâu,
Mà đo miệng cá, uốn câu cho vừa?
Đố ai nằm võng không đưa,
Ru con không hát? Ta chừa nguyệt hoa."
Wow! Hết biết chưa. Và dường như những câu nầy trở thành một bài hát rất được ưa thích?
Và quê hương của mình đó có đời sống thật tuyệt vời, không cần nhà tiền triệu, du lịch bằng cruise, đi xa láng o láng cóng…v.v. Cuộc sống của người mình thì như vầy
" Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè.
Tháng Tư, đong đậu nấu chè,
Ăn Tết Đoan-ngọ, trở về tháng Năm.
Tháng Sáu buôn nhãn, bán trăm,
Tháng Bảy, ngày rằm, xá tội vong nhân.
Tháng Tám, chơi đèn kéo quân,
Trở về tháng Chín, chung chân buôn hồng.
Tháng Mười, buôn thóc, bán bông,
Tháng Một, tháng Chạp, nên công hoàn toàn..."
Toàn là hội với hè,chà với cháo…thiệt là sung sướng, choó có đâu như bâygiờ…mời bảnh con mắt, con gà vừa nhảy xuống đất thì con người cũng lật đật tung mền ngồi dậy, ngáp dài ngắp ngắn lo ăn lo tắm lo chở con đến trưòng và tất bật nhào vô hãng….đến chiều tối mới về đến nhà thì thở hếtra hơi…cứ vậy quanh năm suột tháng…Cái nầy ông bà mình đã nói rồi
" Áo dài chớ tưởng là sang,
Bởi không áo ngắn, mới may áo dài."
Trong đời sống hằng ngày thì cũng có câu như thấ nầy:
" Hơn nhau tấm áo, manh quần,
Thả ra ai cũng ở trần như ai."
" Trời làm một trận lăng nhăng,
Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông."
Và quê hương mình đó cũng có nhiều chuyện để nhớ chớ chẳng không? Nhìn ra ta chẳng bằng ai, nhìn lại thì cũng chẳng ai bằng mình. Đừng đi đâu xa. Đây nè!
"Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ"
"Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị , Có chùa Tam Thanh"
"cao nhất là núi Ba Vì,
Thứ ba Tam Đảo , thứ nhì Độc Tôn"
"Sâu nhất là sông Bạch Đằng,
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan.
" Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem chùa Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên , Tháp Bút chưa mòn,
" Đông Ba , Gia Hội hai cầu
Ngó lên Diệu Đế bốn lầu hai chuông"
" Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia định, Dồng nai thì vê."
" Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh.
Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm"
Bà con mình đã đi hết chưa? Đã ăn được miếng mắm ba khía ở Cà Mau? Miếng mắm thái ở Châu Đốc? Đã qua phà Châu Giang, ngồi xuồng trên dòng Vĩnh Tế. Đã đến Bắc Vàm Cống? Được ăn thịt chuột ở Cao lãnh, uống trà sen ở Đồng Tháp Mười?...
Nhiều lắm.
Chỉ nghe một câu ca dao…giữa đêm giao thừa trên đất khách…nó đã dẫn tôi đi qua muôn dặm nghìn trùng. Nhớ thiệt chớ chẳng chơi.
Lê Bình