Ca Dao Về Tướng Người và Tướng Vật
TƯỚNG NGƯỜI VÀ TƯỚNG VẬT ANTHROPOSCOPY
Tướng là dáng dấp của người, để lộ ra bên ngoài, qua tánh tình, cử chỉ, diện mạo, khiến người có kinh nghiệm, xem tướng cũng biết được người sang hèn, lành dữ, phúc hậu hay xảo trá, hào phó ng hay bần tiện, khôn ngoan hay dại dột, thọ hay chết yểu… để rồi lựa cách giao thiệp với họ.
Còn có câu “nhân hiền tại mạo”, có nghĩa là xem sắc mặt cũng biết được người hiền lành, tử tế. Vì sắc mặt và dáng dấp con người ảnh hưởng khá nhiều đến tâm tính của họ. Có kẻ khi nóng giận thì quát tháo, đấm đá vợ con, gây cho gia đình đổ vỡ. Nhưng lại có người ráng kiềm chế sự nóng giận lại, để rồi nói năng từ tốn, cử chỉ vui vẻ, hài hoà thì tự nhiên cái nóng nó tiêu tan, tinh thần trở lại sáng suốt, cư xử phải lối.
Phải chăng, vì những lý lẽ nêu trên mà môn tướng số hiện diện?
Nói về tướng số, chúng ta không thể quên được các “lốc cốc tử” sau đây:
Bá Nhạc là một người chuyên môn nuôi và xem tướng ngựa. Một buổi chiều kia, khi ghé qua chợ ngựa, bỗng thấy một con ngựa quý mà chẳng ai mua, cũng chẳng có ai trả giá hay để ý trong suốt buổi chợ. Ông nhìn ngựa rồi bỏ đi, đi được ít bước, ông quay lại nhìn ngựa một lần nữa, thế là mọi người đổ sô lại dành mua, trả giá đòi mua ngựa. Nên có câu: “giá tăng nhất cố”, có nghĩa “giá tăng do một cái ngó lại”. Cuối cùng, chính Bá Nhạc đã mua được con ngựa “Long Tôn” này. Thì ra ngựa khi vào tay Bá Nhạc, đã trổ tài chạy ngàn dậm mà chủ cũ không biết, lại bắt nó kéo xe, có câu:
“Ngựa Long Tôn gặp chàng Bá Nhạc
Ngọc Kim Sơn gặp đuợc Biện Hoà
Nước non kia hẳn chẳng già
Nhân duyên kia định cũng đà có nơi.
Ngọc Biện Hòa là một loại ngọc qúy, mà Biện Hoà đã dâng vua, khi ngọc còn nằm trong một tảng đá ở Kim Sơn mang về. Vua cho thợ ngọc coi thì họ tâu rằng ngọc qúy thường không nằm trong loại đá tầm thường. Sở Lệ Vương cho là Biện Hòa có tội khi quân, trả đá lại và hành tội chặt một chân. Tiếp đến, con là Sở Võ Vương nối ngôi, Biện Hòa lại dâng đá, thợ ngọc lại tâu ngọc quý không có trong đá. Võ Vương giận giữ, sai chặt nốt chân kia.
Khi Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa không đi được nữa, bèn ôm đá ngồi khóc dưới chân núi Kim Sơn suốt ba ngày ba đêm, máu hòa nước mắt, có người thương tình, nói:
- Anh đã hai lần dâng ngọc, hai lần bị chặt chân thì nên thôi đi, lại còn mong được thưởng hay sao?”
Biện Hoà trả lời:
- Tôi không ham được thưởng, chỉ giận rằng quả thực là ngọc quý mà bảo là đá, lòng tôi ngay mà bảo tôi lừa. Xấu tốt, phải trái, điên đảo không được rõ ràng, nên tôi buồn lòng mà khóc đấy thôi.
Lời than này đã đến tai Văn Vương; vua sai người đến lấy đá và cho người bổ ra coi, thì rõ ràng trong viên đá có viên ngọc sáng ngời, không một tỳ vết.
Vua rất mừng bèn đặt tên là Ngọc Biện Hoà, còn thương tình cho Biện Hoà ăn lộc đại phu suốt đời.
Xem tướng người, ta lại thấy thân mẫu của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là Từ Thục phu nhân, Bà người họ Nhữ, con gái của thượng thư Nhữ Văn Lan, quê làng Yên Tử Hạ, huyện Tiên Minh, tỉnh Hải Hưng. Sinh thời bà được phong làm Từ Thục phu nhân. Bà nổi tiếng thông minh và tinh thông về thuật số.
Vào đời Hồng Đức (1470-1497), bà đã đoán được vận mệnh nhà Lê chỉ khoảng bốn chục năm nữa là suy tàn.
Bà chủ ý phò vua giúp nước, nên dù lớn tuổi, bà vẫn đợi tìm gặp được người vừa ý mới kết hôn. Đợi cả hai chục năm, bà mới gặp Văn Định là thân phụ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, người có tướng hạ sinh quý tử, bà mới kết nghĩa trăm năm.
Con bà là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), tự là Hạnh Phủ, hiệu Bạch Vân Cư Sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, đỗ trạng nguyên năm 1535 vào đời Nhà Mạc.
Giỏi về văn học, ông còn là một nhà tiên tri đại tài, đã lưu lại cuốn “Bạch Vân Quốc Ngữ Thi”, với nhiều lời tiên tri về hậu vận nước ta, mà người đời sau còn lưu truyền, gọi là “Sấm Trạng Trình”.
Vì không là thầy tướng, nên người viết không giám bàn về nguồn gốc của tướng số, chỉ biết đọc tục ngữ ca dao, trong đó có nhiều câu đề cập đến diện mạo người và vật. Tiếng anh có câu “A good face is a letter of recommendation” (gương mặt hiền lành là một lá thư để tiến cử). Rồi người ta còn nói “luạ tốt xem biên, người hiền xem tướng”, Ciceron đã nói “gương mặt là cái gương của tâm hồn”.
Comment