Ca dao tục ngữ câu đố Quảng Trị
Tục ngữ và câu đố là hai thể loại suy lý phổ biến ở Quảng Trị . Cũng như ở các nơi khác, tục ngữ Quảng Trị được phân làm hai tiểu loại:
- Các câu phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về thời tiết và sản xuất.
- Các câu phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về đời sống xã hội.
Nhìn chung, kinh nghiệm của nhân dân ở đau cũng tương tự như nhau. Ở Quảng Trị có những câu tục ngữ phản ánh kinh nghiệm của nhân dân về thời tiết như sau: Chớp ngã Cồn Tiên; Mưa liền một trộ; hoặc : Sấm Đầu mâu không cầu cũng đến.
Lại có những câu đề cập đến sản vật đặc biệt của từng địa phưưong. Chính qua những câu tục ngữ này, chúng ta lại càng hiểu sâu sắc hơn văn hoá vật chất của vùng đất Quảng Trị:
-Nem chợ Sãi, vải La Vang
-Khoai quán Ngang, dầu tràm Đại Nại
-Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ
- Khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sông
-Cá bống Bích La, gà Trại Lộc...
Kinh nghiệm về đời sống xã hội có những câu thật xác đáng và thực tế:
-Chạy lóc xóc không bằng góc vườn
-Nhiều nghề cá trê húp nác(nước)
Người miền núi cũng bày tỏ kinh nghiệm của họ:
- Đừng mau phai như hoa Toang-a-rát
- Đừng chóng bạc như vôi
- Xách bầu phải xem quai
- Địu con phải xem vải buộc
- Làm cỏ phải xem cán nắm
Về hình thức nghệ thuật, các câu tục ngữ ở Quảng Trị thường hợp vần theo lối yêu vận chứ không theo lối cước vận.
Câu đố Quảng Trị có thể phân thành những tiểu loại:
-Về những bộ phận cơ thể của con người
-Về những họat động của con người
-Về các con vật
-Về các loại cây trái
-Về các sự vật hiện tượng khác.
Qua những câu đố ấy, ta thấy được sự tinh vi trong những nhận xét về sự vật, con vật sống cạnh người, như đố về con gà trống:
Đầu rồng, đuôi phụng cánh tiên
Ngày năm bảy mụ tối ngủ riêng một mình.
Hoặc con chó :
Khen ai nho nhỏ
Mắt tỏ như gương
Tối trời như mực
Biết người thương ra chào
Có nhiều khi sự liên tưởng vô cùng sâu sắc. Đố về cau, trầu, vội có câu:
Hai cây cao đã nên cao
Một người dưới rào xa đã nên xa
Ba người họp lại một nhà
Kết duyên phu phụ duyên đà mặn duyên
Có thể nói sự thông minh dí dỏm, óc nhận xét tinh vi của người Quảng Trị đều được thể hiện trong câu đố:
Da non mà bọc lấy xương
Lửa cháy trên đầu chúa chẳng thương
Đêm năm canh tiêu hao mình thiếp
Nghĩ đến đoạn trường nước mắt nhỏ sa
( Cây đèn sáp)
Một mẹ sinh đặng ngàn con
Trai có gái có , tài khôn rõ ràng
Mặt trời đã xế vàng vàng
Con xa ngái mẹ lại càng thương thay
Cách nhau đã bốn năm ngày
Con lại gặp mẹ mừng thay là mừng
(Phiên chợ Cam Lộ)
Một số câu đố khác theo lối "đố tục giảng thanh" cũng thường được nhân dân Quảng Trị vận dụng để sáng tác.
Các loại trữ tình
Ca dao dân ca là thể loại trữ tình, phản ánh một cách trung thực tâm tình của người dân vùng này.
Cao dao Quảng Trị thể hiện tình yêu đôi lứa thường nhẹ nhàng. Tình cảm trai gái không bộc lộ một cách lộ liễu mà kín đáo, tuy không kém phần mãnh liệt:
Chập choạng bóng trăng em xem chưa rõ
Chập choạng bóng đèn em ngó chưa tường
Dáng ai như dáng người thương
Không vô đây phân giải một đôi đường cho em hay
Tuy nhiên, dưới chế độ phong kiến, đạo lý Khổng Mạnh vẫn là đạo lý làm cơ sở cho các cuộc hôn nhân. Họ yêu nhau nhưng người con gái không thể hoàn toàn tự ý lựa chọn ý trung nhân của mình. Đó là nguyên nhân làm nảy sinh nhiều tấn bi kịch trong xã hội ở Quảng Trị ngày trước:
Thốt ra tới đâu dạ thiếp sầu tới đó
Cuộc chung tình chàng chưa rõ bấy lâu
Vì ai xê vô lật ván tháo cầu
Trai say dọi gái, gái thảm sầu dọi duyên.
Ngoài các câu ca dao thể hiện tình yêu trai gái, những nội dung khác của ca dao là quan hệ gia đình và các mối quan hệ phức tạp khác trong xã hội. Trong nội dung này, ca dao Quảng Trị cũng có những nét tương đồng với ca dao của những vùng khác trong nước.
Đối với quê hương, tình cảm của người dân Quảng Trị thật gắn bó, thiết tha. Đất Quảng Trị vốn là đất tán hơn đất tụ. Chiến tranh và hoàn cảnh lịch sử lại gây sự mất mát, qua phân trên vùng đất gian khổ này. Có lẽ vì lý do đó nên tâm tình của người dân đối với quê nghèo thật thiết tha, cảm động:
Ai về Đông Hà, ai qua Cam Lộ
Ai về Gia Độ, ai đến Gio Linh
Ai về Triệu Phong Quảng Trị quê mình
Cho em nhắn gởi chút tình nhớ thương.
Kháng chiến chống ngoại xâm là một nội dung khá quan trọng. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ca dao dân ca Quảng Trị vẫn không ngừng phát triển để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Cuộc kháng chiến chống Pháp đã vẽ nên những trang sử oai hùng của dân tộc, cho Quảng Trị mà các địa danh Triệu Sơn, Ba Lòng, Như Lệ là những nơi tiêu biểu cho phong trào kháng Pháp. Những nơi khác cũng đã từng in dấu chiến tranh tàn phá như dãy Trường Sơn, sông Thạch Hãn, Bích La Đông, An Hoà, Đại Hào, Phương Ngạn:
Ai về Bích La Đông khỏi lòng đau xót ruột
Ai về An Hoà khỏi hậm hực thù Tây
Mồ mả cha ông hắn cho xe xới, xe cày
Bao nhiêu oan hồn nước mắt nghĩ lại trăm đắng nghìn cay căm thù.
Cần ghi nhận là dân ca cũng theo thời sự mà chuyển biến, phát triển. Hò địch vận ở Như Lệ vốn là biến điệu của hò mái nhì nhưng vang xa như tiếng ngân vút cao mạnh mẽ phát ra từ con tim yêu nước nồng nàn. Tiếng hò Như Lệ là nét độc đáo trong dân ca kháng chiến Quảng Trị, nó đã phát huy tác dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Trong thời kỳ chống Mỹ, tiếng hò kháng chiến lại được dịp vang xa. Nhiều câu hò hai bên bờ sông Bến Hải nói lên niềm ước vọng đất nước thống nhất. Chính ở vùng này đã hình thành nên một bộ phận văn học dân gian mang những đặc điểm riêng của một vùng đất bị chia cắt.
Sông Hiền Lương bên bồi, bên lở
Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương
Bao giờ giặc Mỹ hết phương
Bắc Nam sum họp con đường vô ra.
Chiến đấu để thống nhất, để được sống tự do, độc lập trên quê hương là niềm tin mãnh liệt của người dân Quảng Trị thể hiện rõ từ thời kháng chiến chống Pháp đến thời chống Mỹ. Ca dao dân ca Quảng Trị đã phản ánh một cách sinh động ý chí và tâm tình thiết tha ấy.
Xét nghệ thuật ca dao dân ca vùng này, ta sẽ thấy những nét chung cũng như nét riêng trong hình thức sáng tác. Thể lục bát và song thất lục bát rất phổ biến do phù hợp với thể loại hò mái nhì và hò giã gạo. Đó là hai loại hò rất được dân Trị Thiên ưa chuộng.
Tuy về cơ bản là như vậy nhưng rất ít khi người dân ở đây hò nguyên xi đúng chữ, đúng câu mà thường thêm một số chữ cho câu hò trọn vẹn, hoặc để diễn đạt hết ý tình của người hò. Câu lục bát kết thúc bài hò thường được thêm chữ ở cả hai câu:
Nạn chiến tranh gây nên tang tóc
Cảnh điêu tàn chết chóc đau thương
Sơ tán ra đi mẹ một ngả con một đường
Chồng thời xa vợ những đau thương đêm ngày
Có khi thêm vào hai câu song thất và câu kết:
Đứng bên ni Bình An, nhìn sang bãi Cát Sơn, Thuỷ Bạn
Ruột thắt từng chặng, muối xát vào lòng
Nào ai vui vợ vui chồng
Còn em ngĩ tới miền nam ruột thịt đang nhuộm vết máu hồng uất căm.
Có khi lại bớt chữ ở hai câu thất:
Muối ba năm còn mặn
Gừng chín tháng còn cay
Ai dù xuyên tạc lung lay
Trị Thiên ta ơn Đảng, lòng này thuỷ chung
Như vậy , sự thêm bớt chữ trong các câu ca dao Quảng Trị là không có quy tắc mà hoàn toàn tuỳ theo cảm hứng của người hò, sao cho tròn ý nghĩa là được.
Sự hợp vần trong cac dao thường thay đổi, hết gieo vần lưng lại gieo vần chân, như quy luật hợp vần của thể lục bát và song thất lục bát, nhưng một số ít câu ca dao của Quảng Trị lại có lối gieo ở vần chân.
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Quảng Trị cũng khá phong phú. Ta sẽ gặp ở đây những loại từ đối nghĩa, đối ý trong dân ca đối đáp:
- Bánh cả mâm răng gọi là bánh ít
Trầu cả chợ răng nói trầu không
Trai nam nhơn đối đặng sẽ làm chồng nữ nhi
- Chuối không qua Tây răng gọi là chuối sứ ?
Cây không biết chữ răng gọi là thông ?
Nam nhơn đà đối đặng quyết làm chồng nữ nhi
Trong lời hò đối đáp, lối ứng xử thật thông minh:
Ngồi buồn nói chuyện trên non
Một trăm thứ cá có con không thằng
- Thầy ơi chớ nói bao đồng
Một trăm thứ cọp có ông không bà
Khi chọc ghẹo nhau vẫn giữ lối văn nhã:
Em mở khuôn ra cho anh đúc lấy lượng vàng
Hoạ may may hoạ thiếp với chàng dùng chung
- Anh về thưa với hai họ rõ ràng
Mời thân nhân lại , em mở khuôn vàng cho coi
Quảng Trị là vùng đất thành lập sau khi nước ta đã định hình hàng nghìn năm trước. Văn học dân gian vùng này là sản phẩm của những con người có gốc từ Thanh Nghệ truyền vào. Qua cuộc sống chung với dân bản địa ở vùng đất mới, dần dần con người ở đây mới tạo được một phong cách riêng.
Sự giao lưu văn hoá thế tất phải xảy ra. Ca dao là thể loại để lại những dấu vết rõ rệt trong ngôn ngữ văn học. Câu hò đối đáp nam nữ ở Quảng Trị hẳn là do ảnh hưởng lời đối đáp giữa Phan Bội Châu với các cô giá phường vải:
Em trao cho anh một nắm bắp rang
Anh trỉa làm sao cho mọc, thiếp với chàng trao duyên
Đồn bên em có miếng đất hoang
Mưa ba năm không ướt, hạn chín tháng nỏ khô
Đến đây anh trỉa, trỉa vô mọc liền
Thiếp trao cho chàng một nắm ngô rang
Chàng đúc nơi mô cho mọc thiếp thắp nhang mời về
Chỗ nào mà nắng không khô
Mà mưa không ướt đúc vô mọc liền
Văn học dân gian Quảng Trị là sản phẩm của người dân ở vùng đất mới, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của dòng văn học truyền khẩu. Xét giá trị nội dung và nghệ thuật, văn học dân gian Quảng Trị có những nét riêng, đóng góp cho văn học dân gian Việt nam thêm phần phong phú.
Nguồn: quangtrinet