B ệ n h T ư ơ n g Tư..
Tương tư là một trạng thái tâm hồn cực kỳ kỳ cục.
Như mọi trạng thái… tâm thần khác, nó là hậu quả hay kết quả của một tình cảm bất thường, hào hứng và nguy hiểm nhất: Tình yêu!
Có yêu người ta mới tương tư!
Không yêu, người ta chẳng thèm dòm mặt, chẳng thèm để ý cho mệt.
Thêm một chi tiết nữa là người ta chỉ tương tư khi tình yêu chưa được thoả mãn, bị thiếu thốn rất nhiều hay hơn nữa: Bị từ chối.
Tương tư trở thành căn bệnh. Ðã là bệnh thì không kể già, trẻ, lớn bé, nam nữ hay đen trắng. Trái tim còn đập thình thịch trong ngực là người ta còn có thể mắc bệnh tương tư.
“Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”
*
Gặp mặt nhau, chưa biết nàng bằng lòng mình chưa, chàng cứ thấy trái tim mình thôi thúc, kêu réo ầm ỹ:
- Ðúng tần số rồi, đúng đối tượng rồi, yêu đi thôi! Yêu đi thôi!
Chàng làm sao được bây giờ ngoài việc làm cho sự thôi thúc trong lòng được đáp ứng.
Chàng tìm cách gần gũi người mơ, nói cho người ta biết rằng chàng đang yêu và tìm cách cho nàng yêu chàng.
Dip may, gặp nàng bên đường trong một đêm trăng, chàng thủ thỉ hỏi han:
”Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”
Từ ánh trăng vàng rực rỡ trên dòng sông, long lanh chiếu trong chiếc gầu sồng của nàng rồi hắt ra thành một giải luạ bạc trải dài trên đồng lúa cuả một đêm trăng, chàng về nhà, nhớ trăng, nhớ nước, nhớ người mà ngẩn ngơ tự hỏi:
”Nước non một gánh chung tình.
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?”
Riêng chàng, chàng nhớ lắm. Nhớ từ ánh trăng vàng mông mênh tới nụ cười e thẹn với đồng tiền trên má bởi vì đâu dễ tìm được người trong mộng. Chàng đã đi hết lục tỉnh Nam Kỳ mới bắt gặp được người mơ:
”Trên rừng có cây bông kiểng.
Dưới biển có cá hóa long.
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong.
Anh đi lục tỉnh giáp vòng.
Tới đây trời khiến đem lòng thương em!”
Chàng nhớ nhung lắm, chàng “thương” lắm hưng chàng hổng dám nói ra:
”Thò tay anh ngắt cọng ngò
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ!”
Chàng chỉ dám hỏi bâng quơ để coi người ta có chịu trả lời mình không:
”Lá này là lá soan đào
Tương tư gọi nó thế nào hỡi em?”
Lỡ nhung nhớ, lỡ tương tư, bây giờ lại phải xa nhau, nỗi đau kể sao cho hết:
”Ðứt tay mấy chút chẳng đau.
Xa em một chút như dao cắt lòng.”
Yêu nhau rồi, không thể nào chịu được chia xa, nó in hệt dao cắt lòng chàng.
Chàng nhất định phải được cùng nàng nên chồng vợ. Dù cha mẹ rầy la, đánh mắng thì chàng cũng xin chịu chết để được gần nàng:
”Anh thương em trầu hết lá lươn.
Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay.
Dầu mà cha mẹ có hay.
Nhất đánh nhì đầy hai lẽ mà thôi.
Gươm vàng để đó em ơi.
Chết thì chịu chết.
Lìa đôi anh không lìa!”
*
Nhớ nhung, thương nhớ làm chàng thức suốt đêm dài. Chàng tơ tưởng được thở than cùng nàng, được thề thốt một đời chung thủy. Chập chờn hết đêm, chàng giật mình tỉnh dậy, thấy mình vẫn một mình:
”Bước sang canh một, anh thắp ngọn đèn vàng.
Chờ con bạn ngọc thở than đôi lời.
Canh hai vật đổi sao dời.
Tính sao nàng tính trọn đời thủy chung.
Canh ba cờ phất trống rung.
Mặc ai, ai thẳng, ai dùn mặc ai.
Canh tư hạc đậu cành mai.
Sương sa lác đác khói bay mịt mờ
Canh chầy tơ tưởng, tưởng tơ.
Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không.”
Ðêm ngủ không yên, ngày tơ tưởng mặt, lòng nặng chĩu sầu tương tư. Chàng nhớ lắm. Ở nơi nào đó, nàng đang ngồi bên song cửa, chàng muốn hỏi ai kia rằng lòng nàng có như tấm lòng chàng? Có thấy cô đơn, có cần người chia xẻ, có thắt thẻo đợi chờ?
”Ngồi tựa song đào.
Hỏi người tri kỷ ra vào vấn vương?
Gió lạnh đêm trường.
Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường chờ ai?”
*
Chàng nặng lòng đến thế. Còn nàng, từ ngày ăn miếng trầu cay cũng đâm ra thẫn thờ, nhớ nhớ, quên quên.
”Từ ngày ăn phải miếng trầu.
Miệng ăn, môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.
Biết là thuốc dấu, bùa yêu.
Làm cho khúc mắc nhiều điều xót xa,
Làm cho quên mẹ quên cha.
Làm cho quên cả đường ra lối vào.
Làm cho quên cá dưới ao.
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời.”
Chàng tương tư ai đó thì cũng có người đang nhớ nhớ, thương thương ai. Ðể che dấu những tình cảm của mình, người ta đã phải dối mẹ, dối cha:
”Thương nhau cởi áo cho nhau.
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.
Tại mẹ may áo rộng tay.
Con quen gió mát, áo bay mất rồi.”
Cảnh vật quen thuộc, yêu dấu chung quanh, đâu đâu cũng có bóng hình:
”Qua đình ngả nón trông đình.
Ðình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Qua cầu ngả nón trông cầu
Cầu bao nhiêu nhịp, dạ sầu bấy nhiêu.”
Khi trang điểm, lúc đứng ngồi, lòng càng xót xa thương nhớ:
”Cầm lược thì nhớ đến gương.
Ôm chăn nhớ chiếu!
Nằm giường nhớ …ai?”
Nhớ thương làm người ta ngủ không yên, ăn không được, quay quắt nhớ miếng trầu ngày nào:
”Một thương hai nhớ ba sầu.
Cơm ăn chẳng được ăn trầu cầm hơi.”
Chiếc khăn, ánh đèn, đôi mắt cũng hùa nhau mà... nhớ thương mãi người nào đó:
”Khăn thương nhớ ai, khăn rơi xuống đất?
Khăn thương nhớ ai, khăn vắt lên vai?
Khăn thương nhớ ai, khăn chùi nước mắt?
Khăn thương nhớ ai, khăn giặt để vai?
Ðèn thương nhớ ai mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai mắt ngủ chẳng yên?”
Lễ giáo bắt người con gái phải kín đáo, phải thụ động nên tình yêu càng lắng đọng, nỗi tương tư càng chua xót vì không dám cùng ai chia xẻ, tỏ bày:
”Anh buồn có chốn thở than.
Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya!”
Ngắm gió, nhìn mây, thấy mình không được như con chim, con cá và Nàng trông ngóng mãi một bóng hình:
”Con chim buồn, con chim bay về cội
Con cá buồn, con cá lội trong sông
Em buồn, em đứng em trông
Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người!”
Trông gần rồi lại ngó xa mà bóng hình ai vẫn biền biệt:
”Ngày ngày em đứng em trông.
Trông non, non ngất.
Trông sông, sông dài.
Trông mây, mây kéo ngang trời.
Trông trăng, trăng khuyết.
Trông người, người xa…”
Trời, mây, non nước vẫn chỉ mãi một mầu nhạt nhoà cho trăng cô đơn , cho hoa buồn bã:
”Vì mây cho núi lên trời.
Vì cơn gió thổi, hoa cười với trăng
Vì sương cho núi bạc đầu.
Vì cơn gió mạnh cho rầu rĩ hoa
Vì mây cho núi lên cao.
Mây còn mờ mịt, núi nhòa mờ xanh.”
Bao lâu nữa nàng sẽ cô đơn, sẽ bạc đầu như ngọn núi dưới sương tuyết, thời gian?
”Non xanh bao tuổi non già?
Vì chưng sương tuyết hóa ra bạc đầu?”
*
Tương tư vì xa cách hay không được đáp ứng để mình mãi bâng khuâng nhưng không đau đớn, đắng cay bằng bị phụ tình:
”Lá khoai anh ngỡ lá sen
Bóng trăng anh ngỡ bóng đèn anh khêu!”
Người yêu đã một thời thề thốt nay ngoảnh mặt, quay lưng để chàng tiếc công yêu đương, thương nhớ:
”Cầm vàng mà lội qua sông.
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng!”
Người ta phụ mình chỉ vì cái nghèo đeo đuổi, vậy mà ngày đó có người đã hẹn biển, thề non. Chàng tiếc cho một mối tình và cũng tiếc cho một lần lỡ tin yêu:
”Ai phụ tôi đất trời chứng giám
Phận tôi nghèo đâu dám phụ ai
Tưởng giếng sâu tôi nới sợi dây dài
Ngờ đâu giếng cạn, tiếc hoài sợi dây!”
Biết người ta phụ bạc rồi, sao lòng mình cứ xót xa, tiếc nuối rồi mãi ước ao, năn nỉ:
”Ðờn cò lên trục kêu vang
Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng
Muốn cho đây đấy đạo đồng
Qua đây thương bậu hơn chồng bậu thương.”
Không, con người mình đêm ngày nhớ thương, muốn cả đời gắn bó đã nhất định làm con chim hót mãi trong lồng!
Nhưng... ước chi, một ngày nào đó, con chim sẽ được xổ lồng:
”Chim khôn mắc phải lưới hồng
Hễ ai gỡ được đền công lạng vàng
Anh rằng anh chẳng lấy vàng
Hễ anh gỡ được thì nàng lấy anh.”
Chàng đã yêu, chàng đã đau đớn vì yêu. Nàng có hay cho mối tình chung thủy, gắn bó một đời cuả chàng hay nàng nhất định chia tay, theo chồng xa xứ, để lại một người thương nhớ, khóc đau:
”Dế kêu dưới đống phân rơm
Tui xa người nghĩa bưng chén cơm khóc ròng.”
Chàng sẽ ngày ngày tương tư người phụ ngãi mà tự hỏi và trách hoài người ra đi:
”Chồng gần không lấy
Bậu lấy chồng xa
Mai sau cha yếu, mẹ già
Chén cơm, đôi đũa, kỷ trà ai dưng?”
Nếu chẳng phải tự nàng phụ bạc mà tại mẹ cha rẽ thúy, chia uyên thì niềm cay đắng lại thêm nhiều phần chua xót, tủi nhục:
”Tiếc thay bác mẹ nhà nàng
Cầm cân không biết là vàng hay thau
Thật vàng chẳng phải thau đâu
Mà đem thử lửa cho đau lòng vàng!!!”
Nỗi đau này ai thấu cho ai?
Có chăng là những người cùng cảnh đã lỡ một chuyến đò tình để mắc bệnh tương tư?
Kathy Trần