Con cò trong ca dao Việt Nam
Nước Việt Nam nhà là một nước nông nghiệp, trên 90% dân chúng sống và làm lụng giữa thiên nhiên đồng nội, thì việc những lũy tre xanh, những đàn cò trắng xuất hiện trong ca dao chẳng có chi là lạ. Thật ra trên thế giới thiếu gì những nước căn bản nông nghiệp; đặc biệt những nước thuộc Á Châu với những nét văn hoá tương đồng với nước ta, vậy mà trong suốt khoảng thời gian hai năm – từ 1966-1968 trong công việc nghiên cứu về văn chương nhi đồng quốc tế, phải tìm đọc tài liệu ca dao, truyện cổ tích quốc tế tại nhiều thư viện lớn Hoa Kỳ, kể cả Library of Congress tại Hoa Thịnh Đốn, soạn giả nhận thấy rằng hình ảnh con cò được nhân cách hoá một cách gần gũi, thân mật nhường kia quả là một sự kiện độc đáo của riêng ca dao Việt Nam, khi thì tượng trưng người mẹ quê, khi là cô gái quê, khi là em bé quê, khi thì chỉ dùng làm một hình ảnh khởi hứng …
Chính vì tính cách vừa trong sáng, vừa ngộ nghĩnh của hình ảnh đó mà tất cả những bài ca dao nói tới con cò, hoặc một vài loài điểu tương tự đều được soạn giả xếp thành một đề mục riêng của ca dao nhi đồng Việt Nam.
Sau con cò, trong những bài ca dao nhi đồng Việt Nam, nhiều lần ta còn bắt gặp hình ảnh một loài cá nhỏ cũng được nhân cách hoá, đó là cá bống. Tục ngữ có câu : “Bống có gan bống”. Truyện cổ tích “Tấm cám” của ta cũng có bóng dáng cá bống xuất hiện:
“Tấm nghe lời Bụt mang con cá bống còn sót ở giỏ về thả xuống giếng nhà, ngày ngày hai bữa bớt phần cơm của mình mang ra giếng gọi bống lên ăn.
Gọi rằng :
“Bống ơi bống!
“Bống lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
“Đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người …”
Và ca dao nhi đồng có những bài :
“Cái bống là cái bống bang”, “Cái bống là cái bống bình”
…
Soạn giả có ý nghĩ cho rằng “cái bống” sở dĩ được nhân cách hoá trong một số bài không phải vì hình ảnh “cái bống” cũng gần gũi quen thuộc với người dân quê như hình ảnh “cái cò bay bổng bay la”, mà vì âm thanh của “cái bống” gần gũi âm thanh tiếng ru hời. Các bà mẹ Việt khi ôm con vỗ về tìm câu hát ru thường vẫn khởi sự bằng tiếng ru hời : “ạ ơi à ơi” hay “bồng bống bông bang…” có thể thoạt chỉ là :
Ạ ơi à ời …
Bồng bồng mà nấu canh khoai,
Aên cho mát ruột đến mai lại bồng
Hay
Ạ ơi à ơi …
Bồng bồng mà nấu canh tôm
Aên cho mát ruột đến hôm lại bồng
Rồi do sức hút của vần điệu “cái bống” đi vào ca dao lúc nào không biết :
Cái bống là cái bống bàng,
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ.
Trong ca dao của trẻ Việt có lần ta còn thấy con (chuột) cống và con ong được nhân cách hoá, rồi một bài khác là con cáo. Thật ngộ nghĩnh !
Nu na nu nống
Cái cống nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Cái cáo, mặc áo em tao
Làm tổ cây cà
Làm nhà cây chanh,
Đọc canh bờ giếng,
Mỏi miệng thổi kèn
*Trích đoạn trong CA DAO NHI ĐỒNG từ TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG NHI ĐỒNG của nhà văn DOÃN QUỐC SỸ
Comment