Truyện của Nguyễn Ngọc Tư, vì thế, cung cấp một kho tàng thông tin, tri thức, và từ ngữ về đời sống của người dân Nam bộ, đặc biệt là dân ĐBSCL cho người đọc. Những phong tục, tập quán, đời sống tâm lí … của người dân quần tụ tại mảnh đất trên dưới 300 tuổi này đã được Nguyễn Ngọc Tư cho vào truyện một cách hết sức sinh động làm cho người đọc cảm thấy mình đang đọc câu chuyện của người hàng xóm hay của chính mình.
Cấu trúc của truyện ngắn NNT rất chặt chẽ. Các nhà phê bình văn học như Hồ Anh Thái nhận xét chính xác rằng cách dàn chuyện của NNT gọn gàng và uyển chuyển. Thực ra, theo kinh nghiệm của người viết bài này, những câu chuyện của NNT là những câu chuyện, về cơ bản, có thật ngoài đời, và tác giả chỉ chuyển đổi tên của nhân vật. Đọc truyện NNT, người đọc sẽ bắt gặp những nhân vật, số phận, mảnh đời, và con đường đời của những người dân bình dị, dễ mến. Họ yêu nhau nhưng không khi nào dám nói “Anh yêu em”, hay … ôm nhau hôn hít như dân thị thành; họ chỉ mượn lời ca vọng cổ, hay một câu ca dao, hay nói bóng nói gió để tỏ tình. Lời kết của mỗi câu chuyện cũng hết sức đôn hậu và bay bổng. Có thể nói cái hay và lôi cuốn của truyện ngắn NNT là ở chỗ này, ở chỗ làm cho người đọc sau khi gấp sách lại mà vẫn còn suy nghĩ vẩn vơ cho các nhân vật trong chuyện.
Nguyễn Ngọc Tư có một lối viết văn tự nhiên, không màu mè, không gượng ép, không làm dáng như những người hay quen thói khoe chữ theo khuynh hướng gọi là “hiện đại” để tỏ ra mình “tinh tế”. Văn của Nguyễn Ngọc Tư dùng phương ngữ Nam bộ tối đa. Đọc văn của cô người ta có cảm giác như là đang nghe một người con gái nhà quê kể chuyện, đặc sệt với những “tui”, “ủa”, “bi nhiêu”, “thiệt tình”, “lãng xẹt”, “nhỏ xíu hà”, “như vầy nè” … Những câu chữ tưởng như rất “quê mùa” nhưng khi đưa vào truyện của Nguyễn Ngọc Tư người đọc cảm thấy rất “văn chương” – văn chương Nam bộ.
[JWMP3]http://ndclnh-mytho-usa.org/Audio%20Book/Giao_Thua%20%28Tuyen%20Tap%20truyen%20ngan%20Nguye n%20Ngoc%20Tu%29.mp3[/JWMP3]