Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Cô Học Trò Không Dám Ước Mơ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Cô Học Trò Không Dám Ước Mơ




    Ước mơ của em là ngày nào cũng được đi học


    Hằng ngày trong đầu Hương luôn thấp thoáng những câu hỏi: làm gì khi hết mùa rau má, làm gì khi bán con bò.

    Và mỗi đêm Hương chong đèn học, chuẩn bị cho buổi đến trường ngày mai.

    Bên bờ ruộng sâu

    Thôn 4, xã Tam Thành, Phú Ninh, vài ngày mưa đường đã nhão nhoẹt bùn đất. Căn nhà bên bờ ruộng sâu cửa nẻo xiêu vẹo, tấm bạt cũ nhàu che mưa trên mái phần phật gió cũng dột nước lỗ chỗ. Một chiếc bàn đựng sách vở. Một chiếc giường tre ọp ẹp. Vài bộ quần áo cũ. Bếp lạnh tanh chỉ với ba cục gạch làm nên ông táo. Vậy mà “chủ nhân” của ngôi bếp này lại cười hồn nhiên: “Nhà em như ri là đỡ nhiều lắm rồi đó. Mấy năm trước mưa gió sơ sơ là ba cha con dắt nhau chạy...”. Thế nên đối với Hương bây giờ, “nhà tình thương” này đã là ước mơ như cổ tích cho cả ba cha con cùng ngon giấc mỗi đêm.

    Năm Hương 5 tuổi, mẹ vì không chịu đựng nổi đời lam lũ và những ẩn uất mâu thuẫn với ba đã quyên sinh, khi đó em trai Hương mới 8 tháng tuổi. Cái nghèo cứ mãi dính chặt vào phận đời ba. Hồi ấy Hương mới lên 5 đã biết chăm sóc em trai thay mẹ.

    Tối, ba cha con ngủ chung trên một chiếc giường tre ọp ẹp. Thằng út nằm giữa thì được thẳng lưng, Hương và ba nằm hai đầu phải nghiêng mình. Nửa đêm giật mình quờ tay ra ngoài, Hương thấy tay ba bấu chặt mép giường cho khỏi rớt xuống đất. Nhìn cái cách Hương ôm em, vỗ về và mắng yêu thằng bé vì tội ham chơi mà chạnh lòng. Cậu út thiếu sữa mẹ, thiếu ăn nên năm nay đã học lớp 4 mà bé xíu như mới vào lớp 1. Hương luôn dành cho em những phần thức ăn ngon nhất. Nhưng ngon gì đâu, hiếm khi bữa cơm gia đình có chút cá, chút thịt. Lúc nào cũng rau trong vườn, măng trên núi, vài ba con cá vụn đổi được từ rổ rau má...

    Cô bé mới 15 tuổi đã biết cách “tổ chức cuộc sống” cho gia đình. Từ quần áo cũ cho ba cha con xin của họ hàng, làng xóm đến từng miếng ăn giấc ngủ, đến cả cách làm thế nào để xoay xở bữa cơm.


    Cố từng năm một

    Kết quả học tập của Hương luôn làm người khác ngỡ ngàng khi lúc nào cũng đứng cao trong lớp. Điểm trung bình cả năm học của Hương chưa bao giờ dưới 8,5. Từ khó nhọc, Hương luôn nhủ lòng: quyết tâm không bỏ học! Hương nói: “Em không nhìn xa cũng không suy nghĩ sau này mình sẽ trở thành gì, làm nghề gì; em chỉ biết cố gắng vượt qua từng năm học, cố học giỏi!”.

    Hồi đó để vào lớp 1, Hương đã tự đến trường xin vào học. Tự ôm tập sách bút vở cũ kỹ lội bộ đến trường. Đã rất nhiều lần ba nói “Thôi, nghỉ học cho rồi”, Hương “lý sự”: “Thôi ba ơi, ba nghèo như ri thì ba để con đi học chứ không con còn nghèo hơn ba”. Ba chỉ cười vì đứa con gái sắc sảo, già dặn.

    Học lớp 2, Hương ra đồng tìm hái rau má đổi bữa cơm. Cái tên “con bé rau má” được người đi chợ Quán Rường gắn cho Hương từ đó. Ngày nào Hương cũng ra đồng, lên núi tìm rau kết hợp chăn bò. Thứ bảy, chủ nhật được nghỉ là trọn một ngày cho... rau má. Công sức đổi hơn 20.000 đồng tiền chợ, Hương dành dụm một ít để mua tập, bút thước cho em trai.

    Không chỉ có “dự án” rau má, Hương còn “hoạch định kế hoạch” tìm măng non, chăn thêm đàn vịt trước nhà. Căn nhà bên ruộng sâu cũng có cái thuận lợi tận dụng nước, đất và rau để mưu sinh.

    Nhà không có đèn điện, Hương thường mang tập vở qua nhờ điện nhà hàng xóm học bài, còn ở nhà thì chong đèn dầu. Tự mình học, tự mình dạy mình.

    Hương hiểu nếu như không được đi học, em sẽ còn cơ cực hơn rất nhiều lần. “Học bằng đèn dầu mắt thằng nhỏ cứ líu ríu rồi ngáp dài...” - Hương trìu mến kể về em Hải.

    Nhà có chiếc bàn duy nhất nên tập vở, đồ dùng gia đình, bàn ăn để chung nhưng tập nào của Hương cũng thẳng thớm, sạch sẽ. Nét bút gọn gàng thỉnh thoảng lem bấc dầu vì những lần ngủ gục. Hương bày ra đó tất cả ước mơ được đi học như lời em nói, chỉ tính thật gần là không được nghỉ học buổi nào.






    Trình bày : rippa_san


Working...
X