Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Sự tích con Dế

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sự tích con Dế



    SỰ TÍCH CON DẾ




    Ngày xưa, có một người đàn ông hai vợ. Người vợ cả chết sớm để lại đứa con trai còn bé, tên là Văn Linh. Người vợ lẽ cũng sinh được đứa con trai tên là Văn Lang. Văn Lang hơn Văn Linh năm tuổi, nhưng hai anh em chơi với nhau rất thân thiết hơn cả anh em cùng một mẹ. Những lúc Văn Linh bị trẻ con lối xóm ăn hiếp, Văn Lang lập tức bênh vực. Nhưng Văn Lang không biết mẹ chàng coi Văn Linh như một kẻ thù.

    Văn Linh ngày một lớn khôn, người cha cho chàng theo nghiệp sách đèn. Còn Văn Lang thì từ lâu đã theo cha quen nghề trông coi cày cấy. Nhà họ vốn có của ăn của để. Cả một tư cơ đồ sộ chắt chiu đã vài ba đời được gần vài chục mẫu ruộng và vài mẫu vườn, có nhà ngói cây mít, thuộc vào loại khá nhất trong vùng.

    Đột nhiên, người cha ốm nặng rồi qua đời. Người dì ghẻ ngoài mặt đối đãi với Văn Linh ngọt ngào tử tế nhưng trong bụng muốn nhổ cái gai trước mắt. Là con trưởng, Văn Linh sẽ được gần như toàn bộ tài sản. Còn mẹ con Văn Lang thì nhiều lắm cũng được vài ba mẫu ruộng xấu với một cái trại bên kia đồi. Tục lệ đã đặt số phận của hai anh em là như vậy.

    Người dì ghẻ bỗng nảy ra âm mưu giết chết con chồng để chiếm lấy tất cả tài sản. Ý nghĩ ấy ngày một nung nấu trong lòng người đàn bà, càng nung nấu nhiều hơn từ hôm người chồng, kẻ bênh vực cho Văn Linh, không còn nữa.

    Một hôm, người mẹ ghẻ sai hai anh em mang tiền đi mua gỗ. Trước khi đi, mẹ gọi con đẻ vào buồng riêng dặn dò:

    " Con ơi! Con hãy tìm cách " khử" nó đi. Rừng nhiều thú dữ, sức con thì khỏe gấp đôi nó, nếu khôn khéo và kín đáo thì con chẳng sợ tội vạ gì hết!..." .

    Người mẹ còn rỉ tai:

    " Nếu nó sống thì mẹ con ta không có đất cắm dùị.. Có trừ đi được, chúng ta mới mong sung sướng..." .

    Văn Lang không muốn nghe lời mẹ, nhưng cũng không muốn làm phật ý mẹ, bèn cứ giả vâng lời khăn gói ra đi. Đến cửa rừng, Văn Lang nói thật cho Văn Linh biết mọi việc, rồi bảo:

    - Mẹ tôi trước sau cũng tìm cách hại anh. Vậy anh hãy tìm cách trốn đi. Số tiền mua gỗ, anh hãy cầm lấy tất cả mà tiêu. Lúc nào đó anh sẽ trở về, chúng ta sẽ sống bên nhau.

    Khi Văn Linh đi rồi, Văn Lang giết một con chó, lấy máu bôi khắp nơi trên người rồi trở về nói cho mẹ biết là mình đã hạ thủ Văn Linh xong, mặt khác nói với mọi người rằng anh mình đã bị hổ vồ mất tích. Xóm làng không một ai nghi ngờ. Người dì ghẻ cho là mưu của mình đã đạt, từ đây không còn lo lắng gì nữa.

    Lại nói chuyện về Văn Linh đau khổ từ giã Văn Lang ra đi. Một thân một mình chưa từng rời khỏi nhà bao giờ, nay bơ vơ giữa vùng đất lạ, chàng ngập ngừng không biết đi đâu. Loanh quanh mãi, cuối cùng một đêm nọ chàng lần về mồ mẹ, nằm úp lên mộ than khóc rồi ngủ quên. Ở dưới mồ, mẹ chàng thương con quá, bèn hiện lên thành một con chim Phượng Hoàng lớn ấp con vào đôi cánh. Thấy trời sắp sáng, Phượng Hoàng dùng chân quắp lấy Văn Linh rồi bay đi rất xa. Tới một hòn núi cao, Phượng Hoàng hạ cánh. Tỉnh dậy, Văn Linh sửng sốt, nhưng Phượng Hoàng đã nói:

    - Ta là mẹ của con. Con hãy ở đây chớ trở về mà nguy hiểm. Rồi mẹ sẽ hàng ngày đến với con.

    Nói rồi Phượng Hoàng hóa thành nhà cửa và mọi thức ăn, đồ dùng để Văn Linh ăn ở tại đây. Sợ con sao lãng việc học tập, Phượng Hoàng mang sách vở tới cho con ôn luyện. Ban ngày Phượng hoàng biến đi, nhưng đêm lại, nó bay đến chỗ Văn Linh ở để bảo vệ cho chàng. Tờ mờ sáng, nó còn gáy lên để đánh thức con dậy học, rồi mới chịu cất cánh bay đi.

    Bấy giờ ở phía chân núi có một xóm dân cư rải rác, trong xóm có một cô gái tên là Ngọc Châu. Ngọc Châu rất đẹp mà chưa có chồng. Nàng có một người đầy tớ gái tên là Hồng. Hai người sống nương tựa vào nhau, lấy nghề dệt vải nuôi thân. Từ dạo Văn Linh đến ở trên núi, hai thầy trò Ngọc Châu lấy làm lạ không hiểu vì sao trên núi từ xưa vắng bóng người, thế mà lúc nầy cứ mờ sáng, khi họ ngồi vào khung cửi đã nghe tiếng chim Phượng gáy, rồi nghe tiếng học trò học sang sảng cho đến sáng.

    Một hôm gà gáy canh năm, Ngọc Châu giả cách làm tắt đống lửa, nhằm để bắt nàng Hồng lên núi xin lửa của người học trò bấy giờ đã cất tiếng đọc sách. Hôm ấy Văn Linh dậy sớm, thắp đèn ngồi học, bỗng nghe có tiếng gọi cửa. Chàng mở cửa ra gặp một cô gái đến xin lửa. Sau khi cho lửa, anh hỏi vay cô gái một hủ dầu vì dầu nhà mình đã cạn. Nàng Hồng chỉ nhà để anh xuống lấy. Nhờ đó Văn Linh làm quen với Ngọc Châu. Thế là chàng đã có bạn xóm giềng, tối lửa tắt đèn có nhau. Từ chỗ quen nhau họ muốn được nên vợ nên chồng. Một hôm, Ngọc Châu mời chàng về ở cùng mình một nhà để tiện bề đèn sách. Được con báo tin, chim Phượng Hoàng mang tới cho áo quần và tiền bạc, rồi sau đó nó không trở lại nữa.

    Đám cưới cử hành đơn giản nhưng cũng rất vui. Từ nay bên anh đọc sách bên nàng quay tơ, cảnh đầm ấm ấy không ai hơn được.

    Sau năm năm học, Văn Linh quảy lều chiếu đi thi. Đậu trường Hương, chàng vào kinh quyết tranh đua ở trường Hội. Chàng sung sướng khi có tên mình đậu Tiến Sĩ. Hôm vinh quy, cờ quạt chiêng trống và quân gia rầm rộ kéo về làng quê.

    Thấy anh vinh hiển trở về, Văn Lang hết sức mừng rỡ. Trong khi ấy người dì ghẻ nghe tin đột ngột không kịp trốn, bèn chui xuống nấp dưới gầm giường. Nhưng vì quá sợ hãi, mụ đã vỡ mật chết, hóa thành con dế.




    Nguồn: Internet
    Attached Files
    Last edited by Hiểu Kỳ; 10-03-2012, 05:07 PM.
    ***************

  • #2
    Sis HK ơi

    Dế này là dế cơm để chiên hay là dế lửa để đá vậy sis

    Comment


    • #3
      Nguyên Văn Bài Viết Của Poupi View Post
      Sis HK ơi

      Dế này là dế cơm để chiên hay là dế lửa để đá vậy sis
      ...hõng rành lắm , chắc là con dế để đá quá sis,nhớ mài mại hùi nhỏ em thấy con dế cơm khác con này thì phải
      ***************

      Comment


      • #4
        Nếu bác HKy mừ hổng post cái hình lên, Evo nhìn cái tựa tưởng đâu là "Sự tích con Dê" bốn chân chứ...


        Je suis comme je suis
        Je suis faite comme ça
        Que voulez-vous de plus?
        Que voulez-vous de moi?

        Comment


        • #5
          Mới đầu vì không có mang kính nên tôi cũng như Evo nhìn tưởng quận chúa HK sưu tầm sự tích con dê nên tò mò muốn đọc. Tới chừng đọc hết thấy hình mới biết con dế. Làm mất hứng hết.
          Con dế trong hình là con dế than. Tuy hình dáng đen mun và tướng mạo xấu xí nhưng nó thuộc vào loại dế đá lì lợm nhất. Còn một loại dế khác thân hình lớn hơn con dế than một chút, màu hơi đỏ gọi là dế lửa. Con này cũng thuộc loài dế đá nhưng là dế đá giò lái... Dế cơm to con hơn, có thể gấp ba bốn lần, màu trắng ngà mà người ta thường móc ruột nhét hột đậu phọng vào rồi tẩm bột chiên dòn. Mấy tay nhậu thích món này lắm.
          Muốn cho con dế than hoặc dế lửa đá hung thì người ta nắm hai cọng râu của nó rồi quay vòng vòng mấy lần khiến cho nó say và đá hăng. Cũng vì vậy mà sau này người ta có danh từ '' quay như dế ''. Mấy ông sợ vợ bị vợ nắm đầu quay như dế là vậy...
          Còn một thứ dế nữa là dế mèn. Muốn biết xin đọc Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài.
          Last edited by ckl; 22-05-2010, 04:29 PM.

          Comment


          • #6
            Nguyên Văn Bài Viết Của evolution View Post
            Nếu bác HKy mừ hổng post cái hình lên, Evo nhìn cái tựa tưởng đâu là "Sự tích con Dê" bốn chân chứ...

            bác É có đọc thấy "Sự tích con Dê " bốn chân , dán dzô đây cho Hkỳ hen
            ***************

            Comment


            • #7
              Nguyên Văn Bài Viết Của ckl View Post
              Mới đầu vì không có mang kính nên tôi cũng như Evo nhìn tưởng quận chúa HK sưu tầm sự tích con dê nên tò mò muốn đọc. Tới chừng đọc hết thấy hình mới biết con dế. Làm mất hứng hết.
              Con dế trong hình là con dế than. Tuy hình dáng đen mun và tướng mạo xấu xí nhưng nó thuộc vào loại dế đá lì lợm nhất. Còn một loại dế khác thân hình lớn hơn con dế than một chút, màu hơi đỏ gọi là dế lửa. Con này cũng thuộc loài dế đá nhưng là dế đá giò lái... Dế cơm to con hơn, có thể gấp ba bốn lần, màu trắng ngà mà người ta thường móc ruột nhét hột đậu phọng vào rồi tẩm bột chiên dòn. Mấy tay nhậu thích món này lắm.
              Muốn cho con dế than hoặc dế lửa đá hung thì người ta nắm hai cọng râu của nó rồi quay vòng vòng mấy lần khiến cho nó say và đá hăng. Cũng vì vậy mà sau này người ta có danh từ '' quay như dế ''. Mấy ông sợ vợ bị vợ nắm đầu quay như dế là vậy...
              Còn một thứ dế nữa là dế mèn. Muốn biết xin đọc Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài.
              bác ckl biết nhiều loại Dế quá hen , Hkỳ cũng tham khảo trên Gu gồ...để coi có bao nhiêu loại dế : Dế than, dế lửa, dế cơm, dế chũi, dế sửa, dế ché , dế ta, dế mèn...hình như mùa này cũng là mùa dế. Hkỳ Cảm ơn những info của bác ckl.
              ***************

              Comment


              • #8
                Câu chuyện về con dế đá 1 giò

                Gợi ý từ '' Sự Tích Con Dế '' của Hiểu Kỳ


                Bài '' sự tích con dế '' làm cho tôi nhớ lại tuổi thơ ấu của mình trong đó có nhiều kỹ niệm vui buồn với những đứa bạn nghèo khổ ở cùng quê. Con nít ở quê đứa nào cũng nghèo xác nghèo xơ do đó không có tiền để mua đồ chơi. Tuy nhiên không vì thế mà thiếu trò chơi. Đá dế và đá cá thia thia ( ở quê tôi mấy đứa con nít gọi là lia thia ) là hai thứ đồ chơi không mất tiền mà lại hào hứng, sôi nổi nhất. Con nít từ bốn tới năm tuổi trở lên đã biết tham dự vào trò đá dế. Đất ruộng, rẫy hay gò, giồng vào mùa hết mưa tức từ tháng 11 cho tới tháng ba hoặc trễ lắm tháng 4 là những tháng mà trò đá dế lên cao nhất trong năm. Nhằm dịp tết học sinh được nghỉ ăn tết nên tha hồ đá dế. Hết mưa đất khô ráo nên con nít túa ra đồng bắt dế. Dế ở mọi nơi, trong nhà, ngoài sân, dưới cỏ, nhưng muốn kiếm dế đá thì phải tìm chỗ đặc biệt mới có dế đá dữ dằn.
                Sau đây là một câu chuyện vui về dế đá và đá dế.

                Câu chuyện về con dế đá một giò


                1. Bắt dế


                Sáng hôm nay Sơn thức dậy sớm, sớm đây có nghĩa là mặt trời đã ló lên khỏi ngọn cây vì một lý do giản dị là nó được anh Sáu hứa sẽ đi với nó ra ruộng tìm bắt một con dế đá để tham dự trò đá dế. Đây là lần đầu tiên nó đủ tuổi hay đúng hơn được phép tham dự vào trò chơi của đàn anh. Quay qua anh Sáu đang còn ngáy nó lắc.

                - Anh Sáu dậy... dậy...
                Sáu trả lời với giọng còn ngái ngủ.
                - Dậy làm gì giờ này... ngủ nữa đi...
                - Dậy đi bắt dế...
                - Còn sớm mà...
                - Tụi nó bắt hết...
                - Ở ngoài ruộng cả đống...


                Tuy nói như vậy nhưng Sáu biết phải ngồi dậy nếu không cũng sẽ không được ngủ yên với thằng em út của mình. Hai đứa ra lu nước xúc miệng. Nói là xúc miệng cho oai và văn minh chứ là tợp ngụm nước lạnh, đưa ngón tay trỏ vào miệng rồi chà đi chà lại mấy lần đoạn phun phèo ra. - Xong. Nhiều lần Sáu tự hỏi xúc miệng như vậy có ích lợi gì đâu mà Má, chị Hai hoặc cô giáo cứ khuyên nên xúc miệng. Xong cái màn xúc miệng hai đứa vào bếp lục cơm nguội.

                - Mày phải ăn cho no... Tao dẫn mày đi chỗ này xa lắm...
                - Mình đi đâu?
                - Xuống Bình Chánh...
                - Đi xa mỏi chân chết...

                Biết thằng em còn nhỏ không đi bộ xa được nên Sáu trấn an nó.

                - Tao nói Bình Chánh chứ chỉ cách mình chừng cây số. Dưới đó có dế đá chiến hơn trên mình...


                Nghe bùi tai Sơn bằng lòng. Xực chén cơm nguội, uống nước xong Sáu trở lại giường ngủ của hai đứa. Lôi ra cái hộp bằng cây nó đưa cho Sơn.
                - Giữ đi tao cho mày...
                Sơn cười toe toét vui mừng nhận cái hộp đựng dế của người anh trai lớn hơn nó ba tuổi. Cái hộp cũ mèm này có một lịch sử huy hoàng bởi vì nó chứa những con dế đá vô địch, những con dế mà nó từng mơ ước được có. Cái hộp cũ đó là niềm hãnh diện của anh nó, tay đá dế nổi tiếng của dòng họ.


                Giữa tháng 4 mà trời nắng gắt. Chỉ cần lội bộ dọc theo con đường lộ đá chừng trăm thước là mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Sáu đi đầu. Tay của nó cầm cây roi dài chừng một thước. Ở dưới quê rắn rít rất nhiều cho nên cây roi là thứ khí giới hữu dụng nhất. Nếu Hồng Thất Công có cây gậy đả cẩu thì cây roi của nó chính là cây roi đánh rắn. Nhiều lần lang thang trong rừng cây rậm rạp gặp rắn hổ mà không có roi để đập đầu là bị nó cắn xùi bọt mép, chờ chở tới nhà thương là tiêu đời hoặc nếu sống thời cũng khó nuôi.

                - Tới chưa anh sáu?

                Sơn hỏi và Sáu trả lời chút nữa. Cứ như vậy mà hai đứa đi xa cả cây số. Tới một chỗ cao ráo Sáu dừng lại ngắm nghía. Cỏ tranh cao mất đầu. Cỏ mây mọc tràn lan. Cây sao cao ngất trời đứng trơ vơ một mình bên lề con lộ đá.

                - Chỗ này...
                Sáu lên tiếng. Sơn hỏi với giọng nghi ngờ.
                - Chỗ này mà có dế à?
                Sáu gật đầu một cách quả quyết.
                - Ừa chỗ này... Tao sẽ bắt cho mày một con dế rắn...

                Sơn trợn mắt nhìn anh mình lom lom. Nó chưa bao giờ nghe ai nói tới dế rắn... Dế than, dế lửa, dế cơm, dế nhủi thì có...

                Tay dùng cây roi dài quất mạnh lên đám cỏ như để đuổi rắn Sáu giải thích.

                - Dế rắn là con dế sống lẫn lộn với rắn. Nó dùng hang của con rắn làm hang của nó...
                - Bộ rắn hổng ăn thịt nó à?

                Sơn ngắt lời anh. Sáu cười bước đi.

                - Con dế có bằng ngón tay thì rắn ăn chừng nào mới no... Vì sống chung hang với rắn, nhất là rắn hổ nên nó bị nhiễm hơi độc của rắn. Mình bắt về đem đá là thắng. Nó đá con dế nào là con dế đó ngủm cù tèo...
                - Sao anh biết?
                - Tao đọc sách...


                Sơn làm thinh không cãi khi nghe anh mình nói là đọc trong sách. Nó biết anh nó là đứa trẻ hay chữ nhất trong làng dù chỉ mới có 9 tuổi. Anh nó hay chữ hơn người lớn. Hay chữ là đọc sách báo. Sáu đọc hết những cuốn sách dày cộm của bà nội, bà ngoại. Nó kể cho đám con nít nghe về truyện Phong Thần, chuyện Khương Tử Nha câu cá mà không có lưỡi câu. Chuyện Tôn Tẩn Bàng Quyên. Chuyện Kinh Kha thời Đông Chu Liệt Quốc. Chuyện Tam Quốc. Tây Du. Tam Hạ Nam Đường. Nhạc Phi. Hết chuyện Tàu nó kể cho em út nghe chuyện Hai Bà Trưng. Phù Đổng Thiên Vương. Trọng Thủy Mị Châu. Từ Thức Giáng Hương. Chữ Đông Tử với công chúa Tiên Dung...

                - Đây rồi...
                Sáu reo lớn. Gần gốc cây sao chừng năm thước có một cái hang sâu.
                - Thúi quá...
                Sơn bịt mũi lên tiếng. Sáu gật gù cười vui vẻ
                - Hang rắn mà mậy...


                Đạp cho cỏ nằm rạp xuống đất xong Sáu đứng im quan sát cái lỗ tròn tròn và sâu hun hút. Những lần theo ông Tám Tầm đi bắt rắn hổ nó biết có con rắn hổ đang ở dưới hang. Nó không muốn làm động để con rắn bò lên vì mục đích của nó không phải là bắt rắn mà bắt con dế. Nó cũng biết con dế không phải ở trong hang rắn mà ở trong cái hang dế quanh quẩn đâu đây. Chỉ cần làm sao cho con rắn đừng bò lên trong lúc nó đi tìm ra hang dế là an toàn. Miệng hang rắn trơn láng cho nó biết là con rắn hổ ra dô thường xuyên. Ngẫm nghĩ giây lát nó dẫn Sơn đi dài dài theo lộ đá rồi lát sau khệ nệ ôm cục đá ong to tướng về lấp miệng hang rắn. Xong xuôi nó với thằng em đạp cỏ thành một bãi lớn và cặm cụi tìm hang dế. Dế cơm, dế nhủi nhảy lung tung chừng tỏ nơi đây có rất nhiều dế.
                - Nó rồi...
                Sáu la lớn khi thấy một cái hang nhỏ. Hang dế không sâu lắm. Tìm được hang dế đã khó mà bắt dế để đá còn khó hơn bởi vì phải bắt con dế còn nguyên vẹn nó mới đá được. Bị gãy chân là kể như bỏ. Đứt râu cũng bỏ. Nam vô tửu như kỳ vô phong. Dế cũng vậy. Dế trống là phải có râu mới oai phong lẫm liệt. Dế đá mà hổng có râu thì chỉ là dế đá giò lái.
                - Mày bắt đi...
                Tuy tìm được hang dế nhưng Sáu không chịu bắt mà lại bảo Sơn. Thâm ý của nó là muốn cho thằng em phải học, phải thực hành chuyện bắt dế. Từ đó Sơn sẽ biết cách và sẽ đi bắt một mình.
                - Mình làm sao bắt nó hả anh?
                - Mày vỗ vỗ vào miệng hang để làm động ổ và con dế nhảy ra xong mày chụp nó. Mày phải chụp như vầy...
                Sáu chỉ Sơn bằng cách khum khum bàn tay của mình lại rồi chụp lên mặt đất.
                - Mày chụp như vậy nó mới không bị đứt râu, gãy chân. Còn nguyên nó mới đá được... Mày coi chừng để tao chọc con dế nhảy ra...


                Sơn bậm môi gật đầu. Sáu ngồi chồm hổm trên mặt đất xong dùng tay vỗ mạnh lên đất vòng quanh hang con dế. Con dế nhảy ra một cách lẹ làng và bất ngờ khiến cho Sơn trở tay không kịp. Tuy nhiên đã bắt hàng trăm con dế đá nên Sáu không khi nào để cho con dế rắn chạy thoát. Con dế còn đang lơ lửng trong không khí hay bàn tay nhỏ nhắn của nó vỗ bụp một cái và con dế nằm lọt bên trong.
                - Mở nắp hộp ra...
                Sáu bảo thằng em của mình. Sơn mở he hé cái nắp và con dế chui tọt vào. Sáu đứng dậy cười vui vẻ.
                - Mình đi về...
                Sơn chưa hề thấy mặt mũi con dế đá đầu tiên của nó. Riêng Sáu dù không thấy song nó đoán con dế rắn này sẽ trở thành con dế chiến.

                ( Còn Tiếp )
                Last edited by Hiểu Kỳ; 02-06-2010, 09:42 AM.

                Comment


                • #9
                  ...bắt đong đưa chờ nghe chuyện tiếp...kể lẹ đi Mr Tri Huyện csl, coi con dế 1 giò làm sao đá , à Hkỳ edit thêm cái tựa hen "Câu chuyện về con dế đá một giò "


                  Mr Tri Huyện csl
                  ***************

                  Comment


                  • #10
                    2- Nuôi dế


                    Sau khi bắt được con dế đá rồi trở về nhà Sáu bỏ đi đâu không biết

                    Trước khi đi ảnh dặn đi dặn lại Sơn là không được mở nắp hộp ra.

                    - Mày mở mà nó nhảy mất là khỏi đá luôn...

                    Sáu đã cảnh cáo thằng em của mình trước khi rời nhà. Tuy nhiên Sơn không dằn được tò mò. Nó muốn xem mặt mũi của con dế. Con dế rắn này mặt mũi chắc phải ngầu lắm. Sơn lẩm bẩm trong lúc nhìn cái hộp cây đặt chính giữa giường ngủ của hai đứa.

                    - Mình mở he hé ra coi thử... Ảnh đâu có biết...

                    Sơn lẩm bẩm. Ý muốn coi mặt con dế khiến cho nó ngồi đứng hổng yên. Tuy nhiên khi nhớ tới lời căn dặn của Sáu nó đâm ra do dự. Nó biết tính của anh nó. Sáu hiền hậu, vui vẻ nhưng rất cộc, liều lĩnh và gan dạ. Phải nói là Sáu lì lợm không sợ bất cứ con gì hay bất cứ ai trong làng dù là người lớn. Đến ông hương quản Cây mà Sáu còn quánh mà. Quánh trước mặt không được thì quánh sau lưng. Đánh du kích mà...
                    Sơn đứng khom lưng nhìn chăm bẳm cái hộp cây cũ kỹ sần sùi nhưng có sức quyến rũ lạ kỳ đối với nó. Dường như trong hộp có tiếng động của con dế rồi tiếng khè khè vang nho nhỏ.

                    - Nó gáy...

                    Sơn kêu nhỏ. Gà gáy thì dế cũng vậy. Nó đã nghe dế gáy nhiều lần nên có thể phân biệt được sự khác nhau giữa dế đá và dế không đá. Dế đá gáy lớn hơn, âm thanh hùng dũng hơn. Tiếng gáy như là hình thức đe dọa tinh thần đối phương, như hù kẻ địch. Có nhiều con dế thoạt nghe tiếng gáy của con dế khác liền nín khe và sợ liền không dám gáy tiếp và nhiều khi nó chạy trốn mà không dám đá cú nào. Sơn lắng nghe tiếng con dế gáy rè rè rồi im luôn.

                    - Hay là nó bịnh...

                    Trí óc non nớt của đứa trẻ lên sáu bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời.

                    - Hay là nó đói...
                    - Hay là nó khát...
                    - Nó chết...

                    Cuối cùng vì không dằn được tò mò Sơn he hé mở nắp hộp. Nó hơi hoảng khi không thấy con dế. Vù... Con dế phóng ra khỏi hộp. Sơn đưa tay ra chụp. Tuy nhiên bàn tay nhỏ nhắn của nó làm sao chụp được con dế. Nó trợn mắt nhìn con dế đen thui đang nằm trên chiếu. Cặp râu dài động đậy, Hai mắt tròn to của con dế nhìn nó như trêu chọc, như thách thức. Sơn biết bằng mọi cách nó phải bắt cho được con dế bỏ vào hộp trở lại trước khi anh sáu của nó về bằng không là nhừ đòn. Cánh tay đưa ra chầm chậm, bàn tay hơi khum khum nó phải chụp mà không làm sứt mẻ tới con dế đá. Bụp... Bụp... Bụp... Sơn chụp lia chụp lịa song không vô ích. Con dế lanh hơn nó bội phần. Hai đối thủ kẻ chụp người nhảy rốt cuộc con dế vẫn nhởn nhơ trên chiếu. Tới đây Sơn hiểu bằng mọi cách và mọi giá nó phải bắt được con dế ương ngạnh và bướng bĩnh trước khi nó nhảy xuống đất. Lúc đó nó không có nhiều hy vọng để bắt được con dế. Bụp... bụp... Bàn tay nhỏ nhắn của Sơn chụp lia lịa.

                    - A... mày ngon mày nhảy nữa đi...

                    Sơn reo lớn khi biết mình đã chụp trúng con dế trong lòng bàn tay của mình. Nhưng sau đó nó hơi hoảng vì không nghe con dế động đậy.

                    - Hay là nó chết... Mình chụp mạnh quá nó chết...

                    Nghĩ tới con dế bị chết Sơn hơi hoảng. Nó từ từ hé bàn tay ra rồi nằm sát xuống chiếu nhìn vào. Thấy hai cái râu còn đưa qua đưa lại nó mừng húm rồi từ từ giở bàn tay của mình lên cao hơn nữa. Nó hơi ngạc nhiên là con dế vẫn nằm yên thay vì nhảy nhót ngay cả khi nó nhấc tay lên cao. Nhìn chăm chú giây lát Sơn mếu máo khi khám phá ra con dế đá thân yêu của mình đã bị gãy một chân. Cái chân con dế nằm im lìm trên chiếu. Tự dưng nó bật khóc hu hu vì tiếc con dế thì ít mà sợ bị đòn thì nhiều. Nó khóc tới độ quên bắt con dế bỏ vào hộp. Tuy nhiên con dế một giò vẫn còn nằm yên trên chiếu.


                    Chưa bước vào cửa Sáu nghe tiếng khóc của thằng em trai vang ra. Nó hiểu có chuyện gì xảy ra và chuyện đó có dính líu ít nhiều tới con dế đá.
                    - Có chuyện gì vậy?
                    Sáu hất hàm hỏi khi thấy thằng em mặt đầy nước mắt nước mũi đang ngồi trong góc. Trên chiếc chiếu con dế than đang nằm im. Quan sát con dế nó hơi cau mày rồi lặng thinh. Lát sau nó từ từ nói.
                    - Thôi nín đi mày... Con dế một giò cũng đá được...
                    Đưa tay áo quẹt nước mắt Sơn hỏi nhỏ.
                    - Một giò đá được hả anh?
                    Sáu gật đầu.
                    - Được chứ sao hổng được. Mày thấy tao một tay mà còn quánh thằng Bảy Thưa sặc máu mũi mà...


                    Sơn mừng rỡ vì con dế còn đá được và nhất là không bị anh Sáu nựng sưng mặt do cái tội không nghe lời làm gãy chân con dế. Thật ra Sáu nói cho thằng em mình an lòng chứ nó cũng không dám quả quyết là con dế thọt chân có thể đá được và đá bại tất cả anh hùng hào kiệt dế trong làng để trở thành đệ nhất cao thủ.

                    Cái chuyện nó trói một tay để đánh lộn với thằng Bảy Thưa là chuyện khác. Con người ta với ý chí quyết thắng, với tánh lì như nó thì có thể một tay đánh gục địch thủ.Riêng con dế không phải là con người. Tuy nhiên nó phải chấp nhận chuyện đã xảy ra vì không thể tìm ra con dế nào khác. Bây giờ đã chiều rồi nên không đi bắt dế được mà sáng mai là bắt đầu cuộc đấu. Nó chỉ còn có 12 giờ đồng hồ để biến con dế một giò thành cao thủ.

                    Nhẹ cầm lấy con dế than xấu xí và tàn phế bỏ vào hộp xong, nó rút trong túi áo ra một nắm củ và cỏ xanh bỏ vào hộp. Dường như bị đói nên con dế ăn ngấu nghiến.

                    - Cỏ gì vậy anh?

                    Sáu thì thầm với em của mình như sợ ai nghe được.

                    - Cỏ cú... Mình phải cho nó ăn củ cỏ cú nó mới mạnh khỏe và đá hăng... Cũng giống như con voi trận vậy. Muốn cho con voi hung dữ để ra trận người ta cho nó ăn mía...

                    - Sao anh biết?

                    Sơn hỏi và Sáu gật đầu.

                    - Sách nói như vậy. Cỏ cú là một vị thuốc...

                    Sơn nhìn anh mình một cách nể phục. Ảnh đọc sách mà sách nói thì phải trúng. Đậy nắp hộp lại Sáu lấy cuốn tập đè lên.

                    - Mày đừng có mở ra nghe chưa...


                    Sơn gật đầu. Cho vàng nó cũng hổng mở ra nữa. Bỏ ra đứng nơi sân trước nhìn qua bên kia tiệm chạp phô của chú Ba nó im lìm suy nghĩ. Con dế than, con dế rắn của nó dù bạo, dù dữ cách mấy nhưng cũng không đả bại quần hùng nếu có một giò. Muốn làm cho con dế đá hăng nó phải có cách nào khác hơn. Nó nhớ tới chuyện Thủy Hử và đoạn Võ Tòng đả hổ Kiển Dương Cang. Ngẫm nghĩ giây lát nó dô bếp lục lạo. Nó mỉm cười thích thú khi thấy chai rượu trắng mà má nó thỉnh thoảng dùng để ướp thịt nướng. Nó định cho con dế nhậu rượu đế để làm cho con vật hăng tiết vịt trước khi lâm trận. Suốt đêm hôm đó Sáu mơ màng nghe con dế một giò gáy tè tè...

                    còn tiếp
                    Last edited by Hiểu Kỳ; 02-06-2010, 09:51 AM.

                    Comment


                    • #11
                      Cháu cũng xin phép được bắt cái ghế đẩu ngồi kế sát chị cháu để nghe kể ạ. Hấp dẫn quá
                      Don't make friends who are comfortable to be with. Make friends who will force you to lever yourself up

                      Comment


                      • #12
                        3- Đá Dế

                        Trời sáng rõ. Sáu và Sơn ních mỗi đứa một gói xôi và ly nước lạnh xong bắt đầu rời nhà. Sơn được anh của nó nhường cho vinh dự cầm cái hộp đựng dế bởi vì nó chính là chủ của con dế. Nếu con dế một giò thắng thì tất cả vinh quang là của nó. Sáu, anh của nó đã có quá nhiều vinh quang rồi nên bây giờ nhường lại cho đứa em út của mình. Sáu đi sau. Trong túi áo của nó có chai dầu Nhị Thiên Đường đựng bửu bối là chút rượu trắng để cho con dế uống.


                        Sân trường sơ học đầy con nít đứng ngồi, chạy nhảy la hét om xòm. Con nít trong làng chia làm hai phe. Phe nhà giàu hay phe của triều đình đứng đầu bởi thằng Bảy Thưa. Nó là con ông hương quản Cây. Tụ tập quanh nó là đám con nít ở chợ, có tiền và có nhiều quà bánh hơn đám con nhà nghèo ở trong vườn mà thủ lĩnh là Sáu. Nhà nghèo muốn có ăn phải đi ăn cướp, nhưng ăn cướp kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc mới ngon, tức là ăn cướp xong rồi chia đều cho anh em. Đám con nít Lương Sơn Bạc hò reo khi thấy Sáu xuất hiện. Thằng Bảy thưa gườm gườm nhìn địch thủ không đội làng chung của nó.

                        - Dế của mày đâu?
                        Thưa hất hàm. Trí Đa Tinh Nguyễn Sáu cười hì hì chỉ vào thằng em của mình.
                        - Năm nay tao không đá... Đá với mày chán lắm. Mày thua hoài...
                        Bị địch thủ chế nhạo Thưa đỏ mặt. Nó chưa kịp sừng sộ Sáu tiếp liền.
                        - Thằng Sơn sẽ đấu với mày...
                        Thưa nhìn Sơn. Thằng nhỏ tỏ vẻ bối rối vì bị khớp trước địch thủ mà uy phong đều trội hơn mình.
                        - Thằng Sơn hả... Nó có dế hôn mà đá?
                        Sơn chưa kịp lên tiếng Sáu hớt lời trước. Nó sợ thằng em thật thà phun ra là bể mánh hết.
                        - Có sao hổng có. Nó có con dế rắn...


                        Đám con nít bật cười khi nghe Sáu nói tới con dế rắn. Chúng nghĩ là nó xạo. Dế thì có nhiều thứ nhưng dế đá chỉ có hai thứ là dế than và dế lửa, trong đó dế than đứng nhút tuy hình dáng nó nhỏ hơn dế lửa nhưng về tính lì lợm nó ăn đứt con dế lửa.
                        - Tụi bây con nít biết gì. Tao đọc trong sách của ông Lê Quý Đôn có nói tới hai thứ là ngọc rắn và dế rắn. Ngọc rắn là ngọc ở trong đầu của con rắn, còn dế rắn là con dế ở gần rắn. Nó làm hang gần hang rắn nên dữ như rắn...
                        Quay qua Bảy Thưa nó hất hàm.
                        - Mày dám đá với con dế rắn của thằng Sơn hôn?

                        Bảy Thưa dụ dự. Nó mân mê cái hộp đựng dế trong tay. Mặc dù có con dế than nổi tiếng nó cũng hơi khớp khi nghe nói tới con dế rắn của Sơn. Sáu bồi thêm một câu, mà khi nghe xong đám con nít đều trợn trắng tròng mắt nhìn Sáu lom lom.
                        - Con dế rắn của tao chỉ có một giò thôi. Mày dám đá hông?
                        Tới nước này Bảy Thưa hổng nhận cũng hổng được. Hổng nhận lời là mất mặt anh hùng, mà mất mặt thời làm sao làm xếp đám con nít nhà giàu được. Liếc nhanh đàn em của mình Bảy Thưa chắc giọng.
                        - Tao bằng lòng đá. Mày muốn cá cái gì?

                        Cạch... Trí Đa Tinh Nguyễn Sáu đặt xuống đấu trường một vật. Hàng trăm cặp mắt nhìn vật đó một cách thèm thuồng. Đó là cái ná thung bằng sừng trâu. Nguyên đám con nít trong làng không có đứa nào có cái ná thung đặc biệt này. Sáu nổi danh thần xạ cũng nhờ cái ná thung huynh truyền của anh tư nó cho nó khi anh đi học xa. Từ đó nó là tay vô địch về bắn chim. Gõ kiến bám trên cây dừa lão cao chót vót mà chỉ cần một phát thôi là nó nẻ gục con chim mà chú Ba Chạp Phô hứa sẽ trả năm đồng nếu con chim còn sống. Chim cu gáy đậu trên ngọn me cao trật ót mà nó bụp một phát là lật gọng liền. Bởi vây cái ná thung bằng sừng là vật mà đám con nít không đứa nào không mơ ước được làm chủ.
                        - Mày có cái gì?
                        Sáu hỏi Thưa. Thằng xếp con nhà giàu ra hiệu cho đông bọn. Đám em út của nó thi nhau bỏ xuống nào kẹo, bánh, mứt hay đủ thứ trò chơi mà đám trẻ nhà nghèo không có tiền để mua. Giữa đấu trường bày đầy trái cây như quít, ổi, mận, đu đủ, dừa xiêm.
                        - Dế của mày đâu...
                        Bảy Thưa hỏi Sơn và thằng nhỏ trịnh trọng đặt xuống đấu trường cái hộp cây. Nó từ từ mở nắp ra. Có tiếng cười chế nhạo vang lên kèm theo tiếng ồ thất vọng. Đám con nhà giàu cười hô hố, cười sặc sụa, cười bò càng khi thấy con dế xấu ỉn, nhỏ như hạt tiêu mà chỉ có một chân của Sơn. Thằng nhỏ ngượng ngùng vì tiếng cười chế nhạo của địch thủ. Nó nhìn đám con nít nhà nghèo như cầu cứu hoặc phân bua nhưng chỉ thấy những ánh mắt thất vọng và lạnh nhạt. Chỉ có riêng Trí Đa Tinh Nguyễn Sáu vẫn thản nhiên. Nhìn Thưa nó gằn giọng.
                        - Dế đâu?
                        Cười cười Thưa đặt cái hộp cẩn sà cừ xuống đất rồi nhẹ mở nắp hộp ra. Dù không buột miệng kêu trời như những đúa trẻ khác Sáu cũng phải trố mắt nhìn con dế của thằng Thưa. Nó chưa bao giờ thấy con dế nào bự và bộ tịch dữ dằn như con dế này.

                        Lính giỏi không cần đông. Tướng giỏi không phải bự con. Tới nước này thì Sáu không còn đường rút nữa rồi. Đánh hay là chết. Thà chết vinh còn hơn sống nhục. Hai thằng nhóc xếp gạch thành đấu trường nhốt hai con dế lại. Hàng trăm cặp mắt nhìn hai đấu thủ. Dế đá có bài bản hẳn hòi. Trước nhất hai con dế đấu võ miệng bằng cách so râu với nhau. Con dế mun của Thưa râu dài cả tấc. hai chân sau to và gồ ghề. Nó chỉ búng hay đá một cái thôi là con dế rắn của thằng Sơn chắc sẽ lăn kềnh ra đất. So râu chừng giây lát con dế mun cất tiếng gáy. Lối đánh võ miệng để hù địch thủ này chỉ là đòn đánh phủ đầu. Địch thủ mà yếu bóng vía là sợ liền, nhiều khi chỉ nghe tiếng gáy đã chạy trước rồi. Tiếng gáy của con dế mun của Bảy Thưa nghe thật đã tai. Sáu phải công nhận là mình chưa nghe con dế nào có tiếng gáy to, oai phong và hùng dũng như con dế này. Con dế rắn của Sơn vẫn đứng yên một chỗ có lẽ vì chỉ còn có một giò nên nó lười di chuyển. Nghe tiếng gáy của địch thủ nó cũng cất tiếng gáy. Đám con nít bật cười khi nghe con dế rắn gáy. Âm thanh nghe rè rè như thùng thiếc bể hay ong bầu ở trong lon sữa đặc.


                        Sau màn đánh võ miệng hai con dế bắt đầu cuộc đá. Sáu nhăn mặt khi thấy con dế mun nhe hai cái răng nhọn lểu ra. Nó chỉ cần ngoạm một cái là con dế rắn đứt làm đôi. Đám con nít hò reo, vỗ tay ầm ầm khi thấy hai con dế quấn lấy nhau. Tới giờ phút này chúng quên mất phe ta hay phe địch mà chỉ còn say mê thưởng thức hai con dế kèn cựa nhau. Phải nói là con dế rắn tuy nhỏ thêm mất một giò nhưng nó khôn ngoan và có đấu pháp rõ ràng, Nó không ngại luồn dưới bụng, xoay bên này, lùi lại, tiến tới hay xoay trở để né những cú đá mạnh bạo của con dế mun lớn gấp đôi nó. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm của một tay đá dế Sáu biết con dế của mình khó lòng địch lại con dế mun của Bảy Thưa nếu nó không giở bửu bối ra.

                        - Hết hiệp rồi...

                        Sáu la lớn đoạn nhanh tay sớt con dế của mình trước khi nó bị địch thủ giáng cho một đòn chí tử. Hai con dế được cho nghỉ mệt một lúc rồi mới tái đấu. Cầm con dế trong lòng bàn tay của mình Sáu cười nói.

                        - Tao cho nó uống nước...

                        Vừa nói nó vừa đi ra mé đìa. Liếc nhanh không thấy có ai ở gần nó mở chai dầu gió Nhị Thiên Đường ra rồi đưa ngay miệng con dế. Khát nước con dế cắm đầu nhậu. Bỏ chai dầu vào túi nó trở lại đấu trường xong bỏ con dế xuống đất. Con dế rắn màu đen nằm im như mệt mỏi cần phải nghỉ dưỡng sức. Lát sau Bảy Thưa bỏ con dế của nó ngay trước mặt đối thủ. Vừa nhìn thấy con dế than của Bảy Thưa con dế rắn bỗng dưng cất tiếng gáy. Đám con nít nhìn nhau khi nghe nó gáy lanh lảnh, gáy từng tràng dài và càng lúc càng lớn ra.

                        - Con dế này ngộ ghê tụi bay... Bây giờ nó gáy lớn hơn hồi nãy...

                        Thưa lên tiếng báo động. Con dế than của nó cũng bắt đầu gáy nhưng tiếng gáy của nó bị át bởi tiếng gáy vang lừng của con dế rắn hột tiêu.

                        Vừa gáy con dế rắn vừa nhích từng bước tới sát đối thủ. Cái giò độc nhất của nó cào cào trên mặt đất thành đường dài.
                        - Dô...
                        - Dô...
                        - Dô... dô con...
                        - Mày mà cắn đứt râu nó tao cho mày ăn hột mít...
                        Đám con nít nhà nghèo vừa vỗ tay, vừa la hét để cổ võ cho dế nhà. Sáu mỉm cười khi thấy mồ hôi tươm ra trên mũi của Bảy Thưa.
                        - Trời...
                        - Nó bay...
                        - Con dế một giò nó bay...


                        Đám con nít la rầm khi thấy con dế một giò phóng tới. Cái thân nhỏ xíu của nó đè lên lưng. Cái chân độc nhất của nó quặp lấy thân trong lúc hàm răng nhọn hoắt cạp cắn vào mắt địch thủ. Trúng đòn độc con dế than cồ cố gắng giãy giụa. Cái đầu của nó lắc qua lắc lại rồi cuối cùng nó ngã lăn ra và giãy giụa trên đất như muốn chạy trốn mà không được.

                        - Thua rồi... thua rồi...

                        Đám con nít không phân biệt giàu nghèo la rầm lên khi thấy con dế cồ của Bảy Thưa chạy vòng vòng quanh đấu trường trong lúc con dế rắn lếch thếch rượt theo. Cuối cùng có lẽ vì mệt nó dừng lại cất tiếng gáy.

                        Đó là tiếng gáy của kẻ chiến thắng. Vẻ mặt sượng sùng Bảy Thưa bắt con dế của mình lên. Nó chơi đúng luật làng dế đá là trao con dế của mình cho Sơn. Thằng nhỏ hân hoan nhận lãnh chiến lợi phẩm. Đám con nít nhà giàu lủi thủi ra về trong lúc đám con nít nghèo mở tiệc mừng. Sáu chia đều chiến lợi phẩm cho các anh hùng Lương sơn Bạc. Nhìn theo bóng Bảy Thưa thất thểu trên đường nó biết cuộc đá dế năm tới sẽ vô cùng gay go vì hơn ai hết Thưa không bao giờ bỏ cuộc cho tới khi nó chiếm được chức vô địch. Tuy nhiên Sáu không còn có dịp đá dế vào năm tới vì gia đình nó dọn lên tỉnh rồi sau đó lên Sài Gòn và hai chục năm sau lại trôi dạt tới cái xứ văn minh mà con nít hét lên khi thấy con dế.









                        Lần sau tôi kính mời mọi người nghe một câu chuyện về cọp. Đó là câu chuyện có thật với cái tên hơi lạ '' Hương Cả Cọp ".
                        Last edited by Hiểu Kỳ; 02-06-2010, 10:03 AM.

                        Comment


                        • #13
                          ...mèn đá dế mà cũng có bửu bối nữa ..., câu chuyện dzui và dễ thương , cảm ơn Mr Tri Huyện csl
                          ***************

                          Comment


                          • #14
                            ....Gay cấn quá đi....chỉ nghe dế rắn trong truyện chứ không biết có thiệt hay không....nhìn con dế, đọc truyện dế....nhớ hồi nhỏ ghê.....

                            Ai cũng cần có khiếm khuyết,
                            để bớt phần kiêu ngạo...(ST)


                            sigpic

                            Comment


                            • #15
                              Chuyện này hình như là chuyện có thiệt của tác giả Chu Sa Lan đó VuTran ạ

                              Còn hồi nhỏ, vì ở thanh thị, nên chỉ nghe, và chưa có dịp xem " đá dế " nhưng dế cơm, nghe nói chiên ăn ngon lắm đó, vì nhà Poupi ở vùng Phú Nhuận, có chút vườn và mấy bụi hoa mai và cây gì mà người ta xén tỉa ra hình dáng hai con nai, có quả nho nhở, đo đỏ đó, ở dưới sao mà nhiều dế cơm lắm, nên thỉnh thoảng có người xin vào, giở mấy chậu đó lên, ui... nhiều lắm, và có người làm như trên với con ve sầu nữa, mà Poupi chỉ thấy họ bắt chưa dám ăn, vì " sợ " khg biết sợ gì, mà thấy thương nó hơn là sợ há,
                              Bây giờ thấy mấy tụi Tây còn xơi luôn chuồn chuồn, cào cào, làm như thế giới này sắp hết " thịt " ăn , thấy mà rùng mình

                              Comment

                              Working...
                              X