Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Về quê ăn Tết

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Về quê ăn Tết

    Như nhiều chàng trai tỉnh lẻ khác, tốt nghiệp đại học xong, Ân chỉ muốn tìm cách xin việc ở thành phố. Nhưng nghẹt nỗi xin vào các cơ quan nhà nước thì Ân kẹt cái hộ khẩu còn xin vào công ty nước ngoài thì Ân yếu khâu ngoại ngữ...

    Nhớ ngày đầu bước chân vào thành phố để thi đại học, ở tạm nhà một người bà con sống lâu năm ở thành phố. Ân ngạc nhiên hết sức khi thấy chú bé mới hơn mươi tuổi con chị chủ nhà ngồi đọc truyện cổ tích bằng tiếng Anh. Sau này học chung với các bạn là dân thành phố Ân cũng nhận ra rằng nếu mình giỏi hơn họ về các môn tự nhiên thì họ thường hơn hẳn mình về ngoại ngữ. Cái dân thành phố mới lạ, hình như họ học ngoại ngữ còn có vẻ dễ dàng hơn học tiếng Việt. Ân cũng tìm đến nhiều trung tâm ngoại ngữ nhưng vì học yếu, nói dở, nghe kém, giọng của Ân nói tiếng Anh khiến ai cũng phì cười, thế là Ân ngượng, đâm ra lười học và bỏ luôn.



    Ảnh minh họa

    Nhà không nghèo đến mức để Ân đủ kiên trì, nhẫn nhục bám lại thành phố tìm cách đổi đời. Ở chờ việc chán quá Ân về quê. Mẹ Ân, một người phụ nữ góa bụa truyền thống, ở vậy nuôi con hơn mười năm nay từ khi cha Ân mất. Hơn thế nữa, bà làm ăn phát đạt bằng cái quán bánh xèo ở thị trấn lúc nào cũng đông khách. Bánh của bà nổi tiếng, dân thị xã chiều chiều cũng vượt đường xa gần chục cây số đến ăn, vì dù bánh có ít thịt nhưng nhiều nấm và rau sống tươi ngon cộng với loại nước chấm rất “độc chiêu” tự bà mẹ Ân làm và giữ như một bí quyết. Nhờ cái quán bánh xèo ấy mà dù mồ côi cha Ân vẫn được ăn học, sung sướng như một cậu công tử. Khi vào Sài Gòn Ân thuê hẳn một phòng riêng ở cho thoải mái và mua ngay một chiếc xe máy để đi học. Ân không thua dân thành phố thứ gì, trừ ngoại ngữ.

    Ân về, bà mẹ vui lắm, bà vẫn muốn Ân về xin việc ở quê, có nhà cửa đàng hoàng, có vốn liếng bà dành dụm bao nhiêu năm cho con trai cũng kha khá. Bà trông con ra trường, đi làm, ít năm nữa rồi lấy vợ, có cháu cho bà bồng. Xứ này thiếu gì con gái đẹp, ít nhất cũng nổi tiếng trong tỉnh. Đã có câu “Ăn chơi Thạch Trợ, lấy vợ Nghĩa Hành”. Con gái Nghĩa Hành đẹp đoan trang, phúc hậu, không ít dân tứ xứ tới đây cũng tìm cách rước cho được một cô gái Nghĩa Hành, bà có mấy đứa cháu gái lấy chồng tận Sài Gòn, tụi nó bây giờ giàu có thành đạt, vài ba con rồi mà mỗi lần về quê bà vẫn thấy chúng càng đẹp. Ân cũng biết điều đó, hơn 4 năm học ở Sài Gòn, cũng có lúc sa đà yêu đương với vài cô gái miền Nam nhưng Ân nghĩ rằng sẽ lấy một cô gái cùng quê vừa xinh đẹp vừa để hợp với mẹ mình hơn. Ân lúc nào cũng nghĩ đến việc làm vui lòng mẹ.

    Việc đầu tiên của Ân về nhà ních no một bụng bánh xèo, ngủ một giấc để bù việc ngủ gà ngủ gật trên tàu lửa rồi sau đó đi tắm sông. Tắm sông là một cái thú mà Ân ghiền từ nhỏ. Được ngụp lặn giữa bãi bờ xanh ngát, trong dòng nước trong veo, Ân như thấy mình trút hết mọi suy tính, lo toan trước một tương lai buộc phải gắn liền với chữ “thành đạt” mà người mẹ luôn kỳ vọng vào mình. Mặc chiếc quần đùi ướt từ sông về, lúc băng qua đường vào nhà, Ân khoác thêm chiếc khăn lông cho kín đáo. Anh đi vòng ngõ sau tránh cái sân đang rất đông khách ngồi ăn, uống bia, cười nói rôm rả. Lối sau nhỏ, lót gạch tàu, lo liếc nhìn đám khách phía trước xem thử có ai quen, Ân vấp phải cô gái ngồi rửa chén khiến cô mất thăng bằng vì đang ngồi trên chiếc đòn gỗ quá nhỏ, chỉ nhỉnh hơn bàn tay. Ân vội vàng đỡ cô dậy, miệng xin lỗi rối rít. Cô gái lườm Ân bằng đôi mắt thông minh, khuôn mặt sáng láng.

    - Đậu kỹ sư rồi chỉ ngước nhìn lên thôi chắc?

    - Thì người ta xin lỗi rồi mà!

    - Lỡ đạp chết người ta sao?

    - Người chớ có phải gà con đâu mà dễ chết vậy? Mà sao biết tui kỹ sư?

    - Thì ở đây ai không biết!

    - Còn cô là ai?

    - Tui là tui, làm thuê cho mẹ anh!

    - Xin chào cô, người nhà mà tui không biết!

    - Người giúp việc thì đúng hơn.

    Ân thấy mình đang ở trần mà nói chuyện với cô gái trẻ thì không tiện, hơn nữa đó là một cô gái tạo cho Ân một ấn tượng đẹp. Cô mặc một bộ quần áo thể thao đã cũ mèm, loại đồng phục dành cho học sinh, mái tóc búi cao một cách trễ nải để lộ cái cổ cao thanh thoát và mềm mại, khuôn mặt tròn trắng ngần và mắt môi cô dường như lấp lánh trong bóng chiều nhá nhem. Không kìm được tò mò, vào nhà mặc quần áo chải tóc xong Ân ra tìm mẹ để hỏi:

    - Nhà mình có con bé mới vào làm hả mẹ?

    - Con gái cô Bảy, cuối tuần nó đến phụ để rửa chén đĩa.

    - À…

    Cô Bảy là người phụ nữ nghèo, trước đây thường đi làm thuê, lâu nay đến phụ việc cho mẹ của Ân. Ân không ngờ một phụ nữ kham khổ, lam lũ và hiền như cô Bảy lại có một cô con gái xinh đẹp, có dáng dấp như một tiểu thư lại đáo để như vậy, cô có vẻ như một cô nữ sinh hơn là một cô gái làm thuê… Từ lúc ấy, Ân chỉ còn quan tâm đến một điều: Cô gái ấy đã rửa chén xong chưa, đang làm gì, giá đừng sợ mẹ quở để Ân làm giúp cô gái… Nhưng chỉ lát sau Ân nhận ra cô dắt xe đạp đi ra cổng… Không kìm được, Ân đến chỗ cô Bảy và hỏi:

    - Sao con gái cô về sớm vậy?

    - À, em nó về đi học thêm…

    Không kìm được ngạc nhiên, Ân hỏi tiếp:

    - Em học lớp mấy vậy cô?

    - Em học lớp 12 đó cháu.

    - Ồ!

    ***

    Bà mẹ sắc sảo không thể không nhận ra con trai mình đang lao đao vì cô con gái của người làm thuê. Bà công nhận con bé trông thật đẹp đôi với con trai mình, nếu nó có quần áo sang trọng hơn một chút. Nhưng cái tính con bé ấy bà không ưa. Con nhà nghèo mà tính tình chảnh chọe. Từ khi đến phụ mẹ ở đây nó không chịu ăn cơm cùng với mẹ nó và những người giúp việc khác dưới bếp, còn bà thì ăn riêng trước ở nhà trên, dù ăn có một mình. Nó còn cả gan góp ý bà là không nên dùng bột ngọt nhiều có hại cho sức khỏe của khách. Cái món sữa đậu nành bà lấy của người ta bỏ mối để bán, thường đựng trong chai nhựa, nó bảo vậy không tốt, uống sẽ dễ bị ung thư, nên đựng trong chai thủy tinh hoặc hũ sành! Chai thủy tinh ở đâu cho đủ lại còn dễ bể nữa… Mới có nhúm chữ mà ngo nghoe, con bà là kỹ sư còn chưa ăn thua.

    Bà thẳng thắn góp ý khi thấy Ân cứ tìm cách gặp cô gái hoặc nhìn lén cô:

    - Con đừng tiếp xúc với con Hà, không được đâu…

    - Sao không được hả mẹ?

    - Con đó nó đanh đá lắm. Mà chẳng nhẽ con ưng nó, mẹ lại ngồi sui với con Bảy mẹ nó, mầy bôi tro trát trấu vào mặt mẹ à?

    - Chưa gì mà sao mẹ nói ghê vậy, cô ấy còn đi học… rồi sẽ có tương lai.

    - Thôi, đừng ỷ học cao rồi lý sự với mẹ, đũa mốc không thể chòi mâm son, nó có thành bà gì thì kệ nó! Mới nứt mắt mà đã biết liếc trai. Từ khi con về nó siêng đến làm chứ trước đây mấy khi. Có khách đông cần tới phụ kêu hết hơi nó còn õng ẹo.

    Thế nhưng sau đó Hà ít đến phụ việc hơn, hình như cô biết mẹ Ân đã nói gì nên thấy Ân là lỉnh đi. Ân giận mẹ, ý định ở lại quê nhà cũng biến mất. Anh lại khăn gói lên đường vào Sài Gòn rồi ra sao thì ra. Hơn một năm, qua vài lần nhảy cóc từ công ty này qua công ty khác vừa lăn vào học ngoại ngữ, Ân mới tìm được việc mình yêu thích và trụ ở đó. Ngày về thăm mẹ với rất nhiều nhớ thương và chút ít dỗi hờn, Ân khát khao hy vọng sẽ được gặp lại Hà. Người Ân muốn gặp sau mẹ là cô Bảy nhưng những người làm bảo rằng cô Bảy đã vào Sài Gòn làm thuê để nuôi con gái học đại học rồi. Có người còn vui miệng kể rằng nhiều người muốn giới thiệu cho Hà lấy chồng Việt kiều, lấy chồng Hàn Quốc giàu lắm, đổi đời ngay tức khắc khỏi phải làm gì nhưng cô chỉ muốn đi học… Một lần nữa lại lạc mất Hà, Ân thấy buồn. Nhiều cô gái cũng xinh đẹp, gặp hoài, học chung, làm chung, họ còn rất ân cần hoặc chủ động tán tỉnh mình, sao Ân không nhớ, lại hay nghĩ vẩn vơ về cô gái mới chạm mặt có vài lần mà còn bị mẹ cấm đoán…

    ***

    Đã lâu lắm, phải đến ba năm liền Ân chưa về quê, tuy vậy khi nhớ con, bà mẹ lại vào Sài Gòn thăm, nhân tiện xem con ăn ở ra sao giữa cái thành phố mà nhắc tời tên là người dân quê bà lại rộn lên niềm ngưỡng mộ. Năm nay bà bảo không được khỏe, cố mà về ăn tết với mẹ. Nằm trên tàu, thời tiết mùa đông se lanh, Ân trùm mền ngủ suốt, chỉ mong cho mau tới nhà. Thế nhưng chưa tới quê nhà, tàu chỉ dựng lại ít phút ở những ga nhỏ của vùng đất lân cận, nghe giọng địa phương hao hao, rồi cảnh vật, hình ảnh người dân cũng gần giống người quê mình, lòng Ân rộn lên một niềm xao động yêu thương. Anh bật dậy, vén rèm cửa để nhìn ngắm cho thỏa con mắt. Cảnh lẫn người đang xôn xao đón Tết, những ngôi nhà mới đang hối hả cho công đoạn cuối cùng, quét vôi, tô điểm. Trước thềm hoa mai, hoa cúc, hoa vạn thọ đã tranh thủ khoe sắc. Vùng đất này đã giàu hơn nhiều so với lần đầu tiên anh xuôi tàu vào Nam để thi đại học, nhà tranh lưa thưa, cảnh vật u buồn...

    Lần này về Ân mang nhiều quà về cho mẹ và cho cả bà con hàng xóm, một vài người bạn thân thời trung học, nay có người đã vợ con đề huề. Bà mẹ hẳn sẽ hài lòng về cậu con trai bắt đầu phát tướng, hồng hào và cao lớn. Ân làm việc trong một công ty nước ngoài, có một chức vụ nho nhỏ trong công ty, được đi nước ngoài thường xuyên, chủ yếu là những nước trong khu vực châu Á. Chuyến đi nào Ân cũng chụp hình kỷ niệm để dành mang về cho mẹ xem, để mẹ ngắm nghía mỗi khi con trai đi xa và mang ra khoe khi có ai hỏi thăm con mình. Chỉ có một điều bà không hài lòng với con trai là không chịu lấy vợ hay ít nhất cũng gởi hình bạn gái về cho bà xem. Thật ra Ân cũng có vài mối tình, tưởng cũng yêu ghê lắm nhưng rồi cũng đến lúc phải chia tay, như một kết cục không tránh khỏi, dù những cô gái không tiếc gì với Ân, kể cả chuyện quan hệ tình dục, thậm chí có cô dễ dàng chuyện ấy như mời nhau đi uống cà phê. Ân đâm ra ngại.

    Là ga nhỏ nên tàu chỉ dừng có 5 phút để hành khách lên lẫn xuống, ai cũng vội vàng, người xuống đứng xếp hàng chờ xuống rồi chen nhau với người đi lên, cửa hẹp, túi xách họ vướng vào nhau. Ân bị xô đẩy suýt té vào một cô gái đi lên, mang đồ đạc lỉnh kỉnh tóc dài tha thiết. Vóc dáng xinh xắn, quần áo hợp thời trang của cô khiến Ân không thể không tò mò tìm cách nhìn thử khuôn mặt. Biết bao cô có dáng xinh đẹp nhưng nhìn tận mặt thì xấu hoắc. Lần này Ân không thất vọng, nhưng anh ngớ người. Trời, trông cô quen thuộc quá khiến Ân không thốt nên lời. Cô gái cũng kinh ngạc khi nhận ra Ân. Chưa kịp nói gì thì dòng người xô nhau, cô ở trên tàu và Ân đã tiếp đất, đứng ở sân ga và tàu bắt đầu chuyển bánh. Ân hoảng hốt, cuống cuồng khiến một người khách đứng cạnh hỏi:

    - Anh có bỏ quên gì trên tàu không?

    Giá mà anh bỏ đồ đạc để nhảy lại lên tàu. Không kịp nữa rồi nhưng Ân vẫn chạy theo, giống như con tàu là một thỏi nam châm còn anh là một vụn sắt, anh bị hút theo, chạy càng lúc càng nhanh cho kịp với tốc độ của con tàu. Và từ một khung cửa, gần chỗ anh ngồi lúc nãy một khuôn mặt đẹp hiện ra áp sát vào kiếng với mái tóc dài rối bời, đôi mắt mở to nói những lời không thanh âm mà Ân tin rằng mình nghe hết. Em nhận ra anh rồi. Em đây. Tàu chạy nhanh hơn, bỏ Ân đang lùi lại, anh mệt đứt hơi, bải hoải chân tay vì vừa xách nặng. Ân đứng nghỉ, nhìn theo con tàu xa khuất dần, sân ga vắng hoe. Ân buồn bã lê bước ra cổng và gọi một chiếc xe ôm. Mọi rộn rã về những ngày tết ở quê nhà tắt ngúm. Cuộc trùng phùng quá bất ngờ mà như đã thành vô vọng. Bao nhiêu năm nay không phải Ân không nhớ đến cô bé rửa chén cho nhà mình năm xưa, biết cô đang ở cùng thành phố với mình, nhiều lúc đi trên đường Sài Gòn, Ân bỗng ao ước giá như Hà xuất hiện ở đâu đó, để Ân chạy theo, gọi tên và giữa họ không còn gì chia cắt. Nhưng Sài Gòn rộng lớn quá, nếu không có một đầu mối liên lạc thì dù sống suốt đời ở đó, người ta vẫn vĩnh viễn lạc mất nhau...

    Biết con về bà mẹ làm rất nhiều món bánh mứt đặc biệt của ngày tết. Phụ nữ ở quê anh thường tự làm những món ấy như một cách thể hiện tài nữ công gia chánh khéo léo của mình chứ ít khi ra chợ mua, chỉ người nào vụng lắm mới mua bánh mứt ngoài chợ về cúng ông bà và đãi khách trong ba ngày tết. Mẹ Ân thường bảo con, lấy vợ phải tìm đứa con gái cho khéo, người khéo thường khôn. Cho nên người ta mới nói "khôn khéo" hay "vụng dại" là vậy. Dù nhà chỉ có hai mẹ con, bà vẫn làm đủ món, mỗi món một ít. Nào bánh nổ, bánh thuẩn, mứt bí, mứt mè, mứt gừng... Nhưng Ân mê nhất chính là món bánh tét mẹ làm, bánh tét không nhiều thịt như bánh chưng, ít nhân đậu xanh nên ăn đỡ ngán. Đòn bánh tét bà gói bao giờ cũng tròn đều, nhân bánh ngay chính giữa trông như một cái nhụy hoa, bánh tét da trắng ngần viền một nét xanh màu và thơm lừng mùi tiêu, hành phi và mùi lá chuối. Ân thường ăn no căng với dưa món do bà làm từ kiệu, đu đủ, cà rốt... ngâm với nước mắm ngon nấu pha đường.

    Ân sốt sắng giúp mẹ gói bánh, quán bánh xèo tạm nghỉ từ mấy hôm trước. Hồi nhỏ Ân hay ngồi nhìn mẹ gói bánh và chỉ chực được bà cho chút nhân đậu xanh còn lại được viên thành từng nắm để đặt vào giữa cái bánh, món nhân ấy rất ngon vì được bà xào với các thứ vị. Bà gói và bày cho Ân cách gói:

    - Tập gói đi, sau này có muốn ăn thì gói chứ con gái bây giờ mấy ai còn biết gói bánh chưng bánh tét, toàn đi mua. Sao ngon và sạch bằng bánh mình làm...

    Bỗng bà ngập ngừng:

    - Con còn nhớ con Hà con cô Bảy hồi làm cho mẹ không?

    Giọng bà ái ngại nhưng không kìm nổi niềm vui:

    - Bây giờ nó giỏi lắm nghen, đã tốt nghiệp đại học rồi, có việc làm ngon lành còn đang học thêm gì đó. Nó đưa cô Bảy vào trong từ mấy năm nay. Vừa rồi nó có về thăm quê, mẹ nó yếu không về được. Nó có ghé thăm mẹ và hỏi con... Ờ, cũng tội con nhỏ, nó chẳng tỏ ra oán giận mẹ gì đâu.

    Ân yên lặng, nén một tiếng thở dài.

    Như chợt nhớ ra điều gì, bà lau tay vào cái khăn lau lá chuối rồi đứng lên, đến cái ngăn kéo gần đó lấy đưa cho Ân một cái name card. Cầm lấy, thoáng nhìn qua, Ân run lên như bắt được vàng. Những ngày tết ấy, lòng Ân cũng vui như tết, cõ lẽ lâu lắm rồi anh mới có một cái tết vui như vậy. Ân cùng mẹ đi thăm mộ ông bà, ngoan ngoãn lẽo đẽo theo bà đến nhà họ hàng. Ai cũng hỏi anh một câu giống nhau:

    - Chừng nào cưới vợ cho tui uống rượu đây?

    Ân tủm tỉm cười:

    - Dạ, nếu mẹ cháu không cấm thì hy vọng trong năm nay...

    Bà mẹ lườm con:

    - Thời này ai mà cấm được các cô, các cậu...

    Bởi ngay từ lúc nhận được tấm card, Ân cảm thấy mình có tất cả. Họ tên, chức vụ, địa chỉ công ty cùng số điện thoại cố định lẫn di động và email của Hà. Anh lập tức gọi cho cô, sau đó họ nhắn tin cho nhau liên tục. Họ luôn ở bên nhau. Ân còn chạy ra một tiệm internet để gửi email cho Hà, để chat với cô cho thỏa... Hà hứa sẽ ra ga đón khi anh trở vào. Ân cứ như sống trên mây, trí tưởng tượng hoạt động hết công suất. Xuống ga, Ân sẽ chạy đến ôm Hà thật chặt và không bao giờ để mất cô lần nữa.

    Theo Nguyễn Thúy Ái -







    ST
    Tài năng là sự luyện tập không ngừng :hk: :hk: :hk:

Working...
X