Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

...Rượu...

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • ...Rượu...

    Thời hái lượm, người ta có rượu từ trái chín rụng lên men và làm rượu từ nước quả ép; thời trồng trọt thì lấy ngũ cốc làm rượu, chưng cất bột lương thực, nguyên liệu có đường - vị và mùi rượu do nguyên liệu, men. Cư dân sông Nin biết làm bia trên 6000 năm. Chiến quốc sách ghi chuyện Nghi Địch (vợ vua Hạ Vũ) làm rượu; người Việt đã dùng rượu từ 5000 năm trước.
    Các nhà hoá học chia rượu làm 2 loại, rượu lên men từ nước ép quả chín (rượu vang, rượu cần) và rượu cất (spirits) từ đường (bột ngũ cốc, nước mía, nước củ cải đường, rỉ đường...), thu rượu qua tháp chưng (Bông Lúa, Nàng Hương, đế...). Rượu mùi pha từ cồn, đường, acide chanh, các chất tạo mùi, tạo màu. Nhà võ cũng chia rượu làm 2 loại: uống và xoa (ngâm các thuốc để xoa - thường có vài chất có hại cho đường ruột). Có rượu ngự (dọn cho vua), rượu tiến (dâng tặng vua), tẩy trần (bụi). Về tình thái có rượu thưởng - phạt, rượu nhơn ngãi, giao ước, hẹn thế, chia ly, tái ngộ...Theo nguyên liệu thì có ró rượu đỗ, rượu sắn, ngô, nếp, gạo, mật mía; theo nồng độ rượu có rượu đầu (lượt rượu đầu nồi, thường cao độ), rượu bào (rượu cuối, thực chất là nước cất, vị nhạt, thường hoà với đợt rượu cao độ), rượu tăm (trong vắt, độ rượu rất cao - có người nói tên “tăm” là nếu lấy cây tăm chấm rượu mút cũng...xỉn); theo mùi có rượu bén (rượu khê) do đun già lửa (bén nồi) - dân sành rượu ưa dùng; có hồng đào, cúc vàng (hoàng hoa tửu)...Chứa rượu có bầu, be, nậm, hủ, vò, chai...; uống thì có uống bằng chén, bát, ly, vò, ống, cần, uống bằng...mũi hoặc nốc trực tiếp từ “vật chứa”. Cách uống thì có bợp, tợp, hớp, mút, hút, hít, chíp...rượu; uống đứng, ngồi, nằm. Không mồi là uống sếch, chay; có thể hâm (ấm), ướp (mùi, lạnh, mát). Uống rượu vang phải ướp lạnh ly, khi uống không ực ngay mà phải ngắm, lắc, ngửi, ngậm, nuốt và...khà (tới 6 công đoạn - như lục lễ trong hôn nhân thời xưa). Ăn lối Tây thường kèm nhiều loại rượu, có kiểu ly riêng theo loại thức ăn và công đoạn của bữa ăn. Việt Nam có rượu làng Vân (Bắc Ninh), Nguyên Xá (Thái Bình), Trương Xá (Hưng Yên), Nga My (Hà Tây), Quảng Xá (Thanh Hoá), Bắc Hà (Lào Cai), Kim Long (Quảng Trị), làng Chuồng (Huế), Đá Bạc (Thừa Thiên), Bàu đá (Bình Định), Gò Đen (Tây Ninh); rượu cần (Pleiku), nếp cẩm (Hải Phòng), rượu ngô (Bắc Thái), quốc lủi,...
    Về mồi thì có thể thấy là có vô số mồi (“vô số” hiểu là: không...có số mà đếm hoặc "không có gì cả"); bởi mồi có thể là...bia - cho ngón vào ly bia, mút “choách” một phát và chiêu hớp rượu, hết bia thì nướng nắp chai ngâm rượu làm mồi (liếm nắp một phát rồi...dzô), không bia thì dùng đinh thép nướng lên dầm nước mắm. Ở rừng có thể rút dao quắm, rựa, mác, mã tấu...làm mồi (liếm lưỡi dao để lấy mùi tanh) và “làm ly”. Có loại mồi chua (khế, mơ, sấu...), chát (ổi, chuối xanh - như Chí Phèo xài khi không bắt vạ được ai), cay (ớt, gừng), đắng (đu đủ non), mặn - hoặc ghép chúng lại, nêm chút gì đấy là thành mồi. Nếu thật chẳng có gì thì dùng mồi “e lơ mơ” (e: em; lơ: làm; mơ: mồi - “em làm mồi”, là ngắm em nào đấy rồi làm hớp rượu). Nếu không có gì để ngắm mà cũng chẳng còn rượu thì sao ? Hãy theo lối “ca” (ca là...“k”, viết tắt của “khô” tức là “không ướt”, không có “nước”= không rượu; “k” cũng là “không” tức là không có mồi và rượu thật, chỉ xài bằng tưởng tượng (tưởng tượng rượu, tưởng tượng mồi và mọi phụ kiện kèm theo).
    Thói thường “trà tam tửu tứ” - cùng uống mới vui, ấy thế vẫn có vị không “bạn hiền”, cứ “chíp khà” một mình trong cô tịch - cánh độc ẩm ấy quả là rất đáng quan tâm.
    Truyện Lục Mạch thần kiếm (Kim Dung) tả Tiêu Phong ngồi tại quán nghèo nơi biên tái, không giọt rượu, nghe A Châu tâm sự “đại ca ơi, tiểu nữ nguyện suốt đời theo đại ca về Nhạn môn quan săn chồn đuổi thỏ, sống cuộc đời khoát lạc ung dung” thì ông thật sự cao hứng; Tiêu Phong nâng cái chén không rượu lên, ông ngửa cổ thưởng thức chén rượu tình nồng. Kẻ viết bài được ngắm (lén) một tửu sĩ độc ẩm kiểu “khô”, đến say, ngài tấu lên khúc tuý ca bi tráng; say quá, tửu hiệp đã tuý ngoạ ra thềm, hấp háy nhìn loài người về trước hiên đời dưới bóng chiều nhập nhoạng. Ngắm bức tranh sống động ấy, kẻ nhìn đã xấu hỗ vì ý nghĩ “Bác ấy say giả hay thật nhỉ ?” - Ôi ! Quả là tư duy thấp kém của hàng sâu róm, tò vò.
    Thế gian chia tửu đồ ra nhiều bậc: sâu rượu, bén rượu, bợm rượu, già rượu, non rượu, nát rượu, nhát rượu, rét rượu.... Tiếp viên gọi dân uống là tửu khách, vợ con lại chia các vị thành nhiều hạng (tửu tiên, tửu quỷ, tửu điếc - chẳng chịu nghe ai). Tuý ngoạ là say nằm, nhậu nằm, nằm nhậu; bài ca cho dân xỉn hát là tuý ca - bài ca về rượu của “tuý khách”; tuý quyền là dạng quyền phổ bậc cao ở võ thuật Trung Quốc (với tuý kiếm, tuý phiến - quạt). Tuý dân cõi nhậu phương Đông tự nhận là tín đồ của tửu đạo và phong Lưu Linh là giáo chủ.
    Lưu Linh tên chữ là Bá Luân (210 - 270) sống từ cuối Ngụy (Tào Tháo) đến đầu đời Tấn (Tư Mã Ý) - thời nhiều chuyện buồn nên người tốt ít vui. Nhóm Trúc lâm thất hiền nổi tiếng văn chương (Nguyễn Tịch, Nguyễn Hàm, Lưu Linh, Kê Khang, Sơn Đào, Vương Nhung, Hưởng Tú) được coi là những vị sành điệu; tương truyền Lưu Linh (và Nguyễn Tịch) uống rượu rất tài. Lưu công thường ngồi uống trên xe hươu kéo, chở theo những vò rượu lớn - sau xe có người vác cuốc (Lưu Linh dặn ông say chết ở đâu thì đào chôn ở đấy); trong bài tụng nổi tiếng về những phẩm chất của người uống rượu (tửu đức tụng), ông gọi các nhà “giảng giải lễ phép” là “các quan” và coi họ như những “con tò vò, sâu róm”.
    Văn Việt cũng dành sự trân trọng cho rượu:
    Cô Kiều của cụ Nguyễn Du đã có vài lần rượu khá đặc biệt:
    Lần ba người (Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư):
    Vợ chồng chén tạc chén thù
    Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi
    Bắt khoan bắt nhặt đến lời
    Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay
    Lần 4 người (Kim Trọng, Thúy Kiều, Thúy Vân và chú em Vương Quan) - đoàn tụ:
    Đủ điều trong khúc ân cần
    Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng
    Lần đối ẩm (Kiều và Kim Trọng):
    Thêm nến giá, nối hương bình
    Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan
    Theo Cao Bá Quát (1809 - 1853) thì :
    “Phong tiền tửu điếm hữu mỹ tửu
    Tỉnh giả thường thiểu, tuý giả đồng”.
    Về nghĩa, có thể hiểu:
    (Hể) quán rượu ở đầu gió có rượu ngon
    (Thì) ít người tỉnh mà vô số người say
    Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) mong:
    Bàn cờ, cuộc rượu, vườn hoa cúc
    Bó củi, cần câu, chốn nước non
    Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) cho rằng:
    “Ai say, ai tỉnh, ai thua được
    Ta mặc ta mà ai mặc ai”
    Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) từng:
    Trổ tài muốn học ông say
    Thì ba trăm chén dốc ngay cạn bầu
    Trần Huyền Trân (1913 - 1989) tâm sự với Tản Đà:
    Cụ hâm rượu nữa đi thôi
    Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
    Rồi lên ta uống với nhau
    Rót đau lòng ấy vào đau lòng ngày
    VỚI TẢN ĐÀ
    Thâm Tâm (1917 - 1950) quả quyết:
    Người đi ! Ừ nhỉ, người đi thực
    Mẹ thà coi như chiếc lá bay
    Chị thà coi như là hạt bụi
    Em thà coi như hơi rượu say
    TỐNG BIỆT
    Xuân Diệu (1916 - 85) từng nâng chén men tình:
    Anh lại nâng chén nước
    Mời em nhắp môi cho
    Em ơi, đừng uống hết
    Kẻo say chết bây giờ
    CHÉN NƯỚC
    Ở thủ đô, bê ché rượu cần cao nguyên, Vũ Duy Thông viết:
    Lấy đâu nước suối rừng sâu
    Thì múc nước máy đổ vào ché thôi
    Hư thì cũng đã hư rồi
    Chẳng hư sao hỏng một đời vì thơ
    UỐNG RƯỢU CẦN Ở HÀ NỘI
    Hoàng Trung Thông hiểu:
    ...Bạn uống rượu lòng ta không thể chán
    Ta thương ta, thương người xa thương thầm
    MỜI TRĂNG
    Đỗ Bạch Mai vừa tưng vừa tỉnh:
    Em là rượu hay em là nước mắt
    Rượu đắng cay và nước mắt mặn mòi.
    RƯỢU VÀ NƯỚC MẮT
    Võ Thanh An tỉ tê:
    Chén vui, mừng run rẩy
    Chén buồn, bước liêu xiêu
    VỚI BẠN SAY
    Cao Như Dương muốn:
    ...Ta gom thu hết vào trong rượu
    Rót vào quên lãng một bầu cay
    VƯỜN CHIỀU
    Trong rừng đêm, con tầu chở Vũ Hoàng Chương cũng say nốt - Thơ Say (1940):
    Khói tuôn mờ trắng đêm thâu
    Men rừng say một con tầu ngả nghiêng
    CON TẦU SAY
    Nguyễn Quang Thiều, với vò rượu...rắn:
    Rượu câm lặng chở những linh hồn rắn
    Người say hát lên bằng nọc độc trong mình
    QUÁN RƯỢU RẮN
    Văn Cao thương dân nhậu đang mất dần thời gian sống:
    ...Uống rỗng những thùng bia
    Uống đến hết một ngày đang hết
    Uống đến hết một năm sắp hết
    Còn liếm môi....
    QUÁN BIA
    Nguyễn Khánh (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Phước - Quảng Nam) hiểu rõ sức quyến rũ của “rượu thơ”, ông nói: “Nếu cuộc sống là gạo đã nấu thành cơm thì thơ là cơm đã cất thành rượu mà người đời ít ra ai cũng một lần say”.
    Trần Văn Thọ (Hiệu trưởng trường Lê Hồng Phong - Điện Bàn, Quảng Nam) biết:
    Không rượu sao mà say chếnh choáng
    Không bão giông sao ngồi đứng không yên
    Không sương khói sao nhạt nhoà ảo vọng
    Giây phút nào ta đối diện cùng em
    KHÔNG ĐỀ
    Lần nọ, trong chuỗi ngày phỉ lạc cuồng sinh, thi hào Bùi Giáng đã dứt khoát để thượng câm tuyết (hạ quyết tâm) về vụ “điên và say” và Người đã “không thể nói rằng”:
    Rồi từ đó anh trở thành quyết liệt
    Quyết tâm điên và say rượu tận cùng
    Vì quyết thể đã từ lâu tận tuyệt
    Tới ngao du tuế nguyệt để tao phùng
    KHÔNG THỂ NÓI RẰNG
    Sổ nợ của cụ (sau 27.6.1998) cho thấy:
    Một ngàn vĩ đại hôm nay
    Bởi vì ly rượu tương lai muôn trùng
    SỔ GHI NỢ - viết tay
    Văn chương Trung Quốc có nhiều vụ rượu nhưng các độ nhậu do Kim Dung gầy như đáng say hơn; có lẽ thế mà Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hành Sơn gắn với rượu, ông có “tướng mạo điêu linh cổ quái, lúc nào cũng 3 phần tỉnh 7 phần say”.
    Tổ Thiên Thu (Tiếu Ngạo Giang Hồ) phổ biến kinh nghiệm “rượu bồ đào uống trong chung dạ quang, rượu trúc điệp thanh phải uống chén dương chi bạch ngọc đời Bắc Tống, rượu trắng uống trong sừng trâu để mùi tanh ở sừng át mùi nồng của rượu, bách thảo mỹ tửu chế từ trăm loài cỏ thơm, uống trong chung bằng trúc để thơm hơn...”.
    Khi nghe tin Lệnh Hồ Xung bị phạt giam trên Ngọc Nữ Phong, Điền Bá Quang biết bạn nhớ rượu liền vượt 6000 dặm vào cung vua trộm 2 hũ Thiệu Hưng nữ nhi hồng; cho rằng đời chỉ còn Xung với Quang xứng uống rượu này, Điền đại ca tung cước đá vỡ cả ngàn hũ Thiệu Hưng còn lại của vua.
    Ở Tụ hiền trang, trước trận tử sinh với quần hùng, Kiều Phong gọi mấy vò, rót ra mấy bát lớn, mời anh em Cái Bang của ông uống đầu tiên để nói lời cuối cùng trước khi dứt tình đoạn nghĩa; rồi ông uống với bạn bè các phái khác, mỗi người một bát đầy...có kẻ bưng bát rượu dứt tình với Kiều Phong mà nước mắt tuôn rơi.
    Quận chúa Triệu Minh nhớ Vô Kỵ quá (Ỷ Thiên Đồ Long), cô tìm lên tửu lâu ngồi vào chỗ 2 người từng đối ẩm; gọi rượu, thức nhắm, 2 chén, 2 đôi đũa, 2 chung và rót đầy. Chưa nhắp trọn hớp rượu tình xa thì cô đã rơi lệ, đúng lúc đó thì...
    Quách Tường (mới 16) vì yêu người anh họ là Dương Qua (Thần điêu đại hiệp) nên cô đã vượt ngàn dặm đi tìm. Trong hành trang của cô có một vật quý giá nhất - bầu rượu mà Quách Tường mong được cùng Dương Qua đối ẩm. Về sau, mộng không thành, Quách Tường đi tu và trở thành sư tổ phái Nga My...
    Nhìn chung, tửu dân nhà Kim Dung thường xỉn khá tử tế dù có nện nhau tý chút, cãi cọ ít nhiều; chỉ một người vì say mà phạm tội đại ác phải ghép vào loại “tửu tặc” - Thành Khôn, sư phụ của Kim mao sư vương Tạ Tốn - say, đã làm nhục và giết vợ con của đồ đệ. Sau đó, Thành Khôn vào chùa Thiếu Lâm giả tu với pháp danh Viên Chân; cuối cùng vẫn bị tìm ra nhưng được tha (hoá ra có xét hành vi phạm tội trong lúc...say).
    Truyện Lucky Luke (Mỹ), có tù trưởng bộ tộc da đỏ bản địa luôn mơ há mồm dưới vòi rượu của thực dân người da trắng (thế là tiêu cái bộ lạc ấy); thậm chí có vị khác còn ước ngồi trên chiếc thuyền độc mộc, tay cầm muôi (vá) lớn và xuôi dòng sông...rượu, khi thèm cứ việc thò tay múc một muôi đầy, rồi...“chăm phần chăm”.
    Công dụng của rượu vốn đa dạng, không chỉ là gia vị mà còn để tế lễ (vô tửu bất thành lễ), hội hè, giao tiếp, mang lại (và nâng cao) cảm hứng cho nhiều nghệ nhân như một chất ma tuý (chưa đủ đô thì chưa sáng tác được). Tiếng Hán, trong chữ “y” có chữ tửu, có lẽ người xưa hiểu tác dụng chữa bệnh của rượu và thể hiện qua chữ tượng hình.
    Rượu vị cay, tính nóng, dùng ít sẽ giúp sức lực cường tráng; rượu còn giúp hành huyết, khai uất, trừ phong. Nhờ sức dẫn thuốc, người ta ngâm hoặc tẩm thuốc bằng rượu để nâng hiệu lực dược liệu lên các bộ phận nửa trên thân của bệnh nhân. Bản thân rượu còn là vị thuốc, tác dụng của một chút rượu đối với sức khoẻ là rất tốt, giúp tán thấp khí, trừ phong, khai vị trợ tiêu hoá, ấm ruột và dạ dày, ngừa phong hàn, hết nhức mỏi; rượu xưa để gây mê khi phẩu thuật. Kinh thánh (sách Timôthê I, đoạn 5, câu 23) cũng dạy: “Phải uống một ít rượu để bổ cho tì vị”; người Việt cũng có kinh nghiệm “chén rượu đánh lừa cơn mỏi cơn đau” (Thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm), theo danh y Lý Thời Trân: “Uống ít rượu sẽ điều hoà máu huyết, khí dễ thông, thần tráng kiện, phòng lạnh, gây hưng phấn”. Bởi thế:
    Nửa đêm ba chung rượu
    Sáng sớm vài chén trà
    Ngày nào cũng như vậy
    Thầy thuốc không vào nhà.
    Tuy vậy, khi gắn với mục đích và phương tiện, rượu sẽ có tác dụng mới; có loại rượu độc (ngâm với gan công, bắt người có tội uống để chết - như Dương Quý Phi). Thông thường, rượu dễ làm say; trong rượu, thủ phạm gây say là cồn (êtylic) - “độ cồn” là lượng cồn nguyên chất trong 100 ml rượu. Ở California, Mỹ, công dân dưới 21 tuổi chưa được uống loại nước chứa quá 0,5% cồn. Người ta say khi cồn trong máu từ 0,1 % đến 0,5 % - lượng thừa sẽ tồn tại trong cơ thể dưới dạng aldehyde. Thường khi được hỏi “đã say chưa” thì các tiểu Lưu Linh phán “3 say chưa chai”, rằng đang “khai thông trí hoá” để “đả phá cơn sầu”, nào là chưa “mũi chảy đầy râu”, chưa đến nỗi “đụng đâu...đái đó” và còn lâu mới “cho chó ăn chè” nhé. Các nhóm chất độc trong rượu là aldehyd, butanol, metanol, phenol, histamin... gây hại cho gan, thận, não, tụy, mắt; ngay khi uống, các độc chất trong rượu tấn công vào sinh điểm fluren ở não làm khó giữ thăng bằng, dễ té và còn mất một số cảm giác (như không thấy lạnh - trạng thái “ấm giả”, giảm đau - dễ bị thương mà không biết,...). Sau khi rượu vào, mạch ngoại vi giãn nở và sẽ co lại đột ngột nếu gặp lạnh sẽ vỡ mạch gây xuất huyết não, ngoài ra còn gây rối loạn tuần hoàn, hạ huyết áp gây nhồi máu cơ tim.
    Với gan, rượu làm cho các chất dự trữ của gan (glycogenaz) sẽ bị huỷ, gan không thải độc được nữa, gan bị nhiễm mỡ, tế bào gan sẽ bị thoái hoá, xơ gan.
    Với não, tiểu não bị ngộ độc rượu làm rối loạn hành vi, ngôn ngữ; người say trở nên mất nhân tính - thánh kinh dạy “Đừng say rượu, vì nó sẽ xui cho luông tuồng” - Êphêsô 5: 18). Thật vậy, người nghiện sẽ bị teo não, thoái hoá não, giảm trí thông minh.
    Rượu gây viêm niêm mạc dạy dày, viêm ruột, rối loạn trao đổi chất (khó hấp thu muối khoáng, vitamin), teo cơ, giảm sức co bóp của tim, xốp xương.
    Thai phụ nghiện rượu thì trẻ mới sinh chịu tổn thương - rượu trở thành ma tuý với bé (nếu mẹ không uống rượu thì trẻ sẽ ngủ không yên vì thiếu...độ cồn trong sữa mẹ)
    Có người uống rượu mà phải đền bia; số là vị này lái xe khi đang xỉn đậm, bố quẹt mấy nhát vào cái bia mới cứng của ngôi mộ “sát mặt tiền”, thế là vì rượu mà phải đền bia; rất may là ngài chỉ va vào biển số nhà riêng của người âm - khối anh vì xỉn mà đã xông thẳng vào người sống để rồi đến nằm chung với người chết đấy thôi. Có người nhờ rượu mà thêm tiền (cứ say lên thì nhìn một đồng thành hai hoặc nhiều hơn thế - thơ Trần Vàng Sao), thành con Ngọc Hoàng, cậu ông Trời...; dễ thương nhất là khi ông say nhìn vợ lại thấy bác gái...trẻ ra (sợ nhất là khi nhìn ai cũng thấy như má bầy trẻ)...
    Cái hại của rượu ai cũng biết nhưng tránh nó quả không dễ; thậm chí rượu vẫn được coi là phương tiện...phấn đấu - mà đã là phương tiện thì không tách rời ...lao động (!?). Có sếp tâm (lý) sự trên giường bệnh với vợ con rằng “Mươi năm nay tao say, nhiều lần say tới bến, nay dạ dày hơi bị thủng và gan (ừ thì) có xơ !. Nhưng không say như thế thì làm sao tao được điều trị ở cái phòng cá nhân dành cho cán bộ cao cấp thế này !? Phải hy sinh đời tao củng cố đời sau chứ” và cụ hùng hồn phán “Cuộc chiến đấu vẫn còn đang tiếp diễn, chúng mày mếu máo làm gì ! Tao nhậu vì lợi vì danh, nhậu vì con vì vợ là xứng đáng lắm; khối đứa nhậu chỉ vì...tiếp viên đã sao ! Nào, mồi nước sẵn cả chưa để tao tiếp bác sĩ ! Sắp tới giờ tao khám (cho) bác sĩ rồi đấy”.
    Thật ra, lợi hại ở rượu là do cách dùng, đúng cách thì nọc rắn là thuốc chữa bệnh, sai thì nhân sâm cũng hoá ra thuốc độc.
    BP (Baden Powell) thủ lĩnh Hướng đạo thế giới (phong trào phi chính phủ đầu tiên nhận giải thưởng về Giáo dục của Unesco năm 1981) nói: “Chính ly rượu thứ 3, nếu không phải là ly thứ 2 đã làm tiêu tan điều kiện luyện tập thân thể”. Với rượu thuốc hẳn hoi, lạm dụng Minh Mạng thang thì hậu quả cũng như dùng “mất mạng thang”; thầy thuốc triều Minh Mạng căn cứ vào thể chất và sinh hoạt của vua để lập thang thuốc rượu cho vua, những ai có thể chất và sinh hoạt không như vua Minh Mạng mà dùng Minh Mạng thang tưởng cũng nên nghĩ lại.
    Trước đây, để giã rượu người ta gây lợi tiểu nhưng cách này cũng có chỗ không tốt (aldehyde từ máu vào thận sẽ hại thận); vì vậy, nay nên dùng những cách giã rượu dân gian như uống một trong các loại nước (nước rau muống; nước rau má; nước đậu xanh không đường; nước 3 vị: 50g dấm + 25g đường cát + 3 lát gừng tươi - đun nóng, uống ấm...) hoặc ăn (dưa hấu, khoai lang đỏ, trứng muối, đậu phụ...).
    Đâu chỉ có loại rượu ai nhậu nấy say mà còn có loại người này uống và người khác lại say - rượu “ông uống bà say”; có loại “chưa nhấm đã say” (như Hồng Đào)... có lẽ say đây không là say rượu (1).
    Tửu sự còn lắm vấn đề. Giới tửu khách có câu: “Đừng sợ người không say, cũng chớ sợ người không nhậu, chỉ sợ người không nhậu mà say”; lại có câu: “Chẳng dám nói không với rượu là hư, nhưng chỉ biết nói không với rượu là hỏng; tất nhiên, chỉ biết nói ừ với rượu thì thật là hỏng bét”.

    ST !
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X