Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Một Niềm Vui Nhỏ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một Niềm Vui Nhỏ

    Hiệu trưởng Paul Grazziani tiếp tôi ở văn phòng. Tôi nghe theo lời khuyên của André Laffont, thanh tra ở viện Versailles, bạn của Maurice Graton và tôi. André bảo là tôi đến nhận việc hai tháng sau ngày tựu trường thì nên đến gặp, hoặc người giám học hoặc một giáo sư chủ nhiệm nào đó, nếu là chủ nhiệm của một lớp "khó" thì càng hay, để nắm vững tình hình trước. Tôi đến trình quyết định cho Paul và không đợi tôi yêu cầu, anh cho mời bà Juliette Guimauve sang. Paul nói với tôi là ở vùng Tavernay này, toa được cái may mắn là loại học trò "khó" không nhiều lắm. Có, lẽ tất nhiên, nhưng tùy loại. Ở trường này của moa, đứa nào khó là vì có vấn đề gia đình. Học trò vùng này, đa số là con cháu tướng tá cả. Chúng nó phần nhiều ngoan, chăm học, đứng đắn. Đứa con nhà khá giả, cha có vai vế thì có mặc cảm... tự ti vì cha mẹ không dành cho nó những tiện nghi ngoại vi tốt, sang bằng vài đứa bạn của nó.

    Anh ngừng lại vì bà Guimauve vừa vào. Anh giới thiệu bà giám học với tôi rồi tiếp tục nói :

    - Những đứa con nhà hèn kém hơn thì có mặc cảm khác. Cũng tự ti nhưng ... khác.

    Bà Guimauve đưa tay, ngắt lời :

    - Tôi xin xác nhận. Chúng nó tự ti vì chúng nó là con những thuộc hạ của bố mẹ của những đứa bạn học cùng lớp và nhiều khi con những người giúp việc trong nhà của những đứa bạn. Cho nên, các giáo sư không những phải giỏi về sư phạm còn phải thạo tâm lý.

    Paul mỉm cười :

    - Phải có nhiều kinh nghiệm dạy học... theo kiểu xưa, nghĩa là giỏi sư phạm 40% và... (Paul lại cười) giỏi chính trị...

    Tôi buột miệng :

    - Nghĩa là?

    Bà Guimauve nói nhanh :

    - Nghĩa là phải biết đối phó với những trường hợp bất ngờ và rắc rối nhất. Nghĩa là người giáo sư phải luôn luôn bình tĩnh, điềm đạm, biết cách nói chuyện, biết cách ‘‘chuyển giòng điện qua lại’’.

    - Juliette nói đúng đấy. Vì vậy hôm moa gặp lại toa ở Versailles, moa rủ toa về đây dạy. Moa nói ý định ấy với Juliette thì được đồng ý ngay. Trường này cần những giáo sư như toa. Cho nên moa mới can thiệp gắt gao cả mười ngày nay - Paul nói

    Juliette:

    - Thứ hai ‘‘vu’’ mới bắt đầu nhưng hôm nay, nếu ‘‘vu’’ muốn, tôi sẽ dẫn ‘‘vu’’ đi một vòng, ngang qua mấy lớp của ‘‘vu’’ để xem chúng nó ra sao. A, đây là thời dụng biểu của ‘‘vu’’. ‘‘Vu’’ xem giờ giấc như vậy có thuận tiện không. Đấy là giờ giấc của Antonio xin cho năm nay...

    Tôi liếc sơ qua rồi nói :

    - Về giờ giấc thì chung chung, có vẻ được, nhưng tôi hơi ngại...

    Paul cắt ngang :

    - Toa ngại về lớp Đệ Tam chuyên nghiệp chứ gì.

    Nói xong, Paul nhìn Juliette. Bà giám học cười :

    - Theo nhận xét của Antonio, giáo sư chủ nhiệm lớp này và ... của tôi thì lớp này không thể nào gọi là khó. Chỉ cần giải quyết được vấn đề thằng Doung là yên.

    Tôi hỏi một câu rất ngoài lề :

    - Tại sao Antonio không dạy nữa ?

    Juliette hiểu ngay ngụ ý của tôi nên trả lời, giọng nghiêm nghị :

    - Không phải vì Antonio chán lớp Đệ tam ấy mà xin nghỉ dạy dâu. Không có vấn đề ấy được, chắc ‘‘vu’’ cũng biết. Không ai có quyền bỏ ngang không dạy một lớp đã được giao cho mình. Antonio muốn soạn thật kỹ cuộc thi thạc sĩ nên xin nghỉ. Bây giờ có ‘‘vu’’ đến nên lũy mới được phép nghỉ... Theo lũy, cái khó của lớp đệ tam ấy chỉ có thế.

    Paul đẩy lùi ghế, ngả người và duỗi chân rồi nói :

    - Loại học trò như thằng Doung cần có toa.

    Tôi lại hỏi :

    - Nó là người gì? Tên viết như thế nào ?

    - Người Việt Nam. Tên nó là D - U - N- G (Paul đánh vần theo tây). Chỉ có người Việt Nam mới có tên ấy. Không có dấu nhưng moa biết nó là người Việt.

    - Tất nhiên, toa có dạy ở Việt Nam rồi, toa cũng biết tên Việt Nam đặc biệt thế nào rồi. Nhưng chữ DUNG tiếng Việt mà viết theo tiếng Pháp không có dấu cũng có thễ là dung với dấu ngã (accent tilde), dung với dấu nặng (accent lourd), dung không dấu. Mấy tên này dùng cho con trai, kể cả dung không dấu. Còn dung với dấu huyền (accent grave) thì ít người Việt Nam đặt cho con trai. Miễn là không phải chữ dung với d có ngang (d barré)...

    Juliette cười, ngắt lời :

    - Vậy nó có đúng là người Việt Nam không?

    Paul cũng cười :

    - Bỏ lỗi cho tụi này, Juliette...Nó đúng là người Việt Nam. Thôi, toa đi một vòng xem thử...

    Paul cũng bảo để Juliette đi với tôi thôi chứ có Paul đi theo nữa thì ‘‘thiên hạ’’ sẽ thắc mắc. Tôi không có ý kiến gì, vì trong đầu bị ám ảnh bởi cái tên DUNG. Dù nó là Dũng, là Dụng, hay Dung đi nữa thì cũng là một ‘‘đứa nhỏ’’ người Việt Nam. Mà như vậy thì không biết sự thể sẽ ra thế nào, khó hay dễ?

    Cuộc thám sát làm cho tôi khá yên lòng. Đúng như lời của Paul nói, học trò ở trường Georges Brassens này chung chung có vẻ ngoan. Kể cả lớp Đệ Tam Chuyên nghiệp ‘‘của tôi’’ (tôi kế vị cho Antonio cho nên sẽ làm giáo sư chủ nhiệm).

    Cuộc thử lửa, baptême du feu, với hai lớp đệ tứ 4 và đệ tam 2 rất thuận lợi cho tôi. Giờ ra chơi, tôi cố tình lên thư viện trường để muợn quyển Précis de littérature (Nơi này là trung tâm dư luận của học trò). Tôi được bà quản thủ thư viện tự ý cho hay là ‘‘nãy giờ tụi nhỏ bàn tàn về ‘‘vu’’ rất nhiều’’. Tôi hỏi bàn tàn tốt hay xấu. Géraldine (tên của bà ấy) nói là phần nhiều tốt, quãng 80%. ‘‘Chúng nó nói là ông thầy mới đến này vieux jeu nhưng ... chơi được. Lần đầu tiên chúng nó biết một ông thầy bắt chúng nó sắp hàng để vào lớp và trước khi ngồi, phải đứng chờ ông thầy ‘‘chào cả lớp’’ (bonjour toute la classe) đã.’’ Tôi cười hỏi là ý của ‘‘vu’’ thế nào. Géraldine nói đấy là một dấu hiệu tốt. Chúng nó chỉ nhận xét vậy thôi chứ không nghĩ cách chống đối. Tôi cám ơn Géraldine rồi về phòng giáo sư.

    Ra chơi vào, tôi lại áp dụng nguyên tắc ‘‘lịch sự giữa thầy trò’’ (tôi tránh dùng chữ ‘‘lễ phép’’ có vẻ phong kiến độc tài với học trò) với lớp đệ tam của tôi. Có vài đứa lầu bầu lấy lệ nhưng không có chuyện bất ổn xẩy ra. Nhờ không khí đứng đắn ấy tôi có thì giờ nhận xét về người học trò mà nhà trường có vẻ đặc biệt quan tâm đến. Tôi nhận thấy được ngay cái ‘‘khó’’ của Dũng. (đúng là Dũng, Phạm Hùng Dũng). Nó không có vẻ gì xấc xược, bướng bỉnh nhưng nét mặt của nó đăm chiêu, lầm lì, nửa bực dọc, nửa chán nản. Nó thuộc về loại người Việt Nam cao lớn. Điều làm tôi chú ý hơn cả là thỉnh thoảng nó co duỗi mấy ngón tay rồi để úp bàn tay phải lên mặt bàn, ngón tay giữa nhịp lên xuống thật nhanh nhưng cố giữ cho ngón tay không chạm mạnh mặt bàn. Tuy làm như vậy nhưng hai ba cô học trò ngồi bàn đầu thỉnh thoảng liếc nhìn nhau, kín đáo lắc đầu. Cái khó của Dũng là đây.

    Giờ học chấm dứt : kết quả không có gì đáng khích lệ. Bài lịch sử văn học thế kỷ thứ 16 được giảng tiếp (tôi không muốn làm xáo trộn sự phân phối môn học của Antonio) trong buổi ‘‘thử lửa’’ không hợp tình, hợp lý, nên học trò ghi chép không kịp (cũng có thể vì tôi giảng hơi nhanh), cuộc đối thoại thầy trò chưa được tự nhiên. Nhưng bà giám học rất bằng lòng, vì ‘‘thằng nhỏ Doung’’ không rắc rối gì cả. Mọi khi cứ đến giờ Lịch-sử và Pháp-văn là có chuyện rắc rối với nó. Tôi không bàn gì thêm chỉ đòi xem hồ sơ ‘‘lý lịch’’ của Dũng. Theo kinh nghiệm, tôi biết là chỉ có xem hồ sơ lý lịch mới biết rõ tiến trình của người học trò đặc biệt này. Từ hôm gặp ông hiệu trưởng và bà giám học, bỗng nhiên tôi quan tâm đến cái tên Doung. Nếu nó đúng là người Việt Nam thì tôi phải làm một cái gì. Tôi mơ hồ nghĩ như vậy thôi chứ ‘‘cái gì ?’’ là học hành, là tính tình, là tác phong, tôi chưa tự xác định được. Hôm nay, sau lần tiếp xúc đầu tiên với lớp đệ tam chuyên nghiệp này, tôi hiểu là tôi phải biết rõ tông tích, lý lịch của Dũng.

    Những trường được tổ chức chặt chẽ, đúng mẫu mực thường rất quan tâm đến sự biến chuyển về học lực, đức hạnh của học trò. Các giáo sư chủ nhiệm, hội ý với hội đồng giáo sư đúc kết tiến trình biến chuyển ấy trên một tờ giấy riêng kẹp trong học bạ của mỗi người. Tôi thấy ông hiệu trưởng phê : ‘‘một người học trò không hẳn là khó nhưng cần quan tâm để tránh những phiền phức có thể xẩy ra’’. Ông phụ trách về giáo dục (gọi là conseiller d’éducation nhưng là ông tổng giám thị ngày trước) thì phê : ‘‘Tính tình bất thường. Thường xích mích với bà Blonde, giáo sư lịch sử và địa lý. Vài lần với ông Antonio, giáo sư chủ nhiệm’’. Đọc kỹ hơn, tôi thấy : cha, lao công (manutentionnaire) ở phi trường - mẹ buôn bán vặt. Nó mới vào đệ tam năm nay và đây là lần đầu tiên nó học ở một trường Pháp. Tôi mỉm cười trả quyển học bạ cho Juliette. Bà giám học hất hàm. Tôi nhún vai, trả lời : ‘‘Để xem’’

    *

    Nhà của cha mẹ Dũng ở ngoại ô thành phố Taverny, trong một làng gia cư dành cho nhân viên bộ tham mưu không quân. Đấy là một ngôi nhà khá khang trang xây sát vách với những nhà khác, trước mặt nhà có miếng vườn nhỏ. Hôm tôi đến, không có ông Lai ở nhà vì có phiên trực. Bà Lai ra mở cửa cho tôi, nghiêng đầu nói bằng tiếng Việt ‘‘chào giáo sư’’, đưa tay phải mời tôi vào nhà. Bà chỉ cái ghế bành bọc vải hoa hơi cũ, mời tôi ngồi và đến tiếp tục soạn rất nhanh nhiều gói vật dụng trong một cái xe đẩy nhỏ để bên cạnh một cái bàn của phòng ăn tiếp giáp với phòng khách. Bà xếp tất cả những thứ ấy vào cái tủ lạnh kê bên cạnh. Cử chỉ nhanh nhẹn, nét mặt chăm chú. Xong bà quay lại xin lỗi tôi :

    - Xin giáo sư bỏ lỗi. Tôi vừa ở chợ về. Tôi phải lấy những gói hàng này ra xếp vào tủ lạnh ngay kẻo tan nước đá...Dũng à! Có thầy chủ nhiệm đến...Thưa, giáo sư dùng nước gì?

    - Dạ, bà cho nước gì không ngọt.

    - Vâng, để tôi kiếm. Chắc hơi khó...

    Tôi nhìn quanh rất nhanh : bày biện sơ sài. Có nhiều hình của gia đình ; cái lớn nhất, của một người đàn ông mặc quân phục. Bà Lai quãng năm mươi tuổi. Giáng người trung bình của phụ nữ Việt Nam. Cử chỉ nhanh nhẹn của một người quen lao động chân tay nhưng giọng nói thanh tao, cách nói đoan trang, có một thoáng đài các. Bà mặc một cái áo sợ mi kín cổ, dài tay mầu xanh đậm ngả sang mầu xám và một cái quần tây mầu đen. Phục sức không diêm dúa cũng không quá xuề xòa.

    Bà đứng ở chân cầu thang gọi :

    - Dũng à! Má không tìm thấy chai whisky đâu cả... Con xuống, có thầy chủ nhiệm kìa.

    Giọng bà nói có vẻ dịu dàng nhưng cách nói buộc phải vâng lời. Tiếng basket đặt xuống sàn, tiếng chân của Dũng. Nó lừng khừng bước xuống cầu thang, đầu cúi gầm. Đến chân cầu thang, nó nói lí nhí : ‘‘Chào ông’’ rồi đến gần má nó, lẳng lặng quì chân trái xuống, thò tay vào gậm tủ. Tôi nghe bà Lai thầm thì với con : ‘‘Đây là chai rượu quí của ba mầy’’.

    Tôi chờ xem nó sẽ làm gì. Tôi sẽ tùy theo phản ứng của nó khi thấy tôi đích thân đến gặp ba má nó để bàn về việc chọn ngành. Về chuyện này, tôi có nguyên tắc bất di bất dịch là sửa soạn tinh thần sẵn cho học trò từ đầu năm, ngay lúc sắp dứt tam cá nguyệt đầu. Riêng đối với trường hợp của Dũng, việc ấy trở thành cấp bách.

    Tôi nghe bà Lai nói :

    - Con đem ra ngoài xa lông, mời thầy dùng. Chai Perrier má thấy trong tủ lạnh.

    Bà Lai ra ngồi đối diện tôi, trên ca-na-pê. Bà đưa mắt chỉ cho Dũng ngồi trên cái ghế ở đầu bàn thấp. Dũng không nói gì, lẳng lặng ngồi xuống mở rượu rót vào cốc cho tôi. Nó vẫn không nói gì, chẳng mời, chẳng hỏi xem tôi thích uống với Perrier không. Bà Lai nhìn theo cử chỉ của con, môi hơi mím lại. Tôi để ý bà nén một tiếng thở dài.

    Bà vào đề ngay :

    - Thưa giáo sư, chúng tôi có nhận được thư của giáo sư do cháu Dũng cầm về. Cám ơn giáo sư đã có lòng tin cậy cháu. Những lần trước kia, bà Blonde hoặc ông Antonio để cho tùy phái ở trường đem đến. Mỗi lần như vậy chúng tôi rất phiền, vì cháu Dũng không bằng lòng.

    Tôi vờ hỏi thẳng Dũng :

    - Tại sao Dũng không bằng lòng? Đấy là thủ tục. Khi nào có chuyện ngoại-vi học-lực thì thư phải do tùy phái đưa đến tận tay cho người có trách nhiệm.

    Nó vẫn không trả lời. Bà Lai đành nói :

    - Cháu nghĩ là nhà trường kỳ thị. Vào những trường hợp khác, các giáo sư giao thư thẳng cho học trò đem về.

    - Nhưng cũng có trường hợp tùy phái phải đưa đi...

    Dũng bỗng ngẩng đầu lên. Nó nói gần như dằn từng tiếng :

    - Thưa ông. Vì nhà trường không tin ở học trò. Đấy là trường hợp của những đứa vứt thư đi.

    Tôi hỏi :

    - Có lần nào Dũng vứt thư không?

    Nó lắc đầu nhiều lần :

    - Không bao giờ có chuyện đó... Người ta chỉ cho tùy phái đưa đến nhà. Có lẽ để gây bực mình thêm.

    Tôi hiểu được phần nào tính nết của người con trai này. Nó rất tự ái. Và đầy định kiến. Tôi ôn tồn nói :

    - Tôi hiểu...Từ bây giờ, tôi mong là không xẩy ra những chuyện lôi thôi như vậy nữa. Tôi trực tiếp giải quyết mọi chuyện. Như hôm nay chẳng hạn.

    Bà Lai, từ nãy đến giờ ngồi im lặng, bình thản theo dõi cuộc nói chuyện giữa con mình và giáo sư. Bà không còn tỏ vẻ lo ngại như lúc mới lên tiếng gọi Dũng. Bà nói :

    - Thưa giáo sư, chúng tôi không biết rõ ý muốn của giáo sư. Tôi hỏi cháu Dũng, cháu cũng không biết... Thưa, có phải để nói về vụ bà Blonde, tuần trước không ạ?

    Dũng xen vào :

    - Tôi có xin lỗi rồi. Mặc dù không phải lỗi tại tôi.

    Tôi mỉm cười, nhìn bà Lai :

    - Không hẳn như vậy. Chuyện ấy, chính tôi đã thu xếp đấy. Nhưng hôm nay tôi đến với mục đích khác.

    Tôi ngừng lại, với dụng ý để câu nói lửng lơ của tôi tác động lên mối lo ngại của hai mẹ con. Tôi phỏng đoán họ vẫn lo, vì đấy là vụ vi phạm kỷ luật lần thứ mấy rồi của Dũng. Không có tôi can thiệp ngay thì Dũng đã bị đuổi tạm ba ngày. Bà Lai mắc mưu ngay. Bà hỏi :

    - Giáo sư có thể cho tôi biết rõ nội vụ hơn không? Hôm thứ tư, nó về trễ hơn mọi ngày, chúng tôi có hỏi đến thì cháu bảo là lại có chuyện với bà Blonde. Nhưng cháu đã xin lỗi rồi.

    Trong khi bà Lai nói, Dũng nhìn ra ngoài sân, tránh ánh mắt xoi mói của tôi. Tôi nghĩ là trong đầu nó, những chuyện xẩy ra như vậy, cách giải quyết như vậy không có gì lạ. Bây giờ nó đang chờ xem cái ‘‘từ bây giờ’’ của ông chủ nhiệm sẽ như thế nào. Tôi uống một ngụm rượu, khen ngon rồi đủng đỉnh nói :

    - Theo tôi biết, tất nhiên là theo báo cáo của bà Blonde thì lúc bà giảng bài, bỗng nhiên, Dũng đập bàn bảo là bà nói dối. Bà giật mình, ngừng giảng, trong khi cả lớp nhìn nhau, bực bội. Khi bà hỏi tại sao bảo bà nói dối thì Dũng trả lời là bà không biết gì về cộng sản cả mà cứ nhắm mắt khen. Dũng còn hỏi là bà có phải cộng sản không. Bà bảo là Dũng không được quyền nói như vậy mà bà không việc gì phải trả lời câu hỏi vô lễ của Dũng. Sau đó Dũng còn lầm bầm những lời hăm dọa.

    Dũng quay lại, lắc đầu nhiều lần rồi nói, giọng có một thoáng khinh bỉ :

    - Thưa ông, chuyện ấy không có. Bà ấy chỉ đặt chuyện để hại tôi...Tôi chỉ nói là bà ấy kỳ thị. Tội kỳ thị có thể bị phạt tù.

    Bà Lai cũng nói vào :

    - Bà Blonde vẫn tỏ ra kỳ thị đối với Dũng. Với riêng con chúng tôi. Không hiểu tại sao!

    Tôi cười nhẹ :

    - Theo tôi, đấy là cảm tưởng. Có thể lúc đầu chỉ là sự hiểu lầm, về sau trở thành định kiến.

    Bà Lai cũng lắc đầu :

    - Không phải một mình bà Blonde. Cả ông Antonio cũng vậy.

    Nhận xét này của bà Lai làm tôi thực sự chú ý. Tôi hỏi Dũng :

    - Ông Antonio đã làm gì ?

    Dũng hừ một tiếng nhỏ rồi nói :

    - Ông ấy tỏ ý khinh miệt ra mặt. Từ giọng gọi tôi lên hỏi bài, đến lời phê bình khi trả bài làm. Lúc nào ông ấy cũng lắc đầu. Lắc đầu cái gì ?...Tôi ghét nhất là cách ông gọi tôi là ‘‘ông Doung’’...

    Tôi nhìn bà Lai. Bà mím môi lại, cánh mũi hơi phập phồng. Bà đang nhìn vào chai rượu đặt trên bàn. Chai rượu vừa mới khui. Nước rượu màu vàng óng ánh dường như đang thôi miên bà. Tôi nói, giọng cố thật điềm đạm :

    - Tôi nghe chuyện đến đây thì hiểu được phần lớn tại sao đã xẩy ra những chuyện... đáng tiếc rồi. Tôi mong rằng từ bây giờ, tình trạng sẽ thay đổi. Tôi không muốn có sự hiểu lầm nữa. Tôi không muốn có những chuyện lộn xộn xẩy ra trong lớp của tôi.

    Bà Lai lại lắc đầu nhưng rất chậm, như muốn dùng sự cử động của cái đầu hướng dẫn vững vàng ý nghĩ của mình. Bà nói giọng buồn buồn :

    - Thưa giáo sư ! Từ ngày cháu Dũng vào trường, nhà chúng tôi hình như bước vào một thời kỳ khác. Tưởng đã yên thân, nào ngờ ! Năm kia, chúng tôi vừa bước chân lên đất Pháp, nhờ một người bạn cũ người Pháp mà nhà-tôi quen lúc tu nghiệp ở Pháp giới thiệu, chúng tôi có công ăn việc làm ngay. Nhà-tôi vui vẻ nhận cái công việc lao công không mấy vinh dự gì lắm ở phi trường nhưng rất mừng vì không phải ngửa tay xin tiền trợ cấp hoài. Nhưng trong lòng tôi biết là ổng buồn. Giáo sư nghĩ xem, đường đường một ông đại úy đơn vị trưởng mà bây giờ làm lao công ! Làm sao mà không buồn ? Nhưng thôi, đổi đời mà ! Tôi đàn bà thì không sao, không ai biết đấy vào đâu. Làm chuyện gì cũng được miễn sao kiếm được chút tiền phụ giúp cho chồng...

    Tôi kín đáo nhìn đồng hồ. Ngoài kia, nắng bắt đầu yếu dần. Vạt nắng rọi vào cái máy truyền hình để sát cửa sổ đã tắt. Nếu bà Lai kể chuyện đời tư thế này thì khó mà bàn đến mục đích của tôi đến đây hôm nay. Bà Lai rất tinh ý chắp hai tay lên ngực rồi nói, giọng thành khẩn :

    - Xin lỗi giáo sư làm giáo sư sốt ruột. Nhưng xin cho tôi nói hết sự tình may ra giáo sư có thể giải quyết được trường hợp... khó khăn của cháu Dũng.

    Dũng nói, giọng bất bình :

    - Chuyện nhà của mình, má nói làm gì ?

    Tôi đưa tay khoát nhè nhẹ :

    - Dũng để yên cho má nói. Thường khi những chuyện nhà có ảnh hưởng đến chuyện ở ngoài đời...Tôi xin hỏi thẳng bà, tại sao Dũng bị rắc rối ở trường ?

    Bà Lai nói, giọng thương cảm :

    - Hai năm đầu, không, xin lỗi, một năm rưỡi thôi, chúng tôi đến Pháp vào lúc gần Nô-en, trong một năm rưỡi đầu tôi làm cái nghề bán bánh đậu, bánh chuối, bánh này bánh nọ ở chợ Taverny này để phụ vào tiền chợ. Cũng chật vật lắm. Cho nên cháu Dũng không chịu đi học ngay. Cháu bảo trước sau gì cũng trễ. Tụi bạn trễ cả năm sáu năm thì sao ! Thế là mãi đến đầu năm nay cháu mới chịu vào trường. Mười bảy tuổi đầu mà học đệ tam. Đã vậy cháu không theo kịp. Bài giảng không hiểu, bài làm tất nhiên ít điểm...

    Tôi gục gặc đầu, hỏi Dũng :

    - Bây giờ ra sao ? Khá hơn không ?

    Nó nhún vai, không đáp. Bà Lai trả lời thay cho con :

    - Chắc vẫn vậy. Cháu không nói chứ tôi nghĩ là vẫn vậy. Mới chưa đầy ba tháng !

    Rồi bà thở dài :

    - Ông nhà tôi thì bù đầu bù óc với công việc, nay trực mai trực, đâu có giúp gì cho cháu được. Tôi thì gần như mù. Chương trình đệ tam mà, đâu phải mẫu giáo, tiểu học. May mà cháu Dũng có quen một người bạn học lớp trên. Thỉnh thoảng nó đến chỉ bài.

    Bỗng Dũng nói lớn :

    - Không phải lớp trên. Nó cũng học đệ tam nhưng đệ tam thường.

    Bà Lai cười buồn :

    - Má đâu có hiểu. Má chỉ biết là thỉnh thoảng nó đến chơi, con nói nó giỏi hơn con.

    Dũng nhìn tôi phần trần :

    - Nó phải đến đây để chỉ cho tôi cách tìm phòng học. Ở bên Pháp này có cái tật là phải đổi phòng hoài, nhiều ngày đổi ba bốn lần. Học trò chạy qua chạy lại, chạy lên chạy xuống rần rần.

    Tôi suýt bật cười, nghĩ đến vẻ nháo nhác của một đứa học trò phải chạy đi tìm phòng, giống như một hành khách đi tìm gate ở sân một phi trường lạ. Nhưng thấy mặt Dũng có vẻ rất căm tức, tôi cố giữ vẻ thản nhiên.

    Bà Lai nói tiếp :

    - Tuy cháu không nói nhưng tôi hiểu. Linh tính của người mẹ giúp tôi hiểu, tuy chỉ hiểu mơ hồ là con mình đang khổ. Nó khổ tại mình hay sao ?

    Bà Lai ngừng nói. Bà cúi gầm mặt, nhìn vào sàn nhà. Vào một chỗ nào đấy để chôn nỗi đau buồn. Tôi bảo :

    - Dũng ! Cháu sang ngồi cạnh má. Tôi sắp nói mục đích của tôi đến đây hôm nay.

    Bà Lai ngẩng đầu lên, nhìn tôi. Bà hơi nhíu mày. Dũng thì ngồi thẳng người để nhìn ngang tầm mắt của tôi. Rồi nó đứng vụt dậy, sang ngồi lên ca-na-pê, hơi cách xa bà Lai.

    Tôi cố nói thật điềm đạm :

    - Từ bây giờ, cháu phải suy nghĩ lại. Cháu không nên, không được tự làm rối việc học. Tôi đã tìm hiểu nguyên nhân của những chuyện đã xẩy ra. Chuyện cháu ẩu đả với thằng Khaled, chuyện cháu chửi bới con Samya, chuyện cháu hăm dọa bà Blonde... Cháu đừng cãi. Cháu hằn học đâm mũi compas lên mặt bàn là hăm dọa, có thể bị đuổi đấy...Tụi bạn trong lớp không dám làm gì cháu vì cháu tỏ ra hung dữ quá khi cháu đánh lộn với thằng Khaled, một tay du côn, đầu đàn trong lớp. Nhưng nó chỉ nhịn thôi, tụi bạn nó cũng vậy. Tụi nó sẽ không để cháu yên đâu nếu cháu thách đố chúng nó hoài. Từ bây giờ cháu phải bình tĩnh lại. Cháu phải chuyên tâm học. Học mà thôi. Chỉ lo học. Khi học trò cố gắng, những người dạy thấy ngay...Tôi để ý là về toán và anh văn, cháu có điểm tốt. Vậy thì cháu phải dồn thì giờ cho những món kia. Khi cháu quyết chí học thì cháu sẽ thành công. Theo kinh nghiệm của tôi, từ nay đến Phục sinh cháu có thể khá hơn.

    Tôi ngừng lại xem tác dụng của những lời tôi nói ra sao. Hai mẹ con nhìn nhau. Có vẻ bán tin bán nghi. Từ đây đến Phục sinh. Năm, sáu tháng ! Tôi liền nói :

    - Để giúp cho cháu về phương diện kỷ luật, tôi khuyên, tôi cấm cháu không được...gây gổ với ai nữa cả. Nhất là đối với bà Blonde. Nhì là tụi thằng Khaled. Tôi có mặt ở phòng giáo sư luôn luôn, cháu có thể xin đến gặp để trình bày bất cứ chuyện khó khăn, rắc rối nào.

    Tôi lại ngừng, với tay lấy chai Perrier chậm chạp rót vào cốc. Rồi tôi nhìn hai mẹ con, làm như những lời dặn dò của tôi là những phương châm. Tôi nói tiếp :

    - Nên nhớ tôi cũng là gốc Việt Nam. Tôi làm giáo sư văn chương Pháp ở tại Pháp không phải là điều giản dị. Hãy để cho tôi làm việc. Cháu học giỏi hơn, cháu ngoan ngoãn hơn cũng giúp cho tôi làm việc dễ hơn.

    Tôi vừa đứng dậy vừa nói, chậm hơn, giọng chắc nịch :

    - Nên nhớ kỹ là chúng ta là chỉ là người Pháp giấy. Chúng ta gốc Việt Nam. Đừng để cho người Pháp chính gốc, nhất là những người Pháp cũng giấy như chúng ta xem thường. Chúng ta phải giỏi. Chúng ta phải để cho người Pháp trọng nể.

    Bà Lai và Dũng, dường như bị thu hút, cũng đứng lên theo. Tôi đi ra cửa.

    *

    Cuối năm học ấy, Dũng được lên lớp và được về Paris học nghề sửa ống nước. Paul phê trong tờ trình về tôi : ‘‘Giáo sư thành công lớn cả trong lãnh vực giáo khoa lẫn giáo dục’’.

    Cách đây hai năm, ông Lai phôn cho tôi mách :

    - Thằng cháu Dũng bây giờ làm việc bận rộn hơn cả tôi. Nó thường phải lấy hẹn của khách

    Tôi cười trong máy :

    - Lúc trước ông không bằng lòng tôi hướng nó về nghề này. Ông thích nó học lên bác sĩ. Bây giờ nó cũng giống như bác sĩ rồi đấy.

    Giọng ông Lai vui vẻ :

    - Còn hơn bác sĩ thường nữa. Nó là bác sĩ ngành cấp cứu.


    Trích trong quyển Gió Cuốn Mây Bay của tác giả Mạnh Bích, Bạn văn xuất bản năm 2005

    ST !
    ** Đừng khi nào cười kẻ đau khổ và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười.

    ** Khi người ta nói xấu bạn , nếu đúng bạn hãy sửa mình. Nếu sai bạn hãy mỉm cười.

    ** Khi thất bại nên soi gương để đừng nhăn nhó. Khi thành công càng nên soi gương để thấy bản mặt hợm hĩnh.
Working...
X