Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chênh Vênh

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chênh Vênh

    Anh lồng xe trên phố như một con chuột cố nhờ sức gió dập tắt ngọn lửa bén vào mình. 23h, phố núi vắng tênh. Man man trong gió một điệu tăng-gô buồn từ quán cà phê vườn nào đó vọng ra: "Đường về đêm nay vắng tênh... Hàng cây lướt nhanh...". Anh đã cảm thấy lạnh và muốn về nhà. Nhưng không được. Hương! Hương tóc, hương tình vẫn còn lẩn quất trên áo anh...
    Mặc dù Giang đã cam đoan nàng không hề trang điểm, và cũng không hề dùng một chút nước hoa nào, nhưng anh vẫn ngửi thấy mùi thơm, mùi thơm không rõ ràng nhưng dai dẳng bám riết lấy tâm trí anh. Những đường phố khuất nẻo mọi đêm thơm lừng thiên lý vậy mà hôm nay anh không thấy gì ngoài cái mùi ám ảnh suốt từ lúc chia tay Giang.

    Anh đột ngột vặn mạnh tay ga, chiếc xe già nua giật mình ằng ặc mãi mới chiều ý anh tăng tốc. Gió u ú thổi qua tai anh với tốc độ kinh người, vậy mà anh vẫn còn ngửi thấy mùi thơm bám trên áo. Anh bất lực muốn trào nước mắt, đành lủi thủi dong xe chầm chậm ra cầu. Cầu treo Kon-Klor đây. Cây cầu nối phố với rừng đây. Mỗi khi có nỗi niềm không biết chia sẻ cùng ai anh lại ra đứng nơi này để tận hưởng cảm giác tận cùng của nỗi cô đơn.

    Hồi chiều Giang điện cho anh kèm theo lời đề nghị, không, yêu cầu mới đúng: "Em đã đọc xong cái truyện anh đưa. Em cần gặp anh ngay!". "Không, không nên Giang à". "Tại sao?". "Vì... vì không tốt cho em". "Nói dối! Anh cũng muốn gặp em, nhưng anh sợ, đúng không?". Anh im lặng thú nhận.

    Anh làm nghề viết, một nghề viết không được ai công nhận bởi anh chẳng có trong biên chế một báo nào, vì thế cuộc sống của anh luôn trong tình trạng vất vưởng.

    Cái bằng đại học ngữ văn không giúp được anh xin việc, đành mài nó ra thành những bài viết nhỏ cộng tác với vài tờ báo. Đã thế anh lại không năng động như người khác luôn đón đầu sự kiện để viết, anh chỉ viết những gì anh thích, đôi lúc maù hâm nổi lên anh cắm đầu cả tháng vào viết văn, vì thế túi anh lúc nào cũng ráo như tổ chim mùa thu, nợ tiền cơm bụi tháng này qua tháng khác.

    Ấy thế mà có tới 4 cô gái lần lượt yêu anh, chỉ có điều khi anh ngỏ lời cầu hôn thì họ đều im lặng, lắc đầu. Cô gái thứ năm anh không cần yêu và tìm hiểu gì nhiều bởi ngày nào cũng gặp, ngày nào cũng được người ấy hai lần bưng suất cơm đặt trước mặt cùng câu nói: "Anh cứ ăn đi khi nào có trả cũng được". Nghe nói nàng bị bệnh tim. Đã có vài chàng trai mê cái dáng thon gầy dân dã cùng với cơ ngơi cơm bụi, nhưng khi biết sự thật họ lặng lẽ chuồn. Khi anh ngỏ lời cầu hôn nàng cũng nói thật: "Anh biết em bị bệnh tim rồi chứ?

    Bác sĩ khuyên không nên có chồng. Có chồng thì không nên có con...". Mặc, một quả tim yếu nhưng vẫn biết thương một gã nghèo như anh, quả tim ấy chưa đến nỗi hỏng.

    "Mày sẽ phải trả giá cho cái triết lý cùn này!" - Thụy, thằng bạn đồng niên đã cảnh cáo trước khi anh quyết định cưới nàng. Trớ trêu cho anh là lúc này Giang xuất hiện, một phóng viên mới tinh của tờ báo anh thường cộng tác, mới gặp lần đầu cả hai người đã cảm thấy nửa kia của đời mình vừa tìm thấy.

    Giang khóc trên vai anh: "Sao em không gặp anh sớm hơn được chứ!". Anh cắn chặt môi: "Ừ... anh mới ký vào giấy đăng ký kết hôn hôm qua". "Không thể nào khác ư anh?". "Không, em hiểu cho, Trân sẽ chết nếu anh phụ cô ấy!". Giang không tin, bắt anh dẫn đi ăn cơm bụi. Chỉ khi giáp mặt, tận mắt chứng kiến Trân mặt trắng bệch, ôm ngực thở dốc khi vừa thấy anh cặp kê với Giang, khay cơm bụi rớt xuống sàn tung tóe, Giang mới tin. "Đây là bạn của anh. Còn đây là vợ sắp cưới của anh".

    Nghe lời giới thiệu công khai, Trân mới tạm thời qua cơn sốc. Nhưng trước vẻ đẹp thanh tao của Giang, Trân tỏ ra lúng túng vụng về tội nghiệp, đánh động lòng trắc ẩn của Giang. Nhưng nhìn vào mắt Giang, anh hiểu Giang vẫn hy vọng vào một biến động nào đó trong cuộc sống vợ chồng sắp tới của anh.

    Đêm tân hôn, hàng xóm chung quanh anh nhốn nháo bởi một ca cấp cứu lạ. Lạ là bởi những ca cấp cứu kiểu này chỉ xảy ra ở thời "Nam nữ thọ thọ bất thân". Cũng may quả tim của Trân cũng dần quen với hạnh phúc quá đỗi ngọt ngào. Ban đầu cuộc sống vợ chồng anh khá dễ chịu. Trân vẫn quán xuyến quán cơm nhưng cũng dành thời gian chăm chút anh bằng tất cả sự hàm ơn và tình yêu cộng lại. Nàng không đòi hỏi gì anh nhiều. Nhưng anh thì có. Mỗi khi viết được cái gì, anh reo toáng lên: "Trân! Em xem này!".

    Nàng đón bản thảo và đi xuống bếp. Anh nằm lim dim trên giường tận hưởng niềm vui của vận động viên leo núi vừa chinh phục xong một đỉnh dốc. "Em đọc xong chưa? Thế nào?" - Anh hồi hộp hỏi trước khi ngồi vào mâm cơm tương đối nhiều ca-lo, mà cái dạ dày nhỏ như trái quýt chỉ quen với cơm bụi và rượu đế của anh đâu cần như thế. Trân thành thật: "Em chưa đọc. Mà có đọc em cũng chẳng hiểu gì dâu". Nàng len lén xuống bếp mang lên tập bản thảo đã lem nhem mỡ trộn lẫn nhọ nồi: "Hồi đi học em hay bị ngất, cứ đọc một lức là mắt hoa lên". Anh thở dài sười sượi, vừa thương vợ, vừa xót xa cho đứa con tinh thần của mình không được đoái hoài.

    Nhưng Giang thì khác. Giang hồ hởi đón nhận tất cả những gì anh viết ra. Anh hồi hộp ngắm nhìn Giang đọc bản thảo của anh, khấp khởi mừng khi thấy khuôn mặt Giang giãn nở, lòng cuống thốn lên khi thấy cặp mày cong mảnh nhướng lên, cặp môi mọng hồng mím lại. Sau mỗi lần như thế Giang lại buông bản thảo nhìn anh đăm đắm:

    "Văn anh như có móng vuốt, mà em thích lối văn như thế. Lương tâm con người đang chai đi vì tham vọng, tiền tài. Phải cào bật nó ra cho rướm maù, đau một chút nhưng em tin con người sẽ sống nhân hậu với nhau hơn". Chao ôi! Đối với người cầm bút, còn hạnh phúc nào hơn khi có người hiểu mình đến thế. Không kìm được lòng nữa, anh và Giang đã hẹn gặp nhau tại một quán cà phệ. Cái quán khuất nẻo, mỗi bàn được cách ly nhau bằng những mảnh lồ ô ghép cùng những chậu cây kiểng tạp.

    Lần ấy, trước lúc ra về, anh đã lập cập cài lại cúc áo cho Giang, còn Giang cẩn thận dùng tay lau đi vết son mờ trên môi anh, tỉ mẩn nhặt những cọng tóc vương trên cúc áo len sờn anh thường mặc. Vậy mà về đến nhà anh đã sững người bởi câu hỏi của Trân: "Sao anh thơm thế". Anh giật mình ngó vào mắt vợ ánh mắt vô tư biểu lộ sự quan tâm chân thành chứ không có nét gì soi mói đã khiến anh buột miệng nói dối: "Anh bị đau đầu, thằng Thụy đưa anh lọ dầu Trường Sơn...". "Anh bị gió rồi!".

    Vợ anh hốt hoảng dìu anh vô giường, lấy nước ấm rửa mặt cho anh, bàn tay mảnh mai của Trân cuống quýt xoa bóp khiến cho nỗi ân hận trong lòng anh trào ra bằng hai giọt nước to, bỏng xót. Từ đó anh không dám gặp Giang nữa. Anh quan tâm đến vợ nhiều hơn bằng một thứ tình cảm gì đó, nhưng nhất quyết không phải tình yêu.

    "Anh, em muốn có con!". Anh giật mình trước lời đề nghị của vợ: "Không! Bệnh của em...". "Không, em muốn đẻ cho anh một đứa con". Anh ôm ghì vợ vào lòng dỗ dành: "Anh hiểu! Anh hiểu! Nhưng sức khỏe của em không cho phép. Rồi chúng mình sẽ xin một đứa con nuôi". Vợ anh im lặng cắn môi như đồng ý. Đùng một cái vợ anh mang bầu. Anh bàng hoàng trước sự thật ngoài ý muốn đó. Một cái chết được báo trước cứ rút ngắn dần thời gian chờ đợi khiến anh có cảm giác ngồi trên đống lửa.

    Ngày đưa vợ đi sinh, anh chuẩn bị cho mình một tinh thần sẵn sàng đón nhận điều khủng khiếp. Thời gian đứng ngoài phòng sinh dài hơn tất cả thời gian cuộc đời anh cộng lại.

    Tiếng dao kéo loảng xoảng cứa thót vào tim anh từng chặp. Khi tiếng "Oe" đầu tiên cất lên anh đã tông cửa lao bổ vào phòng. Trên bàn sinh, Trân nằm bất động, toàn thân trắng rợn như nặn bằng thạch cao. Một vệt maù đỏ rùng rùng đập vào mắt, khiến anh chỉ kêu lên được hai tiếng "Trân ơi!" rồi đổ gục vào những bóng áo blu trắng, tai vẫn chập chờn tiếng gọi: Ô xy! Trợ tim!...

    "Ô, anh tỉnh rồi!" - cô y tá mắt sáng rỡ reo lên khi anh vừa mở mắt: "Quả tim của anh coi bộ dổm hơn của bà xã nhiều!". Anh ngơ ngác như vừa tỉnh ngủ. Giường bên Trân nhìn anh bằng đôi mắt chứa chan và nụ cười mãn nguyện. Đây là thực hay mở Ôi, con trai anh! Thằng bé đỏ hỏn, mắt nhắm nghiền nhưng miệng lại nhích lên nụ cười mụ dạy.

    Suốt bảy tháng trời anh nghỉ viết để chăm sóc vợ con. Đến khi Trân hoàn toàn bình phục anh lại thấy ngứa ngáy chân tay và lại cầm bút viết. Suốt ba ngày cơm nước thất thường, không tắm gội, không ra ngoài, cái ý tưởng vụt lóe hôm trước đã thành hình hài. Anh hăm hở cầm cái truyện ngắn nóng hổi ấy đi tìm Giang. Nàng hờ hững đón bản thảo: "Không cần đọc tôi cũng biết văn anh bây giờ là thứ văn bằng lòng, mãn nguyện". Anh không nói gì, thờ thẫn ra về.

    Thế mà chiều nay Giang lại điện hẹn gặp anh. Chỗ cũ. Hai người vừa ngồi, anh gọi chanh rum cho anh và cam vắt cho Giang. "Em không ngờ văn anh vẫn như xưa". Anh ngây dại nhìn Giang... "Kìa! Từ từ đã anh!...".

    Cô tiếp viên tần ngần mãi trước ngăn tình yêu đang nổi bão, đành mang hai ly nước lại quầy. Bà chủ quán nhướng cặp mày chì vẽ lên xeo xéo: "Sao không mang cho khách?". "Họ không cần giải khát bằng thứ nước này!".

    Cơn thủy triều vừa lắng xuống, anh lấy giọng chân thành pha tiếc nuối hỏi Giang: "Sao em không lấy chồng đỉ". "Anh muốn thế à?". "Không. Mà... em đã hai bảy tuổi còn gì. Con gái có thì. Em như thế này chả lẽ không có ai theo đuổi hay sao?".

    Giang nhếch mép, khẩy mũi: "Đầy! Một giám đốc sở kiêm nhạc sĩ mù, chuyên nhờ người ký âm hộ mong mua chút hư danh, một cộng tác viên có tên trong hội nhà báo nhưng lại chuyên "xào" bài người khác kiếm tiền nhuận bút, một trạm trưởng kiểm lâm nhưng chuyên nghề buôn gỗ lậu... Sao cái lũ bặng nhặng ấy nó vo ve quanh em nhiều thế không biết! Được rồi, nếu anh không yêu em nữa, em sẽ nhón tay lấy một thằng làm chồng, giải quyết khâu xác thịt, còn tâm hồn, nếu cần em sẽ ngoại tình!". Anh choáng váng trước lời tuyên bố đanh thép ấy nên lắp bắp: "Đừng... Đừng". "Sao đừng?". "Em làm thế tội nghiệp những người đàn ông". "Xí! Thế còn đàn bà thì sao? Anh xem lại anh kìa!".

    Rốt cục, có lẽ lo sợ cho quyết định của Giang, và cũng có lẽ do cả một cái gì đó không biết nữa, nên anh đành chấp nhận duy trì cuộc tình đã đẩy anh vào thế chơi vơi như chiếc cầu treo này. Con sông Đăk Bla vốn dĩ vô tư chảy tự đầu nguồn, đến đoạn cầu treo thì gặp cù lao Đăk Son, nó chia làm hai dòng. Theo tháng năm cù lao cứ lớn dần lên, hai dòng chảy cũng dần dần thay đổi. Một bên cồn cào xoáy xiết, một bên phẳng lặng lững lờ. Bờ bồi bây giờ hoa mía tím ngắt trong gió đông. Bờ lở vách dựng đứng, thăm thẳm sâu, đang cháy rực một màu hoa trinh nữ.

    Trời khuya vắng lặng, cầu treo nhờ nhợ ánh trăng u ám. Rồi mưa. Mưa lay phay cùng với gió sắt se khiến anh đứng so ro như chú cò trong đồng vắng. Mặc dù vẫn ngửi thấy mùi tóc, mùi da thịt Giang ám trên người, nhưng lạnh quá, anh phải ra về.

    "Đường về đêm nay vắng tênh... Hàng cây lướt nhanh. Mưa ơi có thấu cho ta đường về chốn lạnh lùng. Đời nghèo nào đâu dám mơ tình chung...". Lời ca ướt sượt nước mưa mọi ngày anh vẫn cho là sến, vậy mà hôm nay nó hợp tâm trạng anh, nó đuổi theo anh về đến tận nhà. Trong đầu anh đã phác sẵn một kế hoạch đối phó với Trân: "Anh chơi chỗ thằng Thụy. Anh em lâu ngày gặp nhau có uống nhiều. Em thông cảm. Anh bị đau đầu. Thằng Thụy có đưa anh lọ dầu Trường Sơn...".

    Trân ôm con ngồi như tượng trước cửa dưới ánh đèn huỳnh quang xám lạnh. Vừa thấy anh. Trân đã bật dậy như chiếc lò xo bị nén. Anh luống cuống lách qua người Trân dắt xe vào nhà, tai vẫn dỏng lại đằng sau nghe ngóng. Lạy giời! Trân có ngửi thấy mùi gì không mà đứng trân trân như cọc gỗ thế kiả Dựng xe xong anh toan ra đóng cửa. Cánh cửa sắt cũ hoen gỉ luôn quá sức Trân nhưng thấy Trân vẫn ôm con đứng đó nên anh sợ không dám quay rạ Anh lao vào nhà tắm trút hết áo quần rồi xối nước ào ạt lên người, hòng nhờ nước phi tang điều gian dối. Xong, anh chui ngay lên giường trùm chăn nằm run như cầy sấy.

    "Anh bế con để em đóng cửa". Bất đắc dĩ anh phải ngồi dậy thò tay qua màn đón con. Cơ thể do chạm lạnh, cũng có thể do linh khưù trẻ con thằng bé đã ngửi thấy mùi gì đó nên nó choàng mở mắt nhìn anh đăm đăm, cánh mũi dỉnh lên nhấp nha nhấp nhỉnh. Qua nhãn cầu của con, anh biết mình là một kẻ xa lạ đối với nó. Điều đó càng được khẳng định khi bất ngờ thằng bé ré lên, duôi người khỏi tay anh. Anh cuống cuồng ôm chặt lấy con, muốn cất giọng dỗ dành nhưng không được, miệng chỉ "Ầy ầy" lạ lẫm. Thằng bé càng khóc tợn, người xoắn vặn như sợi chão trong tay anh.

    Trân cuống quýt chạy vào: "Ô-ô-ơ-ợ Con hư quá! Bố mà con không nhận ra ử Ôi xôi mẹ xương". Vừa qua tay mẹ thằng bé lại ngủ ngon lành như không có chuyện gì xảy rạ Trân đặt con xuống giường rồi khẽ khàng hỏi anh: "Anh đi đâu mà mẹ con em chờ mãi?". Anh lấm lét nhìn vợ. Kẻ ăn vụng bị truy hỏi ngọn ngành đang lúng búng tìm lời biến báo. Và ánh mắt, ánh mắt lo lắng xót xa nhìn kẻ tội đồ đang run rẩy trên giường khiến anh muốn co mình lại như con giun đất sợ ánh sáng ngày. Một chút xiù nữa thôi là anh đã phun hết ra sự thật. Rất may bản chất ngoan cố của thằng đàn ông đã trỗi dậy kịp thời giúp anh bật mồm nói dối. Ôi giá như Trân hiểu chuyện mà bóng gió, mà chì chiết có lẽ anh đã có cớ để mà nạt nộ, rằng anh có quyền như thế, có quyền đi tìm người đồng cảm sẻ chia những tâm sự mà anh không thể tìm thấy ở Trân. Đằng này...

    Anh nằm thẳng tưng như thân chuối, mặt úp vào gối, mặc cho Trân nước mắt lã chã rớt xuống lưng anh nóng hổi, bàn tay hối hả xoa dầu cạo gió. Anh bình thản như một kẻ trúng gió thật sự, nhưng trong lòng đang tả tơi như vừa trải qua một cơn lũ xiết. Cơn lũ xiết gặp phải cù lao chia làm hai dòng, một dòng cuồn cuộn bão giông, một dòng hững hờ phẳng lặng. Một lần nữa anh cay đắng nhận ra rằng, mỗi cơn lũ đi qua, dẫu chẳng vô tình nhưng những hạt phù sa không bao giờ đọng vào bên lở.
Working...
X