Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Thêm một thi sĩ tiền chiến về cõi vĩnh hằng: Nữ sĩ Mộng Tuyết (1918-2007)

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thêm một thi sĩ tiền chiến về cõi vĩnh hằng: Nữ sĩ Mộng Tuyết (1918-2007)

    Sáng 1/7/2007, thêm một thi sĩ tiền chiến về cõi vĩnh hằng :

    Nữ sĩ Mộng Tuyết (1918-2007)


    -Sau hơn 1 tháng lâm trọng bệnh, được tận tình cứu chữa tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, sáng ngày 1/7/2007, lúc 8 giờ 5 phút, nữ sĩ Mộng Tuyết đã đi vào cõi vĩnh hằng.

    Nữ sĩ Mộng Tuyết, tên thật là Lâm Thái Úc (Út) sinh ngày 09/11/1918 ở làng Mỹ Đức, Hà Tiên (Kiên Giang), là hiền thê của cố thi sĩ – giáo sư Văn Chương Đông Hồ Lâm Tấn Phác. Cùng với Đông Hồ và những nhà thơ lững lẫy khác như: Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Ngân Giang, Anh Thơ... bà đã ghi dấu chân dung thơ của mình trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân.
    Bà đã để lại cho đời những tác phẩm: Hà Tiên Thập Cảnh, Gầy Hoa Cúc (Ức viên lệ ký), Dưới Mái trăng non (tuyển tập thơ văn), Hà Tiên xưa và nay (bút ký)...
    Đặc biệt, Mười khúc đoạn trường là 10 bài thơ cứu đói vô cùng xúc động do bà sáng tác, thi sĩ Đông Hồ viết bằng bút lông trên giấy tranh thuỷ mặc đưa lên Sài Gòn bán quyên góp tiền gửi ra Hà Nội cứu tế đồng bào miền Bắc trọng nạn đói năm 1945.
    -Ở tuổi 90, cả cuộc đời người phụ nữ tài hoa lạ lùng này đã vắt kiệt cho văn chương và cho người bà rất mực yêu thương là phu quân - thi sĩ Đông Hồ. Khi ông tại thế, bà là người bạn thơ tri kỷ, người vợ hiền khiêm tốn luôn tâm kính lùi một bước. Khi ông đau tim ngã xuống trước mặt học trò thân yêu trên giảng đường Đại học Văn khoa Sài Gòn, bà là người lưu giữ, sưu tập, nỗ lực đưa những di cảo của ông liên tục đến với người đọc cả nước. Chính bà đã làm hết sức mình để Hà Tiên còn một địa chỉ văn hóa: Nhà lưu niệm Đông Hồ.
    66 năm trước, nhà phê bình Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã nhận xét về thơ bà: “Những lời tuy bình dị mà có một vẻ yêu kiều riêng tưởng ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được”.
    Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương – ái nữ cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị – người nữ sĩ Mộng Tuyết thương yêu như em ruột, nghẹn ngào nói: “Bà không qua khỏi đâu! Hoa (cháu nữ sĩ Mộng Tuyết) lo đến quẫn trí, hết biết đường tính rồi”. Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương nhờ UBND tỉnh Kiên Giang giúp đưa bà về Đông Hồ thi nhân kỷ niệm đường, đừng để bà mất tại bệnh viện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Văn Hà Phong đã rời một cuộc họp quan trọng để đến thăm nữ sĩ Mộng Tuyết, sẵn sàng làm theo ý nguyện của gia đình.
    Nhà lưu niệm Đông Hồ. Ngôi nhà ấy với cây liễu cổ thụ bốn mùa xanh tươi ở Hà Tiên cả tháng qua khép cửa mong bà trở về. Tôi nhớ những câu thơ đẹp của bà mà 61 năm xưa từng làm nhà phê bình Hoài Thanh rung động:
    Mua bốn phương trời mây nước đẹp
    Mua nghìn năm cảnh cỏ hoa tươi
    Hãy còn thừa thãi, tiêu chưa hết
    Mua lấy trần gian, tiếng khóc cười
    Nhưng liền theo những câu thơ xanh tươi thiếu nữ ấy, tôi lại quặn lòng vì một câu thơ khác của bà: “Nét mực vừa khô, lệ ướt dầm, lời xưa thêm gợi mối thương tâm…”.
    Bà ra đi, để lại cho chúng ta niềm thương tiếc lớn lao về một tấm lòng nhân ái, một nhân cách


    Giới thiệu một tác phẩm:

    Dương liễu tân thanh

    Trân trọng mạc giao hành khách thủ
    Đoản trường tình tự kỷ, ân cần.
    Lê Bích Ngô


    "Dương liễu mười bài" chép gửi anh.
    Ly hoài, ai khéo gợi cho mình.
    Bích Ngô âu cũng lòng thôn nữ
    Chung với nghĩa xưa một mối tình.

    "Bên đường, qua lại bao nhiêu khách;
    "Riêng bẻ cành xuân đưa tặng nhau.
    "Sung sướng Giang Nam chàng phới ngựa,
    "Tháng ngày bóng liễu rũ tơ sầu…

    "Lả lướt đợi ngày xuân trở lại,
    "Ngày xuân trở lại, hỏi bao ngày!
    "Năm canh lạnh lẽo kinh sương gió,
    "Ngùi ngậm tan xuân hoa rụng đầy …"

    Nét mực vừa khô, lệ ướt đầm,
    Lời xưa thêm gợi mối thương tâm.
    Biệt ly còn bận đời danh sĩ;
    Huống chốn buồng the khách chỉ kim.

    (Bùi Thụy Đào Nguyên, đưa tin)
Working...
X