Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Sài Gòn 36 phố phường.

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sài Gòn 36 phố phường.


    [img]http://www.laodong.com.vn/Uploaded_LAODONG/lethangd/20070204/tr10_1.jpg[/img]
    Cũng như Hà Nội, Sài Gòn cũng có những con đường hay chính xác hơn, là những đoạn đường của một con đường, đã chuyên sâu với một ngành nghề, đến nỗi thành đặc trưng, thành nỗi nhớ, thành duyên nợ.

    Cùng với sự phát triển của xã hội, của tốc độ đô thị hoá, của việc gia tăng dân số… của một thành phố lớn nhất nước, những “con đường có lá me bay” đã không còn thơ mộng yên tĩnh như trước nữa. Với phương châm tương tự như Hà Nội: “Buôn có bạn, bán có phường”, nhiều người cùng kinh doanh một mặt hàng tập trung lại một khu vực để buôn bán, vừa cạnh tranh, vừa hỗ trợ nhau làm ăn, nên cứ thế hình thành những khu chuyên biệt.

    Có ai đó đã nghêu ngao đọc: "Sài Gòn 36 phố phường / Kia phố xe máy đây đường lẩu dê" .
    Chẳng hạn như con đường Duy Tân ngày xưa với bài hát “Trả lại em yêu con đường học trò…” nay là đường Phạm Ngọc Thạch đầy văn phòng các cơ quan trong và ngoài nước cùng các nhà hàng. Con đường Tự Do trước kia chen chân không nổi, thì bây giờ là đường Đồng Khởi tập trung nhiều khách sạn lớn nhất, nhiều đơn vị sang trọng nhất, nhiều khách du lịch qua lại nhất, được mệnh danh là phố Wall của Việt Nam, giá đất ở đây lên đến… 78 triệu/mét vuông, được gọi là “hồn Việt” vì bán những sản phẩm kỷ niệm đặc trưng của Việt Nam.

    Đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ… mà du khách chưa đặt chân đến coi như chưa đến Sài Gòn cũng tương tự. Hiếm còn một cánh cổng nhà dân nào còn ngự trị ở đây, hầu hết đã nhường chỗ cho các siêu thị nhà hàng, thương xá, cửa hiệu sang trọng. Các mặt hàng văn phòng phẩm (mặt hàng chuyên doanh của những con đường này) đã teo lại, đến mức muốn đi tìm lại ông chủ tiệm người Tàu chuyên cung cấp bút lông xịn cho các nhà thư pháp cũng không thấy. Con đường bia bọt Thi Sách, nơi trước kia có 30 số nhà có đến 32 cái quán nhậu, nay đã vắng bóng các quán bia, nhường chỗ cho các toà nhà văn phòng. Những dịch chuyển trong cuộc sống đã làm Sài Gòn thay đổi quá nhiều. Hầu như không còn con đường nào giữ được nguyên vẹn hình hài trước đây. Sài Gòn không có khái niệm phố cổ. Ngay cả một góc yên tĩnh cũng rất khó kiếm.

    Đường Lý Tự Trọng nổi tiếng với đoạn đường kinh doanh xe máy. Đường Trần Bình Trọng và An Dương Vương chuyên về phụ tùng, nội thất ô tô. Nó không lớn như những con đường xe máy ở Chợ Lớn nhưng nó ở trung tâm TP nên nổi tiếng hơn. Đường Đinh Công Tráng thì nổi tiếng nhờ… bánh xèo. Một đoạn đường Nguyễn Tri Phương phất lên nhờ các quán… ốc. Một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai gần cầu Thị Nghè thì chuyên sâu về thịt cầy.

    Đường Nguyễn Đình Chiểu có một khúc chuyên doanh manơcanh, đi ngang thấy mấy em manơcanh khoe đùi khoe ngực như thật, khiến các cô gái đi qua phát ngượng. Ngành văn hoá thông tin phải ra quy định bắt manơcanh phải che chỗ cần che. Giày dép thời trang trước chỉ chủ yếu ở đường Lê Thánh Tôn, nay bùng phát sang cả một đoạn dài đường Nguyễn Đình Chiểu. Suốt con đường Lương Hữu Khánh và một đoạn đường Phạm Hồng Thái chuyên sâu về nghề khắc dấu, làm cờ kỷ niệm, bảng tên… Chắc là chừng nào hết cần đóng dấu giấy tờ mới xoá được con đường khắc dấu này.

    Còn một khúc đường Lý Thái Tổ chuyên về thiệp cưới, trong khi đường 3-2 có một đoạn dài là các cửa hàng cho thuê áo cưới sang trọng. Đường Huyền Trân Công Chúa có cái tên yểu điệu như thế nhưng bán toàn đồ thể thao, lý do là vì họ thuê mặt bằng của sân vận động Tao Đàn. Đường Cách Mạng Tháng Tám dài dằng dặc, khúc thì nhà hàng, khúc thì chuyên vi tính, khúc la liệt quần áo, khúc dịch vụ giới thiệu việc làm. Đường Nguyễn Khắc Nhu và đường Trần Nhân Tông có mặt hàng tương đối “hot”, đó là hàng sách cũ.

    Đường Lê Công Kiều nhỏ xíu nhưng chuyên bán một thứ tốn kém, đó là… đồ cổ. Đường Phó Đức Chính chuyên thứ hàng ngược lại với đường Lê Công Kiều, đó là đồ… thượng vàng hạ cám trên trời dưới đất, mua được là mua, bán được là bán… như đài, đồng hồ, điện thoại, cờlê mỏ lết, rờmốt tivi… Đường Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Thất Đạm… xưa được coi là Chợ Cũ, thì nay bán toàn đồ mới.

    Đường Cộng Hòa nổi tiếng bao năm vì khói bụi, nay là đường đồ gỗ sầm uất, chỉ một đọan ngắn mà có tới 60 cửa hàng đồ gỗ, bàn ghế tủ sơn mài. Đường xa lộ Hà Nội có nhiều nơi bán cây cối, từ cây kiểng đến cây cổ thụ, ngoài ra còn một đoạn bán cả xe tải và cần cẩu. Con đường từ Hóc Môn đi Củ Chi có đoạn bán cả tre nứa, tranh rạ, lều chõng.

    Khu vực Chợ Lớn luôn có đặc tính là náo nhiệt hơn bất cứ đâu. Đường Hồng Bàng chật kín với hàng điện tử, đường Hải Thượng Lãn Ông (xưa kia là đường Khổng Tử) thơm sực mùi thuốc đông y và lấp lánh đèn lồng như Hội An. Còn một đoạn khác của Hải Thượng Lãn Ông thì chuyên kinh doanh các loại giấy. Một đoạn đường ngắn của đường Trần Phú, khúc giữa Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo, có một chuyên ngành toàn những dịch vụ dành cho tang lễ. Nơi đây có hơn chục chiếc xe tang sơn son thếp vàng đậu ngay ngắn. Xung quanh là các dịch vụ dành cho việc đưa tiễn một con người về nơi an nghỉ cuối cùng.

    Đường Ngô Gia Tự chuyên bán đồ nội thất gia dụng, giá tương đối chấp nhận được. Đường Triệu Quang Phục chuyên doanh… kéo, hơn 10 tiệm kéo mà cung cấp kéo cho hàng chục công ty may lớn khắp nước. Gần đó, một góc đường Lê Hồng Phong chuyên bán chó mèo như dưới chân chợ Cầu Móng. Đường Huỳnh Mẫn Đạt chuyên về đêm các món lẩu (nghe mà phát thèm).

    Chắc kể đến thế đây thì chắc là tôi và các bạn đều mệt rồi. Mang tiếng là công dân Sài Gòn từ 30 năm nay và là kẻ sống ngoài đường nhiều hơn ở nhà, tôi cố gắng mấy cũng không thể kể hết các con đường đặc trưng của Sài Gòn.

    Có một điều chắc chắn là không phải 36 phố mà ít nhất phải 360 phố. Thôi thì đầu xuân, lai rai chút rượu và ôn cố tri tân, các bạn hãy cùng tôi liệt kê thêm xem Sài Gòn có bao nhiêu phố phường đặc trưng như thế nhé.

    Huỳnh Dũng Nhân

  • #2
    Còn mấy chỗ chuyên bán phá lấu nữa á !!! cô cô chỉ khoái mấy chỗ đó!!!

    Comment

    Working...
    X