Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Ba Nàng Dâu Trẻ

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ba Nàng Dâu Trẻ

    Thím Ba, chu choa ơi, không dè vào tuổi năm mươi tui còn được trời thương Phật đoái nên ông nhà tui trở về với tui sau bảy tám năm ròng ổng mê say con vợ nhỏ Bắc kỳ mà bỏ bê tui.

    Bảy tám năm trước, con Hưng Lộc Ninh cướp sống ổng, bỏ tui ở chốn quê nhà xả thân mẹo dậu nuôi con một mình. Chắc thím có nghe nói về con vợ bé đó? Nó là em gái ông cặp-rằng Nguyễn văn Lai, làm việc cho đồn cao su Lộc Ninh. Cỏn khắc khẩu với chị dâu, không thèm ở nhà anh ruột nên ra chợ mở tiệm bán guốc. Lúc đó chồng tui vì bất hoà với ông đốc học tỉnh nhà nên bị đổi tuốt lên Lộc Ninh, chốn rừng xanh đất đỏ. Bởi tui bám lấy vườn ruộng quê nhà nên không thể theo mà hủ hỉ cùng ổng. Ổng buồn tình trơ trọi nên thứ năm, chúa nhật rảnh rang thả bộ ra chợ Lộc Ninh dạo xem kiểng vật. Gặp thứ gái lỡ thời nhưng còn bóng bẩy như con Hưng thì biểu sao ổng không cảm xúc động tình, cho nên ổng trổ mòi dê nó. Tới chừng tàu hủ thành chao, đậu thành tương, cá thành khô và tôm thành mắm thì tui chỉ còn nước kéo cờ trắng đầu hàng vì sợ làm lớn chuyện thì chồng mình sẽ mất mặt mô phạm, mà hổng chừng còn bị đổi lên chốn rừng thiêng nước độc thì mới làm sao đây!

    Nói nào ngay, hễ bãi trường là ổng có về đất Vãng để hủ hỉ với tui. Tui cũng hưởng được đôi chút ân tình, liếm láp chút đỉnh hạnh phúc. Riết rồi tui có cảm tưởng con Hưng Lộc Ninh kia mới là vợ lớn của ổng, còn tui chỉ là kẻ lấy chồng khính của nó!

    Con Hưng Lộc Ninh lúc cụp với chồng tui đã ngoài ba mươi tuổi. Nó mang thai ba lần, lần đầu hữu sanh vô dưỡng, lần sau bị sảo thai. Tới lần thứ ba nó mang thai ngoài tử cung nên phải vong mạng. Thề có đất trời cùng hai bên vai vác chứng giám, nó chết là hết, tui đâu thèm thù dai oán ghét nó nữa làm chi! Ổng nhà tui đau khổ quá, cạy cục lo lót trong ngoài ngành giáo dục để được đổi về quê quán. Ổng muốn tìm lại bóng mát vợ nhà để quên chuyện đau lòng ở Lộc Ninh đó thím Ba.

    Ông trở về với tui khi tuổi đã năm mươi, nhưng thân hình nguyên vẹn, chỉ có cái bụng hơi phệ, đôi chưn hơi yếu và mái tóc bạc hoa râm. Tui cũng mừng, đem hết sức tận tụy săn sóc ổng, giúp ổng tìm lại hạnh phúc gia đình. Nhưng đôi lúc nhìn nụ cười hí hởn, cặp mắt khi cười lúc híp lúc nheo của ổng là tui ngứa gan ngứa phổi, lộn tiết. Đây là nụ cười dê, cặp mắt ưa chuyện phong tình nguyệt trái, chẳng biết ở tuổi trung niên ổng đã chịu chừa bỏ hay chưa. Bởi vậy tui phải lo o bế dung nhan, săn sóc tóc tai, quần áo.

    Chồng tui trở về với tui thì ba thằng con tui đã trưởng thành.. Thằng trưởng nam coi bộ giống bà nội nó, mặt mày đề đạm, hiền lành, ăn nói nhu mì, nhỏ nhẹ. Thằng thứ hai thì giống hệt ông ngoại nó, hơi lầm lì nhưng tư cách nghiêm chỉnh, cười đúng lúc, ăn nói phải chỗ. Được hai thằng con như vậy, tui sao khỏi mừng thầm, há thím Ba? Nhưng thằng con út ít của tui coi bộ không êm rồi đó thím. Nó giống ông nhà tui như khuôn đúc. Nụ cười của nó hí hởn gấp đôi ổng, còn cái nheo cái liếc của nó thì khỏi nói, lẳng lơ nhức nhối… Nhìn nó mà tui bần thần lo lắng!

    Dầu sao đi nữa cảnh nhà tui giờ đây cũng đầm ấm. Chồng tui coi bộ cũng cảm khái thân phận thiệt thòi của tui từ bấy lâu nay nên hết sức nồng mặn, ngọt bùi với tui, cốt để chuộc lỗi. Nhưng mà, nằm đêm vắt tay lên trán, tui thấy rõ ràng là ổng còn bị cái chết của con Hưng Lộc Ninh ám ảnh nên ổng bám lấy tui để quên chuyện cũ. Thôi thây kệ, miễn là ông trở về cho chồng vợ đủ đôi, tía con trùng phùng là tui mừng, ổng thương yêu tui chút nào tui nhờ chút nấy, có còn hơn không, có phải không thím?

    Giờ thì lúa má đã cấy xong. Mưa tháng tám tháng chín như cầm tĩn mà đổ. Năm nay mưa coi bộ nhiều, lúa bị tiêm thì nguy! Mà cũng kỳ, năm ngoái tuy không đến nỗi hạn hán nhưng nắng sao mà chói chang đổ lửa. Mấy sở ruộng của tui cấy lúa Nàng Rùm, bị háp cũng bộn, may mà không tới nỗi thất mùa. Số tui hơi lận đận trong chuyện trồng tỉa, ruộng nương, nhưng việc buôn bán của tui thì chạy vo vo nên cảnh nhà cũng dư giả. Ổng nhà tui yêu nghề dạy học, chuyện đất cát, bán buôn ổng đương thèm biết tới. Hễ rảnh rang, ổng pha ấm trà rồi đem cây đờn kìm ra gảy vài bản để tiêu sầu giải muộn. Thỉnh thoảng tui cũng sửa soạn vài mâm rượu thịt để ổng mời bè bạn xướng họa thơ văn cho ra vẻ phong lưu.

    Thím thường trầm trồ hai thằng con lớn tui hiền lành ngoan ngoãn làm lỗ mũi tui nở bự như trái mận hồng đào, lá gan tui phình lớn như cái quạt mo. Nhưng mà ngẫm lại, đôi khi cái hiền lành ngoan ngoãn coi bộ không nên thuốc đó thím Ba à! Con trai mà hiền lành ngoan ngoãn thường bắt đầu mầm mống râu quặp để thờ cúng vợ, sùng kính hơn đức Cửu Thiên Huyền Nữ, đức Thiên Hậu…

    Thằng Khánh Hội, trưởng nam của tui, thi rớt bằng thành chung, không thèm học nữa, quyết ở nhà coi sóc gia viên điền sản. Nó tính vậy cũng gọn vì nó phải lãnh phần hương hỏa, lo việc cúng giỗ ông bà. Bởi vậy tía nó lo cưới vợ sớm cho nó. Nó nói rằng nó đã chọn được giai ngẫu rồi. Nó là con gái anh Hương thân Tiễn. Cỏn cũng học tới năm thứ hai bậc trung học đó thím Ba. Thú thiệt với thím, hồi có chửa thằng Khánh Hội, tui mê ăn mực nên thằng trưởng nam của tui đầu óc tối tăm, học hành tối dạ. Còn con Hai Ngọc Trâm, con anh chị Hương thân Tiễn, thì khờ khạo, chậm lụt nên theo đuổi việc học cũng không kham. Theo lời chị Hương thân thì hồi có chửa cỏn, chỉ ăn nhiều rùa quá, bởi vậy nó lanh lợi, thông minh làm sao được?

    Tui nhắm tới nhắm lui, thấy bên anh chị Hương thân Tiễn và bên tui cũng môn đăng hộ đối. Con Hai Ngọc Trâm tuy không sắc sảo nhưng cũng có duyên thầm. Bởi đó tui cũng sắm vòng vàng, sắp đặt trầu rượu, heo bò để cưới nó về cho thằng Hội. Tui tưởng mình cư xử như vậy là con dâu toại nguyện. Nhưng mà thiên địa quỷ thần ơi, con Hai Ngọc Trâm tuy khờ khạo, chậm lụt nhưng nó là gái tân học nên vừa về nhà chồng chừng một tháng là nó đòi ra riêng. Nó biết đọc tiểu thuyết, biết coi báo nên nó ủng oẳng đòi nữ quyền, hô hào nếp sống mới. Nó không dám thẳng thắn nói với vợ chồng tui đâu, thím Ba. Nó cứ òn ỉ chồng nó, khi dỗ ngọt lúc dỗ mặn, khi nâng niu âu yếm lúc làm trận làm thượng. Hồi mới đi coi dâu, tui thấy nó hơi ngu ngu chớ thiệt ra nó khờ không phải khờ, lanh chẳng phải lanh. Nó chỉ khờ đối với kẻ khác chớ với chồng nó, nó bắt đầu nuôi mầm mống lăng loàn, khởi sự gieo chủng tử lấn áp ngay từ sau đêm tân hôn. Xời ơi, bây giờ nhìn kỹ con nầy tui mới bật ngửa. Trước mặt mọi người, nó có vẻ háo hức ham nói, nhưng rốt cuộc có nói được gì đâu, bởi đó coi nó có vẻ nghèn nghẹn, tức tức như bị nén hơi mà bắt mệt!

    Số là sáng sớm hôm đó, hai thằng Khánh Đản, Khánh Hỷ vì gần tới ngày tựu trường nên ra chợ Vãng mua sắm mọi thứ cần dùng. Còn vợ chồng tui bơi xuồng ra chợ Bình Phước ăn giỗ. Mới bơi được nửa đường, tui sực nhớ mình quên đem gói mắm tặng dì Năm sắp nhỏ nên tui quày xuồng trở về nhà. Lúc đó mặt trời chưa lên tới ba sào, vợ chồng thằng Khánh Hội trở về buồng ngủ lại hay sao mà cửa nẻo còn đóng, căn bếp không còn ánh lửa. Tui nhẹ nhàng chui vô nhà kho, có cửa ăn thông qua căn bếp. Lấy xong gói mắm, tui đi ngang qua buồng vợ chồng thẳng. Tiếng thằng chồng khàn khàn vịt đực:

    – Thiệt tình, nằm nghe em nỉ non tâm sự mà anh đã quá mạng!

    Tiếng con dâu trưởng của tui lúc thì eo éo làm tuồng nhõng nhẽo, khi thì chói lói ra lịnh:

    – Lâu ngày em mới được dịp tỏ bày tâm sự với anh. Từ hôm anh cưới em về, dẫu em có thương anh chín xe mười giàn đi chăng nữa, em cũng không dám bộc lộ. Ba là nhà mô phạm nên giữ thái độ mô phạm rồi. Còn má, tuy bả không dữ không ác như bà Thanh Đề nhưng bả cười không hở răng, sắc mặt lạnh ngắt như nước đá, cặp mắt bả nhìn ai là như xoáy vô mặt người ta. Đứng trước mặt bả, em nhột nhạt bất an, tưởng như đứng trước mặt bà Địch Thiên Kim vậy. Trời ơi, coi vậy chớ bả khó đa anh. Bả ít nói chuyện với em, nhưng hễ bả trổi giọng là em phát lãnh, nghe như có ai đem cục nước đá chà suốt sống lưng mình. Bởi vậy, hễ còn ở trong cái nhà nầy, em còn quằn quại lo sợ. Em phải chờ đợi thắt thẻo ruột gan, xốn xang tấc dạ chờ mau tới tối để vợ chồng mình mặn nồng. Em ít có dịp rót vô tai anh lời mật tiếng đường, yêu đương chan chứa trong lúc sanh sứa hiệp đôi, chè xôi chung một. Mà cũng nghiệt! Hễ khi trao đổi tâm sự, trút cạn tâm tình với anh, em phải kềm giọng háo hức, phải thắng tiếng rộn ràng kẻo lọt tới tai ai xẹt ngang qua buồng vợ chồng mình. Đời sống mình đâu có bao lăm, thử hỏi mình được bao ngày hạnh phúc, bao tháng diễm ảo? Anh sống dưới bóng tía má anh, ý chí tự lập phải mai một rồi tiêu ma đi. Đã vậy, cái bóng má anh là cái bóng ác nghiệt che lấp chơn trời yêu đương lãng mạn mà em hằng mơ ước. Em khó thở quá anh ơi! Tâm tình em bị dồn nén nên tim em thốn, bao tử, ruột non ruột già, lá lách lá mía em cũng bị buộc thắt luôn. Cho nên em mang chứng táo bón, cơm nước em lơ là, em phải lén đi ăn bún bì, bún bò cho… mát ruột mát gan được chút nào chăng! Anh tính sao cho vuông tròn thì tính. Em như bong bóng căng phồng muốn nổ một cái boóc cho mát thân. Anh tính không ra thì em cuốn gói về nhà tía má em. Nếu tía má em không chứa, em sẽ cạo đầu nương nhờ cửa Phật.

    Thím Ba! Thím nghe con dâu trưởng của tui nói giọng đó nghe có trào máu họng hay không? Tui tức mình cho mấy ông Thiên Lôi trên trời hết sức! Chắc búa của mấy ổng mòn lưỡi, sút cán, hoặc lò rèn trên trời sụp tiệm hay sao mà gặp kẻ ăn nói ngược ngạo như con Hai Ngọc Trâm, mấy ổng vẫn dung tha, lơ là ngoảnh mặt. Sướng chưa! Khi khổng khi không tui lên chức thái hậu để làm bà Địch Thiên Kim cay nghiệt, xéo xắt với nàng dâu! Xời ơi, tui khó chỗ nào? Tui có rầy rà, la ó, xóc xỏ nó lần nào chưa mà nó đành vu oan giá họa cho tui? Nó nấu cơm nhão, tui cứ nuốt ngọt nuốt ngon; nó nấu cơm khô, tui cứ trệu trạo nhai cho qua bữa. Cầm bằng nó nấu cơm sống thì tui đổ vô soong nấu thành cháo. Tui không hé răng than thở, chẳng dằn mâm xáng chén làm lẫy làm hờn. Vậy mà nó chưa vừa lòng, đành đoạn nói xấu tui với con tui! Con nầy đâu phải tay vừa! Đây là thứ thấy mưa nói bão, thấy nắng hô hạn hán, thấy một lạng nói một cân, thấy cái sân hô cái bãi, thấy con lải nói con lươn…

    Thiệt tình lúc đó tui cắn răng dằn lòng, chui ra ngoài để trở về bến nước có xuồng neo. Mình là kẻ trưởng thượng, không lẽ làm rùm lên để lòi cái vụ nghe lén hay sao? Tuy nhiên, tui phải trừng trị con nầy cho nó rét nó run, tởn tới già!

    ***
    Năm sau, thằng Khánh Đản, con trai thứ của tui, đậu bằng thành chung rồi xin về tỉnh nhà dạy học. Tui mừng húm thím Ba à. Nó dạy lớp nhứt trường tiểu học Ngã Tư, vậy là gần nhà vợ chồng tui. Trưa nó không về mà ăn cơm tháng tại nhà anh chị Hương hào Lộc, bạn thân của vợ chồng tui rồi nghỉ ngơi cho khoẻ để dạy lớp chiều. Tan buổi học chiều nó mới đạp xe vền Long Thạnh để ăn cơm tối với cả nhà.

    Tui cứ rù rì bàn tán với ông nhà tui lo cưới vợ cho thằng con trai thứ, đã làm vẻ vang cho tía má họ hàng bằng mảnh bằng thành chung và cái địa vị thầy giáo dạy lớp nhứt trường làng. May quá, chị Hương hào Lộc trổ tài làm mai, xúi tui đến nhà ông Hương cả Chiêm để coi mắt con Ba Tố Nữ, cháu nội ổng. Ông bà Hương cả đầu đuôi chỉ có người con trai là thầy Hai Sơn. Thẩy cưới vợ miệt Trà ìn, đẻ một bầy con sáu đứa. Chị của con Ba Tố Nữ đã lấy chồng năm ngoái và theo chồng lên miệt Tân Châu, Hồng Ngự lập nghiệp. Nghe đồn con Hai Tố Quyên chỉ có duyên thôi chớ không đẹp. Chính con Ba Tố Nữ mới là yểu điệu thanh tân, da trắng như dừa nạo, tóc đen mun dài đậm đuột. Nó mà xõa ra là tóc dài chấm đất. Thiệt tình hôm đi coi dâu, tui bị lóa mắt trước nhiều thứ. Trước hết là nhà ông bà Hương cả Chiêm chưng dọn xuê xoang, nào là tủ thờ cẩn xà cừ, nào liễn mun chữ thếp vàng, nào hoành phi lộng lẫy, nào bàn ghế bằng gỗ mun, gỗ cẩm lai, nào ván ngựa, đi-quăng bằng gỗ giáng hương, nào chậu choé, lộc bình, dĩa quả tử bằng sứ choáng lộn… Trong lúc vợ chồng tui và vợ chồng anh Hương hào Lộc trò chuyện với ông bà Hương cả và thầy Hai Sơn thì trong bếp ửng hồng ánh lửa. Một lát con Ba Tố Nữ bưng trà ra. Vẻ lịch màu thanh của nó làm thằng Đản nhìn trân trối. Tui vừa rà cái nhìn lên mặt mũi tóc tai nó thì nó xây lưng đi xuống bếp. Cái áo lụa màu huỳnh cúc của nó tuôn ra mùi long não cay cay, còn mái tóc nó bay mùi dầu bông lài thơm ngát…

    Trong lúc khách khứa chuyện vãn với gia chủ ở trung đường thì dưới bếp ánh lửa vẫn hừng hực. Nhưng mà lạ thiệt thím Ba à, tui cố lắng tai mà không nghe tiếng động nào. Chốc chốc một hoặc hai cô gái thò mặt dớn dác ra khỏi bức màn che cánh cửa từ phòng ăn trổ ra trung đường. Đúng ngọ, thím Hai Sơn từ dưới bếp bước lên, ân cần:

    – Chẳng mấy khi anh chị Hương hào, anh chị giáo tới viếng nhà, vậy xin mời mấy anh mấy chị dùng bữa cơm trưa cùng tía má tui và vợ chồng tui lấy thảo.

    Mọi người cùng bước qua phòng ăn. ở đó mâm cơm vĩ vèo được đặt trên chiếc bàn hình hột xoài. Giữa mâm là một tiềm canh rau cao kỷ nấu thịt nạc. Chung quanh ngoài dĩa cá bống tượng chưng kim châm nấm mèo là các dĩa đựng món xào, món kho cùng nem chả ê hề.

    Tuy dùng cơm ngon miệng nhưng tui cứ thắc mắc cách làm bếp nhà nầy. Cho nên trước khi ra về, tui ngoắc cô gái út nhà nầy mới tám tuổi, coi có vẻ khờ khạo, hỏi cho ra manh mối. Thì ra con Ba Tố Nữ sợ gây tiếng động lộp cộp lạc cạc trong bếp mà khách khứa chê cười nên nó cùng mấy con em đem soong chảo, củi lửa ra vườn lấy lá chầm che tạm chòi để nấu nướng.

    Nghe được vận sự nầy tui mừng húm vì kiếm được nàng dâu có ý tứ. Tới khi nhóm đi coi dâu từ giã gia chủ ra về thì con Ba Tố Nữ có bước lên trung đường chào khách. Bận nầy nó thay áo vàng thành chiếc áo màu da trời xanh thiệt dịu. Mải mê man sung sướng vì tìm được nàng dâu có ý tứ, tui không mấy để ý cặp mắt hơi lộ và nút ruồi mọc bên mép của nó. Vả lại, thằng Khánh Đản coi bộ mê man tàn tịch con nầy quá rồi, do đó mà đám cưới tiến hành rụp rụp.

    Con Ba Tố Nữ về nhà chồng với mớ nữ trang hậu hỉ, gộp cùng các món sính lễ của đàng trai thì nó có thể trám nửa hộp bánh bích qui. Cưới vợ cho đứa con thứ, dĩ nhiên tui chỉ sắm đôi bông hột xoàn cỡ năm ly, màu trong vẻ sáng thua cặp hột năm ly rưỡi dành cho nàng dâu trưởng.. Tuy nhiên đôi vòng tay dành cho con Ba Tố Nữ là vòng chạm phụng giao đầu, trong khi của con Hai là đôi xuyến vàng. Còn kiềng vàng, cà rá nhận hột cẩm thạch, trâm gài bí bo nạm hột xoàn tấm, hai nàng dâu cùng có như nhau. Hễ vào dịp Tết, các nàng đem nữ trang bằng vàng y cho tiệm vàng nhuộm đỏ và chùi sáng bóng. Riêng mụ mẹ chồng nầy thì cứ để màu vàng phai, mét chằng mét hưởng bởi tui nghĩ mình trọng tuổi rồi, lại là dân chơn chất, quen ăn chắc mặc dầy, đâu cần đeo nữ trang để dúc dắc lên mặt với xóm giềng.

    Chèn ơi, thím Ba coi có kỳ cục hay không! Trước khi con Ba Tố Nữ về nhà tui thì con Hai Ngọc Trâm chỉ tươm tất mà thôi. Nay có con em dâu, nó quyết lòng ganh duyên đọ sắc. Con Ba Tố Nữ cũng đâu chịu nhường, quyết dùng màu mượn sắc để đánh gục đối thủ.

    Tuy hai chị em dâu mặt ngoài ra tuồng thân thiết, âu yếm nhau nhưng tui biết tụi nó chỉ dùng cái ồn ào để che lấp thế thủ. Tụi nó gườm nhau, ghìm chặt chuyện của mình và phóng mắt qua xét nét, bới lông tìm vết đối thủ. Thú thiệt với thím Ba, nhờ hai con nầy nghịch nhau mà tui mới yên tâm. Nếu tụi nó mà một lòng yêu thương nhau, tụi nó sẽ toa rập nói xấu mẹ chồng, rồi siêu mưu làm loạn kình chống tui. Cái tội con Hai Ngọc Trâm dựng đứng chuyện để bêu xấu tui, tui ghi xương khắc cốt đợi dịp trừng trị nó. Nhưng tui nhắm tới nhắm lui, nhìn xuôi nhìn ngược thì khó mà dùng con Ba Tố Nữ làm kẻ a tòng, đồng lõa. Con nầy mà dựa vào oai thế của tui, dám làm sóng làm gió trong nhà rồi leo lên bàn thờ ngồi chễm chệ cho cả nhà chiêm bái nó chớ không vừa đâu.

    Tui tưởng con Ba Tố Nữ có ý tứ nên tui hăng hái cầm trầu cầm cau đi cưới nó cho thằng Khánh Đản. Tui đâu dè thứ có ý tứ thì lòng dạ chặt chịa cứng cỏi. Nó chỉ biết có nó và chồng nó mà thôi, còn thiên hạ thì sống chết mặc bây. Xời ơi, chúa ích kỷ đó thím Ba. Cái gì lọt vô tay nó thì khó mà chui ra ngoài. Củi mục bà để trong rương, hễ ai hỏi tới trầm hương của bà. Nhưng mà ông bà ông vải ơi, thằng Khánh Đản coi oai nghi trầm tĩnh như vậy mà khi đứng trước mặt vợ, nó như con chó cò chó vện đứng trước con sư tử, con cọp U Minh! Con Ba Tố Nữ không hề nói một câu nào trịch thượng, gay gắt với chồng nó trước mặt mọi người. Luôn luôn nó “thưa mình”, “thưa anh” rồi xưng em ngọt xớt. Nhưng hễ có nó, thằng Đản nói câu gì cũng nhìn về phía vợ. Nó điều khiển chồng bằng cặp mắt lộ của nó đó thím. Hễ cặp mắt đó reo vui ra vẻ đồng tình thì thằng con tui ngon trớn nói tiếp. Nếu cặp mắt đó quắc lên, ngời ngời nộ khí thì thằng con tui không dám hó hé nửa lời. Tiên nhơn tổ đường ơi, con nầy học ai cái đòn phép cai trị chồng bằng cặp mắt vậy cà?

    Con Hai Ngọc Trâm ỷ mình có ăn học nên khi nói chuyện với em dâu nó ưa chêm tiếng Tây lốp bốp. Con Ba Tố Nữ bèn đem chồng ra khoe để báo thù:

    – Chèn ơi, hôm thứ năm tuần rồi, ông bà Bang biện Hên làm đám giỗ có mời chồng em tới dự. Hôm qua đi mua trà rượu, bánh trái, dầu lửa, nước mắm em gặp bà Bang biện ở tiệm thuốc bắc Huê Phương Đường. Bả tử tế với em quá xá, khen anh Ba em ăn nói thanh bai, rõ ra con nhà có học thức. Bả còn nói để rồi bả sẽ giới thiệu ảnh với quanh thanh tra tiểu học ngoài tỉnh.. Rồi đây ảnh sẽ làm đốc học trường làng và có cơ hội làm thanh tra tiểu học trong thời gian không lâu…

    Vừa nói con Ba vừa õng ẹo ngắm bóng trong kiếng, rồi ỏn ẻn:

    – Em biết mình kém về bóng sắc, lại không có tướng sang, vậy mà bà Bang biện đề án tử là em có tướng làm bà từ bốn chục tuổi trở lên.

    Con Ba xả máy đía trước bản mặt lạnh tanh và cặp mắt liếc xéo của con Hai.

    *

    Đã bao lần bên khay trầu, tui nặn đầu vắt óc để gây chia rẽ và hành hạ hai nàng dâu thêm phần gay cấn. Miếng trầu nầy tiếp miếng trầu kia làm tui say say song đầu óc tui vụt đầy mưu đen chước đỏ, mẹo thâm khoé diệu.

    Hai con nầy ban ngày ban mặt tỏ ra chiều chuộng nhịn nhường chồng tụi nó, nhưng ở trong buồng riêng hay những chỗ khuất bóng tui là tụi nó hiện nguyên hình sư tử Hà Đông để gầm rống, húng hiếp hai thằng con khờ ịch của tui. Mình đẻ con ra đâu phải để hai con đờn bà lạ hoắc từ đâu tới cai trị, đô hộ chớ! Bởi đó mà tui phải báo thù rửa hận mới toại lòng..

    Hai con sư tử nầy một hôm nay lưng ra chùi lư hương chơn đèn để ăn Tết. Tui đi ngang qua trề nhún liền:

    – Chèn ơi, bây chùi đồ đồng mà sao lu câm vậy? Tao thấy má con chị Bảy Tiết chùi bóng lộn còn hơn là kiếng soi mặt. Sao lạ vậy?

    Tụi nó chùi đồ đồng, đồ thau bằng tro và trấu, tro mặn thì làm sao bằng thuốc chùi bóng bán ngoài chợ tỉnh được? Tui để cho hai con xí xọn đó nai lưng chùi cho tới đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà không thèm mở miệng chỉ biểu. Tới khi tụi nó mệt thở hào hển tui mới ngọt ngào khuyên:

    – Hai con có mệt thì nên nghỉ xả hơi, uống tô nước mưa ngâm bí đao cho khoẻ!

    Trong khi tụi nó đứa chặm mồ hôi, đứa quạt lia quạt lia thân mình bốc hỏa vì lao tác thì tui lén lấy gói bột thuốc chùi, tẩm vô miếng giẻ, và tui cứ chùi đồ đồng, đồ thau một cách thong thả, nhẹ nhàng. Mặt đồng mặt thau sáng dần lên, hực hỡ như kiếng soi mặt. Con Hai Ngọc Trâm nhìn con Ba Tố Nữ lộ vẻ sảng hoàng. Tui bồi thêm:

    – Hễ lau chùi đồ đồng đồ thau là phải chùi cho mạnh. Nùi giẻ mềm xèo, phải cọ mạnh thì đồng thau mới tróc lớp teng ra. Bây làm công việc này mà sợ hư tay thì còn non nước gì!

    *


    Dạo nầy không hiểu mắc chứng gì mà tui khó ngủ, giấc ngủ đã muộn lại ngắn ngủn. Những lúc cả nhà yên giấc thì tui ngồi nhai trầu rau ráu bên chiếc khay khảm xà cừ. Hương vị trầu nồng mặn làm đầu óc tui trong văn vắt hầu nghĩ cách hành hạ và chia rẽ hai mụ dâu còn đang che nanh giấu vuốt muốn chống lại tui.

    Mới đầu canh hai mà hai mụ dâu đã rúc về buồng riêng. Con Hai Ngọc Trâm lấy cớ:

    – Con cần ngủ sớm để mai dậy hấp bánh hấp xôi..

    Con Ba Tố Nữ cũng viện cớ:

    – Con phải ngủ sớm để mai đi chợ mua sắm dầu lửa, nước mắm, gia vị dành cho ngày giỗ bà nội sắp tới..

    Tía sắp nhỏ vì hồi chiều lo móc mương, bồi líp chuối, líp cau nên thấm mệt, cơm nước xong là lăn ra ngủ, nằm ngáy pheo pheo. Tui ngồi bên khay trầu, vừa nhai trầu vừa tức tối vu vơ. Sao mà ai cũng ăn được ngủ được, sung sướng quá vậy!

    Ngồi một lát, tui chợt nhớ tới thau thịt gà ướp sả, không biết có được đậy điệm tử tế hay không? Nhà tuy không nuôi mèo nhưng lũ mèo hàng xóm đêm nào mà chẳng leo qua bò vô bếp tác yêu tác quái! Tui cầm cây đèn huê kỳ xuống bếp, đậy thau bằng tấm thớt dày rồi dằn lên bằng hai cục gạch thẻ. Xong đâu đó, khi lên nhà, đi ngang buồng thằng Khánh Đản, tui thổi tắt đèn, áp tai vô vách nghe ngóng. Bên kia tấm vách mỏng, giọng con ba ỏn ẻn:

    – Em bực lắm rồi anh à. Chị Hai coi tầm ngầm tẩm ngẩm như vậy mà sâu hiểm khó lường. Em không hiểu chỉ nịnh nọt cách nào mà coi bộ má thiên vị chỉ ra mặt. Hồi xế, má và chị Hai dụm đầu châu mỏ nói giống gì không biết mà khi thấy em xẹt qua, cả hai im thin thít. Từ đó cho tới bây giờ, càng nghĩ chừng nào em càng xốn xang chừng nấy. Em mà đoán sai thì anh cứ chặt tay chặt chưn em đi! Chị Hai dò la hành vi em rồi tâu rỗi với má để má thù ghét em… Anh phải xin ra riêng, ở đây ngày nào là em phập phồng lo sợ ngày đó.

    Tiếng thằng Khánh Đản:

    – Bậy nà! Em đừng có tưởng tượng chuyện dữ rồi lo sợ tầm ruồng, không nên đâu.

    – Em có cảm tưởng từ đây trở về sau, em như đứng trước họng súng, nằm dưới lưỡi dao… Em run eng phát rét rồi đây.

    Thằng con trai tui ngọt dịu:

    – Bề gì cũng còn có anh đây. Má coi nghiêm chớ hiền khô à. Còn chị Hai đâu đến nỗi nào. Thôi nín đi cưng rồi ngủ cho khoẻ.

    Tui lò mò trở lên nhà trên, thắp đèn ngồi suy nghĩ. ờ thì ra việc tui chọc giỡn con Ba Tố Nữ coi mòi có hiệu quả đa. Số là tui có dặn coi Hai Ngọc Trâm có mua cải làm dưa thì mua cải tùa xại, còn muốn ngâm giấm củ kiệu thì lựa kiệu hương, hễ làm dưa mắm thì chọn dưa Tân Ngãi. Chỉ có vậy thôi, nhưng vì hồi xế cổ tui đau, giọng tui rè nên tui nói nho nhỏ. Chẳng hiểu con Ba Tố Nữ chàng ràng gần bên tui và con Hai Ngọc Trâm hồi nào, nhưng khi thấy nó phất phơ trước mặt, cặp mắt nó chau quảu đầy vẻ căm hờn, nghi kÿ. Tui chơi ác, kê mỏ thì thào vô lỗ tai con Hai. Quả nhiên mặt nó tái đi. Mà cũng lạ, con Hai Ngọc Trâm khi không len lét ngó về con em bạn dâu rồi gật đầu lia lịa.

    Ờ, vậy thì từ đây về sau, cái hố chia rẽ giữa hai con quỉ cái đó càng rộng tàng hoạc, càng sâu thăm thẳm. Và cũng từ đó về sau, hễ cần dặn dò gì con Hai là tui lựa lúc con Ba chàng ràng gần bên, rồi làm ra vẻ bí mật xù xì xụt xịt, mắt nhìn về con đa nghi kia, làm nó xửng vửng như bị chém hụt.

    Rồi con Hai Ngọc Trâm có nghén thím Ba ơi! Tui khuyên nó ăn chay cầu phước, nó dạ dạ và đi mua tương chao, tàu hũ, mì căn kho sẵn một ơ bự tổ chảng để ăn lai rai. Nhưng tui không thể tin cái thành tâm trai giới của cỏn được! Sáng nào bươi đống rác tui cũng bắt gặp vỏ hột vịt lộn. Tui tin chắc không phải con Ba Tố Nữ vì con nầy hễ thấy ai đập hột vịt lộn moi ruột ra ăn là nó lao đao xây xẩm mặt mày. Không lẽ tui tra vấn hạch hỏi con dâu trưởng về chuyện lén lút ngã mặn. Tui biết con Ba Tố Nữ hầm hừ muốn ăn tươi nuốt sống con Hai Ngọc Trâm và đang tìm bằng cớ để hạ nhục cỏn. Một buổi sáng, tui biểu con Ba:

    – Má đánh rớt chùm chìa khoá lẫm lúa đâu mất rồi. Con vợ thằng Ba, đâu mầy ra đống rác coi nó có lộn trong đó hay không!

    Con Ba Tố Nữ kín đáo nguýt dài tui rồi cùn quằn bước ra đống rác. Dĩ nhiên là nó tìm được chiếc chìa khóa lẫm lúa do con già nầy bỏ vào đó. Nhưng đồng thời nó cũng khám phá ra vỏ hột vịt lộn. Chu choa ơi, khi bước ra bươi đống rác, mặt nó quạu đeo, hầm hừ bao nhiêu thì lúc trở vô nhà giao chìa khoá cho tui, nó hớn hở, tươi rói bấy nhiêu! Nó lăng líu như chim:

    – Má ơi, con tìm được chìa khoá rồi. Mà sao trong đống rác có vỏ hột vịt lộn nhiều quá! Má biết mà, con có ăn hột vịt lộn bao giờ!

    Vừa nói nó vừa liếc qua con Hai Ngọc Trâm. Cỏn đỏ bừng mặt, ngoe ngoảy bỏ vô buồng.

    Từ đó hai đứa kiềng mặt nhau, tuy vẫn trao đổi vài câu cần thiết trong bếp nhưng câu xỏ xiên thì ngày nào mà chẳng có. Con Hai Ngọc Trâm có lần giả bộ hỏi con Ba Tố Nữ:

    – Nghe nói quán bà Bảy Lời lóng rày bán đắt lắm, phải không thím Ba?

    Số là quán bà Bảy Lời ở chợ Ngã Tư gần bờ sông chuyên bán bì bún, bò bún, chả giò, bánh khọt, bì cuốn, gỏi cuốn nổi tiếng là ngon. Từ khi con Hai Ngọc Trâm ốm nghén, con Ba Tố Nữ lãnh phần đi chợ. Mấy bà mấy mụ, con lành con lủng lối xóm thường gặp con Ba vô “thăm bà Bảy” trước khi đi mua thức ăn. Nó “thăm” hơi lâu nên khi về nhà ưa đổ hô đau bụng máu hoặc bị máu xâm nên ăn cơm ít. Cái mửng nầy là nó có ăn xén ăn bớt tiền chợ để ăn hàng chứ chẳng không. Tuy bị tui hạch sách về giá cả từng món, nó vẫn trả lời xuôi rót.

    Mâm cơm tui dọn cho tía sắp nhỏ và hai thằng con trai tui thì thịt cá ê hề. Mâm cơm dành cho con Ba và chị bếp gồm nhiều rau đậu, thịt cá không bao nhiêu. Còn con Hai, tui bắt nó ăn chay dài dài cho bõ ghét.

    *

    Thím Ba, tui biết hai mụ dâu của tui thù hằn, nghi kÿ nhau nhưng chém chết cả hai mụ đều oán tui thâm xương. Được dịp chà lết nhà hàng xóm là tụi nó mặc sức nói xấu tui, rêu rao tui khắt khe, tai ác, ó đâm, đủ thứ…

    Tui moi óc rán tìm một kẻ gián điệp thân tín. Dịp may tới liền. Số là thằng em con nhà chú tui ở Mai Phốp giàu có nên cho con cái ăn học đàng hoàng. Con gái út Mộng Nguyệt của nó vừa thi đậu bằng thành chung năm rồi. Tía má nó khuyên nó nên học nữ công gia chánh để chờ chỗ môn đăng hộ đối tới coi mắt. Con em dâu tui biết tui giỏi món bánh xưa nên năn nỉ tui truyền nghề cho con út. Như thím rõ, thuở nhỏ tui mồ côi cha mẹ, sống nhờ chú thím tui. Thím tui tuy trật búa, gắt gao nhưng bởi không có con gái nên bả truyền hết nghề làm bánh xưa cho tui. Nay tui lẽ nào hẹp bụng giấu nghề con cháu!

    Thằng em tui cơm ghe bè bạn qua viếng nhà tui, đem con út Mộng Nguyệt giao cho tui, ân cần dặn dò:

    – Tui giao con út cho chị. Chẳng những dạy nữ công cho nó, mà ba cái công, dung, ngôn, hạnh cũng xin chị sửa méo thành tròn giùm. Con út tui tuy có ăn học nhưng bề cư xử còn vụng về, hạnh kiểm còn thưa thớt lắm.

    Tui gật đầu lia lịa. Chèn ơi, mới cách mặt một năm mà nó nhổ giò cao lớn, xinh tốt như tiên. Nó là gái nhà giàu lại nhiễm Tây học nên dạn dĩ, hoạt bát. Tui dạy nó món bánh tét nhưn chữ thọ, món mứt bí đao nguyên trái, món bánh xửng tai quằn. Nó lãnh hội làm liền, chẳng những vén khéo mà còn lanh lẹn, vượt xa hai mụ dâu tui.. Con út Mộng Nguyệt học thêm cách nấu canh bát tiên, món gà ác tiềm sanh địa, món bò lụi xã An Trường, món nào nó cũng làm xuất sắc. Thiệt tình không có con gái, nay có con cháu đẹp đẽ thông minh về ở chung, nên tui cưng chiều, yêu thương nó lắm. Nó biết xí xọn, chót chét để tui vui, nó làm màu nhõng nhẽo để tui phục dịch nó. Có lần lựa lúc vắng vẻ, tui nói với nó:

    – Út à, cô không tin được hai mụ chị dâu của con. Tụi nó ghê lắm, ưa nói xấu mẹ chồng luôn, con phải dò xét tụi nó giùm cô, hễ động tịnh gì thì con cho cô biết để cô kịp đề phòng, nghe hôn con!

    Cỏn cứ dạ dạ tưới hột sen. Tui đợi tui chờ, tui mong tui ngóng suốt cả tuần mà sao con út tinh ma kia chưa tường trình, báo cáo gì ráo! Trong tuần lễ đó, nó còn rủ hai mụ dâu tui vô vườn bẻ trái cây chua về chấm mắm ruốc tỏi ớt. Tui có linh cảm con út thưa lòng nhẹ dạ kia bị hai con dâu chằn ăn trăn quấn của tui mua chuộc gì đây. Cuối tuần, tui hỏi gặng con út:

    – Sao? con có nghe hai nàng dâu của cô thậm thụt trổ nghề trổ ngón trổ đòn gì chưa?

    Cỏn nói xuôi:

    – Dạ chưa. Hễ có gì là con làm ráp-bo dưng lên cô liền.

    Tuần sau nữa, con út chẳng thèm dò la gì ráo. Ba đứa nó cứ đánh đôi đánh đọ với nhau, khi thì ăn cơm nguội mắm sống, khi thì cùng đi chùa, đi chợ. Hai mụ dâu trở nên cởi mở với nhau hơn, và tụi nó cùng có vẻ thương yêu, chiều chuộng con út Mộng Nguyệt.

    Tui thấy mà phát tức con cháu tui. Tui thầm tính dò la coi nó có toa rập với hai con lủng kia hay không. Nếu nó a tòng theo hai con đó là tui trả nó về tía má nó liền một khi.

    Nhưng đùng một cái, thằng út Khánh Hỷ của tui từ Sài gòn đánh dây thép báo tin nó vừa đậu tú tài. ôi thôi, vẻ vang cho dòng họ tui biết mấy! Cả nhà đều mừng. Tui vui tới độ lửng đửng lờ đờ. ổng nhà tui mua một con bò tơ để dành đãi tiệc.

    Con út Mộng Nguyệt trong bữa cơm chiều hôm đó, nói với vợ chồng tui:

    – Ba anh Khánh nhà nầy, Khánh nào cũng có cái tốt cái hay. Anh Hai đẹp trai giỏi nghề trồng trọt; anh Ba cũng đẹp trai nhưng nho nhã, khác vẻ cứng cỏi mạnh dạn của anh Hai, đúng người mô phạm, ăn nói bãi buôi mà khuôn thước rất mực. Còn anh Tư tuy không đẹp trai hực hỡ nhưng càng ngó càng thấy ảnh có duyên mặn mòi.. Rồi đây anh Khánh nào cũng ăn nên làm ra ráo trọi.

    Rồi quay qua hai mụ chị dâu, nó đía dóc:

    – Còn hai chị con đây, chị nào cũng có tướng vượng phu ích tử. Chị nào cũng đẻ con lủ khủ như chuột bạch, như cá lóc và đứa con nào cũng ăn học thành tài ráo trọi.

    Khánh Hội cười:

    – Vừa thôi chớ út! Em mà là thầy bói, thầy tướng thì mấy ông lắc quẻ mu rùa, mấy ông gieo quẻ tiền điếu, mấy ông bói cẳng gà ngoài chợ thất nghiệp hết ráo.

    Khánh Đản cũng cười:

    – Con nầy xạo! Hèn chi nó với thằng Khánh Hỷ hễ gặp nhau là cãi cọ như mổ bò.

    Ổng nhà tui đỡ lời:

    – Hồi còn thơ bé thì thằng Hỷ và con út ưa xéo xắt với nhau, nhưng lớn lên thì khác chớ, phải không út?

    Út Mộng Nguyệt cười híp mắt:

    – Cũng còn tùy. Để ảnh về đây nghỉ hè coi sao. Hễ ảnh đằm thắm, mềm mỏng thì con còn chuyện vãn với ảnh. Còn ảnh giữ thói ăn nói trặc trẹo thì con đương thèm ngó tới mặt ảnh.

    Tui nhìn con cháu ăn nói thao thao, chợt nhận ra cặp mắt nó không những ranh mãnh mà còn lẳng nhức lẳng nhối nữa thím Ba!

    Ba hôm sau, thằng Khánh Hỷ về nhà. Thằng con tui tuy chí thú ăn học mà nó không ốm ròm còm cõi, chẳng xanh xao chao vao. Mặt nó tươi rỡ, vóc vạc mạnh mẽ cứng cáp, giọng cười giòn khấm khướu.

    Hai mụ dâu cùng con ồt đang lo chuẩn bị đồ nấu nướng và bánh trái. Vừa thấy Khánh Hỷ, con út Mộng Nguyệt nhõng nhẽo hỏi:

    – Chắc anh Hỷ quên em rồi?

    Thằng con út tui ngước cặp mắt đờ đẫn ra nhìn con em nhà cậu tươi như trăng rằm, niềm nở bảo:

    – Làm gì có chuyện đó! Tui tưởng Nguyệt quên tui thì có.

    Con út cười hăng hắc:

    – Đời nào! Tụi mình sao mà khùng dữ vậy! Mới cách mặt vài năm, không lẽ mình không nhìn ra nhau hay sao?

    Thằng Khánh Hỷ cười ra vẻ cảm động lắm.

    Con út Mộng Nguyệt làm nhiều thứ bánh nướng như bánh phục linh, bánh men, bánh con đuông, thứ nào cũng ê hề. Nó còn làm thêm một ổ bánh bông lan trét bơ, bắt bông bự tổ chảng. Chèn ơi, hàng chữ “vinh qui bái tổ” màu xanh da trời nổi bật trên nền kem trắng, giữa khung bông hường, bông tím, lá xanh đẹp lộng lẫy. Lúc nó bắt bông bơ thì thằng út tui đứng chàng ràng bên cạnh trò chuyện với nó, để nó sai vặt.

    Ổng nhà tui và hai thằng con lớn đốn lá đủng đỉnh về trang hoàng cửa ngõ, cửa cái. Cả ba che rạp để đãi khách tới ăn mừng. Con bò được làm thịt để tui làm bảy món, đó là chưa kể các món ăn chơi bằng tôm, cá, cua, heo…

    Khách tới dự mang theo rượu, bánh, trà, trái. Người tặng chiếc khánh nạm vàng, người tặng ba ông Tam Đa Phước Lộc Thọ vẽ nhiều màu rằn rực. Ai cũng muốn trổ tài làm mai. Nhưng tui ngắm kỹ rồi. Anh Hương thân Chiểu là tay giàu có nhứt nhì trong vùng mà chỉ có một đứa con gái nết na là con Hai Kim Liên. énh chỉ qua đời là con Hai Kim Liên lãnh trọn gia tài chớ ai vô đó! Cho nên tui chíp trong bụng bảo anh Hương thân Chiểu:

    – Mèn ơi, chỉ có anh tới chơi sao? Còn chị và cháu gái đâu rồi? Tui hổng chịu đa! Chiều nay anh phải để chị dắt cháu lại đây, bằng không tui giận anh suốt đời đó nghe anh Hương thân.

    Anh Hương thân Chiểu chắc đoán biết ý tui nên chiều hôm đó, chị Hương thân dắt con Kim Liên tới dự tiệc. Con nhỏ bận áo gấm đỏ bông vàng, đeo vàng cả đống trên cổ, trên cườm tay. Ngó cặp bông tai mù u của nó mà tui loá mắt. Vàng nầy nhuộm màu đỏ đường thắng còn giữ sắc mới tinh.

    Con Hai Kim Liên là gái quê, hay mắc cỡ lẩn tránh mỗi khi có ai ngó nó chăm chú. Trong khi đó con út Mộng Nguyệt lãnh phần bồi tiệc, đía dóc vang rân, hết pha lửng với người này lại khôi hài với người khác. Cặp mắt thằng con út tui cứ ngó lén ngó lút cô em con nhà cậu chớ không chịu ngó con Hai Kim Liên. Tui định bụng sau bữa tiệc là sẽ ngăn cấm, không cho thằng út thân mật với con Mộng Nguyệt nữa. Phải rầy rà trừ hao, phải mắng chửi chận đầu tụi nó, có vậy thì mới tránh được hiểm họa sau nầy, há thím Ba!

    Sau bữa ăn mừng, tui lựa lời hỏi thằng Khánh Hỷ:

    – Nè con, con thấy con Hai Kim Liên ra sao?

    Thẳng cười hóm hỉnh:

    – Cô Hai coi cũng mặn mòi bóng sắc, nhưng con không thích đờn bà có cái miệng chúm chím như miệng cá chim, nước da nâu đỏ như thịt khô cá đường. Đã vậy cổ đánh phấn vụng quá, da mặt cổ mốc mốc như da con khô cá tra, khô cá sưởu…

    Vừa nói nó vừa liếc qua con út Mộng Nguyệt. Con nầy túm cặp môi rồi liếc đáp lễ thằng con trai tui, ánh mắt nó long lanh, ướt rượt. Xời ơi, ai mà không biết con nầy có cặp môi trái tim, nước da trắng như phấn, mịn như nhung?

    Lựa lúc không có ai, tui chỉnh Khánh Hỷ:

    – Mầy với con Nguyệt là bà con cô cậu, phải coi nhau như cốt nhục trong nhà. Mầy phải giữ danh giá cho nó chớ. Lý đâu mầy cứ đeo theo nó tò tò, coi không được chút nào. Miệng đời vốn độc địa, nếu tiếng đồn tầm bậy tới tai cậu mầy thì cậu mầy sẽ cằn nhằn tao nhức đầu nhức xương chớ chẳng không!

    Khánh Hỷ ngoan ngoãn:

    – Con xin vưng lời má dạy.

    Cũng vậy, lựa lúc rảnh rang, tui gọi con út Mộng Nguyệt vào buồng riêng, răn đe:

    – Nè con, thằng Hỷ với con như anh em ruột.. Con đừng có vồn vã với nó quá để nó cứ đeo theo chuyện vãn với con. Mình trong sạch thì mình biết, ngặt miệng đời không hiền đâu con à. Con nên nghĩ tình thương yêu của cô đối với con mà gìn giữ cho cẩn thận, kẻo không ba má con từ Mai Phốp cơm ghe bè bạn qua đây mắng nhiếc cô, tội nghiệp cô lắm, con!

    Mặt con ồt đỏ thén như bông bụp, bông lồng đèn. Nó gật đầu lia lịa:

    – Con xin lỗi cô, tại con sơ suất mà cô lo lắng. Con xin vưng lời cô dạy.

    Từ đó hai đứa tỏ vẻ xa cách nhau. Tại mâm cơm, tụi nó trao đổi nhau những câu nghiêm trang, đứng đắn. Tui cũng có bụng mừng thầm.. Thiệt tình tui thương yêu con út Mộng Nguyệt, không hề có ý định trả nó về Mai Phốp.

    Vậy rồi, mầm mống chuyện động trời bắt đầu phát tác thím Ba ơi! Hôm đó thằng Hai chèo ghe chở dừa khô ra chợ tỉnh, thằng Ba quá giang ra xóm Chuồng Gà để coi đá gà. Còn vợ chồng tui đi Lộc Hoà ăn giỗ. Chiều, hai vợ chồng tui về tới nhà thì thấy con Hai Ngọc Trâm và con Ba Tố Nữ vừa ngồi xước mía bên thềm nhà vừa nói chuyện tào lao ra vẻ tương đắc lắm. Còn thằng tú tài của tui cùng con cháu trời đánh chơi trò “rồng rắn”. Con út Mộng Nguyệt hát:

    – Rồng rồng bắt rắn trở lại khoanh đôi. Mạnh thầy bắt được thầy ăn, mạnh tui bắt được tui ăn…

    Thằng con yêu lồi của tui bổ nhào vô con tiện tỳ xí xọn kia, ôm thiệt chặt rồi la:

    – Thầy bắt được rồi đây nè!

    Con út cứ để thằng con tui ôm nhưng miệng làm bộ rủa:

    – Ơ, quỉ yêu gì đâu á!

    Tui kéo ông nhà tui vào sân, quắc mắt nhìn thằng nghịch tử cùng con cháu ác ôn, hỏi:

    – Bây làm cái trò gì vậy?

    Con út ngó tui trân trân, lẽo lự:

    – Tụi con đuổi con rắn mối. Con rắn mối muốn trốn vô bụi cỏ.

    Tui rít lên:

    – Đuổi rắn mối mà sao có cái màn ôm xà nẹo vậy?

    Thằng mắc dịch tráo trở liền:

    – Dạ thưa má, con rắn mối phóng trước mặt em Nguyệt cho nên em Nguyệt hoảng hồn hoảng vía, ôm chầm lấy con cầu cứu.

    Thiệt tình mồm miệng tụi nó lẽo lự quá sức. Bị bắt quả tang ràng ràng mà còn mồm năm miệng mười chối leo lẻo. Tía sắp nhỏ coi vậy mà dễ tin nên can gián:

    – Ơ có chuyện gì đâu mà mụ hạch sách hai đứa nhỏ hỏng biết. Hỷ con, con vô trung đường đánh với tía vài ván cờ cho vui.

    Tui cứng họng ấm ức. Con út Mộng Nguyệt cười mơn:

    – Cô có đói bụng, con dọn cơm cô ăn.. Chèn ơi, chiều nay chị Hai con mua mớ cá bống dừa, con kho tộ nước đặc kẹo, sực nức mùi tiêu hành, ngon ác ôn. Cá bống dừa kho khô mà ăn với canh rau giền, rau tập tàng nấu với tôm quết nhuyễn thì ngon nhứt thế gian!

    Tui háy con cháu, mát mẻ:

    – Mệt quá, tao ăn vàng cũng không ngon.

    Hồi xế chiều, tui lỡ uống trà tàu thứ quạu nên đêm đó khó ngủ, trằn trọc suốt canh hai, canh ba và mắc đi tiểu luôn. Có vậy tui mới bắt được quả tang con cháu tui hò hẹn với thằng con già hàm lẽo lự.

    Tui mở cửa buồng ra hè đi tiểu sau đống rơm chất cao nghệu. Lúc đó bóng trăng treo trên đỉnh ngọ vòm trời, sáng vằng vặc. Tui chợt thấy từ chỗ hai liếp trồng bông huệ có một bóng trắng ẻo lả đi xăm xăm về phía buồng thằng út. ở đó cửa sổ mở toác hoác, ngọn đèn còn khêu sáng. Bóng trắng kia dừng dưới mái hiên gõ cửa. Thằng con tui mở cửa rồi lôi cái bóng trắng đó vô buồng, đóng cả cửa lớn lẫn cửa sổ. Ấnh đèn không còn rọi qua khe lá sách của cửa sổ nữa.

    Sáng hôm sau, tui ngỏ ý với ông nhà tui, trả con út Mộng Nguyệt về Mai Phốp. Mặt mày ổng lộ vẻ sửng sốt trước lời tiết lộ của tui..

    *


    Chuyện đời đâu có suôn đuột như tui tưởng, thím Ba! Chừng hai tháng sau, bà em dâu tui từ Mai Phốp qua, tiết lộ:

    – Con út bỏ nhà đi Sài gòn rồi. Nó có chửa, chị Hai à!

    Tui gượng gạo:

    – Vậy a! Mà nó có bầu với ai?

    Bà em dâu đay nghiến:

    – Chị làm bộ hỏi cho tui tức trào máu phải không? Nó có chửa với ai chị biết rồi mà! Có thằng Khánh Hỷ ở đây, tui vặn cổ nó mới đã nư giận mà! Thằng Hỷ trước khi đi Sài gòn có ghé Mai Phốp thăm vợ chồng tui. Chừng tuần sau, con út nửa đêm lén lấy một mớ nữ trang của tui đi theo thằng Hỷ, để lại bức thơ tạ lỗi. Trời ơi, phen nầy vợ chồng tui có nước đội quần thiên hạ. Thằng Hỷ giết hại đời con gái tui! Trời cao đất dày có thấu không, hả trời!

    Tui mắc cỡ, nhục nhã để đâu cho hết thím Ba! Chồng tui nói xuôi:

    – Tụi trẻ lỡ gây việc chông gai ngang trái như vầy thì tụi mình đành cho hai đứa xáp cục với nhau. Cậu mợ đội quần thiên hạ, không lẽ tui đội nón dứa, má sắp nhỏ đội nón Gò Găng hay sao!

    Bà em dâu vẫn rên rỉ:

    – Trời ơi! Anh em cô cậu mà lấy nhau, trong trào ngoài quận sao khỏi lời kia tiếng nọ!

    Chồng tui an ủi:

    – Còn hơn con gái cậu mợ mang tiếng chửa hoang đẻ lạnh, con trai tui mang tiếng đánh trống bỏ dùi…

    *

    Đám cưới được tổ chức sơ sài để rửa mặt đàng gái. Con út Mộng Nguyệt mặc áo cặp đôi cặp ba, có lẽ để che cái bụng chửa. Cô dâu thiên hạ thì ngoan ngoãn nhu mì, ăn nói nhỏ nhẹ. Đằng nầy nàng dâu Tây học của tui miệng nói không lành da non, ưa chưng bươm bướm ở chỗ đãi ăn, cười giỡn luông tuồng.

    Sau lễ cưới ba ngày, vợ chồng thằng Khánh Hỷ dông tuốt lên Sài gòn. Trong ba ngày tụi nó ở đây, tui có cảm tưởng như cái gai bẹo trước mắt. Cơ khổ, hai mụ dâu của tui, mụ nào cũng có vẻ có cảm tình, trìu mến con út Mộng Nguyệt mới kỳ. Khi con út từ giã để theo chồng lên Sài gòn thì con Hai Ngọc trâm rút khăn ra lau nước mắt, con Ba Tố Nữ cầm xấp cẩm vân màu hoàng yến nhét vô tay con út, nói:

    – Nhớ may áo dài mặc cho chị vui.

    Thiệt tình tui không hiểu con út hàn gắn cách nào mà hai mụ dâu tỏ vẻ thông cảm, thuận thảo với nhau mà vẫn không có vẻ kình chống mẹ chồng. Tụi nó siêng năng làm lụng, thức khuya dậy sớm. Cứ cách chừng mười ngày con út gởi thơ về, không quên kèm theo mục gia chánh để hai mụ dâu tui coi theo đó làm món ăn, làm bánh mứt.

    Tui biết nói sao cho phải trước thái độ siêng năng, cần mẫn của hai mụ dâu? Tụi nó làm lắt xắt tối ngày, đâu đó vén khéo, sạch sẽ. Có hôm ngủ trưa dậy, con Hai Ngọc Trâm ân cần:

    – Con có ngâm mủ trôm để tía má ăn cho mát. Mủ trôm ngâm trong nước nở ra trong như gương, mềm như bông đá, đem ướp lạnh và ăn với đường cát thì mình cảm thấy châu thân mát mẻ cả ngày.

    Vào buổi tối, con Ba Tố Nữ nhỏ nhẹ:

    – Con có nấu sâm thang để má uống cho mát tì mát vị.

    Sâm thang gồm có mía lau, mã đề, rau má, hoài sơn, rễ tranh, nấu chung với đường phèn, uống vào là tui ngủ một giấc thẳng bon cho tới sáng bạch.

    Hai mụ dâu tui còn chịu khó làm mắm, làm dưa dự trữ trong nhà. Hễ tui cùng tía sắp nhỏ đi ăn giỗ, ăn cưới là tụi nó xếp mấy ngăn quả nào bánh men, bánh phục linh, bánh da lợn, bánh thuẫn… Thiên hạ trầm trồ tài khéo của tụi nó làm tui cũng hả hê, đắc ý.

    Con Ba Tố Nữ thường can gián con Hai Ngọc Trâm:

    – Chị có chửa, đừng xốc vác quá mà động tới cái thai, để em làm cho.

    Con Hai cười:

    – Thím cứ để chị làm. Có vận động thì chị mới sanh mau. Còn thím, đang lúc hành kinh thì cứ nghỉ dưỡng sức. Công việc nhà đâu phải chỉ làm một ngày một buổi mà hết. Cứ từ từ mà làm, miễn làm đều đều thì đâu cũng sẽ châu đáo.

    Thơ nào con út gởi về cũng được hai mụ dâu tui thưởng thức tận tình. Tụi nó đọc từng câu rồi đem ra bàn tán, cười rạng rỡ. Con út mở tiệm may áo dài ở Đa kao, nó gởi hàng lụa về cho tui và cho hai chị dâu nó. Nó cũng không quên gởi áo len, nón vớ cho đứa con sắp chào đời của thằng Khánh Hội.

    Nhìn hai mụ dâu đối xử với nhau, lòng tui sao khỏi rúng động? Bởi đó mâm cơm dành cho đờn bà con gái trong nhà xuê xoang hơn. Mỗi khi đi chợ, tui không quên mua những món mà hai mụ dâu tui thích để đãi tụi nó..

    Còn một tháng nữa thì con Hai đập bầu. Thằng Ba Khánh Đản một hôm tiết lộ:

    – Thưa má, vợ con có thai được ba tháng.

    Tui sung sướng quá, lật đật đi tìm hai mụ dâu:

    – Bây nhớ làm hai ngăn quả bánh để đi chùa. Ngăn trên đựng bánh nướng, ngăn dưới đựng bánh hấp. Ba má con mình mang bánh đi chùa là để cầu cho hai đứa bây mẹ tròn con vuông.

    Tui nhìn con Ba:

    – Con vợ thằng giáo rốt cuộc có thai sau con út.

    Con Ba và con Hai liếc nhau cười cười. Sau cùng con Hai Ngọc Trâm bảo:

    – Em Nguyệt tụi con trước ngày đám cưới đâu có thai. Bởi nó quá thương chú Hỷ nên nó nói láo để má cầm trầu cau đi cưới nó. Thiệt ra nó mới có thai một lượt với thím Ba.

    Trời thần ơi! Vợ chồng tui, vợ chồng thằng em tui già đầu mà còn bị con hồ ly tinh Mộng Nguyệt xí gạt. Nhưng không hiểu sao tui vẫn không thể giận nó mới là nghiệt! Tui đưa xấp bạc cho con Hai, bảo:

    – Thây kệ, nó có chửa trước hay sau đám cưới gì cũng vậy. Bây biên thơ biểu nó gắng thu xếp về đây ăn Tết. Còn tụi bây thèm ăn món chi thì mua về ăn cho đã đời. Tới chừng bây nằm chỗ thì chỉ có cơm trắng với cá kho khô, thịt kho quẹt mà thôi!


    Hồ Trường An
Working...
X