Khi ra trường, bốn đứa chúng tôi nhận nhiệm sở bốn trường khác nhau, nhưng cứ vài ba tuần lại tụ họp gặp gỡ, đi chơi. Bữa đó, cô nàng ít nói nhất trong đám thông báo mới có người yêu. Chúng tôi hớn hở:
- Tin vui! Tin vui! Chàng nào có thể phá tan trái tim băng giá của nhà ngươi vậy?
Nó e dè thú nhận:
- Là thầy Hiệu Trưởng trường tao đang dạy đó!
Chúng tôi đồng thanh… hốt hoảng:
- Trời! Cái ông Thầy hơn mày mười bốn tuổi, đang có vợ và hai con đó sao?
- Thế giới này thanh niên trẻ trung nhan nhản, sao lại nhào vô con đường “em mới yêu lần đầu, còn anh đã yêu… nhiều lần sau”?
- Xinh đẹp như mày, gật đầu là bao nhiêu cây si run rẩy, hà cớ gì đi chọn hàng đã có chủ?
Nó nhìn chúng tôi một lượt rồi phân trần:
- Mấy bà cũng đã và đang yêu phải không, chắc cũng biết con tim có lý lẽ riêng…
Tôi cướp lời nó:
- Đồng ý, đồng ý! Nhưng trong trường hợp này, phải cố quên đi, nhất định phải quên đi!
Nó đáp không cần suy nghĩ:
- Trái tim chớ có phải cái máy đâu, mà kêu đóng là đóng, kêu mở thì mở! Mong mấy bà thông cảm và tôn trọng chuyện của tui.
Nó yêu cầu sao thì tụi tôi nghe vậy, mà trong lòng ai cũng tiếc nuối, hoang mang. Nó là đứa hiền nhất, và cũng xinh đẹp nhất nhóm. Trong khi chúng tôi quậy phá thì nó luôn đóng vai trò tháp tùng, không tham gia nhưng luôn mủm mỉm cười ủng hộ những trò đùa của nhóm. Tôi hay ngắm đôi mắt đẹp trên khuôn mặt ngây thơ thánh thiện của nó, rất giống khuôn mặt nàng Meggie trong bộ phim “Những Con Chim Ẩn Mình Chờ Chết” (bản tiếng Anh là The Thorn Birds). Ai dè, cô bé Meggie trong phim có mối tình ngang trái với Cha Ralph, thì nhỏ bạn “Meggie Việt Nam” của chúng tôi lại rơi vào mối tình đầu cũng trái ngang không kém. Nhưng Cha Ralph còn có “nhan sắc” vạn người mê, xứng đôi vừa lứa với Meggie, còn nhỏ bạn tôi, nghĩ sao đi yêu ông Thầy Hiệu Trưởng chả có gì nổi bật, thấp người, hơi đen, khuôn mặt dưới trung bình và tội nặng nhất là đang có vợ con đùm đề. Chẳng lẽ nó nói đúng, con tim có tiếng nói riêng, hoặc là “bùa mê thuốc lú” là có thật? Khỏi nói cũng biết gia đình nó bị shocked cỡ nào!
Nó và tôi thân nhau lắm, vì hai đứa cùng tuổi Ngọ, cùng nhỏ hơn hai nàng còn lại một hai tuổi, và cùng mồ côi mẹ. Trong lớp, nó ngồi cạnh tôi, được tôi nhiều lần cho copy bài kiểm tra, bù lại, mỗi khi lãnh gạo và thịt tiêu chuẩn cho giáo sinh Sư Phạm thì sau giờ học nó ở lại lãnh giùm tôi. Nó là con nhà giàu, ở ngay trung tâm phố thị, căn nhà lầu đúc bốn tầng, số 400 đường Hai Bà Trưng, Quận Một (khác với địa chỉ nhà tôi có tới mấy cái "sẹc" và vài con hẻm, lần đầu ai đi tìm nhà tôi cũng phải lạc vào… mê cung). Tôi thường xuyên ghé qua nhà nó ăn ngủ lúc còn đi học. Những ngày gần Tết, hai đứa ngồi trên sân thượng lộng gió nhìn xuống đường, xe cộ ngược xuôi về hướng chợ Tân Định sắm Tết, lòng cũng rộn ràng theo không khí nao nức mùa xuân. Trước khi tôi ra về, nó thường dẫn tôi qua quán ăn vặt kế bên nhà, của một bác người Bắc chuyên bán các món ăn chơi thanh lịch, món nào cũng trong cái chén nhôm nhỏ xíu, để trong tủ lạnh: bánh Flan, bánh bông lan, sương sa, chè bồ cốt, xôi vò, rượu nếp… rất ngon. Nó đến hẻm nhà tôi cũng mê mẩn khoai mì trộn dừa, cóc ổi ngâm, chuối chiên, khoai chiên, vậy là công bằng, chẳng ai nợ nần gì ai, dù tính ra thành tiền, tôi… có lời chút đỉnh!
Nó thương và tin tưởng tôi nhất trong nhóm. Từ ngày yêu ông Thầy, nó hay tâm sự cho tôi nghe những lần đi chơi lén lút với Thầy. Tôi là người duy nhất nó lôi cả ruột gan phèo phổi ra chia sẻ, rủ tôi đến nhà ông Thầy (lúc ổng vắng nhà) để quan sát gia cảnh, vợ con của ổng. Nghe nó kể lể (có khi còn khóc lóc) thấy thương lắm, nhưng sau đó tôi lại áy náy, có cảm giác đang lừa dối gia đình nó, vì có lần nó đi Vũng Tàu với ông Thầy mà nói là đi... với tôi! Mẹ nó mất sớm, ba nó lúc ấy đang nằm bệnh triền miên, mấy anh chị nó thương tôi như em gái trong nhà, họ rất tin tưởng và nhờ tôi khuyên bảo nó rời xa mối tình này. Tôi bị kẹt cứng giữa hai bên, biết chọn ai bỏ ai?
Tôi bàn với hai cô bạn còn lại, và trong một lần lý trí mạnh mẽ, chúng tôi quyết định theo phe “chính nghĩa”, bí mật báo cáo cho gia đình nó nhất cử nhất động của nó cũng như những buổi hẹn hò với ông Thầy.
Một thời gian sau, phát hiện ra tôi là “điệp viên hai mang”, nó nổi giận đùng đùng và từ mặt cả ba đứa chúng tôi. Nếu chúng tôi tìm đến nhà thì nó chui vào phòng khóa cửa, để chúng tôi dưới phòng khách nói chuyện với anh chị của nó, có khi nó ló đầu trên cầu thang, đuổi chúng tôi về. Nếu chúng tôi tìm đến trường thì nó quăng cục lơ nhìn đi chỗ khác, thậm chí có lần nó còn chỉ thẳng vào mặt tôi:
- Bà đó! Tôi tin tưởng bà thế nào, mà bà lại nhẫn tâm bán đứng tôi? Từ nay bà đừng nhìn mặt tôi nữa, đừng bao giờ, nhớ chưa!!!
Tôi cúi đầu, líu ríu chấp nhận thương đau, chớ nào dám thanh minh thanh nga thanh kim huệ với con tim đang yêu say đắm của nàng, vì nó nói cũng… không sai. Tôi đã không giữ lời hứa, đã phản bội lòng tin của nó, đã “đâm sau lưng chiến sĩ”, còn biết mở miệng than vãn “oan Thị Màu” với ai?
Hai năm sau, chúng tôi nghe tin ông Thầy ly dị vợ và sắp làm đám cưới với nó (gia đình nó đã chịu thua). Được nó hẹn đến nhà để lấy thiệp cưới, chúng tôi sung sướng vội vã kéo đến. Sung sướng vì nó còn thương chúng tôi, tình bạn vẫn còn. Lúc ba đứa tôi gặp mặt nó sau một thời gian dài, ai cũng ngượng ngùng, không nói nên lời, vì biết bao nhiêu công sức đổ ra, tìm “mưu kế” cùng với gia đình nó để… đánh phá, chia rẽ, hãm hại mối tình này, nhưng kết quả thì ngược lại, “đôi trẻ” vẫn yêu nhau trong sóng gió phong ba, đạp lên dư luận thị phi để đến với nhau công khai, danh chính ngôn thuận. Chúng tôi nhận thiệp, chưa kịp nói gì, nó đã phán một câu xanh rờn:
- Người đời chỉ biết lên án, kết tội người thứ ba, chớ đâu ai hiểu trong chăn mới biết chăn có rận. Nếu một gia đình thật sự hạnh phúc thì chẳng có ai chen chân vô được hết á!
Tôi tính lên tiếng tranh luận theo thói quen, nhưng nhìn mặt nó nghiêm nghị quá, tôi không dám hé môi, sợ nó lại nổi giận... đòi lại thiệp cưới.
Lúc tiễn chúng tôi ra về, tôi nán lại đứng riêng với nó, cười thẹn thùng:
- Giờ bà còn giận tui nữa không nà?
Nó liếc tôi:
- Giận thì đứng đây với bà làm chi? Nhưng tui đã hứa với lòng, nếu kiếp sau còn vướng vào tình yêu gập ghềnh nữa thì sẽ không bao giờ kể cho bà nghe.
Vậy là tôi đã mất hết “uy tín” với nó rồi sao? Mà thôi, kiếp sau còn xa lắm, tôi còn dư thời gian để sửa đổi cái tánh... thèo lẻo.
Đám cưới diễn ra ấm cúng trên lầu hai của căn nhà. Chúng tôi âm thầm rủ nhau mặc đồ gọn gàng đến chung vui với nó nhưng vẫn cảnh giác, lỡ bà vợ cũ của ông Thầy xuất hiện “phá đám” thì còn chạy cho lẹ, kẻo mang vạ vào thân.
Từ đó, vợ chồng nó sống hạnh phúc cho đến nay với hai đứa con. Thằng con trai giống mẹ nên đẹp trai, hiền lành, đã tốt nghiệp Đại Học Bách Khoa. Đứa con gái giống bố, cái mỏ dầy cong vếu không khép lại được, nhưng được cái đôi mắt ướt rượt, khéo ăn khéo nói, vừa đậu vào Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Sài Gòn. Còn nó, chưa bao giờ gọi chồng là Anh, mà vẫn gọi Thầy xưng Em ngọt xớt suốt bao nhiêu năm qua, dễ thương không bà con?
Hồi cuối năm tôi phone thăm nó, nghe tiếng bếp núc lạch cạch, tôi hỏi:
- Thầy của bà đâu rồi?
- Kế bên đây chớ đâu! Hai vợ chồng về hưu suốt ngày xem phim nghe nhạc, cơm nước với nhau, vì hai đứa nhỏ đi làm đi học miết.
- Bà đang làm gì đó?
- Từ hồi có dịch tới giờ, tui vẫn làm ruốc chà bông dự trữ trong nhà, Thầy thích món này lắm.
Tiếng Thầy vọng vào phone:
- Nàng ấy thích mà cứ đổ thừa cho Thầy đó Loan ơi!
Tôi nghe nó nguýt Thầy một cái rồi cười khúc khích...
Thì ra câu "tình chỉ đẹp khi còn dang dở…" đúng với ai không biết, còn nó thì "đời vẫn vui khi đã vẹn câu thề"!
Kim Loan