Tôi là kẻ quét rác, xén cỏ trong công viên. Cái nghề ít ai để ý, chỉ có tự tôi hay để ý mình. Người ta gọi đó là mặc cảm, chẳng biết có đúng không?
Nơi tôi làm, đã thành nếp, sáng sớm các cụ vô tập thể dục. Khi các cụ về thì khách thập phương tới. Trưa, họ kéo nhau đi ăn và chiều, lại các cụ và các cháu nhỏ. Mãi tới tối thanh niên mới vào! Cái chu kỳ, chỉ bị phá vỡ vào dịp Tết hoặc ngày chủ nhật. Thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ, ấy là vào giờ nghỉ trưa, các cặp tình nhân đến đây, hú hí vài giờ, rồi lặng lẽ rút. Ðôi khi có một bố già xấu tính, kiếm đâu được cô bồ nhí, đú đởn trong lùm cây, hoặc có gã choai choai ôm eo mụ nạ dòng mập ú. Những ngoại lệ ấy tôi nhổ nước miếng, bỏ qua. Nhưng có một trường hợp khiến tôi day dứt mãi, đó là bà lão, nhìn vẻ ngoài chẳng có gì đặc biệt. Bà xách cái giỏ nhựa, ngày ngày tới ngồi trên ghế đá lặng lẽ têm trầu với cái vẻ lơ đễnh của người vô cảm, không ra buồn cũng chẳng ra nhàn hạ. Dáng bà thanh mảnh, nhưng không phải cái thanh mảnh cuả người thành phố. Nghĩa là hơi thô và cứng. Cái cách bà ngồi đó, không ra người giàu, cũng chẳng thể nói bà nghèo. Ðôi lúc bà cũng đi dạo, nhưng những bước chân tự chúng đưa bà đi đâu đó, chứ quyết không phải bà chủ định tới cái đích nào. Rồi bà ngồi thẩn nhìn vào khoảng không. Tôi đã từng mon men tới gần quét dọn, hy vọng được bà bắt chuyện, nhưng bà lảng sang chỗ khác ngay.
Cái ghế đá ấy, cả năm nay, chỉ dành riêng cho bà. Khi bà về, không còn dấu vết gì, kể cả bã trầu. Bẵng đi hàng tháng không thấy bà tới, lòng tôi bồn chồn lo ngạị chỉ sợ bà đau ốm thì khổ lắm. Nhưng bà lại xuất hiện. Sự xuất hiện cuả bà làm tôi mừng rỡ. Mặc dù nom bà có vẻ gầy hơn, xa vắng hơn. Bà vẫn mặc bộ đồ lụa thẫm giản dị với búi tóc bạc, khoác hờ chiếc khăn nhung mỏng màu đen và vẫn xách giỏ nhựa, âm thầm như cái bóng.
Một lần.. Hai lần... Bà đến rồi đi, tựa hồ có sự phân định nhịp nhàng giống như công việc đơn điệu cuả tôi, tháng tháng lãnh lương, ngày ngày cặm cụi, riết rồi thành quen, thành ra yên phận. Nói là nói thế, những lúc đẩy cái máy xén cỏ rù rì, tôi cũng hay rù rì nghĩ ngợi, rằng chẳng biết thế nào nhỉ? Con người ta có số phận thật. Bà lão ấy ngày ngày ra công viên, chơi một mình, về một mình, chắc hẳn đời sống thanh nhàn lắm? Mà biết đâu chẳng phải thanh nhàn!? Tôi từ tấm bé lận đận, ba má mất sớm, học hành bỏ dở, chỉ biết lo kiếm sống, xin được việc làm ở đây, rồi lấy chồng, sanh con, được cái chồng hiền, con ngoan thế là mãn nguyện lắm. Có lẽ vì thế tôi ít ước mơ, ít nghĩ ngợi. Hễ thấy ai nghĩ ngợi là tôi lo, tôi sợ, mặc dù chẳng biết lo cái gì và sợ cái gì. Sự hiện diện cuả bà lão khiến tôi bối rối. Thương chẳng phải thương. Hình như tôi bị ám ảnh. Sáng ra làm việc, đã thấy bà lão ngồi đó nhai trầu. Tôi thầm theo dõi bà. Bà nhai trầu cho có cái để nhai, rồi lẩn thẩn lục lọi trong giỏ, sau đó ngồi im phắc. Trưa, bà lủi thủi xách giỏ về. Chiều bà lại tới, sự lặp đi lặp lại ấy dai dẳng đến nỗi tôi không chịu nổi.
Một hôm tôi quyết định theo bà, khi cơn dông chiều ập xuống. Bà lập cập xách giỏ, lập cập bước, lập cập cúi chào ông gác cổng rồi men theo lề đường, tới góc phố có ngôi biệt thự, bà dừng bước, mở khoá lách vô. Tôi chưng hửng quay lại, chợt thấy có tiếng ô tô con, kiếng màu, cũng rẽ vào ngôi biệt thự. Tôi cảm thấy vô duyên cho nổi day dứt bấy nay cuả mình. Ngôi biệt thự ấy ngày nào tôi chả đi qua, bốn bề kín cổng cao tường, hoa ti gôn nở rộ, um tùm. Các cánh cửa sổ trên tầng lầu đóng im ỉm, như thể nó đã đóng từ thời xa lắm rồi. Rõ ràng đây không phải là nhà của dân thường! Nhà dân thường chẳng ai, cửa đóng kín thời kinh tế mặt tiền.
Thế nhưng, từ hôm phát hiện ra bí mật ấy, không hiểu vì sao chẳng thấy bà lão ra công viên nữa. Ngôi biệt thự vẫn đóng kín, có cả xe ca và xe tải, chiếc nào cũng ngờm ngợp vòng hoa. Từng đoàn người trang trọng nối đuôi vào viếng. Tấm hình bà lão dán trên góc, bảng cáo phó trước cổng ngôi biệt thự, báo tôi biết bà không còn nữa.
Tự dưng tôi cảm thấy bơ vơ.
Ông già gác cổng đứng nhìn sang đám tang, chép miệng :
- Tội nghiệp bà lão, chết không được một tiếng khóc!
- Hoa nhiều quá, chắc bả làm gì to lắm? - Tôi nói.
Ông già nhìn tôi vẻ thương hại :
- Con bả làm chức to. Hoa cho người sống đấy cháu ạ!
Tôi quay người, lau đi nước mắt...
ST !
Nơi tôi làm, đã thành nếp, sáng sớm các cụ vô tập thể dục. Khi các cụ về thì khách thập phương tới. Trưa, họ kéo nhau đi ăn và chiều, lại các cụ và các cháu nhỏ. Mãi tới tối thanh niên mới vào! Cái chu kỳ, chỉ bị phá vỡ vào dịp Tết hoặc ngày chủ nhật. Thỉnh thoảng cũng có ngoại lệ, ấy là vào giờ nghỉ trưa, các cặp tình nhân đến đây, hú hí vài giờ, rồi lặng lẽ rút. Ðôi khi có một bố già xấu tính, kiếm đâu được cô bồ nhí, đú đởn trong lùm cây, hoặc có gã choai choai ôm eo mụ nạ dòng mập ú. Những ngoại lệ ấy tôi nhổ nước miếng, bỏ qua. Nhưng có một trường hợp khiến tôi day dứt mãi, đó là bà lão, nhìn vẻ ngoài chẳng có gì đặc biệt. Bà xách cái giỏ nhựa, ngày ngày tới ngồi trên ghế đá lặng lẽ têm trầu với cái vẻ lơ đễnh của người vô cảm, không ra buồn cũng chẳng ra nhàn hạ. Dáng bà thanh mảnh, nhưng không phải cái thanh mảnh cuả người thành phố. Nghĩa là hơi thô và cứng. Cái cách bà ngồi đó, không ra người giàu, cũng chẳng thể nói bà nghèo. Ðôi lúc bà cũng đi dạo, nhưng những bước chân tự chúng đưa bà đi đâu đó, chứ quyết không phải bà chủ định tới cái đích nào. Rồi bà ngồi thẩn nhìn vào khoảng không. Tôi đã từng mon men tới gần quét dọn, hy vọng được bà bắt chuyện, nhưng bà lảng sang chỗ khác ngay.
Cái ghế đá ấy, cả năm nay, chỉ dành riêng cho bà. Khi bà về, không còn dấu vết gì, kể cả bã trầu. Bẵng đi hàng tháng không thấy bà tới, lòng tôi bồn chồn lo ngạị chỉ sợ bà đau ốm thì khổ lắm. Nhưng bà lại xuất hiện. Sự xuất hiện cuả bà làm tôi mừng rỡ. Mặc dù nom bà có vẻ gầy hơn, xa vắng hơn. Bà vẫn mặc bộ đồ lụa thẫm giản dị với búi tóc bạc, khoác hờ chiếc khăn nhung mỏng màu đen và vẫn xách giỏ nhựa, âm thầm như cái bóng.
Một lần.. Hai lần... Bà đến rồi đi, tựa hồ có sự phân định nhịp nhàng giống như công việc đơn điệu cuả tôi, tháng tháng lãnh lương, ngày ngày cặm cụi, riết rồi thành quen, thành ra yên phận. Nói là nói thế, những lúc đẩy cái máy xén cỏ rù rì, tôi cũng hay rù rì nghĩ ngợi, rằng chẳng biết thế nào nhỉ? Con người ta có số phận thật. Bà lão ấy ngày ngày ra công viên, chơi một mình, về một mình, chắc hẳn đời sống thanh nhàn lắm? Mà biết đâu chẳng phải thanh nhàn!? Tôi từ tấm bé lận đận, ba má mất sớm, học hành bỏ dở, chỉ biết lo kiếm sống, xin được việc làm ở đây, rồi lấy chồng, sanh con, được cái chồng hiền, con ngoan thế là mãn nguyện lắm. Có lẽ vì thế tôi ít ước mơ, ít nghĩ ngợi. Hễ thấy ai nghĩ ngợi là tôi lo, tôi sợ, mặc dù chẳng biết lo cái gì và sợ cái gì. Sự hiện diện cuả bà lão khiến tôi bối rối. Thương chẳng phải thương. Hình như tôi bị ám ảnh. Sáng ra làm việc, đã thấy bà lão ngồi đó nhai trầu. Tôi thầm theo dõi bà. Bà nhai trầu cho có cái để nhai, rồi lẩn thẩn lục lọi trong giỏ, sau đó ngồi im phắc. Trưa, bà lủi thủi xách giỏ về. Chiều bà lại tới, sự lặp đi lặp lại ấy dai dẳng đến nỗi tôi không chịu nổi.
Một hôm tôi quyết định theo bà, khi cơn dông chiều ập xuống. Bà lập cập xách giỏ, lập cập bước, lập cập cúi chào ông gác cổng rồi men theo lề đường, tới góc phố có ngôi biệt thự, bà dừng bước, mở khoá lách vô. Tôi chưng hửng quay lại, chợt thấy có tiếng ô tô con, kiếng màu, cũng rẽ vào ngôi biệt thự. Tôi cảm thấy vô duyên cho nổi day dứt bấy nay cuả mình. Ngôi biệt thự ấy ngày nào tôi chả đi qua, bốn bề kín cổng cao tường, hoa ti gôn nở rộ, um tùm. Các cánh cửa sổ trên tầng lầu đóng im ỉm, như thể nó đã đóng từ thời xa lắm rồi. Rõ ràng đây không phải là nhà của dân thường! Nhà dân thường chẳng ai, cửa đóng kín thời kinh tế mặt tiền.
Thế nhưng, từ hôm phát hiện ra bí mật ấy, không hiểu vì sao chẳng thấy bà lão ra công viên nữa. Ngôi biệt thự vẫn đóng kín, có cả xe ca và xe tải, chiếc nào cũng ngờm ngợp vòng hoa. Từng đoàn người trang trọng nối đuôi vào viếng. Tấm hình bà lão dán trên góc, bảng cáo phó trước cổng ngôi biệt thự, báo tôi biết bà không còn nữa.
Tự dưng tôi cảm thấy bơ vơ.
Ông già gác cổng đứng nhìn sang đám tang, chép miệng :
- Tội nghiệp bà lão, chết không được một tiếng khóc!
- Hoa nhiều quá, chắc bả làm gì to lắm? - Tôi nói.
Ông già nhìn tôi vẻ thương hại :
- Con bả làm chức to. Hoa cho người sống đấy cháu ạ!
Tôi quay người, lau đi nước mắt...
ST !