Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

L á K h ô n g R ụ n g V ề C ộ i

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • L á K h ô n g R ụ n g V ề C ộ i


    L á K h ô n g R ụ n g V ề C ộ i







    1.

    Buổi chiều ngột ngạt. Không gian như một cái bình nhớt cũ quánh đặc. Cây lá im ắng. Mọi thứ báo hiệu sẽ có một trận mưa lớn, nhưng chừng nào trận mưa ấy chưa tới, thì con người còn bị đè nặng, mệt mỏi theo cơn chuyển dạ của đất trời.

    Trong một góc phòng nhỏ của mẹ con Thu, chiếc máy may vẫn vang lên tiếng lạch xạch đều đều. Thu thoăn thoắt đưa tay đẩy vải. Còn hai bộ đồ nữa phải làm gấp để kịp giao cho khách vào sáng mai. Cái đầu Thu căng ra vì những tính toán vụn vằn. Mai giao hàng cho khách là có tiền. Vừa lúc phải đóng tiền lớp Anh văn cho nhóc Huy, mua thuốc cho mẹ, hũ gạo mới vừa hết… Ðủ thứ việc cần tiền mà đồng tiền mồ hôi sao nhỏ nhoi quá thể.

    Cũng may là nhóc Huy học giỏi, siêng năng nên Thu cũng đỡ lo. Huy đi học về đã biết phụ mẹ dọn vải vụn, cắt chỉ, lo bắc nồi cơm, lặt rổ rau khi gần tới giờ cơm mà mẹ còn mải miết may đồ khách. Thằng nhỏ cũng ham chơi, nhưng không phá phách nghịch ngợm nên coi bộ dư dả thời gian ở nhà hơn mấy đứa khác. Nó sống trầm lặng. Suốt ngày, nếu không học bài hay đi đá banh thì nó chúi mũi vào mấy cuốn truyện tranh. Nó chỉ mê mỗi truyện tranh, có bao nhiêu tiền mẹ cho ăn sáng cũng để dành mua truyện đọc. Cô giáo chủ nhiệm cứ nhắc chừng Thu về vụ thằng bé cứ mang truyện vào lớp, xao nhãng chuyện học hành. Cuốn tập của nó, viết được vài trang là nó vẽ loạn lên đó, từ công chúa tóc vàng đến mụ phù thủy gớm ghiếc, từ con cóc xấu xí đến chàng hiệp sĩ oai hùng. “Thấy bé có năng khiếu, chị nên cho bé đi học vẽ thêm…” – cô giáo nhắc vậy. Nhưng Thu, dù thương con mình đứt ruột cũng lắc đầu nói không, vì cái gánh cơm áo gạo tiền với Thu hiện tại đã quá nặng. Dứt khỏi một công việc lương cao nhưng suốt ngày phải chạy lông rông ngoài đường, chấp nhận ngồi may “cong xương sống”, để có thêm thời giờ ở nhà lo kèm đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn học hành, lo chăm sóc người mẹ già bị tai biến thay cho mấy anh chị lập gia đình ở xa… không phải là chuyện dễ làm. Nhưng rồi ơn Trời, mọi việc cũng qua. Thu khéo tay, lại cũng thích thiết kế những mẫu áo mới, nên ai đã tới làm khách của Thu thì tới hoài, dù ngoài chợ vẫn bán đầy đồ “lên” sẵn.

    Có tiếng tằng hắng ngoài hiên. Thu ngẩng lên. Là Dũng.

    Dũng ngồi đó từ hồi nào. Dáng ngồi gù gù, nhẫn nại. Cái dáng ngồi dễ làm mủi lòng người.

    Thu thản nhiên như chưa hề thấy sự có mặt của Dũng. Thường khi, Dũng tới nhà cũng đứng loanh quanh hết ngoài sân tới vào thềm nhà ngồi, ngắm nghía mấy chậu cây kiểng, giỡn với con mèo già nằm trầm ngâm góc sân, rồi… lôi tờ báo trong xe ra đọc. Thỉnh thoảng, Dũng đánh tiếng hỏi một hai câu về Huy. Thu nghe câu được câu mất, nghe câu nào trả lời câu ấy, như một cái máy. Thu không tỏ ra vồ vập, cũng không tỏ vẻ giận hờn. Chỉ là, trong mắt Thu, Dũng chỉ là một người khách không mời. Dũng biết mình là người thừa, nhưng không thể không lui tới.

    Mưa đột ngột. Thu bước ra sân, rút mớ đồ ngoài dây phơi vào nhà. Dũng phác một động tác gì đó như để giúp nhưng Thu làm như không thấy. Không có Dũng thì ai làm? Thu cần một người có mặt bên mình hàng ngày hàng giờ, để chia sẻ mọi việc, để nói chuyện vui buồn với Thu, chớ không cần một người chỉ biết lâu lâu xuất hiện ngoài sân nhà... Ngay cả nhóc Huy cũng vậy. Nó cần một thứ khác thiêng liêng hơn là mớ quà bánh và những lời hỏi han như được lập trình. Một đôi lần, Thu đã nói điều đó với Dũng, nhưng không nhận thấy một hồi đáp tích cực.

    2.

    Cái hôm định mệnh đó, Thu ngồi ở cà phê Mây. Quán bữa đó tự nhiên vắng vẻ lạ lùng. Thu ngồi thu lu một góc ghế trên cái gác gỗ lộ thiên, dưới tàng cây mận trổ hoa trắng, trước mặt là cái bàn gỗ vuông vức, đóng bằng gỗ tạp, mặt bàn đóng bằng ba mảnh ván như một cái bàn tạm trong bếp nhà ai đó. Trên bàn có một cái chén cũ, men đã rạn, đựng đầy nước và thường có một bông cúc vàng hay tím lửng lơ nằm trên mặt nước, như một nụ cười với khách.

    Khi muốn cà phê thư giãn đầu óc một chút, Mây là cái quán duy nhất ở thành phố mà Thu nghĩ tới, và chỉ ngồi một mình. Cái quán nhỏ, chứa chừng khoảng vài mươi khách một lúc, nhưng chưa bao giờ thấy ngồi kín bàn. Lần đầu đi với bạn tới đây, thoạt nhìn quán Thu đã thấy không “bắt” vì bên ngoài nó không khác gì cái lò gạch cũ. Tuy nhiên, khi bước qua ngạch cửa nhỏ vào bên trong, thì một không gian xanh tươi khác mở ra với tiếng suối reo, chim hót và nhiều hoa lá. Góc sân, gần chỗ cổng ra vào có một cây mận lớn, trái nhỏ nhưng thơm. Chủ quán thiết kế một cái gác gỗ lộ thiên dưới tán mận, đủ kê ba cái bàn nho nhỏ. Ngồi trên đó, có thể ngắm toàn bộ sân vườn phía dưới. Mảnh gác bé tẹo ấy như một không gian riêng tư vừa đủ để khách ngồi ngẫm ngợi một mình hay trò chuyện với bạn.

    Bữa đó, Thu không biết, góc sân bên dưới cũng có một người ngồi giống mình. Thu ngồi được một lúc, thấy anh ta lững thững lên gác, kéo ghế ngồi bàn kế bên, kêu cà phê rồi… bắt chuyện làm quen Thu.

    Thu thấy xao xuyến ngay từ khi anh ta bước sang bàn mình ngồi. Tuy vậy, cô vẫn giữ một thái độ chừng mực, nói cười đáp lễ. Sau này, anh nói, chính nụ cười La Joconde của cô đã kéo anh tới với Thu. Thực ra, anh cũng hay ngồi một mình ở đây, những lúc rảnh rỗi. Nghề viết lách khiến anh cần những khoảng không gian riêng tư như thế này, bởi vậy, anh nhìn thấy ở Thu một cái gì đó đồng điệu. Sau này quen nhau lâu, anh mới kể: có lần, bắt gặp Thu vừa điện thoại cho bạn vừa mỉm cười, anh đã… phát điên lên trước nụ cười đó và quyết tâm chinh phục cô. Trong nhiều năm đi làm, Thu cũng quen nhiều người, cũng có người tán tỉnh Thu, thậm chí đặt vấn đề cưới hỏi Thu, cô đều lắc đầu. Vậy mà cái kiểu nói chuyện của anh làm cô xiêu lòng.

    Cái gác gỗ đó đương nhiên trở thành nơi hò hẹn. Cái bàn góc nơi cây mận trổ bông trắng như thể là bàn được dành riêng cho họ. Cả ngàn ngày đã trôi qua. Rồi một ngày nắng đẹp, góc bàn nhỏ xíu đó trống một chỗ ngồi.

    3.

    Người đàn ông bối rối trước ánh mắt thẳng thắn, có phần hơi quyết liệt của thiếu phụ. Ánh mắt và nụ cười dịu dàng từng làm lòng anh cảm thấy rất yên bình bây giờ lại khiến anh đau đớn đến ngộp thở. Bàn tay thuôn mềm, có đeo chiếc vòng cẩm thạch màu hoa lý đã từng làm anh giật cả mình khi được cầm gọn nó trong tay mình, đang hờ hững đặt trên bàn. Anh muốn cầm lấy bàn tay ấy, vuốt ve âu yếm, và sau đó là những nồng nàn như đã từng. Nhưng hình như nàng đã trở thành một người khác. Sự lạnh lẽo toát ra từ nàng như hơi lạnh từ một quả cầu tuyết vừa kích thích anh tới gần vừa đẩy anh ra xa. Thậm chí anh cũng không biết nói gì với nàng.

    Nhiều năm rồi, anh mới gặp lại nàng. Chuyến đi sang tận trời Tây không ngờ đã kéo anh xa nàng lâu đến vậy.

    Người chủ quán nói, thỉnh thoảng nàng vẫn tới Mây, một mình. Thỉnh thoảng lại dẫn theo một bé con. Không thấy đi cùng ai khác.

    Nàng đã lập gia đình?

    Mà thật ra, anh có quyền gì để hỏi nàng điều đó. Anh đã bỏ nàng đi quá lâu. Hơn thế nữa, bên cạnh anh, còn có một gia đình. Người phụ nữ bên cạnh anh sống chỉn chu ngăn nắp, hai đứa con anh được nuôi dạy đầy đủ, có cuộc sống không thua gì những đứa trẻ vốn được sinh ra để hưởng thụ. Nếu anh không đi xa như vậy, lâu như vậy, cuộc tình giữa anh với nàng không biết nay đã ra sao. Tuy nhiên, anh vẫn cảm thấy tiếc nuối. Nàng thông minh và hiểu biết quá nhiều. Thiếu nàng, anh thiếu đi một phần cuộc sống. Nhưng, nếu ngày xưa cứ ở mãi bên cạnh nàng thì có tốt không? Không có cái gì bảo đảm là cuộc sống của anh và nàng sẽ đủ đầy sung túc để cho anh thỏa sức sáng tác, để cho nàng sớm đạt được ước mơ của mình là đi chu du khắp nơi.

    Chỉ khi anh nhìn thấy thằng bé bước vào từ ngoài cổng thì anh run lên.

    Nó giống anh như tạc.

    Và nàng, vẫn dịu dàng một cách bí ẩn:

    - Anh cứ đến thăm con. Con cần một người cha. Nhưng em thì không cần một người đang phải gánh vác trọng trách của một người chủ gia đình khác.

    4.

    Tiếng máy may vẫn vang lên lạch xạch đều đều trong căn phòng mười sáu mét vuông. Bóng Dũng cao cao, gù gù, đang dắt xe ra khỏi cổng. Thu thở dài. Má cô từng căn dặn: “Con phải có trách nhiệm nói cho thằng nhỏ biết nguồn cội của mình, để cho Dũng có thể lui tới mà thăm con… Lá rụng về cội, gì thì gì, rồi nó cũng lại quay về với cội nguồn của nó thôi con ơi!”

    Nhưng, dẫu cố gắng lắm thì cái người mà thằng nhóc phải gọi bằng cha ấy không gây ấn tượng gì cho nó. Dũng tới rồi đi, dù lâu mau, cũng giống như một người khách. Nếu nó ở nhà, nó sẽ ân cần chu đáo với Dũng, nhưng cha con vẫn mơ hồ một khoảng cách. Nó chỉ thắc mắc: “Giờ con mới biết là ba đi làm xa đó mẹ. Nhưng Ba đi làm việc gì mà đi hoài vậy, mẹ? Ði riết tới nỗi khi con lớn như vầy mới về. Trong nhà, chuyện gì ba cũng không biết, chuyện gì cũng hỏi con hết á… Mà tại sao ba già rồi, không về nhà nghỉ luôn hay chuyển công tác cho gần nhà, đi xa làm gì đi hoài vậy chứ?”

    Thu đã ngẩn người thật lâu trước câu hỏi của con. Nó có lý của nó. Ðừng tưởng trẻ con không biết gì, chỉ là, nó không nói hết những điều nó biết cho người lớn biết thôi. Rồi Thu nghĩ đến câu má hay nhắc “lá rụng về cội”. Liệu cái gọi là cội kia có đủ sức nặng để níu lá rụng về ngay gốc, hay chiếc lá có khi chưa tới lúc lìa cành đã bị gió bứt đi, mang về một nơi nào đó?

    Cẩm Giang

Working...
X