Nguyễn An Nhiên
Me tôi rất đặc biệt. Bà không giống bất cứ hình ảnh người mẹ Việt Nam nào trong thơ văn mà tôi từng được đọc qua. Me không “gầy ốm, còng lưng” đã đành, me cũng không “chịu thương, chịu khó, tất cả dành cho con” hay “lấy con cái làm mục đích của cuộc đời mình” như phần lớn những đặc điểm được tôn vinh của “người mẹ Việt Nam.”
Me tôi thích cãi tay đôi với con cái như với bạn bè, và khi đuối lý nói không lại thì tức tối la, “khỉ mốc,” rồi xòa ra cười khi anh Thanh tôi vờ hoảng hốt, “chao ôi, tới mà nghe nữ cử nhân văn chương Hán Việt ăn nói tề.” Ngày còn trẻ me dạy Việt Văn, lại thêm ra trường bằng Hán Nôm nên chúng tôi gọi me là “nữ cử nhân văn chương Hán Việt.” Me rất yêu thích danh hiệu này và lấy làm hãnh diện khi được con cái gọi như vậy, dù cả khi chọc ghẹo.
Me không chiều chuộng con cái lắm, trừ khi đứa nào bị bệnh. Mọi việc đều dựa trên nguyên tắc “công bằng,” trong nhà mọi người lớn nhỏ đều được chia phần đều nhau, từ đứa nhỏ nhất cho đến me, và sau đó thì đừng hòng đem “tình mẫu tử” ra lung lạc.
Nấu ăn không phải là điểm mạnh của me tôi, và bà không hề cố gắng che giấu việc mình không thích thú bếp núc lắm. Me có một vài món tủ rất ngon, nhưng bà làm bếp tùy hứng, và chỉ nấu ngon khi có hứng mà thôi. Làm con gái và con dâu me đều may mắn vì bà không dùng khả năng nấu ăn để đánh giá một phụ nữ. Me tuyên bố, “học văn hóa mới khó, nấu ăn dễ ẹt. Nếu me có thể làm một vài món, thì ai cũng có thể vào bếp cả. Đừng lo.” Nhờ me mà tất cả chúng tôi đều rất dễ chịu trong việc ăn uống, mặc dù đứa nào cũng biết thưởng thức món ngon. Các anh tôi ai cũng biết ít nhất một hai món “phòng thân” để sử dụng khi “nữ cử nhân văn chương” bận rộn việc xã hội.
Nói ra thì thấy mình bất hiếu, nhưng tôi sợ nhất khi phải đi với me ra chỗ công cộng, vì me nói rất to, và nói tiếng Việt tỉnh bơ như đang ở nhà vậy. Mỗi lần đi shopping là y như rằng hằng chục cặp mắt dán vào chúng tôi, tôi thì đỏ mặt kéo kép tay ra hiệu me nói nhỏ lại, nhưng bà thì tỉnh bơ. Mỗi khi xem phim ngoài rạp cũng vậy, me liên tục la “chao ôi, dễ sợ quá” hay “tội nghiệp ghê chưa” và giật thót mình trên ghế y như sự kiện ấy đang xảy ra với me chứ không phải trong phim. Tôi luôn phải ngồi thụp xuống, co hai chân lên ghế giấu mình, mặc dù trong rạp tối om mà cứ có cảm tưởng cả mấy chục người xung quanh đang nhìn hai me con.
Me tôi “khác người” như vậy nhưng không có mặt me gia đình tôi như mất cả linh hồn. Bạn bè tôi đứa nào đến nhà rồi cũng thích me vì bà luôn vui vẻ và đùa với tụi nó như bạn ngang hàng. Đó là những đứa me thích kìa, đứa nào xui xẻo làm mất lòng bà là mặt bà lạnh tanh như nước đá, ư hử chiếu lệ và quay lưng như người ta không hiện diện trước mắt. Những ngày giỗ chạp, lễ tết, ba luôn nghiêm trang đứng đầu bà nói vào câu với gia đình, cầu nguyện cho sự an lành và khuyên bảo các con vài lời. Me đứng bên cạnh, hơi lùi ra sau một chút, hai tay chắp trước bụng nghiêm trang nhưng mặt thì quay ngang dọc xem thức ăn có thiếu món gì không, có đứa nào quay phim chụp hình hay chưa, và có khi mắt mũi nháy nhó khi ba nói những câu “quá đàng hoàng”. Tất cả những cảnh ấy hiện lên video rõ mồn một và cả nhà không nhịn được cười, ngay cả ba cũng chỉ hiền lành “hì hì” vì biết rõ không thể bắt me đứng yên dù chỉ một phút.
Vào lễ Noel, lúc nửa đêm cả đại gia đình tụ họp bên cây thông xanh mở quà Giáng Sinh. Phong tục này mỗi năm một kéo dài hơn vì thành viên trong nhà ngày càng đông hơn. Mọi người hớn hở mở quà, còn những đứa nhỏ háo hức đợi đến lúc cuối, khi đống giấy bao và hộp quà được dồn lại một núi cao, chúng theo chân bà “quậy” nhảy lên nhảy xuống cho núi rác ấy dẹp lép để dễ dàng bỏ vào recycle bin cho nhân viên đổ rác lấy vào ngày hôm sau. Sau đó cả bà cả cháu chạy vòng vòng rượt đuổi vô tư cho đến khi mệt lử mới thôi. Ngày Tết cổ truyền Việt Nam, các anh chị luôn cố gắng về nhà vào đêm mồng 1 Tết, ăn uống rồi đánh bài suốt đêm. Me có cách đánh bài rất khủng khiếp, hễ thắng thì thôi, nhưng thua là chồng tiền gấp đôi để gỡ vốn, thua bao nhiêu bàn là chồng gấp đôi bay nhiêu lần. Mặt bà lầm lì như đang ở sòng bài chuyên nghiệp làm không ai nhịn được cười. Chúng tôi đánh bài thì ít nhưng quậy phá và kể chuyện cười thì nhiều, dĩ nhiên me đóng một vai trò không nhỏ trong các mục đó.
Ngày còn nhỏ chúng tôi có lúc than phiền với nhau sao me mình không giống những bà mẹ khác, những bà mẹ của bạn bè mà khi đến nhà chơi chúng tôi luôn được quan tâm chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ, những bà mẹ mà con cái chỉ về trễ một tiếng là cuống lên đi tìm, những bà mẹ luôn biết từng việc nhỏ con cái đã làm trong một ngày qua. Đến khi trưởng thành chúng tôi thấy mừng vì me có khả năng từ tìm niềm vui của mình trong những công việc yêu thích. Chúng tôi từng đứa lập gia đình, ra riêng, đi học đi làm xa, để lại ba me đằng sau lưng. Nếu từ trước đến bây giờ không có những công việc riêng ngoài con cái, e rằng me tôi sẽ như nhiều bà mẹ khác, bị xốc vì cảm giác bị bỏ rơi. Qui luật tự nhiên làm tụi trẻ hăm hở lên đường theo đuổi lý tưởng của mình. Chúng tôi biết me nhớ mình, nhưng chưa bao giờ phải cảm thấy “có lỗi” vì mình có những sở thích riêng và mục đích sống khác hẳn mọi người. Cuối tuần hoặc ngày lễ cả gia đình tụ họp ăn uống, cười đùa rồi lại ra về trả lại không gian thoải mái cho “ông bà” làm vườn, viết lách, vẽ vời.
Tôi thấy mình thật may mắn khi có một người mẹ đặc biệt như me.
Nguyễn An Nhiên