Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Dòng Sông Vĩnh Biệt - Lê Luyến

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Dòng Sông Vĩnh Biệt - Lê Luyến

    Dòng Sông Vĩnh Biệt
    Lê Luyến

    - Ngay hôm nay à?
    - Vâng. Tiếng người con gái trả lời vội vã ở bên kia đầu dây nói.
    - Ba và ngoại có khỏe không? Ðã báo tin cho anh Trung biết chưa? Người thanh niên hỏi lại.
    - Cả nhà vẫn khỏe. Tinh thần ba rất tốt để chuẩn bị trị liệu. Vợ chồng anh Hai sáng mai sẽ có mặt. Cả nhà chỉ còn trông chờ mỗi mình anh.
    - Anh sẽ cố gắng và khi nào có ngày giờ lên đường anh lập tức báo cho em biết ngay.
    - Không cố gắng gì hết, chắc chắn anh phải có mặt hôm nay hoặc ngày mai. Ba bảo đang mong gặp mặt tất cả mọi người.
    - Ok, em yên trí.
    Nghĩa đặt điện thoại xuống rồi không lưỡng lự một giây, anh bấm số gọi đến sở làm xin nói chuyện với chủ. Câu chuyện ngắn ngủi chấm dứt sau vài phút rồi Nghĩa mở computer, lên mạng tìm chuyến bay đi gấp Cali. May quá, có standby ticket đây rồi. Nghĩa lại nhắc phone gọi Hiền báo giờ ngày anh đến phi trường cho nàng biết để ra đón.
    Trời Maryland mấy hôm nay mây mù ảm đạm có nhiều mưa bay lất phất, đang sắp vào tiết lạnh. Nghĩa xếp nhanh vài bộ quần áo vào chiếc vali nhỏ kéo tay và phân vân không biết có nên mặc áo khoác và đội mũ ấm không? Có khi để đầu trần và mặc sơ mi ngắn tay lại hóa hay, thích hợp hơn với trời Cali đang hanh nắng. Từ bấy lâu vùng thung lũng hoa vàng vẫn luôn là nơi khí hậu ấm áp kia mà. Nghĩa tặc lưởi, bước ra xe mở máy. Anh đang vội. Trên đường lái ra phi trường, Nghĩa băn khoăn tự hỏi: còn hai hôm nữa ba mới phải làm chemo, vậy sao hôm nay ba lại gọi mọi người về sớm để làm gì? Nhưng cũng không sao, về sớm trước vài hôm để ba được vui cũng tốt mà.

    Căn bệnh trầm kha của bố Nghĩa mấy năm nay vẫn là nổi lo sợ thường trực ám ảnh cả gia đình. Ông Khải đã âm thầm vật vã với bệnh hoạn và thân xác ông mỗi ngày một thêm teo tóp. Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết trong thời gian không xa ông sẽ giã từ mọi người ra đi. Biết vậy nhưng anh em Nghĩa vẫn quyết không chịu bó tay đầu hàng số phận. Họ cố gắng chạy chữa hết sức mình để kéo dài chuỗi ngày sống bên cạnh người bố thân yêu mà cả đời đã vì họ chấp nhận sống cô đơn vò võ, cực nhọc hy sinh tất cả để nuôi cho các con ăn học thành tài, nên người.

    Ông Khải góa vợ từ ngày còn ở trong nước, lúc người con trai cả mới lên chín và cô gái út vừa chập chững đến trường học lớp mẫu giáo. Ngày mẹ mang bạo bệnh qua đời, Nghĩa và Hiền còn bé quá chưa kịp nhận biết nỗi đau cốt nhục phân ly. Ngoại và dì ôm hai cháu vào lòng nức nở. Cậu Ba lặng lẽ chui vào một xó tối ngồi thổn thức không thành tiếng. Cả nhà chỉ có mỗi mình anh Trung là kêu gào khóc lóc đòi mẹ. Ba được tin, từ vùng hành quân vội vã trở về để kịp nhìn mặt và tiễn đưa người trăm năm về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đám tang, nhà buồn như nấm mồ. Ba âu sầu tuyệt vọng, mặt mày còn đọng đầy dấu vết bàng hoàng, ngơ ngác trước cái chết tức tưởi đột ngột của người vợ hiền. Ông ở nhà với các con đủ mười hôm phép rồi lại lên đường ra mặt trận.
    Niềm đau chưa nguôi thì những biến động dồn dập của thời cuộc không cho phép gia đình có thời gian để bi lụy. Nỗi âu lo hiện rõ trên khuôn mặt mọi người dân. Thành phố biển quê ngoại ngập tràn các sắc áo lính và dân từ các nơi chạy giặc đến. Mấy tháng trôi qua ba vẫn biền biệt, chỉ có tin nhắn về. Những đoàn quân xa chở súng đạn, chở lính chạy đi chạy về như mắc cửi. Ngoài khơi thấp thoáng bóng tàu Hải Quân lớn bé rải rác khắp nơi. Chưa bao giờ người dân ở đây phải sống căng thẳng như thế. Không khí chiến tranh hãi hùng, dầu sôi lửa bỏng như đang sùng sục trước mắt. Người ta đang dàn trận khắp nơi, trên bộ dưới biển để chống kẻ thù xâm lăng phương Bắc đang lăm le tiến chiếm thủ đô Sài Gòn. Thế rồi vào một đêm tháng Tư, súng lớn, súng nhỏ bỗng thi nhau nổ vang rền. Bầu trời chợt bừng sáng lên bởi những ánh hỏa châu treo lơ lửng và không gian Vũng Tàu bé nhỏ bị những tấm lưới lửa đan dày. Cả nhà đang kinh hoàng thì Ba và một số quân nhân nón sắt áo giáp lấm bụi đường xa, trên mình mang đầy súng đạn, đi trên mấy chiếc xe nhà binh lem luốc bất ngờ xuất hiện, đưa cả gia đình ngoại lên xe chở chạy về hướng Bãi Sau. Nơi đây, Nghĩa đã thấy vài đứa bé trai gái cùng trang lứa. Ba tìm gặp mấy người sĩ quan Hải quân nói chuyện gì đó rồi quay lại với gia đình. Ông chỉ kịp trao mấy túi lương thực và dặn dò cậu, dì lo cho ngoại với các cháu. Ba trầm tĩnh nói:
    - Mẹ và hai em yên tâm đưa các cháu lên tàu di tản trước. Con trở lại đơn vị và sẽ đi sau.
    Dặn rồi ông bước đến ôm ba con thơ vào lòng, âu yếm hôn từng đứa. Lát sau, ông lẳng lặng quay đi, dẫn đám lính bước ra xe trở về lại đơn vị, tiếp tục cuộc chiến đấu chống kẻ thù vừa tấn công thành phố trước khi con tàu quay đầu chạy ra khơi. Cả nhà bật khóc nức nở, ngoại và dì kêu gọi tên ba khản tiếng nhưng tất cả đã bị át đi bởi những âm động vang rền dữ dội của tiếng súng đại bác. Mọi người được các chú lính Hải Quân đưa hết xuống tàu. Một đêm kinh hoàng và hỗn loạn đau thương. Bình minh hôm sau tàu nhổ neo, trực chỉ hướng ra phía biển khơi.
    Hơn tháng sau, cả nhà mới gặp lại ba tại căn cứ Hải quân Hoa Kỳ trên Vịnh Subic, Phi luật Tân. Trông mặt ba già sọm và ông trở nên biếng nói nhác cười, trầm tư tự bao giờ. Cả nhà mừng vui không sao kể xiết. Chiến tranh vốn vô tình, đã có bao gia đình vĩnh viễn mất đi người thân khi sắp tàn cuộc chiến.
    Sau đó, chúng tôi được đưa đến Mỹ định cư với tư cách người tỵ nạn chính trị. Thời gian kế tiếp là chuỗi năm tháng dài đăng đẳng đầy phiền muộn, buồn đau của những con người vừa đánh mất tổ quốc, phải sống lìa xa quê hương với mặc cảm dằn vặt và nỗi cô đơn chán chường trên mảnh đất tạm dung. Anh em Nghĩa thương nhớ mẹ hiền chỉ qua di ảnh trên bàn thờ và biết về mẹ qua ký ức của ngoại và dì Út. Ngoài ra, trong mắt mấy đứa bé mồ côi chỉ có duy nhất tình yêu của người cha với tất cả nỗi yêu thương đằm thắm ngọt ngào riêng dành cho chúng tôi.

    Người Việt bỏ nước ra đi tỵ nạn mỗi ngày một đông. Cộng đồng ngày càng khởi sắc lớn mạnh trông thấy. Lác đác đã có chuyện cưới hỏi. Một hôm, ngoại đi dự tiệc cưới của gia đình người quen, khi về nhà ngoại ôm chúng tôi vào lòng vẻ mặt có chiều suy nghĩ lung lắm rồi chợt gọi ba đến. Ngoại bảo:
    - Mấy đứa cháu còn bé quá, tuổi đời con cũng chưa hẳn đã già lắm, mẹ nghĩ là con nên tục huyền để có người giúp con chăm lo cho các cháu.
    Một thoáng buồn hiện ra trong khóe mắt ba nhưng tan biến thật mau. Giọng ba tỉnh queo:
    - Mẹ đừng lo. Các cháu đã có bà ngoại và dì Út chăm sóc chu đáo rồi, vả lại...
    Ngoại tằng hắng ngắt lời ba:
    - Thằng ba, con út rồi cũng phải lấy vợ, lấy chồng ra sống riêng. Mẹ thì càng ngày càng già. Dẫu sao con cũng cần phải có một người đàn bà để đỡ đần săn sóc cho cuộc đời của con nữa chứ.
    - Mẹ quên là con đã có một người rồi sao.
    Vừa nói vừa chỉ tay lên bàn thờ má. Ba đùa mà giọng ướt sũng nỗi xót xa nghẹn ngào, trong lúc ngoại lắc đầu quay đi để kịp dấu đôi dòng lệ thương cảm đứa con rể chung tình, sống vò võ một mình, chịu cảnh gà trống nuôi con hằng bao nhiêu năm rồi.
    Ba không tu hành mà tự nguyện kiềm thúc, tiết chế tối đa những quyến rũ sân si. Ông sống như một nhà tu đạo hạnh, tự khép mình vào khuôn khổ giới luật khắt khe. Ngoài thời gian làm việc hai jobs ở hãng xưởng trở về nhà, ba chỉ quanh quẩn bên các con, chăm sóc từng miếng ăn, bày biểu từng con toán, từng chữ đánh vần ý tứ để đừng bao giờ con trẻ quên mất tiếng mẹ đẻ. Lớn dần lên trong vòng tay chăm chút giáo huấn của cha, các con biết thêm được sự thiêng liêng của tình yêu quê hương, thế nào là nỗi nhục mất nước lưu vong và sống làm sao là nhân nghĩa trong cõi đời mênh mang hận thù. Ông sợ đến thế hệ các con sẽ phôi phai hết đi, nên ông dạy các con đạo làm người đừng bao giờ quên cội nguồn, tổ tông.
    Suốt mười mấy năm dài đăng đẳng trên xứ người, ở trong tâm hồn các con chỉ có độc nhất mỗi một hình ảnh cao quý của người cha, lặng lẽ mà ngọt ngào, âm thầm mà son sắc. Ông như cây phong, lá chuyển màu theo thời gian đổi thay giống như mái tóc bạc của ba, mà thân thì vẫn lừng lững thẳng đứng giữ nguyên được cái cốt cách thanh cao, bền bỉ giữa phong ba bão giông cuộc đời. Anh em Nghĩa chưa bao giờ thấy ba than van nửa lời. Ông câm nín chịu đựng, chấp nhận số phận như một an bài định mệnh. Ba âm thầm sống như một chiếc bóng cô đơn. Thảng hoặc lắm, họ mới thấy ba và cậu ngồi nhâm nhi bên cốc rượu trong những ngày lễ giỗ. Bửa nhậu ê hề những món ngon do tự tay ngoại và dì nấu ra nhưng bao giờ cũng lặng lẽ vắng tiếng nói cười, ngược lại có khi còn rưng rưng những giọt nước mắt bi thương buồn tủi.
    Hình như hai người đàn ông đang ngồi uống những giọt buồn quá khứ chứa đựng nhiều hồi tưởng xót xa hơn là thưởng thức rượu ngon. Men cay 75, họ chỉ nhấm nháp một lần mà cơn say kéo dài hằng mấy mươi năm vẫn còn làm họ váng vất, cơ hồ chưa tỉnh. Không biết trong cuộc đời trai trẻ của người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa năm xưa đã có bao nhiêu lần ba ngồi như thế, tư lự một mình với những hồi ức dĩ vãng thâm trầm và day dứt? Dần theo với thời gian, hình ảnh cao cả mà lắng đọng đó đã từ lâu xâm nhập vào tâm thức của anh em Nghĩa làm họ suy nghĩ băn khoăn không ít. Mãi nhiều năm tháng về sau nầy khi đã trưởng thành, họ mới hiểu và cảm nhận được phần nào mối tâm tình sâu lắng và hoài niệm đau khổ thầm kín của người lính già phiền muộn.
    Ngày tháng lặng lờ trôi qua, rồi cậu Ba có vợ dọn ra ở riêng, dì Út cũng đi theo chồng. Tiếp theo anh Trung ra trường đại học, có công việc làm ăn khấm khá ở tận mãi thành phố Philadelphia, miền Bắc. Năm kế, anh lập gia đình với người nữ đồng sự cùng làm việc ở bên đó. Hai năm sau Nghĩa tốt nghiệp cử nhân kinh tế học, được liên bang tuyển dụng và bổ nhiệm chức trưởng phòng tại sở thuế tiểu bang Maryland. Ðến phiên Nghĩa phải rời xa mái ấm gia đình. Cảnh nhà vắng vẻ dần, chỉ còn chơ vơ lại ngoại, ba và bé út. Không nói ra nhưng ai cũng thấy buồn, tuy cậu dì vẫn thường xuyên chạy đi chạy về nhưng vẫn không thể vui được như xưa.

    Khắc kỷ và ưu trầm đến thế mà ngay sau khi nhà cầm quyền cộng sản cho phép những người chạy đi nước ngoài từ năm 75 được quyền trở về thăm quê hương thì ba đã có mặt ngay trong chuyến về đầu tiên, sau thời gian mười bốn năm lìa xa tổ quốc. Ba bảo với gia đình là ông đã mòn mỏi chờ đợi giờ phút đó từ lâu lắm rồi. Sau ngày trở qua lại Mỹ, tâm tình ba đã có những chuyển biến lớn lao. Ông không còn ủ ê sầu muộn như trước nữa, mà trở nên vui vẻ hoạt bát. Chúng tôi nghĩ, có thể sau chuyến về thăm quê hương đã giúp ba hồi phục lại trạng thái tâm lý bất ổn, vơi bớt nỗi cô đơn và yêu đời trở lại. Chúng tôi nhìn ba với ánh mắt chan hòa niềm vui.
    Từ ngày đó, ông chịu khó để ý mua sắm nhiều thứ quần áo, giày dép, đồ gia dụng thậm chí cả nước hoa mỹ phẩm nữa kìa. Thỉnh thoảng còn gởi tiền, quà về Việt Nam. Ba bắt đầu xài đến số tiền dành dụm để lo cho Hiền khi lên đại học có tiền chi trả các khoản phí tổn học hành, xe cộ ... Ðó là phần tài sản ba đã nhọc nhằn đổ mồ hôi, vất vả làm lụng hằng bao nhiêu năm mới tích lũy nên được. Chúng tôi tự hỏi ba đã gởi quà cho ai? Gia đình ngoại thì ở hết cả bên nầy rồi, phần ba lại mồ côi từ tấm bé? Câu hỏi cứ lớn dần theo với thời gian mà việc làm của ba thì vẫn nằm trong bí mật. Ba cũng chưa hề có một lời giải thích vì chủ quan tin rằng chưa ai biết được việc làm bí ẩn của ông. Tuy không dám nghi ngờ ba có tình riêng, nhưng quả thật chúng tôi không làm sao không suy nghĩ đến điều đó. Riêng ngoại, cậu và dì thì sâu sắc hơn, họ nhìn ba với ánh mắt có chút hoài nghi thầm kín nhưng ai cũng để trong lòng không chịu hé môi nói ra.
    Thế rồi năm sau ba lại chuẩn bị về Việt Nam chuyến thứ hai. Tất cả đã sẵn sàng thì thình lình ba ngã bệnh nặng. Một cái bướu nhỏ xuất hiện dưới hàm bên trái gây đau nhức và tăng trưởng rất mau. Ðến bệnh viện sau khi rút ra một ít dịch thể của cái bướu để làm xét nghiệm. Lúc xem kết quả, các bác sĩ kết luận rằng đó là khối u ác tính, nghĩa là một cái bướu ung thư, cần phải hủy diệt gấp bằng phương pháp chemotherapy hiện đại để tránh lây lan qua các tế bào lành khác, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng. Cách chữa trị nầy rất hiệu quả nếu sức khỏe bệnh nhân chịu đựng qua được các thử thách hóa chất, dược chất cần thiết phải đưa vào cơ thể để tiêu diệt mầm bệnh ung thư.
    Không còn giải pháp nào khác, ba đành hoãn lại chuyến về VN. Ông đánh giá được tầm mức quan trọng tử sinh của phương pháp trị liệu mới mẻ nầy, do đó một ngày trước khi vào nằm bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa tiến hành điều trị, ba đã gọi các con về dặn dò mấy điều quan trọng. Ba lo xa, nhỡ không may có điều gì bất toàn xảy ra. Con người sinh hữu hạn tử vô kỳ, mấy ai biết trước được mệnh trời.

    Trong phòng khách ấm cúng, cả nhà quây quần đông đủ. Ba mời bà ngoại và cậu, dì ngồi rồi xin phép bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.
    Ba bảo rằng ông không có điều gì để ân hận nếu không may phải xa lìa các con ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo cướp đoạt mạng sống. Cuộc đời của ba đã cố gắng làm hết thảy những điều tốt đẹp có thể làm. Ðã nuôi dạy các con nên người, không xấu hổ với linh hồn của mẹ; Ðã một đời tận tụy với tổ quốc quê hương, không trái đạo lý làm trai thời loạn; Ðã trọn vẹn thủy chung với bằng hữu và những người thân thuộc. Tất cả những gì ba làm, đã giúp ông tìm được những giây phút thanh thản tâm hồn trong chuỗi ngày lưu vong sống xa quê hương và tìm được niềm an vui hạnh phúc bên các con trưởng thành. Duy chỉ còn có một điều độc nhất ...
    Giọng ba bỗng chùng xuống run run xót xa. Khuôn mặt người lính già lớn lên trong một quê hương có chiều dài lịch sử nhiều biến động thăng trầm tính bằng một đời người, rất hiếm hoi tìm thấy chút hạnh phúc nhưng lại dư thừa lầm than cay đắng ly tan, chợt hằn sâu những vết nhăn dấu tích thời gian mịt mùng lửa đạn. Ðôi mắt lờ đờ mệt mỏi của người bệnh hình như có ngấn lệ thương tâm, Ba nghẹn ngào tiếp lời:
    - Năm xưa, ba đã phát nguyện một lời hứa hay đúng hơn là một lời thề với một người đã khuất, nhưng mãi đến ngày hôm nay ba vẫn chưa thực hiện được cho gia đình họ một chút gì gọi là bù đắp tấm ân tình sâu nặng.
    ... Câu chuyện của người lính trận trong cuộc chiến chính nghĩa, bảo vệ mảnh đất tự do và đồng bào thân yêu miền Nam ruột thịt đã đưa mọi người trở về quê hương của năm tháng mịt mùng đầy khói lửa, với ngày đêm rền vang tiếng bom đạn hận thù dày xéo mảnh đất nhỏ nhoi đã quá điêu tàn vì thảm họa chiến tranh...

    Chiếc trực thăng chở trả ra mặt trận vị sĩ quan trẻ mang mảnh khăn tang trắng cho người vợ hiền vừa mới qua đời. Anh tiếp tục ra đi làm nhiệm vụ người trai trong thời loạn, gởi lại quê nhà ba đứa con còn bé dại. Thượng cấp và đồng đội ai ai cũng nhìn anh với ánh mắt thương cảm lẫn kính phục.
    Vị lữ đoàn trưởng sau khi gặp gỡ, ân cần hỏi thăm và nói lời chia buồn với Khải xong, lập tức chỉ vào bản đồ, trình bày tình hình khó khăn của tiểu đoàn Khải mấy hôm nay bị chạm địch nặng trong một địa thế rất phức tạp, hiểm trở và dặn dò anh phải hết sức thận trọng, không nên coi thường cho con cái đi xa quá để khi cần thiết có thể kéo về yểm trợ kịp thời cho đơn vị được an toàn. Sau một hồi thảo luận, vị chỉ huy lữ đoàn khả kính thân ái tiễn chân Khải ra tận trực thăng, về lại tiểu đoàn.
    ... Ðã một tuần lễ nay, chiến trường thật sôi động và đẫm máu. Tiếng súng lớn nhỏ luôn luôn rền vang ngày đêm khắp trận địa như bất tận. Tiểu đoàn Khải lãnh nhiệm vụ hành quân tiếp ứng, cứu nguy một đơn vị bạn đang bị địch vây hãm nhiều ngày. Là một cấp chỉ huy tác chiến dày dạn kinh nghiệm trên chiến trường, Khải nhanh chóng nhìn thấy tiểu đoàn bị dồn vào một vị trí quá ư bất lợi. Thế núi dốc đứng từ trên cao đổ xuống tiếp giáp ngay với bờ sông chạy dài hàng mấy cây số nằm dưới chân dãy núi. Lòng sông tuy hẹp, thuận lợi cho việc tổ chức vượt sông nhưng phía bên kia là rừng lau sậy um tùm chạy dài hút tầm mắt. Nếu địch quân phục kích trên triền núi thì chiến sĩ tiểu đoàn khi qua sông sẽ là những tấm bia thịt cho địch tập bắn và nguy hiểm hơn nữa là chờ khi đơn vị qua hết bên kia sông, địch tập trung đánh hỏa công thì rừng lau sậy kia sẽ biến thành biển lửa thiêu sống đoàn quân thiện chiến. Nhìn địa thế quá ư hiểm ác, song không thể có sự chọn lựa nào khác là phải tiến quân, chứ không thể nằm yên một chỗ chờ chết. Khải suy nghĩ rồi gọi tiểu đoàn phó và trưởng ban Ba đến hội ý.
    Chiều hôm đó anh dùng kế nghi binh để lừa địch phán đoán sai về kế hoạch hành quân của mình. Khải tung hai đại đội bung rộng ra, áp dụng chiến thuật “dương Ðông kích Tây“. Một đại đội tiến về phía địch quân, cho binh sĩ nổ súng và khua động ầm ĩ làm như sắp tấn công lên núi để thu hút sự quan sát của địch. Một đại đội khác âm thầm lục soát và im lìm nằm án ngữ an ninh bên nầy sông để cánh quân B gồm hai đại đội còn lại do vị tiểu đoàn phó chỉ huy, bất ngờ tổ chức vượt sông khi trời vừa mờ tối. May mắn thay kế hoạch thành công. Cánh B qua sông an toàn và binh sĩ chia nhau kiểm soát được một vùng lau sậy rộng lớn bên kia sông, làm đầu cầu yểm trợ cho Bộ chỉ huy của Khải và cánh quân A sẽ vượt sông vào tảng sáng hôm sau.
    Suốt đêm hôm đó Khải nằm trằn trọc, băn khoăn lo lắng không làm sao ngủ được, dù anh rất mệt mỏi. Ðêm tĩnh lặng không một tiếng súng, chỉ có tiếng côn trùng nỉ non. Khải biết chung quanh đây có nhiều chiến sĩ đang canh gác và đông đúc địch quân rình mò. Nằm thao thức trên cánh võng mắc thật thấp, sát mặt đất kề bên hố cá nhân, anh nghe rõ tiếng thủy triều đang dâng nước cuồn cuộn, lòng thầm mong cho trời mau sáng. Cuộc đời những người chiến binh như các anh ví cho cùng cũng chẳng bằng được như dòng sông nầy, êm ả một ngày với hai con nước lớn nước ròng cố định.
    Riêng với anh, số phần còn cay nghiệt hơn, cả hai vai cùng lúc gánh nặng, một của Tổ quốc và một là trách nhiệm với ba đứa con thơ dại. Khải thở dài. Phải chi người vợ hiền đức đừng đoản mệnh, tiếp tục sống để san sẻ bớt cho anh gánh nặng gia đình thì hay biết mấy. Nhớ đến vợ, lòng Khải bỗng quặn thắt. Hình ảnh người đàn bà nhu mì, đoan trang và hiền thục như chập chờn ẩn hiện trước mắt anh mỗi lúc một rõ ràng hơn. Nàng đi đến đứng bên chân cánh võng, một tay lay gọi vai anh, một tay chỉ về hướng doi cát cạnh bờ sông bảo anh mau mau thức giấc.
    Thấy vợ, Khải mừng rỡ chống tay ngồi dậy nhưng thân thể anh như bại liệt bất động, không làm sao ngồi lên được. Anh thử cố gắng nhiều lần nhưng vô ích. Một lát, nàng nhìn anh mặt buồn rười rượi rồi buông tay, thất thểu quay bước đi về hướng gò cát. Hình ảnh nàng mờ dần rồi tan biến trong màn sương đục của sông núi, cùng lúc có tiếng gọi thảng thốt “ông thầy, ông thầy” của người hiệu thính viên, vực Khải ra khỏi những tiếng ú ớ trong giấc mơ hoang tưởng. Khải ngồi bậy dậy, anh ngơ ngác nhìn quanh. Tứ bề vẫn yên tĩnh, cái im lặng rờn rợn trước cơn bão giông sắp giáng xuống.
    Khải bần thần nhớ lại giấc mơ rồi tự hỏi: mình đâu có ngủ mà bảo là nằm mơ. Anh đưa mắt nhìn về phía bờ sông, hướng vợ anh vừa mới đi đến. Chiều hôm qua Khải đã lội dọc theo bờ sông để tìm địa điểm cho đơn vị vượt sông, nhưng có thấy doi cát nào đâu. Hay sắp xảy ra điều gì bất ổn nên vợ hiền mới hiện về báo mộng. Tự dưng bụng anh nóng cồn cào như có lửa. Khải đứng dậy bảo người sĩ quan phụ tá gọi con cái của hai đại đội còn nằm lại án ngữ bên nầy bờ sông chuẩn bị lên đường, lợi dụng lúc trời còn đang tối.
    5 giờ, toán quân tiền phong gồm những chiến sĩ lội giỏi, trang bị nhẹ bắt đầu xuống nước. Lòng sông hẹp khoảng 30 mét, mặt nước sông mờ hơi sương giăng phủ bồng bềnh và may mắn nhất là thời điểm nước đang rút dần, chỉ còn cao ngang thắt lưng. Ðợi toán quân mở đường kéo theo những sợi dây bắt ngang dòng sông đã qua đến bờ bên kia an toàn, Ðại đội trưởng Hùng ra lệnh cho các trung đội tuần tự xuất phát vượt sông, rồi anh bước xuống nước cùng với Khải và Bộ Chỉ huy tiểu đoàn tiến lên. Trước lúc quay đi, Khải còn cẩn thận dặn vói lại đại đội sau cùng nằm đoạn hậu cho tiểu đoàn, phải nhanh chóng rút qua sông trước khi trời sáng hẳn.
    5.30 giờ. Vầng hừng đông với chút ánh sáng le lói đỏ quạch một góc chân trời sắp hé mắt, Khải vừa cảm nhận ra cái lạnh buốt giá của dòng nước thấm qua chiếc quần trận rằn ri thì bất ngờ hàng loạt tiếng nổ chát chúa của thượng liên, B40, B41 từ trên sườn núi dội lửa ầm ầm xuống lòng sông. Tiếng kêu la nháo nhác. Có ai đó vừa xô ngã Khải rồi nằm đè lên lưng che chắn cho anh, bên tai tiếng đạn réo rít rợn người. Hỏa lực địch vẫn tới tấp đổ dồn xuống điểm vượt sông. Ðã có một số chiến sĩ bị thương vong.
    Một sức mạnh thần bí bỗng kéo Khải bật vùng dậy, chạy ngược thật nhanh trở lên bờ và bất ngờ anh nhìn thấy một gò cát nhỏ xuất hiện khi thủy triều xuống, vừa đủ che chắn an toàn cho mọi người. Không kịp suy nghĩ về điều kỳ lạ, anh chụp combiné gọi lữ đoàn xin pháo binh và phi cơ yểm trợ rồi điều động đại đội nằm đoạn hậu đốc thúc chiến sĩ phản công tiến chiếm sườn núi, trong lúc tiếng súng cối của cánh quân B bên kia bờ sông đang tới tấp rót đạn xuống triền dốc, nơi địch quân đang ẩn núp. Ruột gan Khải như bị cấu xé khi nhìn thấy các thuộc hạ kẻ chết người bị thương la liệt, đang kêu rên giãy giụa tuyệt vọng dưới nước, chỉ cách chổ Khải nằm chừng 20 mét mà anh đành chịu bó tay không cứu giúp gì được. Ðại đội trưởng Hùng nằm đè lên trên che đạn cho Khải, mông bên trái bị một mảnh B40 phá nát, anh cố gắng lết lên bờ cát ướt. Khải hét lớn gọi Hùng:
    - Cố lên Hùng, cố lên. Có anh đến đây.
    Rồi bất chấp hiểm nguy, Khải liều lĩnh lao ra. Hai chiếc bóng rằn ri phóng liền theo sau, nhưng hàng tràng thượng liên cày tung mặt đất khiến cả ba bật dội lại. Người sĩ quan ban Ba nắm cứng bâu áo Khải hét lớn:
    - Không được đâu thẩm quyền, đừng liều lĩnh.
    Khi Hùng cố gắng đứng lên, lại bị thêm một phát đạn thứ hai trổ từ sau lưng ra đàng trước ngực, đẩy Hùng té sấp xuống mặt cát lần nữa, chiếc nón sắt văng xuống nước. Anh lại chống tay cố ngồi dậy nhưng đau quá đành phải gục xuống. Rồi trong khoảng cách 20 mét, rất gần để có thể nhìn thấy rõ nét mặt Hùng tuy đau đớn nhưng rất trầm tĩnh, trầm tĩnh đến lạ thường. Anh ngồi nghiêng một chân co một chân duỗi, tay trái ôm vết thương loang máu trên ngực, tay phải Hùng cầm cây Colt 45 đưa lên vẫy chào chiến hữu, đôi mắt anh rực sáng, khuôn cằm bỗng đanh lại cương quyết rồi bất ngờ anh trở nòng súng thật nhanh vào thái dương và bóp cò.
    Giữa muôn ngàn tiếng nổ của các loại súng từ cả hai phía bạn và thù, mọi người vẫn nghe rõ ràng tiếng súng đĩnh đạc, lẻ loi tự kết liễu cuộc đời của Hùng. Nhiều tiếng kêu thảng thốt đau đớn bật ra từ cửa miệng những đồng đội đã tận mắt chứng kiến cái chết bi hùng. Hùng biết mình bị thương nặng khó bề sống nỗi, nên quyết định tự sát để dành lại sinh mạng cho những đồng đội khác, có thể vì mạo hiểm cứu anh sẽ phải hy sinh oan uổng. Thân xác Hùng đổ nghiêng, nằm bất động trên cát. Máu anh tuôn thành dòng hòa chung với máu của những chiến binh bất hạnh khác, quyện lẫn vào dòng nước trong xanh, tạo nên một màu đỏ thật đặc biệt. Mầu của chiến tranh, hận thù, tang tóc và phân ly.
    Khải đau đớn quỵ xuống rồi gào lên, đập tay xuống mặt cát còn ướt lạnh sương đêm, rên xiết kêu trời. Nước mắt anh ứa ra tuôn thành dòng lệ bi phẫn. Còn nỗi thống khổ nào hơn khi phải tận mắt nhìn thấy cái chết của người anh em thân yêu đã hy sinh mạng sống để che chở cho mình được an lành. Nỗi đau cào xé tâm can biến thành nỗi uất ức, bốc cháy hừng hực trong đôi mắt rực lửa căm hờn, đỏ ngầu tựa máu khiến Khải tê dại chết điếng, không khóc nỗi thành lời. Tất cả chỉ còn lại hận thù phải trả bằng máu.
    Anh giật combiné trên tay người hiệu thính, hối hả gọi Hỏa Long xin trút sấm sét tiêu diệt kẻ thù. Chưa đầy mười phút sau, một phi tuần AC.119 lượn tới bao vùng, khạc từng dây đạn lửa khủng khiếp như bò rống xuống đầu địch quân. Tiếp theo, một chiếc F105 xuất hiện thả ngay vị trí địch một quả bom Napal. Không gian như chao đảo sau tiếng nổ long trời lở đất. Khói lửa văng ra tứ phía, không khí bị dồn nén đến ngạt thở, hơi nóng tuôn tràn như thiêu cháy mọi thứ, tất cả cùng lúc đổ ập xuống sườn núi hủy diệt đám người cuồng tín “sinh Bắc tử Nam”, chuyên đi gây họa chết chóc và gieo rắc kinh hoàng, tang thương đến với mọi nơi, mọi người.
    Kết thúc trận chiến. Khải chọn bộ đồ trận tốt nhất của mình, tự tay anh thay cho Hùng và lau sạch các vết máu vết bẩn trên khuôn mặt phong trần nhưng vẫn còn phảng phất nét hào hoa trước khi gói xác Hùng vào poncho. Lúc cột tấm thẻ bài, Khải lẩm bẩm trong miệng như tâm sự với một người em thân thích không may vừa nằm xuống sau cuộc chơi sinh tử: “Hãy yên giấc đi Hùng. Mọi chuyện gia đình của em, ngày nào còn sống, anh xin hứa sẽ gánh vác tất cả để đền ơn cứu tử. Hùng ơi! Hãy bình an ngủ yên đi em.”
    Khi đoàn trực thăng vận chuyển thương binh và tử sĩ cất cánh, các quân nhân trong tiểu đoàn đồng đứng nghiêm đưa tay chào vĩnh biệt lần cuối. Khải ngậm ngùi dõi mắt nhìn theo những cánh chim sắt đang bay về phương Ðông, mang theo thân xác những chiến hữu thân yêu vừa trả xong nợ nước, trong đó có người sĩ quan trẻ tuổi đã anh dũng hy sinh cứu Khải. Lòng anh buồn rười rượi. Khải như thấy có trách nhiệm đối với cái chết của người đại đội trưởng thuộc cấp. Ðứng giữa trời đất mênh mông, Khải tâm nguyện lập một lời thề sắt son có núi sông chứng giám: nếu ngày nào còn sống trên cõi đời nầy, anh quyết tận sức chu toàn lo cho đời sống vợ con Hùng được hạnh phúc để đền ơn cứu mạng.

    Ba đột nhiên ngừng lời. Ông trầm ngâm nhìn ra khoảng trời thu hẹp bên trong khung cửa sổ phòng khách như để hoài niệm lại quá khứ đau thương. Bóng tối bắt đầu lan dần che khuất vạt nắng rớt còn thoi thóp cuối cùng trên đỉnh ngọn cây phong. Từng đàn chim đang ríu rít gọi nhau họp đàn sau vườn. Ðôi mắt ba mệt mỏi vô cảm, ông thở dài buồn bã tâm sự với các con:
    - Ba đã vĩnh biệt người ân nhân cứu mạng bên dòng sông định mệnh từ đó. Rồi cuộc chiến khốc liệt cuốn hút bước chân người chiến sĩ không có được một ngày phép rảnh rỗi để ghé về thăm vợ con Hùng. Tuy nhiên trước khi Sài Gòn thất thủ, một lần duy nhất trên đường chuyển quân ba đã cố gắng tạt qua nhà Hùng, thắp cho chú nén nhang và nhắc lại lời thề xưa. Sau đó trao vội món quà nhỏ cho hai con còn bé bỏng của Hùng - một trai và một gái - rồi ba vội vã lên đường, để kịp theo chân đoàn quân chinh chiến...
    Giọng ba chợt khàn đục, chìm xuống mênh mang, tựa như tiếng vọng về từ cõi quá khứ xa xăm mơ hồ. Ông nói mà như đang tâm sự với chính bản thân mình:
    - Cứ những tưởng còn súng đạn trên tay, còn vùng đất điểm tựa cuối cùng của miền Tây phì nhiêu, sông nước mênh mông và còn đầy đủ các chiến hữu bên cạnh là còn tiếp tục chiến đấu, còn hy vọng có ngày trở lại thủ đô Sài Gòn. Ai ngờ... tất cả chỉ là ước mơ viển vông, vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực. Từ đó, lời thề ngày xưa cũng luân lạc theo vận nước nổi trôi, theo năm tháng truân chuyên với thân phận bọt bèo của kiếp đời lưu vong. Lòng ba mãi ray rứt ân hận, cứ nghĩ rằng cuộc đời nầy rồi chẳng làm sao thực hiện được lời hứa năm xưa với người ân nhân nghĩa dũng bên dòng sông định mệnh. Thế nhưng một ngày, may mắn trời còn đoái thương cho ba có cơ hội trở về quê hương để bắt đầu thực hiện điều tâm nguyện.
    Rồi như đến lúc cần thiết phải vét cạn cả cõi lòng, dàn trải hết mối tâm sự ngổn ngang để các con hiểu được tấm lòng cưu mang của đời mình:
    - Ba đã lặn lội bao nhiêu ngày, thăm hỏi bao nhiêu người mới tìm gặp được vợ con của chú Hùng. Gia đình họ bây giờ cơ hàn lắm, sống chui rúc trong một căn phòng ổ chuột mãi tuốt trên tầng mười của một khu chung cư cũ kỹ. Những món quà ba chắt chiu gởi về chỉ vỏn vẹn là chút phần thưởng nhỏ bé dành cho hai cháu học trò con nhà nghèo nhưng ngoan và giỏi, thực tế chưa giúp gì được cho đời sống họ. Cứ những tưởng rồi thời gian thư thả ba sẽ tìm mọi cách để tạo cảnh sống họ bớt phần cơ cực, nhất là hai đứa con của Hùng, không những cho chúng học hành thành đạt trong nước mà còn có thể xuất dương đi ngoại quốc du học nữa kìa. Nào ngờ...
    Ba thình lình bỏ lửng câu nói. Vầng trán cao hằn những nếp nhăn thời gian của một con người cả đời lao đao lận đận. Giọng ông bỗng trầm xuống, thiết tha như phơi bày cả tấm lòng với các con:
    - “Lực bất tòng tâm.” Hôm nay thân mang trọng bệnh, ba biết là không thể nào tiếp tục giữ tròn lời hứa với người đã khuất, đó là điều tủi nhục. Nên ba gọi các con về sớm một ngày trước khi ba nhập viện, chính là để kể lại cho tất cả cùng nghe câu chuyện thương tâm nầy và khẩn khoản nhờ cậy các con cố gắng giúp ba, tiếp tục thực hiện trọn vẹn lời thề năm xưa, nếu không may ba có mệnh hệ nào trong lần chữa trị nầy. Ba muốn lòng mình được thanh thản dầu sống hay chết, để mai nầy dẫu xuống suối vàng, gặp lại đứa đàn em hào khí nghĩa dũng năm xưa, ba cũng không thấy có điều gì hổ thẹn.
    Phòng khách yên tĩnh như tờ, chỉ có tiếng rì rầm đều đều của máy điều hòa và tiếng sụt sùi của ngoại, dì Út và Hiền. Mọi người lặng lẽ cúi đầu trầm mặc xót xa trước sự việc quá đỗi bi thương. Thế mà bấy lâu nay họ lại đem lòng nghi kỵ việc làm đầy đạo nghĩa của người lính già, trọn đời luôn luôn xem trọng lời hứa danh dự, còn hơn cả của cải tiền bạc và sự an nguy bản thân mình. Thì ra ba không hề có tình riêng, ông vẫn mãi yêu thương người vợ hiền đã khuất. Thì ra trên cõi đời nầy chỉ có mỗi mình mẹ là hiểu rõ và tin tưởng vào ba nhất mực, nên dầu thân xác đã tan vữa về với cát bụi mà hồn mẹ vẫn còn vật vờ theo ba phù hộ, dẫn lối chỉ đường cho ông thoát họa tử vong trong đường tơ kẻ tóc.
    Cánh cửa căn phòng khách đang khép hờ bỗng mở toang, gió từ đâu lồng lộng ùa vào tưởng như có linh hồn mẹ phảng phất theo về lẩn quẩn quanh đây.

    Anh em Nghĩa đưa mắt nhìn người cha thân yêu ngồi im lìm, thẳng thớm trên chiếc ghế sô-pha như đang tĩnh tọa bình an giữa giang sơn của mình. Thân xác ông gầy gò bất động, đôi mắt đục mờ hiu hắt ẩn giấu bên trong những điều thầm kín đã không còn vẻ tinh anh của thưở xa xưa, khuôn mặt xương xẩu trầm tư như một chiếc bóng âm thầm ... tất cả đã in đậm nhiều vết nhăn phong trần thời gian nhưng vẫn không thể che khuất hết cốt cách nhân hậu, lương chính của ông già. Họ nhìn người cha phảng phất giống hình ảnh một nhà hiền triết đạo đức, biết rõ cội nguồn đau khổ của dân tộc và muốn được cùng chia sẻ.
    Nghĩa bồi hồi xúc động nhìn sự hiện hữu héo mòn của cha như một tĩnh vật có linh hồn sáng suốt của một nhà tu đạo trên con đường khai hóa, giải thoát và tiêu trừ nghiệp chướng, dẫn độ chúng sanh đến cõi vô vi, vô thủy vô chung.
    Qua câu chuyện kể của ông, anh em Nghĩa thầm nghĩ: giữa cõi đời ô trọc nầy há dễ gì tìm được những tâm hồn cao quý giống như cha. Chính vì thế, họ càng thấy cần thiết và phải có bổn phận tích cực giúp đỡ cha hơn nữa, để ông thành toàn lời nguyện thề trong một buổi sáng mai oan khiên bên dòng sông định mệnh năm nào./-
Working...
X