Bên kia sông, nỗi nhớ nhung
Ngày xưa hoa mộng tưởng chừng mới qua
Em đi trong "cõi người ta"
Khi mô về lại quê nhà hỡi Em?
Trần gởi tặng Vân mấy câu lục bát khi tìm ra địa chỉ email của nàng. Bài lục bát mở đầu ba chữ “Bên kia sông” là tên một bài hát của Nguyễn Đức Quang nàng hay hát nho nhỏ Trần nghe. Nàng hát bài này thay đổi lời một chút “ hát cho vừa mình anh nghe thôi” để kết thúc bài với ánh mắt tình tứ. Đó là âm vang và hình ảnh thân thiết của hai người trong một thời lửa đạn. Bên kia sông là nhớ nhung.
Vân trả lời ngay: “Làm răng anh tìm ra em hay rứa? Bao nhiêu năm rồi anh hí? Nhớ ngày xưa quá anh ơi, đúng là những ngày tươi đẹp ít ỏi trong suốt cuộc đời của em. Mấy mươi năm rồi, trải qua bao nhiêu dâu bể sóng gió cuộc đời, những ngày xưa ấy dù chỉ còn là kỷ niệm nhưng đó là thời gian em trân quý nhất. Cõi người ta anh nói đó đúng là “của người ta” chứ không phải của mình. Em lưu lạc quê người và lạc lõng ngay chính trong căn nhà của mình anh à. Lòng em khi mô cũng như còn rớt lại trên mảnh đất quê nhà, nơi chúng ta có những ngày đẹp đẽ bên nhau.Chưa về hưu nên em ít về. Về một lần nhiêu khê phức tạp lắm anh ơi. Khi nào về em chắc chắn em sẽ đến thăm gia đình anh. Anh mấy con mấy cháu rồi?”
* * *
* * *
Vân - Người con gái với vẻ đẹp kiêu sa và duyên dáng nhất huyện lỵ. Cao, dáng người đầy đặn cân đối, nước da sáng, tóc xỏa dài tới thắt lưng ửng hoe vàng trong nắng, mày cao mắt sáng, đôi má hồng, môi son nũng nịu, thêm hai núng đồng tiền làm tăng thêm vẻ đẹp và nét duyên dáng của nàng. Hầu hết người quen biết nàng đều mặc nhiên công nhận nàng là hoa khôi của cả vùng này. Nàng có vẻ đẹp hấp dẫn của một cô gái phương tây và sự duyên dáng đáng yêu của cô gái phương đông. Nàng có hai năm học đại học văn khoa ở Sài Gòn nên giọng Quảng của nàng lai giọng Sài Gòn trở nên ngọt ngào, nhẹ nhàng và quyến rũ. Trần là thầy giáo. Ra trường, chàng chọn nhiệm sở nơi đây. Chàng đem niềm vui, sự tươi tắn vào không gian một ngôi trường huyện lỵ. Thầy cô giáo trong trường thích nụ cười cởi mở thân thiện, sự niềm nở ân cần trong giao tiếp, sự sắc sảo trong lối nói chuyên, sự sâu sắc trong tư duy và lối đùa cợt hóm hỉnh nhưng trang nhã của chàng. Học trò thích những giờ học sinh động, lối giảng bài dễ hiểu của chàng, sự gần gũi thương mến thật lòng của chàng nên học các môn của chàng đứa nào cũng khá lên thấy rõ. Nhiều người thích giọng hát của chàng-một giọng nam baritone ngọt ngào ấm lòng người khi chàng hát những bản tình ca đằm thắm. Dù chẳng đẹp trai nhưng nhìn vẻ ngoài sống động, phong thái bình dị dễ gần, niềm vui tự nhiên trong sáng cùng với tiếng hát dễ mến của chàng tạo thành một chân dung lạ lẫm ở vùng đất này. Hai người thương mến nhau. * * *
Mấy lần về lại huyện lỵ thăm trường, thăm lại thầy cô và học sinh cũ, Trần nghe kể về những gì Vân phải trải qua và chịu đựng sau 75. Một cô giáo đẹp người đẹp nết bị đẩy ra khỏi trường chỉ vì lý lịch người cha có vai vế trong Quốc Dân Đảng. Chân yếu tay mềm nhưng nàng phải tìm cách kiếm ra tiền để nuôi gia đình, cha “học tập cải tạo”, mẹ đau yếu và bầy em dại tuổi ăn tuổi lớn. Nàng vào đội sản xuất nông nghiệp của xã. Ban ngày nàng cũng dầm mưa dãi nắng, cũng lấm bùn bê bết trên đồng ruộng, cũng gánh cũng gồng như một “mụ nhà quê” thứ thiệt. Dáng dấp quý phái sang trọng của nàng gắng gượng hòa vào giòng người thiếu đói đang lao động vất vả, nổi lên trên đồng như MỘT DẤU CHẤM THAN tội nghiệp! Rồi nàng ra Đà Nẵng tìm cơ hội buôn bán. Ban đầu nàng ké với người bạn một chỗ bên hông chợ Cồn, trên lề đường Ông Ích Khiêm đầy bụi bặm. Nàng trải một mảnh ny-lông để bán áo quần cũ và những đồ dùng trong quân đội Sài Gòn trước khi tan hàng. Sau 75, hàng hóa đó còn nhiều. Nàng có tay buôn bán nên hàng mua nhiều bán nhanh. Có lẽ trời đãi kẻ khù khờ. Kẻ khù khờ trở nên khôn lanh khi đời sống thay đổi tận gốc. Có chút vốn, nàng theo những người buôn chuyến đi buôn đường dài. Những chuyến đi Hà Nội, Sài Gòn kéo nàng vào một cuộc đời mới quay vòng theo bánh sắt tàu lửa và bánh lốp những chuyến xe tải. Trước năm 1980 là thời kỳ “ngăn sông, cấm chợ” khắp nơi ở Việt Nam. Chính quyền các tỉnh lập nhiều trạm kiểm soát dọc các đường quốc lộ, tỉnh lộ để kiểm tra xe ra vào tỉnh mình. Hàng hóa vận chuyển trên đường bị kiểm soát gắt gao. Ngay cả gạo và các loại nông sản là nhu yếu phẩm cho đời sống người dân mà việc vận chuyển buôn bán từ tỉnh này qua tỉnh khác cũng bị ngăn cấm, tịch thu huống hồ là các loại hàng hóa khác. Buôn bán hàng gì cũng có thể bị gán cho là buôn lậu. Đã là buôn lậu thì bắt hàng, bắt người. Hai bên ranh giới tỉnh này, tỉnh kia là hai trạm kiểm soát. Dọc đường, thêm không biết bao nhiêu trạm đột xuất, tăng cường của nhiều ngành chức năng khác nhau: công an, quản lý thị trường, hải quan, thuế vụ... Càng ngăn cấm buôn bán thì chênh lệch giá cả càng nhiều, tiền lời càng lớn. Hầu hết người buôn chuyến đường dài là phụ nữ; trong đội ngũ đông đảo đó có một số người có chồng là sĩ quan chế độ cũ đang nằm trong “trại cải tạo” chưa biết khi nào mãn hạn tù và mấy đứa con dại nheo nhóc ở nhà; có những người lỡ vận vì cuộc đời đảo chiều; có những thiếu nữ vừa mới thành niên phải bươn chải sớm để phụ giúp gia đình trong cơn bỉ cực…Biết bao mảnh đời nổi trôi, lăn lóc theo bánh xe quay. Không biết bao phụ nữ bị vùi dập, bao gia đình tan nát vì theo con đường buôn chuyến. Thời kỳ đó, trên xe lửa, kiểm soát viên thường nhận tiền cất giấu hàng cấm cho con buôn. Trên quốc lộ, tỉnh lộ nhiều lái xe giúp con buôn giấu hàng bằng thùng xe hai đáy, vách thùng xe hai lớp hoặc có đường dây mãi lộ, mua chuộc một số cán bộ trực chốt, trực trạm để đi qua trạm kiểm soát trót lọt. Buôn chuyến lời nhiều nhưng rất dễ mất vốn, sạch tay. Vốn đi buôn càng tăng thì nỗi lo càng nhiều. Đôi khi người phụ nữ đi buôn phải đánh đổi bằng những giá rất đắt. Ân, tình thường đi với nhau. Chịu ơn kiểm soát viên, tài xế, gần gũi họ trên những chuyến tàu, chuyến xe, ngồi bên bếp lửa những lúc dừng xe ban đêm chờ vượt trạm, những chăm sóc vụn vặt, những xúc chạm cố tình của người khác phái và bản năng dậy lên không nén được, một số phụ nữ, thiếu nữ trở thành nhân tình, vợ bé, vợ hờ của họ. Vân cũng là nạn nhân đáng thương trên con đường buôn chuyến. Lâm, người Đà Nẵng là tài xế có xe tải chạy tuyến đường Bắc Nam Sài Gòn-Hà Nội, dù có vợ và ba đứa con vẫn mê Vân như điếu đổ. Chỉ một phút xiêu lòng khi dừng xe nơi hoang vắng chờ vượt trạm, Lâm đã gạ được nàng. Sau đó, Lâm rủ nàng cùng lên chuyến tàu vượt biên đến được Hồng Kông, bỏ vợ bỏ con ở lại Việt Nam. * * *
+ Gửi em vài câu thơ đọc cho vui cuối tuần. Mấy lâu ni Em có chi vui?Chuyện chồng con Em tới mô rồi?
Nhớ chuyện khi xưa mình hẹn ước
Lúc chừ ngồi nghĩ tiếc mà thôi! + Hello anh Trần, Cám ơn anh. Anh làm thơ hay quá. Em vẫn thường. Rất tiếc em không làm thơ được để tặng lại anh. Ngày xưa, mình chưa hề hẹn ước. Anh có lúc nào để ý em đâu! Chuyện chồng con thì có tiến triển đôi chút. Em gặp lại người tình cũ hồi còn đi học ở Sài Gòn năm 1971. Sau đó, anh ấy đi du học ở Hoa Kỳ rồi kẹt lại ở đấy sau tháng tư 1975.Bây giờ gặp lại nhau. Đầu tháng 12 năm nay, tụi em sẽ làm đám cưới. Tin anh mừng. Sẽ gửi hình cưới anh xem nhe. Chúc lành và mọi việc tốt đẹp. Em. + Vân ơi, Anh lấy ý trong mail của Em để viết tiếp. Anh thêm 16 câu cho thành một bài thơ trọn vẹn để tặng Em. Ý thơ có một nửa sự thật . Những tình cảm tốt đẹp của anh và em là những điều tuyệt vời trong cuộc đời chúng ta dưới mái trường huyện lỵ ngày nào. Viết vội nên bài thơ chưa hay lắm. Vui thôi.
Mấy lâu ni Em có chi vui?
Chuyện chồng con Em tới mô rồi?
Nhớ chuyện khi xưa mình hẹn ước
Lúc chừ ngồi nghĩ tiếc mà thôi!
Ui chao! anh nói chi lạ rứa?
Hai đứa mình hẹn ước khi mô
Mấy mươi năm rồi Em không nhớ
Chắc anh bày chuyện kéo em vô
Mới đó mà xa mấy mươi năm
Biết Em còn nhớ tới anh không?
Phần anh, còn nhớ em nhiều lắm
Anh vẫn yêu Em, nói thật lòng
Có lúc mô để ý đến Em
Anh nói cho vui chuyện chúng mình
Nói ra tưởng như là chuyện thật
Có nói chi Em cũng chẳng tin
Không tin, anh phải nói một lần
Lỡ thương người ấy, một giai nhân
Người ấy lấy chồng, anh buồn lắm
Thôi hết rồi, ngày nhớ đêm mong + Vân ơi, Em nói là sẽ làm đám cưới trong tháng 12-2011. Có cưới không ? Hình cưới mô ? + Anh Trần, Gửi anh chị Trần hình đám cưới của vợ chồng em. Trong cái link này có 7 phần, xin bấm vào để xem phần "Tea Ceremony Part1" trước, rồi đến "Tea Ceremony Part 2", v.v ... sau đó đến "Reception 1" và cuối cùng là "Reception 4". Mỗi phần xem xong phải bấm cái link và đánh mật mã trở lại mới xem phần tiếp được. Link xem hình http://phanphotos.com/albums, mật mã 20444203 . Xem hình được hay không nói cho em biết nhé. Chúc anh chị và mấy cháu năm mới vui vẻ, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt. Em.
* * *
Trần vào đường link, xem hình đám cưới. Đám cưới được tổ chức trọng thể ở một nhà hàng sang trọng. Phan cao ráo, khuôn mặt đẹp trai và trí thức đứng bên cạnh cô dâu với nụ cười rạng rỡ. Trần thầm mừng cho nàng có tấm chồng xứng đáng. +Trần gửi cho nàng một cái mail với subject : “ Vừa vui vừa có chút buồn buồn” Vân ơi, Nghe tin em làm đám cưới, anh vui. Chúc mừng em tìm lại duyên xưa và nên duyên vợ chồng với người mình yêu dấu. Bây giờ thì giữ hạnh phúc cho đến đầu bạc răng long em nhé ? Nói là có chút buồn buồn là nói đến chuyện xưa, bây giờ già rồi nhìn trở lại kỷ niệm xưa tự nhiên anh có chút ngậm ngùi?! Ông xã em có ghen không đó ? Sợ anh viết linh tinh ông ghen thì mệt chuyện cho em!! Mến nhiều. + Cám ơn những lời chúc tốt đẹp của anh. Lúc trước mình có gì đâu mà ghen? Chúc anh luôn có niềm vui. + Vân ơi, Kể chuyện cuộc tình em cho anh biết với. Răng mà như chuyện "Cô bé lọ lem” rứa hè? Nói rồi anh nhắc chuyện ngày xưa cho nghe. +Anh Trần, Phan và em quen nhau vào khoảng tháng 7 năm 1971 khi em học Đại học ở Sài Gòn. Tháng 12 năm đó, Phan được học bổng du học tại Hoa Kỳ. Từ đó hai đứa thư từ qua lại hàng tuần qua địa chỉ nhà bà chị của Tuý, bạn em ở Đà Nẵng. Đến tháng 6 năm 1974 Phan về Việt Nam, lên huyện lỵ thăm em, ở nhà em một tuần. Sau đó, chúng em vô Sài Gòn thăm Ba Mẹ của anh ấy 3 tuần. Cuối tháng 6/74 anh ấy qua lại Hoa Kỳ. Lúc về quê em, Phan xin ba mẹ em cưới em vào tháng 5/1975 sau khi anh ấy tốt nghiệp 4 năm đại học ở Hoa Kỳ. Ba mẹ em đồng ý, nhưng biến cố tháng 4/1975 làm hai đứa em xa nhau và mất liên lạc từ đó. Tất cả thư từ Phan gửi về Đà Nẵng không đến được. Thế rồi, mỗi đứa sống cuộc sống riêng, có gia đình, con cái…Phan không biết là em đã qua Hoa Kỳ, còn em thì không muốn tìm kiếm hoặc liên lạc với anh ấy, tự nghĩ làm như thế là có lỗi với chồng con em và với vợ con anh ấy. Tuy nhiên, năm ngoái, tình cờ em biết tin tức cùa Phan và cũng biết là anh đang góa vợ, còn em thì đã ly dị từ 7 năm nay rồi. Cuối cùng, tụi em liên lạc với nhau. Cả hai nghĩ rằng cuộc đời chẳng còn bao lâu nữa nên chắp nối lại tình xưa để cả hai cùng có niềm vui chung lúc tuổi già. Chuyện của tụi em như rứa đó.Càm ơn anh có lòng, thăm hỏi. + Vân ơi, Đã đính ước và hai bên gia đình ưng thuận rồi mà mọi chuyện đành dở dang vì thời cuộc thì đúng là Ông Tơ Bà Nguyệt xe duyên mà đứt chỉ. Nhưng đoạn kết như rứa là có hậu thì cứ vui lên với dư vị tình yêu, em nhé. Anh ấy đẹp trai, em đẹp gái mà không thành vợ chồng lúc còn xuân thì cũng thật là đáng tiếc. Anh ấy bây giờ đang làm chi ? Con em có vợ chưa? Sau 75, về thăm trường cũ một lần, anh nghe chuyện của em mà lòng xót xa nhiều, không ngờ thời cuộc đẩy đưa em đến nhưng bước đường chông chênh như vậy. Cám ơn em cho biết chuyện của mình. Có chuyện chi vui buồn cứ kể anh nghe. Anh sẽ gửi tặng em một món quà mừng. Quà đến muộn nhưng đó là tấm lòng của anh chia vui cùng niềm hạnh phúc tuyệt vời của em. + Anh Trần, Cám ơn anh Trần rất nhiều. Số phận của em long đong thật. Bây giờ, hy vọng cuộc đời em bình yên cho đến cuối cuộc đời. Sau khi bảo trợ cho vợ con của anh Lâm, (chồng cũ của em) qua Mỹ hết, em chia tay với Lâm để anh ấy có thì giờ lo cho vợ con. Em sống một mình thời gian khá dài nhưng lại thấy thật hạnh phúc vì nghĩ rằng đã dứt nợ trần ai, lo làm việc chờ ngày về hưu thôi. Bây giờ gặp lại người yêu cũ, vui buồn lẫn lộn. Không biết cuộc đời em đã hết truân chuyên chưa! Phan hiện đang là khoa học gia (Scientist), làm việc cho chương trình SPAWAR của Hải quân Mỹ. Anh làm việc ở đây được 24 năm rồi. Sau khi tốt nghiệp cử nhân về tài chánh, anh ấy học tiếp, lấy Master về Economy, Master về Mathematics, tiếp đó lấy thêm Ph.D về Mathematics năm 1988. Anh Trần có thể đọc credential của anh ấy ở LindedIn: http://www.linkedin.com/pub/quang-phan/1B/BAA/66/ Thằng nhóc Michael của em đã 32 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình. Cám ơn anh đã thăm hỏi. Chúc anh chị và mấy cháu vui khỏe bằng an. Khi nào về lại Sài Gòn thế nào em cũng ghé thăm anh chị.
* * *
Huyện lỵ, năm 1972. Phòng trọ của Trần. Trần nói : “Anh đang nghiên cứu một khoa bói toán mới là khoa coi chỉ chân. Khoa này coi về gia đạo và đường tình duyên hết sẩy”. “Có thật không đó anh?” Vân nửa tin nửa ngờ cho đến khi Trần cho nàng xem quyển sách “ Vận mạng trên lòng bàn chân” bản dịch tiếng Việt của một tác giả người Hungari thì nàng mới tin hẳn. Trần nắm lấy bàn chân trái của nàng nâng lên. Ống quần satin trắng ngà của nàng tuột lên đầu gối.Nàng đỏ mặt thẹn thùng khi nhìn thấy ánh mắt của Trần. Không biết chàng vô tình hay cố ý nhìn những đường nét thanh tân và nước da gợi cảm trên bắp vế của nàng. Tay nàng lúng túng kéo lai quần xuống thấp hơn một chút, nàng nói “ Thôi, khoa coi chỉ chân ni kỳ quá. Chắc là anh xạo em thôi. Ưa cầm bàn chân người ta thì nói thật đi chứ cần chi phải vòng vo rứa hè? ” Nàng không chịu cho Trần coi nữa. Trần kịp vuốt nhẹ bàn chân hồng nhuận của nàng. Sinh nhật của nàng năm đó, Trần tặng nàng một đôi giày vừa khít đôi chân. Giày số 35. * * *
Nhẹ nhàng và chậm rãi, Vân hồi hộp mở hộp quà từ Việt Nam gửi qua. Bên ngoài hộp có hàng chữ “ Hàng dễ vỡ, xin nhẹ tay”. Quanh món quà là nhiều lớp giấy xốp bao bọc rất cẩn thận. Đúng là hàng dễ vỡ: MỘT CHIẾC GIÀY PHA LÊ CHÂN TRÁI. Cũng là số 35 kỷ niệm. Một lời chúc: “ Mừng hạnh phúc của Cindy Vân”. (1) Giọt nước mắt hạnh phúc của nàng trào ra không ngăn được, nhỏ xuống lòng chiếc giày pha lê. Ánh sáng ban mai qua khung cửa sổ mở lớn chiếu những tia nắng ấm vào món quà. Giọt nước mắt của nàng lóng lánh màu ngũ sắc như ánh một viên kim cương lóe sáng.Lê Duy Đoàn
(1) Cindy: Cinderella