Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Tập truyện ngắn về Mẹ - NHiều tác giả

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tập truyện ngắn về Mẹ - NHiều tác giả




    Nhatrang-Paris, Mệ và tôi

    Cung Điền



    Tôi gặp lại Mệ sau trên 25 năm, tại căn nhà trong một khu chung cư ngoại ô Paris. Sau 25 năm, Mệ có thay đổi, lưng đã còng, mắt tuy mờ, nhưng vẫn minh mẫn, giọng nói vẫn như xưa. Sau bữa cơm " thống nhất " có đủ món ăn Bắc Trung Nam : bánh khoái Huế, hủ tíu Mỹ Tho và tráng miệng bằng bánh đậu xanh Hải Dương cùng trà mạn Thái Nguyên ướp hương sen, Mệ nằm nghỉ, tôi dành rửa chén để trò truyện cùng cô Thủy, cô gái thứ của Mệ. Cô Thủy vừa kể chuyện, thỉnh thoảng lại lau mắt, khóc vì cái khổ cực của mấy năm tại VN, khóc vì cái khoảng thời gian bị ở tù và tôi nghĩ cô khóc vì cần khóc trước một người khác, khóc cho xả hơi.
    Mệ gốc gác ngoài Huế, người cùng xóm hồi tôi ở VN. Gia đình Mệ ở căn nhà to, phía trước có sân, có dàn nho, có vườn trồng cam, sa bô chê, ổi xá lị. Mệ có 7 người con, 3 trai 4 gái. Con Mệ đều học trường Tây. Tôi trọ học ở một căn nhà nhỏ phía sau. Về nhà trọ phải qua một ngõ hẹp dài, dọc theo gian nhà Mệ. Lối sống của gia đình Mệ và lối sống của chúng tôi hoàn toàn khác nhau : các con Mệ nói tiếng Tây, mấy cô con gái măc áo đầm, nói chuyện như đầm. Buổi sáng họ ăn bánh mì, uống cà phê sữa, còn chúng tôi cùng lắm thì ăn một bát cơm rang hay một bát cơm nguội và tráng miệng bằng một gáo nước lạnh. Cô con gái lớn của Mệ người trắng trẻo, có cái răng khểnh rất có duyên. Chúng tôi sống hai thế giới riêng biệt . Họ nói những chuyện ở Ba lê, hoặc ở tận đâu đâu . Tôi, một thằng nhà quê trọ học ở tỉnh, ngỡ ngàng trước sự thông thái của con Mệ. Một thằng quê mùa như tôi mà lại thầm yêu cô Hà, cô gái lớn của Mệ. Tình yêu một chiều của một thằng con trai mới lớn, tôi gọi là tình yêu " anh Vọi " . Dĩ nhiên tôi chỉ nhìn lén cô Hà qua cửa sổ, mà tôi gọi " cửa sổ của tình yêu ", mỗi lần cô xuống nhà dưới, hoăc mỗi lần tôi đạp xe qua ngõ, nhìn thấy cô ở sân trước nhà, dưới dàn nho. Một vài lần bắt gặp ánh mắt của cô, tim tôi đập thình thịch, và giả bộ nhìn thẳng. Quê tôi thuôc vùng Tu Bông - Vạn Giả, tuy chưa thành anh nảu, nhưng cũng bị xếp thành một thứ nảu. Da ngăm ngăm đen, tóc rễ tre, tuy mỗi buổi sáng cố gắng chải tóc với nước, ngọn tóc rễ tre vẫn dựng đứng, không sao có được đường làn rẽ trên đầu . Tôi thua thiệt đủ mọi điều, từ cách ăn mặc cho chí đến cách ăn nói. Tôi thấy mình thật là quê, thật là nảu trước con Mệ. Anh con trai lớn đi giầy Tây khi thì mũi nhọn, lúc mũi vuông. Cô gái lớn mặc áo đầm nhiều pli. Còn tôi, tuy đã bỏ được đôi dép Bình Trị Thiên, đôi dép vỏ lốp cao su, nhưng cũng chỉ thay thế bằng một thừ săng đan rẻ tiền. Tuy nhiều nhược điểm, tôi cũng có một ưu điểm là biết đá dế, và chính điểm này đã mang tôi lại gần mấy đứa con trai của Mệ, nhưng thật ra để được gần cô Hà. Cái gì chứ đá dế, lấy cây tăm nâng dế, rồi thổi phù phù, khích động dế, cho dế uống tý rượu là nghề của tôi hồi còn nhỏ tại quê nhà, theo những thằng bạn chăn trâu bắt dế tại mấy gò mả ngoài đồng. Tôi thấp thỏm mỗi lần đạp xe qua ngõ về nhà trọ, thấy mấy đứa em cô Hà đang đứng chờ sẵn để nhờ tôi chỉ cách cho dế uống rượu hoặc lắm khi được làm cố vấn trong cuộc mua bán, lựa chọn dế. Lúc đó tôi có cơ hội giảng giải cho tụi con Mệ thế nào là dế đá, dế cồ, dế mèn, phân biệt những đốm trên đầu. Tất cả những kinh nghiệm ở nhà quê được mang ra, tôi thao thao nói, mắt cô Hà cứ trớ lên nhìn tôi và tụi nhỏ. Tôi kể thêm câu chuyện người hóa dế trong Liễu Trai Chí Dị cho mấy đứa con của Mệ. Câu chuyện hồn một thằng bé nhập vào một con dế bé tý tẹo, trở thành dế đá vô địch trong cung vua. Từ chuyện đá dế, tôi được làm quen với đám con trai của Mệ và được mời sang dự tiệc trà của anh con trai lớn. Đã bảo họ là Tây, nên tôi lúng túng lần đầu tiên không biết tại sao lại uống trà với một lát chanh. Bữa tiệc trà có một cái bánh sinh nhật đặt tại một tiệm Tầu đường Độc Lập. Cô Hà chỉ tôi cách uống trà, và hỏi tôi thích nghe nhạc, nhạc cổ điển hay nhạc tân thời. Tôi lúng túng, đỏ mặt trả lời : nhạc gì cũng được, tùy thích của mấy người. Cô nhí nhảnh trả lời :
    -Thế thì để Hà cho anh nghe bản jeux interdits, hay lắm.
    Cha mẹ ơi, trời gần như sập. Cô xưng Hà và gọi tôi bằng anh. Dĩ nhiên tôi là anh vì tôi lớn tuổi hơn cô, nhưng lần đầu tiên được cô xưng tên và gọi là anh, tôi đỏ mặt. Mệ lúc đó xen vào :
    -Để anh Cẩn yên con.
    Cẩn là tên tôi, nhưng ở xứ tôi, ở nhà gọi là Lũy em, vì tôi thứ hai, và anh hai tôi, Lũy anh. Lũy anh học nghề máy trong một tiệm sửa xe hơi, và tôi, thằng Lũy em, được gửi ra Nhatrang tiếp tục học. Lũy em thầm yêu cô Hà hàng xóm trong suốt ba năm tại trung học. Thế rồi thôi, mỗi người mỗi ngả. Tôi theo con đường hầu như đã sắp sẵn, vào lính sau khi hết trung học, và trời xui đất khiến, sau năm 75 lại lang bạt sang mãi tận bên Pháp. Có khi nào thằng Lũy em như tôi nghĩ đến chuyện có thể sang Pháp, ở ngay xứ Ba Lê ? Dạo xưa có nằm mơ được nắm tay cô Hà, cô " đầm " trước ngõ, cũng không dám mơ tưởng tới chuyện đi Tây. Tôi rời Nhatrang vào lính, Mệ cũng rời xóm Lao, dọn tới xóm Mới. Sau này có dịp được nghe tin Mệ trúng số độc đắc, cô Hà lấy chồng Tây, theo chồng về Pháp, và mấy đứa con của Mệ được gửi sang Tây du học. Có ai dám nghĩ một ngày nào đó, sau bao năm, có thể gặp lại người mình thầm yêu hồi còn trung học. Thế mà tôi gặp lại cô Hà, mà ở tại Paris, trong một siêu thị, nơi tôi làm lao công. Tôi đang khuân sắp đồ trên kệ, thoáng thấy một bà á đông, người hơi đẫy đà, đã có tuổi. Tôi dừng tay nhìn bà. Bà ta cũng nhìn tôi. Nếu có gặp nhau tại ngoài đường thì không khi nào tôi nhận ra cô Hà, nhưng găp nhau trong siêu thị, tôi mặc đồ lao công, đeo tên Cẩn, bà đầm á đông hỏi tôi bằng tiếng Việt :
    -Ông người Việt Nam, có phải trước ông ở Nhatrang ?
    -Dạ tôi học trung học Võ Tánh tại Nhatrang.
    -Ông ở xóm Lao ?
    -Dạ tôi trọ học 3 năm tại đó.
    -Trời ơi anh Cẩn, Hà đây.
    -Cô Hà, trời ơi cô Hà. Cô mạnh giỏi, hai bác và gia dình thế nào ?
    Qua cô Hà, tôi được biết bác trai mất khoảng năm 80, trước khi Mệ sang Pháp, và hiện nay ở với cô Thủy. Cô Hà đỏ mặt hỏi tôi :
    -Thế anh có mấy cháu ?
    -Hai đứa, hai con mắt cô ạ. Sống một mình, lao động chân tay như tôi làm sao nghĩ đến chuyện lập gia đình. Mới lại, ở độc thân quen rồi, nghĩ đến chuyện ở với ai, eo ơi…
    Vẫn cái răng khểnh, cô Hà cười và cho tôi số điện thoại của Mệ.
    -Hà sẽ nói cho mạ hay và thể nào anh cũng đến thăm mạ và Ki.
    Ki là tên tục của cô Thủy tại nhà. Tôi xuýt nữa bật miệng nói câu : tha hương ngộ cố tri. Xa xứ hàng ngàn dặm, lại gặp người quen, mà người quen đó lại là người thầm yêu hồi trung học. Vì vậy mới có buổi gặp gỡ Mệ và cô Thủy ngày hôm nay. Trong bữa ăn, Mệ cho hay hai đứa con gái út cũng đã lập gia đình :
    -Rể tui người Nam và người Bắc.
    Chính thằng rể người Bắc mới về thăm xứ, mang sang cho Mệ bánh đậu Hải Dương. Sáng nay, hồi mới tới, Mệ hỏi tôi :
    -Thế anh dạo này làm ông gì rồi ?
    -Dạ thưa bác làm lao động chân tay trong một siêu thị. Bằng cấp không có thì làm ông thế nào được bác?
    Mệ khoe tôi người con trai lớn dạy học tại đại học Dauphine, đứa con trai thứ hai lấy vợ và sống bên Bỉ, đứa trai út cũng làm trong một siêu thị, nhưng làm sếp. Mỗi lần tết nhất, họp đông đủ, nhà Mệ chật ních người. Chỉ kể cháu nội ngoại đã 9 đứa. Rồi dâu, rể… Mệ chỉ một chồng bát đĩa xếp trên một góc kệ trong bếp :
    -Tôi nấu một nồi phở. Tây cũng ăn, Bỉ cũng ăn.
    Thì ra ngoài người chồng cô Hà, Mệ còn có một cô dâu người Bỉ, và một cô dâu người Pháp, nhưng bà này không còn lui tới nữa vì đã li dị với anh con trai lớn. Cô Thủy sống chung với Mệ, mấy tháng nay đi làm lại. Cô lau nước mắt :
    -Đã lâu ở nhà với mạ, mạ có người nói chuyện. Nay em đi làm lại, mạ ở nhà một mình buồn. Chỉ độc có một con chó ở nhà với mạ, nhưng anh tính già thì thích nghe và nói chuyện, chó làm sao thay được người. Mỗi lần em đi làm về khuya, mạ cứ thấp thỏm chờ.
    Cả ngày ở nhà, Mệ hết đan áo cho cháu nội cháu ngoại lại làm bánh chờ đến ngày giỗ tết. Trời đã vào khuya, tôi đứng dậy xin phép về vì sợ không còn tầu. Mệ nắm tay tôi :
    -Anh biết nhà nay mai lại chơi, hàng xóm láng giềng xưa nay, sang bên này gặp lại.
    Tôi xin phép Mệ thỉnh thoảng được lại thăm, vì tôi cũng chẳng có ai để đi thăm. Mệ vào trong bếp ra, dúi trong tay tôi một bao nylon đựng mấy cái bánh bao và chả giò đông lạnh :
    -Anh cầm lấy mang về, khi nào đi làm về muộn, anh có thể thời được.
    Ờ phải đấy, ăn cái bánh bao của Mệ vào buổi sáng thì tuyệt. Bánh bao mệ làm có trứng, có lạp xưởng, có nhân thịt, không như bánh bao mua tại phố Tầu khu quận 13. Cô Thủy đưa tôi ra tận ga, và trước khi để tôi leo lên tầu, cầm tay tôi ân cần :
    -Khi nào anh rảnh, cứ lại chơi, chỉ cần gọi điện thoại trước. Lần tới, Ki sẽ kho cá cho anh thời. Ki sẽ kho cá kiểu miền Trung.
    Tôi cảm động, thấy cái tha thiết của tình người. Lòng thấy ấm hẳn lại, vì biết mai này, nếu cần, sẽ có chỗ để thỉnh thoảng được nghe và nói tiếng Việt, được găp lại Mệ và cô Thủy, để ôn lại chuyện đời xưa. Chuyện đời xưa tuy chưa bao lăm, mới có trên 25 năm mà đã xa lắc xa lơ như chuyện Lưu Nguyễn nhập thiên thai.
    *
    * *
    Cách mấy tháng sau, tôi lại thăm Mệ. Lần này vào tháng 11. Tôi mang tặng Mệ một chậu hoa cúc, ở bên nhà gọi là cúc đại đóa. Ở xứ Tây, hoa cúc chỉ dùng vào ngày lễ Thanh Minh đi tảo mộ. Kỳ này Mệ nhắc đến chuyện về thăm xứ vào mùa hè vừa qua. Mệ và cô Thủy thuê một chiếc xe từ Nam ra tận ngoài Trung Nha trang, Huế để thăm mộ bác trai và bà con thân thuộc. Mệ kể cho tôi nghe những mẩu chuyện gặp gỡ người quen tại quê nhà :
    -Xứ mình tuy nghèo nhưng vẫn là xứ mình.
    Sau bữa cơm, tôi lại xin rửa chén trong bếp để nghe cô Thủy kể chuyện chuyến về thăm quê nhà vừa qua. Cô lại lau nước mắt :
    -Mạ đòi về sống tại Việt Nam.
    Trong bữa ăn, Mệ không nói là muốn về Việt Nam, nhưng chỉ than thở cùng tôi ở đây không có tình hàng xóm láng giềng. Dù có bệnh chết chăng nữa, không có con cháu bên cạnh thì chẳng ai biết tới. Bên nhà, nếu có chuyện gì, thì đã có hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau. Ở xứ này, họ quý chó và mèo hơn người. Tôi ậm ừ, nhìn cô Thủy. Cô Thủy cúi mặt. Mệ có lý, đây là xứ người ta. Họ không có thờ ông bà, già thì vào viện dưỡng lão.
    Không hiểu sao Mệ muốn trở về VN. Mệ nói tiếng Tây như người bản xứ, Mệ nằm mớ bằng tiếng Tây. Mệ sống trong khu chung cư, mấy phòng chắc còn khang trang hơn căn nhà Mệ hồi xưa tại VN. Nhà Mệ tại VN đã nhường lại cho cơ quan để được giấy rời xứ, nay còn chỗ nào đâu mà về ? Bẩy đứa con, sáu đứa sống tại Pháp, một đứa sống tại Bỉ, như vậy về lại VN, Mệ sống với ai ? Mệ không còn gì dính líu tới xứ sở, trừ cái mả của bác trai, ờ mà cũng còn mả tổ tiên…Còn cái gì tại quê hương níu kéo Mệ về ? Mới đây đọc tập truyện ngắn của Võ Phiến, tác giả tả cái nỗi nhớ quê hương, nhớ làng : tiếng chân gà bới rác trên lá khô, cái nỗi nhớ làng như tiếng hú từ bên kia đại dương, tiếng hú như thể có sức xoáy vào tận tâm hồn kẻ lưu lạc, và những người nhớ quê, nhớ làng xóm, có cùng tần số để đón tiếng hú đó. Mệ nhớ quê, nhớ thành thị tại VN, nhưng đến đời con Mệ, có đứa sống tại Pháp trên 30 năm, chúng tuy chưa quên tiếng Việt, nhưng cách sống của chúng cũng chẳng còn bao lăm VN, lúc đó chắc chẳng còn tần số nào có thể rung động chúng được.
    Chắc Mệ muốn về VN để được nghe lại tiếng hàng quà rong vào buổi sáng, buổi trưa được nghe tiếng kẽo kẹt của cái võng bên hè, và buổi chiều được nghe tiếng ca vọng cổ của một cái radô hàng xóm, hay được nghe tiếng muỗi vo ve trong góc nhà. Tất cả những âm thanh bé nhỏ, hỗn độn ấy đã thấm vào trong từng thớ thịt, trong tiềm thức của Mệ, vì vậy Mệ muốn về. Muốn ăn vịt lộn, thiếu gì ở đây, thế mà Mệ nói với tôi : vịt lộn ở nhà ăn ngon hơn. Chắc ăn vịt lộn phải ngồi xổm trên vỉa hè, bóc vỏ trứng vất ngay trên đất, rồi chấm với muối tiêu và rau răm, hay phải ăn với mấy bà hàng xóm, hay phải mua của bà Năm vịt lộn sau ngõ ?
    Tôi có ông bạn già, gốc gác ngoài Bắc, cũng lưu lạc sang Pháp. Một đôi lúc găp nhau, trong lúc hàn huyên, ông chép miệng : ở đây cái gì cũng có, có tiền là mua được. Thế mà có một thứ không mua được, nhất là những hôm trời mưa như hôm nay, trứng bác với trứng cáy, hoặc một bát canh rau muống với trứng cáy thì tuyệt. Đấy, ấy đấy, quanh quẩn toàn những thèm muốn vớ vẩn, lủn củn, nhưng tất cả đều gợi lại nỗi nhớ quê hương. Dĩ nhiên ở miền Trung quê tôi không có trứng cáy, làm sao biết được cái hương vị nhớ nhung của ông bạn Bắc Kỳ. Ai ở miền Trung, nhất là vùng Tuy Hòa, Tu Bông, Vạn Giả, Khánh Hoà, không khỏi nhớ đến món bánh tráng cuốn với đủ thứ, những đồ ăn còn dư lại trong ba ngày tết, nhất là cuốn với món măng khô ninh thật nhừ. Sau ba ngày tết, đổ tất cả những đồ ăn còn lại, làm một nồi thập cẩm, thêm với măng khô và nhiều hành lá, và cứ thế, măng ninh cuốn với hành và bánh tráng. Phải thứ bánh tráng miền Trung quê tôi, hơi dầy và vị hơi ngọt, gói tất cả lại và chấm với mắm ớt. Chao ơi, nhớ ơi là nhớ. Nhớ rỏ rãi…nhớ bánh tráng sau mấy ngày tết ; nhớ mấy quả ổi hái trong vườn còn nồng mùi nắng ; nhớ tiếng gió thổi trong rặng tre vào buổi trưa hè ; nhớ dáng đi của con trâu trên bờ ruộng.
    *
    * * Ăn cơm Tầu,
    Ở nhà Tây,
    Lấy vợ Nhật. Trong các lối ăn, ở và ngủ, các cụ ta xếp cái ăn trước cái ở, và sau rốt đến vợ. Các cụ trước đây chỉ thèm ở nhà Tây vì dưới thời bảo hộ, những khu sang trọng nhất dành cho người Tây. Lưu lạc sang đến xứ Tây, ở ngay Ba Lê, kinh đô ánh sáng, mới biết nhà Tây cũng có lắm thứ. Thứ nhà tôi ở là loại phòng ở sát nóc, tiếng Tây gọi là chambre de bonne, nghĩa là phòng dành cho bọn tôi tớ, không có lò sưởi và không có nước. Muốn lấy nước thì ở ngoài hành lang, và cái chuyện " tứ khoái " cũng phải đi chung với tất cả mọi người, cũng ngoài hành lang. Mùa đông không có lò sưởi, lạnh co ro. Mùa hè, khi nào trời nắng thì cái phòng hừng hực như lò bếp. Đấy là nhà Tây, phòng Tây. Cả gia sản thu gọn trong một căn phòng 9 mét vuông, khi nào bạn bè có đứa nào muốn ngủ lại thì tôi lại " hạ thổ ", nghĩa là nằm đất. Tắm rửa thì thế nào ? Ngoài chuyện lau rửa hàng ngày nhờ nước ngoài hành lang, thì không có chuyện " tắm búng ". Muốn tắm ở đây thì phải đi nhà tắm công cộng, gọi là douche et bain municipale. Ấy thế nhờ tắm công cộng mà tôi làm quen được với một ông bạn người ngoại quốc. Tắm công cộng, phần nhiều tôi đi vào sáng chúa nhật. Xà bông, khăn và thuốc gội đầu bỏ vào trong một cái bao nylon của siêu thị. Trần truồng trong phòng tắm, xả nước thật nóng, hít hà trong hơi nóng, thật thoải mái, và mười lần như một, tôi vừa đái vừa gân cổ cất tiếng hát. Dưới những tia nước nóng, trần truồng, con người dễ buông thả, nghêu ngao ca hát. Có lẽ những nhà phân tâm học nên theo dõi bệnh nhân trong những lúc buông thả như vậy. Tôi cũng chẳng nhớ mình hát những gì, có thể một đôi lúc xen lẫn bài " này công dân ơi ". Da thịt ửng hồng vì nước nóng, vừa xoa xà bông, vừa chà khắp mình, vừa gân cổ nghêu ngao. Và cũng trong tiếng nước, tiếng hát ồm ồm của mình, tôi bỗng nghe tiếng hát của ai bên cạnh : la..la..lí…la lí… a ha, lại có một anh nào như tôi. Tiếng hát không phải giọng Tây, cũng không phải giọng Ả Rập, giọng líu lo, có lẽ của một anh chà và. Tôi ngừng hát để được nghe rõ hơn. Vẫn điệu hát la …la…la…lớ…lớ…lí…lí…lúc trầm lúc bổng lẫn trong tiếng nước chảy. Tôi tần ngần tự hỏi không biết nên tiếp tục hát hay không, và không hiểu người bên cạnh khi nghe tiếng tôi hát có cùng cảm giác như tôi nghe tiếng hát của ông ta ? Tiếng hát ở phòng bên tự dưng ngừng cùng tiếng nước chẩy. Mặc xong quần áo, bước khỏi phòng tắm, tôi cố ý chờ xem mặt người tắm bên cạnh. Cánh cửa mở, và một người bước ra. Một người da đen, còn trẻ. Tôi cất tiếng chào :
    -Bonjour
    -Bonjour
    Chúng tôi cùng đi xuống cầu thang để ra ngoài. Tôi cất tiếng hỏi :
    -Ông từ đâu tới ?
    -Từ xứ Tích Lan, phía bắc của Tích Lan. Anh ta nhấn mạnh như vậy, tôi thuộc chủng tộc Tamoul, tên tôi lả Rashid, nhưng để Tây hóa, tôi đổi thành Raymond. Còn ông, ông người Tầu ?
    -Không, tôi gốc Việt Nam, tên tôi là Cẩn.
    -Carl ? hân hạnh Carl.
    Thế là tôi trở thành Carl của Rashid, à quên của Raymond. Chúng tôi đi bộ một quãng, tôi kéo anh ta vào một bistrot, mời anh một ly bia. Anh từ chối, xin một ly nước ngọt. Tôi hỏi anh đến Pháp lâu chưa. Không trả lời, hỏi lại tôi : còn ông ? Tôi cho hay cũng khá lâu để trở thành dân Pháp gốc da vàng. Anh hỏi tiếp :
    -Ông không muốn trở về xứ ?
    -Không trở về được nữa thì đúng hơn. Rời quê hương từ lúc đã trưởng thành, dĩ nhiên không thể bỏ quê hương dễ dàng được…nhưng chuyện về lại xứ…tôi tần ngần, không trả lời. Anh còn trẻ, chắc chắn dễ hòa nhập với người bản xứ hơn tôi.
    Anh cho hay anh không định sống suốt đời ở đây : tôi chắc làm việc thêm ba bốn năm nữa, khi tình hình yên ổn, tôi lại trở về. Tôi còn cha mẹ, và còn có người chờ tại quê nhà.
    Mặt anh đen nên tôi không biết anh có đỏ hay không, nhưng qua ánh mắt, nghe giọng nói, tôi thấy anh rất tha thiết. Chắc cũng tha thiết như tôi hồi tuổi 20, hồi còn mơ mộng. Thật là hạnh phúc khi hãy còn trẻ, và còn hy vọng có người chờ tại quê nhà. Càng lớn tuổi, càng thực thế, thực tế phũ phàng : ăn ngủ…và thình thoảng tìm giải quyết sinh lý. Tay quay ly bia, tôi hỏi anh :
    -Thế còn vấn đề sinh lý ?
    -Tiền kiếm được đồng nào phải để dành vì trước sau gì tôi cũng trở về xứ. Khi nào nghĩ đến chuyện sinh lý, cùng lắm thì…anh lấy tay làm dấu thủ dâm.
    A, anh còn lý tưởng, còn hy vọng có ngày trở về xứ. Còn tôi, quê hương đó sao không nghĩ ngày trở về ? Ngày tháng trôi dần, tôi buông thả theo cuộc sống. Không gia đình, không tình nhân. Thỉnh thoảng tới dự một vài buổi họp của người Việt, thấy mình cũng sắp vào hàng chú bác, cùng với thành phần lớn tuổi khác. Ừ nhỉ, tôi cũng đang bước vào tuổi sồn sồn. Ngày ngày lao động chân tay, tối về lại ăn tiệm, hoặc hôm nào hết tiền thì lại ăn mì gói. Cứ thế ngày tháng trôi qua. Hay tôi lại ở với Mệ và cô Thủy, để được nói chuyện bằng tiếng Việt, để được gọi Mệ bằng mạ, và được cô Thủy gọi bằng anh. Để có một người vợ như bao người khác, và nhất là, đêm về, không còn một mình nhìn bóng mình trên tường.
    *
    * * Bẵng một thời gian tôi không lui lại thăm Mệ và cô Thủy, chỉ thỉnh thoảng đôi lúc gọi điện thoại để nói chuyện cùng cô Thủy, được tin cô Hà đã ly dị, nay dọn về ở gần Mệ. Một tối cô Thủy gọi điện thoại, khóc ở đầu giây cho hay con chó đã chết. Tôi nhớ lại con chó vàng, trừ lần đầu tiên tôi lại, gầm gừ sủa, nhưng lần sau, thấy tôi vui vẻ, lại quẫy đuôi mừng. Con chó vàng là con của Mẹ Ky, và cũng là con vật độc nhất để Mệ nói chuyện suốt ngày. Tôi hỏi cô Thủy : con chó chết bệnh chi ? Dạ không, chết già anh Cẩn ơi. Tôi an ủi cô Thủy : chết già là tốt rồi, cũng như con người ta, trước sau gì cũng phải ra đi. Nhưng nó ở với em đã trên 10 năm. Chừ đây, Mạ không còn ai trò chuyện. Cô cũng cho hay dạo này Mệ cũng đã nghễnh ngãng, không được như xưa. Cô Thủy nói tiếp : dạo này Mạ thường nhắc đến anh, và hỏi tại sao lâu nay anh không lại ? Thật ra tôi cũng thỉnh thoảng muốn lại thăm Mệ, nhưng ngại gặp cô Hà, vì dù sao giọng nói, nụ cười, cái răng khểnh của thuở xa xưa vẫn còn đọng trong tiềm thức. Tôi tránh không muốn tới để khơi lại quá khứ. Tôi không đồng ý với một câu của người Pháp, coi những mối tình đầu như những cái răng đầu tiên, tuy có làm đau đớn, nhưng không lâu. Mối tình của một thằng con trai mới lớn, tuy là mối tình một chiều, nhưng sao vẫn mãi day dứt trong tôi. Cái thằng con trai mới lớn về tình cảm trong tôi không chịu gìà với thời gian, vẫn cứ trẻ mãi như thời học trò. Cũng trong một truyện ngắn của Võ Phiến, ông nhắc lại cái nhìn của hai đôi mắt trong giây lát, theo đuổi mãi mười mấy năm sau khi hai người đã có gia đình, gặp lại nhau trên đất khách quê người. Ánh mắt, giọng cười của cô Hà vẫn còn ám ảnh, có lẽ vì vậy nên tôi vẫn độc thân đến bây giờ. Phải chi đừng gặp lại…
    Bỗng một hôm tôi được điện thoại của cô Hà cho hay phải tới nhà ngay. Tôi hỏi có chuyện gì. Cô Hà chỉ thút thít khóc qua máy điện thoại. Tôi lấy tầu đi ngay, chuyến tầu vào ban tối đã vắng người, không như khoảng 6 giờ chiều, lúc nào cũng phải chen lấn mới vào được. Rời khỏi ga, tôi đi như chạy vì định mua một bó hoa mang lại, nhưng đúng lúc tiệm bán hoa đóng cửa, đành tới tay không. Trên cao, mảnh trăng khuyết treo lơ lửng, tôi cũng chẳng biết trăng non hay trăng già. Trèo cầu thang lên từng 3, tôi gặp một người có vẻ bác sỹ vừa rời khỏi nhà Mệ. Bấm chuông, người ra mở cửa là cô Hà, mắt đỏ hoe, hình như mới khóc. Tôi chưa kịp hỏi, đưa mắt nhìn căn phòng khách, Mệ nằm trên một chiếc giường trong một góc phòng. Cô Hà nói nhỏ :
    -Bác sỹ vừa đi khỏi, cho hay mạ có lẽ không qua khỏi. Đã mấy hôm mạ không chịu ăn chi cả. Bác sỹ nói bệnh già. Mạ nói em gọi anh để có chuyện nhắn gấp.
    Tôi bước lại nắm hai bàn tay Mệ, hai bàn tay nhăn nheo, lạnh, hết sức sống. Mệ mở đôi mắt, mệt nhọc, môi thoáng một nụ cười hiền từ, nắm lại tay tôi, nói với cô Hà và cô Thủy :
    -Để mạ một mình cùng anh Cẩn.
    Hai cô vào trong nhà bếp, vừa đi vừa sụt sịt khóc.
    -Mạ biết anh thương em Hà từ hồi còn ở xóm Lao. Sau này khi rời tới xóm Mới, Mạ mới hay em Hà cũng để ý đến anh. Duyên phận không thành, nay sang đến bên này sự đời thay đổi. Biết nói làm sao.
    Tôi lặng người. Đậy là lần đầu tiên Mệ xưng với tôi là Mạ, tôi cứ tưởng rằng mối tình thầm kín của tôi với cô Hà, chắc chỉ " một mình mình biết, một mình mình hay ". Ai ngờ. Có tiếng hú của một cái xe cấp cứu nào từ ngoài đường vọng lên. Ánh trăng khuyết vẫn ở trên cao, qua khung cửa sổ, dọi vào mặt Mệ, một mầu trắng huyền ảo, ma quái. Tôi bóp nhẹ bàn tay Mệ, đi vào phòng bên, đốt một nén nhang cắm trước ảnh bác trai.
    Bên ngoải có tiếng khóc òa của hai người.

  • #2
    Nỗi nhớ mẹ tôi


    Ngày chủ nhật tuần thứ 2 của tháng 5, cả thế giới dành tặng cho mẹ một ngày lễ, nhưng với riêng tôi thì ngày nào cũng là ngày của mẹ.

    Ngược dòng thời gian trở lại với tuổi thơ, về những ngày khi tôi còn nhỏ. Trong màn đêm lạnh giá, mẹ thường ôm và kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích thần kỳ. Đôi mắt mẹ đầy yêu thương nhìn tôi trìu mến. Đêm nào mẹ cũng hát ru cho tôi đi vào giấc ngủ thật say, rồi nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên trán. Năm tôi học mẫu giáo... Tôi xin mẹ 500 đồng mua giấy thủ công về cắt hoa tặng cô nhân ngày lễ 8/3. Tôi ngồi cặm cụi cắt từng bông hoa cả buổi sáng, rồi chạy ra khoe với mẹ: - Mẹ ơi! Con có hoa đẹp không này?
    Mẹ cười trìu mến:
    - Đẹp lắm, con gái mẹ giỏi quá!.

    Tôi đem hoa tặng cho cô, nhưng vẫn không quên dành một bông hoa to nhất, đẹp nhất để tặng mẹ. Nhớ lại hồi ấy khi tôi đến nhà cô giáo chơi cả ngày thì về nhà bị ốm, mẹ thức trắng đêm để chăm sóc. Sáng ra tôi nhìn thấy đôi mắt mẹ trũng xuống vì thiếu ngủ. Tôi thấu hiểu mẹ đã lo lắng cho tôi như thế nào dù ngày ấy tôi còn bé lắm…



    Năm tôi học cấp 1... Tôi xin mẹ 2.000 đồng để mua hoa tặng cho cô. Tôi chạy ra chợ mua những bông hồng đỏ thắm, nhưng vẫn không quên dành một bông đẹp nhất để tặng cho mẹ. Tôi đi học về cũng là lúc mẹ đang gánh từng gánh chè đi bán. Những giọt mồ hôi rơi trên áo, trông mẹ xanh xao lắm. - Mẹ ơi! Con tặng mẹ.

    - Cảm ơn con gái của mẹ! Mẹ ôm tôi vào lòng, tôi cảm thấy những giây phút đó thật ấm áp.

    Ngày nối tiếp ngày trôi qua, tôi lớn lên từ những bó rau mẹ bán, từ những giọt mồ hôi lăn dài trên má mẹ, từ những hạt gạo mẹ mót được trong những ngày hè nắng nóng, từ những nồi cơm cháy thơm lừng mũi và từ những khó khăn mà mẹ đang phải gánh nặng trên vai. Năm tôi học cấp 2...

    Tôi xin mẹ 10.000 đồng để mua hoa tặng cô. Tôi còn mua những thứ để tự tay làm, hôm đó tôi thức khuya lắm, mẹ luôn lo lắng nhắc nhở giục ngủ sớm để sáng mai đi học. Sáng ra trước khi đi học, tôi vẫn không quên tặng mẹ một tấm thiệp kèm lời chúc: “Cảm ơn mẹ đã sinh ra con, cho con một hình hài, con thầm cảm ơn tiếng ru của mẹ đã cho con biết thế nào là ngủ ngon. Cảm ơn mẹ đã dạy dỗ con nên người. Cảm ơn nụ cười của mẹ đã cho con biết thế nào là hạnh phúc...” Năm tôi học cấp 3... Tôi xin mẹ 50.000 để mua hoa và góp tiền cho lớp đi tặng cô giáo. Các bạn đều chọn một món quà thật đẹp và ý nghĩa để tặng cô. Hồi ấy nhà mình còn nghèo lắm, làm gì có nhiều tiền để mua những món quà đắt tiền tặng cho cô. Còn nhớ, hôm ấy con chỉ mua hoa để tặng cô, còn số tiền còn lại con đã mua một món quà để tặng cho mẹ. Khi con về nhà, lấy quà ra tặng mẹ, mẹ rất bất

    ngờ. Con nhìn thấy trong mắt mẹ ngân ngấn nước

    Năm học 12, có những lần bị điểm kém, mẹ không bao giờ mắng tôi. Mẹ kiên nhẫn, giảng lại cho tôi từng ly từng tí cho đến khi tôi hiểu thì thôi. Mẹ luôn nói với tôi: “Con cố gắng học, nhà mình đã nghèo rồi, đừng để mẹ mất niềm tin ở con”.

    Tôi bắt đầu vào cuộc chiến ôn thi tốt nghiệp, dù bận rộn đến đâu, mỗi ngày mẹ đều dành thời gian nói chuyện với tôi. Có chuyện gì, dù xấu hay tốt, tôi đều kể với mẹ. Trước khi thi, mẹ cùng ôn bài với tôi. Mẹ vuốt ve tôi và luôn dặn: “Con nhớ đọc lại kỹ bài làm để dành cho mẹ một điểm nhé”. Tôi lại tự nhủ: “Phải chiến thắng, phải chiến thắng….!”. Rồi tôi không phụ lòng mong mỏi của mẹ, năm đó tôi thi đậu vào một trường đại học danh tiếng với một số điểm thật cao. Hôm tiễn tôi lên xe vào thành phố để đi học, tôi thấy ánh mắt mẹ nhìn tôi với một nụ cười đầy tự hào. Tôi lấy tay vỗ lên lồng ngực: “Vì mẹ con sẽ cố gắng!". Tôi đi học xa nhà, nhìn thấy những người phụ nữ bằng tuổi của mẹ, ăn mặc đẹp sang trọng, lại nhớ hình ảnh mẹ chỉ mặc chiếc áo bà ba đã cũ. Vào dịp cuối tuần là họ lại được chồng chở đi siêu thị mua sắm, còn mẹ ngày nào cũng ở ngoài chợ buôn bán, gạt đi những giọt mồ hôi, tần tảo lo cho chồng con. Nghĩ mà tôi thương mẹ lắm! Cũng như bao buổi chiều, tôi rời khỏi lớp học với cái bụng đói meo, ghé vào một tiệm cơm rồi gọi cho mình một dĩa cơm thật to và ngon lành. Bất chợt nhìn thấy ở bàn đối diện một đứa bé đang nũng nịu đòi mẹ cho ăn thứ này thứ kia. Nhìn hai mẹ con đó vừa ăn vừa cười nói vui vẻ, trong tôi có một chút gì đó bâng khuâng và nhớ về tuổi thơ của mình.

    Những ngày xưa đó nhà tôi nghèo lắm. Mấy mẹ con chỉ sống trong một ngôi nhà mái tranh, hễ mưa xuống là dột ướt đủ chỗ. Ngày nào mẹ tôi cũng tần tảo gánh từng gánh rau mang ra chợ bán. Khi tôi còn bé, mẹ thường nhường hết cho tôi những phần cơm trắng còn mẹ thì ăn cơm cháy. Mẹ bảo: “Mẹ thích ăn cơm cháy”, nhưng không phải vậy mẹ đang nhường cho tôi phần cơm ngon. Bữa cơm nghèo nàn với dĩa rau bán ế ẩm của mẹ. Lâu lắm, mẹ mới mua một con cá tươi hay quả trứng, nhưng dù là cá hay trứng thì mẹ vẫn dành hết cho tôi, còn mình thì ăn toàn cơm cháy. Nhìn đĩa cơm sườn ngon, mà nghĩ không biết bữa cơm hôm nay mẹ ăn gì? Có được ngon không?.

    Đêm nay tình cờ đọc được bài thơ của nhà thờ Trần Nhất Linh, lòng tôi lại nôn nao nhớ về mẹ:

    “Ở phương trời xa con viết vài hàng chữ
    Gửi chút lòng người con nhỏ xa quê
    Mượn cây viết thêm đôi tờ giấy trắng
    Trải niềm riêng thương nhớ mẹ quê nhà…”
    (Thơ: Trần Nhất Linh)


    Màn đêm buông xuống, không gian tĩnh mịch, từng góc phố, từng con đường đã chìm sâu trong giấc ngủ. Thỉnh thoảng những làn gió thổi vi vu như cất lên như một bản nhạc buồn. Tôi nhớ tới vòng tay ấm áp của mẹ và muốn gửi những dòng tâm sự này đến mẹ.

    Comment


    • #3
      Tám lời nói dối của mẹ

      Câu chuyện bắt đầu khi tôi còn là một đứa bé trai và được sinh ra trong một gia đình nghèo, thậm chí đến những bữa ăn còn không đủ. Tới bữa, khi không đủ cơm ăn, mẹ thường lấy ở chén của mình rồi chia đều cho các con.


      Mẹ bảo: "Các con, ăn nhanh đi, mẹ không đói! " - Lần nói dối đầu tiên của mẹ.


      Khi tôi lớn dần lên, mẹ tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần đến đầm hồ gần nhà bắt thêm ítt cá làm bữa ăn. Món canh cá của mẹ thật ngon. Khi anh em tôi xì xụp ăn, mẹ ngồi bên cạnh nhìn chúng tôi cười, rồi ăn những phần thịt còn sót lại trong miếng đầu cá mà chúng tôi chê bỏ ra. Thấy vậy, tôi liền lấy chút cá để vào bát mẹ nói "Mẹ ăn đi". Nhưng ngay lập tức mẹ từ chối và bảo: "Con cứ ăn đi, mẹ chỉ thích ăn đầu cá thôi". Tôi ngây thơ tin rằng mẹ nói thật cho đến mãi sau này. - Lần thứ hai mẹ nói dối!




      Khi lên cấp 2, để nộp đủ tiền học phí cho tanh chị em tôi, mẹ phải đến một xưởng nghề nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối. Việc này có thể giúp mẹ trang trải thêm một chút cho việc học của chúng tôi. Vào một tối đông, nửa đêm tôi tỉnh giấc, thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu nhợt nhạt. Tôi nói: "Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà". Mẹ chỉ cười: "Con cứ ngủ đi, mẹ bị mất ngủ nên không buồn ngủ" - Mẹ đã lần thứ ba nói dối

      Ngày tôi thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm để có thể chăm sóc tôi tốt hơn. Đúng vào mùa hạ, trời nắng như đổ lửa, mẹ mong ngóng từng khắc phía ngoài phòng thi. Tiếng chuông hết giờ đổ vang. Mẹ dang rộng cánh tay ôm đứa con trai bé nhỏ, trong tay mẹ là bình trà pha sẵn mẹ đã ướp hoa từ độ tuần trước. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, tôi liền đưa bình trà nhỏ bằng thủy tinh nhỏ trong suốt, một trong những thứ tài sản quý giá nhất trong nhà, bảo mẹ cũng uống đi.
      Mẹ bảo: "Uống đi con. Mẹ không khát" - Lần thứ tư mẹ nói dối!

      Sau khi cha lâm bệnh qua đời, mẹ vừa làm mẹ vừa làm cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề chính, mẹ phải tự lo các chi phí trong nhà một mình. Cuộc sống của gia đình chúng tôi trở nên phức tạp hơn, không có ngày nào được bình yên. Nhìn thấy điều kiện gia đình tôi ngày một khó khăn, một người chú họ sống gần đó đã tới giúp chúng tôi, từ việc lớn cho đến những chuyện nhỏ. Những người hàng xóm quanh đó khi nhìn thấy cảnh không may của gia đình tôi họ đều khuyên mẹ hãy tái hôn. Nhưng mẹ tôi - một người cứng rắn, bà không quan tâm tới lời khuyên của mọi người. Mẹ nói: "Mẹ không cần tình yêu, chỉ cần các con thôi" - Mẹ nói dối lần thứ năm!

      Sau khi anh, chị tôi tốt nghiệp và đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ, nhưng một thân một mình, cũng có tuổi, mẹ mắt đã kém, chân tay cũng còn dẻo dai như trước, việc cũng dần ít đi. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo: "Các con mới ra đời, cần nhiều khoản chi tiêu. Mà mẹ bây giờ tháng đi chợ cũng có thiếu gì tiền cả. Cứ cầm lấy" - lần thứ sáu mẹ nói dối!

      Còn tôi ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sĩ ở một đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp tôi ở lại làm việc tại một công ty chuyên về nghiên cứu. Khi đã có chút điều kiện, tôi muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng. Nhưng mẹ không muốn làm phiền tới con trai mình, mẹ nói: "Mẹ sống ở đây quen rồi. Mẹ không muốn đi đâu cả" - Mẹ lại một lần nữa nói dối!

      Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi tôi đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ đã già và tôi đau đớn vì thương xót mẹ. Mẹ mở mắt, cố gượng thều thào bảo:
      "Con đừng lo, mẹ chẳng đau chút nào đâu con..." - Và đây là lần nói dối cuối cùng của mẹ.

      Sau lời nói dối thứ tám đó, mẹ tôi đã nhắm mắt ra đi mãi mãi...



      Last edited by Poupi; 27-08-2015, 09:08 AM.

      Comment


      • #4
        Mẹ... Bích Phượng



        "Mẹ già như chuối ba hương
        Như xôi nếp một như đường mía lau
        Mẹ như bể rộng trời cao
        Ngọt dòng suối mát sáng sao chín tầng."
        (Dáng mẹ hiền - Việt Hải)
        Tình mẹ là biểu tượng thiêng liêng cao đẹp nhất, truyền thống thờ mẹ kính cha đã in sâu vào tâm hồn của người dân Việt và văn hóa dân tộc Việt Nam. Người dân Tây phương có ngày lễ Hiền Mẫu, tổ chức vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5 dương lịch...Cũng như người dân Việt Nam có ngày lễ Vu Lan để tỏ lòng kính yêu người thân mến nhất trên đời, tức là người Mẹ của chúng ta. Mẹ là tất cả, là những gi ngọt ngào và trân quý nhất ...Từ lúc cất tiếng khóc oa oa chào đời đến lúc thân xác trở về với cát bụi, không ai có liên hệ mật thiết và dịu dàng với ta cho bằng Mẹ. Không ai yêu thương và chăm sóc ta cho bằng Mẹ. Mẹ cưu mang ta chín tháng mười ngày, mang nặng đẻ đau, nâng niu bú mớm vỗ về yêu thương...
        Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
        Năm canh chày thức đủ năm canh
        Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
        Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương
        Ca Dao Việt Nam
        Mẹ vui với niềm vui của con thơ, đau đứt cả ruột gan mỗi khi chăm sóc con trẻ ốm đau, Người vui trong cái vui nhỏ bé nhất, đau khổ trong cái khổ đau lớn nhất ...Suốt cuộc đời, đời mẹ đã gắn liền với đời con...Mẹ là dòng suối trong, là bóng mát dịu êm che chở và nuôi nấng ta lớn khôn, là chốn ta tựa nương tháng năm... Chỉ có trong vòng tay yêu thương của mẹ ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, thơm nồng nàn như "chuối ba hương", dịu như "xôi nếp một" và đậm đà ngọt lịm như "đường mía lau".
        Mẹ, Mẹ là lọn miá ngọt ngào
        Mẹ, Mẹ là nải chuối buồng cau
        Là tiếng dế đêm thâu
        Là nắng ấm mương dâu
        Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...
        (Bông hồng cài áo - Thích Nhất Hạnh)
        Mẹ là tình thương . Tình mẹ là nguyên thủy , là cội nguồn của mọi tình cảm thương yêu. Như dòng nước trong nguồn chảy ra, tình mẹ là bất tận. Mẹ yêu thương con, vô bến bờ, vô điều kiện. " Không có tình yêu nào hơn được tình của người thí mạng vì người mình thương. Đây mới là cách dựng xây tình yêu đích thật, bằng hy sinh quên mình " . . Trái tim mẹ chan chứa tình người, hy sinh, chịu đựng, sẳn sàng cho đi mà chẳng bao giờ chờ hồi đáp lại ...
        Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
        Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
        Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
        Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu. Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
        Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
        Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
        Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.
        Thương con thao thức bao đêm trường,
        Con đà yên giấc Mẹ hiền vui sướng biết bao.
        Thương con khuya sớm bao tháng ngày.
        Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.
        Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.
        Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền.
        Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm.
        Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên...
        (Lòng Mẹ - Y Vân)
        Mẹ là vị giáo sư đầu tiên dạy cho ta biết thế nào là yêu thương, biết thể hiên tình yêu và cảm nhận tình yêu... Tục ngữ Việt nam có nói: "mất mẹ liếm lá đầu đường" ...Không có mẹ trái tim ta trở nên khô héo vô tình... Mẹ là Thơ.Trong ngôn ngữ thi ca của thế giới, dân tộc nào cũng có những vần thơ chứa chan tình mẹ.
        Only One Hundreds of stars in the pretty sky;
        Hundreds of shells on the shore together;
        Hundreds of birds that go singing by;
        Hundreds of bees in the sunny weather.
        Hundreds of dewdrops to greet the dawn;
        Hundreds of lambs in the purple clover;
        Hundreds of butterflies on the lawn;
        But only one mother the wide world over.
        George Cooper (1820 - 1876)
        Mẹ chỉ một mà thôi !
        Trên trời lấp lánh hàng trăm vì sao
        Dưới biển trăm ngàn ốc đảo xinh xắn
        Hàng trăm loài chim đua hót cùng nhau
        Trăm chú ong thảnh thơi bay trong nắng
        Trăm giọt sương mai chào đón ngày mới
        Hàng trăm cừu non nhởn nhơ trên đồi
        Trăm con bướm lạ đùa vui bay lượn
        Nhưng trên đời, mẹ chỉ một mà thôi!
        (Diễm Vi phỏng dịch)
        Mẹ là kết tinh, là nguồn sống của tất cả những thiên anh hùng ca, những đại sử thi, những trường thiên tình sử và cả trong những vần thơ đường thi đơn sơ, thâm thúy. Thế giới Đường thi là một thế giới huyền thoại thần tiên thoát tục, phong phú, đa dạng, bát ngát, vô biên, vô tận...Những bài thơ Đường Thi thường đậm nét trung- hiếu - nhân- nghĩa...Nhà thơ thời Trung Đường Mạnh Giao đã vinh danh hình ảnh người mẹ hiền qua bài " Du tử ngâm " :
        DU TỬ NGÂM Từ mẫu thủ trung tuyến
        Du tử thân thượng y
        Lâm hành mật mật phùng
        Ý khủng trì trì quy
        Thùy ngôn thốn thảo tâm
        Báo đắc tam xuân huy
        Mạnh Giao
        KHÚC NGÂM CHO ĐỨA CON ĐI XA
        -Bản dịch của Trần Trọng San:
        Mẹ hiền sợi chỉ cầm tay
        Khâu lên tấm áo trước ngày con đi
        Đường kim khăng khít chinh y
        Sợ con chậm trễ không về lại ngay
        Ai rằng tấc cỏ lòng này
        Mà đền đáp nỗi ánh trời ba xuân?
        Bản dịch của Trần Trọng Kim
        Mẹ từ sợi chỉ trong tay
        Trên mình du tử áo may vội vàng
        Sắp đi mũi chỉ kỹ càng
        Sợ con đi đó nhỡ nhàng trễ lâu
        Chút lòng tấc cỏ dễ đâu
        Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho người
        Hình ảnh người mẹ già chịu đựng đớn đau một đời như những bà mẹ Việt Nam, trong cảnh khói lửa triền miên ly loạn, giữa tang thương đổ nát điêu tàn, lặn lội nắng mưa, gánh nặng vai gầy sương gió, lưng còng lam lũ nhọc nhằn, chua xót đau quặn thắt ruột gan khi những người con du tử của Mẹ ra đi bảo vệ giang sơn gấm vóc, như những cánh chim bạt gió bay đi không hẹn ngày về...Mẹ già ngồi khâu chiếc áo nghĩa tình, gửi từng sợi nhớ sợi thương vào từng mũi chỉ đường kim, thầm mong manh áo có thể đủ sưởi ấm thân con trên con đường lưu lạc viễn xứ tha phương nơi đất khách quê người. Mẹ là câu ca dao, là tiếng hát ru hời. Từ khi còn nằm nôi, lời ru của mẹ dắt dìu con thơ chập chững vào đời.
        Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ
        Năm (ơ) canh chày, Năm (ơ) canh chày, thức đủ vừa năm
        Hỡi chàng chàng ơi, hỡi người người ơi
        Em nhớ tới chàng, em nhớ tới chàng
        Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con
        Con hời là con hỡi, con hỡi con hời
        Con hỡi con hời, hỡi con!
        (Ru con- Dân ca Nam Bộ)
        Hình ảnh người mẹ hiền đong đưa võng, ru con trong những buổi trưa hè oi bức hay trong những đêm trường, vò võ thức đủ năm canh cho ta thấy tình yêu của mẹ sâu diệu vợi, bao la như biển cả, êm ả như tiếng sáo chiều thu, ngọt ngào như cơn mưa đồng nội:
        Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn, đong đưa võng buồn
        Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh, lạy trời mưa tuôn
        Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên
        Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình
        Trịnh Công Sơn
        Tình mẹ như hơi thở sưởi ấm lòng các con trong những ngày lữ thứ xa quê hương. Trên bước chân phiêu dạt xứ người, thời gian âm thầm trôi qua những tháng ngày phiền muộn nhớ thương, tưởng nhớ về mẹ luôn âm ỉ trong lòng từng đứa con du tử
        Thấm thoát ra đi mấy độ rồi
        Nhớ về quê mẹ mãi không thôi
        Bao năm xa vắng lòng ray rứt
        Nấc nghẹn tuôn trào lệ đắng môi Mẹ ơi, con yêu nhớ mẹ nhiều
        Âm thầm lăng lẽ dạ xót xa
        Phố lạ gi ờ đây con lỡ bước
        Lẫn thẫn lang thang mỗi sớm chiều...
        (Nhớ mẹ - thơ VK)
        Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Có bao giờ ta quên được những nụ cười hiền hoà, những ánh mắt trìu mến của Mẹ đã dành cho ta? Cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, trái tim chúng ta sẽ vẫn còn rộn ràng xúc động khi nghe tên Mẹ, vì mẫu tử là tình yêu vĩnh cửu. Tất cả đều là hiện thân của mẹ. Cám ơn mẹ đã là mẹ của con và đã yêu thương con... Giờ đây con cũng đã là mẹ , con đã hiểu thế nào là tấm lòng của mẹ . Nơi phương xa, con thành tâm dâng về mẹ lời nguyện chúc bình an...Con gái vẫn yêu mẹ suốt đời!
        Mẹ chờ con gái đã lâu
        Lấy chồng xứ lạ đêm thâu nhớ nhà
        Bây giờ ở xứ người ta
        Nguyện cầu cho mẹ tuổi già bình yên...
        (Nửa đêm nhớ mẹ - thơ Việt Hải)

        Comment


        • #5
          Giọt nước mắt mùa Vu Lan
          Huỳnh Ngọc Chiến


          Kính tặng Má.
          Đoái trông muốn dặm tử phần
          Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa

          Khi tôi viết những dòng chữ này thì tôi vẫn còn cách người Mẹ già của tôi đến gần một ngàn cây số. Và những dòng chữ rất riêng tư này, tôi tin rằng sẽ được nhiều bạn đọc lượng thứ, vì ai cũng có một người Mẹ. Và vì sẽ có nhiều bạn đọc cũng mang tâm sự như tôi, tâm sự của những đứa con vì cơm áo phải rong ruỗi tha phương, cứ đến mùa Vu Lan lại ngậm ngùi nhớ về người Mẹ già ở phương trời cố quận. Nơi đó có bóng người Mẹ già suốt một đời lam lũ, tần tảo nuôi con. Vậy mà đến khi tuổi già bóng xế, lại thiếu những đứa con bên cạnh để thường xuyên sớm hôm chăm sóc.



          Tất cả những ai khi mái tóc đã pha sương như tôi mà vẫn còn có được người Mẹ để thương yêu thì có hạnh phúc nào lớn hơn thế nữa? Nợ áo cơm đã đẩy tôi đi xa quê biền biệt bao năm. "Hành phương Nam" của Nguyễn Bính không còn là bài ca lãng mạn như tâm trạng háo hức và quyết tâm lúc ra đi, mà đã pha thêm ít nhiều cay đắng.


          Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
          Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.


          Cái "quê nhà xa lắc xa lơ đó" sở dĩ còn quyến rũ khách lữ thứ tha phương, với những lời réo gọi luôn đồng vọng mênh mông trong tâm tưởng, vì dưới những đám mênh mông mây trắng ấy là hình ảnh thân thương của Cha già, Mẹ yếu. Ngày đi học, nghe thầy giảng về sự tích mây Tần hay mây Hàng trong Truyện Kiều, có ai trong thế hệ chúng tôi lại không rưng rưng cảm động? Ðịch Nhân Kiệt, người đời nhà Đường, được bổ làm quan ở Tĩnh Châu. Cha mẹ thì ở Hà Dương, cách Tĩnh Châu mấy ngày đường. Một hôm, lên núi Thái Hàng, nhìn đám mây trắng bay một mình, ông bèn bảo kẻ tả hữu: "Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó". Ông đứng nhìn ngậm ngùi giờ lâu, đợi đám mây bay khuất rồi mới chịu quay về.


          Câu chuyện chỉ đơn giản có thế, mà được người xưa trân trọng nâng lên thành một điển cố văn học, đủ thấy tâm hồn của người xưa đôn hậu xiết bao. Tấc lòng hiếu thảo đó của người con đi làm quan xa xứ đã bao trùm lên cả không gian biền biệt, khi cố tìm thấy hình ảnh của Cha Mẹ ẩn hiện mơ hồ dưới đám mây bay. Thời buổi hiện đại, sự liên lạc tiện lợi và nhanh chóng khiến không gian như thu hẹp lại, nhưng lòng người như đã dần thêm xơ cứng, không mấy ai còn thấy lòng rung động bởi những câu chuyện như trên nữa. Chữ Hiếu dường như đã dần trở thành một thứ "xa xỉ phẩm" trong một xã hội mà mọi quan hệ đều bị cuốn vào cơn lốc của Lợi Danh và lòng ích kỷ. Người ta quên mất rằng một xã hội mà chữ Hiếu được coi trọng mới là một xã hội thật sự thanh bình, vì đạo Hiếu nền tảng của đạo Nhân. Người xưa thường nói: "Mộc dục tịnh nhi phong bất đình, Tử dục dưỡng nhi thân bất tại". (Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng. Con muốn nuôi dưỡng Cha Mẹ mà Cha Mẹ không còn nữa) như để nhắc nhở con người đừng có bao giờ phân vân hay chần chờ trong việc báo đáp ơn sâu. Lẽ ra tôi đã được ở bên Má tôi để phụng dưỡng sớm hôm, vậy mà cái tâm nguyện nhỏ bé ấy lại không sao thực hiện được. Điều đó còn khiến cuộc đời trở nên đau buồn hơn muôn ngàn lần sự muôn trùng cách trở của không gian.


          Người xưa thường nói đến bốn chữ "định tỉnh thần hôn" (hỏi han, chăm sóc Cha Mẹ sớm hôm) để nhắc nhở đạo làm con.


          Mẹ già ở túp lều tranh,
          Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.


          Những người dân quê chân chất ít học sao lại hiểu cái đạo lý "định tỉnh thần hôn" dễ dàng bằng những câu ca dao bình dị mà thiết tha đến thế? Trong thời buổi mà phong hóa đã quá suy đồi như hiện nay, người ta vẫn cho rằng con cái còn nghĩ đến Cha Mẹ đã là có hiếu, mà nuôi dưỡng được cha Mẹ lúc tuổi già là chí hiếu! Con cái khi thành đạt đều cảm thấy yên tâm, thậm chí còn hãnh diện cả với xã hội, khi cứ chu cấp tiền bạc hoặc thuê mướn người nuôi Cha Mẹ lúc tuổi già. Mỗi năm một đôi lần về thăm viếng là đã cảm thấy không còn áy náy với lòng.


          Khi ông Tử Du hỏi đức Khổng Tử về chữ hiếu, Ngài đáp :"Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng. Bất kính hà dĩ biệt hồ?" (Ngày nay bảo rằng nuôi dưỡng được cha Mẹ là có hiếu; đến như giống chó, giống ngựa cũng đều được nuôi dưỡng. Nuôi mà không kính thì lấy gì để phân biệt?). Mỗi khi nhớ đến câu đó, tôi không khỏi luôn giật mình kính sợ thâm ý của người xưa. Tôi muốn hiểu chữ kính đây nằm trong bốn chữ "định tỉnh thần hôn". Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.


          Tôi nhiều lần đứng một mình trước biển, và hiểu vì sao người ta lại ví lòng thương yêu của người Mẹ với biển cả bao la. Biển dung nạp được tất cả những thứ nhơ bẩn trên cõi đời này, mà muôn đời biển vẫn trong xanh. Mẹ chịu được tất cả những điều nghiệt ngã nhất trên đời này, mà lòng Mẹ vẫn hân hoan, bao dung độ lượng. Những đứa con thành đạt hay hư đốn đều được Mẹ thương yêu như nhau với cái tâm vô sai biệt. Cũng như tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước Tam Bảo, tất cả những người con đều bình đẳng trước trái tim người Mẹ. Đó có khác gì chư Phật đem Bi tâm để quán sát chúng sinh? Thuở còn bé, bao nhiêu lần tôi bị đòn roi của Ba tôi do thói nghịch ngợm của trẻ con, Má tôi không can được nên chỉ đứng nhìn mà lặng lẽ khóc. Lớn lên, tôi mới hiểu rằng những giọt nước mắt lặng lẽ của người Mẹ còn khiến những đứa con nghịch ngợm lo sợ hơn những trận đòn roi. Tôi thường nghe câu thơ "Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc". Câu thơ đơn sơ là thế, nhưng cảm động lòng người bao xiết. Chỉ có những người con thực sự hiếu thảo mới có thể làm được những câu thơ giản đơn mà đáng yêu đến vậy. Ai còn Mẹ xin chớ làm Mẹ khóc. Bây giờ thì tôi không còn bị những trận đòn roi của Ba tôi như ngày xưa nữa. Tôi không làm Má tôi khóc nữa, nhưng cuộc đời lại bắt tôi phải khóc!


          Tôi còn nhớ khi tôi lên 8 tuổi, Má tôi dắt tôi lên chùa Hòa An để làm lễ quy y. Hình ảnh của hai Mẹ con quỳ trong Phật điện cùng hình ảnh vị sư trụ trì khả kính đã in sâu vào tâm khảm tôi, giúp tôi đặt những bước chân chập chững trên con đường mênh mông của Phật pháp về sau. Rồi cứ đến ngày rằm, tôi lại theo Má tôi lên chùa. Đến rằm tháng bảy đọc kinh Vu Lan, tâm hồn trẻ thơ của tôi - vốn luôn hoang mang kinh ngạc vì sao ta lại được may mắn bẩm thụ một hình hài giữa cõi nhân gian - đã tìm được lời giải đáp. Câu chuyện Bồ Tát Mục Kiền Liên vào địa ngục để cứu Mẹ có thể chỉ là hư cấu hoang đường, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên làm rung động cả chư Phật mười phương lại là điều rất bình dị và dễ hiểu. Tôi yêu quý đạo Phật vì dù là đạo giải thoát, nhưng nó luôn dạy con người không được quên đạo làm con. Rồi sau này, khi học Nhị thập tứ hiếu, tôi càng hổ thẹn trước tấm gương của những người con hiếu thảo đó. Tôi càng hiểu rằng có làm gì đi nữa cũng không sao đáp đền được tấm lòng của Mẹ, của Cha. Ngày Ba tôi mất, tôi đề câu đối lên mộ như một lời tự nhắc nhở mình suốt một đời:


          Dĩ Hỗ nguy nguy sơn vĩnh tại.
          Hiếu tâm cổn cổn thủy trường lưu

          屺 岵 巍 巍 山 永在,
          孝 心 滾 滾 水 長流


          (Cha Mẹ như núi Dĩ, núi Hỗ cao chót vót, ngàn năm vẫn còn mãi đó. Lòng hiếu của con cái dù có làm gì đi nữa, thì cũng chỉ như dòng nước hờ hững chảy xuôi).


          Núi Hỗ, núi Dĩ dẫu không cao, nhưng đạo làm con nhìn lên vẫn thấy cao xa vòi vọi. Ngày nay biết bao nhiêu người cho rằng con người sống trong sự đan xen chằng chịt của quá nhiều mối quan hệ xã hội: Cha Mẹ, đồng nghiệp, vợ chồng, con cái, bạn bè ... Mối quan hệ với Cha Mẹ, do đó, cũng chỉ là một trong những mối quan hệ đó mà thôi. Những kẻ quan niệm như thế sẽ không bao giờ hiểu được rằng :


          "Ví có kẻ nào, hai vai kiệu cõng, Cha Mẹ đi chơi, suốt cả mọi nơi, trên rừng dưới biển, hai vai nặng trễ, mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận, cũng chưa báo được, công đức Mẹ Cha, kể trong muôn một". (Kinh Ðại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, không rõ người dịch). Con người, khi thành đạt, thường vênh vang tự mãn với đời về tài năng của mình, mà quên mất câu "phúc đức tại mẫu ". Tất cả những gì ta đang có hôm nay, dù bằng tài trí và bằng sự nỗ lực cả đời, thực ra chỉ là sự kết tinh nhân duyên từ Cha, từ Mẹ. Hãy nhìn một vườn cây đầy những loài cây quý xum xuê quả ngọt. Người ta thường chỉ trầm trồ ca ngợi tài năng và công lao người làm vườn, mà quên mất rằng tất cả những trái cây tươi tốt trong khu vườn ấy đều lấy chất dinh dưỡng từ lòng đất. Lòng đất đó chính là "phúc đức tại mẫu" và âm đức của tổ tiên. Chúng ta thường vô tình để cuộc đời hạnh phúc riêng của ta che khuất mất hình ảnh cội nguồn của Mẹ, của Cha. Và những lời nhắc nhở đến hình ảnh cội nguồn đó bỗng trở thành những tiếng kêu thương lạc điệu.



          Tôi luôn tâm niệm sở dĩ tôi có được cuộc sống bình thường ngày hôm nay, tất cả đều nhờ Cha, nhờ Mẹ. Đời tôi đã trải qua khá nhiều cay đắng với những tháng năm trôi nỗi ngược xuôi. Mỗi khi trên lưng tôi thấm hằn những vết roi đời tủi nhục, thì tôi chỉ tìm thấy bình yên bên Má tôi, trong tình thương và nụ cười hiền lành bao dung của Người. Đến khi đời tôi tạm ổn định, tôi muốn được gần gũi Má tôi để đáp đền phần nào ơn dưỡng dục thì lại không thể thực hiện được. Đó là một trong những điều đau đớn nhất trong đời, mà mỗi khi nghĩ đến tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi tự an ủi rằng mọi sự tụ tán trên đời đều do nhân duyên. Tôi không có phúc phận được cận kề để chăm sóc Má tôi, có lẽ vì tôi chưa hội tụ đủ chữ Duyên.


          Ngày còn bé, cứ đến mùa Vu Lan, tôi thường lên chùa để được cài một bông hồng lên áo, để cảm thấy niềm hạnh phúc rằng mình đang còn Mẹ. Năm nay, lại thêm một mùa Vu Lan nữa mà tôi không được gần với Má tôi. Người vẫn còn đó ở nơi "quê nhà xa lắc xa lơ", nhưng sao đến mùa Vu Lan năm nay, tôi lại có cảm giác nghẹn ngào như đang cài lên áo mình một đóa hoa màu trắng.




          Comment


          • #6
            MỪNG TUỔI MẸ Hoàng Hoa



            Ngày 19/11/2010 : họp xong buổi giao ban sáng thứ sáu hằng tuần, tôi vội vàng thu xếp chạy xe về nhà. Tôi có hẹn với đứa cháu ngoại có mặt ở nhà tôi lúc 12g để cùng lên Dalat mừng tuổi bà cố. Ăn vội mấy miếng bánh mì với ragu, tôi xách chiếc vali có sẵn vài bộ quần áo và đồ dùng cần thiết cho chuyến đi cùng thằng cháu ra bến xe.

            Xe Phương Trang chuyển bánh lúc 13g15, rời thành phố. Ngày mai là 20/11, trường tổ chức lễ nhà giáo. Năm ngoái, tôi đã không có mặt ngày này vì lúc đó tôi đang ở Mỹ, chờ vào bệnh viện mổ. Năm nay, tôi cũng không có mặt dự buổi lễ. Vợ chồng tôi và mấy đứa em cùng bàn nhau năm nay phải làm lễ thọ cho Mẹ. Tôi đã bàn với Lộc, em trai kế tôi từ tháng 2 /2010, và cùng với Mai, đứa em gái sống với Mẹ những ngày tháng cùng cực ở Dalat thống nhất ý kiến làm lễ thọ vào khoảng giữa tháng 10 ta năm nay. Vợ chồng Lộc có về được càng tốt, nếu không, tôi và Mai cũng làm thôi.



            Mẹ năm nay là vừa tròn 90 tuổi. Tuổi già mang đến nhiều bệnh tật. Những cơn đau nhức tay chân, có lúc buốt từ cổ lên đầu, những lần trầm trọng hơn, phải đi thẳng từ Dalat về Saigon chữa bệnh. Những cơn đau thể xác có dữ dội nhưng không làm Mẹ buồn mẹ đau bằng những lo lắng của Mẹ đối với những đứa con tuổi đời cũng đã trên 50, có gia đình con cái ở gần hay ở xa. Mẹ lo cho sức khỏe của Lộc, ở xa, lo cho hạnh phúc của mấy đứa con và nhất là nỗi buồn của Mẹ đối với đứa con trai út trong cách đối xử của nó đối với Mẹ những tháng ngày qua. Chính những suy nghĩ đó đã làm Mẹ buồn, phát bệnh.



            Trời dần về chiều, xe chạy hơi chậm, theo tốc độ này thì có lẽ đến 10g tối mới đến Dalat. Trong thành phố Saigon, xe chạy như rùa bò. Xe dừng lâu ở quán cơm dưới chân đèo Bảo lộc. Lúc đó cũng đã 6g30. Mùa này, trời mau tối. Khi tiếp tục lên đường, bóng tối đã bao trùm không gian. Ánh sáng vàng của ngọn đèn xe quét trên mặt đường phía trước, đồng thời hai bên đường, những cụm cây cũng chạy giật lùi ra sau xe. Sương lam lan tỏa trên lưng chừng núi, lửng lờ bay dọc theo khe núi. Trong xe máy lạnh chạy rì rì, tôi chỉ phong phanh cái áo thun nên hơi lạnh, có lẽ bên ngoài lạnh hơn. Tôi cố tìm giấc ngủ, nhưng không tài nào ngủ được. Những dòng ký ức cứ trôi về, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.
            ...

            Những năm tháng nhọc nhằn sống với Mẹ, 6 anh em chúng tôi lúc đó, đứa lớn nhất là chị hai, cũng chừng 10 tuổi, mẹ khoảng 28, 29. Đến nay, 60 năm qua, bao nhiêu đắng cay, khổ nhục, Mẹ sống vậy nuôi đàn con khôn lớn rồi theo thời cuộc đổi thay, mỗi đứa một nơi. Tôi cũng có lúc nghĩ cái mái nhà nho nhỏ kia, trong đó là tổ ấm chúng tôi, có lẽ tan rã, không cách gì tụ hợp được. Đứa thì ở Mỹ, đứa ở Saigon, cô em gái út cũng có thời trôi nổi ở Sóc trăng, sống kiếp nhọc nhăn, kham khổ. Đứa ở lại Dalat, bất đắc chí, buông xuôi tất cả. Cả một gia đình tan tác, ngôi nhà cũ xác xơ, bao nhiêu sách học của tôi để lại cũng bay vèo đi đâu tôi cũng không hề biết. Những trang sách ngày xưa tôi đã học, đã đọc và những kiến thức từ sách theo tôi trên những nẻo đường tôi đi, và theo tôi suốt cuộc đời này. Tôi đã có những ngày thơ ấu khó khăn, cùng Mẹ, cùng chị đem sức khỏe tuổi thơ góp phần vào việc kiếm miếng cơm, manh áo cho gia đình. Tôi đã làm những công việc của người lớn, gánh nước tưới rau, kéo nhửng bao phân bón từ trên đường xuống tận những luống rau, gánh những gánh rau nặng trĩu từ vườn nhà lên trên đường chất đống lại khi tôi còn học lớp 7, lớp 8.. Trong ngôi nhà trống trước trống sau, tối gió lùa qua khe hở, có những đêm tiếng gió hú nghe rõ mồn một, tiếng mái tôn đập từng hồi. Có lần tôi đã gọi ngôi nhà anh em tôi ở là nhà trên đồi gió hú. Những năm 50, gia đình chúng tôi nhờ ông ngoại, cất ngôi nhà này. Đêm nằm chỉ có chiếu và chăn mỏng, anh em co quắp nằm nhờ hơi ấm của nhau, nhưng cái lạnh rồi cũng quen. Anh em tôi học bài bằng ngọn đèn dầu leo lét hay dưới ánh sáng của ngọn nến. Tôi không thấy mình khổ cực, không than vãn. Trái lại, nhờ làm lụng vất vả mà tôi có một thân hình rắn chắc, khỏe mạnh.

            Dù khổ cực thế nào, Mẹ cũng không cho anh em tôi thất học. Đám con trai đã vậy, mấy đứa con gái Mẹ cũng cho học. Tôi phải làm thầy chỉ cho chị và em gái học. Nhưng rồi do không tiếp thu được những gì tôi chỉ hay tôi chỉ chưa đúng chỗ, Mai không vào đệ thất trường công được, đành phải nghỉ học.



            Tôi chưa bao giờ nghe Mẹ than thầm cho kiếp sống quá cực khổ của Mẹ và đàn con. Có thể tôi không nghe được tiếng thở dài của mẹ trong những đêm giá lạnh. Những giọt nước mắt của Mẹ có lẽ đã âm thầm chảy trong đêm khuya, khi chúng tôi đã an giấc. Tuổi thơ hồn nhiên của tôi đã một phần bị hoàn cảnh chi phối, nó len lén đi vào tiềm thức tôi lúc nào không hay. Tôi trở nên ít nói, khép kín mình lại trước hoàn cảnh, trước bão tố của gia đình. Trong lớp, tôi chơi với vài người bạn, thường xuyên mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay, nhuộm màu nâu của hướng đạo sinh. Suốt nhiều năm học tiểu học, tôi là học sinh giỏi Nhưng từ khi học đệ thất (lớp 6 bây giờ) tôi yếu môn Toán, tôi nhận ra mình là một trường hợp đặc biệt. không giống những bạn bè khác về hoàn cảnh sống, thân phận, nghĩ suy. Những giờ ra chơi, trên sân trường, mấy đứa khá toán, đã trổ tài giải những bài toán hình cho bạn bè. Tôi tức lắm, về kiếm sách đọc và học thêm trong sách, đến cuối năm đệ lục, tôi trở nên khá toán và lên học đệ ngũ thì chuyện giải toán khó môn hình học của tôi là chuyện bình thường. Tôi tiến bộ từ đó. Tôi đọc thêm sách Toán tiếng Pháp, giải các bài toán trong đó một cách dễ dàng. Từ đó về sau, cho đến năm thi Tú tài 2, tôi chẳng học thêm một thầy nào. Nếu có muốn học có lẽ cũng không có tiền.



            Đối với Lộc, em kế tôi, có một điều tôi ân hận mãi là kiếm trường cho chú đi học. Việc học là việc của tôi lo, mẹ tôi không biết phải kiếm trường ở đâu. Tôi chần chừ mãi, mới tìm tới thầy cũ của tôi ở lớp năm là thầy Bậc, xin thầy cho Lộc học lớp 5 (lớp 1 bây giờ) ở trường tiểu học thầy đang làm hiệu trưởng, ở tuốt trong ấp Xuân An. Tôi không nghĩ đường đi học quá xa mà chỉ nghĩ là có chỗ cho em mình học là được. Năm đầu, cu cậu bị ở lại lớp. Có lẽ đường đi học xa quá. Cứ hình dung đoạn đường đi học từ nhà tới trường mà phát khiếp : từ nhà, đi bộ ra tới hồ Xuân Hương, đi nửa vòng hồ, leo dốc lên nhà thờ con gà, đi theo đường ven nhà thờ, xuống một con dốc nữa mới tới trường. Tội nghiệp cu cậu, sáng sớm đi học, tôi không còn nhớ là anh em tôi có ăn uống gì không. Có lần trưa rồi, cả nhà đợi mãi không thấy Lộc về, mớ túa ra đi tìm, mỗi đứa đi một đường, theo hai ngã khác nhau, mấy đứa em theo đường vòng hồ, tôi đi ngả qua trường Bùi thị Xuân. Khi tôi đi quá cổng trường Bùi thị Xuân, thì thấy Lộc ngồi mệt mỏi bên vệ đường. Tôi biết tại sao em học kém, nên năm sau phải xin cho cậu hoc tại trường tiểu học Trung Bắc, tuy cách nhà 2 quả đồi nhưng còn gần chán. Từ đó Lộc học giỏi. Tôi hơn Lộc 8 tuổi, anh em xa nhau nhiều tuổi nên cũng có sự xa cách.
            Mấy đứa em ngán tôi, chúng nó cũng gần tuổi nhau hơn nên dễ thân nhau hơn. Nhất là Lộc và Bá, thằng em út, hai đứa rất thân nhau. Bá thiệt thòi hơn chúng tôi là sinh ra không được thấy mặt cha mình. Cả nhà chúng tôi, ai cũng coi như Cậu (ba tôi) không còn. Một mình Mẹ với đứa bé trong bụng cùng 5 đứa con nhỏ dắt díu nhau tìm chỗ nương thân. Ban đầu phải ở nhờ một nhà tốt bụng trong ấp Xuân An. Những bữa cơm chan nước tương ăn lúc bấy giờ sao thấy ngon lạ. Chính Lộc, lúc gia đình gặp tai biến cũng mới 2 tuổi Mai đâu chừng một tuổi.



            Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi vấp ngã, phải biết đứng lên, tập lại, tập đi lại từng bước, không được buông xuôi cho số phận. Bá là người không phải thế. Em đã bỏ cuộc đời mình cho gió thổi bay đi như chiếc lá, sa vào rượu chè, bê tha và tụ tập với đám bạn bè cùng than thân trách phận. Em đổ cho gia đình không nghĩ tới em, không công bằng...Bá đâm ra oán anh em, và nhất là Mẹ. Thái độ của Bá đối xử với Mẹ sau này đã làm cho Mẹ nhiều đêm không ngủ, nhiều đêm trăn trở và đổ bệnh. Chính bản thân Bá xa cách anh em trong nhà. Thái độ của người con đối với đấng sinh thành như thế nào, thì chính con cái mình sẽ đối xử với mình như vậy. Khi ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã đại bác vào ta. Ý này tôi đã thấy rõ ngay trong những lần nghe anh em nói về Bá.
            Suy nghĩ của tôi sẽ còn đi xa, đi xa hơn nữa nếu tôi không thấy ánh đèn trong các nhà lồng dưới chân đèo. Họ dùng liệu pháp quang học để thúc đẩy cây hoa tăng trưởng.



            Có lúc, trong khi dòng ký ức trở về, nước mắt tôi chực trào ra về nhưng kỷ niệm xưa, về anh em về Mẹ mình và chính bản thân tôi, soi rọi lại tháng năm tôi đã sống, những thiếu sót mình đã mắc phải với Mẹ trong cuộc đời , những điều anh em hiểu lầm nhau và có cả những niềm riêng chỉ biết mang theo khi nằm xuống mãi mãi.



            Những bài hát nói về Mẹ như Lòng Mẹ của Y Vân, Bông hồng cài áo của Phạm thế Mỹ ...tôi đã từng nghe nhiều lần từ lâu lắm, nhưng tôi thấm thía nhất là bài hát Mẹ của nhạc sĩ Minh Đức và giọng hát Hồng Mơ khi tôi được nghe cách đây vài năm :



            Có lúc ta quên màu tóc Mẹ
            Đã một thời giãi nắng dầm nưa,
            Có lúc ta quên nhìn trán Mẹ
            Còn bao nghĩ suy dù ta lớn khôn rồi
            Có lúc ta quên nhìn mắt Mẹ
            Còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu
            Có lúc ta quên nhìn dáng Mẹ
            Chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời.
            Có lúc ta quên thời gian qua
            Đường ta càng xa vòng tay mẹ ngắn lại
            Có lúc ta nghe từng nhịp đời
            Mẹ thật gần sao ta thật xa.
            Có lúc ta quên nhìn áo Mẹ
            Chợt mỏng manh quang gánh chiều đông
            Hát khúc hát ai quên mình có Mẹ
            Một ngày kia lặng lẽ bên cuộc đời
            Cái cò cõng nắng cõng mưa
            Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương



            Tiếng hát Hồng Mơ có lúc lên cao vút, có lúc lặng xuống thật trầm, thật nhỏ chỉ đủ nghe thoảng bên tai, nhưng thật tha thiết, nhớ nhung, như một lơi tự sự, một lời sám hối của những đứa con như tôi, những đứa con còn hay không còn Mẹ, những đứa con không nhớ là có Mẹ trong cuộc đời mình. Bài hát tôi nghe đi nghe lại, lời bài hát như dòng tâm tư của tôi, đúng là tâm tư của tôi khi nghĩ về Mẹ bao năm qua.



            Xe lên khỏi đèo Prenn, thì trời lạnh hơn. Ông cháu chúng tôi lên xe nhỏ về nhà Mẹ. Hai bên đường những bông hoa dã quì nở vàng trong đêm mỗi khi đèn xe quét qua. Ngôi nhà nhỏ thân yêu nằm phía dưới đồi hiện ra.



            Đã 9g30 tối, tôi bước vào nhà, trong bóng đêm. Biết tôi về tối nay, sao không ai thức đợi?
            Hóa ra là cả nhà cùng ốm. Mẹ, Mai và đứa em họ, cô Lại ai cũng ho, cảm, sốt. Mẹ như có sức mạnh bật dậy ngày hôm qua khi vợ chồng Lộc về. Đèn đóm trong nhà đều tắt, chỉ còn ngọn đèn mái hiên là còn sáng. Khi chúng tôi vào, Mai thức dậy, người vẫn còn sốt, ốm hơn lần tôi về hồi tháng 8. Mới có hai hôm, do không ăn được nên người xuống sức thấy rõ. Do hôm qua thức khuya nói chuyện với vợ chồng Lộc, nên hôm nay cả nhà đi ngủ sớm. Thực tình, khi bước vào nhà tôi tưởng chỉ có một mình Lộc về. Sau đó mới hay là có cả Kim, vợ Lộc cùng về. Chuyện trò một hồi, Mẹ cũng thức dậy, ngồi nói chuyện với chúng tôi đến 11g khuya mới đi ngủ.



            Ngày thứ bảy 20/11 : Mai chuẩn bị quà cho Mẹ một bức tranh thêu chữ Phúc khá đẹp, chính tay cô thêu. Vợ chồng tôi gửi Mẹ bộ áo quần và các cháu ngoại gửi quà cho bà nội, đứa nào cũng bận cả nên không về được. Mọi chuyện tổ chức tôi đã dặn dò Mai sắp đặt. Khách mời, không có ai ngoài người trong nhà, các cậu, dì ở Thái Phiên. 6 đứa con của Mẹ thì có mặt đầy đủ 5, còn cô Hường thì đang ở Chicago, không về được.



            Ngày chủ nhật 21/11/2010 : họ hàng dần đến đầy đủ. Mấy chị em của Mẹ, mấy đứa con và nhiều đứa cháu đến chúc mừng và dâng quà. Tôi thấy Mẹ rất vui. Mẹ cười tươi với mấy cậu, dì., mấy con, và bao nhiêu đứa cháu ...
            Qua bao nhiêu năm tháng đổi thay, chiến tranh và mất mát, có một điều tôi nhận thấy là các con của Mẹ vẫn còn đầy đủ. Chỉ có khác đi là những mái tóc hoa râm, những đầu tóc bạc thay cho những mái tóc xanh ngày xưa, khác nữa là mỗi đứa một nơi, ỏ gần, ở xa Mẹ có khi xa nửa vòng trái đất và trên hết vẫn là những nghĩ suy khác nhau rất xa ngày xưa trong tâm tưởng mỗi người. Sự tàn phá của thời gian hằn rõ nét trên từng khuôn mặt, nhất là chị hai. Hình hài không đổi thay bao nhiêu, nhưng trong lòng mỗi người một khác, yêu thương, nuối tiếc, giận hờn và cả những trách nhiệm với vợ, chồng, con cháu nữa. Tôi biết, sau ngày hôm nay, khó có một ngày nào khác như thế nữa. Ngôi nhà ngày xưa che chở Mẹ và 6 anh em chúng tôi lúc đó sao rộng lớn, đường hoàng bao nhiêu thì bây giờ trở nên nhỏ bé bấy nhiêu. Mẹ đã giữ nó lại cho con cháu, để đàn con cháu nghĩ suy về nơi ta đã xuất thân. Tôi thấy rõ, với giáo dục của Mẹ, chúng tôi nên người vì bao nhiêu năm qua, với bàn tay yếu ớt của Mẹ, Mẹ vẫn dẫn dắt chúng tôi đi, dạy dỗ chúng tôi biết bao điều, dạy chúng tôi biết bao dung, biết tha thứ và hiếu thảo, biết lương thiện dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mẹ dạy chúng tôi những điều tối thiểu con người phải có đủ để đứng thẳng trong trời đất.
            90 mươi năm sống của Mẹ , tôi nghĩ chỉ hơn mười năm đầu lúc còn có Cậu là Mẹ được sống an nhàn, những năm sau là bươn chải, làm lụng cực nhọc một mình nuôi con, có những năm tháng phải tự làm để tồn tại trong một xã hội nhiều đổi thay. Những năm gần đây, Mẹ sống thoải mái hơn đôi chút. Chúng con cầu mong Mẹ khỏe và vui những tháng ngày tới.





            Comment


            • #7
              Tôi Nợ Mẹ Một Lời Cám Ơn


              Khi bạn bước chân vào thế giới này, mẹ đã ôm bạn trong tay. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách khóc như một 'nữ thần báo tử'.

              Khi bạn 1 tuổi, mẹ đút từng miếng ăn và chăm sóc cho bạn. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách khóc suốt đêm dài.


              Khi bạn 2 tuổi, mẹ tập cho bạn đi. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách bỏ chạy khi mẹ gọi.


              Khi bạn 3 tuổi, mẹ làm cho bạn tất cả những bữa ăn với tình yêu. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách quăng đĩa xuống sàn.


              Khi bạn 4 tuổi, mẹ cho bạn một vài cây bút màu. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách tô chúng lên bàn.


              Khi bạn 5 tuổi, mẹ diện cho bạn vào những ngày lễ. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách ngã ùm vào đống bùn gần nhất.


              Khi bạn 6 tuổi, mẹ dắt tay bạn đến trường. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách la lên: “Con không đi!”.


              Khi bạn 7 tuổi, mẹ mua cho bạn 1 quả bóng. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách ném nó qua cửa sổ nhà bên cạnh.


              Khi bạn 8 tuổi, mẹ cho bạn 1 cây kem. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách để nó chảy xuống lòng bàn tay.


              Khi bạn 9 tuổi, mẹ cho bạn đi học đàn. Bạn cám ơn bằng cách chẳng bao giờ ngó ngàng đến việc luyện tập.


              Khi bạn 10 tuổi, mẹ đưa bạn đi từ tiệc sinh nhật này đến tiệc sinh nhật khác. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách khi đến nơi nhảy khỏi xe và không hề ngoái lại.


              Khi bạn 11 tuổi, mẹ dẫn bạn cùng bạn bè của bạn đi xem phim. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách ngồi ở hàng ghế khác.


              Khi bạn 12 tuổi, mẹ rằng bạn không được xem những chương trình TV nào đó. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách đợi đến khi mẹ rời khỏi nhà rồi bật lên xem.


              Khi bạn 13 tuổi, mẹ đề nghị bạn cắt tóc. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách bảo rằng mẹ không biết thế nào là sành điệu.


              Khi bạn 14 tuổi, mẹ cho bạn đi nghỉ hè xa nhà 1 tháng. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách quên chẳng viết lấy 1 lá thư.


              Khi bạn 15 tuổi, mẹ đi làm về và chờ đợi sự chào đón của bạn. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách khoá cửa phòng ngủ.


              Khi bạn 16 tuổi, mẹ dạy bạn lái chiếc xe của mẹ. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách lấy nó chạy bất cứ khi nào có thể.


              Khi bạn 17 tuổi, mẹ đang đợi 1 cuộc gọi quan trọng. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách “nấu cháo” đến nửa đêm.


              Khi bạn 18 tuổi, mẹ đã khóc trong ngày lễ tốt nghiệp của bạn. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách đi chơi với bạn bè đến chiều tối.




              Khi bạn 19 tuổi, mẹ trả tiền học phí cho bạn, lái xe đưa bạn đến trường ĐH, mang túi xách cho bạn. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách tạm biệt mẹ bên ngoài dãy phòng tập thể để khỏi lúng túng trước mặt bạn bè.


              Khi bạn 20 tuổi, mẹ hỏi bạn hò hẹn với ai chưa. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách đáp: “Đó không phải chuyện của mẹ”.


              Khi bạn 21 tuổi, mẹ đề nghị bạn lựa chọn nghề nghiệp. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách trả lời: “Con không muốn giống mẹ”.


              Khi bạn 22 tuổi, mẹ ôm bạn tại ngày lễ Tốt nghiệp. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách đề nghị mẹ có thể tặng bạn một chuyến du lịch được không.


              Khi bạn 23 tuổi, mẹ sắm sửa đồ đạc cho căn hộ đầu tiên của bạn. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách nói rằng những người bạn của mẹ trông thật xấu xí.


              Khi bạn 24, mẹ gặp vị hôn phu của bạn và hỏi về những kế hoạch cho tương lai. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách càu nhàu: “Con xin mẹ đấy”.


              Khi bạn 25, mẹ lo lễ cưới cho bạn, khóc và bảo rằng mẹ yêu bạn biết bao. Bạn cảm ơn mẹ bằng cách dọn đến sống ở nơi xa tít.


              Khi bạn 30, mẹ khuyên bạn cách chăm sóc trẻ con. Bạn cám ơn mẹ bằng cách bảo: “Mọi việc khác xưa rồi”.


              Khi bạn 40, mẹ nhắc bạn về sinh nhật của một người thân. Bạn cám ơn mẹ bằng cách trả lời: “Con thật sự bận mẹ ạ”.


              Khi bạn 50, mẹ ngã bệnh và cần bạn chăm sóc. Bạn tìm sách về đề tài: “Cha mẹ trở thành gánh nặng cho con cái như thế nào…”


              Và rồi một ngày kia, mẹ lặng lẽ ra đi. Tất cả những điều bạn chưa bao giờ làm sụp đổ tan tành. “Hãy ru con ngủ, ru con qua suốt đêm dài. Bàn tay đưa nôi… có thể cai trị cả thế giới…”.


              Ta hãy dành một giây phút nào đó để báo hiếu và tỏ lòng kính trọng với mẹ. Chẳng có điều gì có thể thay thế được mẹ.


              Hãy trân trọng từng giây phút. Mẹ sẽ luôn ở bên bạn, lắng nghe những phiền muộn, niềm vui cũng như nỗi thất vọng của bạn.


              Hãy tự hỏi chính mình: “Mình có dành đủ thời gian cho mẹ để lắng nghe những phiền muộn và buồn chán của người nội trợ suốt ngày ở trong bếp không?”.



              Nguồn: FB

              Comment


              • #8
                Bi Kịch Bởi Một Chữ Tiền




                Một người phụ nữ 28 tuổi làm việc cho một công ty ở thành phố, chồng cô và đứa con trai 10 tuổi ở quê nhà, cô hàng ngày đều đến công ty làm việc rất chăm chỉ để kiếm tiền gửi về cho gia đình.

                Nhưng một ngày nọ bỗng xảy ra biến cố. Giám đốc công ty để mắt đến vẻ đẹp của cô. Ông ta đã nghĩ đủ mọi cách để theo đuổi, cũng nói với cô rằng, dẫu cho cô đã kết hôn và có con đi nữa, ông ta cũng vẫn một lòng yêu cô.


                Lúc vừa mới bắt đầu, cô đã thẳng thừng cự tuyệt những lời đường mật
                Về sau, ông giám đốc đó luôn tặng hoa và thường xuyên dẫn cô đi ăn. Còn hứa rằng ông sẽ ly dị vợ của mình để có thể được chung sống với cô. Cô đã tin, nhưng vẫn không từ bỏ được người chồng và đứa con của mình.
                Cô thường mang rất nhiều tiền về nhà. Và chồng cô đã bắt đầu nảy sinh nghi ngờ, anh thường hay âm thầm theo dõi cô. Ngày kia, khi anh đến trước cửa phòng công ty thì nhìn thấy vợ mình đang nằm trong vòng tay của người đàn ông khác.


                Cô đã xao động, bỏ rơi người chồng và đứa con
                Anh vội xông đến muốn hỏi cho rõ ràng mọi chuyện. Cô im lặng, không nói một lời. Ông giám đốc kia nói: “Anh có thể cho cô ấy cái gì, anh chẳng cho được cô ấy cái gì cả, nhưng tôi thì lại hoàn toàn có thể. Cái tôi có chính là tiền”.
                Khi anh nghe xong, không nói được lời nào, liền lặng lẽ rời đi.


                Đứa con trai còn nhỏ, thực sự không hiểu được tại sao mẹ không về nhà nữa
                Anh trở về ngôi nhà cũ. Cũng từ ngày hôm đó, cô không có gọi điện về nhà hỏi thăm, và cũng không gửi tiền về nhà.
                Có một ngày, đứa con trai 10 tuổi hỏi ba nó: “Sao mẹ không gọi điện thoại về nhà nữa”.
                Anh nói với con rằng mẹ sẽ không bao giờ trở về nữa, bây giờ cô đang sống một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc với một người đàn ông giàu có khác rồi.
                Đứa con nghe xong tưởng rằng anh đang gạt nó, bởi vì mẹ rất thương yêu nó, tình cảm hai mẹ con rất tốt kia mà.
                Câu chuyện này chẳng mấy chốc đã đồn ầm lên, mọi người trong làng đều biết hết cả. Thằng bé đến trường cũng bị bạn bè trong trường chọc phá.
                Nó tức giận không thèm đến trường nữa, mà cầm bức ảnh chụp gia đình và 350 đồng của ba nó đi mất…


                Dốc hết tâm tư, quyết đi tìm mẹ
                Nó lén lén gọi điện thoại cho mẹ, nói rằng nó muốn viết thư cho mẹ, nên muốn xin hỏi địa chỉ.
                Nó mới 10 tuổi, căn bản vốn không biết gì cả, chỉ là muốn đích thân đi gặp mẹ để hỏi rằng có phải là mẹ nó không còn cần nó nữa không.
                Nó đứng ở bến xe, đưa ra mảnh giấy có ghi địa chỉ của mẹ cho nhân viên bán vé xem, bảo vệ trạm xe đã đưa nó lên xe.
                Xe đưa nó lên thành phố nhưng thực là không biết đến đâu để tìm, nó cầm mảnh giấy đến hỏi cảnh sát giao thông.
                Cảnh sát giao thông đưa nó lên xe tắc-xi. Chiếc xe đã chở nó đến trước cổng công ty của mẹ nó. Thằng bé ngồi ở bên ngoài đợi mẹ tan ca.
                Năm giờ rưỡi chiều, nó đã nhìn thấy mẹ, nhưng bên cạnh còn có một người khác nữa, nó liền chạy đến, gọi một tiếng “mẹ ơi!”
                Mẹ nó bị sự xuất hiện bất ngờ này làm cho suýt ngất.


                Đứa con lòng đã tan nát, thất vọng tràn trề đối với mẹ…
                Nó liền hỏi người đàn ông bên cạnh mẹ nó là ai.
                Ông giám đốc đó liền nói thẳng rằng ông là chồng của cô.
                Lúc đó, thằng bé vừa khóc òa lên vừa nói: “Tôi không có người mẹ như bà!”. Nói xong, liền cắm đầu cắm cổ bỏ chạy.
                Nó đau đớn, tuyệt vọng cứ nhắm mắt mà chạy qua một ngã tư đường, bỗng có một chiếc xe đang chạy như bay lao đến tông nó văng xa mấy mét, tài xế sợ quá, vội vã chạy xuống xe xem thử.
                Kết quả nhìn thấy là một đứa bé, máu từ trong miệng nôn ra.
                Mọi người chung quanh đều chạy đến xem, có người tốt bụng liền gọi 119. Người tài xế cũng đã gọi cho cảnh sát.
                Xe cấp cứu đến nơi liền ôm nó lên xe.
                Trên xe nó cố dốc hết sức xin hỏi mượn điện thoại của bác sĩ. Nó gọi vào số của ba nó rồi gắng sức nói với ba rằng:
                “Ba, kiếp sau con vẫn sẽ là con trai của ba. Nhưng con không cần người mẹ đó nữa”.


                Cứ như vậy, đứa bé đó đã chết
                Khi ba nó chạy đến nơi thì nó đã nằm trong bệnh viện rồi. Ba nó chạy đến trước cửa bệnh viện, vừa trông thấy đứa con của mình chân anh khụy xuống, mềm nhũn hẳn ra, khó khăn lắm mới bò được đến bên cạnh giường đứa con đang nằm, anh đưa tay vuốt ve đầu của nó.
                Lúc đó, tất cả y tá trong bệnh viện đều khóc chảy nước mắt, cảnh sát đứng bên ngoài cửa mắt cũng ngấn lệ.
                Khi anh muốn ôm con về nhà. Mẹ thằng bé đã đến.
                Nhưng anh không nói câu nào cả, vừa ôm lấy đứa con vừa lẩm bẩm một mình mà đi.
                Mẹ nó khóc lóc thảm thiết, nói rằng: “Mẹ sai rồi…….mẹ sai rồi…..”
                Ba nó nói: “Cô không sai. Chỉ là tôi vô dụng. Chúc cô hạnh phúc!”
                Nói xong liền bỏ đi.
                Anh ôm đứa con về ngôi nhà cũ
                Mọi người trong làng đều đã nghe nói cả rồi, nên đều kéo đến xem.
                Khi mọi người trong làng nhìn thấy anh ôm thi thể của đứa con trai, mọi người trong làng đều không cầm nước mắt.
                Ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại đều khóc rất thương tâm.
                Khi mọi người còn đang chìm trong nỗi đau đớn cùng cực, mẹ của thằng bé đã trở về.


                Người trong làng đều dùng ánh mắt khinh thường để nhìn cô
                Ông ngoại thằng bé vừa nhìn thấy, liền đi sang đánh cô một bạt tai, nói: “Tao không có đứa con gái như mày”. Còn mắng cô không biết xấu hổ, là đồ hạ tiện, vì tiền mà chồng con cũng không cần.
                Cô vẫn nhất quyết muốn nhìn đứa con trai mình lần cuối, nhưng không ai cho cô vào xem. Hết thảy mọi người đều ra sức xua đuổi cô. Ngay đến cha mẹ vốn là người thương yêu cô nhất cũng đuổi cô đi.
                Khi cô xoay người đi, đứa em trai ruột của cô chạy đến trước mặt cô, nói: “Sao tôi lại có người chị không biết xấu hổ đến như vậy, thật khiến cho cả nhà chúng tôi cảm thấy vô cùng nhục nhã”. Mỗi một câu, tựa như một nhát dao đâm thẳng vào tim, cô vừa khóc vừa đi khỏi đó.


                Trở về công ty để tìm người đàn ông đó, nhưng…
                Khi cô đến cổng công ty, bảo vệ liền ngăn cô lại, nói cô đã bị đuổi việc rồi, không cần phải đến công ty nữa.
                Lúc đó, cô đã hiểu. Gọi điện thoại của người đàn ông đó đều là khóa máy.
                Cô đã biết người đàn ông đó chỉ là đùa cợt với cô, cô liền ở trước cổng công ty đợi ông ta đi ra.
                Giờ tan ca đã đến, người đàn ông đó đã xuất hiện.
                Cô bước đến, hỏi: “Anh không còn yêu em nữa sao?”
                Người đàn ông đó trả lời: “Tôi không thể ly hôn với vợ tôi được, đây là 100 vạn, cô đi đi, từ giờ trở đi đừng đến làm phiền tôi nữa”.
                Cô đau đớn ngồi bệt xuống đất, ông ta không thèm nhìn cô một cái liền lái xe bỏ đi.
                Cô một mình bước đi trên đường như người mất hồn, nghĩ đến người chồng trước đây luôn đối xử tốt với cô, liền cầm điện thoại gọi điện cho anh, chồng cô vừa nghe là cô liền hỏi có chuyện gì.
                Cô nói ông giám đốc đó chỉ đùa giỡn với cô, dối gạt cô.
                Chồng cô nghe xong, không nói gì cả.
                Cô biết rằng chồng cô sẽ không tha thứ cho cô. Bảo anh hãy tìm một người phụ nữ khác, mong anh sẽ sống vui vẻ, hạnh phúc, nói xong liền cúp máy.

                Nhưng cô lại không hề biết rằng chồng cô đã khóc
                Kỳ thực anh vẫn rất là cô.
                Cô tự mình đi mua một lọ thuốc bỏ vào trong bình nước uống, rồi đi tìm người đàn ông đó nói, “Ông không chịu trách nhiệm thì tôi sẽ tự sát.”
                Cô đem đồ uống đựng đầy nồng nặc mùi thuốc độc, bảo vệ nhìn thấy là đồ uống thì không thèm để ý đến.
                Cô thật sự đã uống, uống hết tất cả.
                Một lát sau, cô từ từ ngã xuống mặt đất, miệng sùi bọt trắng, bảo vệ mới biết là có chuyện.
                Gọi điện cho 120 nhưng đã muộn mất rồi.
                Cảnh sát gọi anh đến nhận thi thể. Anh nhận thi thể về nhà. Anh để cô chôn cùng với cậu con trai.

                Anh đã mất đi người vợ và đứa con trai mà mình thương yêu nhất
                Anh ngồi trước mộ cô và con 5 ngày 5 đêm, mãi đến ngày thứ 6, anh cảm thấy đầu óc choáng váng, rồi ngã lăn xuống đất.
                Khi tỉnh lại thì thấy mình đang ở trên giường trong ngôi nhà của mình.
                Anh ngồi dậy, một mình chạy ra ngoài. Anh đi tìm ông giám đốc đó để tính sổ, anh thủ sẵn một con dao đợi ông ta ở bãi đậu xe.
                Đợi suốt mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng ông ta đã đến lấy xe.
                Khi nhìn thấy anh, ông ta vô cùng hoảng sợ, hỏi anh muốn làm gì. Anh cầm con dao ra, chém 3 nhát vào cánh tay của ông ta, nói: “Ba nhát dao này chính là thay cho một nhà ba người chúng tôi”.
                Lúc này, cảnh sát đã đến nơi. Thì ra lúc anh đến đây, anh đã gọi điện cho cảnh sát rồi.
                Khi cảnh sát chuẩn bị dẫn anh đi, anh tự sát bằng cách cầm con dao đâm liên tiếp 7 nhát vào người mình.
                Anh nói với ông ta rằng: “Tôi không có tiền, nhưng tôi rất yêu cô ấy. Tôi sẽ mãi ở bên cạnh cô ấy. Tôi bằng lòng chết vì cô ấy. Ông có thể làm được không”.
                Chuyện này đã xôn xao dư luận. Vợ của ông giám đốc cũng biết chuyện, liền ly hôn với ông ta. Người đàn ông đó cũng đã biết ân hận về những việc làm của mình.
                Khi thi thể anh được đưa về quê nhà, người dân trong làng đều đứng đợi trước cổng làng,
                Vào thời khắc cảnh sát xuống xe ấy, nhìn thấy mọi người trong làng đều đang chảy nước mắt tiếp nhận thi thể.
                Còn cha mẹ anh khóc đến chết đi sống lại.
                Ngày hôm sau, thi thể của anh được chôn cất, ngày hôm đó dướng như ông trời cũng đang khóc vì anh. Trời đã mưa rất to.
                Nhưng mọi người trong làng không thiếu một người, chẳng có ai che dù, tất cả đều dầm mưa để đưa tiễn anh.
                Tro cốt của anh là một người cháu ôm. Đoàn người đều đi về hướng nghĩa địa.
                Mộ của anh là ba của anh và người ba vợ, còn có ba người anh trai đầu đội mưa, khóc lóc thảm thiết mà đào lên.
                Một nhà ba người đều chôn cùng một chỗ.
                Mọi người trong làng nhìn ba ngôi mộ này, vừa ngoảnh đầu lại nhìn, vừa quay trở về. Tất cả đau thương đều bắt nguồn bởi một chữ “tiền”.
                Cuối cùng, xin gửi một vài lời đến mọi người.
                Làm người phải sống đúng với lương tri, đạo đức của một con người
                Tiền có thể từ từ mà kiếm, có tiền bạn có thể ăn ngon, mặc đẹp, có đời sống sung túc. Không có tiền, thì ăn không được ngon, mặc cũng không được đẹp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là vui vẻ, hạnh phúc.
                Thông qua bài viết này, cũng xin gửi đến những người có tiền những không có đức, đừng có nghĩ rằng bản thân mình có tiền thì có thể tùy ý đùa giỡn với người khác, nếu không tình cảnh sẽ càng thê thảm hơn.
                Tiền có thể mua được căn nhà, nhưng không mua được “ tổ ấm” !
                Câu chuyện được dịch từ cmoney.tw
                Theo tinhhoa.net

                Comment

                Working...
                X