Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Tại Sao Đau Khổ ? - Hoàng Hải Thủy

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Tại Sao Đau Khổ ? - Hoàng Hải Thủy

    Tại Sao Đau Khổ ?










    Posted on July 17, 2015 by hoanghaithuy














    Ngàn xưa Thích Ca đã chỉ cho thấy chúng sinh trong cõi ta bà phải chịu tám đau khổ lớn. Phật gọi đó là Bát Ðại Khổ Não :


    — Sinh, Lão, Bệnh, Tử: Sống, già đi, đau ốm và chết. Bốn đau khổ lớn mà tất cả chúng sinh đều phải chịu. Không một mạng nào thoát. Bạo chúa Tần Thủy Hoàng hung hãn hay Anh Con Trai Bà Cả Ðọi hiền khô cả đời không gây sự đánh nhau với ai bao giờ đều bị đau khổ vì phải sống, phải già đi, bị hành hạ vì đủ thứ bệnh hoạn từ nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, Aid Mẽo, Siđa Thành Hồ đến những bệnh gây khó chịu như liệt dương, đái đường.. Nhắc lại và nhấn mạnh:


    Chúng sinh hằm bà lằng síu oằt đều phải chịu bốn đau khổ lớn Sinh, Lão, Bệnh, Tử . Và:


    — Muốn mà không có cái mình muốn. Ðau khổ lớn thứ năm .
    — Ðau khổ lớn thứ sáu: Có mà không giữ được cái mình có .
    — Ðau khổ lớn thứ bẩy: Thù ghét nhau mà phải sống gần nhau .
    — Ðau khổ lớn thứ tám: Yêu thương nhau mà không được sống gần nhau .




    Muốn sang giầu để hưởng thụ, muốn đỗ đạt, vinh hiển, có địa vị, quyền thế, vợ đẹp, con khôn, một đời không hoạn nạn. Ða số chúng sinh đều muốn như thế. Nhưng nhiều người muốn mà ít người được. Chuyện ấy em nhỏ lên ba, cụ già chín bó đều biết. Khỏi cần phụ đề Việt ngữ lòng thòng. Ta sang Ðau Khổ Lớn thứ sáu .


    Có mà không giữ được như có địa vị, đang là nguyên thủ quốc gia oai như hạch, lãnh tụ anh minh, cha già dân tộc, tiền hô, hậu ủng, nịnh thần điếu đóm, nâng bi..bỗng dưng một chiều bị bọn lính tập, bọn dân ngu cu đen xuống đường mần đảo chính, hè nhau lôi cổ Cha già, Mẹ Trẻ ra bãi cỏ dí súng vào đầu bắn bỏ — như trường hợp thê thảm của các ông Ngô đình Diệm, Ngô đình Nhu, vợ chồng Toỏng Bí Thư Cộng sản Sôxétcu Lỗ mã ni — đại doanh thương công kỹ nghệ kiêm xuất nhập cảng gia đang lên Mercury, xuống Mercedes, vợ bé, vợ bao hai ba chị, bạc tiền tiêu năm bẩy đời không hết, đời đang lên hương nhưng phạm sai lầm tài sản khánh kiệt, vợ hiền ôm kim cang, đô la trèo sang thuyền khác, đời tàn trong ngõ hẹp, nghèo đói, cô đơn và bị quên lãng. Trường hợp này ta thấy xẩy ra với những anh trọc phú ở Sài Gòn, thủ đô Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa. Những anh này chỉ sống để làm giầu, các anh ôm giữ của theo kiểu : “Mười quan đắt quá! Thà chết còn hơn..” Trước 1975 nếu có kẻ nào cướp giựt của mấy anh chỉ vài ngàn bạc thôi, mấy anh cũng sẵn sàng và sốt sắng làm những việc để cho người đó vào tù một hai năm. 30 Tháng Tư 75 bọn Bắc Cộng kéo vào Sài Gòn, không những nó chỉ lấy hết tiền của, nhà cửa của mấy ảnh, nó còn cho mấy ảnh vào Sốâ 4 Phan đăng Lưu, ÔTen Chí Hoà ngồi rù gãi háng mút chỉ cà tha . Mấy anh im re .




    Ta bỏ qua bọn trọc phú. Ðau khổ thứ sáu “Có mà không giữ được ..” được thể hiện trong những lời thơ :


    Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc
    Trăm năm thân thế bóng tà dương ..
    …..
    Vèo trong lá rụng đầy sân
    Công danh phù thế có ngần ấy thôi ..




    Ðấy là nỗi đau tiếc thương tuổi trẻ chóng qua, nhan sắc phai tàn. Than ôi ..Vẫn biết người ta sống là phải già đi, không ai có thể tươi trẻ mắt sáng, môi hồng, da thịt thơm mùi phấn ái ân hay thơm như múi mít được mãi. Tất cả mọi người đều già đi — người khác già đi là chuyện tự nhiên — nhưng ta già đi, nhan sắc ta phai tàn, ta bị gọi bằng cụ thì ta đau đớn dzô cùng tận .


    Hai Ðau Khổ Lớn thứ bẩy, thứ tám thuộc về Tình Yêu và là chủ đề của bài viết ở Rừng Phong một ngày cuối mùa hạ. Thù ghét nhau mà phải sống gần nhau là đau khổ! Thù ghét là mặt trái của Tình Yêu. Thù hận và Tình Yêu luôn luôn đi đôi với nhau như bóng với hình. Những người thù ghét nhau bị bắt buộc phải sống gần nhau nhiều khi đi đến giết nhau, hoặc chết dần, chết mòn vì uất hận. Cuộc sống của những người thù ghét nhau mà phải sống gần nhau là một thảm kịch .


    Ðau khổ lớn thứ tám: Yêu thuơng nhau mà không được sống gần nhau. Ðời sống của những người này cũng là một thảm kịch. Dzậy thì ngược lại : những người yêu thương nhau mà được sống gần nhau là hạnh phúc. Thế nhưng trong thi ca — ít nhất cũng trong thi ca Việt — chỉ thấy những ông thi sĩ, nhạc sĩ ca tụng Tình Dang Dở, mấy ổng cho Tình Dang Dở — Tình Dang Dở viết hoa ba chữ đầu TêDêDê: yêu nhau mà không chung sống với nhau — là đẹp đẽ, tốt lành. Như dzậy cũng có nghĩa là mấy ổng coi việc những người yêu nhau mà thành vợ, thành chồng, chung sống với nhau đến lúc đầu bạc, răng giả là không đẹp: Ðời hết vui khi đã vẹn câu thề. Tình chỉ đẹp những khi tình dang dở.


    Chỉ thấy hình ảnh những cô nhân tình, nhân bánh ẩn hiện thướt tha trong thơ văn cuả những ông văn thi sĩ Mít. Gần như tuyệt đối không thấy bóng dáng người vợ hiền trong thơ văn của mấy ổng. Kỳ dzậy ? Dù là văn nghệ sĩ mấy ổng cũng có vợ, có con như bất cứ anh phó thường dân nào trên cõi đời này. Tôi từng théc méc về chuyện ấy. Như ông Thi sĩ Vũ Hoàng Chương chẳng hạn: ông lấy vợ sớm, bà vợ ông là bà Oanh, chị ruột ông Thi sĩ Ðinh Hùng. Ông sống chân chỉ hạt bột cơm nhà, quà vợ với bà Oanh nhưng thơ ông than khóc, thương tiếc loạn cào cào, châu chấu những nàng Kiều Thu hề Tố em ơi :




    Men khói đêm nay sầu dựng mộ
    Bia đề tháng sáu ghi mười hai .
    Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc
    Tố của Hoàng nay Tố của ai ?
    Kiều Thu hề Tố em ơi
    Ta đang đốt lửa tơi bời Mái Tây ...






    Và ông than dài:




    Gập gỡ chừng như chuyện Liễu Trai
    Ra đi chẳng hưá một ngày mai
    Em ơi.. lửa tắt, bình khô rượu
    Ðời vắng em rồi, say với ai ?






    Nữ thi sĩ TTKH còn huỵch toẹt hơn khi tuyên bố bằng thơ thẳng thừng rằng nàng sống với chồng nhưng nàng không yêu thương chồng, nàng cũng không nể nang ông chồng khốn khổ, khốn nạn của nàng một ly ông cụ nào, có chồng nàng vẫn thương nhớ người nàng yêu.


    TTKH, nạn nhân điển hình của cả hai Ðau Khổ Lớn Thứ Bẩy, Thứ Tám: Không yêu thương nhau mà phải sống mí nhau như vợ chồng, yêu thương nhau mà không được sống vợ chồng với nhau. Nàng than thở bằng thơ :






    Từ đấy thu rồi, thu lại thu
    Lòng tôi còn giá đến bao giờ
    Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
    Người ấy cho nên vẫn hững hờ .
    Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
    Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
    Mà từng thu chết , từng thu chết
    Vẫn dấu trong tim dáng một người .
    Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
    Trời ơi người ấy có buồn không ?






    Thi ca thương tụng Nhân tình, Nhân bánh thật nhiều, ca tụng Vợ hiền thật ít. Nhưng có thật là trên cõi đời này không có một nhà thơ nào làm thơ về mgười vợ hiền không ? Câu hỏi được đặt lại cho thêm rõ ràng: Trong thi văn của ta có bài thơ nào viết về người vợ hiền không ?


    Không nhiều thì ít. Ít nhưng chắc phải có. Có lý nào văn thơ ta lại không có được dăm bài. Như bài “Hôn nhau lần cuối” của Nguyễn Bính :






    Cầm tay anh khẽ nói .
    Khóc lóc mà làm chi.
    Hôn nhau một lần cuối.
    Em về đi, anh đi .
    Rồi ..một, hai ba năm.
    Danh thành anh trở lại.
    Ta sẽ là vợ chồng.
    Sẽ yêu nhau mãi mãi …




    Chẳng phải chỉ tình Nhân tình, Nhân bánh mới đẹp, tình vợ chồng đôi khi cũng đẹp chứ ? Nhưng những lời thơ trên đây cho ta thấy cảnh vợ chồng thơ mộng trồng dâu, chăn tầm, dệt lụa Hà đông, Hà tây, yêu nhau mãi mãi ấy mới chỉ là cảnh thi sĩ mơ thấy sẽ xẩy ra chứ chưa thực sự xẩy ra. Thi sĩ có vẻ lạc quan tí đỉnh khi ông hẹn với nàng “Rồi.. một , hai ba năm.. Danh thành anh trở lại ..” Chỉ trong hai, ba mùa lá rụng ông đã thành danh rồi. Thi sĩ có khác. Phó thường dân đổ mồ hôi, sôi máu mắt hai ba chục mùa ổi chín cũng chưa chắc đã vồ được chút danh còm .




    Thi sĩ Ðinh Hùng trong bài Tự Tình dưới hoa :






    Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ
    Nắng trong hoa , với gió bên hồ
    Dành riêng em đấy. Khi tình tự
    Ta sẽ đi về những cảnh xưa
    Rồi buổi ưu sầu , em với tôi
    Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời…






    Quả thực là vợ chồng đôi khi nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời thiệt. Nhưng chuyện ta théc méc ở đây là không biết có phải Thi sĩ tả cảnh vợ chồng hay Người tưởng nếu Người lấy được người yêu làm vợ thì Người chỉ nhìn nàng cũng đủ no? Không có gì bảo đảm với chúng ta rằng người thiếu nữ đẹp như trăng, mắt xanh lả bóng dưà hoang dại, thăm thẳm nhìn Thi sĩ mà không nói năng trong thơ là bà xã của Người .




    Thi sĩ Nguyễn Bính tả cảnh vợ chồng rõ rệt hơn trong bài thơ Thoi Tơ




    Em lo gì trời gió. Em sợ gì trời mưa.
    Em buồn gì mùa hạ. Em tiếc gì mùa thu.
    Em cứ yêu đời đi. Yêu đời như thưở nhỏ.
    Rồi để anh làm thơ. Và để em dệt lụa.
    Lụa dệt xong may áo, áo anh và áo em .
    May áo nếu lụa thiếu. Xe tơ em dệt thêm.
    Thơ làm xong anh đọc. Bên anh em lắng nghe.
    Và để lòng thổn thức. Theo vần âu yếm kia .
    Mộng đẹp theo ngày tháng. Ði êm đềm như thơ .
    Khác nào trên khung cửi. Qua lại chiếc thoi tơ .






    Thi sĩ Hữu Loan làm hình ảnh người vợ hiền bé bỏng chiều quê thời kháng chiến chống Pháp trở thành bất tử trong Mầu tím hoa sim






    Nàng có ba người anh đi bộ đội
    Những đứa em nàng, có em chưa biết nói .
    Khi tóc nàng xanh xanh
    Ngắn chưa đầy búi.
    Tôi là người chiến binh xa gia đình
    Yêu nàng như tình yêu em gái .
    Ngày hợp hôn, nàng không đòi may áo cưới.
    Tôi mặc đồ quân nhân
    Ðôi giày đinh bết bùn đất hành quân .
    Nàng cười xinh xinh
    Bên anh chồng độc đáo.






    Người vợ trong bài thơ thứ hai viết về người vợ tôi được biết cũng là người vợ đã chết. Tôi đọc bài thơ này năm 1952 trong Giai phẩm Xuân của Nhật báo Tia Sáng thời ấy ấn hành ở Hà nội. Theo thông lệ những số báo Tết, báo Xuân thuờng tối kỵ đăng những chuyện dính dáng xa gần đến tình đứt đoạn, người tình chết , sinh ly, tử biệt, tai hoạ vv . Nhưng số Xuân Tia Sáng Hà Nội năm 1952 lại đăng bài thơ tôi sắp kể.


    Năm mươi mùa lá rụng đã trôi qua kể từ năm 1952 xa xưa xanh ngăn ngắt ấy. Từ chàng thanh niên tuổi đời mới tròn Hai Bó chưa lẻ que nào nay tôi đã trở thành ông Khưá Lão trên vai mang nặng Sáu Bó lẻ năm, bẩy que, khuôn mặt phong trần, cằn cỗi in hằn những vết roi đời. Tôi vẫn nhớ nằm lòng bài thơ tôi đọc mùa xuân xa lắm tôi còn trẻ, chưa biết đau thương, biết nợ nần. Ðời chỉ có hoa và mật ngọt. Da thịt thơm mùi phấn ái ân ..






    Tôi vẫn biết Em là người mộng
    Em là tiên trên động Bồng Lai
    Lỡ tay trong tiệc Dao Ðài
    Ðánh rơi chén ngọc , đầu thai xuống trần .
    Tôi vẫn biết tiến nhân, hậu quả
    Tôi cùng Em nợ trả chưa xong
    Tiên cung lòng tưởng nhớ lòng
    Nhớ nhung Em xuống vợ chồng với tôi .
    Tôi vẫn biết nghiệp trời có thế
    Mười năm qua, trích lệ đã qua
    Xe mây tung cánh hạc già
    Bách thần mở tiệc hoàng hoa tẩy trần .
    Vẫn biết đấy là xuân muôn thưở
    Xuân ngàn năm rực rỡ không cùng
    Nhưng nơi Nước Nhược, Non Bồng
    Em còn tơ tưởng vợ chồng nhân gian ?






    Tôi không nhớ bài thơ trên của ông nào trong hai ông thi sĩ họ Hoàng tên tuổi mới nổi lên ở Hà Nội khoảng năm 1950. Hai ông Hoàng công Khanh, Hoàng phụng Tỵ. Ông Hoàng công Khanh là tác giả vở Kịch Thơ Bến Nước Ngũ Bồ. Năm 1954 cả hai ông Hoàng Công. Hoàng Phụng đều ở lại Hà Nội .




    Và như vậy ta có thể viết như vầy :




    — Các văn nghệ sĩ nói chung, cổ kim đều giống nhau, chỉ mần thơ ra rít về những mối tình Nhân tình, Nhân bánh. Hình ảnh người tình trong thơ văn của mấy ổng chỉ là những người mấy ổng yêu thương nhưng vì những lý do nào đó không trở thành người vợ hiền của mấy ổâng.


    — Ðôi khi có một vài ông lẻ tẻ mần thơ văn biểu lộ tình yêu với vợ hiền thì …thường là ..người vợ hiền của mấy ổng đã về quê, đã tịch, đã tạnh, đã hai năm mươi, đã đi tầu suốt ..


    Những ông thi sĩ hiện đại thì như vậy, còn những ông thi sĩ thời xưa, những ông mần thơ cuối thế kỷ trước – Thế kỷ 19 — đầu thế kỷ này – 1910–1920 — thì sao ?


    Tình hình không khá gì hơn. Các ông Ngô thì Nhậm, Phan thanh Giản làm một hai bài thơ “Ký Nội,” tức là thư gửi cho bà vợ hiền ở nhà. Thơ các ông làm bằng chữ Hán và các ông là những nhà cai trị làm thơ nhiều hơn là nhà thơ làm thơ. Hai ông Nguyễn Khuyến, Trần tế Xương làm Văn Tế Vợ với mục đích khôi hài, rỡn chơi nhiều hơn là khóc thật :






    Con gái nhà lành, lấy chồng kẻ chợ .
    Tiếng có mà không, gập chăng hay chớ .
    Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo,
    ai dám chê rằng béo, rằng gầy.
    Người ung dung , tính hạnh khoan hoà ,
    chỉ một mầu hay gàn, hay dở .
    Ðầu sông, cuối bến, đua tài buôn chín, bán mười.
    Trong họ ngoài làng , vụng lẽ chào dơi, nói thợ.






    Ðoạn Văn Tế trên đây của ông Tú Xương. Ông này ăn chơi vàng trời nhưng lại có thơ viết về bà vợ với những câu như: “… Nuôi đủ năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng. Eo sèo mặt nước buổi đò đông ..”


    Tôi tìm trong trí nhớ của tôi xem có người thơ nào viết về người vợ hiền trữ tình, yêu thương và nghiêm túc hay không? Và tôi tìm được một người.


    Nhà thơ đó là Cao Bá Quát .


    Khi Cộng sản nắm quyền văn nhân, thi sĩ đi tù quá nhiều, chuyện tù đày trong chế độ cộng sản trở thành chuyện thuờng. Nhưng đây là ta nói chuyện trước kia, trước khi dân ta mắc nạn Cộng sản, trưóc kia ta có những người làm thơ nào lâm cảnh tù đầy? Khi nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn Gia Long diệt, hai ông văn thần làm thơ nổi tiếng triều Tây Sơn là Ngô thì Nhậm, Phan huy Ích, bị quân chiến thắng bắt giam, đem ra Văn Miếu căng nọc đánh đòn vì cái tội là”Nho gia mà phục vụ Ngụy triều.” Nghe nói ông Ngô thì Nhậm bị đánh quá đau nên chếát sau đó ít ngày, ông Phan huy Ích còn sống được khoảng mười năm sau tai họa. Chắc chắn ông Phan Huy Ích phải làm ít nhất vài bài thơ mô tả tâm trạng ông khi hoạn nạn đưa ông đến trước Tử thần, khi ông bị người ta bắt nằm sấp để đánh đòn, hoặc thương khóc ông anh vợ ông là ông Ngô thì Nhậm. Tôi nghĩ những người trong gia đình ông đã hủy đi những bài thơ ấy.




    Thi sĩ Tố Như cũng có ít ngày ở tù. Thời gian tù ngắn ngủi và chẳng có gì gay cấn của ông được ghi chỉ có một câu trong bài “My Trung mạn hứng “:




    “Thập tuần lao ngục tử sinh tâm ..” Mười tuần trong lao ngục , lòng nghĩ đến việc chết sống. Một tuần của Á đông là 10 ngày. Thi sĩ ở tù thập tuần là 100 ngày, hơn ba tháng chút đỉnh. Chuyện bên lề bài thơ kể rằng ngày ấy ông làm cuộc vượt biên vào Nam với Chúa Nguyễn, trên đường đi ông bị bắt ở biên giới. Nhờ có ông anh làm lớn trong triều đình Tây Sơn ông được thả ngay chỉ sau có 100 ngày tù. “Mười tuần trong tù lòng nghĩ đến chuyện sống chết ..” Cũng đúng thôi. Người mới vào tù thường bồn chồn, sợ hãi, khắc khoải nghĩ đến chuyện mình sẽ chết trong tù. Người ở tù lâu vài ba niên sẽ quen đi, sẽ dạn dầy, sẽ không còn bận tâm gì đến chuyện sống chết.


    Người thơ Cao Bá Quát bị tù một thời gian dài đến hai năm. Ông bị tra tấn, ông để lại cho ta bài thơ tả cái roi song và trận đòn ông phải chịu. Ta sẽ nói với nhau về Thơ Tù của Cao Bá Quát trong một bài khác. Hôm nay ta chỉ nói đến bài thơ ông làm khi ở trong tù ông nhận được gói quà bà vợ ông từ làng Phú thị, Bắc Hà gửi vào cho ông. Vào thời ấy — những năm 1840 — đường xá đi lại khó khăn, con đường ông cha ta phải đi từ thành Thăng Long vào đến thành Phú Xuân đúng là xa vạn dậm. Bà vợ ông gửi người mang vào tù cho ông cái áo rét, mấy cây bút và vài thứ đồ dùng. Ðêm ấy xúc động ông làm thơ :






    Nhất giam đăng hạ vạn hàng đề
    Thử dạ tàn hồn nhiễu tú khuê .
    Trường hận thùy giao luân cẩm tự ?
    Ðộc miên nhân tự vọng kim kê .
    Hàn y ổn thiếp phong tân tứ .
    Tố quản tiêm minh tẩy cựu đề .
    Lai thất tha thời hảo qui khứ ,
    Nhập môn tri hữu nhẫm thung thê .
    Một phong thư đọc dưới đèn, muôn hàng lệ rỏ .
    Ðêm nay hồn vật vờ quanh chốn buồng thêu .
    Mối hận vô cùng, ai sui mình bàn chuyện dệt gấm?
    Kẻ nằm một mình vẫn trông chờ tin gà vàng.
    Aùo rét xếp phẳng phiu, gói ghém bao ý mới .
    Ngọn bút trắng, nhọn, xóa sạch những lời đề xưa .
    Mai đây khi trở về nơi Nhà Lai
    Bước vào cửa được biết rằng có vợ hiền từng giã gạo mướn .




    Lời chú của tác giả: “Kim kê tinh hiện tắc quốc hữu xá”: Sao Kim Kê hiện là điềm trong nuớc có việc ân xá.” “Cẩm tự “chữ gấm lấy từ điển “Cẩm tự hồi văn “thường được gọi là “Cẩm hồi văn”. Tần Ðậu Thao giận vợ là nàng Tô Huệ. Tần đi làm quan ở Tương châu, bỏ Tô Huệ ở nhà và đoạn tuyệt tin tức. Tô Huệ dệt một bức gấàm trên có bài thơ lời lẽ tha thiết gửi cho chồng. Ðậu Thao cảm động cho người về đón nàng. Nhà Lai: nhà ở gò Lai. Làng quê của Cao tiên sinh có cái gò tên là Gò Lai. Giã gạo mướn lấy ở điển nàng Mạnh Quang là vợ Lương Hồng đời Ðông Hán, nhà nghèo, thường đi giã gạo thuê cho người ta kiếm ăn .


    Bị tù hơn hai năm Cao Bá Quát được tha và cho làm việc lại. Triều đình bắt ông phải “duơng trình hiệu lực”: Ði làm việc ở nước ngoài để chuộc tội. Sự thay đổi thật lạ kỳ: 100 năm trước — năm 1840 — những người có tội phải gia nhập những sứ bộ đi công cán nước ngoài để chuộc tội. 100 năm sau — 1950 — người được tháp tùng những phái đoàn chính phủ đi công cán nước ngoài là những công thần của chế độ, là bọn COCC Con ông, Cháu cha được hưởng đặc ân. Trên thuyền sang Tân-gia-ba người thơ Chu Thần thấy trong hành lý có chiếc gương bà vợ để vào, nhớ bà ông làm thơ :






    Tự quân chi xuất hỹ
    Dạ dạ thủ không sàng .
    Hải nguyệt chiếu cô mộng ,
    Giang phong sinh mộ lương .
    Tiểu kính ký viễn khiếp ,
    Hàn y lưu cố phường. (phòng)
    Trì thử các tự úy ,
    Bất khiển lưỡng tương vương (vong)
    Từ ngày anh ra đi
    Ðêm đêm em giữ chiếc giường không .
    Trăng biển soi giấc mộng cô đơn ,
    Gió sông thổi lạnh trời chiều .
    Cái gương nhỏ gửi vào tráp người đi xa ,
    Tấm áo lạnh để lại nơi phòng cũ .
    Giữ những vật ấy để cùng tự an ủi ,
    Không để cho đôi ta quên nhau .




    Những đêm u ám năm 1976 tôi lấy những quyển sách trong tủ sách của tôi ra đọc lại. Có những quyển tôi đem về cất đó rồi mải làm việc, mải chơi, tôi không một lần mở đọc cho đến những đêm tuyệt vọng ấy. Trong một quyển sách bị bỏ quên tôi đọc được một lời than của Cao Bá Quát làm tôi vỡ tim. Ðó là lời ông gửi cho bà vợ ông. Năm 1977 Công An Thành Hồ đưa xe bông đến nhà đón tôi đi chuyến xe bông thứ nhất. Hai mùa lá rụng sau tôi trở về tìm không thấy quyển sách xưa trong có lời than vỡ tim từng làm tôi xúc động. Có thể là quyển sách ấy nằm trong số sách bị Công An Thành Hồ lấy đi khi họ đến bắt tôi .


    Nhưng tôi còn nhớ lời than ấy đến hôm nay và hôm nay tôi viết lại lời than ấy theo trí nhớ của tôi. Trong cơn yêu thương tha thiết người thơ họ Cao kêu lên :




    — Người ta vẫn nói :


    Nữ vô duyên vi tài tử phụ .
    Nam bất hạnh tác hồng nhan phu !
    Người đàn bà vô duyên phải làm vợ kẻ tài tử .
    Người đàn ông không may phải làm chồng người đàn bà đẹp .
    Những người ấy đau khổ trong cuộc đời . Nhưng em ơi, anh không phải là tài tử, em không phải là hồng nhan ..Tại sao đôi ta cùng đau khổ ?







    Câu hỏi xé trời không có câu trả lời .


    Nhiều đêm trong tù, trằn trọc không ngủ được, nằm nhắm mắt lơ mơ nghĩ, nhớ lại những chuyện xưa, đôi khi câu hỏi xé trời của Cao Chu Thần vang động trong tim tôi, làm tôi thổn thức, bồi hồi như chính tôi là người hỏi câu đó chứ không phải là ông:




    Nữ vô duyên vi tài tử phụ.
    Nam bất hạnh tác hồng nhan phu .
    Em ơi.. Anh không phải là tài tử, em không phải là hồng nhan. Tại sao đôi ta cùng đau khổ ?






Working...
X