Trái Ngang
Truyện ngắn của Tư Kiên
Trương có cái thú đi săn và cũng có lộc nữa, vì mỗi khi xách súng đi săn, thế nào khi về anh cũng có vài ba con gà con chim. Vì đây là khu vực dân cư nên ít khi thú bén mảng tới trừ lũ thỏ hoặc cheo, nên đôi khi anh muốn săn thú thì phải đi vào ban đêm vì thú ít kiếm ăn ban ngày. Trương thích nhất là Mang kế là Heo rừng, vì 2 loài này thịt rất thơm ngon, ngọt, lại không có mỡ. Con Mang hay còn gọi là con Mễn là loài thú ăn cỏ thường to cỡ con Dê nhưng thịt rất thơm chứ không hoi. Món ngon nhất là thui rồi đang lúc còn nóng nhâm nhi với Rhum thì không gì thú bằng.Truyện ngắn của Tư Kiên
Heo rừng thì ít có con lớn trung bình chỉ chừng 30- 40 kg thôi, nhưng nếu có con lớn cỡ trên dưới 1 tạ thì món quý nhất là cái da gáy, tức miếng da nằm giữa khoảng đầu và vai, khu vực này lông heo thường rất cứng và dày da ở đây cũng rất dày có thể cả lóng tay, nhưng lại mềm và ròn, ngon hơn ăn da bê thui nhiều.
Hôm trước, Trương bắn được 3 con gà rừng và mấy con chim. Anh lấy 1 con mang về đưa cho bà chủ quán nấu cơm tháng nấu cho nồi cháo và bóp gỏi còn lại cho đám lính. Dĩ nhiên là họ cám ơn rối rít khen ngợi hết lời.Thói đời gà nhà thì binh nhau chứ đâu cần lợi lộc gì mới làm, nhưng nếu có chút lộc thì vẫn vui hơn. Trương biết vậy nên lần nào đi săn cũng báo cho đám lính tiền đồn biết và khi về ghé ngang cho họ vài con ăn lấy thảo.
Vài ngày sau Trương lại đến chỗ săn hôm trước, vì biết rõ đặc tính của lũ gà rừng, chúng có thói quen kiếm ăn ở những chỗ đã từng kiếm được đồ ăn và không bị đe dọa. Cứ mang ít gạo xấy rải thì thế nào chúng cũng tìm đến. Cái khó là chỗ đó phải thật yên tĩnh vì lũ gà rừng rất nhát, khi sợ thì có khi chúng bỏ đất đi luôn. Bắn gà rừng cũng phải nhắm kỹ thường là bắn vào đầu chúng chết không kịp kêu, nghĩa là không kịp báo động cho những con khác biết mà lỉnh.Còn nếu bắn hụt hoặc trúng nhưng không chết để chúng kêu réo giẫy dụa là coi như chúng đi luôn.
Đang chú ý rải gạo nhử gà chợt một tiếng nhỏ nhẹ gần đó cất lên,
- Ông còn gạo không cho tôi một ít?
Trương quay lại, gần đó là một phụ nữ trong bộ bà ba đen bạc đội chiếc nón lá rách đang xuôi tay nhìn mình. Thông thường khi xin ai cái gì người xin thường đưa tay ra phía trước, người phụ nữ này lại không phải vậy hai tay vẫn buông xuôi. Cử chỉ lạ lùng khiến Trương ngạc nhiên,
- Cô vừa hỏi tôi xin gạo?
- Dạ, ông còn cho em xin một ít, em đang cần!
Trương mới ngoài 20, trong bộ đồ dân sự trông anh còn trẻ hơn nhiều.Nắng Pleiku không làm người trai thành thị thuở nào đen đi mà trái lại da anh cũng trắng hồng không khác da thiếu nữ bởi anh vốn trắng sẵn lại chẳng mấy khi phải vất vả mưa nắng.Với vóc dáng như vậy mà có người gọi bằng “ông” thì quả thực hơi lạ, chắc người phụ nữ này cũng có gì đặc biệt. Trương hỏi lại,
- Cô cần gạo hay gạo xấy? Để làm gì?
- Dạ, gạo nào cũng được, để ăn.
- Gạo thì dĩ nhiên là để ăn rồi, nhưng bộ cô túng thiếu lắm sao?
Người phụ nữ “dạ” nhỏ một tiếng rồi im lặng.Trương giờ mới có dịp để ý đến làn da trắng của người phụ nữ. Dưới vành nón là một khuôn mặt trẻ, rất trẻ, chắc cũng tuổi Trương thôi, phong cách vóc dáng có vẻ không phải dân địa phương.
- Cô ở đâu tới đây?
- Dạ, em ở ngay đây!
- Tôi nói cô từ địa phương nào tới đây, vì nhìn cô là tôi biết không phải dân ở đây, từ giọng nói, dáng điệu cung cách của cô đã chứng tỏ điều đó.
- Vâng em từ xa đến, nhưng kiếm không đủ ăn.
- Vì sao?
- Em làm công nhân hái chè cho đồn điền KTK nhưng vì mới làm nên lương rất ít. Hôm nào trời mưa không có việc làm hoặc hôm nào bịnh là em không đủ tiền mua gạo.Mấy hàng quán ở đây họ không chịu bán thiếu, vả lại em còn có con nhỏ nữa.
- Ồ, thảo nào.Không sao, tôi sẽ mang gạo đến cho cô, đâu cô nói ở gần đây là ở đâu?
Người phụ nữ giơ tay chỉ về một cái chòi gần đó,
- Dạ, em ở đó!
Trương qua lại nơi này thường xuyên nhưng lại không để ý đến cái chòi vì nghĩ có lẽ đó là chỗ trú chân tạm của những người dân đi làm rẫy mỗi khi gặp mưa, không dè lại là chỗ ở của người phụ nữ này, mà lại là chỗ ở với 1 đứa con nít nữa.
- Cô nói cô có con nhỏ, vậy chồng cô đâu?
- Dạ ảnh mất rồi!
- Sao? Trẻ vậy đã góa chồng sao?
Người phụ nữ gật đầu, cặp mắt đỏ hoe,
- Dạ ảnh cũng mới chết.
- Chết vì lý do gì?
- Bị bắn chết?
- Đi lính à? Hay là VC?
- Dạ không phải lính cũng chẳng phải VC, bị người ta bắn lầm nên chết!
Anh đến trước cái chòi nơi trú ngụ của người phụ nữ. Cái chòi mỗi bề khoảng hơn 2m,chung quanh chét đất, màu đất mới chắc là cũng mới được làm. Mái thì có vẻ đã cũ chứng tỏ cái chòi này mới được làm lại để ở thay vì chỉ để trú mưa. Phía trước là một tấm phên lớn làm bằng tre, được chống lên bằng 2 cây hai bên, chống lên thì thành mái che, hạ xuống thì thành vách. Bên trong chỉ có 1 vạt tre, có lẽ là chỗ để ngủ vì phía đầu có một tấm mền cũ và 1 cái gối xếp gọn trên 1 manh chiếu. Phía trên cái vạt tre là một cái nôi đan bằng mây, thứ này người Thượng ở đây thường dùng cho trẻ sơ sinh và con nít nằm. Một đứa nhỏ chẳng rõ trai hay gái nằm bên trong đang ngủ, được quấn bằng vuông vải cũng cũ, chắc là xin ở đâu đó...
Trương bỗng quay lại nói với người phụ nữ,
- Cô đừng động đậy, có con gà để tôi bắn tặng cô.
Rồi nhẹ nhàng đến nơi con gà đang ăn gạo gần đó, Trường đưa súng lên vai nhẹ nhàng bóp cò, một tiếng “đoàng” vang lên, con gà bị bắn nát đầu ngả xuống đôi chân còn quẫy đạp nhẹ. Trương xách con gà đưa cho người phụ nữ,
- Con này khá lớn, mẹ con cô ăn được mấy bữa đó, nhưng đừng lo ngày hôm nay tôi bắn được bao nhiêu sẽ cho cô hết để ăn dần.
- Nhưng ăn với cái gì? Em đâu có hạt gạo nào, mấy bữa rày toàn ăn củ mì.
Người phụ nữ lôi dưới gầm sạp ra một cái nồi bên trong còn mấy khúc khoai mì chín. Trương thản nhiên cầm một miếng đưa lên miệng ăn ngon lành,
- Tôi cũng thích ăn khoai mì, tôi có thể ăn khoai mì trừ cơm cả nửa tháng. Tuy nhiên tôi sẽ đưa tiền để cô đi mua gạo ăn đỡ rồi ngày mai tôi sẽ nói lính chở gạo ra cho cô.
- Ông nói thiệt chứ.
- Cô cầm đỡ mấy trăm này vô làng mua gạo ăn đi.
Trường rút trong túi ra 1 tờ 500 đồng còn khá mới nhẹ nhàng đưa cho người phụ nữ,
- Đây tôi biếu cô 500 để mua gạo.Cô cần gì thêm cứ nói để tôi giúp, đừng ngại.
500 đồng khi đó là một khoản tiền khá lớn có thể mua được cả bao gạo 50kg. Công hái chè ngày đó chỉ vào khoảng 30 đồng một ngày (hái chè tính theo kilo, thợ hái chè đổ ra cân, đúng tiêu chuẩn chè búp mới được tính tiền trung bình cũng chỉ chừng 30 đồng 1 ngày, hái giỏi thì khoảng 4-50 là nhiều rồi.) Người phụ nữ tròn xoe đôi mắt nhìn tờ giấy bạc như không tin,
- Ông cho em thiệt, không đòi hỏi gì ở em chứ?
- Cô cứ cầm đi mà lo cho cô và cháu bé. Tôi còn độc thân nên không cần tiền, hơn nữa nếu có thiếu cũng vay mượn được.
- Dạ em cám ơn ông nhiều.
Người phụ nữ vừa nói ngẹn ngào vừa ứa nước mắt.
- Đừng gọi tôi là ông nghe già lắm, tôi tên Trương năm nay 22 tuổi.
- Em tên Dung năm nay cũng bằng tuổi ông, 22 tuổi.
- Đã nói đừng gọi tôi là ông mà.
- Dạ, anh Trương. Người phụ nữ lí nhí.
-Cô làm thịt con gà đi, lông hoặc những gì vứt đi nhớ đào cái hố xa xa mà chôn kẻo đêm chồn cáo nó mò về nó phá.
- Dạ, em biết, cám ơn anh Trương.
- Thôi được, tôi đi một vòng nữa bắn được thêm tôi sẽ quay lại cho cô. Bữa nay tôi nhịn miệng đãi khách.
Trương vừa nói vừa cười cười, gật đầu chào xách súng đi. Chừng một giờ sau vài ba tiếng súng, Trương quay trở lại tay xách thêm 2 con gà nữa đến căn chòi đưa cho Dung,
- Hôm nay cô có lộc ăn, đây tôi biếu cô thêm 2 con nữa, tôi ăn 1 con thôi.
Dung đang loay hoay địu con vào trước ngực như có ý muốn đi đâu đó thấy Trương đến vội nói,
- Em đang định vô làng mua gạo và mua cho cháu 1 hộp sữa bò.
- Cháu mấy tháng mà cho ăn sữa bò?
- Dạ, 2 tháng.
- 2 tháng sao lại cho ăn sữa bò.
- Em không đủ sữa cho cháu bú.
- Sao không cho cháu ăn sữa….
Trương định hỏi sao không cho cháu ăn sữa Guigoz hay Babylac nhưng sực nhớ ra cô ta cơm còn không có ăn lấy gì mua sữa tốt cho con, do đó ngập ngừng một chút rồi nói tiếp,
- Cho nó ăn tạm bữa nay đi, mai tôi mang sữa khác cho nó ăn, con nít không bú sữa mẹ phải ăn Guigoz hoặc Babylac, tối thiểu cũng phải là Meiji chứ ăn sữa bò nó không tiêu. Thôi tôi về, nhớ cẩn thận.
Trương quay người thì Dung hỏi với theo,
- Anh về bằng gì?
- Ồ tôi có chiếc xe đạp khóa ngoài gốc cây trước khi vô đây.
Ngay chiều đó Trương mượn xe Jeep ra phố mua 5 hộp sữa Guigoz, mấy bình pha sữa, 1 bình thủy, mấy bộ đồ sơ sinh, mấy mét vải và xin tiếp liệu một cái mùng một cái mền và một bao gạo Mỹ hạt dài 50 lbs. Anh em trong Tiểu Đoàn xôn xao vì chuyện lạ, đoán già đoán non chắc gã Thiếu Úy này “dính chấu”, một ông bạn hỏi móc họng,
- Ê, sao chưa mời ai uống rượu ăn khao đã lo mua sữa Guigoz rồi, có cần bọn tao mua cho mấy bao than không?
- Mua than thì phải kiếm thêm cho hắn khúc tre làm ống thổi nữa.
Người khác tiếp, giọng bông đùa. Trương thoải mái,
- Anh em có lòng cho gì nhận nấy, than cũng được, dầu cũng được, có thì đưa ra.
- Ê, mấy tháng rồi hay là sắp sanh, đưa bọn tao đi coi mắt hay dắt về đây đi. Mày có nhà bên Cư Xá Sĩ Quan Tiểu Đoàn sao không đưa về, mắc cở gì mà dấp dúi.Bộ sợ xếp hả? Lên nói với ổng một tiếng là xong chớ gì. Cùng lắm thì kêu Trung sĩ Thi làm điều chuẩn an ninh, hay để tụi tao nói?
- Được rồi, ngày mai thằng nào rảnh đi với tao rồi về hãy bàn, còn bây giờ thì cứ thoải mái nói gì cũng được, kể cả nói bậy tao cũng không chấp.
- Bữa nay thằng này hơi lạ, chắc có gì đặc biệt lắm đây.
- Thì ra riêng phải vậy chớ, thế là Tiểu Đoàn thêm một thằng lãnh án chung thân nữa rồi, tội nghiệp.
Cứ vậy, mỗi người một câu lời ra tiếng vào, có người than thở dùm,
- Ăn vụng dính mép hay bị gài đây! Mẹ kiếp sơ ý là xập bẫy mấy em ngay.
- Thì 36 cách, đánh bài phú lỉnh là xong chớ gì,
- Lỉnh không được mới chết chứ, em dưới 16 là lãnh lịch treo tường ít lắm cũng 2 cuốn.
- Con cớm thì sợ rằng hơn!
- Vậy nên mới phải lo mùng mền cho ả?
- Mà sao không mua mùng đôi.
- Bộ Tiếp Liệu nhà mình cũng có mùng đôi, sao tao không biết cà?
- Mùng còn mền nữa chứ, tao thấy thằng Hạ Sĩ Sửu mang lên 2 cái single mà đôi chỗ nào!
Trừ Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn Phó, Trưởng Ban 3, Sĩ Quan Chỉ Huy Hậu Cứ và 2 ông đại đội trưởng nữa là có gia đình, còn mười mấy sĩ quan khác vẫn độc thân. Anh em cư xử với nhau thân tình như ruột thịt, thậm chí lãnh lương còn bao nhiêu, đánh bài ăn thua bao nhiêu, đào địch tên gì đều biết. Vậy mà chuyện “động trời” như vậy lại không ai biết thì rõ ràng là Trương khéo dấu và qua mặt anh em. Thật quá tài tình!
Qua bữa sau Trương lại mượn xe Jeep, lần này trên xe bu cứng ai cũng đòi đi,
- Ê, ra phố coi chừng Quân Cảnh nghe, ngồi hết vô trong. Ê , đi đâu vậy Trương?
- Vô làng, mà cũng không phải nữa, vô rìa làng thôi.
- Làng nào?
- Thì làng Ngô Sơn, chỗ tao vẫn bắn gà bắn chim đó.
- Trong đó có con nào đâu cà?
- Bộ có con nào là mày dzích hết rồi sao mà ra bộ rành quá dzậy!
- Tao đang nghĩ xem có con nào nên nét mà hớp được hồn thằng Trương này. Chớ tao ăn nước mẹ gì!
- Thôi khỏi bàn luận, đi 5 phút tới ngay.
Trương cho xe chạy, vòng vo một chặp rồi dừng ngay trước cái chòi,
- Tới rồi, xuống đi, đừng làm ồn cho cháu bé nó ngủ.
Toán sĩ quan của tiểu đoàn xuống xe dớn dác ngó vào trong chòi, bắt gặp Dung ai nấy nhanh nhảu chào,
- Chào chị.
- Chào chị.
- Chào chị.
Người phụ nữ đang ngỡ ngàng chưa kịp hoàn hồn vì chiếc xe Jeep đậu trước cửa lại càng bối rối hơn khi nghe tiếng chào, một lát sau ngẩng lên thấy Trương và vài người nữa bê đồ vào đặt lên vạt tre,
- Đây là cô Dung, tao mới quen bữa qua. Cổ có một hoàn cảnh rất thê thảm, chồng chết, con mới 2 tháng hái chè không đủ ăn. Bây giờ anh em hài lòng chưa?
- ĐM, hôm qua sao không nói! Một người bực quá lên giọng chửi thề.
- Tụi bay có hỏi tử tế gì đâu mà tao trả lời. Bữa qua tao đang săn gà thì gặp cô ấy tới xin gạo, nên tao cho cô ấy 3 con gà tao săn được và ít tiền mua gạo, nay mua thêm ít đồ cho cháu bé. Ai có lòng hảo tâm giúp đỡ thêm.
Đám sĩ quan trẻ người móc ra 100, người 200 gom lại đưa cho người phụ nữ,
- Chúng tôi không biết trước nên có ít tiền giúp chị. Xin lỗi tụi tôi cứ tưởng là “người nhà” của Trương.
Người phụ nữ cũng biết ý 2 chữ “người nhà” mà đám sĩ quan trẻ dùng ở đây bao hàm ý nghĩa châm biếm xỏ xiên nên hơi đỏ mặt, tuy vậy cô cũng liếc xéo Trương khuôn mặt sáng lên. Trương nãy giờ có dịp nhìn kỹ Dung, người phụ nữ hôm nay có dáng ve tươi tỉnh khỏe mạnh và bạo dạn hẳn lên so với hôm qua, khuôn mặt tuy vẫn còn hơi tái, ánh mắt tuy vẫn đượm buồn nhưng linh hoạt hơn nhiều so với lúc gặp Trương. Anh ân cần hỏi,
- Hôm qua Dung ăn con gà thấy ngon không?
- Dạ chưa bao giờ em được ăn một bữa ngon như vậy.
Giọng Dung tự nhiên như nói chuyện với người thân, Dung lôi trong gầm sạp ra một bao nhỏ và nói,
- Quán ở đây chỉ còn 10kg gạo thôi, em mua hết rồi nhờ người vác về.
Vừa nói Dung vừa bốc gạo trong bao ra, những hạt gạo màu thô đục hơi nát, nhìn những hạt gạo Trương hơi buồn,
- Mang trả lại cho người ta đi, tôi mang cho cô bao gạo này. Từ nay cô không phải lo về gạo ăn.Tôi đã dặn trong Tiểu Đoàn khi nào cô hết gạo cứ tới gặp Hạ Sĩ Sửu, hoặc Hạ sĩ Ngọc nói là người nhà của tôi. Họ sẽ đưa gạo cho cô hoặc sẽ chở gạo đến đây cho cô. Tôi dặn vậy để phòng khi đi hành quân lâu không về kịp, nhưng tôi sẽ liên lạc thường xuyên với họ để giúp cô. À tôi dặn thêm, từ nay cô hoặc cháu bé có bịnh gì cứ đưa vô Trạm Y Tế của Tiểu Đoàn và cũng nói như vậy. Họ sẽ săn sóc chữa trị cho.
- Đúng rồi, nhưng đừng để họ hiểu lầm là vợ con hắn. Trong Khu Gia Binh còn nhiều em đang ngấm nghé hắn lắm đó. Hiểu lầm là mấy em de sạch thì ế luôn.
Một giọng bỡn cợt lên tiếng, giọng khác thêm vào,
- Thì bớt một địch thủ mày càng khỏe chứ sao lại lo “bò trắng răng”.
- Có cạnh tranh mới thấy giá trị thiệt chớ. Như vậy thì có khác gì xài đồ “dạt”. Mày nói nghe không vô!
Mặc cho đám bạn tranh cãi những chuyện vớ vẩn ồn ào, Trương đến bên chiếc nôi mây nhẹ nhàng bồng đứa bé dậy, rồi mở bao nylon lấy ra một bộ đồ màu hồng mặc cho đứa bé. Dù chỉ nhìn thoáng qua đứa bé một chút nhưng không hiểu sao khi chọn quần áo Trương lại chọn toàn đồ con gái, màu sắc dịu dàng hồng, vàng, thiên thanh, hoa lá nhẹ nhàng. Đứa bé mình trần chỉ quấn một mảnh tã cũ giờ được mặc bộ đồ đẹp dù rộng thùng thình nhưng cũng đổi dáng khác hẳn. Dung ngạc nhiên thấy Trương ẵm con nít mặc áo quần cho trẻ rất sành điệu như thể từng chăm sóc nhiều đứa rồi. Đứa bé cũng rất ngoan không lạ hơi cũng chẳng lạ người nằm ngủ ngon lành trong tay Trương, Dung dụi cặp mắt cố dấu dòng lệ cảm động lí nhí nói,
- Cám ơn anh, con bé từ khi sanh ra tới giờ mới có bộ đồ đầu tiên…
- Lại là bộ màu hồng, vậy thì chắc số bé này hên lắm đó. Cháu tên gì vậy chị?
- Em chưa đặt tên, các anh cho cháu một cái tên đi.
- Vậy thôi, sẵn mặc bộ đồ đầu tiên màu hồng thì gọi nó tên Hồng luôn cho dễ nhớ kỷ niệm đẹp.
Nhiều giọng cất lên.
- Chí lý, nói phải củ cải cũng nghe.
- Anh Trương nghĩ sao?
Dung nhỏ nhẹ lên tiếng, làm như quyền đặt tên cho con của cô ta là thuộc về Trương. Tuy vậy Trương cũng vui vẻ phụ họa với đám bạn,
- Cô không nghe tụi nó nói là “nói phải củ cải cũng nghe” sao.
Dung bật cười,
- Vậy anh là củ cải à?
- Đặt tên cháu là Hồng cũng đẹp lắm. Mai mốt để tôi nói cô tôi làm cho cháu một giấy khai sanh, khai trễ bị phạt đó.
- Anh làm gì mà có giấy khai sanh?
- Làm nhà bảo sanh thì chỉ cần điền một cái mẫu nhỏ đưa lên xã là xong thôi. Không có cái mẫu đó họ đòi người chứng nọ kia rắc rối lắm, nhất là cha cháu lại mất rồi thì càng dễ bị rắc rối hơn.
- Dạ, nhưng tụi em không có hôn thú. Em ngại ghi khai sanh là con ngoại hôn sau này tủi cho cháu khi đi học.
- Ồ không sao, cha cháu họ tên gì?
- Tên Toàn họ Lê, Lê Toàn tên chỉ 2 chữ thôi.
- Rồi, tôi sẽ làm cho cháu khai sanh con chính thức, chánh thất đàng hoàng.
- Thật không anh?
- Cô không biết đâu, thằng này nó biểu sao thì bọn hộ tịch xã phải răm rắp thôi, không ai dám lộn xộn.
- Đừng nói bậy người ta giật mình.
- Bậy cái gì, bộ tao nói không đúng sao? Người ở Khu Gia Binh nói lại là con Liên đi làm khai sanh, bị xã nó hạch họe đủ kiểu đòi giấy này giấy kia vậy mà mày ra đó có một chút là nó mang giấy khai sanh cho con về liền. Mà khai trễ mấy tháng luôn chớ đâu phải chỉ vài tháng như con bé này.
- Có quái gì, mình hiểu luật thì nói tụi nó nghe chớ có gì.
- Mày học Luật ngày nào mà nói nghe dễ vậy.
- Luật Rừng thì học trên núi là tốt nghiệp thôi.
- Mẹ khỉ, chắc lại ra hăm dọa con nhà người ta.
- Hăm quái gì, tao ra hỏi tụi nó nhà tranh hay nhà ngói, kèo cột đúc làm sao hay bằng cây. Vậy thôi là tụi nó giúp liền chớ có gì đâu.
- Mày hăm đốt nhà thì đứa nào không sợ!
- Nói cho vui thôi, bữa đó tao tặng thằng hộ tịch một cái Zippo đó, trông thấy cái quẹt nó mừng rớt nước măt. Hăm dọa dễ “ủ tờ” lắm đó nghe, đừng tưởng sĩ quan là muốn làm bậy sao thì làm, nó gài một cái chết liền, đừng dỡn mặt.
Tuy nghe Trương giải thích tỉnh queo nhưng Dung lại không tin bởi cô thấy đám bạn bè tuy cùng cấp bực nhưng cũng có vẻ nể nang anh lắm. Dù vậy Dung thấy ở Trương có sự gần gũi dễ thân chứ không có gì đáng gờm đáng sợ cả. Dung ráng nói chen vào,
- Chắc anh Trương có uy nên mọi người nể.
- Nếu có thì anh Trương nhà cô chỉ có duyên thôi.
Dung thích 4 chữ “anh Trương nhà cô” mà người kia vừa nói ra, nhưng lại vụt mắc ở đỏ mặt. Đám bạn Trương vẫn vui vẻ bô bô không để ý.
- Bây giờ về hay ở lại đây ông Trương.
Trương quay lại hỏi Dung,
- Cô còn cần gì nữa không, bọn tôi phải về để trả xe, đây là xe đi mượn. Nể lắm mới mượn được đó. Đi lâu mấy ổng cần xemà không có thì lần sau khỏi mượn.
- Cám ơn anh, cám ơn các anh. Em không cần gì nữa, anh và các anh cho em nhiều quá rồi.
- Vậy thôi tụi tôi về. Chào cô.
Mấy tiếng chào cô, chào chị ròn rã vang lên rồi cả bọn nhảy lên xe. Trương làm tài xế khéo léo lui xe lại rồi làm một vòng cua nhỏ trở đầu, giơ tay vẫy vẫy khi xe qua chòi… Mấy bữa sau Trương trở lại chỗ căn chòi của Dung, mùi trầm hương làm Trương lưu ý, trước căn chòi Dung đang quỳ bên một ngôi mộ giờ đã được vun đắp cẩn thận, sạch sẽ cỏ. Ngôi mộ không có bia chỉ có mấy nén nhang cắm phía trên một chén cơm với một nải chuối và một ít giấy vàng bạc vương vãi chung quanh. Thấy Trương, Dung gật đầu chào rồi đứng lên, - Bữa nay 100 ngày của anh Toàn.
- Chia buồn với cô.
Trương bước đến ngôi mộ, lấy 3 cây nhang từ tay Dung trao bật quẹt đốt, vái 3 vái rồi cắm vào ngôi mộ.
- Như vậy anh Toàn chết trước khi cô sanh.
- Dạ, chết được hơn tháng thì em sanh. Tội nghiệp ảnh nằm dưới không có lấy một cỗ quan, nhưng dân ở đây họ nói không cần vì chôn như vậy mau hóa hơn.
- Nhưng sao lại chôn ngay chỗ cô ở.
- Em muốn ảnh được gần vợ con, tội nghiệp ảnh mong em sanh lắm cho ảnh nhìn mặt con. Dù nghèo khổ không đủ ăn nhưng tụi em lại muốn có con.
- Sao vậy, rồi lấy gì ăn, lấy gì nuôi con?
- Chuyện dài lắm, em sẽ nói cho anh nghe sau.
- Từ bữa đó tới nay có xảy ra chuyện gì không?
- Cũng chẳng có chuyện gì quan trọng cả.Có ông Hiệp tới kiếm và thắc mắc tại sao em có nhiều đồ ăn như vậy. Khi em nói do các anh cho thì ông ta không hỏi thêm gì nữa.
- Ông này thù hận tôi lắm vì có nhiều xích mích xảy ra trước đây.
Trương ngưng nói rồiđạp xe đi một lát, quay về với một ống to gần bằng cổ tay màu oliu. Anh hí hoáy một lúc rồi lấy khúc cây nhỏ đục một lỗ qua vách thòng qua một sợi dây thiệt nhỏ cũng màu oliu đầu sơi dây có chiếc khoen nhỏ được treo hờ hững ngay kế vạt tre, Trường chỉ vào cái khoen nói,
- Nếu có bất kỳ chuyện gì cần kíp hoặc nguy hiểm, cô cứ giựt cái khoen này, sẽ có người đến ngay lập tức giúp cô, bất kể ngày hay đêm.
- Cái đó là cái gì mà hay quá vậy?
- Không có gì đâu, phía ngoài tôi cột một trái sáng trên một cái cây ngay gần sau nhà. Khi cô kéo cái khoen thì sợi dây này sẽ rút cái chốt thế là trái sáng đó sẽ sáng rực lên, cả cây số cũng nhìn thấy. Tôi sẽ dặn họ tới.Khi cô gặp nguy hiểm như đau yếu cũng cứ giựt đại đi.Tuy là trái luật thiệt đó nhưng ở đây không ai thắc mắc chuyện này đâu.
- Cám ơn anh đã quan tâm, nhưng em nghĩ là sau chuyện này thì không ai quấy rầy em nữa đâu.
- Không đâu, tôi biết ông Hiệp này. Trông tướng tên đó gian tà lắm, vả lại chờ được vạ má đã xưng, đề phòng vẫn tốt hơn.
- Em nói thiệt anh chuyện này nghe, em cũng nghe hình như ông Hiệp là người bắn chết anh Toàn.
- Sao? Cô nói sao?
- Em cũng nghe chị em đi hái chè nói lại là ông này cũng có súng AK gì đó, loại súng của VC dùng. Anh Toàn chết nghe đâu cũng là do AK bắn, không ai biết vì ảnh chết ngoài bìa đồn điền trà lúc đang đi đặt bẫy.
- Hừ, để tôi nhờ người điều tra xem sao, không thể để lũ này lộng hành kiểu đó được. Tôi biết tên này ác độc lắm vì hay lợi dụng quyền thế hiếp đápdân lành.
Oan gia ngõ hẹp gặp nhau, một buổi trưa đi ngang cổng Trung Tâm Huấn Luyện Trường Sơn, Trương bỗng gặp Hiệp đang đạp xe ngược chiều đi tới. Hôm nay hắn mặc bộ treillis đầu đội nón bo màu oliu, vai khoác khẩu AK 47 bá xếp, thấy Trương hắn dừng xe hạ súng xuống cầm tay kéo bá súng ra, động tác rất thuần thục. Trương vội ngả người té qua phải, cây Carbin M1 kẹp dọc người lăn một vòng xuống đường mương cạnh con lộ cũng là lúc Hiệp xả nguyên băng AK vào chiếc xe đạp của Trương. Tiếng nổ ròn rã đạn cày nát đất ngay chỗ chiếc xe ngả. Nhưng hắn chưa kịp ngắm xem kết quả của băng đạn vừa bắn ra thì từ dưới đường mương một tiếng bốp khô khan vang lên. Hắn vật người té xuống, ngửa mặt lên trời, nằm im. Trương lặng lẽ đứng dậy phủi bụi trên quần áo.Anh em binh sĩ trong Trung Tâm Huấn Luyện vội kéo ra, đứng lấp ló. Sau khi có vài sĩ quan xuất hiện, họ kéo ra bu kín hiện trường, hỏi không cần câu trả lời,
- Cha này ở đâu tới mà lại mang AK?
- Tại sao vừa thấy ông kia là bắn liền?
- Hình như ông đó là thiếu úy, ổng có một bông mai trên nón đó.
Một vị sĩ quan mang lon đại úy đến gần Trương,
- Ông có bị sao không?
- Cám ơn đại úy, tôi không việc gì. Tôi vừa thấy hắn giương súng là phản ứng, lăn mình xuống mương ngay.
- Tại sao hắn bắn ông?
- Có một chút xích mích từ trước, đâu dè hắn dám bắn tôi ngay trước cổng Trung Tâm, trước mặt mọi người chứ.
Một giọng nói vang lên,
- Mấy bữa rày tôi nghe hắn uống rượu xỉn xỉn là lên tiếng chửi ông. Hắn nói là sẽ bắn ông rồi vô bưng, phải ông là Thiếu Úy Trương không?
- Ông là ai?
- Tôi là Tánh, Trung Đội Phó Nghĩa Quân ởđây. Để tôi sẽ báo cho bên An Ninh biết chuyện này, ông không phải lo gì cả. Hắn chính là VC đó, được cài vô nằm vùng. Cây AK cũng của VC cấp cho hắn rồi hắn khai là mua của anh em Sư Đoàn.
- Cám ơn ông, có lẽ Quân Cảnh Tư Pháp đến bây giờ, chắc Trung Tâm Trường Sơn thế nào cũng báo cho bên An Ninh Quân Đội và Quân Cảnh Tư Pháp tới giải quyết.
- Còn chuyện này nữa, cũng chính hắn bắn chết chồng cái cô hái chè ở Saigon vô mấy tháng trước đó. Hắn để ý cô gái nên theo dõi thấy anh kia đi đặt bẫy nên theo bắn chết. Chuyện này chỉ mấy người chúng tôi biết thôi, nhưng có nói ra cũng ít ai tin.
- Một lần nữa cám ơn ông Tánh.
Lại một loạt tiếng ồn ào nữa, nhưng xảy ra thật ngắn rồi im lặng. Toán Quân Cảnh Tư Pháp đến trước đang lấy lời khai của anh em binh sĩ bên Trung Tâm Huấn Luyện và vài vị Sĩ quan, rồi một toán nữa của An Ninh Quân Đội cũng tới, cũng lấy lời khai, làm biên bản. Viên sĩ quan Tiểu Đội Trưởng Quân Cảnh Tư Pháp đến bên Trương bắt tay,
- Khá lắm, không dè ông phản ứng như điện, đúng là dân BĐQ.
- Ồ, Thạc không dè anh thụ lý vụ này.
- Tôi nghe nói một thiếu úy BĐQ dùng Carbin M1 bắn thì biết ngay là ông chứ ai khác. Giờ này ai còn xài Carbin nữa.
- Cám ơn, cũng may là ở đây rất nhiều người nhìn thấy hắn bắn tôi cả băng đạn.
- Tôi làm hồ sơ xong rồi, giờ tôi đưa ông Tánh về theo, ngày mai tôi sẽ gởi Công Điện mời ông đến Tiểu Đội làm biên bản cho xong.
Toán An Ninh Quân Đội cũng tới bắt tay và cũng hẹn sẽ gởi Công Điện hoặc sẽ tới ngay BCH Tiểu Đoàn để làm việc.Mọi người dần dần tản mác gởi một cái nhìn khâm phục về phía Trương.
Buổi đi săn mất thú vị, Trương theo toán lính về lại Tiểu Đoàn dù ý định của Trương là đi kiếm vài con chim con gà nữa cho Dung làm thức ăn. Bước vô văn phòng trên bàn có sẵn ngay ngắn một phong thư, nhìn nét chữ quen thuộc Trương biết đó là thư gia đình do bố Trương viết, chắc phải có chuyện gì quan trọng lắm nên ông mới viết thư.
Chuyện quan trọng thật, người bạn của bố Trương cũng là người cùng quê cùng làng ngoài Bắc nhờ kiếm dùm đứa con, chẳng phải một mà tới 2, thậm chí nghi ngờ là tới 3. Con gái ông bỏ nhà theo trai, hình như lúc đi đang có bầu, người con trai chính là anh con chú bác ruột với nó, tên cô ả là Hồ Thị Phương Dung còn anh chàng kia là Hồ Tấn Toàn.
Bố của cả hai là anh em ruột dắt nhau di cư từ Bắc vô, nhà ở sát bên nhau. Hai đứa chơi với nhau từ nhỏ, lớn lên thương yêu nhau nhưng lại kẹt họ máu nên không thể lấy nhau được. Quá thương nhau, chúng liều lĩnh trao thân cho nhau kết quả là một cái bầu. Sợ bể chuyện mang tiếng gia đình nên dắt nhau đi trốn chờ sanh xong sẽ mang con về. Hai gia đình tìm kiếm hoài nhưng không có tung tích gì, sau này mới đoán chừng có lẽ ra Pleiku, bởi ở đây chúng có một ông bác nữa, nhưng ông này sau khi di cư thì đi theo đến một khu dinh điền rồi dạy học ở đó nên chúng cũng chẳng biết mặt vì chẳng gặp bao giờ.
Giờ thì Trương mới biết được tự sự, hèn chi Dung nói với anh là muốn có con dù kiếm không đủ ăn. Trương thừ người suy nghĩ một lúc, rồi thảo một công điện chuyển cho một người bạn ở Saigon, nhờ thông báo cho gia đình biết đã có tin tức và gia đình lên Pleiku để đón về gấp. Xong xuôi anh mượn xe Jeep vô chỗ Dung.
Dung đang quỳ trước ngôi mộ, lần này thêm một vòng khăn trắng quấn ngang đầu, tay ẵm con. Nghe tiếng xe, cô vội quay lại. Thấy Trương cô khóc nức nở,
- Em cám ơn anh, giờ này chắc anh Toàn cũng ngậm cười nơi chín suối được rồi.
Trương để mặc cô nàng ôm, gục đầu trên vai khóc một lúc rồi mới nhẹ nhàng gỡ tay,
- Ở đây không an toàn nữa rồi. Cô theo tôi ra phố, tôi kiếm được chỗ cho cô ở tạm rồi.
- Nhưng rồi em làm gì ăn, làm gì nuôi con, đâu thể ăn bám anh suốt đời.
- Tới đâu hay tới đó, bây giờ cô ẵm con theo tôi.
Dung liếc xéo Trương, nhưng cô thấy nét mặt anh vẫn bình thản chứ không có gì khác. Dung bước đến ngôi mộ lầm rầm khấn vái với người bên dưới điều gì đó, rồi trở lại căn chòi mang tất cả bó nhang còn lại đưa cho Trương nhờ đốt rồi cắm từng cọng chung quanh ngôi mộ. Cô quay lại Trương, mặt hết sức nghiêm trang,
- Em theo anh, đời mẹ con em xin phó thác vào anh. Cám ơn anh nhiều.
Trương chỉ thở dài trong bụng, nói Dung lấy đồ đạc ra xe. Anh ra phía sau gỡ trái sáng cài hồi trước, bây giờ chẳng những vô dụng, lại có thể gây phiền phức. May là chưa xử dụng đến nó…
Everett, Mùa Giáng Sinh 2014
PPZ vác về từ http://www.bietdongquan.com
Comment