“Việt Kiều là giống ngớ ngẩn nhất Trần gian”. Tôi nghĩ thế khi ba mùa hè liên tiếp gần đây, liên tục đón cả đại gia đình các em, các cháu tôi từ bên kia bờ đại dương về lại Sài Gòn.
Năm 1975, cũng như bao nhiêu gia đình khác, gia đình tôi cũng trong cơn chấn động kinh hoàng của lịch sử, của thời cuộc. Hai mẹ con tôi quyết định ở lại đón ba tôi đi tập kết trở về( nghe nói cũng làm lớn trong quân đội Bắc Việt và không hề nghĩ đến chuyện vợ lẽ, con thêm)… Chỉ bốn đứa em sau cùng cha dượng của tôi quyết tâm xuống tàu vượt biển.
Chuyến đi vất vả nhưng trót lọt, sau ít năm tị nạn tại Hong Kong, cả 5 được chính phủ chấp nhận định cư tại Mỹ.
Bằn bặt gần 30 năm sau thì mọi người lần lượt tìm về thăm má già và anh cả là tôi. Sau đó thấy Việt Nam tuy nghèo khổ, lệ thuộc Trung Cộng, nhưng không đến nỗi man ri, mọi rợ như trí óc họ hình dung, và còn dây mơ rễ má với mảnh đất quê hương, nên hai năm một lần, mỗi gia đình gồm cha, mẹ, và hai hoặc ba đứa con lại trở về.
Lần đầu tôi nhìn thằng cháu đích tôn gọi tôi bằng bác, hoàn toàn là người Việt , máu đỏ da vàng, không lai căng, lai kiết gì hết. Nó chào tôi, mắt dửng dưng xa lạ:
- Hai!
Tôi bất bình sửa lại:
- Hai, ba gì, mày phải gọi đầy đủ là “Thưa bác Hai, con mới về”, nghe chưa?
- Ồ, mẹ nó bênh vực: – Nó chào anh mà, “Hai”! Cũng như “hê lô” là tiếng chào bình thường của người Mỹ thôi, không phải nó bày đặt gọi tên anh đâu.
Ra vậy, buổi trưa hôm sau nó đi đâu về, mồ hôi ướt rượt trên khuôn mặt trắng trẻo, bụ sữa của tuổi …20, tôi yêu qúa, liền bảo, giọng đon đả:
- Đi ăn cơm con!
Nó trả lời bằng tiếng Việt , giọng ráo hoảnh cộc lốc:
- Chưa bây giờ !
- Trời, tôi cười phá lên, nếu nói đầy đủ phải là: “Thưa bác, bây giờ con chưa ăn ạ, vậy mà không hiểu nó nói tiếng Việt kiểu gì mà cùn cằn, cộc lốc như vậy.
Nghe tôi kể lại, mẹ nó đỏ mặt chữa thẹn:
- Thì nó quen với tiếng Mỹ mà: Not now có nghĩa là nó sẽ ăn nhưng chưa phải là lúc này. Vì có thể mới về lại nhà mình, khẩu phần ăn sáng thay đổi, không phải sữa và ốc miu (oak milk) nữa, nên bây giờ nó chưa đói.
-Lại còn thế nữa, tôi lẩm bẩm – Đúng là đồ lai căng, nửa An Nam nửa…American có khác, ai lại uống sữa với ốc miu bao giờ? Tào tháo đuổi cho thì… “quấn ra sòn” suốt ngày.
Đang chí chóe tranh luận trong nhà, tôi bỗng nghe thằng em nó gọi giật giọng:
- Mẹ! chết đuối!
- Trời đất, cả tôi và má nó té ngửa, tưởng mấy đứa mon men ra hồ chơi rồi rơi tòm xuống nước, không biết bơi nên có đứa nào bị chết rồi.
Ba chân, bốn cẳng chạy ra, cả ba chúng tôi đứng chắn ngang thằng Bé, hỏi giật giọng:
- Đâu đâu, ai chết đuối?
Thằng bé đưa tay chỉ, miệng ú ớ;
-Đó đó…chết đuối …
Điểm mặt vẫn đủ mọi thành viên trong nhà, cả tôi và em gái, cháu ruột cùng ngẩn ra rồi cười phá lên khi thấy chiếc xuồng cột ở bờ sông tự dưng bị đứt dây, trôi ra xa bờ và dần dần chìm xuống làn nước hồ mênh mông.
Thay vì mách bác, mách mẹ là chìm xuồng, thì nó la chết đuối, làm quả tim tôi bắn ra khỏi lồng ngực.
Trở lại nhà, thằng lớn lúc này mới thay quần áo, vừa thay nó vừa càu nhàu:
- Sài Gòn nóng qúa, con bắt chước bác Hai, cởi truồng vẫn cứ nóng.
Lại đến lượt anh em tôi phì cười, vì rõ ràng nó vẫn mặc quần xoọc rất bảnh trên người, chỉ cởi trần giống tôi.
Nhớ lại tối đầu tiên ngủ tại nhà, dù tôi và má đã thu xếp chỗ ngủ tươm tất cho cả 5 thành viên nhà nó. Vậy mà sáng hôm sau, đầu tóc bù xù, mắt đỏ kè, vừa ngồi dạy trên giường, ra phòng khách, nó cự nự:- Nhà này lắm chuột qúa, họ chạy lung tung suốt đêm làm con không ngủ được.
-Ôi đúng là cái giống Việt Kiều ngố, ai lại gọi chuột là họ, coi chuột như người vậy? Bốn chân phải khác hai chân chứ?
Chưa kể con út nhìn thấy bà ngoại lúi húi rửa một đống tô, chén tú hụ, nó không đỡ một tay, còn ngớ ngẩn hỏi:
-Ngoại giặt chén à, sao ngoại không giặt bằng máy mà lại giặt bằng tay vậy? Làm vậy đâu có sạch?
Trong khi bà nó ngơ ngẩn nhìn cháu gái chẳng hiểu mô tê ất giáp gì thì mẹ nó đứng đằng sau giải thích:
-Bà ngoại đang rửa chén bằng tay đó con, ở Việt Nam không có máy rửa chén như ở Mỹ đâu con à, nên đa số làm bằng tay hết.
Nó lật đật chạy về phía bếp và tỏ rõ sự thất vọng vì tuyệt nhiên không thấy một chiếc máy nào hết. Trong khi theo mẹ nó giải thích thì máy rửa chén là một bộ phận không thể thiếu được trong bất cứ gia đình nào ở Mỹ. Ngay từ khi thiết kế bếp nấu, người Mỹ đã gắn luôn chiếc máy rửa bát vào phía dưới bồn rửa cạnh vòi nước để vận hành. Ăn xong chỉ cần cho chén vào máy, đổ xà phòng vào là máy tự xúc, rửa, tráng, lau khô đến mức nóng rẫy, sạch bong mới thôi ,đâu có ướt lẹp nhẹp như chén ngoại rửa?
- Ờ, cứ cho Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu hơn Mỹ đi, nhưng làm sao nó lại có thể nhầm từ rửa chén thành giặt chén được cơ chứ? Hệt thằng anh nó vậy, bảo vào ăn cơm nó lại lật đật chạy vào phía vòi nước bảo: con phải giặt tay, giặt đầu cho cu (cool) đã …Bố ai mà hiểu được?
Cả con mẹ nó cũng thế xa nước gần 40 năm ,ở nhà đã nói tiếng Việt sành sỏi, rành rẽ rồi mà đi với tôi, nó nói gì mà cả má và tôi đều không hiểu, nếu không có thằng chồng đi kèm làm phiên dịch tiếng Việt ra tiếng … Việt:
Đơn giản má biểu:
- Con cho má ra chợ bến Thành mua ít đồ gửi về ngoải cho ông bà thông gia nghe con
Vậy mà nó trả lời:
- Con không “mếch sua” đâu nha. Bộ má tưởng ở American tụi con không “in náp” hả?
Nghĩa là, theo lời thằng chồng phiên dịch lại, vợ nó không chắc chắn sẽ đưa mẹ đi được( Make sure), vì ở bên Mỹ cả gia đình nó ở cùng nhà với bố mẹ chồng, đầy đủ hết, chẳng thiếu thứ gì ( enough)
Đang đi đường, tất nhiên là thuê taxi tự lái, vì cả nhà nó chả ai chịu đi xe ôm cả. Đường đông, người đi qua đi lại nườm nượp như mắc cửi, thỉnh thoảng con vợ lại cự nự chồng:
-Kìa “pát” đi anh, sắp tới rồi, đó đó, ở “con nờ” đó.
Tôi ngồi sau cũng không sao hiểu nổi thứ tiếng pha trộn nửa Việt Nam , nửa Mỹ của nó, nếu cậu em rể không xởi lởi giải thích :
- Dạ, ý nhà em giục em băng ngay qua đường đi (Pass), chứ chờ hết xe mới đi như ở Mỹ thì chờ đến tối cũng không xong. Còn cái địa chỉ mà vợ chồng em định đến ở ngay góc đường( conner) anh à.
Bước chân vào khu biệt thự sang trọng( khác hẳn nhà tôi), thằng bé phát biểu:
- Ở Việt Nam toàn làm nhà bằng gạch nhỉ? Ở Mỹ nhà chỉ làm bằng củi thôi, đẹp lắm, nhưng mà không chắc chắn bằng.
- Trời! Tôi trợn mắt hỏi: – Nhà gì mà làm bằng củi, bộ nhà ở giữa rừng sao?
Ba nó cười bảo: Nhà bằng gỗ chứ con, đâu phải củi?
Nó chất vấn: – Thì “út” (Wood) mà
Hóa ra tiếng Mỹ dịch ra tiếng Việt cũng rắc rối thật, thể nào mà lũ em, lũ cháu tôi, mang tiếng là Việt Kiều mà ngố ơi là ngố, , nói bằng từ Việt Nam là ngố toàn phần , ngố đến mức ông bà, cô bác đến thăm đều nói tiếng Việt mà cả ba anh em nhà nó cứ ú ớ như vịt nghe sấm, như dã tràng nghe…tôn giáo bể. Chả trách có lúc bị gọi chệch là vịt kều.
Ngó trên, ngó dưới , trên lầu, dưới sân, em gái tôi nhấm nháy gọi tôi ra một góc vườn, bảo, giọng bồi hồi, xúc động: .
- Anh Hai xem kỹ đi, biệt thự này em định mua để má và anh Hai cùng sắp nhỏ ở đó. Nhà rẻ qúa chừng, chỉ cần anh Hai nói má mạnh dạn bán căn nhà đang ở đi, dọn đến đây, thiếu bao nhiêu, vợ chồng em phụ giúp.
- Ủa- Tôi trừng mắt la lớn, khi nhớ ra gốc tích căn nhà:- Coi bộ em khùng hả?. Biệt thự này tuy đẹp nhưng gốc gác là của một tay cán bộ cộng sản cướp nhà đó. Nó không ở được nên mới tìm cách bán rẻ bán tháo, nhưng những người chủ cũ đâu để cho ai yên, đêm đêm họ vẫn kéo về mà.
-“Ô mai gót”, em tôi la: -Sao lại có chuyện lạ dzậy? Em đi từ 75 mà, em đâu biết . Anh Hai nói rõ cho em nghe được hông?
Tôi thủng thẳng kể:
- Gia đình này có 9 người, 6 trai, 3 gái cùng người mẹ già. Họ giàu lắm, vì cả 6 con trai đều là thiếu tá, đại tá trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Một người con gái mở tiệm vàng . Ngày 29-4, người con trai cả mang xe Jeep về để đón má, đưa cả nhà di tản, nhưng người mẹ lo cho bố mẹ già và bầy em 9 đứa ở Bắc nên do dự không đi…Khi cách mạng vào, họ bị kiểm kê tài sản và dĩ nhiên là mất trắng. Bà mẹ lúc này mới hiểu rõ bản chất của cách mạng, đặc biệt qua xum họp gia đình , biết bố mẹ đã bị đấu tố trong cải cách rụộng đất, chết tức tưởi, các em ai cũng nghèo nàn túng kiết, nên cố giấu 10 lượng vàng dung thân. Không ngờ tay công an ở kế bên rình mò theo dõi và cũng giỏi “bắt nọn” đã bắt bà phải khai ra số vàng cất giấu, dù bà van lậy như tế sao, đưa nó một lượng , coi như cống nạp, vậy mà nó đòi “ăn chia sòng phẳng” 50/50. Đau khổ, uất hận bà đành phải đưa thêm 4 cây vàng cho nó…Vậy mà vẫn không yên. Thấy căn biệt thự của bả đẹp, nó tuy chỉ là phó đồn công an phường, một vợ một con, đã có căn nhà hai tầng , tổng cộng 100 m2 , vẫn rắp tâm cướp không căn nhà của bà. Lấy cớ kiểm tra hộ tịch, nửa đêm nó dựng cả nhà dạy, cho quân lục soát, khám xét, xem có giấu vàng ở đâu không? Vàng không có nhưng hở tờ tiền đô nào nó cũng cướp, vì cho đó là tiền của đế quốc Mỹ…Bị o ép, dồn nén đến ngạt thở, một đêm cuối năm 1979, cả nhà bà bảy người liều lĩnh vượt biên ( ba anh con trai đang học tập cải tạo), vài hôm sau, xác nổi lên cùng 193 người nữa ở mũi Cát Lái, nó lấy cớ “ bảo quản nhà vắng chủ”, dọn sang ở, rồi chiếm luôn…Dù đã phải cống nạp cho thủ trưởng , mua chức mua quyền, không còn là cấp phường nữa mà là cấp quận , thành phố , nhưng đêm nào nó cũng gặp ác mộng. Lúc thì bà chủ nhà về đòi nó trả lại 5 cây vàng. Lúc thì con gái bà trừng trừng nhìn nó trong đêm (Khi nó cho quân kiểm kê, niêm phong tiệm vàng), rồi vợ chồng nó cãi cọ, ly hôn, 3 đứa con nó, đứa lành lặn thì bỏ học, đua đòi , ăn chơi trác táng, đứa đui què sứt mẻ, cả khuôn mặt có đủ các bộ phận tai, mũi, mồm, chỉ trừ đôi mắt. Làn da trắng nhợt kéo thẳng từ trán xuống đến sống mũi trông ngây độn, kỳ quái…Biết là bị quả báo, nó sợ hãi bán tống bán tháo cho người khác, nhưng người này ở chưa đầy một năm cũng luôn gặp ác mộng nên bỏ không cả mấy năm trời rồi tiếp tục sang tên chủ mới. Từ đó đến nay, đã 30 năm, căn nhà này có tới cả chục chủ, nhưng chả ai ở quá 3 năm ,dù cúng giỗ cầu siêu, xây miếu thờ v.v vẫn trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Trong khi giá nhà đất lên vèo vèo thì giá nhà này vẫn đứng yên.
Nghe tôi nói, em tôi lè lưỡi:
- “Ô mai gót”, em tưởng nhà sạch thì mua, chứ gặp “nai me” thường xuyên thì chết à?
- Ồ tôi ngán ngẩm giải thích, nhà rộng, sạch sẽ, sáng sủa nhưng giữa thành phố thì làm gì có nai hả em?
Chồng nó đứng phía sau từ lúc nào, nghe tôi nói vậy liền cười tủm tỉm đỡ lời:
- Nightmare là gặp ác mộng ấy chứ anh. Nếu có nai thật thì tốt qúa rồi, đâu có gì phải sợ?
Ngày hai vợ chồng và 3 đứa con trở lại Mỹ, tôi và má mua một túi quà cho nó, trong đó không thể thiếu được món ô mai, món mà hồi nhỏ nó rất thích và thường ngước đôi mắt to tròn, đen ánh lên hỏi mỗi khi hai mẹ con đi xa về:
-Má , má và anh Hai có mua ô mai cho con không má?
Còn bây giờ sau gần 40 năm trở về, đầu hai thứ tóc mà hơi một tí là nhắc: “Ô mai gót”. Tuy không biết quả gót là quả gì nhưng cứ nghĩ đến số quà nó đem từ Mỹ về, nào Chà là, nho khô, hạt dẻ cười, táo tàu, v.v hai mẹ con lại động viên nhau phải kiếm cho bằng được để làm quà cho nó cũng như ông bà thông gia, gọi là “hương vị quê hương”
Tìm khắp chợ Bến Thành rồi các chợ xung quanh cả tuần lễ liền, không ai biết quả gót là quả gì. Ai cũng bảo: “Ở Việt Nam chưa bao giờ nghe thấy, chắc ở tận bên tàu, chứ Việt Nam chưa hề nhập về”.
Khệ nệ trở về trên chiếc xe máy cũ kỹ, nhìn thấy túi quà, đủ các loại ô mai xấu, ô mai cóc, ô mai me , ô mai khế, ô mai mơ v.v mỗi túi một cân, cả nhà phát hãi , không khảo mà xưng cùng la tướng lên: “Ô mai gót”.
Má tôi ngại ngùng giải thích:
- Không có ô mai gót đâu con, má biết mày thích loại đó, nên ngày nào cũng nhắc tới, mà má tìm rạc cẳng không có con à.
Đang mải mê sắp xếp đồ đạc cùng sắp nhỏ, bỗng dưng nó cười chảy nước mắt , thay vì ôm chồng lại ôm chầm lấy má:
- Ôi má ơi, con nói tiếng Mỹ mà. Oh, my god, nghĩa là “chúa ơi” , đâu phải con thèm ô mai mà má và anh mua nhiều thế này, cả nhà con ăn bao giờ cho hết? Với lại xách nặng thế này, con đem lên máy bay sao được hả má?
Đến nước này, thay vì kêu chúa như nó vẫn làm, tôi buộc phải kêu trời khi nhận ra sự nhầm lẫn tai hại của mình: Đúng là vịt kìu, sao nó không nói tiếng Việt thuần chủng là “trời ơi”, “chúa ơi” mà lại nhập khẩu cái tiếng Mỹ chết tiệt ấy để tôi hiểu lầm cơ chứ. Oh, my god!
Sacramento Oct 2014
T.K.T.T
© Đàn Chim Việt