Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

N h ữ n g M ù a G i á n g S i n h

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • N h ữ n g M ù a G i á n g S i n h


    N h ữ n g M ù a G i á n g S i n h


    Tôi không phải là một người theo đạo Thiên Chúa nhưng đối với tôi mùa Giáng Sinh và những ngày cuối năm bao giờ cũng làm tôi cảm thấy rộn ràng hạnh phúc kèm theo nỗi niềm xao xuyến, thương nhớ buâng khuâng không thể nào diễn đạt hết. Mùa Giáng Sinh với tôi hình như là thời điểm hạnh phúc nhất trong một đời người – đời của tôi- từ lúc thơ ấu cho đến bây giờ đã vào lứa tuổi sáu mươi.



    Có lẽ tất cả đã bắt đầu từ cha tôi, một người theo đạo Phật nhưng chưa bao giờ tôi nghe ông nói một lời bình phẩm nào về những tôn giáo khác và mẹ tôi là một người đàn bà bình dân xuề xòa, sao cũng được. Tuổi thơ tôi bắt đầu bằng những đêm Noel được cha dẫn đi nhà thờ. Trời Dalat cuối năm bao giờ cũng thật lạnh nên mấy anh em chúng tôi phải mặc áo thật dầy, thật ấm. Đường phố ban đêm đông đúc người qua lại, nỗi náo nức, vui tươi như thắp sáng trên khuôn mặt mỗi người. Tôi hân hoan nắm chặt tay cha hay các em, hòa nhập vào đám đông. Hít thật sâu không khí giá lạnh ban đêm của Dalat cuối năm và tôi cảm nhận được thế nào là hạnh phúc ở lứa tuổi còn rất thơ ngây.



    Cha con chúng tôi thường không bước vào thánh đường mà chỉ đứng bên ngoài nhìn vào vì ông không theo đạo Thiên Chúa. Nhà thờ chật ních người qua kẻ lại, nhộn nhịp nói cười không ngớt. Khung cảnh trong giáo đường lộng lẫy, uy nghi với ánh sáng chói chan và âm nhạc rộn ràng cao vút tỏa khắp không gian. Tôi hay lén nhìn cha, thấy nét mặt ông trang nghiêm, hai tay bắt vào nhau phía trước nên tôi cũng bắt chước ông và chúng tôi thôi không cười đùa, trò chuyện nữa. Sau đó, chúng tôi rời nhà thờ theo cha đi loanh quanh ngoài phố rồi trở về nhà thì cũng gần nửa đêm rồi. Chúng tôi không ăn Reveillon nhưng bao giờ mẹ cũng làm một món nào đó cho cha con ở nhà. Có những năm vì lý do gì đó cha không dẫn chúng tôi đi nhà thờ thì nghe mẹ nhắc:



    -Mình không dẫn tụi nhỏ đi chơi sao?



    -Tôi hơi mệt trong người, thôi bỏ qua một năm vậy!



    Rồi cha lấy cây đèn màu xanh biếc- loại đèn kéo quân có đàn cá màu cam chạy vòng quanh- ra cắm điện trước hiên nhà. Khi cha thắp ngọn đèn này là nhà có lễ. Tôi còn nhớ những ngày lễ này: Đêm Ba Mươi Tết, Lễ Phật Đản, Tết Trung Thu, Lễ Giáng Sinh và Tết Tây ( New Year). Cha vẫn giữ thông lệ này cho đến ngày tôi từ biệt cha ra đi và tôi tin rằng cha vẫn tiếp tục cho đến lúc vĩnh biệt cõi đời.



    Bây giờ cây đèn đó ở nơi đâu và có còn ai thắp sáng nữa!



    Tuổi nhỏ chúng tôi có những mùa Giáng sinh huy hoàng, tràn đầy bánh kẹo, đồ chơi xen lẫn ca hát, âm nhạc vang lừng khi theo cha dự lễ Noel nơi công sở ông tổ chức. Chị em gái mặc áo đầm giống hệt nhau và phía con trai cũng diện áo quần đồng loạt. Chúng tôi ghét ăn mặc theo cách đó nhưng cha mẹ lại thích ( để mọi người xung quanh biết tất cả chúng tôi là anh em chăng!). Cha mẹ có đông con, ra đường ăn mặc y chang nhau làm chúng tôi hay có cảm tưởng mình là đám con bà phước!



    Khi tôi tạm lớn để theo bạn bè cùng trang lứa vào lễ hội Giáng Sinh tuổi trẻ thì cha vẫn tiếp tục dẫn các em tôi đi xem lễ như ngày xưa. Đến khi qua lần dâu bể của cuộc đời, tôi trở về nương náu dưới mái nhà xưa thì cha lại làm điều đó với các con tôi. Một lần nào đó tôi cất tiếng ngăn cản:



    -Ba ơi, cháu còn nhỏ đi ra ngoài trời khuya lạnh sợ bệnh đó!



    Cha tôi gạt ngang:



    -Bệnh hoạn gì, bây chỉ bày chuyện. Ngày xưa năm nào ba cũng dẫn tụi bây đi thì có sao đâu!



    Ừ nhỉ, ngày đó tôi cũng chỉ bảy, tám tuổi chứ mấy!



    Khi ông cháu về nhà, tôi hỏi con gái:



    -Đi nhà thờ vui không?



    Con gái hớn hở nói:



    -Vui lắm, có ông ở trên kia cầm cái cây đòi đánh mấy người con trai, con gái mặc áo quần đẹp nhưng chẳng ai sợ mà họ còn hát to nữa!



    Tôi thắc mắc hỏi thì cha nói:



    -Có ai đánh ai đâu, con cháu này thật vớ vẫn!



    Con gái tôi cãi:



    -Có mà, tại ông không nhớ đó thôi. Ông kia quơ cây đòi đánh mà họ vẫn hát to đó!



    Tôi chợt hiểu và cười chảy nước mắt. Đó là ban nhạc của nhà thờ với người nhạc trưởng trong những bài thánh ca.



    Bây giờ cha tôi đã ra người thiên cổ, nhớ đến người và những mùa Giáng Sinh xưa tôi muốn khóc. Tôi hay nghĩ mãi về một người đàn ông ngoại đạo, từ hồi còn là một người trẻ tuổi cho đến khi tóc bạc, lưng còng, đêm Giáng sinh năm nào cũng dẫn con, rồi cháu đến đứng bên ngoài cửa nhà thờ xem lễ và lặng lẽ ra về. Người đàn ông không bỏ thông lệ đó dù trong những tháng năm của cuộc đời bãi bể nương dâu, khổ lụy vô cùng tận. Người đàn ông đó là một Phật Tử, ăn chay một tháng mười ngày và chưa bao giờ tranh luận với ai về vấn đề tôn giáo.



    Những mùa Giáng Sinh không còn theo cha đi nhà thờ, tôi có những ngày tràn đầy niềm vui của tuổi mới lớn. Khi Dalat vào Đông, hoa Dã Quỳ thắp vàng thành phố, những cây Anh Đào ven Hồ Xuân Hương lác đác nụ hồng là lúc tâm hồn tôi choáng ngợp trong niềm hạnh phúc vô biên. Trời Dalat lạnh hơn, phố xá kết hoa đèn, các chàng sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia và Chiến Tranh Chính Trị bắt đầu khoát y phục mùa đông màu xanh rêu đậm. Du khách đến Dalat thật nhiều để đón Giáng Sinh vì ai cũng nghĩ rằng khí hậu lạnh giá của xứ này rất thích hợp cho đêm Noel.



    Dalat Noel hay có những dạ vũ gia đình thân mật hay từng nhóm bạn bè tập hợp, ca hát, ăn uống bên những lò sưởi thơm mùi nhựa thông ấm cúng. Cũng có những đêm Giáng Sinh lạnh giá chúng tôi đi loanh quanh khu Hòa Bình ( không biết bao nhiêu vòng), ghé vào một cửa hiệu mua bánh mì nóng hổi vừa ăn, vừa thổi hay ra Thủy Tạ uống ly trà chanh nóng để đón gió bờ hồ! Rồi cùng nhau lên nhà thờ Con Gà - vì nhà thờ có hình tượng con gà trên đỉnh- xem cử hành lễ nửa đêm. Chúng tôi có thói quen trao cho nhau những món quà nhỏ mọn hay những cánh thiệp đơn sơ. Mùa Giáng Sinh không xa hoa lộng lẫy tấp nập bán mua, không có nhiều tiền bạc để phô trương nhưng âm vang mùa Giáng Sinh hạnh phúc vẫn có ở đó trong tâm hồn, trong ký ức tôi - trong những người Dalat xưa- không biết bây giờ đang lưu lạc nơi đâu!



    Tôi cũng đã đi qua những mùa Giáng Sinh trong khu gia binh nghèo, không có cây thông ở vùng đồng chua nước mặn. Người lính họa sĩ tài tử dùng sơn vẽ một cây thông xanh trên bức tường thô thiển màu xám xịt để tặng tôi và nói:



    -Để có không khí Noel một chút chị ơi! Chị có thể trang trí thêm cho cây thông những màu sắc nào mà chị thích. Cây thông có thể dùng vài ba năm nếu chị còn ở khu gia binh này.



    Qua mùa Giáng Sinh tôi dùng một tấm màn che cây thông lại để dành cho sang năm. Nhưng cây thông vẽ trên bức tường nghèo của khu gia binh không bao giờ được dùng lại thêm một lần nào nữa vì tháng Tư năm Bảy Lăm đã đến!



    Tôi không còn nhớ nhiều những mùa Giáng Sinh sau đó. Tuy nhiên có một đêm Giáng Sinh đã in đậm nét trong ký ức tôi với bao ý niệm về tình người, lòng nhân hậu và cũng có thể về một lãnh vực thiêng liêng mà tôi không thông suốt nên không kết luận được. Tôi chỉ biết cưu mang nó trong đời sống mình như một kỷ niệm có chút xót xa, một chút tin yêu và một chút hy vọng nào đó. Tôi chỉ kể ra một câu chuyện có thật, như tôi đã nói: tôi không kết luận và người nghe có thể giải thích theo cảm nhận riêng tư mà thôi.



    Tôi đã từng là vợ của một người tù cải tạo và khi chồng tôi ra khỏi nhà tù nhỏ để hòa nhập vào một nhà tù lớn hơn thì số phận hẩm hiu vẫn bám riết lấy tôi không chút nương tay. Tôi vẫn phải lăn lóc trong đời sống tràn ngập gian nan, khổ lụy. Cái đời sống muôn mặt mà trước đó tôi không bao giờ biết đến vì được sinh ra trong một gia đình trung lưu của Miền Nam Việt Nam.



    Hồi đó tôi là một người đàn bà còn khá trẻ. Có một Giáng Sinh tôi nhớ mãi khoảng năm 1986, tôi đáp xe từ Saigon về Dalat. Tôi bỏ tất cả vốn liếng nhỏ nhoi của mình vào hai xách hàng để về bán Tết. Dạo ấy những trạm gác của thuế vụ đã bớt gắt gao nên tôi tin rằng mình sẽ về đến nhà rất sớm trong đêm Noel.



    Trên chuyến xe tôi ngồi gần một thanh niên khoảng ba mươi tuổi cùng khởi hành một lượt với tôi từ Saigon. Anh ta ít nói tuy nhiên những cử chỉ rất lịch sự và nét mặt điềm đạm. Khi đến Bảo Lộc thì có một thanh niên khác rất trẻ khoảng hăm hai, hăm ba đón xe nửa chừng về Dalat, hai người này lại biết nhau từ trước vì khi vừa lên xe tôi nghe người trẻ tuổi chào hỏi huyên thuyên. Qua câu chuyện tôi biết cậu ta từ một nông trường nào đó về Dalat thăm nhà và tôi ngồi giữa hai người thanh niên đó. Người trẻ tuổi nói một hồi không buồn thở, còn người kia chỉ ầm ừ mà thôi. Thấy chán cậu ta xoay qua trò chuyện với tôi, cậu bắt đầu than van đủ thứ từ nơi làm việc, chỗ ăn, chỗ ở và luôn lo sợ chuyến xe về Dalat trễ giờ đi chơi với bạn đêm Giáng Sinh. Thấy người thanh niên vui tính nên tôi cũng góp vài ba câu chuyện.



    Đến chân đèo Prenn xe bỗng trở chứng khật khừ rồi tắt máy. Người tài xế và lơ xe ra sức sửa chửa một hồi lâu nhưng xe vẫn ỳ ra. Trời tối dần giữa quãng đường quạnh quẽ làm cho mọi người thấy e ngại, nhất là ai cũng nôn nóng trở về nhà trong đêm Noel. Người thanh niên trẻ than thở om sòm làm tôi càng thêm sốt ruột. Sau cùng người tài xế cho biết xe không thể sửa được nên họ quyết định sẽ gởi hành khách qua một chiếc xe nào đó. Khi trời tối sẫm mới có một chuyến xe hàng bằng lòng cho chúng tôi quá giang về Dalat, trong khi tôi đang loay hoay với hai giỏ hàng nặng nề thì người thanh niên trẻ nhanh nhẫu nói:



    -Chị để em xách giùm cho một chiếc, chị đi theo em lên xe hàng đi!



    Tôi bằng lòng và theo cậu ta vì nghĩ rằng chỉ có vài bước là qua chiếc xe cho quá giang thì làm sao mà lạc nhau được. Nhưng khi bước xuống xe thì tôi biết mình đã lầm. Ngoài xe, trời tối đen và giữa một đám đông hành khách hỗn loạn chen chúc, xô đẩy nhau để leo lên chiếc xe hàng nên chỉ một thoáng là tôi không còn trông thấy tăm dạng người thanh niên đâu nữa. Tôi cũng không biết tên cậu ta là gì để mà gọi. Sau một hồi cố gắng chen lấn đến bên chiếc xe, tôi lại không thể nào leo lên được vì xe quá cao mà tôi lại khệ nệ với cái giỏ nặng trĩu.



    Trời ơi! Còn cái xách kia nữa, không biết bây giờ người thanh niên nọ đang ở đâu. Cậu ta đã lên xe chưa hay còn dưới đường để chờ chuyến xe khác quá giang. Như vậy kể như mất toi một nửa vốn, tôi giận mình đã quá tin người và cũng vì nôn nóng trở về nhà mới ra nông nổi này. Nếu tôi cứ ngồi trong xe với người chủ, tài xế, cùng lơ xe thì dù về nhà muộn nhưng hàng hóa cũng được bảo đảm hơn.



    Lòng tôi rối như tơ vò, ruột thắt lại vì tiếc của, đó là tất cả vốn liếng của tôi có để nuôi con và nuôi chính mình. Trong một thoáng đầu óc tôi làm việc thật nhanh: người thanh niên trẻ là một kẻ xấu vì cậu ta đã cầm giỏ xách của tôi đi thật mau. Nếu cậu ta định trốn thì chắc chắn rằng đã ở trên xe rồi, cho nên bằng mọi cách tôi phải lên xe hàng cho được. Tôi đưa tay cầu cứu và van xin những người trên xe kéo mình lên nhưng hình như không ai thèm chú ý đến tôi trong bóng đêm chập chùng giữa một đám đông ồn ào, nhốn nháo. Người tài xế xe hàng luôn thúc hối:



    -Thôi bà con chờ chuyến sau đi, đông quá rồi tôi không kham nổi đâu!



    Trong lúc vô cùng tuyệt vọng nước mắt tuôn tràn, tôi bỗng thấy một cánh tay đưa về phía mình kèm theo câu nói thật to:



    -Chị để tôi giúp cho!



    Tôi ngước nhìn lên và dù trời tối tôi cũng nhận ra đó là người thanh niên ít nói ngồi gần tôi trong xe lúc nãy. Tôi do dự nói:



    -Tôi còn cái xách khá nặng dưới chân anh ạ!



    Người thanh niên trấn an tôi:



    -Không sao đâu! Chị cứ đưa cái xách đây rồi tôi kéo chị lên sau, xe chưa chạy mà.



    Thôi thì cũng liều, nếu xe chạy thì kể như mình mất trắng vậy. Tôi đưa chiếc giỏ lên trước, sau đó người thanh niên kéo tôi lên như đã hứa. Khi đã đứng trên xe rồi, tôi hoàn hồn lại một chút rồi kể lể:



    -Còn một cái xách nữa anh ạ! Cái cậu ngồi gần tôi hứa mang giùm rồi đi mất biệt, trời tối quá nên tôi chẳng thấy cậu ta đâu cả, thật là tội nghiệp cho tôi. Biết vậy tôi ngồi lì trong xe cho xong.



    Người thanh niên bỗng nhỏ giọng:



    -Hắn ta đang ở đây và giỏ hàng của chị hắn để trên cái kệ gần đầu xe kìa. Chiếc giỏ màu đỏ phải không?



    Tôi gật đầu và mừng quýnh khi tìm được cái xách thứ hai của mình. Tôi đảo mắt nhìn quanh có ý tìm người thanh niên nọ nhưng đông người quá nên cũng khó nhận ra. Hình như biết ý tôi nên người thanh niên trước mặt nói:



    -Hắn tránh mặt chị rồi, đừng tìm kiếm vô ích. Cũng có thể hắn ta đang nhìn chị đó!



    -Sao anh biết cậu ta để giỏ xách của tôi ở đây?



    -Tôi lên xe này một lượt với hắn, lúc đó ít người nên dễ nhận thấy nhau. Tôi biết hắn ta có ý xấu nên nhắc rằng cái giỏ này của chị nhờ xách giùm thì nên để trên kệ kia rồi tìm cách đưa lại cho chủ nó. Hắn im lặng bởi tôi biết gia đình hắn ta mà chị!



    Tôi cảm ơn người thanh niên rối rít và cảm ơn cuộc đời dù sao vẫn có những tấm lòng nhân hậu. Khi xe về đến Dalat thì đã gần 9 giờ đêm, xe lại dừng ở đường Nhà Chung bên hông nhà thờ chứ không vào bến, như vậy rất là khó kiếm xe về nhà. Người thanh niên giúp tôi chuyển hai xách hàng xuống rồi hỏi:



    -Nhà chị xa không? Chị có cần giúp đỡ gì không?



    Thấy làm phiền anh ta quá nhiều nên tôi nói dối:



    -Không sao đâu, tôi có người quen ngay tại đây. Xin cảm ơn anh rất nhiều!



    Người thanh niên chúc mừng tôi một đêm Giáng Sinh vui vẻ rồi quay gót.



    Tôi đứng nhìn quanh và thấy mình đang lạc giữa một đám đông nô nức, ồn ào trong đêm Noel rộn ràng của phố thị Dalat. Tôi rời nhà thờ băng qua bưu điện, theo đường Tự Đức xuống Hồ Xuân Hương rồi chầm chậm đi theo ven hồ. Gió từ phía mặt hồ thổi ra lạnh buốt, hai giỏ hàng trên hai tay càng lúc càng trở nên nặng nề hơn, tôi vẫn không tìm được một chuyến xe nào để về nhà. Từng đám đông đi ngược về phía nhà thờ nói cười huyên thiên, không ai chú ý đến tôi cả. Tôi vẫn lê bước một cách khó nhọc và con đường dài dằng dặc trước mặt như không có điểm dừng làm tôi mỏi mệt quá. Tôi gần như kiệt sức và không tin rằng mình có thể về nhà bình an được vì qua khỏi bờ hồ tôi sẽ phải vượt qua một khu rừng thông khác nữa.



    Bỗng dưng tôi cảm thấy mình không còn chịu đựng nổi cái gánh nặng phi lý của đời sống này, cái gánh nặng của hai cái túi xách này nữa. Tôi muốn ngồi bệt xuống lòng đường rồi đến đâu cũng mặc. Chuông giáo đường vẫn từng hồi ngân lên giục giã, người đi ngược về phía tôi càng ngày càng nhiều làm tôi thấy mình bị đẩy vào một nỗi cô đơn vô cùng tận. Dư âm những mùa Giáng Sinh xưa lũ lượt kéo về khiến nước mắt tuôn trào không sao kềm giữ được. Đường về thì còn xa quá! Đi từng bước chậm chạp, nặng nề như thế này thì nửa đêm tôi cũng chưa về đến nhà, đó là chưa kể còn có thể gặp những tên cướp giữa đường. Trong cơn thống khổ, sợ hãi đó bất giác tôi ngước lên trời mà than rằng:



    -Chúa ơi, ngài ở đâu có thấy là con khổ quá không? Con đang mang một gánh rất nặng. Đêm nay là đêm Giáng Sinh nếu ngài hiện hữu xin cất gánh nặng này giùm con. Dù con là một kẻ ngoại đạo nhưng xin ngài đừng bỏ con Chúa ạ!



    Tôi van xin, khóc lóc và dỗi hờn nữa. Tôi nghĩ đêm Noel mình cầu Chúa là hợp lý và tôi có cảm tưởng thở than như vậy thì mình đỡ khổ hơn, bước chân sẽ nhanh hơn và hai cái xách hàng sẽ nhẹ hơn. Không biết thời gian trôi bao lâu- người lác đác thưa dần- cho đến khi vượt qua bóng tối của một rừng thông tôi giật nảy mình vì một cái đập trên vai. Tôi thét lên một tiếng hãi hùng vì tin chắc rằng mình đang gặp kẻ gian. Như vậy là hết đường chạy thoát rồi tôi ạ. Trong lúc hồn xiêu, phách tán đó tôi bỗng nghe một giọng nói quen thuộc, ân cần:



    -Sao chị về khuya vậy?



    Tôi quay lại thì thấy Văn là em trai tôi đang chống chân trên chiếc xe đạp nhìn tôi ái ngại. Tôi mừng rỡ vừa khóc vừa kể cho Văn nghe chuyến đi nhiêu khê của mình từ Saigon về đây:



    -Còn Văn đi đâu giờ này?



    -Tự nhiên muốn về thăm nhà một chút vậy mà!



    Văn có gia đình vợ con trên phố mà không hiểu sao đêm Giáng Sinh lại về nhà ba má chơi, tôi mừng quá nên cũng chẳng thắc mắc mà chi. Văn để hai cái xách tay trên xe đạp rồi hai chị em vừa đi vừa nói chuyện nên con đường về nhà không còn xa xôi nữa. Tôi vui mừng vì gánh nặng đã được em trai tôi cất đi. Và đó là câu chuyện đêm Giáng Sinh tôi không bao giờ quên được trong cả cuộc đời mình.



    Lời cầu nguyện của tôi – một người ngoại đạo - phải chăng đã được đáp ứng hay vì một lý do tình cờ nào chăng. Thật sự tôi không thể hoặc không hề muốn phân tích thêm làm gì.Trong tôi vẫn còn lãng đãng hình dáng mơ hồ của chàng thanh niên tốt bụng ngày xưa. Con đường vòng bờ hồ giá buốt. Cái gánh nặng của cuộc đời, của hai cái xách tay hàng hóa làm trĩu bờ vai. Hồi chuông giáo đường giục giã kêu gọi con chiên trở về và trong nỗi đau khổ vô cùng tôi đã cất tiếng cầu xin, van lơn và sau đó đã được đáp ứng một cách bất ngờ. Tất cả những điều đó luôn hồi sinh mỗi khi mùa Giáng sinh trở lại!



    ***

    Và những mùa Giáng Sinh trên đất Mỹ trời lạnh lẽo hơn nhiều, đôi khi lại phủ đầy tuyêt trắng. Cái lạnh của Dalat có thấm vào đâu nếu đem ra so sánh. Trong những ngày cuối năm tôi ưa lang thang trong những cửa hiệu ấm cúng đầy ắp hàng hóa, áo quần, quà cáp, đồ trang trí cho mùa Christmas. Tôi ngắm nhìn nhiều hơn là mua sắm. Mùa Giáng Sinh ở Mỹ thật lộng lẫy, sang trọng và trù phú. Đèn đuốc sáng rực, âm nhạc tưng bừng vang lên khắp mọi ngả đường. Tôi hay thả hồn mình lan man trong kỷ niệm. Thương nhớ và hạnh phúc trộn lẫn vào nhau tạo thành một cảm xúc lạ lùng khó tả. Rồi tôi quay về mái ấm của mình, ngồi ở một góc phòng nhìn cây Giáng Sinh rực rỡ ánh đèn màu tỏa sáng. Jingle bells vang vang đâu đó.



    Đầu tháng mười hai nào tôi cũng lên gác xép, khệ nệ khiêng những thùng cạc-tông đựng cây thông và đồ trang trí xuống nhà để làm một cây Christmas. Chỉ cần bỏ ra vài tiếng đồng hồ là mình có thể tạo ra một khung cảnh Giáng Sinh ấm cúng, xinh tươi trong nhà. Sự tốn kém không là bao vì cây thông giả tôi dùng đã mười mấy năm và mỗi năm chỉ cần mua thêm vài ba dây đèn hay một ít đồ trang trí đã bị hư hao theo thời gian. Tôi thường cố gắng hạn chế đồ vật trang điểm cho cây thông. Sự trù phú, dồi dào và đa dạng của nước Mỹ đôi khi đã biến những cây thông Giáng Sinh trở thành những cây hoa đèn kỳ lạ vì phải mang quá nhiều đồ trang sức. Màu xanh đã biến mất giữa hàng trăm bóng đèn xanh đỏ, tím nâu hay vàng dát, bạc treo, nơ nhung, dây kim tuyến và nhiều thứ không tên nữa. Cây thông đã trở nên xa lạ với những cây thông trên ngọn đồi xưa nào đó.



    Mùa Christmas cũng là dịp để nhớ đến anh em bạn bè, có những người quen ở cùng thành phố mà nhiều năm chưa hề gặp lại. Sự bận rộn của cuộc sống hàng ngày làm ta quên những mối thâm tình hay sơ giao ngày nọ. Một cánh thiệp Giáng Sinh như nhắc nhở rằng người vẫn nhớ ta, ta vẫn nhớ bạn. Nếu không có những cánh thiệp mang vô vàn màu sắc rực rỡ hay trang nhã hiền hòa thì đời sống mỗi chúng ta vẫn vậy. Tuy nhiên, nếu nhận được một lời chúc mừng từ một người nào đó vào những ngày giá lạnh mùa đông thì lòng ta sẽ ấm cúng thêm một chút.



    Tôi có vài lần nhận được những cánh thiệp bất ngờ.



    Một người không quen ở Atlanta chúc mừng Giáng Sinh và cảm ơn lý do tôi đã gởi cho họ lá thư từ Việt Nam lạc cánh đến nhà mình (có lẽ vì cùng mang họ Nguyễn dù Georgia và Tennessee là hai phương trời cách biệt). Ông bà bác sĩ chủ một khách sạn ở Florida gởi Christmas card báo tin họ đã mua đũa và mời gia đình tôi thuê phòng vào mùa hè sau (tôi chỉ viết vài lời góp ý bỏ vào Suggestion box là ở đây thiếu đũa, tôi chỉ viết cho vui mà thôi). Về khoản này thì người Việt Nam thua xa người Mỹ trên phương diện thương mại. Có nhiều chủ tiệm người mình chỉ muốn tạt nước vào mặt khách hàng nếu bị phàn nàn hay góp ý! Một chú rể gởi thiệp Giáng Sinh vì tôi đã được cha mẹ chú mời dự đám cưới hồi giữa năm. Thường thì chú rể hay cô dâu không cần biết khách mời đám cưới mình là ai (vì là bạn của cha mẹ mà!) chứ nói chi đến chuyện gởi thiệp chúc mừng. Thật là sự lạ trong mùa Christmas.



    Ngày nay trong thời buổi điện tử, chúng ta hay gởi Greeting cards qua E-mail, vừa nhanh vừa tiện và không sợ trễ. Dĩ nhiên thiệp chúc mừng gởi cách này rất dễ bị lãng quên trong những ngày cuối năm bận rộn, nhưng biết sao đây!



    Giáng Sinh tự bao giờ đã đương nhiên trở thành lễ hội cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ là ngày kỷ niệm của những người theo đạo Thiên Chúa. Mùa Giáng Sinh là thời gian để cho đi, để nhận lại không phải chỉ đơn thuần là giá trị vật chất mà là sự gói ghém tình thương giữa chúng ta với nhau. Mùa Giáng Sinh và những khoảnh khắc năm cùng tháng tận là lúc cùng nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui của một đời người.



    Và nhất là mùa Christmas quá dư thừa điều kiện vật chất trên xứ Mỹ làm ta liên tưởng đến những cuộc đời bất hạnh ở những nơi chốn khác. Đón chào ngày Giáng sinh với họ hình như chỉ là một thứ xa xí phẩm cao quá tầm tay dù Chúa Hài Đồng được sinh ra trên máng cỏ nghèo nàn. Đôi lúc, mỗi chúng ta đã đi quá xa những giá trí tốt đẹp ban đầu một cách vô tư và vô tội vạ. Mùa Giáng Sinh cũng là dịp để ta quay đầu nhìn lại những đoạn đường mình đã đi qua. Đâu phải những bước đi nào của ta cũng hoàn hảo, những hành động hay ý tưởng nào của ta cũng đúng hay đáng ngợi khen. Giáng Sinh là mùa của tha thứ. Sự tha thứ là một điều quá đổi khó khăn dù với ta hay với tha nhân. Khó khăn nhưng không hẳn là không bao giờ có thể xảy ra.



    (Mimosa Phương Vinh)
Working...
X