Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Chút Kỷ Niệm với Tuần Báo Thiếu Nhi

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Chút Kỷ Niệm với Tuần Báo Thiếu Nhi

    .




    PHẠM CÔNG LUẬN viết :

    Năm 1972, Sài Gòn đang vui vẻ trẻ trung với hippy choai choai đầy đường phố . Nhạc Phạm Duy đang được hát khắp nơi và nhạc ngoại quốc lời Việt thịnh hành với những bài Đồng Xanh. Trong nắng trong gió. Những mùa nắng đẹp. Xã hội đầy lo lắng từ các bậc phụ huynh khi con cái bị ảnh hưởng văn hóa phương Tây, yêu cuồng sống vội.

    Lúc ấy tôi còn là đứa con nít đang học lớp Nhứt (bây giờ là lớp Năm) ở tr­ường Võ Tán, Phú Nhuận. Tuy còn nhỏ nhưng nhờ có sẵn tủ sách của Ba và ông anh học Văn khoa nên tôi đọc được nhiều. Đã vậy, các hiệu sách cho thuê mư­ớn truyện đang phổ biến. Tôi ngốn từ sách của nhà xuất bản Phư­ợng Giang với truyện của Thạch Lam, Khái Hư­ng, nhà xuất bản Huyền Trân với tác giả Nhật Tiến. . . đến sách của Tủ sách Tuổi Hoa. Sách dịch có Con Nai Tơ của Rawlings, Phiêu l­ưu trên lư­ng ngỗng của Selma Lagerlof, cả lô truyện trinh thám Z28 như­ Kashmir sông máu thuyền hoa, Bhutan đêm dài không sáng, Hồng Loan Hồng Ngọc . . . Tôi đọc mà nhớ nhớ quên quên, nhưng ham quá nên đích thị là con mọt sách.

    Biết tôi ham đọc nên dù học không giỏi giang gì tôi được Cô giáo lớp Năm giao cho trọng trách là "quản thủ tủ sách" của lớp. Thời đó, mỗi lớp được một khoản tiền hằng tháng để mua sách báo thiếu nhi xếp loại là lành mạnh (không dùng ngôn ngữ lóng thô tục hay có cảnh đấm đá) để học trò đọc bên cạnh ổ bánh mì to và ly sữa hằng ngày cho mỗi đứa (chư­ơng trình viện trợ từ nước ngoài). Sách thì có cô lo còn báo, tôi được giao mua hằng tuần.

    Từ đó, tôi phát hiện tờ Tuần báo Thiếu Nhi. Trư­ớc đó, tôi toàn đọc ké sách ng­ười lớn nên một ấn phẩm được coi là báo dành cho thiếu nhi đẹp nhất nhì miền Nam khiến tôi mê tít. Tranh màu nước của họa sĩ Vi Vi trên tranh bìa, do được in trên khổ lớn nên đẹp hơn mấy bức của ông vẽ in trên tạp chí Tuổi Hoa của linh mục Chân Tín. Bài vở thì do nhà văn Nhật Tiến chăm sóc cùng vợ là nhà văn Đỗ Phương Khanh, vốn là cây bút của các tạp chí Tân Phong, Văn Hóa Ngày Nay từ cuối thập niên 195O nên rất có nghề.

    Mỗi kỳ báo có bài viết của "ông Khai Trí" Nguyễn Hùng Trư­ơng cũng là chủ nhiệm báo, nhẹ nhàng và sâu sắc trong mong muốn định hư­ớng lối sống lành mạnh cho giới trẻ. Truyện tranh thì có truyện Tin tin của Hergé, Tí hon thần lực của Peyo. Bài của các nhà văn Thúy An, Minh Quân. Kim Hài, Vũ Hạnh, Phan Kh­ương Thái viết hay, sâu và luôn có tính giáo dục. Nhà văn Nhật Tiến thì đăng phơi-ơ-tông dạng như­ Thuở mơ làm văn sĩ. Mỗi tuần, tôi mua báo trên đường đi học về và sáng hôm sau mang vào lớp cất vào tủ sách để các bạn xem vào mỗi cuối buổi.

    Qua suốt năm đó và đến đầu hè sau năm lớp Đệ thất (lớp 6), dù nghỉ học nhưng tôi vẫn được đọc báo Thiếu Nhi vì ông anh bắt đầu lo tôi sẽ ham mấy truyện tranh gọi là nhảm nhí như­ Quỷ một giò, Chú Thoòng bán đầy vỉa hè. Với tiền anh cho, tôi tiếp tục mua báo Thiếu Nhi và đọc được thông báo là tòa soạn sẽ mở một khóa học đặc biệt ở trụ sở tòa báo số 159 Thiệu Trị (nay là đường Trần Hữu Trang Phú Nhuận). Lớp mang tên “căn bản gấp giấy Origami” cái tên Nhật Bản này không lạ vì trên báo Thiếu Nhi đã đăng lai rai dăm kiểu xếp giấy và gọi đích danh như­ vậy.

    Ba má tôi, quá ngán thằng con lêu lổng suốt ngày ngoài đường trong ba tháng hè nên đồng ý nhay khi tôi mở miệng xin học. Tôi cùng ba thằng bạn trong xóm lần mò đến Tòa soạn mà lòng hồi hộp, hoặc có mình tôi cảm thấy vậy vì ba thằng kia chả quan tâm gì, đi theo tôi cho vui. Chúng tôi ghi danh và học luôn buổi dầu.

    Lớp bắt đầu khi một ông nhỏ ng­ười đeo kính b­ước ra chào mừng đám học viên, đa số là ngư­ời lớn ra dáng giáo viên. Ông giới thiệu là Nhật Tiến, thần t­ượng của tôi, ngư­ời từng làm khổ tôi vì phải soạn bài “trần thuyết” (tập cho học sinh thuyết trình tác phẩm văn học) cuốn Thềm Hoang của ông trong năm lớp 6.





    Sau đó, có một ông đầu hói, dáng bệ vệ trong bộ vest, da ngăm đen và có nụ cư­ời như­ ông Địa b­ước ra. Đó chính là ông chủ nhà sách Khai Trí, tức Chủ nhiệm báo Nguyễn Hùng Trư­ơng. Một ông thứ ba là ngư­ời Nhật từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Sài Gòn.

    Cả ba ông phát biểu ngắn gọn, ca ngợi môn nghệ thuật và cũng là thú vui gấp giấy này. Sau đó ông Nhật Tiến giới thiệu ch­ương trình học trong suốt ba tuần, tuần vài buổi, giấy thì ban tổ chức lo. Ai gấp đầy đủ các mẫu hình và nộp cho thầy sẽ được cấp bằng tốt nghiệp.

    Học được vài buổi thì ba thằng bạn của tôi, dù không có "mư­a một ngày" nào nhưng lại bỏ tôi đi chơi đá dế, tạt lon, dễ hiểu hơn là ngồi chọc ngoáy mấy tờ giấy.





    Phần tôi tiếp tục ngồi học, tuần mấy lần đi ngang qua nghĩa địa Phong Thần (nay là chợ Trần Hữu Trang) là nơi yên nghỉ của bà ngoại tôi để đến Tòa soạn. Ở đó tôi học từ các mẫu căn bản đến xếp được những con phức tạp nh­ư con cọp, con gà trống bằng hai mẩu giấy và xếp dần đến con cua, con rồng rất khó.

    Thầy Nhật Tiến hiền hậu, kiên nhẫn và luôn hết lòng khi hư­ớng dẫn học viên. Thỉnh thoảng cô Đỗ Phương Khanh cũng ra giúp thầy. Cô Phương Khanh có làn da trắng, dáng đầy đặn và sang trọng. Đám con thầy khá đông, con trai thì gầy, con gái trắng bóc và mũm mĩm. Con trai đầu của thầy, hình như­ tên Khiết, thỉnh thoảng ra ngồi cùng chúng tôi và xếp biểu diễn những con vật rất khó.

    Ra vô tòa soạn, thỉnh thoảng tôi xem được những bức tranh bìa chuẩn bị cho số tới của họa sĩ Vi Vi rất nổi tiếng ở miền Nam lúc đó. Có lần, tôi thấy anh bư­ớc ra, dáng cao ráo và hơi nghiêm nghị. Một anh học viên quay về lớp khoe là đã xin chữ ký của anh. Lúc khác thì thấy báo chở về tòa soạn bằng xe ba gác, xếp đều tăm tắp và mới tinh t­ươm. Không khí làm báo lúc đó đối với đứa con nít mư­ời một tuổi như­ tôi thật lạ lẫm, hấp dẫn và gây ấn t­ượng đến nỗi lớn lên tôi lỡ bư­ớc theo nghề này luôn .







    Kết thúc khóa học, chỉ còn mỗi mình tôi là đứa con nít duy nhất được cấp chứng chỉ tốt nghiệp vì học đủ, nộp bài đủ. Vài học viên lớn tuổi được tặng quà vì xếp đẹp quá. Còn tôi thì thấy buồn vì hết được lui tới tòa soạn thân yêu này, và chư­a có lần nào dám nói được một câu với chú Nhật Tiến hay anh Vi Vi.

    Tám tháng sau thì đến 30 tháng 4 năm 1975 và tờ báo Thiếu Nhi ngư­ng hoạt động. Nhiều năm sau tôi nghe nói gia đình nhà văn Nhật Tiến đã ra nước ngoài sống. Năm 1979, tôi được dự trại tổng kết hè dành cho những cá nhân ư­u tú trong đợt hoạt động hè. Mỗi trại viên được một họa sĩ vẽ ký họa chân dung để triển lãm trong trại. Tôi được một họa sĩ tên Giang, tự là "Giang chảy" vẽ chân dung. Bên cạnh tôi, một đứa chư­a chắc đẹp trai hơn tôi lại do chính họa sĩ Võ Hùng Kiệt tức Vi Vi vẽ. Tôi ghen tức biết chừng nào, nhất là khi nhìn lại bức chân dung một thanh niên mư­ời tám tuổi quá đạo mạo do ông Giang Chảy thể hiện.

    Cách nay vài năm, khi dọn nhà, tôi soạn lại sách vở giấy tờ và tìm được tấm chứng chỉ tốt nghiệp rất đẹp này, dù giấy đã úa vàng qua hơn ba chục năm. Tờ chứng chỉ do họa sĩ Vi Vi trình bày, có chữ ký của ông Khai Trí và nhà văn Nhật Tiến toàn những ngư­ời tôi ngư­ỡng mộ.

    Kể chuyện này cho chị Th­ư bán sách cũ trên đường Lê Văn Sỹ, chị bảo bà Đỗ Phương Khanh có về Việt Nam, tìm mua lại dăm tờ báo Thiếu Nhi ngày xư­a. Tôi mang ra nhờ chị gửi tặng bà vài số. Tờ báo hay cái chứng chỉ cũ này đều gợi lên những ngày tư­ơi đẹp và trong trẻo, mối duyên nhỏ giữa những ngư­ời tâm huyết làm báo cho thế hệ tương lai và số đông độc giả, là tôi và bạn bè đồng lứa.





    Trích: SÀI GÒN, Chuyện Đời Của Phố - Tác giả: PHẠM CÔNG LUẬN

    ***

    Thời điểm Sài Gòn 1972




    THƯ VIỆN THIẾU NHI

    Do Tuần báo Thiếu Nhi tổ chức & điều hành
    Nhà sách Khai Trí bảo trợ.

    Sau một thời gian chuẩn bị, hôm nay tòa soan rất vui mừng loan báo cùng các em trong gia đình Thiếu Nhi thuộc Sài Gòn - Chợ Lớn – Gia Định được hay : THƯ VIỆN THIẾU NHI đã thành lập xong.

    Thư viện này dưới sự bảo trợ của Nhà sách Khai Trí đã trang bị được trên 1,000 cuốn sách đủ loại như : Tiểu Thuyết, Sách Hồng, Sách Khảo Cứu, Sách Học Làm Người..v..v.. và cho các em mượn đọc miễn phí.

    Trong giai đoạn điều hành khởi đầu, vì tòa soạn có ít nhân viên nên Thư Viện chỉ mở cửa một tuần 1 lần để các em tới mượn sách ĐEM VỀ NHÀ ĐỌC. Và mỗi sáng Chủ Nhật các em có thể tới mượn sách và đổi sách.

    Sau đây là các chi tiết các em cần ghi nhớ :

    - Thư Viện Thiếu Nhi đặt tại tòa soạn Thiếu Nhi ở số 159 Thiệu Trị (Phú Nhuận) Sài Gòn. Các em đi theo đường Trương Minh Ký nối dài, qua Cổng Xe Lửa số 6 độ 50 thước thì rẽ tay mặt.

    - Thư Viện mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa mỗi sáng Chủ Nhật.

    - Các em chỉ tới Thư Viện để mươn sách và đổi sách rồi đem về nhà đọc.

    - Muốn mượn sách, các em chỉ cần xuất trình Thẻ Gia Đình Thiếu Nhi mà các em đã được cấp phát từ mấy tháng nay.

    - Thư Viện sẽ bắt đầu mở cửa từ Chủ Nhật 2-7-1972

    - Với sự lựa chọn cẩn thận những loại sách bổ ích, tòa soạn mong mỏi Thư Viện sẽ giúp ích các em một phần nào trong lãnh vực giải trí và giáo dục.
    Tòa Soạn Thiếu Nhi

    ****




    THƯ VIỆN THIẾU NHI
    Chị Đỗ Phương Khanh
    Nhắn Tin Chung Tới Tất Cả Các Em

    1) Thư viện Thiếu Nhi sẽ khai trương ngày 2-7-1972 (nơi trang 3 in lộn là 9-7-1972 , chị xin đính chính). Vậy kể từ 8 giờ sáng tới 12 giờ Chủ Nhật ngày 2-7-72 các em thân mến của chị hãy sốt sắng đến tòa soạn để chứng tỏ tinh thần ham học, ham hỏi han tìm hiểu. Hôm đó sẽ có nhiều tiết mục hấp dẫn lắm cơ. Thí dụ như thế này nhé :

    - Nhạc sĩ với cây đàn Phạm Đức Huyến sẽ dẫn các em vào thế giời âm thanh kỳ ảo “Thiếu Nhi VN là mầm non tương lai sáng ngời”.

    - Họa sĩ Vi Vi trổ tài rồng bay phượng múa.

    - Chú Bình Electronic kê toa bắt mạch chớp nhoáng các trục trặc kỹ thuật máy móc của các em.

    - Bác Vịt Mò Vũ văn Việt sẽ mò chuyện lạ bốn phương ra đãi các em bốn món ăn chơi.

    - Và sau cùng là để các nhận bà con, họ hàng trong gia đình Thiếu Nhi, rồi nếu cao hứng thì các em có thể mượn mở hàng một cuốn sách gì đó của Thư Viện chúng ta, đem về nhà đọc liền tù tì một tuần.

    Vậy nhớ Chủ Nhật 2-7-72 rủ nhau tới tòa soạn Thiếu Nhi nhé:

    Dù ai học đâu chơi đâu
    Mồng hai tháng bẩy rủ nhau mà về
    Mồng hai tháng bảy ngày gì ?
    Là ngày Thư Viện Thiếu Nhi khánh thành


    Chị Đỗ Phương Khanh
    (Thiếu Nhi số 44 ra ngày 25-6-1972)




    NGÀY HỌP MẶT
    KHÁNH THÀNH THƯ VIỆN THIẾU NHI
    Phóng sự của Hà Dương Nguyên

    7 giò 30 tôi đạp cót két từ đường Trương Minh Ký quẹo vô. Tòa soạn còn cửa đóng then cài. Theo lời bố cáo trước thì 8 giờ Thư Viện mới mở cửa, mình đã quá lo xa tới sớm cà nửa giờ. Nhưng còn nhiều bồ đã tới sớm hơn. Xe đạp đã thấy ghếch ở bờ tường, dưới bàng hiệu của tòa báo. Dọc theo con đường Thiệu Trị lố nhố nhiều mặt đi lảng vảng. Về sau được nghe thổ lộ, có bồ đã tới từ lúc…chưa tới 7 giờ. Chăm thế !

    Đúng 8 giờ ( có tiếng tít tít ở ra-đi-ô nhà kế bên thông báo đầu giờ) cánh cổng sắt bắt đầu mở. Mọi người có quyền vô sân mà không sợ ai bắt lỗi. Sân tòa báo bé bằng cái lỗ mũi (hèn chi chị Đỗ Phương Khanh đã rào trước đón sau trong số báo tuần trước rằng đây chỉ là mi-ni Thư Viện). Nói bằng cái lỗ mũi là để bà con hình dung cho dễ dàng vậy thôi, chớ thật ra cũng có chỗ để mươi cái xe đạp, một cái xe gắn máy , một lối đi vừa một người đi lách nghiêng và một cái bàn kê ở dưới mái tôn ọp ẹp. Đó là “ tình cảnh” ở phía ngoài. Bước từ sân lên một bậc thềm là tới một phòng mỗi bề ước chừng 4 thước . Tòa soạn và mi ni Thư Viện ở trong đó. Xin cứ từ từ nghe kể để cho có đầu đuôi.

    Có hai người ngồi ở bàn ngoài, dưới mái tôn, phe kịp tóc cả. Chắc đây là “hướng dẫn viên” của tòa soạn. Một cô nói :

    - “Ai” muốn mượn sách thì phiếu đây. Coi mục lục xem số thứ tự của cuốn sách, ghi vô phiếu , ký tên rồi đổi phiếu lấy sách. Ý quên, nhớ ghi cảđịa chỉ vô nữa “nhe”.

    - Đâu ?Mục lục đâu ?

    - Ở trong đó !

    Thế là ùa vô. Căn phòng bên trong ngập luôn phân nửa, người là người, đợt xung phong đầu dễ cũng hơn hai chục mạng . Một nhận xét: tòa soạn luộm thuộm, bởi lẽ muốn vào ải trong (mượn sách) thì phải qua ải đầu (làm phiếu ). Nhưng muốn làm phiếu thì phải coi mục lục xem có cuốn gì, cuốn gì mới hỏi mượn được mà mục lục lại để ở ải bên trong. Thế là phải coi ở trong xong lại phải ra ngoài rồi lại vô trong, cảnh chen ra, chen vô này chắc không khá được. Nhưng độc giả . đã có một cách giải quyết lấy. Nghĩa là ùa vô tủ sách , lựa tưới hột sen, cuốn nào ưng thì rút phăng ra cầm tay cho chắc ăn (kẻo tên khác lựa mất) rồi phiếu phiếc sẽ tính sau. Toàn dân thiên hạ đều theo kiểu đó, thành ra luật của hai cô “hướng dẫn” mới ban ra đã bị vi phạm và hủy bỏ ngay từ đầu. Thế là vui vẻ cả.

    Về phần tôi lựa được cuốn “Phấn Thông Vàng” của Xuân Diệu yên chí lớn rồi, mới tìm hỏi :

    - Mục lục đâu ? Xem tủ sách có những sách gì ?

    Bà con vì lựa sách ngay ở kệ, không cần mục lục, bây giờ mới phát giác ra rằng không thấy nó hiện diện ở trong ải này (lại một sự luộm thuộm nữa đấy nhá !). Cho tới khi đó mới thấy một nguòi lừng khừng đi vô, kính trắng, cà vạt, tay ôm một xấp hồ sơ đặt phịch xuống bàn và nói :

    - Mục lục đây các chú, lựa coi cuốn nào thích thì làm phiếu.

    À ! Ra chú Nhật Tiến, “ngài” đến trễ 15 phút. Mới 15 phút thôi đã bị lạc hậu về phương pháp làm việc rồi. Thiên hạ xúm lại sấp mục lục để trên bàn. Chú Nhật Tiến mở ra giải thích :

    - Loại A là tiểu thuyết, loại B là Danh nhân lịch sử, C là truyện cổ tích nhi đồng, D là sách Học Làm Người, E là thi ca, F là sách dịch ngoại quốc, G là thể thao võ thuật, H là nữ công, y học, I là biên khảo, J là sách kỹ thuật, K là sách giáo khoa. Các chú dò tên tác phẩm để lấy số hiệu rồi ghi vô phiếu đem đổi lấy sách.

    Một bồ nói :

    - Cháu lựa ở tủ sách được rồi.

    Nhìn ra chung quanh, thấy thiên hạ tự động rút lia sách trên kệ xuống, chú củ biên thở dài :

    - Ờ…ờ…thôi thế cũng được. Nhưng nhớ làm phiếu giùm nhá !

    Xong cái vụ mục lục , bây giờ mới rảnh rang đi quan sát mọi chỗ. Thư viện có chừng trên một ngàn cuốn sách để lọt thỏm một cái kệ ngang gần 4 thước, cao gần 2 thước. Bên cạnh kệ sách là một dẫy tủ sắt của tòa soạn, đóng ngăn kín mít, ngăn nào cũng có dán tiêu đề ở ngoài : ngăn đựng hồ sơ thẻ gia đình Thiếu Nhi, ngăn chứa bản thảo , ngăn chứa thư từ liên lạc, ngăn đựng tài liệu…một số ngăn bị che kín mít bởi một tấm bảng ghi hàng chữ đỏ : “Ba giai đoạn Ấn Loát báo Thiếu Nhi”. Trên bảng dán một trang thư Chủ Nhiệm, 1 trang Vườn Hồng dưới có ghi : Bản xếp chữ, bên cạnh là tấm phim lớn chụp nguyên 2 trang nói trên với nền đen chữ trắng, có ghi chú : Phim chụp vào âm bản, bên cạnh nữa lại tới 2 tấm phim khác , nền trong suốt, chữ đen với ghi chú : Phim rửa ra dương bản để ép lên kẽm và đem in”.

    Ồ ! Thế ra báo ta vẫn đọc hằng tuần, muốn in ra cũng phải lắm sự nhiêu khê. Theo chú Nhật Tiến thì đó là kỹ thuật in offset. Nếu in typo thì giản dị hơn, chỉ việc xếp chữ rồi in trực tiếp vào giấy , đỡ tốn kém hơn nhưng không đẹp bằng.





    Bên cạnh dẫy tủ sách là một kệ sách nữa lớn hơn kệ bên kia nhưng đây là phạm vi của tòa soạn, không không mượn được vì là tủ sách tài liệu. Nhiều sách thấy ham quá cỡ : một bộ Bách Khoa Tự Điển bằng tiếng Anh, bộ 14 cuốn, 1 bộ Bách Khoa Tự Điển dành cho trẻ em (Encyclopédie des Jeunes) cũng 14 cuốn, 4 bộ Tout Connaitre, 1 bộ sưu tầm về Thế Giới các loài vật ( Le monde merveilleux des annimaux), 10 bộ Pages en couleurs toàn chuyện sưu tầm hay lạ trên thế giới, rồi các tạp chí Mickey, Pilote, Lizette, Les Veillée, Tout Univers, Văn, Báck Khoa, Tuổi Ngọc, Tân Phong, Khoa Học, Phổ Thông ..v..v… có mặt đầy đủ. Bác Chủ nhiệm Nguyễn Hùng Trương là Giám đốc nhà sách Khai Trí có khác, yểm trợ cho tòa soạn như rứa thì có cả kho tài liệu mà khai thác.

    Bên cạnh tủ sách của tòa soạn là một dàn trưng bầy Thiếu Nhi từ số 1 đến số mới nhất. Bốn mươi lăm cái bìa với 45 hình vẽ tuyệt cú mèo của Vi Vi, để bên cạnh nhau chiếm hết một góc phòng nom rực rỡ hẳn lên. Mặc dù số nào cũng mua đủ nhưng đem xếp bên cạnh nhau để ngắm đủ 45 cái bìa vẫn thấy thích thú và nhìn không chán mắt.






    Nhìn bìa báo mới nhớ đến chương trình do chị Đỗ Phương Khanh loan báo là có Bình Electronic bốc thuốc cho toa, Vi Vi vẽ tại chỗ và nhạc sĩ Phạm Đức Huyến dạy ca “ Thiếu Nhi VN là mầm non tương lai sáng ngời” “. Ô ! Đã hơn 8 giờ rưỡi rồi sao chưa thấy chư vị anh hào nào tới cả. Còn đang “thắc mắc của em” định nhờ anh Báck Khoa giải đáp thì một ông lính hùng hục chen vô (bên ngoài bây giờ đông nghet). Chú Nhật Tiến giới thiệu:

    - Đây là họa sĩ Vi Vi !





    A ! Tuần trước mới xem mặt Vi Vi trên hình, bây giờ là Vi Vi bằng xương bằng thịt, người cao, da ngăm ngăm, lưng đeo tòn ten máy hình, bận bộ quân phục láng coóng coi giống “ chiến sĩ của lòng…ai” quá cỡ. Căn phòng nhộn lên một phút về sự hiện diện của cây vẽ tài hoa, nhưng tình cảnh chen lấn đông đúc thế này khó mà được xem cái màn trổ tài họa tại chỗ được. Quả nhiên chú N.T nói :

    - Đông quá, không kê bàn vẽ cho Vi Vi được.

    Họa sĩ ngỏn ngoẻn cười, hẹn “ lát nữa coi sao” rồi vừa vặn có tiếng ồn lên ở ngòai cửa ‘nhạc sĩ Phạm Đức Huyến” thế là hoạ sĩ rút êm vô hậu trường.

    Là nhạc sĩ có khác, đi đến đâu gieo âm thanh tới đó. Âm thanh lúc này là tiếng nhốn nháo xin một bản nhạc in roné do nhạc sĩ phân phát. Một lát phát xong, mọi người quây lại. Thế là có cái màn “Thiếu Nhi VN là mầm non tương lai sáng ngời” thiệt, khỏi phải “thắc mắc của em” nữa. Giọng ca tập thể mới đầu sìu sìu như xe Suzuki bị ngập nước mưa. Cả đám đông mới chỉ vài ba cậu lên tiếng hát, mà hát một cách rất ư là tiết kiệm làn hơi. Chưa “đả thông” mấy mà. Bắt giọng lại ! Phừng…phừng…phừng…( cây đàn guitar của tòa soạn sai độ 3 dây lên tiếng hùng dũng yêm trợ). Giọng ca lớn lên dần dần. Cuối cùng các cụ ai nấy đều gào hăng ra phết. Át luôn cả tiếng ồn ào của đám đến chậm phải đứng ngoài sân và đám đang tíu tít làm phiếu ở bàn ngoải.

    Hết phần ca nhạc đến họa sĩ Vi Vi lại bị lôi ra. Rồi chị Đỗ Phương Khanh làm một cuộc phỏng vấn:

    - Đố các em vẽ cái gì khó nhất ?

    Phe ta còn đang ngẩn người nghĩ coi vẽ cái gì khó nhất thì chú Nhật Tiến trả lời giùm:

    - Vẽ hình họa sĩ Vi Vi khó nhất.

    Chị ĐPK chịu thua liền. Họa sĩ Vi Vi đứng làm mẫu đó, ai bảo dễ. Vẽ thử coi. Lại hỏi:

    - Vậy đố các em vẽ cái gì dễ nhất ?

    Chú NT lại trả lời giùm:

    - Vẽ bìa báo Thiếu Nhi dễ nhất.

    Đây là một lời khen tặng kín đáo dành cho họa sĩ, nhưng phe ta còn “nít” quá không thông cảm được nên ngơ ngác nhìn vô “sạp” , nghĩ mãi không hiểu tại sao lại vẽ bìa T,N dễ nhất.! Kỳ thấy mồ !

    Qua màn phỏng vấn thì giấy bút được mang ra. Họa sĩ tốc họa một bức chân dung của cô bé Bảo Ngân. Trong khi ấy chú Nhật Tiến ký tặng cô Ngọc Bích một cuốn Chim Hót Trong Lồng và chị Đỗ Phương Khanh ký tặng cậu Lê Thanh Bình một tập truyện ngắn của chị, cuốn Hương Thu.

    Hết màn trao giải thưởng thì mấy đĩa bánh ngọt trên bàn cũng vừa hết luôn (quên không tường thuật là tòa sọan cho độc giả ăn bánh, uống trà khai trương mà lỵ). Rồi lại đến màn đồng ca. Đồng ca được vài bài thì nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ. Chưa mấy ai nghĩ đến chuyện về, nhưng trong phòng mờ mịt những hơi người. Hơi người ngột ngạt đến độ chú N.T định chụp mấy tấm hình làm kỷ niệm về sau đều không được vì hơi nước che mờ cả ống kính.

    Đành là bế mạc hẹn gặp lại tuần sau. Ai nấy ra về thơ thới hân hoan, trên tay mỗi người đều mang theo một cuốn sách vừa mượn ra ở Thư Viện.

    Hà Dương Nguyên
    một độc giả Thiếu Nhi-
    (Đăng trên báo Thiếu Nhi số 48 ra ngày 23-7-1972






    NHẮN TIN CHUNG TẤT CẢ CÁC EM

    Thư Viện Thiếu Nhi đã thành lập, Nhiều em viết thư về hỏi thăm muốn mượn sách thì có phải chịu một phí khoản nào không, có phải đặt cọc tiền cho cuốn sách không. Vì nếu không, khi mượn lỡ có người lấy luôn sách thì sao.

    Chị xin trả lời chung các em là mượn sách của Thư Viện Thiếu Nhi các em không phải trả bất cứ phí khoản nào, cũng không phải đặt cọc tiền khi mượn sách.

    Chủ đích của tòa soạn là mong cung ứng cho các em những cuốn sách đọc giải trí và mở mang kiến thức mà vì điều kiện kinh tế eo hẹp các em không có tiền mua. Tòa soạn cũng chỉ trông mong vào thiện chí của các em khi mượn sách giữ gìn cẩn thận và hoàn trả đúng hẹn để cuốn sách được phổ biến và giúp cho các em khác có cơ hội được mượn đọc đồng đều. Vấn đề mất sách , tòa soạn hy vọng sẽ không xẩy ra nhất là đối với lứa tuổi của các em là tuổi hồn nhiên trong sáng.

    Chị Đỗ Phương Khanh



    CUỘC THI SÁNG TÁC
    DO TUẦN BÁO THIẾU NHI TỔ CHỨC
    (Đợt I, chủ đề : GIA ĐÌNH MẾN YÊU)

    Sau 4 tuần lễ đọc và tuyển lựa theo chiều hướng không đòi hỏi các em phải là những cây bút sâu sắc, già dặn nhưng chỉ nằm trong mục tiêu khích lệ những tài năng mới, Tòa soạn hân hạnh công bố cùng các em kết quả cuộc thi sáng tác đợt I, chủ đề Gia Đình Mến yêu như sau :

    GIẢI NHẤT :
    Tác phẩm NHÀ MẾN YÊU của THÙY NHI ( Đà Nẵng).
    Giải gồm có 1 văn bằng tưởng lệ, 5.000 đồng do tòa soạn tặng, một cái radio một băng do anh Bình Electronic tặng, và một số sách giá trị do nhà sách Khai Trí tặng.

    GIẢI NHÌ :
    Tác phẩm CHUYỆN CU TÍ của ANH VŨ (Sài Gòn).
    Giải gồm có 1 văn bằng tưởng lệ, 1 cây viết máy hiệu Parker do tòa soạn tặng, và một số sách giá trị do nhà sách Khai Trí tặng.

    GIẢI BA :
    Tác phẩm THƯƠNG YÊU của ĐỖ THỊ KIM OANH (Đà Lạt)
    Giải gồm có 1 văn bằng tưởng lệ, 1 cây viết máy hiệu Pilot do tòa soạn tặng, và một số sách giá trị do nhà sách Khai Trí tặng.

    Ngoài 3 giải trên, còn 8 giải khuyến khích, mỗi giải gồm một văn bằng tưởng lệ và một số sách giá trị do nhà sách Khai Trí tặng. tác phẩm của các em :

    1)Chị của Hân Ly
    2)Mảnh đất yêu dấu của Phi Thừa
    3)Ngày xưa thân ái của Lê Trung.
    4)Ước của Nguyễn văn Thông
    5)Ngày Hồng Xưa của Hồng Giang
    6)Căn nhà, ngôi trường và mùa thu trở về của Thơ Thơ
    7)Tổ Ấm của Song Thanh
    8)Thư cho Vân của Huỳnh thị Mỹ.

    Buổi trao tặng giải thưởng sẽ được tổ chức vào hồi 8g30 sáng ngày 13-8-1972 tại trụ sở Trung Tâm Văn Bút VN số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn. Buổi này cũng là dịp Họp mặt Gia Đình Thiếu Nhi nhân dịp Kỷ niệm Đệ Nhất Chu Niên tuần báo Thiếu Nhi.

    Yêu cầu các em có tên trong danh sách trúng giải hãy liên lạc gấp với tòa soạn vào buổi sáng từ hôm nay đến ngày 10 tháng 8-1972 để làm thủ tục trao tặng giải thưởng. Riêng các em ở xa, xin liên lạc bằng thư, xác định rõ địa chỉ chắc chắn để tòa soạn gửi bảo đảm phần thưởng qua đường bưu điện.

    ***

    HỌP MẶT GIA ĐÌNH THIẾU NHI
    NHÂN DỊP KỶ NIỆM ĐỆ NHẤT CHU NIÊN

    - Địa điểm : Trụ sở Trung Tâm Văn Bút VN số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn.
    - Ngày : Chủ Nhật 13 tháng 8 năm 1972
    - Giờ : từ 8 giờ 30 đến 12 giờ.

    CHƯƠNG TRÌNH SINH HOẠT

    1) Giới thiệu các em trong gia đình Thiếu Nhi, các nhân viên tòa soạn, các nhà văn , nhà giáo cộng tác với tuần báo Thiếu Nhi.
    2) Trao tặng giải thưởng Cuộc Thi Sáng Tác Đợt I
    3) Ca Cộng đồng.
    4) Chiếu phim hoạt họa tô mầu và phim ngắn của Charlot.

    Đặc biệt kỳ họp mặt thân hữu này tòa soạn không đạt giấy mời các quan khách chính thức như những kỳ trước để chúng ta không bị ràng buộc bởi các hình thức nghi lễ. Truy nhiên các em vẫn có thể mời phụ huynh tới tham dự trong tinh thần hòa đồng, thân ái.

    Tòa soạn mong mỏi các em tới tham dự đông đảo để đánh dấu một năm sinh hoạt của Gia đình Thiếu Nhi đồng thời tạo thêm sự thông cảm thân ái trong gia đình ngõ hầu chúng ta cùng đẩy mạnh những sinh hoạt có lợi ích thiết thực hơn nữa trong năm tới.

    (Trích từ những số báo Thiếu Nhi)
Working...
X