Năm 1971, trong một dịp vào Sài Gòn chấm thi tại trường Gia Long, tôi có dịp quen biết với một cặp vợ chồng người Nam, quê ở Cần Thơ. Vì biết là người Huế, lại đang dạy học ở vùng giới tuyến Đông Hà-Quảng Trị, nên anh chị đã dành cho tôi mối cảm tình đặc biệt của người lính văn phòng dành cho người lính đồn xa. Dù chưa ra Huế lần nào nhưng sự hiểu biết của cặp vợ chồng nầy về Huế khá sâu sắc và tỉ mỉ như cách nhìn của một nhà khảo cổ nhìn lại thời xa xưa qua sách vở. Một trong những mong ước của anh chị là một ngày nào đó được ra thăm Huế.
Tôi mời anh chị mùa Hè năm sau ra Huế ở lại với gia đình tôi chơi để làm một chuyến du lịch vùng đất có nhiều vui buồn đầy huyền thoại nầy.
Sau hơn một tuần chu du hết các thắng cảnh, lăng tẩm, chùa chiền, núi rừng, sông biển của Huế, hai ngày trước khi rời Huế về lại Cần Thơ, anh chồng kéo riêng tôi ra quán cà phê, nhìn trước nhìn sau để yên chí là không có tai vách mạch rừng rồi mới trầm giọng nói nhỏ vào tai tôi:
- Mình muốn cậu cho mình biết cái "dzụ" đó.
Tôi nhớn nhác chưa rõ chuyện gì, thì thào hỏi lại:
- Cái "dzụ" gì vậy anh?
Anh trả lời hơi lắp bắp:
- Thì, thì... cái "dzụ"... ngủ đò ấy mà!
- Tôi vỗ đùi cười ngặt nghẽo:
- Chuyện dễ ợt nằm trong lòng bàn tay, muốn lúc nào cũng được mà anh làm tôi hết hồn.
Anh đỏ mặt nói như phân bua:
- Thì tụi mình là nhà giáo với nhau, mình sợ mang tiếng rồi thì khó lên lớp lắm. Bởi vậy mình rất tò mò muốn biết "ngủ đò" nó như thế nào, nhưng lại rất ngại làm phiền cậu.
Vì nể bạn, tôi trả lời hăng tiết vịt cho có vẻ mình là dân lịch lãm ở quê hương mình, nhưng thật sự trong bụng cũng cảm thấy hơi "ớn lạnh" khi nghĩ tới chuyện ngủ đò.
Hàng ngày tôi vẫn đi qua con đường Hàng Bè, có tên Huỳnh Thúc Kháng, nhưng ít khi dám ngó thẳng xuống những dãy đò đậu san sát dưới sông. Nhiều lần đi về khuya qua con đường Hàng Bè nầy, thường khi tôi cố giả câm giả điếc trước những lần các bà mối lái lôi kéo và mời gọi "Đò cậu !?" trên bến nước Tầm Dương canh khuya đưa khách nầy. Cái xứ Huế nhỏ bé "trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay" lại mang nghiệp dĩ làm nhà mô phạm mà được gắn nhãn hiệu "Thầy nớ ngủ đò" thì sự nghiệp quân sư phụ theo chân đức Khổng Tử sẽ theo đò dọc mà trôi xuôi về biển.
Sau khi nói cứng với anh bạn ở quán cà phê, tôi bỗng thấy lo cồn cào ruột gan. Việc đầu tiên là phóng xe một mình xuống Bao Vinh, tìm người bạn thân lớn tuổi có biệt danh nghe như hiệp khách hành là Phó Biên Thùy để vấn kế. Anh nổi tiếng một thời ngang dọc trong giới ăn chơi biết trọng nghĩa khinh tài ở Huế. Nghe hết nỗi lòng thao thức của tôi, lại đến lượt anh cười dòn tan. Tôi vái thầm là nụ cười dễ dãi của Thùy không phải là nụ cười xã giao thiếu thực tế chiến trường của tôi. Thùy hỏi một câu quá "hiện đại" làm tôi hơi ngỡ ngàng:
- Rứa bạn cậu muốn ngủ đò mà "ngủ chay" hay "ngủ mặn"?
Tôi đang còn quờ quạng thì Thùy giải thích:
- Ngủ đò chay là thuê đò du lịch trên sông Hương để sinh hoạt bạn bè, văn nghệ, văn gừng với nhau cho vui. Còn ngủ đò mặn cũng là giong đò trên sông Hương, nhưng lại sinh họat ong bướm với những nàng Kiều sông Hương.
Tôi hỏi đùa:
- Nếu người ta thích cả "vào chay ra mặn" có được không?
Thùy trả lời thật tình:
- Trường hợp tất cả khách đi đò đều là đàn ông thì chẳng có chi trở ngại, ai thích mục nào làm mục đó, nhưng nếu có phụ nữ thì bắt buộc phải ngủ chay.
Tôi liền cậy Thùy làm quân sư trong biến cố ngủ đò tổ chức cho người bạn. Theo sự cố vấn của Thùy, tôi về nhà và mời cả hai vợ chồng người bạn ra nói chuyện.
Khi tôi mở lời đề nghị mời cả hai vợ chồng người bạn đi ngủ đò, anh chồng mặt tái xanh không biết vì sợ hay vì giận. Anh nhìn tôi một cách nghiêm khắc nửa như hối hận, nửa như trách móc, hỏi bằng một gịọng rất xa lạ và lạnh lùng:
- Xin lỗi anh, anh cho chúng tôi là hạng người nào...?
Chị vợ mím môi, vòng tay trước ngực, mắt trống không nhìn bất động vào một cõi xa xăm nào đó để biểu lộ sự thất vọng vì bị xúc phạm.
Tôi hơi lúng túng vì sự hiểu lầm có vẻ quá nghiêm trọng thì Thùy đã xuề xòa, cái xuề xòa của một tay từng trãi với đời đã làm cho không khí bớt ngột ngạt. Thùy đã dem hình ảnh những cuộc du thuyền rồng của giới vua quan và các sứ giả ngoại quốc trên sông Hương ngày xưa làm vũ khí dẫn giải. Lịch sử ngủ đò trên sông Hương bắt nguồn từ thú chơi tao nhã của hàng mặc khách tao nhân. Đò chứa dầy trăng và chở đầy hương hoa của thơ và nhạc. Nếu có chăng những chén rượu nồng và những trao gởi đầu mày cuối mắt thì cũng chỉ là những sương khói nhẹ nhàng kiểu tài tử giai nhân. Nước sông Hương, do đó, còn được gọi là nguồn “Tiêu Kim Thủy” - ngàn vàng chuốc môt trận cười. Nhưng rồi mỗi nước non đều có một “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Chuyện ngủ đò trên sông Sông Hưong cũng thế, cũng có một thời tuổi trẻ và một thời tuổi già; một thời để yêu và một thời để chết. Sông Hương đã trút áo hào hoa để sống còn qua những cơn tai biến của lịch sử, để hòa điệu sống giữa chợ đời đầy cát bụi. Cái thanh và cái thô của Huế bao giờ cũng có sẵn. Thanh hay thô là do kẻ đi tìm...
Comment