Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Thác đổ - từ vũ phỏng dịch

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Thác đổ - từ vũ phỏng dịch

    Giòng sông chảy tuột vào trong lòng thung lũng.

    Từ chiếc hố nằm trên cao, gần xưởng cưa, nước trút xuống trượt trên những hòn đá cuội rồi uốn éo chạy đến tận chiếc cầu gỗ . Nước va vào những tảng đá nằm giữa giòng bất động , vững chãi và trơn trượt bật thành tiếng trong một sự im ắng lạ lùng.
    Mẹ tôi, trong chiếc áo tắm màu xanh với những đốm trắng, tóc ướt đầm, thường hay thích lên ngồi trên đỉnh cao nhất của mỏm đá, mỏm Taterberget. Mẹ lê đôi chân một bên trong nước, như vẫn thường làm một cách dễ dàng, cảnh tượng này đã làm tôi liên tưởng hệt như hình một cô ngư nữ nhỏ trên một bảng vẽ tại bến cảng Copenhague mà tôi đã được trông thấy vào mùa hè năm ngoái khi cha mẹ tôi tổ chức ăn mừng mười lăm năm kỷ niệm ngày họ lấy nhau. Từ mé bờ cảng cha tôi gọi mẹ rồi bảo rằng mẹ là người đàn bà đẹp nhất trên đời.
    Dưới những chân cầu, giòng sông mở rộng để chuyển thành một chiếc hồ. Người ta làm một con đê về hướng tây, trên đó một xưởng làm đồ đạc bàn ghế được dựng lên. Tôi thích ngôi nhà đỏ bằng đá, những chiếc ghế vải bằng gỗ tếch hay gụ, những bộ salon để trong vườn làm tôi nhớ tới bộ salon mà cha mẹ tôi có ở nhà là bằng gỗ cây bulô trắng điểm những mẫu hình vuông nhỏ. Tại cái xưởng làm đồ gỗ này mà cha mẹ tôi đã đặt làm chiếc trường kỷ nơi mẹ tôi thường nằm ngủ trưa hoặc khi nào mà bà không chịu ngủ chung giường với cha tôi vào ban đêm. Ngay dưới cửa sổ nhà máy là ngọn thác bất thình xuất hiện, ào ạt đổ xuống. Cả trăm thước ở dưới, tất cả như còn đẫm mình trong bầu không khí đầy quyến rũ của phong cảnh chung quanh. Giòng nước vẫn tuôn chảy một cách bình thản . Dù vậy cha tôi vẫn hay khuyên chúng tôi phải luôn luôn lưu tâm đến sự nguy hiểm của những giòng nước ngầm tại đây. Chị Catherine và tôi không bao giờ được phép tắm về mé hướng nam Taterberget.
    Tôi luôn nhớ , kỷ niệm dù mập mờ của ngày hè đó lúc tôi bị trượt chân ở dưới nước khi dẫm trên những hòn sỏi dù chỉ cách vài thước bên bờ phía tây, thế mà giòng nước cũng đã lôi tuột tôi đi. Chị Catherine, người có nhiệm vụ ngó chừng tôi, đã thét lên - tiếng thét mà chỉ có con gái mới có thể có. Cha tôi lập tức nhẩy ngay xuống nước, rồi chỉ vài sải bơi nắm được tôi. Ngay lúc đó tôi không hiểu rõ tình thế nguy ngập song cũng mường tượng được ra là nghiêm trọng. Cha tôi kéo tôi lên bờ rồi lấy một chiếc khăn lớn quấn tôi, ôm mạnh vào lòng. Người ông rung lên. Tôi còn nhớ lúc này giọng nói của ông nghe thật chói tai, rên rỉ còn mẹ tôi thì cứ đấm thùm thụp vào lưng ông. Sau đó thì ông bưng mặt khóc... Cảnh tượng thật thê thiết. Từ ngày đó cho dù đã có biết bao sự việc đổi thay, nhưng mé bắc Taterberget vẫn là nơi tắm của gia đình chúng tôi.
    Sáng hôm đó, khi nghe cha mẹ tôi đang cãi cọ nhau trong phòng ngủ, tôi cảm thấy vô cùng buồn bực. Tôi tưởng tượng rằng vào một hôm nào đó một trong hai người sẽ ra đi, sẽ dọn đi chỗ khác, hay cũng rất có thể sẽ tự tử nữa... vì bây giờ khi gặp nhau là cha và mẹ tôi cứ như chó với mèo.

    Lúc trước tôi thường nằm rình nghe không sót một chữ mà họ quẳng vào mặt nhau ở phòng khách. Cả cha lẫn mẹ tôi đều cứ tưởng rằng chị Catherine và tôi đã ngủ. Họ đâu biết được là đôi khi chị Catherine phải nức nở oà khóc. Phần tôi thì không bao giờ tôi khóc, tôi đã tự hứa với lòng. Muốn làm như thế tôi phải nén thở , nuốt nước miếng liên tục theo lời người ta đã dạy tôi. Theo cách thức này mà tôi đã bóp ngẽn được những giòng lệ trước khi chúng kịp dâng lên đôi mắt tôi. Nhưng một lúc sau, vào ban đêm , bị lợm giọng tôi đã phải buộc lòng chạy vào nhà cầu. Cũng từ ngày đó mà tôi thường hay bị nôn mửa. Cha, mẹ tôi không còn sống với nhau qua mối liên hệ bình yên nữa mà tôi thì mệt nhoài, lả người với những ngôn từ cả hai xử dụng với nhau qua bức vách ngăn.
    Tuy nhiên, rồi cũng phải có một lúc là thời gian hoà giải.

    Vào lúc 10 giờ , cha tôi gọi tôi dạy, lại đã một điếu thuốc lá trên tay ông - với nụ cười vui nhưng với một vẻ gần như cuồng dại mà tôi không tài nào có thể tin là thực được.

    Tôi đã biết rằng cả gia đình sẽ đi tắm ở Tatenberget . Thói quen thường lệ từ lâu mà cả nhà tôi đã có ... Người lớn uống rượu mà tôi thì cũng đã lớn để được quyền thưởng thức. Về chuyện này rất ít khi tôi phản đối!. Cuộc hoà giải của cha mẹ tôi đối với tôi là một niềm vui, một niềm hy vọng ... bấp bênh.

    Tôi đã 15 tuổi nhưng thích ở bên cạnh cha mẹ , ngược với chị Catherine, hơn tôi hai tuổi.

    Những tối thứ bảy tôi thường ở nhà với cha mẹ tôi . Chị Catherine lại hay bỏ đi chơi với đám bạn của chị. Phần tôi, hớn hở ở nhà, ngồi giữa cha và mẹ, lúc này họ không còn cãi cọ nhau nữa vì vào những tối thứ bảy cả hai hình như quên được sự bất đồng của họ , họ lại còn ngạc nhiên khi thấy không bao giờ tôi đi chơi với đám bạn đồng lứa. "Sự việc như vậy là như vậy !" tôi cũng chẳng biết phải giải thích ra sao . Tôi không thích đá bóng và cũng không thích trò chơi băng cầu trong phòng . Tôi rất sợ những cuộc ấu đả thường xảy ra của đám con trai. Tôi thích ngồi trước chiếc dương cầm và chơi càng lâu càng tốt. Khi mới chỉ vừa chào đời là mẹ đã dạy tôi âm nhạc. Mẹ hát cả ngày, hát những bài hát dành cho trẻ con, những bản concertos dành cho vĩ cầm. Mẹ nhớ thuộc làu những bản giao hưởng . Còn nữa, mẹ tôi "du lịch toàn thế giới" bằng đài phá thanh, như bà vẫn thường nói với tôi.

    Những buổi tối đen nghịt giá lạnh vào mùa đông, hình như mẹ tôi cũng có thể bắt được tất cả các chương trình phát thanh trên thế giới : Tại Vienne một nhạc sĩ vĩ cầm trình tấu một bản nhạc của Tchaïkovski. Từ Moscou vang đến tai chúng tôi một bài sonate dương cầm. Vào buổi tối, mẹ tôi không ngừng vặn đi vặn lại, vặn hết chiều này sang chiều khác cây kim đỏ của chiếc radio từ đài này sang đài khác . " Askel ! Askel ! nghe này con ! Ravel ! Concerto Sol Majeur! Chờ một chút nữa là tới chương thứ hai (Sencond Movement)...". Mẹ tôi biết tất cả âm nhạc trên thế giới, tôi nhủ thầm rồi tự hỏi vì lẽ gì mà mẹ tôi lại không trở thành nhạc sĩ, như ông bà ngoại tôi nhỉ?


    Về phần cha tôi , trong suốt thời gian thơ ấu của tôi, ông luôn như đứng bên ngoài lề cuộc đời tôi. Ông không làm gì để cản ngăn tôi gần gũi nhiều như vậy với mẹ tôi. Mặc dù khi ông hát phải nói rằng...vô cùng "thê thảm" nhưng lại cũng rất thích âm nhạc mà mẹ tôi và tôi luôn rót đầy ắp khoảng không gian trong nhà.

    Từ mấy năm nay tôi trở thành người đem lại "điều lành" cho họ vì chính tôi là sợi dây để nối kết giữa hai người.

    Tôi ngồi vào chiếc đàn Bechstein rồi làm tất cả những gì mà cha mẹ tôi đòi hỏi. "Hãy chơi nhạc Schumann cho ba mẹ nghe đi !" mẹ tôi đòi. " Chơi Bach đi con !" tiếp ngay sau đó là lời cha tôi. Rồi cả cha lẫn mẹ tôi vỗ tay hoan hô tôi hệt như tôi đã là một dương cầm thủ tài nghệ vậy.

    Chị Catherine thì ngược lại, chị không thể chịu đựng được những giây phút vui vẻ đó, những giây phút mà từ lâu rồi tôi tin là một hạnh phúc thực sự.

    Chị Catherine lang thang ở ngoài đường với bọn Bjørnsletta, về nhà trễ , làm cho cả nhà thật vất vả. Nhưng qua ngày chủ nhật thì mọi người trong nhà đều mệt nhoài với những sự cố vừa xảy ra đêm trước: chờ đợi, rượu, tiếng nức nở của mẹ, tiếng kêu la của chị Catherine, hay sự dằn vật vì buồn phiền, những mưu toan hoà giải sau một đêm cãi cọ vì về phần cha mẹ tôi hai người vẫn muốn thử tìm lại hạnh phúc đã mất theo ngày tháng chung sống với nhau...với tất cả những điều đó ai cũng muốn nằm nướng trên giường càng lâu càng tốt. Gia đình Vinding nghỉ bồi dưỡng buổi sáng mà! Tất cả mọi người cư ngụ ở đại lộ Melumveien này ai mà lại không biết!

    Người đầu tiên đặt chân xuống đất là mẹ tôi chỉ một lẽ: Mẹ không thể nào để hụt mất cuộc hoà tấu buổi sáng phát thanh trên radio được.

    Buổi sáng hôm đó, chương trình về Brahms với Khúc Giao hưởng số 4 (Concerto N°4 ).

    Chúng tôi vẫn còn ngồi trước bàn ăn sáng khi được ba tôi báo tin rằng , tin mà chúng tôi cũng đã biết, cả nhà sẽ đi Taterberget ăn trưa ở đó rồi tắm - "cả nhà cùng hưởng một khoảng thời gian thú vị bên nhau" , theo đúng lời nói , không đáng kể, của cha tôi.

    Chị Catherine thở một hơi dài còn đầy mùi bia. Hiển nhiên trên phương diện pháp lý chị ấy đã ở vào tuổi thành niên nhưng theo tôi lại chỉ "vừa đủ thành niên" thôi mà ngày chủ nhật là ngày của cả gia đình Vinding chúng tôi dù bằng bất cứ giá nào, một ngày hoà giải kỳ cục làm tôi có cảm tưởng rằng tôi già dặn hơn tất cả mọi người vì họ không hiểu được rằng họ đã để lộ ra ngoài tất cả những gì đang chất chứa trong đầu họ. Họ đâu hiểu được rằng tôi đã biết hơn họ...rằng từ nay trở đi tất cả cũng đều chỉ là phù phiếm, vô ích.

    Dù vậy nhưng tôi cũng muốn nghe lời để làm vui lòng mọi người. Tôi hướng nhìn mẹ , thận trọng, mỉm cười . Brahms vẫn vang lên từ chiếc radio nhỏ đặt trong nhà bếp. Brahms là sự bí mật của chúng tôi, mẹ và tôi, cùng với Schumann, Debussy. Duy nhất một điều là chẳng có gì vượt qua Brahms được. Ti taaa ta tiii, ti taaa ta tiii... Chúng tôi cùng hát cho nhau nghe, vừa hát vừa nhịp nhịp cánh tay một cách cuồng nhiệt, hành động này đã làm cho chị Catherine bực bội cực độ : chị ấy có cảm giác rằng mẹ và tôi không tài nào rời khỏi được bản giao hưởng tuyệt đẹp và nghiêm trọng đó để đi vào cái thế giới tàn nhẫn và không hoàn hảo hiện tại .

    Phần cha tôi, ông lấy hai chai rượu trên kệ tủ ở nhà bếp. Ông sửa soạn bữa ăn trưa, bữa ăn ngộp người vì hạnh phúc này sẽ kéo dài mãi, khi mà chúng tôi cùng nâng ly lên cụng, hoặc khi chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau, cũng giống như ba mẹ tôi đã làm, theo lời của ba tôi nói, lúc cả hai đưa nhau đi biển Normandie hưởng tuần trăng mật.

    - Tôi đã lấy phô-mai, ba tôi lẩm bẩm lúc mẹ tôi khởi sự làm sà lát .

    Lý do gì đã làm cho tôi phải chú tâm đến mẹ tôi vào hôm đó nhỉ ? tôi luôn luôn tự hỏi .

    Một lúc sau bỗng chợt trong đầu tôi hiện ra ý nghĩ so sánh mẹ tôi với những người đàn bà khác, với những nữ tài tử lừng danh mà tôi có thể ngưỡng mộ khi tôi đọc trộm những tập san dành cho người lớn của chị Catherine tôi. Kim Novak, Audrey Hepburn, Natalie Wood.

    Đứng trước bàn sửa soạn thức ăn của nhà bếp, mẹ tôi qúa đẹp so với nơi này, cuộc sống này. Trong chiếc robe màu xanh sáng, mẹ tôi giống như Maria Callas. Trong phong cách của người nữ danh ca Hy Lạp này mẹ tôi có thể thủ diễn bất cứ vai trò nào cũng được. Mẹ thái hành tây, sửa soạn dấm và luộc mấy quả trứng trong sự thất vọng lớn lao của chị Catherine.

    - Chẳng có ai làm những cái như vậy ở đây, tại xứ này, chị tôi nổi nóng tuôn ra một hơi. Chẳng có ai cả, ngoại trừ mấy người!

    Chị Catherine muốn ám chỉ về bữa ăn trưa, về tình mẫu tử ngông cuồng của mẹ và tôi, về sự lơ là mà cha tôi đã bộc lộ bao lâu nay để tự ca tụng rằng ông lúc nào cũng dễ thương hơn là mẹ tôi...

    Hai kẻ cùng dễ thương và cùng tuyệt vọng, tưởng rằng đã tìm được tình yêu qua sự hôn nhân nhưng lại chẳng thể sống chung được dưới cùng một mái nhà đó là chưa kể đến hai đứa con lúc nào cũng buồn lo, không tài nào vui vẻ ngay cả những lúc mọi người vui. Đấy là gia đình họ Vinding chúng tôi.

    Trong kỷ niệm của tôi, thơ ấu của tôi là một âu lo thường trực, sự âu lo khắc sâu trong cân não hệt như một căn bệnh kinh niên, một đau đớn khi liên tưởng đến sự tồn tại vừa ngắn ngủi vừa căng thẳng mong manh của chúng tôi : chúng tôi thực là yếu đuối trong khoảng trống của cuộc sống trong đó chúng tôi hoàn toàn không có khả năng đáp ứng mà sự bất hạnh lại luôn có thể xẩy đến bất cứ lúc nào.

    Cuối tháng 8.

    Những buổi tối phủ đầy sao và hoàng hôn đen xịt. Ngày chứa chan mặt trời. Những ngày hè đẹp cuối cùng. Những cây tầm xuân ngát hương, những chiếc máy cắt cỏ nổ lẹt đẹt trong những khoảnh vườn nhỏ có rất nhiều ở khu vực này trong thành phố. Người ta cũng đã trở về nhà sau thời kỳ đi nghỉ mát. Nóng đến độ ngộp thở. Cha và mẹ tôi vì không đủ phương tiện để đi nghỉ hè còn tôi và chị Catherine cũng đã từ mấy năm nay chỉ tự bằng lòng với những buổi đi tắm được canh chừng thật cẩn thận hoặc những chuyến đi tầu điện đến khu Studenterlunden ngay ngã tư đường Universitetsgate, nơi đây chúng tôi có thể mua một cây cà rem làm bằng nước . Mẹ tôi thì phải đi làm suốt ngày, điều này ít xảy ra ở khu chúng tôi ở. Nói cho đúng ra thì chúng tôi cư ngụ ở một khu quá sang trọng cho chúng tôi, sang trọng so với khả năng có thể có được của chúng tôi, nhưng đấy là do ý muốn của cha tôi qua câu ông thường hay nói: sống cuộc sống thật sang trọng, ăn những bữa ăn sang trọng, mặc quần áo sang trọng - thây kệ nếu sự sang trọng đó chẳng phải dành cho chúng tôi. Mẹ tôi thì muốn điên lên được bởi vì đồng tiền, những tờ giấy bạc mà mẹ thích được xếp thật thẳng hàng hay những đồng tiền kêu lách cách khi chạm nhau nhờ vào chúng mà khi mua sắm mẹ có thể lựa chọn một cách thoải mái... Nhưng hỡi ơi! những đồng tiền đó không còn tồn tại với mẹ nữa!. Mẹ đã phải nhận làm thường trực thêm một công việc phụ ở rạp chiếu bóng như một công nhân bởi vì nhà hát nhạc kịch phải đóng cửa vào những tháng hè trong khi đó thì cha tôi, suốt ngày quanh quẩn trong cái văn phòng nhỏ xíu của ông ở cổng Dronningens để canh chừng căn nhà cổ lỗ sĩ đã tậu được theo ngày tháng vào nhiều năm trước mà bây giờ không có phương tiện để sửa mới lại ngay cả chỉ để bảo vệ được tình trạng thê thảm hiện nay.

    Mặt trời đã lên cao, bầu trời vô cùng xanh. Dọc theo lối trượt tuyết cỏ nằm dài vì những trận dông tuần lễ trước. Lập tức những luồng gió làm tôi bắt buộc phải lưu tâm . Bữa nay gió qúa mạnh, trời qua nóng. Chúng tôi đi ngang qua khu biệt thự nhà giầu, dài theo chiếc hồ, bờ đê. Cha mẹ tôi, theo thói quen của ngày chủ nhật, tay trong tay. Chị Catherine, trước tôi chừng mười thước, đi ngoằn nghèo chữ chi, nhe răng dọa nạt :

    - Nói một cách dứt khoát thì tao đã đi qua cái tuổi đó rồi!

    Nhưng điều này không đúng đối với tôi. Ở tuổi của tôi là lý tưởng nhất. Tôi dính vào mẹ tôi , như vậy là mỗi bên người của mẹ có một người đàn ông. Bây giờ thì tôi cũng đã cao gần bằng cha tôi rồi. Điều đó đã mang lại cho tôi một niềm vui mà chưa bao giờ tôi có .

    - Trời đất ơi, con lớn thật ! Mẹ tôi reo lên như thể đọc được những ý nghĩ trong đầu tôi.

    Tôi im lặng. Chúng tôi vừa nhìn về phía trước rồi tiến bước vừa quan sát chị Catherine . Thình lình tôi nhận ra được những hình dạng nhấp nhô đặc trưng của mẹ tôi.

    - Ôi chao ôi, đi cạnh mình là một người đàn bà với tất cả những gì đầy đặn ... Nói xong câu đó rồi mặt tôi đỏ lên như gấc, đúng như vậy, lời nhận xét của tôi thực là "vừa đúng giới hạn".

    Mẹ tôi không nín được cười rồi bảo tôi :

    - Con biết cái gì mà nói như thế hở cậu bé của tôi ngốc nghếch kia ơi !.

    Tôi nhún vai, đỏ mặt hơn. Làm sao mà tôi khôn lớn lên được khi mẹ tôi cứ theo dõi từng cử chỉ, từng lời nói của tôi ?.

    - Con biết nhiều thứ lắm rồi, tôi nhẹ nhàng trả lời.

    - Nhưng mẹ thì chẳng thể nào tin được .

    Dứt lời, thật nhanh, mẹ tôi nắm tay tôi xiết chặt. Tôi cũng xiết chặt tay mẹ . Mấy giây đồng hồ trôi qua sau đó cả hai chúng tôi cùng phá lên cười.

    Ăn trưa trên thảm cỏ.

    Bữa ăn diễn ra trong im lặng tưởng chừng như tất cả mọi người đều mệt mỏi.

    Chúng tôi là gia đình duy nhất thường đến chỗ này, dưới vòm những cây tống quán sủi, cây sồi, cây thông còn những gia đình khác thì đưa nhau đi Bogstad hay đi chơi hồ Ostervann . Tuy nhiên nơi đây lại là địa điểm duy nhất đã lôi cuốn gia đình họ Vinding chúng tôi với sự bình lặng của nó. Ở đây chúng tôi có thể uống rượu cả ngày mà không bị người khác nói ra nói vào. Gió và giòng nước sôi bọt khích động ở dưới kia đang bàn tán về chúng tôi như chưa bao giờ tôi thấy. Tôi nói với mẹ về nhận xét này nhưng mẹ chỉ hờ hững gật đầu mà cũng không cần quay lại nhìn đã vậy lại còn nhìn tôi vẻ chế diễu, một ánh đen lờ mờ in dấu trên đôi ngươi mẹ , ánh đen lờ mờ chói sáng trong mắt mẹ chỉ xuất hiện ngay khi mẹ vừa uống vài ngụm rượu.

    Cái nhìn của mẹ làm tôi khó chịu giống như là mẹ đang nghĩ tới một việc gì hay nhận thức ra được điều gì trong tôi mà tôi thì lại không thể có khả năng nhận ra.

    Chiếc xe điện đi ngang cây cầu ở mé trên trước khi chạy tuột vào trung tâm thành phố. Mẹ luôn thích được sống ở trung tâm thành phố, tôi cũng vậy. Một căn phòng có đồ đạc được xếp đặt sẵn trong một góc tối ở khu nhà ga xe lửa là đủ. Chỉ cần đi vài bước là tới rạp hát lớn, rạp chiếu bóng, phòng tiếp tân của trường đại học. Gần tất cả mọi thứ là điều quan trọng nhất. Nhưng chị Catherine và cha tôi lại chỉ muốn ở đây, hai người trái lại rất ít khi nói chuyện với nhau nếu không là chỉ cãi nhau. Chị Catherine bây giờ nằm dài trên một phiến đá lớn bằng phẳng. Chị ấy đang đọc John Steinbeck, The Grapes of Wrath. Bao giờ chị ấy cũng đọc loại sách như vậy, dầy cộm, quan trọng, nổi tiếng, mà chị ấy luôn từ chối khi nói đến nội dung.

    - Sách có tốt không ? Có lần tôi hỏi như thế.

    - Theo mày thì thế nào là "tốt" ? Chị Catherine như kinh bỉ hỏi vặn lại . Thế Brahms có "tốt" không ? Thế chiếc dương cầm của mày có "tốt" không ? .

    Từ khi đó chẳng bao giờ tôi hỏi thêm nữa.

    Cha tôi, chiếm một chỗ gần mẹ vài thước, đang đọc tờ báo rao vạt về buôn bán nhà cửa vừa ra ngày hôm qua tuy nhiên tôi nghĩ là cha tôi không đọc mà chỉ già vờ đọc mà thôi. Cha tôi thích tranh luận với mẹ hơn nhưng ngược lại phần mẹ thì bà lại không ngớt nhìn tôi. Còn tôi, tôi ngoảnh nhìn giòng sông đang sôi sục như chưa từng thấy bao giờ.

    - Con ghi tên vào kỳ thi tuyển năm nay phải không ? Sau cùng thì mẹ cũng lên tiếng hỏi .

    - Lẽ tất nhiên mẹ ạ ! Tôi trả lời, những chữ mà mẹ muốn được nghe.

    - Con sẽ chơi nhạc gì ?

    Tôi do dự để dành câu trả lời. Mẹ quan sát tôi đôi mắt mở lớn. Tôi ngẩng đầu nhìn trời , những cụm mây nhỏ bay nhanh về hướng rừng Nordmarka. Một con chim bồ cắt thật to đã phát hiện ra chúng tôi. Nó đang soải cánh lượn trong bầu không khí ở tuốt trên cao và chắc chắn không thể bỏ xót những cử động của chúng tôi. về sau này tôi nghĩ lại rằng nó là "nhân chứng" duy nhất của chúng tôi, động vật duy nhất có khả năng nhìn được chúng tôi từ bốn hướng. Điều này làm tôi đổ mồ hôi lạnh và tôi cố thử thu mình vào người mẹ .

    - Theo mẹ thấy thì con có thể chơi nhạc gì mà con thích.

    Tới đây thì tôi cần phải thận trọng. Mẹ luôn luôn có sẵn một đề nghị nào đó.

    - Nhạc mà con thích hả mẹ?

    - Đúng, con còn muốn gì hơn nữa hở cưng ?

    Tôi cũng không biết. Tôi cũng không biết thực sự mình muốn gì, và cũng không biết rằng tôi muốn chơi nhạc gì .

    - Con phải suy nghĩ về chuyện này nghe. Debussy, có thể được hay là Prokofiev.

    Mẹ nói xong rồi gật đầy như để tự tán thành với lời vừa nói ra với tôi.

    - Đúng đó, Debussy là phải. Mẹ tôi lại xác nhận thêm .

    Cũng đúng vào lúc đó tôi mới chợt nhận ra được rằng chai rượu thứ hai gần như sắp cạn. Mẹ đã uống một mình chai rượu này.

    Cha tôi, từ nảy tới giờ, lặng nghe những lời đối thoại của tôi và mẹ và bây giờ mới ngẩng lên nhìn. Tôi còn nhớ rất rõ như chuyện vừa mới xảy ra ngày hôm qua : tôi nhìn thẳng cha tôi. Ông có vẻ mỏi mệt như trong ông chẳng còn gì tồn tại nữa: chẳng hy vọng, chẳng vui thú...Bỗng dưng tôi thấy tội nghiệp cha tôi. Tội nghiệp cho ông bởi lẽ từ bao năm nay tôi chỉ biết tội nghiệp mẹ thôi - điều này làm cho tôi bối rối.

    - Con thích biết bao nhiêu khi cha mẹ sung sướng. Tôi vừa nói vừa nhìn chòng chọc vào miếng phô ma, vào những qủa trứng, vào miếng jambon, đĩa sà lát còn gần như nguyên vẹn dưới ánh mặt trời.

    - Đừng nghĩ đến cha mẹ làm gì con ạ. Mẹ nói bằng một giọng gần như gay gắt. Bây giờ, điều quan trọng đáng kể nhất đó là con.

    - Chị Catherine và con. Tôi chữa lại.

    - Đúng như vậy.

    Dứt lời, mẹ nhìn về phía chị tôi đang ngồi , quá xa để có thể nghe được lời mẹ nói.

    - Chị Catherine và con.

    Mẹ tôi vừa nhắc lại vừa với tay cầm chai rượu .

    - Ba mẹ lúc nào cũng hiện diện cạnh các con dù các con muốn hay không...

    Mẹ tôi thở dài rồi tu một hơi hết những giọt cuối cùng còn trong chai.
    Cha và mẹ tôi sau cùng rồi cũng nói chuyện với nhau. Lần cuối cùng.

    Suốt bao nhiêu năm nay tôi đã thử nhớ lại nội dung những lời đối thoại của hai người nhưng không một chút chi tiết nào trở về được trong ký ức tôi, ngay cả ba tôi ông cũng không còn nhớ lại được nữa vì cũng đã nhiều lần tôi hỏi ba tôi về chuyện này.

    Chiếc xe điện lại chạy ngang. Tôi cảm thấy rằng con chim bồ cắt vẫn rình rập chúng tôi cho dù tôi không còn nhìn thấy được nó trên bầu trời cao ngay đầu tôi. Cha và mẹ đã nói chuyện với nhau được một lúc. Hình như cả hai không đề cập đến một đề tài nghiêm túc nào cả hơn nữa tôi cũng không thật sự chú tâm nghe. Có thể là hai người nói về cái nhà tắm cần phải được sơn lại, loại chi phí mà chúng tôi có thể bỏ tiền ra được. Hay cũng có thể là hai người bàn cách sắp xếp công việc vào tuần lễ tới, những lúc mẹ tôi đi làm hoặc những việc khác ...lời nói của cả hai chẳng một chút nào thân thiện. Khi đề cập đến những con số, tôi loáng thoáng nghe, thì tình hình trở thành căng thẳng hơn. Kìa, mẹ tôi đã đứng dậy. Kể từ lúc đó thì tôi nhớ rất rõ từng chi tiết một.

    - Tôi không còn tài nào chịu được như vậy nữa!. Mẹ nói. Bây giờ thì tôi đi tắm.

    Cha tôi nhìn mẹ tôi, hoảng sợ :

    - Bộ em điên sao, Ase ? Em đi tắm trong lúc nước chảy như thác thế này à! Dù trời nóng nhưng nước dưới sông lạnh lắm đó !

    Gió.

    Tôi cảm thấy được luồng gió trên người tôi.

    Thôi hỏng cả rồi. Giờ thì mẹ tôi cởi chiếc robe, quẳng xuống đất. Chúng tôi thấy trên mình mẹ thay vào bộ đồ lót là một chiếc áo tắm màu xanh với những chấm trắng. Như vậy là mẹ cũng đã dự trù sẽ đi bơi. Đôi dép để không bị trợt thì ngược lại mẹ đã quên không mang theo. Mẹ chập choạng, ngã qụy gối rồi đứng lên ngay tức khắc. Tôi còn nhớ cập đùi trần của mẹ tôi, thật trắng vời những dấu xanh vì chứng giãn tĩnh mạch. Tôi nhận ra là mẹ bị chảy máu nhưng cũng không vì thế mà làm trở ngại việc thích đi bơi của bà.
    Cha đã chạy theo ôm được bà nhưng mẹ vùng khỏi tay ba tôi. Sự bực dọc bất thình lình đã đến. Chỉ một tiếng nói nữa là coi như xong.

    - Đừng em, đừng Ase ! Dòng nước mạnh lắm !

    - Thây kệ tôi ! Anh có nghe hay không , anh Hjalmar ? Tôi cần phải suy nghĩ!

    Chưa bao giờ mà tôi nghe giọng chói tai trong tiếng nói của mẹ tôi như vào cái ngày đó.

    Bà lao người thật nhanh về mé hòn Taterberget bằng lối bơi sải trong khi đó cha tôi bơi theo bà bằng kiểu bơi crôn, hết sức chưa từng thấy bao giờ. Chị Catherine vẫn chưa rời quyển sách của Steinbeck. Dù thế nào chăng nữa cũng vẫn là chuyện đã qúa quen thuộc : cha bơi theo, chạy theo để bắt kịp mẹ, còn mẹ thì chạy trốn nhưng cuối cùng cũng vẫn để bị bắt lại, rồi người thì giận dữ đóng sập cửa bỏ đi với điếu thuốc cắn chặt một góc miệng, người thì nức nở khóc. Nhưng điều không bao giờ có thể quay trở lại được. Chị Catherine cũng nhận ra được điều đó cùng lúc với tôi : tiếng kêu réo của cha tôi, mẹ tôi bấy giờ đã bám được vào món đá Taterberget, mỏn đá u ra giữa giòng sông nước réo chảy đó, nhưng chỉ có một điều là những đợt sóng thật qúa cao, liên tục đập vào mặt mẹ trong lúc mẹ tôi hình như choáng ngộp muốn tìm chút không khí để thở. Cha tôi vẫn tiếp tục kêu réo hệt như khi ông nhắc đi nhắc lại chuyện một căn phố nào đó mà ông không mua, ngược điều mà ông nói, dù rằng ông điên vì những căn phố .

    - Anh sẽ bỏ chuyện đó, Ase! Cho anh xin lỗi! Anh hứa sẽ không bao giờ nói chuyện đó nữa.

    Tuy thế cơn giận của mẹ vẫn còn, bộc lộ qua hai cánh tay bà đang níu chặt hòn Taterberget - chính thế mà tôi đã hiểu được tình thế nguy ngập lúc đó : mẹ tôi sẽ chẳng thể bám vào đó lâu được nữa.

    - Anh bỏ chuyện đó mà , Ase ơi !

    - Trễ quá rồi! Tiếng mẹ thét lên lẫn trong tiếng nước chảy.

    Cùng lúc, mẹ tôi buông tay, nấc lên như bà vẫn thường làm khi bà muốn đóng kịch với chúng tôi ở nhà - một vai mà mẹ tôi biết trình diễn thật xuất sắc. Nhưng hôm đó, cánh tay của cha tôi thì lại qúa xa để có thể đỡ được bà. Mẹ đã bị dòng lũ cuốn đi lôi mạnh về mé hồ nước . Cha tôi lúc này đã có thể đứng được trong nước, uà về phiá mẹ, trên những hòn đá. Tôi chạy dọc theo bờ sông về hướng có những nhánh cây chĩa ra ở chỗ ngoặt trước cây cầu thứ nhất mà ở đây mẹ còn có thể bám vào được nếu như dòng nước không lôi mẹ ra xa. Có lẽ cùng lúc, cha tôi cũng nghĩ như tôi nên gào lên :

    - Ase, Ase! Cái cây! Ase!.

    Mẹ cố ngoi lên nhìn. Thiếu một chút nữa là trễ, mẹ hiểu được cha tôi muốn nói đến cái gì, lập tức mẹ cố trườn mình về phía nhánh cây rồi nắm chặt vào trong khi đó tôi chạy về hướng mẹ tôi cùng lúc dưới giòng nước lũ cha tôi cũng nhoài được đến gần mẹ. Cha tôi đã từng bị rơi vào hoàn cảnh này rồi, lúc đó nạn nhân chính là tôi và bây giờ thì sự việc lại cũng xảy ra hệt như vậy chỉ khác lần này là mẹ . Lúc bấy giờ thì mẹ đã nắm thật chặt được cả hai tay vào nhánh cây, gương mặt mẹ tái nhợt , đôi mắt như lồi ra , miệng mở thật rộng nhưng không một âm thanh nào thoát ra được.

    - Anh đã giữ được em, Ase! Anh đã giữ được em!

    Quả thực lúc đó cha tôi đã nắm được mẹ . Nhưng cũng ngay vào lúc đó thì cành cây gãy, nước ở khoảng đó lại thật sâu và những luồng nước ngầm cực mạnh. Bị hút xuống dòng nước xoáy, bấy giờ cha tôi qụy xuống như một người đang phải bị qùy gối . Cha tôi cũng sắp sửa bị hút theo mẹ tôi. Tôi lao xuống nước ngay lúc đó, nắm được cánh tay cha tôi. Không một người nào trong chúng tôi lại có thể tưởng tượng ràng dòng nước mạnh đến như thế. Và, ... cha tôi bỏ mẹ tôi ra. Mẹ tôi nhìn chòng chọc vào tôi vẻ hoài nghi nhưng mẹ tôi hiểu. Mẹ đã hiểu ngay từ trước lúc chúng tôi lao xuống để cứu. Cha tôi muốn bơi theo nhưng tôi đã ngăn trở bằng cách dùng tất cả sức lực của tôi, một cậu bé mười lăm tuổi, ôm ghì lấy cha tôi. Tôi cũng không biết vì sao tôi lại hành động như vậy nhưng cha tôi không thể lao mình về phía mẹ nếu không muốn bị mất hút theo mẹ tôi. Chị Catherine xuất hiện phía sau tôi, nắm tóc tôi vừa kéo vừa la lên :

    - Mày bỏ ba ra! Bỏ ba ra!

    Tôi vẫn không chịu nới tay mà ngược lại còn xiết chặt hơn. Gần như tôi đang làm cha tôi nghẹt thở với vòng cánh tay ngang cổ họng ông. Tôi lôi cha tôi lên bờ rồi cả tôi và ông ngã lăn đè lên người chị Catherine lúc này đang tiếp tục gào :

    - Chạy nhanh lên ! Chạy nhanh lên !

    Song chúng tôi phải chạy về đâu bấy giờ? Dòng nước đổ cực mạnh như đang trong cơn giận dữ khi tuôn đến được bờ đập bị nuốt ngốn vào một lỗ mở hẹp. Dù vậy tôi vẫn chạy, cùng lúc chị Catherine và cha tôi eo sèo ở phía sau. Vào chính lúc này tôi hiểu tôi đã làm gì. Đôi chân tôi run lên. Cả ba chúng tôi đến được chân cầu thứ ba. Cái đầu của mẹ tôi khi đó là một điểm nhỏ trong nước. Tất cả bỗng dưng thật im ắng cho dù không phải là như thế. Giòng sông cuộn đi tất cả, những con nòng nọc, những con cá, mẹ tôi. Giờ thì mẹ tôi chỉ còn nhỏ như đầu một cây kim, cách thác nước khoảng năm mươi thước. Tôi biết là mẹ tôi nhìn thấy chúng tôi. Mẹ tôi biết rằng tôi giữ cha tôi lại. Mẹ tôi biết mẹ sắp chết. Cha tôi qụy người vật vã trên đám sạy, rên rỉ, gào khóc. Chị Catherine vừa lao chạy ra phiá mé đường lộ vừa kêu cứu ...

    Tôi phải làm gì bây giờ ? Câu hỏi này như một câu vè luẩn quẩn trong đầu tôi.

    Chỉ còn vài giây nữa với tôi mà thôi sau đó mẹ sẽ bị nuốt ngấu bởi thác nước.

    Một khúc giao hưởng của Brahms chợt hiện ra trong trí óc tôi, trong đó xếp chồng lên nhau tiếng gầm của giòng sông, tiếng hú của gió rồi tiếng bánh xe lăn của chiếc xe điện ở trên kia làm tắt những tiếng động khác.

    Bất thình lình tôi giơ cao tay lên. Tôi giơ tay chào vĩnh biệt mẹ tôi. Ngay cả về sau này tôi cũng không biết được rằng cảnh tượng có xảy ra hay không dù vậy tôi vẫn thấy rõ rệt hệt như vừa mới xảy ra ngày hôm qua: Mẹ tôi giơ cánh tay trái lên cũng để ra dấu vĩnh biệt tôi.

    Vâng, đấy là hình ảnh cuối cùng lúc mẹ tôi còn sống mà tôi luôn giữ, trước khi bị vuột vào thác nước, đập đầu vào những hòn đá nhọn, trước khi tẩm liệm ... Mẹ tôi chào giã biệt tôi lúc sắp chết. Mẹ tôi chào tôi, chào Askel Vinding của mẹ, bởi lẽ tôi là con trai của bà, bởi lẽ tôi và bà luôn luôn có nhau. Và vẫn luôn luôn, dù cho nhiều năm đã trôi qua khi tôi ngồi viềt những giòng chữ này, tôi có cảm tưởng rằng tôi vẫn không rời khỏi chỗ đó, dưới chân cầu, trong đám lau sậy nhìn mẹ tôi chào tôi, mẹ vĩnh biệt tôi, vĩnh biệt thiên thu!





    Troyes, 21 giờ 15 - tối 10.11.2008 tại La Sérénité .

  • #2



    ĐÔI HÀNG VỀ TÁC GIẢ & TÁC PHẨM


    Tiểu thuyết TIL MUSIKKEN của Ketil Bjørnstad là tiểu thuyết vừa được trao giải thưởng French Readers' Award - "Giải Thưởng của Những Độc Giả Pháp" vào ngày 23 tháng 09 năm 2008 với bản dịch dưới tựa đề là La société des jeunes pianistes - "Hội Của Những Nhạc Sĩ Dương Cầm Trẻ Tuổi"- tên của một nhóm thiếu niên học dương cầm tại Oslo trong những năm 60 tự đặt ra mà chính tác giả, Ketil Björnstad cũng đã quá quen thuộc vì lẽ chính ông là ứng viên đã đậu trong cuộc thi tuyển những dương cầm thủ trẻ tuổi tại thủ đô Na Uy khi được 14 tuổi.

    Ketil Bjørnstad, sinh ngày 25 tháng 4 năm 1952 tại Oslo - Norway , là một nhạc sĩ dương cầm đã được nhiều người biết tiếng, nhà soạn nhạc và làm thơ viết văn. Ketil Bjørnstad khởi sự ra mắt độc giả qua thi tập "Alene ut" vào năm 1972 .

    Cho tới nay tác giả này đã cho ra xuất bản hơn 30 tác phẩm đủ thể loại : tiểu sử, tiểu luận, thơ, truyện và rất nhiều nhạc bản, nhạc phim, đĩa nhạc. Tiểu thuyết TIL MUSIKKEN xuất bản lần thứ nhất bằng tiếng Na Uy vào năm 2004 .

    Nhân vật chính của TIL MUSIKKEN là Askel Vinding, 15 tuổi. Cậu nhìn thấy thật rõ rệt mối bất hòa giữa cha mẹ cậu : Một người thì khao khát thành công quá độ và người kia thì lấy nhạc và rượu để quên đi những bất hoà trong gia đình.

    Biết rằng vào buổi sáng hôm đó, khi đi píc-níc tại khu rừng sồi cha mẹ cậu đang ở trong một tình trạng căng thẳng tuy nhiên cậu vẫn cố tự giữ sự quân bình nhưng không thể ngờ được rằng diễn biến đã xảy ra một cách thật tàn nhẫn như thế : mẹ Askel đã bị chết đuối!.

    Sau tình huống thê thảm đó, Askel bỏ học... Chỉ có một điểm duy nhất làm Askel còn có thể đứng vững được trước những quay quắt, ám ảnh của thảm trạng đã xảy ra đó là tình yêu âm nhạc cổ điển mà người mẹ đã truyền lại . Vì vậy, cậu ta quyết tâm chuẩn bị cho cạnh tranh giải Young Maestro Piano.

    Vào năm này, 5 người được vào chung kết : Askel, Ferdinand, Margrethe Irene, Rebecca và Anja rồi sau đó sự quan hệ giữa Askel và Anja có vẻ như là một định mệnh...

    Tiểu thuyết được kết cấu như một bản Concerto với khúc dạo đầu thật dữ dội để sau đó với Phần thứ Nhất (First Movement) như dụng ý cho người đọc thấm nhập vào cách phân tiết thật đặc biệt của tác giả.


    Ketil Björnstad thuật truyện bằng một nhịp điệu chậm rãi cố tình để những cảm xúc và sự căng thẳng nguy kịch mang lại tất cả sức sống động của nó : Người đọc cảm trước được rằng lộ trình của những chàng nhạc sĩ dương cầm trẻ tuổi sẽ dãy đầy những trắc trở và những móc nghéo đủ kiểu.

    Khi Phần thứ Hai (Second Movement) khởi sự, nhịp điệu tăng nhanh và thảm kịch thứ nhất có thể tác động vào. Phần thứ Hai này mặc dù hơi ngắn tuy nhiên người đọc hiểu rằng đây chỉ là điều báo trước cho một kết thúc đau thương nhất.

    Trong Phần thứ Ba (Third Movement) , sau cùng tất cả những yếu tố, đã được xếp đặt trước đó, mang đến một âm hưởng, một giải pháp.

    Độc giả hoàn toàn bị ngập trong âm nhạc, nín thở để nghe ngay cả sự im lặng của nó, choáng váng vì chuyện kể, thôi miên bởi sự duyên dáng của giai điệu thê lương và thống thiết không ngừng. Ketil Björnstad đã thật khéo léo liên kết chủ tâm của ông với hình thức viết.

    Những điểm vừa nói trên có thể giải thích tại sao một tiểu thuyết "nhập môn" như Til Musikken xuất hiện cùng lúc với biết bao nhiêu sản phẩm văn chương khác lại đã đem đến tất cả tầm quan trọng và lý do hiện hữu của nó với độc giả.

    Chuyện tình yêu, chuyện tang tóc, chuyện về âm nhạc : đấy chính là một cuộc hoà nhạc, càng lúc càng mạnh, mà nhà văn Na Uy Ketil Björnstad gởi mời người đọc.

    Tính đến hôm nay TIL MUSIKKEN đã được chuyển ngữ sang các thứ tiếng : Anh - Đan Mạch - Đức - Pháp - Hy Lạp - Hàn quốc - Nga - Thổ .

    Hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc Thác Đổ trong phần thứ Nhất của tiểu thuyết TIL MUSIKKEN.

    Comment

    Working...
    X