Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Sợi dây

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Sợi dây

    Mẹ đi làm về, gọi lớn:
    - Cái Lan, thằng Khôi dọn nhà cửa!
    Thằng Khôi nhìn chị Lan, nhấn chuột tắt màn hình vi tính:
    - Đã chiều thứ sáu rồi sao?
    Chiều thứ sáu nào nhà cũng như có loạn. Mẹ về không kịp nghỉ tay, vội vàng hô hào cả nhà dọn dẹp trên xuống dưới. Tối mờ tối mịt mới được ăn cơm.


    Minh họa: Kim Duẩn

    Sáng thứ bảy, tầm tám giờ. Bác đến. Cái xe máy kêu vang xóm, tiếng máy còn kêu to hơn tiếng còi. Phía trước phía sau là những giỏ, những đùm, túi to nhỏ. Bố reo:
    - Cá nướng úp vung này!
    Mẹ mở hộp cá:
    - Thơm quá, con cá này dễ năm cân hả bác?
    Bác lột mũ bảo hiểm, lột thêm cái mũ vải, cười hể hả:
    - Sáu cân hơn đấy, cá sông, thịt chắc lắm!
    Bác tháo cái túi treo trước ghiđông:
    - Của hai đứa, ổi vườn, vừa giòn vừa ngọt.
    Thức ăn, rau ráng, trái cây, thứ nào cũng tươi sạch. Cuối tuần bác một mình một ngựa sắt cà tàng chở đồ quê ra phố. Có thứ bác tự nuôi trồng, có thứ bác mua, "rẻ ấy mà!", bác nói khi thấy mẹ áy náy.
    Bác đi một vòng quanh nhà, dừng lâu nhất ở mảnh vườn trên sân thượng. Thành phố tấc đất li kim cương, tuần nào đấy bác đi lùng mua mười mấy cái thùng xốp to. Bác mua đất, một mình vác lên tầng trên đổ đầy thùng. Bố mẹ đòi phụ, bác gạt đi nói bay dân bàn giấy không quen làm nặng, ba chuyện này để tao. Hai ngày, bác biến cái sân thượng nền ximăng thành một khu vườn.
    Bác tổ chức "hội nghị đầu bờ". Tay bác gieo hạt, miệng thuyết minh.
    - Muốn nhanh cứ anh rau mầm nhé, hạt gì cũng được. Tưới tắm chừng một tuần là có ăn.
    Rau muống, mồng tơi, rau đay, cải xanh, cải ngọt, có cả hành lá với ngò rí. Khôi thì thào:
    - Nhà mình tính làm siêu thị rau à?
    Bố đùa:
    - Bác ngại cho nhà em rau hay sao mà làm vườn rau hoành tráng thế?
    Bác hề hề:
    - Tao chả ngại, gì chứ rau nhà ối. Chẳng qua cho chúng nó làm quen với lao động.
    Hồi chưa làm vườn, mỗi lần bác đến thế nào bác cũng tìm ra việc gì đó để làm. Cái bồn rửa chén thoát nước chậm, ổ điện chập chờn, sàn nhà tắm bị tróc, bác lui cui sửa hết. Bác làm một mình nhưng kéo bất cứ ai ở bên cạnh ngồi nói chuyện. Bác đến, chị em nó đừng hòng yên ổn ôm iPad hay máy tính, kêu chúng mày phải cho mắt nghỉ chứ, cắm mắt vào đấy coi chừng hư mắt hết con ơi.
    Ba mẹ về, bác lại than với ba mẹ. Luật mới được đặt ra: khi bác lên, không được ôm máy, nếu dùng phải đặt đồng hồ nửa giờ phải bỏ đó ra sân dạo mười lăm phút. Bác chẳng khi nào thấy ngồi một chỗ, trừ khi ăn cơm. Bác tha thẩn lau dọn thứ nọ, sắp xếp thứ kia. Bác là đàn ông mà chẳng nề hà, chổng mông lau nhà vì không biết dùng cây lau.
    Có lần Khôi cự:
    - Bác ở quê biết gì, sao bố mẹ không nói bác hiểu, bắt tụi con làm theo ý bác không à.
    - Bác ở quê nhưng suy nghĩ và tình cảm của bác không quê đâu.
    Bố kể ông bà nội mất sớm, bác hơn bố bốn tuổi, nghỉ học nhường em đến trường. Bác lọ mọ cua cáy, suốt ngày ngoài đồng, có khi ngày ăn một bữa cơm nhưng bố nhất định phải đủ ba bữa dù là khoai bắp. Bố nghẹn giọng:
    - Cả đời bố không sao quên được một ngày khi ra đồng gọi bác về. Bố chợt nhận ra mình đã cao hơn bác gần một cái đầu. Vất vả, đói khát khiến bác không lớn nổi. Tối ấy bố nói sẽ nghỉ học, anh em rau cháo có nhau. Bác sống chết không chịu: "Chú bỏ học lúc này khác nào mấy năm qua của tôi vô ích? Tôi thà nuôi con bò, con heo có khi còn được nhờ".
    Nghe bác nặng lời, bố òa khóc, không dám đòi nghỉ nữa. Quyết tâm học thật giỏi, sau này nuôi lại anh. Bố lên thành phố, bác vẫn ở nhà cũ không chịu theo em. Bố đi làm tự nuôi thân được, bác mới bắt đầu cắp sách học chữ. Chưa khi nào thấy bác than thở, bác cứ tuềnh toàng, vui vẻ thế. Bác quên luôn chuyện vợ con. Bao người nói sao bác không lên thành phố ở với em trai, một mình vất vả, bác bảo:
    - Em tôi là ai? Cũng máu, cũng thịt của bố mẹ tôi. Tôi vầy có gì khổ, chú ấy chắc gì đã sướng?
    Những gì bác nói, bố coi như kim chỉ nam của đời mình. Bố luôn nói đời bố bất hạnh mồ côi sớm, nhưng có hai điều hạnh phúc. Một là có anh trai thương yêu, hai là có vợ thông cảm.
    Mẹ không nói gì. Ngày ấy, mẹ phải vượt qua bao trở ngại từ phía bên ngoại mới đến được với bố. Khôi thì thào với chị Lan:
    - Nhà mình ai cũng là anh hùng hén!
    Vườn rau lên xanh mướt, những chuyến xe cuối tuần của bác không có rau, thay vào đó là hạt giống, phân bón. Bác còn mang lên những cái que tre cắm làm giàn cho mồng tơi, đậu côve, dưa leo. Chiều chiều cả nhà bốn người tụ tập lên sân thượng, người tưới cây, người nhổ cỏ. Cảm giác ăn rau vườn nhà rất thích, vừa tươi, vừa ngon. Thú vị nữa là mẹ làm nước mắm, chạy ù lên hái trái ớt. Nồi canh thịt có ngay hành lá, nhạt miệng có cọng rau thơm.
    Khôi hỏi:
    - Sao nhà mình không về thăm bác, bắt bác lên nhà mình hoài?
    Bố trầm ngâm:
    - Có khi tuần này nhà mình làm chuyến về bác. Bác ngại các con đường xa, bụi bặm.
    Cả nhà háo hức chuẩn bị cho chuyến "về nguồn", Khôi ném iPad vào hộc tủ. Chị Khôi mang theo tuýp kem chống nắng. Mẹ chuẩn bị ít thuốc bổ cho bác, ít quà cáp cho hàng xóm.
    Nhưng không kịp mang theo. Tin bác mất đến lúc rạng sáng thứ năm.
    Nhìn ngôi nhà nhỏ gọn gàng, hầu như không có vật gì đáng kể, nước mắt Khôi lộp bộp rơi. Gia tài của bác có chăng là gia đình nó.
    Lúc về, Khôi với chị đi ôtô. Bố mẹ đi bằng xe máy của bác. Chị em Khôi về đến nhà, hơn tiếng sau bố mẹ mới về tới, mặt mũi tái nhợt vì mệt.
    Sáng Khôi dậy, thấy bố đang lau chùi cái xe máy cũ, vừa lau vừa khóc.


    NGUYỄN THỊ THANH BÌNH
Working...
X