Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Một phút mặc niệm cho tết mậu thân huế

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Một phút mặc niệm cho tết mậu thân huế



    Câu chuyện xảy ra trong Tết Mậu Thân 1968...

    Lúc đó chúng tôi từ SàiGòn về Huế ăn Tết và chúc thọ song thân chúng tôi, nhà ở tại Bầu Vá, đường Huyền Trân Công Chúa. Đêm mồng một Tết, thừa dịp hưu chiến, việc canh phòng Cố Đô được nới lỏng cho mọi người dễ đi lại. việt cộng đánh úp và chiếm trọn tỉnh Thừa Thiên...Những ngày hãi hùng...
    May sao quân đội Mỹ đổ bộ ở Thuận An đánh quét sạch việt cộng sau hai ba tuần giao chiến ác liệt...
    Khi Bàu Vá được giải phóng, chúng tôi được quân đội Mỹ đưa về tạm trú tại trại Macvy của quân đội Mỹ thiết lập gần trường Khải Định .

    Đây là là bài của bà Nguyễn thị Thu Ba ( con gái của nhà cách mạng Nguyễn Bá Trác, tác giả Hồ Trường ) đã trích trong Nhật Ký của Bà viết năm 1983 khi bà và chồng qua tị nạn ở Pháp với con gái là Tôn Nữ Đông Hương.
    ***

    Xe đưa thẳng chúng tôi vào trại Macvy là đại bản doanh của quân đội Mỹ. Trong trại, chỉ có mình tôi là phụ nữ. Vài người lính lại hỏi han thấy tôi trả lời bằng tiếng Anh, họ thích và thán phục, có cảm tình với chúng tôi.
    Ba hôm liên tiếp, chúng tôi được tiếp tế toàn đồ hộp, ration A hay B gì đó, trong đó có đủ hết ngay cả tăm xỉa răng. Họ cho chúng tôi mỗi người một giường bố, thấp lè tè, đặt ở một lối đi có gió lùa. Mền đắp là một miếng vải nylon mà lúc ấy Huế đang vào tháng Giêng với cái lạnh ẩm ướt buốt giá .
    Tôi nằm mà run lên từng chặp, cuồn cuộn ở ruột, nhưng vẫn cảm thấy yên ổn, sung sướng hơn những kẻ đang dẫy chết ngoài trận địa.
    Hai ngày sau khi đến, Thiện ( em chồng tôi ) gặp được một tốp ký giả bạn ngoại quốc...Tay bắt mặt mừng, như cá gặp nước, họ reo lên, bu quanh nói chuyện.
    Họ cho biết ngày mai họ sẽ đi Đà Nẵng bằng trực thăng. Thiện chụp cơ hội xin cho cà ba chúng tôi đi theo. Họ bằng lòng ngay,nhưng rủi cho chúng tôi, lúc ấy ông tỉnh trưởng Thừa Thiên đang lảng vảng ở đó, nghe nói, y chận lời ngay, nói chúng tôi là công dân Việt Nam phải ở dưới quyền ông, phải về bên trại Việt Nam thiết lập nơi trường Kiểu Mẫu, tất là toà Khâm Sứ cũ.
    Tỉnh trưởng, nếu tôi nhớ rõ là ông Nguyễn Đăng Khoa. Vì y mà ba chúng tôi phải trải qua những ngày tháng hãi hùng nơi trại này, thay vì được thoát ngay. Nhưng có lẽ y chì là công vụ của Định Mệnh để lưu chúng tôi lại, mà riêng tôi lại có dịp báo đáp ơn sâu nghĩa nặng cho mẹ chồng tôi như sẽ thấy sau này .
    Cứ thản nhiên như tế, cuộc sống phiêu lưu kéo dài được hai ngày. Đến chiều thứ ba, khi chúng tôi dắt nhau ra ngoài cổng trại để kiếm chỗ làm và đi toilet, vì trong trại không có nhà vệ sinh thì gặp ngay chú Lan, người nhà hớt hải chạy lại kêu:
    Cậu mợ ơi, cụ Bà bị thương nặng nơi đầu, mê man bất tỉnh, con đưa xuống còn để nằm ngoài kia ( chú dơ tay về phía xa) Câu mợ ra đưa Cụ vào chữa gấp. Thôi cho con về cho kịp thiết quân luật . Chúng tôi chưa kịp hỏi han thì chú ta te cò chạy mất, kêu mấy cũng không quay lui. Thật ra thì chú ở trên Bầu Vá xa lắm mà trời đã gần tối rồi.
    Cả ba chúng tôi tay chân còn rụng rời, không biết mẹ nằm ở đâu vì chú Lan không chỉ rõ, bèn vội vàng đi về phía mấy dãy nhà bên trái cổng. Chúng tôi đang lo lắng vì trời tối dần, đèn đuốc không có mà phải đi tìm cho ra. Đi quanh hai ba vòng không thấy đâu cả, lại càng lo sợ... Thì may sao, như được Trời giúp, đến trước hành lang một tòa nhà kia thấy trong xó có một cái bàn mà trên ấy tôi nhận ra cái mền xám mẹ chồng tôi thường đắp ở nhà, trùm lên một cái gì đó có vẻ như hình người.
    Chúng tôi vội giở lên: chính Mẹ mình, bà nằm co quắp, mê man bất tỉnh, mặt mày lem luốt những máu là máu. Chúng tôi khóc oà lên, xúm nhau đỡ bà nằm lên mền đưa gấp về " bịnh viện ". kêu là bịnh viện cho rôm vậy thôi, chớ thuốc men chả có gì, giường nằm cũng không, còn nhân viên chỉ lèo tèo vài ba cô y tá và một bác sĩ mà giờ này ông ta đi đâu mất; chồng tôi chạy quanh kiếm không ra.
    Một chặp lâu, tường như cà thế kỷ ông ở đâu lù lù về nhờ có người báo ông mới về gấp. Ông khám sơ, bảo phải cho nước biển vào gấp. May sao sục sạo hồi lâu trong mấy tủ, " đào " ra được một chai, cho vào liền, đồng thời ông rửa ráy vết thương rồi băng bó lại.
    Mẹ chồng tôi bị một mảnh sắt nhỏ của súng cối găm sâu vào màng tang, nên máu cứ chảy rỉ rỉ ra hoài không làm sao chặn lại được, trừ khi mổ lấy mảnh sắt ra nhưng ở đây làm gì có dụng cụ máy móc mà mổ với xẻ! Thôi đành đáp ứng với tình thế chứ viết làm sao bây giờ ! Chồng tôi ngồi canh mẹ, đè cứng lấy tay bà không cho nhúc nhích sợ sút kim ra.
    Lúc ấy đã bảy giờ, trời tối om. Chung quanh, người bị thương nằm la liệt, có người đã chết nằm co quắp ven tường không ai rảnh mà đem đi, thật là rùng rợn . Vậy mà số người ở đâu cứ đưa đến mỗi lúc một đông, để nằm cùng ở dưới sàn nhà vì không có giường.
    Cái chết, cái sống, người mất, người còn, tôi thất thần không còn nhận ra aichết ai sống nữa ! Vì trước mặt tôi khung cảnh quá khủng khiếp, hỗn loạn, máu đổ, người rên, kẻ không chân, người cụt tay có phải chăng đây là địa nguục trần gian và chúng tôi bị đọa xuống ?
    Chồng tôi vẫn cúi đầu ôm tay mẹ, ông em thì mắt đỏ hoe, không dám nhìn cảnh đau lòng ấy. Còn tôi... có gì hơn chú em chồng, tâm thần bất định, trí óc rối loạn, muốn rời ngay chỗ này mà đi thật xa, kiếm một nơi nào yên tỉnh để nghỉ ngơi một chút nhưng nhiệm vụ trước mặt bắt buộc tôi phải cố trấn tỉnh mà lo cho tròn : nào mẹ chồng, nào em chồng, nào chồng người nào cũng đang lâm vào một cảnh bi đát đau thương cần tôi phải lo sắp đặt bảo bọc cho họ.
    Ý nghĩ đó làm cho tôi lần lần bình tỉnh lại để đóng vai người đạo diễn. Nhưng trong cách tổ chức tôi cố giữ phần ưu thế, đặt cho mình vai trò vừa được nhẹ nhàng vửa được tránh sự sợ hãi. Sau đó tôi chia công tác, chồng tôi ngồi với mẹ cho đến canh tư, Thiện theo tôi đi tìm chỗ ngủ để lấy sức rồi đến canh tư trở lại thay thế chỗ cho anh, còn tôi có phận sự canh chừng có việc gì bất trắc xảy ra, tôi sẽ giải quyết.
    Khi đưa Thiện đi tìm được một chỗ ngoài hành lang để nằm ngủ cho qua đêm, tôi trở lại chỗ chồng tôi thì con đường hẽm đã đầy người mới chở đến nằm la liệt
    .Trong đêm tối tôi quờ quạng cố tránh họ mà đi, miệng cứ la: Xin nằm sát vào thành cho có chỗ cho người đi . N hưng lúc ấy một ánh đèn bấm của người y tá loé lên, tôi thấy mình đang đứng giữa đống xác chết, người cụt tay, người cụt chân, đầu vỡ nát, những cặp mắt lồi, miệng tét giơ hai hàm răng...Ôi ! Khủng khiếp quá
    ! Ghê rợn quá! Tôi thất kinh hồn viá , ngã lăn ra trên đống xác, không còn hay biết gì nữa. Đến khi tỉnh lại, chả biết là bao lâu, tôi vẫn chưa định thần tìm hiểu tại sao mình nằm đây. Mãi một lúc sau khi đã tỉnh hẵn, tôi mới nhớ là đang định đi đến chỗ mẹ chồng và chồng mình đang còn ngồi đó với mẹ. Tôi như muốn khóc lên trong bóng tối, chả biết phải đi về phía nào, quên cả ngã vào ra, tôi bước liều...
    Té ra tôi đã đi ngược lại, đến một phòng trữ gạo mà bao còn vứt ngổn ngang, tôi mệt quá, nằm vật xuống trên một bao, thiếp đi cho đến sáng bị người giữ kho kéo đuổi ra.
    Tôi liền đi tìm Thiện để lại đổi phiên cho anh thì thấy chú ta còn ngủ, mà trời ơi, lại nằm cạnh một người đã chết từ lâu được đắp chiếu mà chú ta không hay biết gì cả. Khi thức dậy, chú vừa tỉnh thì thất kinh khi thấy mình nằm cạnh xác ấy cả đêm. Chúng tôi vội vàng đi lại chỗ chồng tôi. Anh vẫn còn ngồi với mẹ, ngồi suốt cả đêm trong phòng lạnh buốt, một tay vẫn đè lên tay đang được tiếp máu của mẹ, tay kia để trên bụng mẹ để truyền hơi ấm qua cho mẹ, miệng lẩm nhẩm niệm Phật.
    Bây giờ trời đã sáng hung, một chút sau khi chúng tôi đến thì hết nước biển, ông bác sĩ khuyên chúng tôi nên đưa bà cụ xuống phòng dưới để té chỗ cho các bệnh nhân mới đến. Chúng tôi đành xúm nhau quấn bà trong mền đưa xuống để nằm trong góc phòng và ngồi cạnh bà canh chừng.
    Bà vẫn mê man, mặt mày sưng phù lên, máu vẫn rỉ ra thấm ướt cuốn băng. Hơi thở có vẻ càng yếu dần đi. Chúng tôi nhờ mấy bà ở đó canh chừng giùm để đi ra rửa mặt và kiếm gì ăn lót dạ. Đang kiếm chưa ra thì nghe có người chạy theo réo lên:
    - Các ông bà ơi, bà cụ tắt thở rồi !
    Chúng tôi hết sức bối rối, chả biết phải làm gì để lo đám tang cho mẹ trong hoàn cảnh hiện tại, thiếu thốn mọi phương tiện, nhất là tiền. Tôi vội đi tìm các cô y tá để hỏi phải làm thủ tục như thế nào. Trong lúc bước ra ngoài trời, tôi xúc động quá vì vừa đi vừa khóc lớn, thì ở góc tường có một cô gái nghe khóc, quay lại nhìn tôi ròi chạy lại:
    -Ai như chị Hanh vậy ?
    -Em Soa !
    Tôi vừa nói vừa khóc, mếu máo kể tình trạng của chúng tôi. Soa là người học trò cũ của chồng tôi, xưa kia ở cạnh nhà và rất mến chúng tôi. Soa nghe tôi kể xong, xúc động muốn khóc theo, rồi tự dưng mở lời :
    -Em sẵn có tiền đem theo, chị cầm tạm mười ngàn mà lo cho cụ.
    Trời ơi! Đang bối rối, tôi được Soa cho mượn tiền một cách hồn nhiên vồn vã, tôi nghẹn ngào không biết phải ăn nói làm sao để cám ơn tấm lòng hào hiệp của người con gái mới lớn lên.
    Thật là tấm lòng vàng hiếm có trong thời buổi chiến tranh, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại, ai có tiền mới sống được.
    Tôi cầm tiền rồi như cái máy, chả tìm hỏi ý kiến ai, vụt chạy thẳng theo đường cái băng qua cánh đồng An Cựu.
    Chân không giày dép, tôi chạy bộ trên đường. Cái lạnh buốt da chân đã đành, còn cái lạnh của vỏ đạn rải khắp nơi trên mặt đường cắt chân tôi chảy máu mà lúc ấy nào tôi có để ý, cứ thế chạy miết cho đến Miễu Đại Càng vào nhà quàn mua một cái hòm gỗ tạp hết 7000 đồng rồi ra thuê một chiếc xích lô đạp chở về.
    Đang đi trên đương thì bị máy bay Mỹ tảo thanh vùng An Cựu bắn việt cộng, đạn bay vèo vèo trúng cái hòm lủng mấy lổ mà may quá, lạy Trời lạy Phật không trúng anh phu xe và tôi đang lúp xúp chạy một bên. Khi đạn nổ, anh phu xe hoảng hốt đòi quăng xe chạy núp, tôi cũng hoảng ôm tay anh chặt cứng. Trong lúc đó tôi không còn biết mình là ai nữa, chỉ thấy hoảng sợ, mong bấu víu vào một vật gì mà cánh đồng thì trống trải không một bóng người, cây bên đường thưa thớt, biết trốn vào đâu ?
    Thôi thì đành chịu chết với anh phu xe vậy. Có Trời mới hiểu cho tâm trí tôi lúc này! Con ơi ! Chồng ơi ! Sao đời tôi hoạn nạn quá vậy ?
    Máy bay đã mất hút, đạn không còn nổ, song tôi vẫn không buông tay anh phu xe, tôi lấy lời lẽ dịu ngọt van lơn anh , thuyết phục anh chịu khó chở chiếc quan tài về trại tôi sẽ xin trả tiền thật hậu. Tôi còn nhớ là tôi kêu gọi lương tâm của anh, đồng thời tôi cũng như giảng đạo cho anh nghe :
    -Nếu anh bỏ tôi, anh chạy anh cũng sẽ chết, thà chết mà làm được một việc nghĩa giúp tôi đem hòm về chôn mẹ chồng tôi, anh sẽ được Trời Phật cho anh khỏi xuống địa ngục..
    Mà anh ta nào có hiểu Điạ Ngục với Thiên Đàng, Còn lương tâm ? Ôi chao ! Nhất là trong thời buổi loạn ly này ai cũng chỉ lo cho mạng sống của mình trước đã. Điều mà làm cho anh ta xiêu lòng không gì khác hơn là tiền, nghe tôi nói tôi sẽ trả rất hậu cho anh là anh nhận lời ngay. Khi con người thoát được hoạn nạn, thì việc đầu tiên là nghĩ đến mối lợi, đến đồng tiền. Tiền cũng như một tắm kiếng phản chiếu ánh dương thường làm mờ cả lương tâm con người.
    Vì vậy anh ta leo ngay lên xe đạp đi, tôi theo sau đẩy thêm cho mau.
    Trong giây phút đó, tôi chỉ có trong đầu óc ý nghĩ là mẹ tôi sẽ được chôn cất tử tế đàng hoàng khỏi bị bó chiếu đắp vùi xuống như bao người xấu số khác , hoặc sẽ bị chó đói đào lên ăn thịt. Lòng tôi dấy lên một niềm hân hoan đầy tình thương, chả còn nhớ gì đến đôi chân đau buốt rách da.
    Về đến trại tôi thấy hai anh em đang đứng canh mẹ, đầu gục xuống như hai khúc gỗ, mỗi người một vẻ buồn, mặt mày hốc hác bơ phờ, đau khổ lộ ra trên đôi mắt đục ngàu.Tôi bước nhanh vào kêu to lên:
    - Mua được hòm rồi !
    Cả hai đều ngạc nhiên : -Tiền mô mà mua rứa ?
    Chồng tôi mắt sáng lên và mừng rỡ. Tôi kể lại chuyện xong, hối thúc hai anh em bắt tay vào việc.
    Trong lúc Thiện đi tìm thuê người đào huyệt thì tôi phụ chồng liệm mẹ

    Cả đời tôi đâu bao giờ dám sờ mó đến thây người chết đâu và có biết gì là liệm, thế mà sao lúc ấy tôi bạo dạn thế ! Tôi lấy hai áo gấm chú Lan chở theo hôm qua, mở rộng hai cánh tay rồi mặc vào cho mẹ. Tôi làm rất tự nhiên, không sợ hãi tí nào và lòng tràn ngập yêu thương. Tôi quấn mền cho bà, tẩm liệm xong, thì mấy người phụ đang khiêng cái hòm ra, chưa đào xong huyệt, thì đạn súng cối việt cộng bắn vào rơi nổ ầm ầm, họ bỏ chạy hết chỉ còn ba chúng tôi cứ tiếp tục đào huyệt, lấp đất không biết có đủ bề sâu không nữa , ba chúng tôi bỏ chiếc hòm vào huyệt, lấp đất lại . Làm xong, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, rất tự hài lòng đã làm tròn bổn phận một người dâu hiếu thảo.Trong lúc ấy, đạn vẫn vèo vèo trên đầu, chung quanh, nhưng hình như có sự phù hộ của mẹ, cả ba chúng tôi đều an toàn... ( trích một đoạn về Tết Mậu Thân )


    Nguyễn Thị Thu Ba .

    *Toulouse, 1968 . Hôm đó tôi đang mở Tivi theo dõi Tết Mậu Thân Huế, thấy chiếu cảnh một người đàn bà đang ngồi bên đường, đầu đội cái nón lá rách, đang lấy tay lấp một khoảng đất dài bằng cho một cái hòm, tôi nghĩ là bà đang chôn cất ai đó. Bỗng dưng mặt mày tôi choáng váng, tôi gọi chồng:
    - Anh ơi ! Lại coi nì ! Trởi ! thì ra lúc TV chiếu thật gần người đàn bà, bà ta ngước mặt lại nhìn ống kính, tôi nhận ra là mẹ mình! Tôi run bắn cả người và cảm thấy một cái lạnh như thép xuyên vào ngực mình ! Chồng tôi cũng không ngờ nhưng xem rồi bỏ đi chỗ khác...

    Mấy tháng sau, khi chú Thiện tôi và Ba Mẹ tôi đã trở vào SàiGòn lại, tôi gửi thư về hỏi mẹ, bà cho biết là những cảnh trên TV là do tốp ký giả ngoại quốc bạn chú Thiện từ Đà Nẵng trở vào Huế để quây phim phóng sự Tết Mậu Thân thì tình cờ lại gặp gia đình tôi và quay cảnh trong lúc chôn cất bà Nội tôi, và sau đó chắc đài truyền hình Pháp đã mua lại những cuộn phim quý giá này, và một sự tình cờ của Trời mà tôi đã nhìn thấy tận mắt cảnh mẹ mình chôn bà Nội.

    Đây chỉ là một đoạn hồi ký trong nhật ký của mẹ tôi nói về Tết Mậu Thân, vì gia đình còn trải qua không biết bao nhiêu chuyện nữa, và thật may cho ba tôi và chú tôi đã thoát khỏi bị " chôn sống "...vì hai ông có tên trong danh sách những người này, đã hai lần bị bắt đi " rửa óc" ( laver le cerveau ), lần thứ ba họ bảo 11 giờ sáng họ đến tìm thì 10 sáng Mỹ đánh lên đến Bầu Vá...

    đông hương
Working...
X