Nhà chúng tôi ở cạnh nhau – chúng tôi đây là… bố cô nhỏ và tôi – nên ông thường mời tôi sang nhà dùng cơm, nhất là vào những buổi chiều cuối tuần. Và những khi sang chơi thì thường xuyên được đãi món canh rau mồng tơi, là món ăn dân dã của người mình – phổ biến và lại rẻ tiền vì không cần mua sắm gì nhiều, chỉ thoắt ra vườn là có ngay, thêm vài con tôm khô cho ngọt nước nữa thôi.
Canh rau mồng tơi nấu với lá mồng tơi có cả đọt. Mồng tơi là loại cây leo lá dày hình tim, hoa trắng – cũng có loại màu tím nhạt – và quả của nó thì màu tím xẫm, tròn như viên bi trẻ con mà các nữ sinh lớn bé (cả cô nhỏ) thường hay mang về… chế biến mực tím viết thư tình, thế mới lâm li.
Người ta bảo canh rau mồng tơi ăn mát và nhuận trường vì có nhiều chất thuốc. Nhưng phải biết ăn cơ, vì rau mồng tơi nhờn, nhờn lắm, mà hơi chát nữa. Nhưng khi đã ăn đôi lần thì có thể, như tôi, trở thành nghiện vì nước canh ngọt dịu như cái hôn thuở ban đầu, và những lọn rau mềm mại như những vòng tay. Đó là chưa kể đến cái hương thoang thoảng…
Nấu canh rau mồng tơi thì các bà các cô nội trợ đun nước sôi, cho tôm khô cộng một dúm muối vào rồi ít phút sau thì cho thêm vào ấy là rau mồng tơi, úp vung rồi vài phút sau nữa thì tắt lửa.
Chỉ thế thôi. Thế mà cô nhỏ nấu thật khéo. Nước canh màu lục nhẹ, trong, tỏa khói trắng mỏng, và những lọn rau. Thích nhất là khi đưa bát canh lên miệng thì cái hương rau nó tỏa ra ngan ngát ; với ngụm canh đầu khi trông thấy sự chờ đợi tán thưởng, ôi sao mà ngọt lịm. Cái ánh mắt ân cần ấy như thấm vào từng lá rau mềm nhũn. Bảo sao không mê. Tôi chịu khó sang chơi nhà ông láng giềng, lâu dần thành thói quen không thể thiếu.
Như người ta cần ngủ với nằm mơ, cần thở và cần yêu. Tôi cũng không đặt vấn đề rằng : vì bát canh rau mồng tơi hay gì gì khác? Chỉ hiểu rằng không sang thì nhớ lắm. Cái nhớ nó cồn cào ! Cái nhớ nó ray rứt !
Cái nhớ nó sao mà quay quắt đến lạ ! Đứng trên gác cạnh cửa sổ trông sang, sau hàng giậu mồng tơi, cô nhỏ đang ngồi học bài ; có khi ngồi yên, dáng vẻ suy tư, mộng mơ ; có hôm cô nhỏ bê cả cái giá vẽ ra bày ngoài vườn, vẽ cái giậu mồng tơi xanh điểm những vệt tím, những chấm trắng, có vài con bướm –bướm thì chỉ thêm vào chứ quanh đây chả có con nào– cũng đôi khi cô nhỏ bế đứa em nhỏ xíu trong lòng cho bú, với cái bình sữa cũng không to lắm, giọng ru khe khẽ mà tôi nghe loáng thoáng :
«Gần nhà mà chẳng sang chơi
Ðể em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu…»
Cái giậu mồng tơi xanh rì, sao mà rậm. Những chùm hoa nhỏ, trắng ngần sao mà xinh. Tôi chợt nhận ra – ơ hay! – cái giậu mồng tơi có một khoảnh đến tiều tụy ; cành thì thưa thớt lại hoe vàng, không hoa, chẳng quả, chỉ lác đác một ít lá xơ xác, “xanh xao”, trông mà tội.
Cái khoảnh ấy nằm tận đầu kia, sát chân tường nhà, trong một góc khuất ; có lẽ vì ít nắng, có lẽ vì thiếu chăm sóc, cũng không chừng vì cô nhỏ hay tiện chân hái lá ngắt đọt nấu canh nên nó mới thế… Cái khoảnh gần như trần trụi nầy đã to được nửa cái lối đi thế mà mãi bây giờ tôi mới nhận ra. Nào phải vì tôi cố ý không thấy, mà vì mắt tôi cứ luôn mơ màng nơi xa hơn chỗ ấy, trôi tuột sang bên kia. Rõ tệ ! Nghiêng đầu ngắm nghía cái khoảnh thưa, tôi lẩm bẩm : «Thêm ba bát canh nữa dám có thể lách sang bên ấy bằng đường nầy đấy.»
Chợt, tiếng ông hàng xóm bên kia vườn vọng sang, giọng miệt Tiền Giang chân chất :
– Hồi nữa rảnh qua ăn cơm nghe, mậy.
– Vâng ạ! Có cánh gió nhẹ băng qua cái hàng giậu mồng tơi làm lao xao những chiếc lá xanh…
Vũ Hạ
Canh rau mồng tơi nấu với lá mồng tơi có cả đọt. Mồng tơi là loại cây leo lá dày hình tim, hoa trắng – cũng có loại màu tím nhạt – và quả của nó thì màu tím xẫm, tròn như viên bi trẻ con mà các nữ sinh lớn bé (cả cô nhỏ) thường hay mang về… chế biến mực tím viết thư tình, thế mới lâm li.
Người ta bảo canh rau mồng tơi ăn mát và nhuận trường vì có nhiều chất thuốc. Nhưng phải biết ăn cơ, vì rau mồng tơi nhờn, nhờn lắm, mà hơi chát nữa. Nhưng khi đã ăn đôi lần thì có thể, như tôi, trở thành nghiện vì nước canh ngọt dịu như cái hôn thuở ban đầu, và những lọn rau mềm mại như những vòng tay. Đó là chưa kể đến cái hương thoang thoảng…
Nấu canh rau mồng tơi thì các bà các cô nội trợ đun nước sôi, cho tôm khô cộng một dúm muối vào rồi ít phút sau thì cho thêm vào ấy là rau mồng tơi, úp vung rồi vài phút sau nữa thì tắt lửa.
Chỉ thế thôi. Thế mà cô nhỏ nấu thật khéo. Nước canh màu lục nhẹ, trong, tỏa khói trắng mỏng, và những lọn rau. Thích nhất là khi đưa bát canh lên miệng thì cái hương rau nó tỏa ra ngan ngát ; với ngụm canh đầu khi trông thấy sự chờ đợi tán thưởng, ôi sao mà ngọt lịm. Cái ánh mắt ân cần ấy như thấm vào từng lá rau mềm nhũn. Bảo sao không mê. Tôi chịu khó sang chơi nhà ông láng giềng, lâu dần thành thói quen không thể thiếu.
Như người ta cần ngủ với nằm mơ, cần thở và cần yêu. Tôi cũng không đặt vấn đề rằng : vì bát canh rau mồng tơi hay gì gì khác? Chỉ hiểu rằng không sang thì nhớ lắm. Cái nhớ nó cồn cào ! Cái nhớ nó ray rứt !
Cái nhớ nó sao mà quay quắt đến lạ ! Đứng trên gác cạnh cửa sổ trông sang, sau hàng giậu mồng tơi, cô nhỏ đang ngồi học bài ; có khi ngồi yên, dáng vẻ suy tư, mộng mơ ; có hôm cô nhỏ bê cả cái giá vẽ ra bày ngoài vườn, vẽ cái giậu mồng tơi xanh điểm những vệt tím, những chấm trắng, có vài con bướm –bướm thì chỉ thêm vào chứ quanh đây chả có con nào– cũng đôi khi cô nhỏ bế đứa em nhỏ xíu trong lòng cho bú, với cái bình sữa cũng không to lắm, giọng ru khe khẽ mà tôi nghe loáng thoáng :
«Gần nhà mà chẳng sang chơi
Ðể em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu…»
Cái giậu mồng tơi xanh rì, sao mà rậm. Những chùm hoa nhỏ, trắng ngần sao mà xinh. Tôi chợt nhận ra – ơ hay! – cái giậu mồng tơi có một khoảnh đến tiều tụy ; cành thì thưa thớt lại hoe vàng, không hoa, chẳng quả, chỉ lác đác một ít lá xơ xác, “xanh xao”, trông mà tội.
Cái khoảnh ấy nằm tận đầu kia, sát chân tường nhà, trong một góc khuất ; có lẽ vì ít nắng, có lẽ vì thiếu chăm sóc, cũng không chừng vì cô nhỏ hay tiện chân hái lá ngắt đọt nấu canh nên nó mới thế… Cái khoảnh gần như trần trụi nầy đã to được nửa cái lối đi thế mà mãi bây giờ tôi mới nhận ra. Nào phải vì tôi cố ý không thấy, mà vì mắt tôi cứ luôn mơ màng nơi xa hơn chỗ ấy, trôi tuột sang bên kia. Rõ tệ ! Nghiêng đầu ngắm nghía cái khoảnh thưa, tôi lẩm bẩm : «Thêm ba bát canh nữa dám có thể lách sang bên ấy bằng đường nầy đấy.»
Chợt, tiếng ông hàng xóm bên kia vườn vọng sang, giọng miệt Tiền Giang chân chất :
– Hồi nữa rảnh qua ăn cơm nghe, mậy.
– Vâng ạ! Có cánh gió nhẹ băng qua cái hàng giậu mồng tơi làm lao xao những chiếc lá xanh…
Vũ Hạ