Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Những truyện ngắn của Lưu Quang Minh

Collapse
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Những truyện ngắn của Lưu Quang Minh

    Vài nét về tác giả:


    Lưu Quang Minh, sinh 18/5/1988 tại TP HCM, là sinh viên ngành Đồ họa - Mỹ thuật công nghiệp. Đã có truyện ngắn đăng trên các báo: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Lao Động... Thành viên bút nhóm thiếu nhi Nhiệt Đới. Giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn Web Hội ngộ văn chương với truyện "Già trước tuổi". Đã in: tập truyện ngắn đầu tay Gia tài tuổi 20 (NXB Văn Học - 3/2010), Thực Hay Mơ (2012), Những Tâm Hồn Đồng Điệu (2012)





    Học nấu ăn


    Một thằng con trai bao năm chỉ biết ăn cơm má nấu, chẳng sờ tay đến dụng cụ gia chánh nào như cậu bây giờ lại giấu má đi học nấu ăn…

    Lưu Quang Minh
    (Truyện ngắn của tôi)

    Ý nghĩ đó chẳng biết từ đâu không ngừng thôi thúc cậu. Cậu sẽ học nấu ăn. Có sao không nhỉ? Một thằng con trai mà lại đi học nấu ăn sao? Nhưng… có quái gì là kỳ lạ kia chứ. Vua đầu bếp Yan Can Cook chẳng phải rành rành là một đấng mày râu đó sao!
    Lục lại ký ức từ bé cho đến lớn, cậu nhận ra hầu như chưa có bất kỳ điều gì từng là niềm ham thích đích thực của đời mình. Ai cũng nên có cho mình một đến vài đam mê và mơ ước, cớ sao cậu lại không? Tại sao không?
    Phải cho mình một cơ hội chứ! Đúng rồi đấy!
    Những nghĩ suy hừng hực nhanh chóng hạ gục nỗi dè dặt băn khoăn còn hiện diện. Mạnh dạn lên nào! - vừa nghĩ cậu vừa tiến lại bàn tiếp nhận.
    - Chào chị…
    - Chào em, em cần gì?
    - Em… em muốn đăng ký khóa nấu ăn ạ.
    - Ừ, em xem thử trên bảng các khóa học hiện có của nhà văn hóa. Em có thể chọn khóa chuyên đề hoặc ngắn ngày đang chuẩn bị khai giảng. Quyết định xong thì điền thông tin vào phiếu này giúp chị!
    Cậu cứ tưởng chị nhân viên sẽ tròn xoe mắt nhìn cậu như một sinh vật lạ từ trên trời rớt xuống, nhưng trái lại chị chẳng tỏ vẻ gì là ngạc nhiên cả.

    - Vậy em đăng ký khóa nấu ăn gia đình ạ.
    - Ừ, thứ hai tuần sau lớp sẽ khai giảng. Lớp có thời lượng một tháng gồm 12 buổi, em quyết định xem học vào tối các ngày hai- tư-sáu hay ba-năm-bảy?
    - Dạ, ba-năm-bảy ạ
    - Được rồi. Học phí của em là… Nhớ đem theo biên lai khi đến học, em nha.


    Cầm tờ biên lai trên tay, lòng cậu cảm giác nôn nao lắm. Một thằng con trai bao nhiêu năm trời chỉ biết ăn cơm má nấu, chẳng bao giờ rờ tay đến bất cứ dụng cụ gia chánh nào như cậu bây giờ lại giấu má đi học nấu ăn… Thế rồi vừa chợt nghĩ đến một bữa ăn bất ngờ do cậu tự tay nấu nướng dành cho cả nhà vào ngày đẹp trời nào đó, nỗi phấn khích đã tràn trề trong cậu.


    Phải rồi, nhất định cậu sẽ nấu những món ăn thật ngon cho má thưởng thức.



    Thế rồi vừa chợt nghĩ đến một bữa ăn bất ngờ do cậu tự tay nấu nướng dành cho cả nhà vào ngày đẹp trời nào đó, nỗi phấn khích đã tràn trề trong cậu.

    Buổi học đầu tiên bắt đầu trong sự ngạc nhiên của cậu chứ chẳng phải ai khác. Lớp gần hai mươi người. Hơn nửa lớp đều là chị em phụ nữ, còn lại là thanh niên trai tráng, lác đác có cả một vài bác trai đã qua tuổi trung niên nữa. Hóa ra nào phải chỉ mình cậu lẻ loi là “mày râu” trong lớp.
    “Chào mừng các anh chị đã đến tham gia khóa học nấu ăn của nhà văn hóa chúng tôi…”
    Ngay cả người hướng dẫn cũng là thầy chứ không phải cô giáo như cậu tưởng. Cách bố trí lớp lại chẳng hề như cậu hình dung trong đầu, mà mọi người đứng quây quần bên chiếc bàn lớn có đầy đủ dụng cụ và nguyên vật liệu cần thiết lắng nghe sự hướng dẫn của thầy và cùng nhau thực hành.
    Nỗi ngại ngùng còn sót lại ít nhiều trước khi bước vào lớp tan biến đi đâu hết, cậu nuốt trôi từng lời của thầy như đón nhận những món ngon khoái khẩu mình ưa thích nhất.
    - Chào bạn!
    Cậu quay đầu về phía giọng nói nhỏ nhẹ ấy. Mất mấy giây để cậu đáp lại:
    - Ừ… chào bạn….
    Đó là một cô gái không được ưa nhìn cho lắm, với ai đó khắt khe hơn cậu hẳn sẽ nhận xét nhan sắc của cô dưới cả mức trung bình.
    - Bạn tên gì vậy? Mình là Ngọc. Chúng mình làm quen nha!
    Cậu lại mất thêm mấy giây nữa để suy nghĩ. Xưa nay, cậu vốn là một đứa rụt rè nhút nhát. Chẳng khi nào cậu dám mạnh dạn mở lời bắt chuyện với ai đó còn xa lạ. Thành thực mà nói, cậu nhận thấy mình chẳng có điểm gì nổi trội so với bạn bè. Suốt những năm tháng đến trường, cậu dường như chỉ là một chiếc bóng vô hình trong lớp đi đi về về.
    - Chào… Mình tên Hoàng…


    Đối diện với bất kỳ cô gái nào, cậu không khỏi tỏ ra lúng túng và thảng thốt âu lo. Vốn thiếu tự tin trong mọi điều, có lẽ cũng vì trước giờ cậu chẳng biết dựa vào đâu để mà mạnh dạn. Điều dũng cảm tưởng chừng duy nhất của cậu được manh nha hẳn là khi quyết định tham gia khóa học nấu ăn này.
    - Hoàng chắc là thích nấu ăn lắm đúng không? Mình thấy con trai dạo này ai cũng vậy!
    - Ừ… Mình thấy nấu ăn cũng hay. À… nếu có gì… nhờ Ngọc giúp… mình dở lắm… - Cậu lại mất bình tĩnh? Không được! Chẳng việc gì phải run như thế cả.
    - Tất nhiên rồi. Nhưng Ngọc cũng chẳng giỏi giang gì đâu. Có gì thì cùng giúp nhau nha!
    Cậu gật đầu.
    Ngày đầu tiên nên thầy dành thời gian sinh hoạt lớp và giới thiệu những món ăn sẽ thực hiện trong chương trình, sau đó cả lớp cùng thực hành những bước nấu nướng căn bản. Nghe qua, cậu hơi lo lắng:
    - Thầy giới thiệu nhiều món có vẻ khó quá, không biết mình nấu được không nữa…
    - Không sao đâu, học là sẽ làm được thôi mà! - Ngọc động viên.



    Món thịt kho trứng vịt, một món ăn tương đối dễ làm và rất phổ biến trong các bữa ăn gia đình Việt Nam

    Thấm thoát mới đó mà đã hai tuần trôi qua - khóa học nay cũng đi được nửa chặng đường rồi. Bây giờ, cậu không còn bỡ ngỡ như những ngày đầu tiên mới đụng tay vào các nguyên liệu nấu nướng nữa. Hôm nay thầy hướng dẫn cả lớp món thịt kho trứng vịt. Như những buổi học trước, thầy đọc cho cả lớp ghi chép từng bước thực hiện rồi thị phạm. Sau đó từng học viên sẽ trực tiếp lên đứng bếp mỗi công đoạn cho đến khi hoàn thành món ăn.
    Đến lượt cậu lên thực hành bước làm nước màu kho thịt. Thầy tận tình nhắc lại công thức:
    “Nước màu rất quan trọng vì nó quyết định tính hấp dẫn đẹp mắt của món ăn. Bạn cho 5 thìa cà phê nước và 3 thìa cà phê đường vào nồi nhỏ rồi bắt đầu đun với lửa lớn, đun đến khi đường chuyển sang màu cánh gián thì chúng ta tắt bếp nhé…”
    Cậu làm xong nước màu thì đến phiên Ngọc làm bước tiếp theo: thái thịt cho vào nồi rồi đổ nước ướp thịt vào nấu.
    “Thịt kho trứng vịt là món tủ của vợ bác đấy, hai cháu ạ!” - Bác Long đứng kế bên phấn khích nói khi hai đứa về chỗ.


    Bác Long là một trong nhiều học viên lớn tuổi khá đặc biệt của lớp. Bác kể vợ bác xưa nay đảm đang lắm, nấu được rất nhiều món ngon. Ngày trước, chiều chiều bác đi làm về, nghỉ ngơi một chút rồi ngồi vào bàn ăn bữa cơm tươm tất bà ấy nấu là bao nhiêu nhọc mệt của cả một ngày dài tan biến đi hết cả. Giờ về hưu rồi, hai vợ chồng ở nhà buồn buồn, có con có cháu muốn vui vầy thì cũng phải chờ đến cuối tuần chúng nó mới về thăm. Thế rồi một ngày bác nảy ra ý hai vợ chồng già cùng dắt díu nhau đi học nấu ăn. Bác gái đồng ý hai tay luôn. Tất nhiên hai bác không học cùng một lớp, vì những món gia đình này bác gái vốn đã quá “cao cường”.


    Bà ấy học lớp kế bên, chuyên về làm các loại bánh từ ta đến tây. Bác thì học mấy món đơn giản, còn trổ tài nấu cơm cho bà ấy ăn chứ. Tự nhiên về già bác lại hứng thú với nấu nướng các cháu ạ…
    Hai đứa vừa nghe bác kể vừa tủm tỉm cười. Sau khi bác Long và những người còn lại thực hành xong là khoảng thời gian đun chờ cho đến khi thịt mềm và chuyển màu nâu đẹp mắt.
    - Lưu ý trong quá trình đun các bạn nhớ hớt bọt khi cần thiết…- Thầy nhắc thêm.
    Cuối cùng, thầy múc thịt và trứng ra đĩa, hướng dẫn thêm cách bày biện sao cho đẹp mắt.
    - Vậy là chúng ta đã hoàn thành món thịt kho trứng vịt, một món ăn tương đối dễ làm và rất phổ biến trong các bữa ăn gia đình Việt Nam.
    Như thường lệ, cả lớp đồng loạt vỗ tay để kết thúc buổi học. Vào cuối mỗi buổi, học viên sẽ được lấy một phần món ăn đem về nếu thích.
    - Hoàng không lấy à?
    - Không… Ngọc lấy cả phần của Hoàng đi…



    Nụ cười của người đàn ông ánh lên rạng rỡ. Hệt như nhiều năm về trước, khi cậu thanh niên tự tay nấu món ăn đầu tiên cho cả nhà thưởng thức.

    Hôm nay cậu và Ngọc lại về chung. Hai đứa bây giờ đã khá thân nhau. Cậu còn nhớ vào cuối buổi học thứ hai, gần về tự nhiên Ngọc hỏi:
    - Học xong mình đi uống nước không Hoàng…
    - Ừ… cũng được… Để lấy xe ra rồi tụi mình đi…- Lúc ấy cậu vẫn còn hơi mắc cỡ, mà có khi nhiều là đằng khác. Đây chắc cũng là lần đầu tiên có một cô bạn gái rủ cậu đi chơi đâu đó.
    Ra khỏi cổng nhà văn hóa, đồng hồ đã chỉ tám giờ hơn. Phố xá lên đèn từ lâu. Hai đứa cứ thế hòa vào dòng xe cộ tấp nập ồn ã.
    - Mình uống sinh tố nha, Ngọc biết quán này ngon lắm.
    - Được… Ngọc dẫn đường đi. Hoàng chạy theo.
    Đến nơi, cậu mới nhận ra quán sinh tố nằm trong một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo heo hút. Cậu nghĩ nếu người mới đến lần đầu hẳn sẽ rất khó kiếm, lắm khi còn mau chóng nản lòng. Nhưng ngược lại, khách đến quán rất đông, ngồi tràn ra cả đường hẻm.
    - Mình ngồi đây nha Hoàng.
    - Ừ… Quán vậy mà đông khách quá.
    - Tại vì họ làm sinh tố rất ngon, không tin uống thử là biết à! Hoàng uống gì nè?
    - Không biết nữa… Ở đây có món gì ngon Ngọc chọn giúp Hoàng đi.
    - Vậy uống sinh tố bơ nha, món tủ của Ngọc đó. Anh ơi cho em hai ly sinh tố bơ!
    Chỉ một chốc, anh chàng phục vụ đã đem hai ly bơ mát lạnh ra.
    - Hoàng uống đi, cho ý kiến nha.
    - Ồ, ngon thật! - Vừa nhấp ngụm đầu tiên, cậu đã phải thốt lên
    - Thấy không nè. Ai cũng nghĩ làm sinh tố rất dễ, nhưng thật ra để gọi là ngon thì không hề dễ đâu nha, mà cũng chỉ có ít người mới làm được thôi.
    - Ừ. Pha chế hay nấu nướng là cả một nghệ thuật mà…
    - Đúng rồi. Thật ra ước mơ từ rất lâu của Ngọc là mở được một quán ăn nho nhỏ, và tự tay mình nấu những món thật ngon cho khách hàng thưởng thức.
    - Ai cũng nên có cho mình một đến vài đam mê và mơ ước, phải không?
    Vậy còn ước mơ của cậu? Trên đường về, sau khi hai đứa chia tay nhau, những lời của Ngọc trôi lững lờ trong đầu cậu.
    "...Nhưng Ngọc chỉ là sinh viên tỉnh lẻ lên đây trọ học, không thân không thích. Rồi mình cũng từng đi làm bưng bê phục vụ nhiều nơi lắm để trang trải cuộc sống… và cố gắng tích cóp một chút để được đi học nấu ăn nữa".


    Có lẽ cậu còn may mắn hơn rất nhiều người. Và có lẽ cậu thật may mắn vì đã tìm thấy được ít nhất là một niềm vui trong đời.



    * * *


    - Hai má con xuống ăn cơm!
    - Dạ… Hôm nay ba nấu món gì mà thơm thế? A má ơi, thịt kho trứng vịt!
    - Nhìn hấp dẫn ghê, ông xã em đảm đang quá!


    Nụ cười của người đàn ông ánh lên rạng rỡ. Hệt như nhiều năm về trước, khi cậu thanh niên tự tay nấu món ăn đầu tiên cho cả nhà thưởng thức, rồi phấn khởi nói khi má xuýt xoa khen:“Vậy từ nay, con sẽ nấu thêm thật nhiều món nữa cho cả nhà thưởng thức nha!”.

  • #2
    Xe bánh mỳ

    Không! Dù lời ít cũng được, chị sẽ không bao giờ bán đồ dơ, đồ độc hại cho khách. Không bao giờ.

    Lưu Quang Minh
    (Truyện ngắn của tôi)

    Như thường lệ, chị bắt đầu công việc của mình từ sáng sớm. Đi lấy bánh mỳ từ lò xong, chuẩn bị đầy đủ thành phần nguyên liệu cho một ngày dài, vậy là chị đã sẵn sàng để lên đường. Ngày nào cũng vậy - một hành trình đã ăn vào mỗi bước chân, chị đẩy xe bánh mỳ của mình rong ruổi trên những con đường thân thuộc. Rất nhiều khả năng kể cả khi nhắm mắt lại, chị cũng có thể bước đi chính xác.


    Không khó để nhận ra càng ngày càng xuất hiện nhiều xe đẩy bánh mỳ rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố giống như xe của chị. Nó không phải là loại xe bánh mỳ bán cố định một góc đường hay con hẻm nào đó mọi người thường luôn thấy. Xe của chị cần phải gọn gàng và nhẹ nhàng hơn rất nhiều để dễ dàng di chuyển. Hẳn vì thế mà loại xe tiện dụng này luôn đóng bằng gỗ. Còn muốn tránh khói bụi, một lớp giấy kiếng trong suốt sẽ được phủ lên ba mặt của xe. Thế là xong: chị có thể đi bất cứ nơi đâu để bán - vào bất cứ lúc nào.
    Điểm dừng chân đầu tiên của chị là dưới một cao ốc lớn có lẽ phải hơn hai mươi tầng. Khách quen của chị là các bác tài lái taxi đậu xe túc trực ở bãi chờ khách. Thấy chị đẩy xe đến, từ xa chú đã vẫy vẫy tay:
    - Ốp la đi em ơi, đói quá rồi nè!
    Chị mỉm cười, dừng xe ở chỗ cũ. Bật bếp ga mi-ni lên, cho ít dầu vào chảo, đợi cho dầu sôi chị mới đập trứng vào chiên.
    - Mấy bữa này trời lạnh quá em hen - Vừa nói chú vừa xoa tay rồi hơ trên bếp than nhỏ chị dùng để nướng thịt và làm nóng lại bánh mỳ.
    - Dạ, anh giữ ấm kẻo bịnh thì khổ... - Chị lại cười với chú, tay dùng đũa lật ngược miếng trứng lại.
    Chú đã ngoài ba mươi nhưng vẫn một thân một mình. Những cuộc chuyện rời rạc, câu từ ngắn gọn của mỗi ngày với chú cũng dần dần sâu chuỗi lại trong chị. Ai chẳng có cho mình những nỗi niềm riêng. Nhìn mái tóc muối tiêu, khuôn mặt gầy hao đen xạm nắng gió kia, đủ để chị cảm nhận hết nỗi vất vả của chú. Nghĩ xong chị mới trầm ngâm. Chị cũng có sung sướng hơn chú là bao. Có chăng là những đêm khuya khoắt chị không phải xếp mình co ro trong xe taxi với những giấc ngủ lắm khi chập chờn đứt đoạn. Hay lúc người ta đã kết thúc một ngày dài làm việc mệt mỏi để cuốn theo dòng xe ùn tắc nối đuôi nhau trở về nhà đoàn tụ với gia đình bên mâm cơm ấm áp, chú lại phải tiếp tục gặm bánh mỳ của chị bán ban chiều, hoặc nếu sang hơn thì cũng chỉ là đĩa cơm bình dân khô khốc bụi bặm nào đó ven đường.


    Ảnh: Ione.net


    - Của anh đây - Chị đưa cho chú ổ ốp-la nóng hổi, nhận tờ mười nghìn nhàu nhĩ của chú rồi đưa lại tờ hai nghìn. Vừa lúc mấy bác tài khác cũng tới gọi bánh mỳ. Chị làm không kịp nghỉ tay. Người ăn ốp-la, người gọi bánh mỳ thịt nướng. Mồ hôi chị túa ra bởi cái nóng hừng hực của bếp than phà trước mặt đang bốc khói mịt mù bên trên vỉ nướng thịt.
    Cuối cùng chị cũng bán xong hết. Các bác tài thường ngồi tụ tập với nhau một chốc buổi sáng, vừa tán gẫu đủ chuyện vừa nhâm nhi bánh mỳ của chị, lại làm một ngụm cà-phê đá trước khi đánh xe đi có khách. Đang ngồi nói chuyện, thấy chị chuẩn bị đẩy xe đi tiếp, chú hỏi:
    - Em đi à?
    - Dạ, em đi. Anh chạy xe an toàn nha!
    - Em cũng bán tốt nhen! - Chú gật đầu tạm biệt.
    Dẫu những cơn gió lạnh trên đường còn thỉnh thoảng tạt qua, chị vẫn thấy đâu đó bên trong ấm áp lên đôi chút.
    Điểm tiếp theo chị đến là trước cổng trường cấp hai. Cô bạn “đồng nghiệp” bán sữa đậu nành đã có mặt từ lâu. Hai chị em thường đặt xe cạnh nhau, tranh thủ bán cho đám học sinh trước giờ vào lớp. Phụ huynh vừa mới dừng xe là tụi nhóc nhảy ngay xuống chạy lại chỗ xe chị và cô bạn: “Dì ơi bán cho con ổ bánh mỳ", "Chị ơi chị bán cho em một ly sữa đậu nành ạ! Nhanh nhanh nha chị!”...
    Cứ thế đám học trò í ới, đứa này đứa kia nhao nhao lên. Chị phải tập trung cao độ để làm thật nhanh. Thịt nướng trên vỉ cần lật thường xuyên để chín đều, không bị khét một mặt. Vừa chiên trứng vừa cắt thêm dưa leo, hơ lại bánh mỳ trên bếp cho giòn. Cực mà vui mà mừng vì có khách - hai chị em thường tủm tỉm bảo nhau mỗi lúc hai tay được bận rộn thế này. Thời buổi khó khăn, giá cả cái gì cũng tăng vùn vụt, người ta mua gì cũng cân nhắc. Kiếm được đồng tiền thật sự nào có dễ. Nhưng chị cũng chỉ bán bánh mỳ với cái giá bình dân hết mức. "Lấy công làm lời thôi em ạ, bán mắc quá thì chẳng ai dám mua của mình nữa…". Chị cười. Cô bạn cũng cười.


    Đưa ổ bánh mỳ thịt nướng cho khách hàng tí hon cuối cùng cũng vừa kịp lúc tiếng trống vang lên, cậu nhóc chạy vội vào trường trước khi cánh cổng kia khép lại. Cảnh đông đúc chộn rộn trước cổng trường ban nãy nhanh chóng thay thế bằng vẻ yên bình vốn có khi bọn nhóc đã ổn định chỗ ngồi trong lớp học. Nắng đã lên từ lâu xua tan cái lạnh buổi sớm. Càng lúc không khí càng trở nên ngột ngạt khó chịu hơn với đủ loại khói xe bụi bặm khi những con đường dần ùn tắc xe cộ lũ lượt nối đuôi nhau. Chị đưa mắt nhìn về phía xa xăm. Chút nữa thôi, chị cũng sẽ hòa vào dòng người ấy, tiếp tục cuộc mưu sinh trong cái vòng xoay bất tận kéo từ ngày này qua ngày khác.
    - Chuẩn bị đi hả chị?
    - Ừ, thì phải đi thôi… Ốp-la của cưng đây, ăn liền đi kẻo nguội.
    - Dạ. Sữa của chị nè, bữa nay còn ít thôi, chị lấy hết luôn nhen!
    Chị đưa ổ bánh mỳ cho cô bé rồi nhận ly sữa đậu nành, máng lên quai xe. Chủ yếu cho lòng cảm thấy vui hơn vào buổi sáng, hai chị em ngày nào cũng “trao đổi hàng hóa” với nhau.
    - Cám ơn cưng. Mai gặp nha.
    - Dạ, mai gặp chị!




    Trên đường lâu lâu lại có khách - đi xe hoặc đi bộ. Mỗi lần như thế chị dừng xe, nướng nướng chiên chiên, cắt bánh mỳ nhét vào nào dưa leo nào rau rồi xíu ớt, bỏ trứng hay thịt vào giữa, cuối cùng xịt thêm chút xì dầu rồi tương ớt…
    Quần quật quần quật. Đèn đỏ rồi đèn xanh. Vòng xe cứ quay đều. Loáng cái đã đến trưa, cũng là lúc chị dừng chân trước cổng bệnh viện. Mặt trời gần qua đỉnh đầu, cái nóng bức người ta không biết trốn vào đâu xâm chiếm mọi vật. Chị đứng nép vào bóng râm của tán cây ven đường, lấy thêm thịt đặt lên vỉ để nướng thêm một đợt mới. Giờ này người nhà bệnh nhân bắt đầu đổ ra ngoài mua đồ ăn trưa. Nhiều người tiết kiệm, thay vì ngồi quán cơm họ chọn mua bánh mỳ - vừa nhanh gọn lại rẻ.
    - Cho tôi một ổ ốp-la, cô ơi.
    - Dạ!
    Người phụ nữ vẻ ngoài lam lũ đứng trước mặt chị chắc cũng đã ngoài ngũ tuần. Gương mặt bà toát lên sự mệt mỏi xen lẫn cơn rầu rĩ có lẽ nằm thăm thẳm nơi nào đó trong lòng. Chị đổ dầu vào chảo, vừa đập trứng nghe “xèo” một tiếng thì vị khách thứ hai bước đến.
    - Chú ăn gì ạ? - chị cất tiếng hỏi.
    - Cô bán cho tôi… năm nghìn được không, tôi còn ít tiền thôi…”
    Nghe vậy, người phụ nữ quay lại nhìn ông bác kia. Vài giây trôi qua trong im lặng. Đến khi chị toan trả lời thì bà khách nhẹ nhàng:
    - Anh… anh chăm chị nhà phải không? Giường ba tôi nằm kế bên chị nhà đây…
    - À, chào cô.
    - Chị nhà đỡ hơn chưa anh. Khổ, càng ngày càng đủ thứ bệnh...
    - Cũng khá hơn rồi, cảm ơn cô. Mà bệnh tật bây giờ cũng từ miệng vào cả. Ăn gì cũng lo cũng sợ, mà không ăn thì…
    - Không ăn cũng không được. Biết là mất vệ sinh, là toàn hóa chất đấy chứ… Mà muốn ăn sạch thì làm gì có giá rẻ cho mình.
    Tay chị khẽ run khi gắp miếng trứng bỏ vào ổ bánh mỳ
    - Đến cơm họ còn bỏ bột gì vào cho nở gấp đôi ra được. Vậy họ mới có lời chứ, còn mình thì… Giờ tôi cũng không dám ăn cơm nữa, tốn tiền quá, lúc nãy còn chút ít mua cháo cho mẹ nó dùng rồi.
    Chị thấy cổ họng mình nghẹn ứ.
    - Thôi, em cho anh mượn. Cô lấy cho tôi một ổ đầy đủ nữa đi.
    - Kìa cô…


    * * *


    Chị dừng xe bên dưới tòa cao ốc quen thuộc. Bầu trời bây giờ đã phủ một màu ráng đỏ đẹp tuyệt. Cảnh đẹp nhưng cũng buồn bã quá. Ngắm nhìn mặt trời sắp tắt, chị lại nhớ đến hai vị khách ban trưa: "Ăn gì cũng lo cũng sợ, mà không ăn thì…"
    Phải, không ăn cũng không được. Chẳng có nhiều lựa chọn cho những ai phải lăn lộn giữa cuộc mưu sinh để kiếm từng đồng như chị. Cốt làm sao cho qua bữa là được. Rồi có tiền cũng nơm nớp không biết giữ được bao lâu, khi bất thình lình ngày nào đó mình đổ bệnh. Bệnh từ miệng mình vào.
    - Chào em! - Chú mở cửa tắc-xi bước xuống tiến về phía chị.
    - Dạ, em chào anh.
    - Cho anh ổ thịt nướng, nhiều dưa leo chút nha.
    Nụ cười hiền hậu của chú bỗng chốc nhòe đi trước mặt chị. "Không! Dù lời ít cũng được, chị sẽ không bao giờ bán đồ dơ đồ độc hại cho khách. Không bao giờ" - chị nghĩ
    - Anh ăn kẹp chung với trứng nữa nha, em mời.
    - Ồ, cảm ơn em…


    Trong đầu chị loáng thoáng một bữa cơm gia đình ngon lành đầm ấm. Có anh, có chị, và một thiên thần nhỏ... Mơ mộng cuối ngày ư? Chị mỉm cười, tránh ánh mắt anh, nhưng đâu đó thấy nao nao trong lòng.

    Comment


    • #3
      Gia tài tuổi 20

      Sinh nhật 20 của Nguyệt đã gần qua. Không nến, không hoa, không bánh kem... Một ngày lặng lẽ của nhịp sống thường ngày.



      Nguyệt hay buồn nhưng cũng có sao. Buồn đến rồi buồn đi. Nàng nào có phải tiểu thư sống trong nhung lụa, được cưng chiều nâng niu. Nàng cũng chẳng đáng yêu như cô bé Lọ Lem trong câu chuyện cổ tích thời thơ bé. Mặc dù hoàn cảnh nàng giống Lọ Lem phần nào...


      Ở tuổi Nguyệt, nhiều cô nàng mơ mộng đã kịp "sắm" cho mình một hai mối tình, dù mong manh dễ vỡ. Nàng không trách cha mẹ sao sinh nàng mà chẳng được bằng chị, bằng em. Cha hàng ngày đạp xích lô, mỗi đêm trở về đưa mẹ được dăm ba chục nghìn. Ngày trước mẹ còn buôn bán lặt vặt ở chợ, sau này ốm o bệnh tật liên miên, dứt đợt này lại qua đợt khác. Thương con sớm tối ra vào, mẹ chỉ bâng quơ: "Con gái mẹ, cái nết đánh chết cái đẹp".
      Ngày sinh nhật, ti vi phát chương trình chung kết thi hoa hậu. Nhỏ Hương hàng xóm rủ nàng tối qua xem, chung kết rồi, sắp biết ai là người đẹp nhất nước mình rồi đó. Nàng ậm ừ. Tối qua nhà, Hương ríu rít: "Thấy người ta đẹp không? Mốt tao cũng đi thi, làm hoa hậu cho mày coi".


      Hương đẹp nức tiếng ngõ này. Hai đứa bằng tuổi, là hàng xóm, thân nhau từ tấm bé. Ba Hương mất sớm, anh làm bác sĩ, lấy vợ rồi ra riêng, lâu lâu má vẫn nhờ cha Nguyệt chở lên thăm dâu, cháu.
      Hương lấy trong túi ra đưa Nguyệt một lọ mỹ phẩm: "Anh bồ tặng nhưng tao dư nên không xài, với lại dạo này thấy chán quá, không muốn xài cái gì của người ta nữa". Nguyệt cầm cái lọ mà tay run run, không dám nhận, vội vàng trả lại. Hương bảo: "Không nhận giận luôn nha!".
      Hai đứa bật tivi, ngay bắt đầu. Các nàng xếp hàng "trình diện" ban giám khảo. Hương chỉ trỏ, tấm tắc. Nguyệt xem, ai cũng rạng ngời, tự tin, duyên dáng...
      Như đọc được ý nghĩ, Hương quay sang: "Nói nghe nè Nguyệt, không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp".
      Không biết là lời an ủi hay thiệt tình, Nguyệt cười gượng. Con nhỏ Hương hay ghê, nói gì cũng thấy chí lý, hùng hồn. Còn nàng, quê mùa, cục mịch, gái thành phố mà đi hơi xa một chút đã tù mù đường về. Nhà khó khăn, gắng học hết lớp mười rồi nàng ở nhà phụ mẹ. Giờ mẹ ốm, nàng thay mẹ bán bung, lặt vặt có được là bao. Đầu tắt mặt tối, thời gian chẳng đủ. Nhưng nhiều khi ngồi một mình, nàng vẫn hay nghĩ ngợi, khi buồn, khi mơ mộng mông lung...




      Tối đến nàng tựa cửa ngó qua nhà Hương, thấy trước cổng đã sẵn một chàng, một xe tay ga bóng loáng, trực chờ rước nhỏ đi chơi hóng mát. Hương xí xọn hếch mũi, leo lên xe đi đến tối mịt mới về. Nhỏ say sưa kể chuyện chàng nọ, chàng kia theo đuổi, hẹn hò mình. Giọng Hương ngọt như đường phèn, đủ sức làm "chết" bao gã trai si tình.
      Hương sinh sau nàng một tháng. Sắp sửa lại đến sinh nhật Hương. Nhỏ thủ thỉ sinh nhật xong, bước vào tuổi 20 đẹp tuyệt, Hương sẽ làm một điều gì đó để "kỷ niệm" cái tuổi này.
      - Làm gì? - Nguyệt tò mò.
      - Không biết, có lẽ là yêu thêm... 15 chàng nữa, cho chẵn hai mươi? Hay sắm một anh bồ hơn mình... 20 tuổi?
      Nguyệt lè lưỡi, nhỏ này suy nghĩ khùng thiệt. Hương cười khanh khách.
      - Ý Hương là đời mình chỉ 20 tuổi một lần thôi. Tích lũy cái gì ngồ ngộ, coi như một gia tài, thấy hay không Nguyệt?
      Gia tài tuổi 20, cũng ngộ thiệt... Nguyệt đâm ngây ra như tượng. Hôm nay Nguyệt tròn 20 rồi. Nàng có gia tài nào không nhỉ? Nhà Nguyệt thì làm gì có của cải, gia tài nào đâu. Gia tài của Nguyệt, nàng trầm ngâm, phải chăng là...
      Là làn da đen nhẻm, xù xì - không biết vì bẩm sinh hay do nắng mưa đem lại? Là mớ tóc rối bung, khô gãy. Là những đêm khuya thao thức, trăn trở những điều đáng ra không nên có trong cái đầu còn non nớt nghĩ suy. Là khuôn mặt hao gầy cha mẹ cho, không thay đổi được. Là nỗi buồn dáo dác trong những buổi chiều hiu hắt nắng. Gia tài cũng kha khá đó chứ ta!
      Mải nghĩ, Nguyệt giật bắn người khi nhỏ Hương đập mạnh vào tay.
      - Nè, coi tiếp không kìa.

      Nàng ngước lên ti vi, mấy cô "sắp" hoa hậu còn đang lượn lờ, khoe sắc vóc. Nhiều vậy, nhưng rồi cũng chỉ một nàng đăng quang thôi. Nàng ta sẽ là đại diện, nét đẹp vẹn toàn của người con gái Việt Nam.

      Và, gia tài của cô ấy là: niềm tự hào, hãnh diện trước bao con mắt đổ dồn về mình đầy ngưỡng mộ. So với cô ấy, gia tài của Nguyệt mới nhỏ bé, có là bao...
      Hương nhăn mặt, chau mày: "Xấu đâu đẹp đâu?". Hương như một vị giám khảo khó tính đầy cực đoan. Sẽ chẳng ai bàn cãi. Vì sao ư? - Hương đẹp. Chỉ đơn giản vậy thôi.
      Cái sự "ngồi lê đôi mách" vẫn thường được gán cho những ai - Nguyệt ít khi dám nghĩ đến. "Chẳng đẹp người, phải đẹp lòng", mẹ luôn khuyên nàng cơ mà. Không chỉ mẹ, ai cũng khuyên thế. Đã trót không bằng người, cần gì đó để níu lại. Ừ, phải có duyên ngầm. Cái đẹp trời cho dễ thấy chứ duyên ngầm mấy ai nhận ra được. Ngọc trong đá mới quý. Nhưng người ta không rảnh để đẽo đá tìm ngọc. Vả lại, đâu phải đá nào cũng có ngọc đâu. Sao không khai phá loại ngọc lộ thiên, hiển hiện trước mắt luôn cho rồi. Dù rằng, ngọc lộ thiên có thể bên trong vẫn còn đầy sỏi cát. Thế mới phải có thi thố, cả sắc, tài và cái như Nguyệt nghĩ, duyên ngầm. Vậy mới xứng làm Hoa Hậu.
      Trong đầu nàng như chia ra hai người đang cãi lộn.

      Cũng đến lúc ti vi xướng tên mười người đẹp nhất. Nguyệt nghe, hồi hộp như chính mình đang đi thi. Giọng Hương vẫn tiếp tục bình phẩm. Có lẽ, trong mắt Hương, chẳng một ai là xinh đẹp cả, tất nhiên trừ nhỏ. Ai cũng vậy cả thôi. Trong thâm tâm, luôn muốn mình hơn tất cả... Liệu khi không có mặt, Hương có bêu xấu nàng không? - Nguyệt chợt nghĩ.

      Ai đây, là những ai nhỉ, nghe xướng đến đâu, Nguyệt thót tim đến đó. Các nàng được nêu bước lên trên, rạng ngời hạnh phúc. Chẳng bù những nàng phải an phận đứng phía sau, giữ nụ cười trên môi nhưng gượng gạo. Cứ thêm một người bước lên, chúng lại héo hắt hơn một phần. Cố công dự thi, trổ hết tài sắc, để cuối cùng phải lẳng lặng, mất hết xúc cảm, rút lui vào sau cánh gà. Từ lúc nào, Nguyệt chăm chú họ hơn cả mười gương mặt đang vỡ òa kia.
      Một lúc nữa, sẽ chỉ còn năm người. Rất nhanh. Họ bước vào phần thi ứng xử. Đây là vòng quyết định để chọn ra ba người đẹp nhất. Đẹp vẹn toàn.
      Nguyệt ngước lên đồng hồ, đã hơn 10 giờ. Nàng sợ phiền nhà Hương, tính xin phép ra về. Hương níu lại: "Còn chút xíu nữa thôi, bộ không muốn biết hoa hậu hả?". Không biết nữa. Hai tiếng nữa là tàn ngày sinh nhật. Nửa tiếng nữa là hoa hậu "ra đời". Tiếng tíc tắc không hiểu sao mỗi lúc lại to hơn, đập vào tai Nguyệt từng âm thanh rõ mồn một. Nàng đã tròn 20 tuổi.
      Ánh trăng ngoài kia từ khi nào len vào song cửa sổ, phủ một lưới bạc óng ánh mơ màng lên gương mặt. Cha mẹ tặng nàng cái tên này - đẹp, cũng là gửi vào đó một ước mơ. Nhưng trăng trên kia là dành cho muôn người say đắm ngắm nhìn. Dù trăng chỉ đẹp, sáng nhất những đêm rằm. Còn khi trăng mờ, khuyết không tỏ, trăng chắc cũng chẳng là nàng thơ cho một gã si tình nào được.


      Trăng chỉ một mà không của riêng ai. Nàng cũng chỉ một, mà khi nào được sáng như trăng. Nàng là Nguyệt, nhưng là mảng tối, ở nửa phía bên kia không bao giờ có ai nhìn thấy. Với trăng, nàng là người hay... một hạt cát?
      Nàng đứng đó, lưỡng lự. Biết để làm gì? Nàng vừa tủi thân, vừa sợ cái "đẹp lòng" bao lâu nay nuôi dưỡng, sẽ bị xói mòn đi.
      Nguyệt không muốn xử tệ với bản thân mà ấm ức nhiều điều. Lâu nay, trong tất cả các câu chuyện cổ tích người lớn kể cho trẻ con nghe, kể cả trên phim ảnh, tại sao luôn là những cô nàng kiều diễm? Từ Lọ Lem, Bạch Tuyết, Công chúa ngủ trong rừng... tất cả đều xinh đẹp. Chỉ những người như họ mới hạnh phúc, mới tìm được Bạch mã hoàng tử thôi sao? Còn những ai lỡ chẳng được vậy, thường đóng vai phản diện, làm điều độc ác, hãm hại người lành... kết cục là gánh chịu đau khổ.


      Ti vi vẫn đang tường thuật chung kết thi hoa hậu.


      Nàng về, mặc Hương cố giữ. Không hiểu sao hôm nay nàng nghĩ nhiều vậy. Nàng vẫn thường suy tư nhưng không giống đêm nay. Phải chăng vì đêm nay đã thêm một tuổi mới. Trên đường về, khi mở cổng, nàng nhớ cái gia tài tuổi 20 Hương đã nói...


      Có những đêm khuya khoắt nàng rưng rức một mình. Nước mắt ơi, phải chăng mày cũng là một phần của gia tài?
      Buổi sáng, Hương sang đưa lọ mỹ phẩm Nguyệt để quên. Nhỏ láu táu kể chuyện thi hoa hậu hôm qua. Cô Hoa Hậu cũng vừa vặn 20 tuổi. Hương la: "Nhỏ đó sướng thiệt, gia tài 20 tuổi của nó lớn quá cỡ, nghe đâu giải thưởng hoa hậu tới hơn 200 triệu lận đó Nguyệt". Mắt Hương sáng rỡ, dám chừng năm sau thi hoa hậu thật đây. Tếu táo thế nào, một chốc hai đứa đã cười nắc nẻ.
      Đôi khi Nguyệt vẫn buồn. Ngồi mông lung tựa cửa hóng gió, lại thấy mấy chàng tối tối đều đặn qua đón Hương. Ngày lại ngày trôi.
      Mẹ đỡ mệt, ra chợ bán cùng nàng. Một hôm nàng buột miệng xin mẹ cho đi học may. "Cũng phải có cái nghề cho mình", mẹ gật đầu. "Ông trời không cho ai quá ít, sẽ chẳng lấy của ai quá nhiều". "Dạ, con biết rồi". Mẹ già nheo mắt, tự dưng nước mắt nhiễu nhượt...


      Năm ấy, Nguyệt tròn hai mươi.

      Comment


      • #4
        Tiếng lanh canh và những ô cửa sổ sáng đèn

        Xe hủ tíu gõ của đôi vợ chồng và đứa con trai đang dọn hàng lẹ làng với vài ba chiếc bàn gỗ, một chồng ghế nhựa. Phân nửa chúng nứt vỡ, sắp gãy lìa đến nơi. Tuy nhiên nếu chồng hai ba chiếc với nhau vẫn có thể 'an tọa', chưa sợ đang yên vị bỗng dưng 'bịch' xuống đất. Khách đến ăn cũng chẳng hơi đâu để ý, cốt ta cần 'làm' một tô lót bụng đỡ cồn cào thôi, nghĩ ngợi nhiều chi.

        3 giờ chiều. Ngày "làm việc" thực sự bắt đầu. Từ sáng, cả nhà xoay quanh các "nguyên vật liệu" phục vụ buổi đi bán ban chiều. Nào hành, ớt, chanh... Thịt heo, bò viên, giá sống... Phải thật sẵn sàng. Quan trọng nhất đương nhiên là món chính: hủ tíu, mỳ và hoành thánh.


        Thằng cu con được "ưu tiên" trọng trách: "gõ". Chẳng rêu rao gì cho mất công, cứ cái đập đá và muỗng, lon ton từ góc này đến hẻm nọ, nghe tiếng gõ người ta tự biết, ai kêu gì cu cậu chạy ù về mang ra. Người trạc 13, 14, thân đen nhẻm nắng mưa - như hai thành viên còn lại - nhưng phải rong ruổi nên trông càng nhiều sương gió.
        Chỗ bán đối diện một cao ốc hơn hai mươi tầng. Tòa nhà hoàn tất chưa lâu. Trông mới thật hoành tráng, văn minh, bên dưới có siêu thị, nhà sách, hầm để xe hơi... Giá từng căn hẳn đắt đỏ, mà nghe nói bán hết sạch veo. Cái nên xem là người ta đã dọn đến hay chưa. Có cách để biết. Ban đêm, ngẩng mặt nhìn lên. Cửa sổ nào có đèn là đã có người ở. Vậy mà thằng bé giơ ngón đếm, kìa, còn vô khối căn vẫn đen mịt mù.
        Họ bán từ chiều đến tận đêm. Tầm mười giờ nghỉ. Khách vào, đủ loại. Một ông Honda ôm, vài đứa choai choai, mấy bà sồn sồn... Làm luôn tay. Nhưng không phải lúc nào cũng có khách. Mỗi khi bàn trống, rảnh tay, hai vợ chồng ngồi thừ xuống ghế, mắt chăm chăm nhìn lên. Ngước mỏi cả cổ. Cao thật, bà nó nhỉ. Ừ cao thật. Mấy người kia họ ở cao thế, chả biết có sợ chóng mặt không? Gớm, ở quen thì sợ gì. Sợ chứ, như tôi, chắc chết! Nhiễu, mơ sao mà đòi đến lượt...


        Có khách, câu chuyện tầm phào bị cắt ngang. Một tô hủ tíu, nhiều nhiều chút nha! Dạ, có ngay, có ngay. Thằng cu chạy về: hai tô mỳ... làm... lè... lẹ... Mệt quá, muốn hụt hơi, nó với cốc, lấy nước trong bình trà đá, hớp một ngụm. Đôi tay ông chồng đen sần run run thái từng lát thịt mỏng. Chắc không còn mỏng hơn được. Bà vợ ngắt một dúm hủ tíu, cho vào nồi trụng. Một lúc cho chín, bỏ ra tô, lại cho tiếp giá vào. Rồi thịt, hành, ít tóp mỡ rải lên trên. Dội nước lèo, phút chốc đã thành bát hủ tíu thơm nghi ngút. Cắm thêm muỗng và đôi đũa, xong xuôi, ông chồng đem ra. Thêm hai ba vị khách, cả hai chẳng được nghỉ tay.



        Hủ tiếu là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa ở Nam bộ chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Ảnh: Xinhxinh.
        Xin lát chanh ông chủ ơi! - ông chồng dạ vâng, lấy dao cắt, đem ra cùng chén ớt xắt. Thằng con lại đi giao mỳ. Gió hiu hiu. Bà vợ ngồi xuống. Nắng lim dim rồi tắt. Thành phố lên đèn. Ánh vàng phủ xuống gương mặt gầy gò của người phụ nữ tảo tần. Bỏ nón lá dắt sau lưng cho mát, bà lấy tay kẹp lại tóc. Mái tóc pha sương khô gãy. Ấy thế mà ông chồng quay sang, cười chúm chím, bàn tay thô ráp nhẹ nhàng vuốt lên đuôi tóc vợ. Bà tủm tỉm. Trên đường, thiếu nữ ăn mặc mô đen, tóc nhuộm nâu đúng kiểu "Hàn quốc", ung dung "rồ" xe tay ga đời mới lướt ngang qua đôi vợ chồng. Bụi vương lại đằng sau.

        ***

        Từ taxi bước xuống, hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ. Cô bé chợt reo: "A, hủ tíu! Má ơi, ăn hủ tíu!". Má nó cau mày: "Không. Mất vệ sinh chứ ngon lành gì" - "Ứ... con muốn ăn cơ, hủ tíu cơ...". Ba nó bồng lên: "Mi ngoan, vào siêu thị kìa con, có khu ẩm thực, nhà mình ăn hủ tíu trong đó. Ngon hơn nhiều". Chừng xuôi xuôi, con bé la: "Thế vào siêu thị, vào siêu thị ăn hủ tíu liền cơ!". Bị đòi bằng được ba má đành phải chiều lòng cô con gái cưng. Gia đình này vừa dọn về cao ốc ít lâu.
        Thằng cu im ắng quan sát con bé. Nó chăm chú, để ý từng cử chỉ, cách con bé nhõng nhẽo. Bỗng nghe tiếng càu nhàu văng vẳng, nó bừng tỉnh. Tiếng của cha. Đi gõ đi, ngồi đó hoài... Nó ậm ừ, đứng dậy, mắt còn hướng về cửa siêu thị. Giờ này, hẳn cô bé con đã thỏa mãn niềm mong ước. Ở đó, bát hủ tíu thơm ngon mắc gấp đôi ngoài này. Được cái "hợp vệ sinh".


        Đêm. Thằng bé vẫn nhịp gõ đều đặn. Đôi chân đen đúa đã làu làu từng nẻo đường rong ruổi. Học dở lớp 6, nó từ quê nghèo theo cha mẹ lên thành phố với xe hủ tíu. Dù vất vả thằng bé vẫn thương cha mẹ. Nhưng ngày ngày, nhìn đám áo trắng quần xanh xách cặp tan trường về, nó thèm thuồng như thèm một tô hủ tíu lúc đói lòng. Vô số lần, khi đi gõ, nó ghé tai sát tường ngôi trường: tiếng giảng bài, giọng đọc thánh thót... mường tượng trong đầu cô giáo đang cầm tay nắn nót viết từng nét trên trang vở trắng tinh. Rồi cả lớp tập đếm, làm toán, tính nhẩm... Riêng tài đếm thì nó tự hào. Nó đếm không phải xoàng. Chẳng phải vì mẹ bắt nó đếm tiền. Mà tối tối nhìn lên cao ốc, xem cửa sổ nào sáng, cửa sổ nào không. Cứ thế nó đếm, đếm đi đếm lại. Nhiều quá, hai bàn tay đen đúa lại chỉ có mười ngón thôi. Nhưng nó chẳng sợ. Mới đầu chậm nhưng quen dần, đếm mỗi lúc sẽ ngày một nhanh hơn. Đếm cho thật giỏi để sau này khi đã lớn hơn, nó sẽ thay mẹ đếm tiền. Có nhiều tiền rồi, nó sẽ mua cho cả nhà... một cửa sổ. Một ô cửa sổ sáng đèn phía trên kia...


        ***

        Cái bát dơ cuối cùng được rửa xong. Hai dáng người cặm cụi thu dọn bàn ghế. Đường phố thưa thớt. Dáng đàn ông xù xì đưa mắt ngóng: giờ này còn chưa về, khuya đến nơi rồi. Dáng phụ nữ gầy guộc càng sốt ruột: lại la cà đây...
        Gió buốt cuốn theo vài chiếc lá. Xa xa vọng lại tiếng chổi tre. Thằng bé lủi thủi lê dép lẹt xẹt. Về thế nào cũng nghe chửi. Nghĩ thế, nó càng cố lết chậm chạp hơn. Nó nhớ lại trận Game đã đời ban nãy. Suýt chút nữa là thằng đánh giày - bạn chơi Game của nó - phải một phen tơi bời. Không may nó sực nhớ ra: còn chưa lấy chén dơ về. Nó đành hậm hực để thằng đánh giày được một phen hả hê. Lần sau tao sẽ phục thù. Chạy ù ra khỏi tiệm net, lòng nó nơm nớp, đáng lý không nghe lời rủ rê của thằng trời đánh kia... Nó hết dám đi nhanh. Gương mặt quạu quọ của cha, tiếng càu nhàu của mẹ làm nó chùn bước. Nó ghét lắm.
        Nó về tới. Hẳn cha sẽ sấn tới... mày! - một bạt tai. Nhưng không, người ra đón là mẹ nó: Đi đâu, biết cha mày kiếm không? Ổng đi tìm mày rồi - nó càng lo. Cha về kỳ này no đòn. Mồ hôi nó túa ra. Làm sao dám nói thật, lấy bát dơ về sao lâu thế được. Nó cố bịa trong đầu một lý do thật hợp lý. Vừa nghĩ vừa phụ dọn hàng... Mắt nó lơ mơ. Buồn ngủ lắm rồi. Về lẹ cha ơi, ăn mấy bạt tai cũng được, cho tỉnh.


        Mẹ bồn chồn đưa mắt ngóng. Biết thế cản không cho ổng đi, hết con lại đến cha... Mắt nó díp lại. Mấy ô cửa sổ trên kia tắt gần hết rồi. Để nó đếm thử xem. Một... hai... ba... Ba là ba với má... Ui da, nhức đầu quá. Nó vẫn còn chóng mặt vì trận Game lúc tối. Mắt nó cứ dí sát màn hình, quyết ăn thua đủ với thằng oắt mới thôi. Đêm, trên đường đi lấy bát, tình cờ nó đụng phải thằng "bạn làm ăn" ấy. Khỏi nói, nghe khích có mấy câu mà máu đã nổi lên đến đầu rồi. Hai thằng vù vào tiệm net. Chuyện là vậy. Nó phải bịa lại làm sao cho hay đây?


        Nó đếm xong một dãy cửa sổ rồi. Mắt hoa hết cả lên. Không biết cô bé hồi chiều sống trong ô cửa sổ nào nhỉ. Thật ra, nó rất ghét bọn nhà giàu hợm hĩnh. Nó nhớ từng bị một thằng nhà giàu đi SH suýt tông phải. Chẳng một lời xin lỗi, thằng thanh niên kênh mặt hét: Muốn chết hả mày, đi đứng kiểu đó có ngày! Dù nó đi trên lề đường đàng hoàng, chỉ cái xe tay ga bóng loáng kia cố tình vọt lên lề đang giờ tan tầm- kẹt xe... Với cô bé lại khác. May mắn cô được sống trong một gia đình sung túc đầy đủ, mọi "yêu cầu" đều được ba mẹ đáp ứng. Bất giác mỉm cười, lòng nó thấy vui lây. Trong đầu hiện lên hình ảnh cô bé hồn nhiên mặc đồng phục, đeo cặp tung tăng đến trường...


        Quái, ổng vẫn chưa về cho nhờ! - giọng léo nhéo của mẹ. Nó đếm tiếp hàng cửa sổ thứ hai của cao ốc. Nhiều khi nó thấy sao cực khổ quá. Số của nó là phải khổ sao? Cha mẹ đã khổ, nó khá hơn được là bao? Không, không được buồn. Tám... chín... mười... Cười hở mười cái răng... Cười lên. Một ô cửa sổ nữa vừa tắt ánh đèn. Đã khuya quá rồi. Nó vụt đứng lên. Để con đi kiếm ổng. Mẹ lưỡng lự. Mày kiếm lát ổng lại về. Rồi tới bao giờ. Hơi nhíu mày, nó đâm ra sợ. Đường khuya, tụi phóng nhanh vượt ẩu, kẻ xấu... Đủ thứ lung tung nảy ra trong cái đầu nhỏ với mớ tóc cháy nắng. Con biết lỗi rồi, về đi cha.
        Nó cúi gằm mặt. Chợt, tiếng dép quen thuộc. Nhận ra, hai gương mặt một già một trẻ như bừng sáng, giây phút hiếm hoi trong đêm tối tăm mờ mịt. A, cha về…. Ông làm tôi lo quá, đi gì lâu dữ vậy, không thấy nó thì phải về chứ. Người đàn ông không kịp phân trần, nhưng đã kịp giơ lên. Trên tay là ba cái bánh giò vẫn còn hôi hổi.


        Và ngay cả khi cơn gió buốt tạt mạnh qua, với cả nhà như vẫn không hề hấn. Nó ngấu nghiến cái bánh giò trên tay. Ngon, ngon quá... Từ từ thôi, nghẹn bây giờ... Kệ, tội thằng bé, người gầy đét, ăn luôn bánh của cha đi con. Lắc đầu, miệng còn nhồm nhoèm. Nó không thấy cha hỏi gì. Nhưng nghe cha nói vậy, tự nhiên trong cổ có cục nghẹn. Sống mũi đã cay cay.
        Tiếng lanh canh vẫn đều đặn cất lên, bên cạnh những ô cửa sổ sáng đèn phía trên cao. Càng cao, cửa sổ càng nhỏ, trông lấp lánh như những vì sao. Đâu ai hay lại có những ước mơ bé nhỏ như những vì sao ấy. Chập chờn, đôi khi tiếng lanh canh đứt đoạn. Một vị khách vừa gọi món. Đôi dép lê vội vã chạy về.


        Rồi một lần kia, trong một ô cửa sổ, tiếng lanh canh loáng thoáng làm vang lên giọng lảnh lót: "A, hủ tíu! Má ơi, ăn hủ tíu!". Tất nhiên má lắc đầu để mặc cơn nhõng nhẽo ngây thơ. Có lẽ còn lâu, cũng chẳng biết đến bao giờ cô bé mới được thưởng thức mùi vị của tô hủ tíu ấy.


        Một tô hủ tíu đặc biệt.

        Comment


        • #5
          Song song

          Cửa mở, gã giật mình kinh hãi nhận ra người khách lạ vừa bấm chuông mang gương mặt giống hệt mình.


          "Chào anh!" - hắn là người anh em song sinh thất lạc bấy lâu nay của gã, hôm nay thình lình xuất hiện. Không! Làm gì có chuyện đó. Gã rùng mình lần nữa, mồ hôi túa ra, miệng ú ớ...
          - Chắc anh bất ngờ lắm!
          Phải rồi, thêm một cơn mơ quái dị đây mà. Tỉnh lại nào, có gì là vui vẻ khi đứng đối diện với chính mình mà lại chẳng phải ở trước gương cơ chứ.


          Hắn nở một nụ cười mang dáng vẻ chua chát. Ôi trời, nụ cười quen thuộc của gã. Đồ mạo danh, đồ "copy", đồ nhân bản vô tính. Gã toan thét vào mặt hắn nhưng rồi chỉ lặng im thin thít.
          - Tôi không biết đi đâu cả, cho tôi vào nhà nhé!
          Vào, ừ thì vào. Gã đóng sầm cửa lại khi hắn bước thẳng vào trong, cứ như đã rành rẽ mọi ngóc ngách trong căn nhà từ lâu vậy.
          Cho đến khi cả hai đã yên vị trên bộ xa-lông, gã vẫn không thôi cơn thắc mắc và căng thẳng được bao nhiêu. Với nhanh bao thuốc lá trên bàn, rút một điếu, châm lửa, rít ngập sâu vào lồng ngực. Gã nhả hơi, làn khói trắng lờ nhờ phả lên cao, trôi vào thinh không, tan đi, bay về đâu xa xôi tít tắp.
          Đỡ hơn rồi. Nào… giờ thì nói đi, tên kia, rốt cuộc ngươi là ai? Hắn quan sát gã từ nãy giờ, cũng có ý xin một điếu thuốc. Gã chìa bao thuốc về phía con người kỳ lạ.
          - Cảm ơn anh.

          Gã châm lửa cho hắn, người nhoài ra phía trước, mắt càng mồn một rõ ràng hơn. Trời ơi, sao mà như in như hệt, cả nốt ruồi nơi đuôi mắt phải, những nếp nhăn trên vầng trán dô, mái tóc lòa xòa lấm tấm sợi bạc. Không thể hiểu nổi.
          - Tấm gương trong nhà tắm… vỡ rồi phải không anh?
          Gã giật nảy mình. Cái quái gì nữa đây?

          Thời gian ngưng đọng mất một lúc lâu. Đôi lần gã cũng nghĩ thời gian đã ngưng đọng thật rồi, kể từ khi vợ gã ra đi. Phải, tấm gương đã vỡ, chính tay gã đập nát nó, trong cơn điên cuồng thịnh nộ nhất, chỉ vừa mới đây thôi. Hắn rít một hơi thuốc, gương mặt "sao y bản chính" trầm ngâm ngó lên trần nhà. Rồi đột ngột hỏi:
          - Anh có tin ngoài thế giới anh sống, có một thế giới khác song song cùng tồn tại không?
          Chuyện chi đây, gã khẽ rùng mình, thằng cha này đang nói nhăng nói cuội gì vậy? Mà cũng phải, một tên quái dị bỗng dưng ghé thăm nhà thì tuôn ra những lời quái dị cũng là bình thường thôi. Nghĩ rồi gã vẫn chỉ im lặng chăm chú lắng nghe, rất nỗ lực để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.
          - Tôi say mê nghiên cứu vấn đề này từ lâu lắm rồi. Mọi người đều nói tôi bị điên…

          Ánh nhìn của hắn tràn trề ủ dột và thiểu não. Tự nhiên gã thấy dâng lên trong lòng niềm cảm thông sâu sắc. Người đàn ông giống hệt mình hẳn có rất nhiều tâm sự đè nén trong lòng, cứ để cho hắn tự do giãi bày. Dù sao lâu nay gã cũng đã bỏ quên thói quen đối thoại mất rồi, kể cả với vợ - người gã từng hết mực yêu thương.


          - Nhưng tôi đâu có điên. Thế giới có nhiều hơn bốn chiều. Thế giới có rất nhiều chiều.

          Gã đếm lẩm nhẩm trong bụng. Một, hai, ba, bốn… Ba chiều không gian. Một chiều thời gian… Ừ, bốn chiều. Mà dẫu ít hơn, nhiều hơn thì đã làm sao nhỉ, có gì là khùng là điên? Nhưng thôi không sao, điên cũng được, khùng cũng được. Gã tự nhận mình vốn cũng là một thằng khùng. Giờ lại đang ngồi lắng nghe một kẻ điên. Cảnh huống càng có vẻ khùng điên hơn khi "thằng khùn" và "kẻ điên" giống nhau như hai giọt nước.


          Nghĩ đến đó, gã chợt thấy nhột nhạo quá, không kìm được, bật cười lên thành tiếng. Cười như khùng, hệch hệch.
          - Anh ơi, xin đừng cười tôi. Tôi đã lãnh quá đủ lời chế giễu và khinh miệt rồi.
          Trời đất, tên này nhạy cảm thật. Gã nào đâu có cười hắn. Mặt gã nghiêm trọng trở lại như từ đầu đến giờ.
          - Anh không tin cũng được. Sự thật vẫn là sự thật. Tôi đến từ một chiều không gian khác.
          Tin chứ, gã tin. Sao lại không? Hình hài đang ngồi trước mặt gã bằng xương bằng thịt cơ mà. Điều gì khác thường đâu có nghĩa là nó không thể xảy ra. Như chuyện vợ chồng gã hiếm khi nào tâm tình cùng nhau dẫu sống chung một nhà, nói ra chắc gì có người tin. Vẫn là sự thật đấy thôi.
          Ngày mới cưới, gã mê nhất là mái tóc vợ. Mái tóc đen dài óng ả, thơm thơm mùi bồ kết. Thời buổi này nấu được một thau nước bồ kết để gội đầu đã là chuyện gần với viễn tưởng lắm rồi. Yêu vợ, gã tìm mua bằng được dầu gội hương bồ kết. Vợ gã thích lắm, bảo: "Chải tóc cho em đi, ông xã". Hai vợ chồng đứng trước gương, gã cầm lược chải thật đều và nhẹ. "Anh yêu em lắm, bà xã" - "Em cũng yêu anh".
          Gã còn nhớ hôm ấy đã quá đỗi bàng hoàng. Đâu mất rồi mái tóc dày đen nhánh?
          - Đẹp không anh? Màu "mốt" nhất đó.
          Gã ậm ừ:
          - Đẹp, đẹp lắm. Nhưng anh vẫn thích màu đen hơn.
          - Ôi dào, lỗi thời rồi anh. Anh muốn em bị người ta chê là "bà già thế kỷ trước" hay sao?”
          Khuya gã không ngủ được. Gã ngồi dậy, nhìn vợ vẫn đang say giấc nồng. Bình thường gã sẽ ôm vợ, hít hà hương bồ kết thật lâu cho đến khi chìm sâu vào một thế giới khác. Thế giới đó chỉ có vợ chồng gã, sau này còn thêm hai đứa con xinh như thiên thần nữa. Nhưng tất cả đã bị thay thế bằng mùi thuốc nhuộm hăng hắc nồng nặc. Khó chịu quá, gã hắt xì, chảy mũi liên tục, đành đi xuống nhà ngồi một mình thinh lặng trong đêm.
          ***
          - Anh đang nghĩ gì vậy?
          Không. Đâu có gì. Tôi đang nghe anh bạn nói mà.
          - Tôi sẽ kể anh nghe làm cách nào tôi đến được đây.
          Hắn đã cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của gã rồi. Vậy thì nói đi, anh bạn.
          - Chiều không gian nơi tôi sống song song với chiều không gian của anh. Mọi thứ đều y hệt nhau, từ sự vật, nhà cửa, con người… Tất nhiên, cả tôi và anh nữa. Bình thường, chẳng cách nào để chúng kết nối được với nhau. Chúng như hai đường thẳng song song không thể cắt nhau vậy…
          Song song? Lẽ đâu chừng vợ chồng gã vốn cũng là hai đường thẳng song song. Vì song song nên chẳng bao giờ tìm thấy điểm chung, luôn luôn bất đồng. Gã không tin được. Tình yêu của cuộc đời gã, người phụ nữ gã đã lựa chọn… hóa ra lại ở một thế giới song song, tách biệt hoàn toàn với gã?
          ***
          - Con người anh cổ hủ lạc hậu quá chừng.
          Ừ đúng. Gã cổ hủ lạc hậu. Gã ắt không thuộc về thế giới hiện đại này với bao nhiêu quần áo, xe cộ, di động… thay đi đổi lại xoành xoạch. Gã có máu nghệ sĩ, mê đọc sách, thích vẽ tranh, mê luôn cả thuốc lá và rượu. Nàng mê mua sắm, mê thời trang, mê hàng hiệu.
          - Tôi thật sai lầm khi lấy anh.
          Gã im lặng cười chua chát, nốc cạn ly. Ôi, mồ chôn của tình yêu. Cuộc sống sao lại ngột ngạt thế này.
          - Anh cứ mơ về cái ngày xưa của anh đi, đồ nát rượu.
          Đủ lắm rồi! Gã nhận ra tình yêu dành cho vợ nhiều phần thuyên giảm. Gã chỉ say mê một vài điều, mà cứ nghĩ mọi chuyện trên đời đều hoàn hảo. Những lúc thất vọng buồn bã nhất, rượu luôn là người bạn chí cốt của gã.
          ***
          - Không có gì là hoàn hảo, phải không anh?
          Gã gật gù. Hắn nói trúng tim đen gã rồi.
          - Tôi tiếc nuối lắm!
          Tiếc, phải, gã cũng tiếc. Những ngày vui thường chẳng được bao lâu.
          - Giá tôi được như anh, có một gia đình để mà thương yêu.
          Hắn đang lảm nhảm gì vậy? Gã ngước lên nhìn hắn.
          - Vì mải tìm kiếm những thế giới song song, tôi đã bỏ cả thời trai trẻ chỉ để theo đuổi nó. Tôi từng có người yêu, từng chuẩn bị xây dựng gia đình. Vậy mà, tôi lại sẵn sàng vứt bỏ tất cả…
          Hắn vứt bỏ tất cả sao? Gã nhớ mình cũng đã làm thế.
          - Tôi đi đây, chào anh. Anh cứ việc say.
          "Đi đi, cứ đi đến thế giới nào em mong muốn", trong cơn say gã đập phá tất cả. Gã loạng choạng lảo đảo bước vào nhà tắm, soi mình trong gương. Gã đã thấy gì nhỉ?
          Gã đã thấy… hắn. Trời ơi, nhớ rồi, gã đã thấy hắn. Chính là hắn. Con người cô độc chằm chằm nhìn gã từ trong gương.
          Trước tấm gương này hắn từng chải tóc cho vợ. Trìu mến nâng niu từng mớ tóc dày thơm ngát, gã chỉ ước cho tới khi già, ngày nào mình cũng vẫn, được chải tóc cho nàng. Hai vợ chồng nhìn ngắm nhau trong gương, gã ôm nàng từ đằng sau, đặt lên môi một nụ hôn dịu ngọt yêu thương. "Bà xã ơi! Em đâu rồi? Bà xã của anh ơi!"
          Hình ảnh vợ gã trong gương vội nhạt nhòa tan biến nhanh như làn khói thuốc trắng bệt bạt bốc lên cao. Chỉ còn lại mình gã. Và hắn, từ trong gương, nhìn ra.
          - Tấm gương trong nhà tắm tự vỡ, hay do anh đập nó?
          Vỡ rồi, nát rồi. Hắn còn hỏi làm gì nữa. Gã chỉ biết gương đã vỡ, không bao giờ lành lại nữa, vậy thôi.
          - Anh tin không? Thế giới của tôi và anh được liên kết bằng chính tấm gương ấy.
          Thật sao? Gã đang chìm vào màn sương của ký ức, vẫn nghe văng vẳng rất rõ lời hắn bên tai.
          - Tôi chỉ tình cờ phát hiện ra thôi, trong một thí nghiệm nhỏ. Các chiều không gian ở một vài thời điểm bất thường sẽ xuất hiện những điểm dị biệt quện xoắn vào nhau. Chính vào thời khắc tấm gương ấy vỡ trước mặt anh, tôi đã làm một bước "nhảy vọt" để đến được thế giới này.
          Vậy là nhà nghiên cứu thế giới song song đã thành công trong nỗ lực du hành sang một thế giới khác. Gã nở nụ cười quen thuộc ra vẻ chúc mừng. Nhưng lát sau gã biết gã không cười vì điều đó. Gã đang tự cười chính mình.
          Cực nhọc cất tiếng, gã gặp hơi nhiều khó khăn vì đã gần như quên hẳn giọng của mình, cũng kha khá lâu rồi.
          - Anh… có thể đi qua chiều không gian khác. Liệu anh có thể… đi ngược thời gian không?”
          Hắn tròn mắt trước câu hỏi của gã, đắn đo một lúc cho câu trả lời.
          - À. Tôi nghĩ luôn có ít nhiều khả năng…
          Gã muốn đi ngược thời gian. Có thể gã sẽ sớm trở thành nhà nghiên cứu vấn đề vượt thời gian. Hình ảnh mái tóc dài thơm thơm mùi bồ kết lại hiện ra, kéo hắn đi vào miền ánh sáng xa xăm nào đó, về những kỷ niệm yêu thương.
          Gã hồi hộp quan sát hắn. Biết đâu chừng từ hôm nay, gã cũng có thêm một người bạn đồng hành?
          - … Nhưng tôi không nghĩ đó là ý hay.
          Trán gã đội lên những nếp nhăn.
          - Tại… sao?
          - Theo kiến thức hạn hẹp của tôi về khả năng du hành vượt thời gian, nếu chúng ta quay về quá khứ, mọi ký ức sẽ bị xóa sạch.
          - Nghĩa là…?
          - Anh sẽ không thể biết anh là ai, từ đâu đến, mục đích của chuyến đi ngược thời gian đó là gì. Vậy chỉ uổng công anh thôi.
          Hắn buồn bã rít một hơi thuốc dài rồi tiếp tục.
          - Tôi gọi đó là "cái giá phải trả" cho những cố gắng phá vỡ quy luật của tự nhiên. Cũng như tôi sắp phải lãnh "cái giá phải trả" cho chuyến du hành này đây.
          Hắn nói gì vậy? Hắn sắp phải gánh chịu chuyện gì. Tim gã đập dồn dập như muốn bật tung khỏi lồng ngực.
          - Cơ thể của tôi chỉ tương thích với thế giới tôi sống. Khi bước qua ranh giới, tôi không bao giờ được phép quay trở lại nữa và cũng không thể ở lại đây. Tôi không có quyền tồn tại cùng một thế giới với anh. Nói đơn giản, tôi sẽ tan biến vào không khí vì tôi không thuộc về nơi này.
          Gã có hoa mắt không? Gã còn say ư? Không, hắn nói thật. Những chuyện hắn nói, từ đầu đến cuối, hoàn toàn thật. Gã tin rồi. Cái tôi khác của gã đang mờ dần đi, trong suốt từ đầu đến chân dù đang ngồi lù lù trước mặt.
          - Vĩnh biệt anh. Anh à, hai đường thẳng song song có cắt nhau đấy.
          Cảm thấy như mình sắp sửa mất mát cái gì lớn lao lắm, gã xúc động đến nỗi không sao thốt nên được lời nào. Mắt gã hoen đi, đỏ hoe.
          - … Chúng cắt nhau ở vô cực…
          Hắn đã hoàn toàn biến mất. Chỉ trong khoảnh khắc.
          Hai đường thẳng song song vẫn có thể cắt nhau ở vô cực. Ý của hắn là…?
          Gã lờ mờ hiểu ra, vội vã quơ lấy điện thoại, run rẩy bấm dãy số quen thuộc.

          - Em ơi… anh xin lỗi, cho anh và em một cơ hội. Anh rất tỉnh táo. Anh không say...

          Comment

          Working...
          X