Ở tuổi năm mươi sáu, làm bà của hai đứa cháu ngoại và một đứa cháu nội, bà đã về hưu được một năm rồi. Trong hơn ba mươi năm theo đuổi sự nghiệp trồng người, bà là cô giáo của nhiều thế hệ học sinh lớp 3... Học trò cũ, phụ huynh từng có con em được bà dạy dỗ, gặp lại bà luôn tỏ ra vui mừng và kính mến, chào hỏi trân trọng và gọi bà bằng cô. Những người hàng xóm trong khu phố cũng đã quen gọi tiếng cô thân thương mỗi khi gặp bà. Điều đó khiến cho bà thấy vui, giúp cho tâm trạng buồn nản có từ ngày hưu trí của bà, vơi đi phần nào mặc cảm mình đang độ tuổi xế chiều.
Bà vẫn cảm thấy mình còn sức lực, tâm huyết để bắt tay vào việc gì đó giúp đỡ, ích lợi cho người khác. Chồng bà là người hoan nghênh bà nghỉ hưu, vì lo cho sức khỏe của vợ. Ông muốn bà được thảnh thơi, ngơi nghỉ. Vườn cây cảnh nho nhỏ ở mảnh sân vuông vắn trước nhà, ông nhường cho bà chăm sóc, vui thú với thiên nhiên thu nhỏ. Bà còn có thú vui khác là trổ tài nấu ăn, điều mà trước đây bà không có thì giờ để thực hiện. Mỗi chủ nhật hàng tuần, bà nhắn gọi con trai con gái đưa con dâu con rể và cháu nội cháu ngoại đến sum họp, để cùng thưởng thức món ăn ngon bà nấu. Hạnh phúc chừng như chỉ cần những điều đơn giản như vậy. Nhưng vẫn còn thì giờ cho cuộc sống an nhàn của bà và bà muốn dành thì giờ đó cho cộng đồng, cho xã hội... Bà nhận dạy một lớp học tình thương mỗi tuần ba buổi tối cho các cháu trong phường có hoàn cảnh đặc biệt, không có điều kiện học hành ở trường. Cuộc sống hưu trí êm đềm, thanh thản trôi qua từng ngày, từng ngày...
Bây giờ bà mới có thì giờ để mắt tới những thay đổi của người của cảnh trong khu phố thân thuộc, nơi bà sinh sống mười năm nay từ khi chuyển đổi chỗ ở. Hồi đó, gia đình bà mua ngôi nhà chỉ mất hai cây vàng. Dù rằng nằm trong hẻm cụt nhưng được cái yên tĩnh, thích hợp với nếp sinh hoạt mô phạm của gia đình bà. Trước đây, sống ở khu tập thể, gia đình bà cũng bị cuốn theo cái nhịp xô bồ, chung đụng, ồn ào của một nơi đông đúc, người ta chen vai nhau mà sống. Muốn giữ được hòa khí, vợ chồng con cái nhà bà đã phải nhín nhường lời ăn tiếng nói để tránh tranh cãi, nhiều khi đành phải đóng hết cửa nẻo để cách ly với những chuyện chướng tai gai mắt bên ngoài... Mười năm nay thì khác. Cái xóm trong con hẻm cụt này thật yên bình, dân tình thân mật. Đi vào hẻm, bên phải là một dãy gồm năm căn nhà, nhà nào cũng có mảnh sân nhỏ phía trước; bên trái là bức tường dài, xám xịt màu xi măng của căn nhà lầu mặt tiền ở ngoài xóm. Dọc theo bức tường này, có mấy ô cửa sổ lá sách trổ ra để lấy ánh sáng. Mặt lưng của căn nhà này giáp với mảnh sân của nhà cuối hẻm. Cánh cổng nhà cuối hẻm là điểm chấm dứt của chiều dài con hẻm, bước vào trong cánh cổng sơn màu xanh dương ấy sẽ thấy nơi ăn chốn ở của hai vợ chồng bà. Con hẻm chỉ rộng hai mét nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng đãng. Không có nước thải dơ bẩn, không có rác rến bừa bãi. Mới năm ngoái đây, sáu hộ gia đình đã thỏa thuận với nhau đóng góp tiền tráng xi măng nên con hẻm có được bộ cánh lịch sự mát mắt. Ngày ngày, mọi người đi ra đi vào gặp mặt nhau, trao đổi nhau câu chào câu hỏi thân thiện.
Vào một ngày trong mùa cưới, sáu cặp vợ chồng chủ nhân của những căn nhà trong hẻm cùng được mời dự bữa tiệc cưới của con trai ông bà Lâm Đường. Lâm Đường cũng là tên gọi của tiệm tạp hóa ngoài xóm, là căn nhà có bức tường xám xịt phía trái con hẻm. Hàng xóm láng giềng có dịp gặp mặt chung vui với nhau khá là hòa đồng, vui vẻ. Lâu nay, những người trong hẻm vốn là bạn hàng của tiệm tạp hóa, tiệc cưới này là dịp để nhà Lâm Đường củng cố mối quan hệ với khách hàng gần gũi lâu năm. Mọi người nâng ly chúc mừng nhà Lâm Đường đón dâu mới. Cô dâu xinh xắn lắm, da thịt mơn mởn tuổi hăm hai. Nghe rằng cô là con nhà đại lý bia - nước ngọt, nên cũng lanh lợi mua bán. Cô nàng này rồi đây sẽ trở thành người quen.
Chỉ ít ngày sau đã có chuyện xảy ra. Rác. Người phát hiện ra là cô giáo về hưu. Buổi sáng, người lớn trẻ con đi làm đi học cả rồi, con hẻm im vắng lắm, bà bước ra cổng định bụng đi mua quà ăn sáng. Cái gì kia!? Rác ư? Bà nhíu mày khi nhìn thấy mấy mẩu khăn giấy, mấy que tăm bông rơi vãi trên mặt đất phía dưới chân tường nhà Lâm Đường và chỉ cách cổng nhà bà hai mét. Ngước nhìn lên vách tường thì đúng là nơi có một ô cửa sổ lá sách, bà dễ đoán ra rằng thứ rác kia từ đâu thải ra. Hồi nào giờ đâu có vậy! Nhà Lâm Đường vẫn biết bên ngoài bức tường của nhà mình là đường đi lối lại, là mặt tiền của những nhà trong hẻm, và luôn tôn trọng nếp vệ sinh mà người khác giữ gìn. Những ô cửa sổ đã được thiết kế cao hơn tầm nhìn, cũng là một ý đồ tế nhị của nhà Lâm Đường. Nỗi bực bội xộc đến với bà. Quay vào nhà, bà lấy cây chổi và cái hốt rác đi ra xử lý mớ rác vô tội vạ. Con hẻm lại sạch bong. Nỗi bực bội của bà tan đi. Và bà cũng không nói chuyện này với ai.
Nhưng, sáng hôm sau chuyện lại tái diễn. Đúng ở vị trí cũ, lại thấy mấy mẩu khăn giấy và mấy que tăm bông. Những thứ sản phẩm phục vụ vệ sinh và lịch sự cho con người đã trở nên mất vệ sinh và bất lịch sự! Và, cũng chính bà là người phát hiện chứ không phải ai khác vì sáng nay bà ra khỏi nhà thật sớm để kịp đi đưa tang một người bạn vào lúc sáu giờ. Đang vội đi nên bà để yên cái mớ chướng mắt nằm đó. Bà cảm thấy bực mình như bị trêu ngươi. Đi đưa tang về, bà không thấy mớ rác ấy nữa. Hơi ngạc nhiên nhưng bà cũng nhẹ nhõm trong lòng. Ai đã quét dọn nhỉ? Chợt, có tiếng gọi bà từ phía trong bờ rào dâm bụt của căn nhà thứ năm, bà cụ Lũy vừa vẫy tay vừa nói thẻ thọt:
- Cô ơi, tôi nói cái này này...
Bà đến sát bờ rào, bà cụ Lũy vẫn thẻ thọt:
- Lúc sáng, tôi thấy có đống rác ở chỗ kia kìa, tôi đã dọn đi rồi... Có lẽ, ai đó bên nhà ấy vất ra đấy!
Ngón tay bà cụ Lũy chỉ về phía nhà Lâm Đường. Cô giáo về hưu thầm nghĩ: đã có người thứ hai biết chuyện, không khéo bé xé ra to. Bà cụ Lũy là người rỗi việc, ưa tán chuyện nhà người khác. Nghĩ vậy, nên bà làm ra vẻ thờ ơ, nói:
- Vậy hả, bà...
Rồi, quay người đi vào cổng.
... Lại một sáng sớm, vừa bước ra cổng, bà phải chạm mặt với nỗi bực mình. Thứ rác lì lợm ấy lại xuất hiện. Bên trong ô cửa sổ ấy còn nghe thấy tiếng ai sụt sịt mũi. Bà quay vào nhà lấy chổi và cái hốt rác... Bà nghĩ cách trị cái thói xả rác trơ trẽn của ai đó bên nhà Lâm Đường, mà bà đoán là thành viên mới của gia đình ấy, chứ bao lâu nay đâu có “tệ nạn” này. Nếu quả đúng là cô ấy thì cũng cần cho cô ta biết cái lẽ “đất lề quê thói”, nhưng phải bằng cách nào cho khéo, phải tế nhị để không ai bị bẽ mặt. Chuyện tuy nhỏ nhưng là một kiểu thói hư tật xấu, không thể dung túng, mãi sẽ lờn. Nghĩ ngợi một lúc, bà cũng tìm ra cách. Và, bà đã thực hiện vào lúc đèn đóm nhà nào cũng tắt hết, mọi người đang chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, cô giáo về hưu nhè nhẹ từng bước đi ra cổng, lòng có gì như là hồi hộp. Không có một mẩu khăn giấy, một que tăm bông nào. Bà thở phào một cái vì vui, vì nhẹ nhõm trong lòng... Ngày hôm sau, hôm sau và nhiều ngày hôm sau đó, vẫn vắng bóng thứ rác ấy. Con hẻm sạch bong. Rất hài lòng với thành công của mình, bà đem chuyện kể với chồng. Bà kể rằng đã viết một thư ngỏ, đút vào cái cửa sổ lá sách ấy. Chồng bà hỏi: “Mình đã viết gì?”. Bà cười: “Em chẳng viết gì nhiều, chỉ là hai dòng chữ mực đỏ: Đừng xả rác qua bên này nữa! Đừng để phải nói ra mà mất lòng hàng xóm”... Chồng bà tủm tỉm: “Mình đúng là một nhà giáo”.
ST! (Tác Giả: An Quyên )
Bà vẫn cảm thấy mình còn sức lực, tâm huyết để bắt tay vào việc gì đó giúp đỡ, ích lợi cho người khác. Chồng bà là người hoan nghênh bà nghỉ hưu, vì lo cho sức khỏe của vợ. Ông muốn bà được thảnh thơi, ngơi nghỉ. Vườn cây cảnh nho nhỏ ở mảnh sân vuông vắn trước nhà, ông nhường cho bà chăm sóc, vui thú với thiên nhiên thu nhỏ. Bà còn có thú vui khác là trổ tài nấu ăn, điều mà trước đây bà không có thì giờ để thực hiện. Mỗi chủ nhật hàng tuần, bà nhắn gọi con trai con gái đưa con dâu con rể và cháu nội cháu ngoại đến sum họp, để cùng thưởng thức món ăn ngon bà nấu. Hạnh phúc chừng như chỉ cần những điều đơn giản như vậy. Nhưng vẫn còn thì giờ cho cuộc sống an nhàn của bà và bà muốn dành thì giờ đó cho cộng đồng, cho xã hội... Bà nhận dạy một lớp học tình thương mỗi tuần ba buổi tối cho các cháu trong phường có hoàn cảnh đặc biệt, không có điều kiện học hành ở trường. Cuộc sống hưu trí êm đềm, thanh thản trôi qua từng ngày, từng ngày...
Bây giờ bà mới có thì giờ để mắt tới những thay đổi của người của cảnh trong khu phố thân thuộc, nơi bà sinh sống mười năm nay từ khi chuyển đổi chỗ ở. Hồi đó, gia đình bà mua ngôi nhà chỉ mất hai cây vàng. Dù rằng nằm trong hẻm cụt nhưng được cái yên tĩnh, thích hợp với nếp sinh hoạt mô phạm của gia đình bà. Trước đây, sống ở khu tập thể, gia đình bà cũng bị cuốn theo cái nhịp xô bồ, chung đụng, ồn ào của một nơi đông đúc, người ta chen vai nhau mà sống. Muốn giữ được hòa khí, vợ chồng con cái nhà bà đã phải nhín nhường lời ăn tiếng nói để tránh tranh cãi, nhiều khi đành phải đóng hết cửa nẻo để cách ly với những chuyện chướng tai gai mắt bên ngoài... Mười năm nay thì khác. Cái xóm trong con hẻm cụt này thật yên bình, dân tình thân mật. Đi vào hẻm, bên phải là một dãy gồm năm căn nhà, nhà nào cũng có mảnh sân nhỏ phía trước; bên trái là bức tường dài, xám xịt màu xi măng của căn nhà lầu mặt tiền ở ngoài xóm. Dọc theo bức tường này, có mấy ô cửa sổ lá sách trổ ra để lấy ánh sáng. Mặt lưng của căn nhà này giáp với mảnh sân của nhà cuối hẻm. Cánh cổng nhà cuối hẻm là điểm chấm dứt của chiều dài con hẻm, bước vào trong cánh cổng sơn màu xanh dương ấy sẽ thấy nơi ăn chốn ở của hai vợ chồng bà. Con hẻm chỉ rộng hai mét nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng đãng. Không có nước thải dơ bẩn, không có rác rến bừa bãi. Mới năm ngoái đây, sáu hộ gia đình đã thỏa thuận với nhau đóng góp tiền tráng xi măng nên con hẻm có được bộ cánh lịch sự mát mắt. Ngày ngày, mọi người đi ra đi vào gặp mặt nhau, trao đổi nhau câu chào câu hỏi thân thiện.
Vào một ngày trong mùa cưới, sáu cặp vợ chồng chủ nhân của những căn nhà trong hẻm cùng được mời dự bữa tiệc cưới của con trai ông bà Lâm Đường. Lâm Đường cũng là tên gọi của tiệm tạp hóa ngoài xóm, là căn nhà có bức tường xám xịt phía trái con hẻm. Hàng xóm láng giềng có dịp gặp mặt chung vui với nhau khá là hòa đồng, vui vẻ. Lâu nay, những người trong hẻm vốn là bạn hàng của tiệm tạp hóa, tiệc cưới này là dịp để nhà Lâm Đường củng cố mối quan hệ với khách hàng gần gũi lâu năm. Mọi người nâng ly chúc mừng nhà Lâm Đường đón dâu mới. Cô dâu xinh xắn lắm, da thịt mơn mởn tuổi hăm hai. Nghe rằng cô là con nhà đại lý bia - nước ngọt, nên cũng lanh lợi mua bán. Cô nàng này rồi đây sẽ trở thành người quen.
Chỉ ít ngày sau đã có chuyện xảy ra. Rác. Người phát hiện ra là cô giáo về hưu. Buổi sáng, người lớn trẻ con đi làm đi học cả rồi, con hẻm im vắng lắm, bà bước ra cổng định bụng đi mua quà ăn sáng. Cái gì kia!? Rác ư? Bà nhíu mày khi nhìn thấy mấy mẩu khăn giấy, mấy que tăm bông rơi vãi trên mặt đất phía dưới chân tường nhà Lâm Đường và chỉ cách cổng nhà bà hai mét. Ngước nhìn lên vách tường thì đúng là nơi có một ô cửa sổ lá sách, bà dễ đoán ra rằng thứ rác kia từ đâu thải ra. Hồi nào giờ đâu có vậy! Nhà Lâm Đường vẫn biết bên ngoài bức tường của nhà mình là đường đi lối lại, là mặt tiền của những nhà trong hẻm, và luôn tôn trọng nếp vệ sinh mà người khác giữ gìn. Những ô cửa sổ đã được thiết kế cao hơn tầm nhìn, cũng là một ý đồ tế nhị của nhà Lâm Đường. Nỗi bực bội xộc đến với bà. Quay vào nhà, bà lấy cây chổi và cái hốt rác đi ra xử lý mớ rác vô tội vạ. Con hẻm lại sạch bong. Nỗi bực bội của bà tan đi. Và bà cũng không nói chuyện này với ai.
Nhưng, sáng hôm sau chuyện lại tái diễn. Đúng ở vị trí cũ, lại thấy mấy mẩu khăn giấy và mấy que tăm bông. Những thứ sản phẩm phục vụ vệ sinh và lịch sự cho con người đã trở nên mất vệ sinh và bất lịch sự! Và, cũng chính bà là người phát hiện chứ không phải ai khác vì sáng nay bà ra khỏi nhà thật sớm để kịp đi đưa tang một người bạn vào lúc sáu giờ. Đang vội đi nên bà để yên cái mớ chướng mắt nằm đó. Bà cảm thấy bực mình như bị trêu ngươi. Đi đưa tang về, bà không thấy mớ rác ấy nữa. Hơi ngạc nhiên nhưng bà cũng nhẹ nhõm trong lòng. Ai đã quét dọn nhỉ? Chợt, có tiếng gọi bà từ phía trong bờ rào dâm bụt của căn nhà thứ năm, bà cụ Lũy vừa vẫy tay vừa nói thẻ thọt:
- Cô ơi, tôi nói cái này này...
Bà đến sát bờ rào, bà cụ Lũy vẫn thẻ thọt:
- Lúc sáng, tôi thấy có đống rác ở chỗ kia kìa, tôi đã dọn đi rồi... Có lẽ, ai đó bên nhà ấy vất ra đấy!
Ngón tay bà cụ Lũy chỉ về phía nhà Lâm Đường. Cô giáo về hưu thầm nghĩ: đã có người thứ hai biết chuyện, không khéo bé xé ra to. Bà cụ Lũy là người rỗi việc, ưa tán chuyện nhà người khác. Nghĩ vậy, nên bà làm ra vẻ thờ ơ, nói:
- Vậy hả, bà...
Rồi, quay người đi vào cổng.
... Lại một sáng sớm, vừa bước ra cổng, bà phải chạm mặt với nỗi bực mình. Thứ rác lì lợm ấy lại xuất hiện. Bên trong ô cửa sổ ấy còn nghe thấy tiếng ai sụt sịt mũi. Bà quay vào nhà lấy chổi và cái hốt rác... Bà nghĩ cách trị cái thói xả rác trơ trẽn của ai đó bên nhà Lâm Đường, mà bà đoán là thành viên mới của gia đình ấy, chứ bao lâu nay đâu có “tệ nạn” này. Nếu quả đúng là cô ấy thì cũng cần cho cô ta biết cái lẽ “đất lề quê thói”, nhưng phải bằng cách nào cho khéo, phải tế nhị để không ai bị bẽ mặt. Chuyện tuy nhỏ nhưng là một kiểu thói hư tật xấu, không thể dung túng, mãi sẽ lờn. Nghĩ ngợi một lúc, bà cũng tìm ra cách. Và, bà đã thực hiện vào lúc đèn đóm nhà nào cũng tắt hết, mọi người đang chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, cô giáo về hưu nhè nhẹ từng bước đi ra cổng, lòng có gì như là hồi hộp. Không có một mẩu khăn giấy, một que tăm bông nào. Bà thở phào một cái vì vui, vì nhẹ nhõm trong lòng... Ngày hôm sau, hôm sau và nhiều ngày hôm sau đó, vẫn vắng bóng thứ rác ấy. Con hẻm sạch bong. Rất hài lòng với thành công của mình, bà đem chuyện kể với chồng. Bà kể rằng đã viết một thư ngỏ, đút vào cái cửa sổ lá sách ấy. Chồng bà hỏi: “Mình đã viết gì?”. Bà cười: “Em chẳng viết gì nhiều, chỉ là hai dòng chữ mực đỏ: Đừng xả rác qua bên này nữa! Đừng để phải nói ra mà mất lòng hàng xóm”... Chồng bà tủm tỉm: “Mình đúng là một nhà giáo”.
ST! (Tác Giả: An Quyên )