Bỗng Dưng Mất Quê Hương
Tác giả : Nguyễn Ngọc Hoa
Tác giả tên thật Nguyễn văn Hoa, sinh năm 1947 tại Quảng Bình, Việt Nam. Tốt nghiệp kỹ sư điện, học cao học và soạn luận án tiến sĩ kỹ sư (1970-75). Từ 1970 đến 1975 dạy đại học kỹ thuật tại Sài gòn. Năm 1975 định cư tại Hoa Kỳ, làm việc cho công ty tiện ích ở North Dakota cho đến năm 2012 thì về hưu. Với hai bài góp phần viết về nước Mỹ năm 2013, tác giả đã nhận giải thưởng đặc biệt. Bài viết mới của ông là một hồi ký sống động về biến cố Tháng Tư 1975.
* * *
Mười giờ rưỡi sáng ngày 30 tháng Tư, 1975. Trên chiến hạm HQ-402 ở hải phận quốc tế ngoài khơi Vũng Tàu. Mệt lả người nhưng tôi đứng nghiêm hướng về kỳ đài nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ từ từ hạ xuống, hát quốc ca mà nước mắt ràn rụa,
“Này Công Dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng.
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống...”
Tiếng hát vang dội trên biển cả như tiếng hót bi tráng của con thiên nga trong khoảnh khắc cuối cùng. Trên đài phát thanh Sài gòn, Tổng thống Dương văn Minh vừa tuyên bố đầu hàng và ra lệnh buông khí giới. Tôi quỵ xuống ôm mặt khóc khi bài hát vừa dứt,
“... Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống
Xứng danh nghìn năm giòng giống Lạc Hồng!”
Chúng tôi là kẻ thất trận, là người vô tổ quốc. Từ nay sẽ tản mác khắp thế giới, lưu đày tha phương như người Do Thái khi xưa, hơn hai ngàn năm sau mới trở về cố hương. Đôi mắt đỏ hoe, Châu ngồi cạnh ôm vai tôi. Ba em trai ủ rũ nhìn mông lung ra biển. Bình còn khóc tức tưởi; tôi nhận ra cô em duy nhất trong gia đình không còn là con bé bụ bẫm ngày xưa tôi cõng trên lưng chạy chơi khắp xóm Mang Cá ở Huế.
***
Đầu năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết nhưng cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt. Mùa hè năm đó, cha tôi, một sĩ quan cao cấp, về hưu đưa mẹ và hai em nhỏ nhất còn ở nhà – Lâm và Trọng – từ Nha Trang về Sài gòn. Cha sống ẩn dật, không quyền hành, không giàu có xa hoa, và vì vậy không bạn bè thăm viếng. Vợ chồng tôi và Bình đã ở trong căn nhà cư xá Bắc Hải của cha nên coi như cả gia đình nay cùng sống dưới một mái nhà – nếu không kể Sang (em kế tôi) là sĩ quan pháo binh đóng ở Phan Thiết và Triết (kế Sang) du học Hoa kỳ.
Bước sang năm 1975, quân lực Việt nam Cộng hòa chiến đấu trong tuyệt vọng vì thiếu súng ống đạn dược; mức quân viện của Hoa kỳ đã xuống đến mức thấp nhất. Đầu tháng Giêng, Cộng sản tấn công và chiếm được tỉnh Phước Long mà Hoa kỳ không phản ứng, chứng tỏ “nước bạn” không còn muốn vương víu với “đồng minh” Việt nam. Điều này ai cũng thấy rõ, nhưng không ai muốn tin mà viện đủ lý lẽ để suy diễn “người Mỹ không bao giờ để mất Việt nam.”
Ngày 10 tháng Ba, Ban Mê Thuột bị bỏ ngỏ và thất thủ; vài ngày sau các tỉnh Cao nguyên bị chiếm cứ và dân chúng di chuyển tán loạn xuống miền Duyên hải khiến quân dân hoang mang và không còn tinh thần chiến đấu. Cha mẹ đứng ngồi không yên vì mất liên lạc với chị dâu tôi (anh mất năm năm trước) và ba cháu nhỏ ở Ban Mê Thuột.
Trong ba tuần lễ kế tiếp, quân CS kiểm soát Huế và Đà Nẵng, và VNCH mất hầu hết lãnh thổ thuộc Quân đoàn I. Những bài tường thuật về thảm cảnh chết chóc tang thương và hỗn độn cùng cực khi dân chúng miền Trung di tản vào Nam để trốn CS (báo chí ngoại quốc gọi là “bỏ phiếu bằng đôi chân”) khiến tôi mất ngủ triền miên. Chiếc tàu Đông Sơn chở thuê hàng hóa ra Trung của mẹ phải nằm bến vì “thời buổi chộn rộn ni, có ma mô mà làm ăn,” mẹ nói.
Khi báo chí ngoại quốc tiên đoán cuộc “tắm máu” nếu CS vào Sài gòn, tôi nghĩ cách đưa gia đình ra khỏi thủ đô tránh khỏi trận đánh đẫm máu cuối cùng. Phác họa kế hoạch với Tấn, người bạn thân và cùng là nhân viên giảng huấn ở hai đại học kỹ thuật ở Phú Nhuận và Phú Thọ. Tuy nhiên, hành động cụ thể duy nhất là sửa soạn cho mỗi người trong nhà một xách tay nhỏ đựng bộ quần áo và bản sao giấy tờ tùy thân cùng với địa chỉ liên lạc của Triết và các bạn tôi ở ngoại quốc.
Việc chuẩn bị này khiến cha phật lòng; ông tin tưởng miền Nam không thể mất và sớm muộn gì cũng có giải pháp chính trị. Tối tối bắc ghế ra ngoài bao lơn nhấm nháp rượu đế và, khi ngà say, cha bâng quơ chửi bới “bọn trí thức có ăn học mà ngu xuẩn nghe CS tuyên truyền.”
Đầu tháng Tư, VNCH mất kiểm soát các tỉnh thuộc Quân đoàn I và Quân đoàn II ở phía bắc, kể cả Tiểu khu Bình Thuận, nơi Sang phục vụ. Mẹ lo lắng khóc ròng, mang hương hoa lên chùa cúng cầu an. Tuần sau, Sang lù lù về nhà, mặt đen thui và ốm nhom sau mười ngày đói khát dẫn thuộc binh băng rừng vượt hai trăm cây số về Sài gòn.
***
Các giảng khoa ở trường Phú Nhuận trong niên khóa này đã hoàn tất nên tôi dành hầu hết thì giờ cho Phú Thọ, ngôi trường cũ ghi dấu nhiều kỷ niệm thời sinh viên. Sáng thứ Hai đầu tháng Tư lên giảng đường dạy môn lý thuyết sở trường nhưng không xách theo chiếc cặp da thường ngày. Nhìn những khuôn mặt phờ phạc hốc hác và những đôi mắt thất thần lo âu, tôi nói vắn tắt,
“Cám ơn các anh chị đã chăm chỉ học hành trong lục cá nguyệt vừa qua. Trước tình thế này, rất tiếc tôi không còn tinh thần để giảng dạy. Kể từ giờ phút này, khóa học của chúng ta kết thúc.”
Trước hơn sáu mươi khuôn mặt trẻ ngạc nhiên và ngỡ ngàng, tôi tiếp tục,
“Mời các anh chị xuống Phòng Giáo sư dùng cà phê, tiệc trà chia tay của chúng ta.”
Trong lúc đàm đạo vài em tẽn tò thú nhận đây là lần đầu nếm mùi cà phê; đối với nhiều sinh viên nghèo, cà phê là xa xỉ phẩm trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài những câu hỏi về thời cuộc, các em hỏi có phải tôi chuẩn bị đi ngoại quốc như một số giáo sư khác – người có vợ ngoại quốc theo vợ về nước, kẻ tốt nghiệp đại học Hoa kỳ hàng ngày ra tòa đại sứ Mỹ đội nắng xếp hàng xin được “bốc” đi. Tôi thành thực trả lời,
“Tôi ở lại Sài gòn đến ngày cuối cùng, nhưng không bao giờ sống chung với Cộng sản.”
Năm 1954 gia đình tôi di cư từ ngoài vĩ tuyến 17 vào Nam, bỏ nhà cửa ruộng vườn, họ hàng thân thích, và của cải tích lũy từ nhiều đời để khỏi sống dưới ách CS. Ông nội chọn ở lại nơi quê cha đất tổ, bị xếp vào thành phần địa chủ mà đấu tố cho đến chết, tài sản bị chiếm đoạt.
Lớn tuổi nhất lớp là Tân, anh trung úy Công binh được quân đội tuyển chọn gửi đến học. Ngoài ba mươi tuổi, học chăm chỉ và giữ lễ độ với mọi người, nhưng hôm nay anh gay gắt,
“‘Phía bên kia’ vào đây, đất nước thống nhất và hòa bình; sao thầy ra đi?”
“Vì không thể sống với kẻ thù!” tôi cương quyết.
Anh tôi là sĩ quan thám báo hy sinh trên chiến trường Tây nguyên, và em trai (giữa Sang và Triết) là trung sĩ hải thuyền tử trận khi xâm nhập chiến khu Lê Hồng Phong ở Bình Thuận. Đối với “phía bên kia,” tôi là công chức cao cấp “chính quyền Mỹ Ngụy,” “mang nợ máu với nhân dân.” (Mười năm sau tôi được biết lúc ấy Tân mang quân hàm thiếu tá Việt cộng chỉ huy toán cán bộ nằm vùng ở trường kỹ thuật.)
Không còn bận bịu bài vở, tôi vận động giúp đỡ các sinh viên quê ngoài Trung vào Sài gòn trọ học. Không có trợ cấp gia đình, thiếu tiền ăn và tiền trọ, các em cần tiền sống qua ngày. Quyên bạn bè và thân nhân thì không mấy ai có khả năng hay thiện chí đóng góp. Đập cửa các cơ quan chính phủ chẳng khác gì đánh trống qua cửa nhà sấm. Cầu cứu mấy công ty kỹ nghệ quen biết, tôi được ứng trước ngân khoản trả cho các dự án cố vấn kỹ thuật tương lai (chưa thực hiện). Lấy hết món tiền dành dụm trong trương mục tiết kiệm, cộng với tiền lương tháng ở hai trường đại học. Mỗi sinh viên túng thiếu nhận được một số tiền khiêm nhường, hạt gạo nhỏ bé của con kiến đơn độc.
Trận án ngữ cuối cùng diễn ra vào trung tuần tháng Tư ở Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông của thủ đô. Dưới sự điều động của Thiếu tướng Lê Minh Đảo chỉ huy trưởng Sư đoàn 18 Bộ binh quân VNCH cầm cự ba tuần lễ. Tướng Đảo là hàng xóm của gia đình tôi, hai nhà chung vách. Bà tướng người Nam tốt bụng, niềm nở, và vui tính. Mẹ kể lại, ngày cuối cùng trước khi Sài gòn thất thủ, khi thấy rõ ràng tình thế vô phương cứu vãn, bà đề cập chuyện di tản thì ông gạt ngang,
“Nếu có chết thì cùng chết ở đây, không đi đâu hết!”
***
Sáng 28 tháng Tư, Sài gòn còn yên tĩnh. Trọng (em út, mười bốn tuổi) dậy sớm lấy Honda PC đưa Bình ra Ngã Bảy Phan Thanh Giản đón xe lô đi học; sau đó chú bé toàn quyền xử dụng chiếc xe gắn máy cho đến chiều. Từ trước rạp hát Long Vân, chạy dọc theo đường Phan thanh Giản ra xa lộ khoảng mười cây số tới Thủ Đức, xe ngừng trước cổng Đại học Sư phạm Kỹ thuật của Bình.
Tôi lên trường làm việc, trưa về nhà chưa kịp ăn trưa thì mẹ nghe tin VC đánh tới Thủ Đức mà chưa thấy Bình về nên phái tôi và Sang đi đón. Mẹ dặn dò,
“Giao con Bình cho thằng Sang chở về, con qua mời o dượng Hoàng về đây; lỡ có chuyện chi bà con nương tựa nhau.”
Nhà o dượng nằm cạnh trường Bình học. Ông bà nội chỉ sinh ra cha và o; o là em mà lấy chồng sớm nên hai người con lớn tuổi hơn tôi, đã có gia đình và ra riêng. Dễ tính, xuề xoà, nói nhiều nhưng ít khi làm mất lòng ai, và nhất là nuông chiều cháu không ai bằng.
Hai anh em hai xe gắn máy theo đường nhỏ bên trong chạy lên Thủ Đức. Trường Bình đóng cửa, sinh viên về hết. Chúng tôi sang nhà o dượng Hoàng; thấy chúng tôi bước vào, o vội vàng mở tủ lạnh lấy bia và đi nướng mực khô làm đồ nhắm. Tôi nói lời mẹ dặn, o đồng ý,
“Đợi dượng mi đi làm về; chắc cũng gần rồi.“
Để Sang ở lại chờ, tôi vội vã về Sài gòn.
Về nhà thấy Bình bình yên vô sự, tôi trở vào trường. Phòng Học vụ triệu tập Hội đồng Giáo sư họp khẩn cấp để chấm đậu và cấp bằng Kỹ sư cho sinh viên đệ tứ niên, và chấm đậu và cho những sinh viên khác lên lớp trên. Tham dự buổi họp lèo tèo sáu nhân viên giảng huấn cấp thấp tuổi dưới ba mươi, và chương trình nghị sự hoàn tất trong vòng một tiếng đồng hồ.
***
Sau phiên họp, ghé văn phòng cất giấy tờ, thấy giấy nhắn tin của Tấn,
“Lại ngay nhà tao; ngày N đã đến.”
Tôi chạy xe Honda như bay; Tấn đang đợi,
“Thằng Sĩ cho hay nội ngày mai Việt cộng vào tới. Thằng bạn thân của tao làm thiếu tá hải quân, có thể đưa mình lên tàu ra khỏi Sài gòn.”
Sĩ là bạn của tôi và Tấn, trung úy quân y nhưng mặc đồ xi-vin làm việc trong phủ tổng thống. Tấn đưa địa chỉ điểm hẹn – nhà thiếu tá Khôi trong Trại Cửu Long, trại gia binh sĩ quan hải quân ở Thị Nghè – và nhắc nhở,
“Không có gì chắc chắn, mày tự suy xét và quyết định lấy. Tao đón Cẩm Giang và đến đó lúc sáu giờ rưỡi.”
Cẩm Giang là “bồ” của Tấn, theo dự trù sẽ rủ đi cùng.
Tôi phân vân ray rứt. Nguồn tin của Sĩ có đáng tin không? Ra đi hay ở lại, bên nào an toàn hơn? Ra khỏi Sài gòn bằng tàu hải quân có an toàn không? Đi đâu và làm gì để sinh sống? Nhớ là công chức hay quân nhân đào nhiệm, xuất cảnh bất hợp pháp, hay lạm dụng tài sản quốc gia đều là hành vi phạm pháp nghiêm trọng; đài phát thanh và truyền hình nói ra rả suốt ngày.
Tôi gọi Châu và các em (thiếu Sang) đến trước mặt cha mẹ, trình bày nguồn tin và cơ hội thoát khỏi thủ đô, rồi hỏi ý kiến mọi người. Cho rằng ra đi như vậy quá phiêu lưu và nguy hiểm, cha bác bỏ ngay; mẹ khi nào cũng theo cha, ngoài ra mọi người đồng lòng ra đi – và có năm phút để thu thập những thứ mang theo. Trong tiếng khóc òa của mẹ, chúng tôi quỳ trước đấng sinh thành lạy mỗi người bốn lạy; chắc hẳn là lần cuối thấy nhau trên cõi đời.
Chúng tôi rời ngôi nhà yêu dấu bằng xe gắn máy dưới bầu trời u ám và sấm chớp vang rền. Như dự định, ghé qua nhà cha mẹ Châu trên đường Hồng Thập Tự – nằm trên đường tới Trại Cửu Long. Châu đau lòng không nỡ tận mặt chia tay mẹ nên tôi viết vội mấy dòng để lại trên bàn phòng khách,
“Chúng con viết thư này vào lúc sáu giờ thiếu năm ngày 28 tháng Tư. Vì quá đớn đau nên chúng con ra đi mà không dám từ biệt ba má. Chúng con hứa sẽ đùm bọc lẫn nhau, sống chết có nhau, dù đến chân trời góc biển nào đi nữa. Xin ơn trên phò hộ ba má và gia đình mình.”
Để xe ở nhà cha mẹ Châu, chúng tôi đứng đón taxi mà nghe nhiều tiếng nổ từ phi trường Tân Sơn rung chuyển cả thành phố'. Taxi chỉ nhận chở ba hành khách, Bình dẫn Lâm (em áp út, mười sáu tuổi) và Trọng lên xe đi trước. Tôi vừa đón được chiếc taxi thứ hai thì Sang cũng vừa phóng xe Honda vù tới. Em dựng xe trước hàng hiên và nhào lên taxi, không nói một lời. Chỉ cần trễ mười giây là tôi và Châu đã ra đi!
(Sang chờ ở Thủ Đức đến chiều mà dượng Hoàng chưa về, bất giác thấy nóng ruột vội chạy về Sài gòn. Mẹ chờ trước cửa, cầm sẵn túi xách đựng tiền mà lúc tôi ra đi mẹ rối trí không nhớ ra, khóc mếu máo,
“Anh chị và các em con đi rồi.”
Không biết chúng tôi đi đâu, Sang chạy đến nhà cha mẹ Châu.
Taxi chạy qua hông dinh Độc Lập, đột nhiên súng phòng không trong dinh bắn lên dữ dội và oanh tạc cơ vần vũ trên không. Ngồi băng ghế trước, Sang rút ra mấy tờ bạc năm trăm dúi cho ông tài xế và ra lệnh tiếp tục chạy đến chỗ hẹn. Xe qua cầu Thị Nghè vừa tới cổng Trại Cửu Long thì lính gác bắt đầu kéo rào kẽm gai đóng cổng, súng ống chỉa ra ngoài sẵn sàng nhả đạn. Tôi xuống xe nhìn quanh la thất thanh,
“Bình tới chưa? Đâu rồi?”
Không nói không rằng, Sang kéo tôi và Châu chạy băng qua cổng. Chần chờ một phút là kẹt lại bên ngoài!
Chúng tôi chạy lom khom vì bốn phương tám hướng đều có tiếng cao xạ bắn nổ liên hồi trên không trung. Không thấy bóng dáng Bình và hai em đâu cả! Nửa tiếng đồng hồ sau, mò mẫm đến nhà thiếu tá Khôi thì – may quá – Bình và hai em ngồi chờ trước hàng hiên nhà kế cận.
Tôi biết thiếu tá Khôi còn độc thân, sống với mẹ già và cô em gái, nhưng nhà sau đầy người. Anh lịch sự nhưng lạnh lùng cho biết không quen ai tên Tấn và, khi tôi nài nỉ nhờ giúp đỡ, từ chối thẳng thừng,
“Tôi là quân nhân, không làm chuyện phạm pháp.”
Tôi hiểu rõ điều này nên bình thản quay lưng đi; anh chị Nghiêm thấp thoáng sau cửa sổ nhìn theo. Anh Nghiêm là anh cả của Tấn, hai anh chị đều là giáo sư trung học, và là chỗ quen thân mấy năm nay.
Đài phát thanh loan báo lệnh giới nghiêm 24/24, cấm dân chúng không được ra đường. Nhờ tài ngoại giao khôn khéo, Châu và Bình kiếm được chỗ tá túc ở một căn nhà gần đó. Chị chủ nhà người Nam trạc ba mươi tuổi, ở nhà với hai con nhỏ trong lúc chồng là đại úy hải quân đi công tác xa.
Sau một ngày căng thẳng mệt nhọc, đặt lưng xuống sàn căn gác lửng là tôi ngủ say như chết. Vào khoảng hai giờ sáng, hốt hoảng thức dậy; đèn đuốc sáng rực rọi thẳng vào mặt, súng lên đạn lách cách dí vào người. Có tiếng hô lớn,
“Đưa tay lên, không được đụng tới súng!”
Còn quáng mắt nhưng tôi thấy rõ mấy khẩu tiểu liên cùng với nhiều băng đạn nằm la liệt trên hai kệ gỗ thấp gắn vào vách tường phía đầu nằm; tất cả đều trong tầm tay. Sang la lớn,
“Không phải của chúng tôi. Đừng bắn! “
Từ dưới nhà chị chủ nhà lên tiếng xác nhận,
“Súng đạn trên gác của anh Quang chồng tôi.”
Sau khi xem xét giấy tờ tùy thân – thẻ căn cước, chứng minh thư, thẻ sinh viên, và thẻ học sinh, viên trung úy trưởng toán an ninh dịu giọng, nhưng vẫn giữ giấy tờ,
“Chúng tôi được lệnh đưa các người về Bộ Tư lệnh thẩm vấn.”
“Tại sao? Chúng tôi không làm gì sai trái,” tôi cãi.
“Cư ngụ bất hợp pháp trong căn cứ Hải quân,” anh ta trả lời cụt ngủn.
Chiếc giang thuyền áp giải chúng tôi chạy qua bên kia sông, hải cảng và trung tâm thành phố còn đèn điện sáng trưng. Nhìn bầu trời không trăng sao, tôi nhớ mẹ và thầm hứa con chim đầu đàn này sẽ hết lòng bảo vệ các em, dù phải trả bằng mạng sống của chính mình.
***
Ngày 29 tháng Tư. Nơi tạm giữ những kẻ “cư ngụ bất hợp pháp” là phòng ngủ của binh sĩ và hạ sĩ quan cấm trại hay trực đêm. Có giường bố nằm ngủ, được cho ăn uống ở nhà bàn bên cạnh, và không ai canh giữ. Chờ từ sáng đến gần trưa mà không thấy ai hỏi han, tôi yêu cầu gặp sĩ quan trực để xin giải quyết nhưng được lệnh phải chờ.
Trên đài phát thanh Thủ tướng Vũ văn Mẫu (vừa được bổ nhiệm chiều hôm trước) yêu cầu “Kỹ rút khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ.” Tiếng súng nổ rất gần, có lẽ Cộng quân đã vào thành phố. Những người bị tạm giữ như chúng tôi lần lượt được thân nhân lãnh ra. Lính hải quân lẳng lặng đi ra, doanh trại càng lúc càng vắng người.
Khoảng bốn giờ chiều đạn pháo kích bắt đầu rót vào mấy dãy nhà kế cận, và trong phòng trơ trọi sáu anh em tôi. Đặt tay lên tượng Phật hộ mạng đeo trước ngực, tôi tự nhủ tình thế này chỉ có nước liều mạng mới thoát giam. Trong ánh mắt ái ngại của Châu và các em, tôi ra sân Bộ Tư lệnh đứng dưới kỳ đài, dõng dạc la lớn,
“Tôi là giáo sư đại học, công chức chính phủ Việt nam Cộng hòa, cấp bậc ngang hàng với trung tá, không làm gì trái luật mà bị bắt vào đây. Thủ tướng chính phủ gọi Việt cộng là ‘người anh em bên kia’ mà kẻ quốc gia chân chính như tôi thì các anh không thèm tra xét, định giam tù cho đến bao giờ? Vậy có xứng đáng với châm ngôn ‘Tổ quốc - Đa.i dương’ hay không?”
Càng nói càng hăng, nỗi niềm u uất có cơ hội phát tiết, tôi thách thức,
“Có giỏi cứ bắn đi! Việt cộng vào nó giết cũng vậy thôi.”
Một sĩ quan đội kết che gần nửa khuôn mặt lại gần,
“Mời thầy vào gặp thiếu tá quyền tham mưu trưởng.”
Vị thiếu tá trẻ ngồi sau chiếc bàn giấy đứng dậy trả lại xấp giấy tờ tùy thân,
“Rất tiếc sĩ quan có nhiệm vụ điều tra hôm nay ‘đi vắng.’ Bây giờ anh và gia đình có thể rời khỏi đây; thiếu úy Cường đưa anh ra.”
Anh thiếu úy dở kết nhìn tôi cười,
“Thầy nhớ em không? Em học vật lý đệ tam với thầy ở trường Thánh Thomas.”
Làm sao tôi quên được cậu học sinh tinh nghịch nhất lớp trung học dạy đầu tiên trong đời ở ngôi trường tư trên đường Trương Mink Ký! Lúc ấy, “ông” thầy học đệ nhị niên trường kỹ sư, mặt non choẹt, và chỉ lớn hơn học trò dăm ba tuổi nên thường bị chọc phá tơi bời. Cường tiễn tôi ra cổng,
“Bên kia đường là Hải quân Công xưởng. Qua khỏi cổng vào bên trong thầy sẽ thấy rất nhiều tàu; chiếc nào có người là sắp đi. Chúc thầy may mắn.”
***
Vấn đề là làm sao qua lọt cổng để vào bên trong. Châu lạc quan đề nghị,
“Em chơi thân với con Phượng; mình ghé nó xem sao.”
Phượng là con Đề đốc Chương tư lệnh Hải quân mà tư dinh nằm ngay cạnh, chỉ mấy chục bước là tới. Ngày học trường Fraternité dạy chương trình Pháp gần Ngã Sáu Chợ Lớn, Châu hay đến chơi nhà cô bạn thân cùng lớp. Người nhà lễ phép tiếp Châu, cho biết cô con gái cưng cùng gia đình đề đốc đã “đi xa,” cho phép chúng tôi ngồi nghỉ trước hiên nhà, và thỉnh thoảng mang bình nước lọc để lạnh ra cho khách.
Chiếc cổng cách xa chúng tôi không tới bốn chục thước; toán lính gác võ trang triệt để như sắp lâm trận. Nghĩ nát nước, tôi kết luận chỉ có thể lọt qua cổng vào giây phút hỗn chiến cuối cùng, khi VC tấn công vào đây. Người tôi nóng bừng, nước uống vào bao nhiêu mồ hôi đổ ra bấy nhiêu, áo sơ-mi ướt đẫm như đi ngoài mưa.
Chia sáu người ra làm hai nhóm: tôi, Châu, và Trọng một nhóm, và nhóm kia gồm Sang, Bình, và Lâm. Lấy túi tiền mẹ cho chia hai, một nửa giao cho Sang,
“Khi anh hô ‘Chạy,’ các em kéo nhau chạy ào vào cổng. Ném hết tiền cho lính gác, may ra họ thương tình không bắn mình. Chết thì kiếp sau gặp lại nhau!”
Bỗng nhiên, khoảng sáu giờ chiều hàng rào kẽm gai phòng thủ ở đầu đường mở ra cho khoảng ba chục người khệ nệ khuân vác hành lý lục tục đi vào. Tôi nhìn kỹ vị sĩ quan đi đầu, cổ áo gắn sao bạc mà dáng ngơ ngẩn như người mất hồn, và khều Sang,
“Ai như Chuẩn tướng Sơ làm việc với cha ở Nha Trang?”
“Đúng rồi, hắn chứ ai!”
Sang xác nhận rồi lẹ như chớp ra hiệu cho mấy anh em nhập bọn với đoàn tùy tùng của ông tướng. Chúng tôi đi qua cổng Hải quân Công xưởng trót lọt, không ai xét hỏi.
Nhiều tàu bè lớn nhỏ đủ loại đậu im lìm dọc theo quân cảng nhưng không thấy chiếc nào có người ở trên (sau này mới biết thân nhân và gia đình hải quân đã nấp dưới hầm tàu từ đêm trước). Đi lui đi tới hai vòng, cuối cùng thấy có người leo lên chiến hạm HQ-402, chúng tôi đánh bạo lên theo. Boong tàu rộng lớn không người, chúng tôi không dám đi lung tung mà đứng gần cầu thang lên xuống đợi xem động tĩnh ra sao.
Khi trời chạng vạng tối người ta bắt đầu lên tàu và càng lúc càng đông. Vài người kêu khóc vì lạc thân nhân; có người đi lên rồi đổi ý trở xuống. Đứng ở đầu cầu thang, tôi và Sang giúp khuân hành lý lên và đỡ phụ nữ và các em nhỏ bước qua thành tàu, nhờ đó chứng kiến nhiều cảnh chia ly buồn thảm.
Vào khoảng nửa đêm, HQ-402 nhổ neo rời bến, tắt đèn chạy trong bóng tối ra cửa Nhà Bè. Mọi người trên boong được lệnh nằm rạp xuống sàn, giữ im lặng, và không được hút thuốc. Súng từ hai bên bờ bắn ra, những tia đạn lửa đan chéo vào nhau thành tấm lưới ánh sáng phía trên con tàu. Sương đêm rơi xuống (và mồ hôi toát ra) ướt áo, tôi kiệt sức ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, trời rạng sáng và tàu ra đến biển.
***
Anh em chúng tôi đi, tình hình thấy rõ là tuyệt vọng, cộng thêm mẹ hết lời thúc giục khiến cha xiêu lòng. Sáng 30, cha mẹ ra bến tàu lên tàu gần nhà, Đông Sơn. Người ta chen chúc lên đông như kiến, trong đó có một số quân nhân mang võ khí; cha hoảng hồn kéo tay mẹ,
“Đi về; không nghe lời mụ nữa! Nguy hiểm như ri đi để mà chết à?”
Mở cửa vào nhà chưa kịp thay áo thì nghe trên đài phát thanh tổng thống tuyên bố đầu hàng, mẹ rụng rời buông xuống sàn nhà chiếc radio xách tay lúc nào cũng đem theo bên mình. Lần này cha “chạy trối chết” (lời của mẹ) trở lại bến cảng Sài gòn. Chỉ còn chiếc tàu chở hàng Viễn Đông với hàng ngàn người đứng ngồi chật như nêm; cha hết cách, ngưng càm ràm, và cùng mẹ leo lên.
Viễn Đông nhổ neo rời bến lúc một giờ chiều, chưa ra khỏi sông Sài gòn thì hỏng máy và mắc cạn. Được tàu kéo kéo giúp ra tới hải phận, Viễn Đông chạy khoảng mười tiếng đồng hồ thì rò nước, từng nhóm hai mươi người luân phiên múc nước đổ ra ngoài trong lúc thuyền trưởng gửi tín hiệu vô tuyến SOS.
Mười giờ đêm ngày 2 tháng Năm, nước tràn vào khoang và tàu từ từ chìm. Bất ngờ, cứu tinh xuất hiện – tàu chở hàng Đan Mạch Clara Maersk đáp lại tiếng kêu cầu cứu. Clara Maersk mà chậm chân hai tiếng đồng hồ thì Viễn Đông và gần bốn ngàn người tỵ nạn đã vùi thân dưới đáy biển.
Clara Maersk đánh điện xin đưa những người được cứu vớt lên Hong Kong, hải cảng quốc tế gần nhất, nhưng bị từ chối. Những người di tản nằm trên tàu hai ngày thì – may thay – Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị nước Anh sang viếng thăm thuộc địa này, ngài đặc ân cho phép mọi người nhập cảnh với tư cách hành khách hải hành được giải cứu. Vào trại tỵ nạn ở khu Kowloon, cha thư ngay cho Triết,
“Anh em con ra đi và đã chết trên biển cả... Con cần dồn mọi nỗ lực lo cho cha mẹ sang Hoa kỳ định cư ở với con...”
(Tàu Clara Maersk và những người tỵ nạn Việt nam được cứu vớt, đợt tỵ nạn đầu tiên được nhận vào Hong Kong ngày 4 tháng Năm, 1975.)
***
Chiều 28 Tấn và Cẩm Giang đến cổng Trại Cửu Long sau tôi không tới năm phút; cổng đã đóng lại, ra vào cấm ngặt. Hai người kẹt lại sống với VC hơn năm năm, làm lễ cưới và sinh con gái đầu lòng, rồi vượt biên sang trại tỵ nạn Pulau Bidon ở Mã Lai Á và cuối cùng định cư ở tiểu bang Connecticut, cùng chỗ với anh chị Nghiêm.
Mỗi khi nhắc chuyện xưa, mẹ luôn luôn nhớ ơn Tấn, “Nhờ hắn mà gia đình mình đi được.” Rồi mẹ chép miệng, “Con người ta ở đời có số...” Tôi cũng tin như thế.
30 Tháng Chín, 2013
Nguyễn Ngọc Hoa
vietbao