Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Nấu ăn - Nguyễn Tài Ngọc

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Nấu ăn - Nguyễn Tài Ngọc

    Có hai thứ trong đời tôi muốn biết là sửa xe và nấu ăn. Khi tôi nói biết, có nghĩa là biết hoàn hảo, chứ không phải biết qualoasement như tôi biết hiện giờ: xe cộ tôi có thể thay dầu nhớt, thay thắng xe, nhưng kiến thức giới hạn chỉ có thế thôi. Xe không nổ máy thì tôi sẽ không biết đường đâu mà lần, phải triệu tập Chiêm tinh gia Dom-Hỏi-Dỏm để định bệnh xe. Nấu ăn thì cũng thế, tôi có thể nấu mì gói, mì xào, hoặc bánh chưng ăn dự trữ trong ba tháng phòng khi vợ tôi nổi trận linh đình án binh bất động không thèm nấu cơm cho chồng.


    Sửa xe thì bây giờ hệ thống máy móc quá phức tạp. Những xe mới bây giờ nếu hư thì chỉ có cách đem vào hãng vì thợ sửa xe như bác sĩ, gắn "ống nghe" đặc biệt của hãng xe chế tạo vào xe thì họ sẽ biết ngay bộ phận nào hư hỏng. Xe hơi bây giờ không đơn giản như xưa để một người có thể thay carburetor hay bougie rồi a-lê!, xe rồ máy trở lại, chạy phom phom trong thành phố mọi người nhìn tôi vì tôi mang đồng hồ Omega. Bởi vì thế, cơn mộng học sửa xe của tôi đến chết sẽ không bao giờ thành tựu, như tôi mơ ước một ngày nào đó phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục truyền thống hay đẹp cổ xưa là cho chồng được lấy thêm bà số 2, số 3, số 4, số 5…Thôi số 5 nhiều quá, làm gì cũng phải có điều độ, tôi thấy stop ở số 4 là đủ.


    Việc ăn uống đối với tôi không quan trọng. Không có món ăn gì trong đời mà tôi ao ước thèm ăn, từ bánh xèo Đinh Công Tráng đến cầy tơ Hà Nội. Đến một nhà hàng nào mà khách đông phải lấy số đứng chờ thì nhất định không có tôi. Tôi cũng chẳng ao ước ăn ở nhà hàng, tôi thà ăn mì gói ở nhà còn hơn là lái xe mười phút đến nhà hàng ăn tiệm.


    Thế nhưng nói thì nói, ở nhà một năm 365 ngày ăn mì gói thì sức người có hạn, tôi không thể nào kiên trì bằng bộ đội ngày xưa đi bộ ba tháng vượt đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam chỉ ăn khoai luộc nên tâm trí mang ảo vọng vào được SàiGòn để ăn một tô phở. Vì thế, tôi muốn học nấu ăn. Học nấu ăn để bổ túc thêm kiến thức cần phải có như biết ca sĩ ai là ai, như biết hối xuất tiền Việt Nam bây giờ đã lên tột bực, từ một dollar ăn 21,600 đồng, bây giờ chỉ còn từ một dollar ăn 21,500 đồng.


    Tôi mua bao nhiêu sách nấu ăn ở nhà, nhưng như bao nhiêu nhà của người Việt Nam ở hải ngoại ai cũng chưng một cái đàn piano ngoài phòng khách đóng bụi từ thời Davy Crockett phòng thủ ở Alamo, tất cả sách của tôi chỉ để làm cảnh, khách đến nhà thấy sách sẽ trầm trồ chủ sách uyên bác về bếp núc, nhưng thật ra thì tôi chẳng biết cái khỉ gì.


    Nhà đã có sẵn Chef nấu ăn là vợ tôi thì tham khảo sách sách dậy nấu ăn làm gì cho mệt sức; do đó tôi hỏi vợ tôi cho ý kiến. Nàng nói tôi nên nấu cháo gà. Nghe cháo gà là tôi thích ngay vì nó nhắc tôi nhớ đến kỷ niệm ngày xưa khi còn bé ở đầu ngõ hai xóm cách nhà tôi có một bà bán cháo gà từ tối đến khuya. Cháo bà ấy nấu thơm phức, ngon thật là ngon. Chúng tôi chỉ được ăn khi thỉnh thoảng bị bệnh mẹ tôi đi mua. Vì như thế đôi lúc tôi không bệnh nhưng giả bệnh nằm liệt giường. Khi mẹ tôi đến gần thì tự nhiên cơn bệnh nó hành tôi dữ dội, rên rỉ to hơn. Phải có âm thanh kêu la khuếch đại tô mầu Eastmancolor thì mission mới có thể possible. Mục đích giả bệnh chỉ là để được ăn cháo gà. Giả bệnh như thế thì ba lần có thể thành công một lần, vi hai lần kia mẹ tôi sẽ nói: “Tội nghiệp con tôi bị bệnh, ăn cơm không được, để mẹ… nấu cháo đường cho con ăn!”. Nghe đến được ăn cháo đường là tôi biết bị tổ trác, ngán đến tận cổ. Sáng hôm sau bệnh tình tôi tự khắc thuyên giảm, tôi vươn mình đứng dậy nhanh hơn Phù Đổng Thiên Vương vì không muốn nuốt thêm một muỗng cháo đường vào trong cơ thể.


    Ngoài tủ lạnh, nhà tôi có thêm một tủ đá để ở garage. Ngày xưa nhà có bốn con ở chung, đông gần bằng con của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ nên chúng tôi cần thêm một tủ đá để chứa thức ăn. Có thêm một tủ đá có cái lợi là dư chỗ chứa, khỏi phải đi chợ nhiều lần. Nhưng cái bất lợi của nó là vợ tôi mua thức ăn chứa như Nô-Ê được Chúa báo phải dự trữ thức ăn trên tầu 40 ngày 40 đêm trước cơn đại hồng thủy. Khi tôi mở cửa tìm gà chứa sẵn trong tủ lạnh thì có đến hai con chứ không phải một, và cả hai đều đã quá hạn ngày nên dùng: trước tháng 12 năm 2012. Các con của tôi gặp bất cứ món gì quá hạn chỉ có một ngày là tụi nó vất vào thùng rác. Đó là cái bất lợi cho những người sinh trưởng ở một quốc gia mọi sự quá dư thừa, đụng một tí là vất. Chúng nó không biết trên thế giới này có bao nhiêu người không có thức ăn, chúng nó không biết bố nó ngày xưa lớn lên ở một xã hội phần đông mọi người đều nghèo đói, bao nhiêu người ngày xưa không có cả bo bo mà ăn. Oops, xin lỗi quý vị tôi đang điên tiết lên vì mỗi lần nhắc con chúng tôi phải tiết kiệm, phải nghĩ đến những người nghèo đói thì lần nào tụi nó cũng nói : “but we were born here in America. We were not born in Vietnam!” (“nhưng mà tụi con đẻ ở Mỹ, không phải ở Việt Nam!)


    Bỏ con gà vào nồi luộc, vợ tôi dặn đun sôi độ 10 phút rồi đổ một bát gạo vào. Khi bấm nút thùng đựng gạo để lấy gạo, gạo đổ ra chỉ đến nửa bát rồi dừng. Tôi mở nắp ra xem thì hết gạo! Thế là rủ đứa con đi Costco mua gạo, sau khi đã tắt bếp. Đến quầy đựng gạo thì tôi thấy đời sống không đơn giản: có đến ba lọai gạo, Ấn Độ, Thái Lan, và California. Nhìn bao gạo cấy ở California, Calrose, tôi muốn mua ngay để ủng hộ nền nông nghiệp nước nhà. Đã thế, gạo California giá chỉ có $11.75/25 lbs, rẻ hơn gạo thơm Jasmine Thái Lan, đến $17.50/25 lbs. Tôi đã lấy một bao gạo Calrose bỏ vào xe đẩy, thế nhưng đứa con tôi cảnh cáo: “Bố phải hỏi mẹ cho chắc ăn”. Nó gọi điện thọai cho vợ tôi và Tổng Tư Lệnh Quân Đội ra lệnh cho tôi phải mua gạo Thái Lan, dù rằng tôi nói năm lần bẩy lượt là gạo Thái Lan đắt hơn những sáu dollars!


    Lấy nhau gần 30 năm, tôi biết có cãi lý đến đâu thì tôi cũng chẳng bao giờ thắng mà còn bị ghép vào tội phần tử phản động chống đối nhà cầm quyền nên đành ngậm đắng nuốt bồ hòn, bỏ bao gạo California lại, lấy bao gạo Thái Lan.
    Vợ tôi dặn sau khi bỏ gạo vào nồi, chỉ cần đun thêm 25 phút nữa là xong. Tôi thuộc loại người multi tasking, làm nhiều việc cùng một lúc, nên lên lầu dọn dẹp trong khi nồi cháo đun sôi.


    Chẳng biết tôi lo dọn dẹp bao nhiêu lâu mà bỗng dưng ở dưới nhà con chó con Zoey sủa inh ỏi. Thấy nó sủa mãi không ngừng, tuy rằng trong bụng nhủ thầm con chó này ngu như chủ nó, tôi ngừng tay xuống dưới nhà xem xét thì khám phá ngay ra… sự cố: nồi cháo trào ra ngoài không biết đã bao nhiêu lâu, nước gạo bám đen đầy cả nồi, trên mặt bếp nước gạo lênh láng và tiếng xèo xèo nước đổ ra ngoài vẫn không ngừng. Hóa ra tôi đoán sai, con chó Zoey khôn hơn chủ nó, nghe tiếng xèo xèo nên sủa.


    Cho mắm muối vào nêm cho vừa, cắt bắp cải, chặt thịt gà, cắt hành tây pha với giấm, tôi đã thành công lần đầu tiên nấu cháo gà. Nhưng sau đó tôi khám phá ngay nấu ăn chỉ là một phần nặng nhọc của công việc bếp núc: phần quan trọng và tốn hơi sức nhà nước hơn là dọn dẹp. Ngoài việc lau dọn sạch cả cái bếp vì đại họa cháo trào khỏi nồi, bao nhiêu thứ nồi niêu song chảo bát đĩa lấy ra, -chỉ để nấu cho một nồi cháo đơn giản-, tôi phải rửa rồi lau sạch, luôn việc lau cả nhà bếp và sàn nhà bếp.


    Tuy rằng tôi luôn khâm phục những gì người khác biết làm mà tôi làm không được, trường hợp này là tôi lúc nào cũng đội ơn vợ tôi nấu cơm cho tôi ăn từ khi trở thành vợ chồng, tôi thật sự không hình dung cái công khó ấy khó nhọc đến thế nào cho đến khi chính phiên tôi nhúng tay vào bếp. Bao nhiêu là chuyện lỉnh kỉnh phải làm, từ việc đi chợ mua món gì đến lúc chuẩn bị, thực sự nấu, rồi dọn dẹp bếp núc cho sạch, nhìn tưởng chỉ nửa giờ là xong nhưng thực ra tốn cả hai, ba giờ đồng hồ.


    ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
    công lao vợ nấu không tày nào quên.


    Hmm, dại gì mà phải cực nhọc như thế. Nếu ngày nào tôi cũng phải bỏ ra vài giờ đồng hồ nấu cơm thì thật là một viễn ảnh đen tối. Đen tối hơn là tội nhân trong tù Gulag của Nga. Đen tối hơn là tù nhân ở trại số 14 của Bắc Hàn.


    Chiều mai tôi dẫn nàng đi ăn hamburger.


    Nguyễn Tài Ngọc

  • #2
    Tác giả Nguyễn Tài Ngọc có nhiều bài viết đọc cũng hay hay và dzui dzui ...Ông còn biết đàn và hát nữa ....

    sis
    ***************

    Comment

    Working...
    X