Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Ba – Tập truyện rất ngắn - Vũ Thị Thiên Thư

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Ba – Tập truyện rất ngắn - Vũ Thị Thiên Thư





    Mất ngủ



    - Chị, dượng mất ngủ tối qua đó, ai cũng ngạc nhiên, vì chuyện nầy lạ hén. Dượng nằm xuống là có thể ngủ ngay, vậy mà trằn trọc suốt đêm
    - Ừ! Ba con mất ngủ là chuyện lạ đó, người vô ưu mà, nằm xuống là ngủ, vậy mà cứ trăn trở, lo lắng chẳng biết hai đứa đi dến đâu rồi, lại nghĩ đến hai mẹ con lặn lội ngàn trùng, thật là đường xa diệu vợi, nhớ con, thương cháu…

    Mười mấy năm xa nhau, lần đầu tiên về thăm nhà, chưa kịp kể chuyện bao năm, lại tất tả ra đi, trở về chốn xa chăm lo bầy con thơ dại. Lần nầy tha con về tổ, mừng đứa em trai nhỏ nên duyên vợ chồng. Cơn bão cuối muà đông trút xuống, ngày vừa qua, xe ủi đã dọn đi những đống tuyết cao ngùn ngụn, trông như những đụn lúa vàng ngoài sân nắng cuả ngày tuổi nhỏ. Đường phố trở lại bình thường, dòng xe cộ lưu thông dập diù, an tâm là trở ngại thời tiết không còn nữa, bất ngờ sương mù làm tê liệt phi trường. Hai mẹ con chờ suốt nửa ngày, phi cơ không cất cánh được, khăn gói trở về nhà, gọi điện thoại báo tin, thao thức cả đêm, sáng ngày, đến giờ phải đi, lại lếch thếch dắt con vào phi trường lần nữa, ngồi nôn nóng chờ đợi, sang San Francisco, đã mất số ghế cuả chuyến bay vào ngày hôm trước, đành chờ giải quyết để tiếp tục cuộc hành trình. Lên được phi cơ, có chổ ngồi, đoạn dài nhất từ San Francisco sang Taipei, ngồi chán lại đứng lên, bước dọc theo theo hành lang chật hẹp. Con bé không hề than phiền, chỉ ngồi lặng lẽ nghe nhạc trong headphone, cuốn sách mở ra trên tay hờ hững, thật vô tư, đúng là tuổi ăn chưa biết no, chưa lo ngày sắp đến…
    Những tiếng gọi tên nhau ríu rít, âm thanh thân quen, những giọt nước mắt long lanh, ôm cháu mà ngỡ như giấc mơ, con bé ngơ ngác nhìn mọi người, mười mấy năm nay mới được ấp ủ trong vòng tay ông bà, ngữ bất tận ngôn, tiếng mẹ ngập ngừng, nhưng yêu thương không cần thanh âm truyền đạt, giao cảm không cần nhịp cầu tiếp nối cuả ngữ ngôn, nhìn suốt vào sự kỳ diệu, dòng máu chảy đầy trong huyết quản, ánh mắt chứa cả một bầu trời thương yêu.
    - Con có mệt lắm không? Chút về nhà mình, Ngoại đã bảo chúng nấu cháo sẵn sàng cho con rồi đó
    - Bà Ngoại có trứng muối không?
    - Có chớ, Mẹ nói con thích trứng muối lắm, Ngoại đã bảo luộc thêm cho con.
    Líu lo tiếng mất tiếng còn, con bé cố diển tả khoảng đường vừa vượt qua, trạm kiểm soát hành lý.
    - Mấy người trong đó muốn lấy “CD player” của con
    - Ai vậy?
    - Là nhân viên hải quan đó Ba, họ muốn giữ lại mấy cái đĩa nhạc của con bé, con sợ cả nhà đang chờ mong bên ngoaì, nên mới có đôi lời giằng co, thật là bực mình quá.
    - Vậy tụi nó lấy mất của con bé rồi sao?
    - Đâu có Ngoại, Mẹ không cho lấy cuả con, chắc Mẹ la mấy người đó, con chưa thấy Mẹ giận dữ như vậy bao giờ.
    - Ừ! Tụi nó chưa biết tính mẹ của con, trông nó có tí xíu thôi, mà đừng có dại dột trêu vào, gan hùm, miệng thép đó
    - Ông Ngọai nói cái gì vậy?
    - Ông nói là thấy Mẹ con tuy nhỏ như vậy, nhưng chớ daị mà trêu vào, nhất là đừng hòng ăn hiếp con của nó, chạm tới, Mẹ con sẽ biến thành bà chằng, sẵn sàng nhe nanh mọc vuốt đánh lại ngay.
    - Dạ, Bà chằng là bà gì vậy Ông? Mẹ nói nhanh quá con không nghe kịp, mặt Mẹ giận dữ, chắc vậy mà mấy người kia không dám lấy CD của Con nữa.
    - Ừ ! Ngoại biết tại sao rồi..
    Cả nhà quay quần bên bàn ăn, mấy đứa em họ trêu Ba
    - Dượng ngủ ngon tối nay rồi đó, đại tiểu thư về, có cháu Ngoại cưng về nữa, chà Ông Ngoại kỳ nầy trúng số rồi,
    Chỉ thấy Ba lặng lẽ vào ra, bước chân khấp khởi, nét mặt an vui, tươi cười.




    Vết thương



    - Trân, đi ngủ đi con
    - Con muốn coi Ba làm việc
    - Khuya lắm rồi, mai còn đi học.
    - Kiki, suỵt, mầy sủa om sòm là bị nhốt laị bây giờ.
    Con Kiki biết thân phận, quanh quẩn liếm bàn chân, nhưng đôi mắt sáng ngời nhìn xuyên qua màn đêm chờ đợi, Ba đốt ngọn đèn dầu leo lét, cánh cửa hé mở vừa đủ cho một người lách vào, gió khuya luà theo khe hở, lạnh ngắt, hơi lạnh hay là nỗi sợ hãi làm tê cóng đôi bàn tay nắm chặt. Trân nghiêng ngọn đèn, soi vào đôi mắt nạn nhân, đau đến lạc thần, khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt, những giọt máu rỉ ra từ bờ vai nhuộm đỏ cả những lần vải cột tạm bợ. Ba, một tay ấn chặt, một tay tháo dần, từng lớp, từng lớp, thật nhẹ nhàng nâng niu. Bệnh nhân hé mắt nhìn, tiếng rên rỉ thều thào.
    Tay cầm cây gấp, tay cầm bông vải chận lại, xiết chặt sợi dây thun chặn máu, Ba mở hộp, lấy thêm bông gòn, lau nhẹ nhàng. Nhặt cuộn băng vải thưa mỏng tanh màu trắng lấp lánh dưới ánh đèn, Trân lặng lẽ mở hộp, kẹp miếng bông, thấm vào thuốc sát trùng, đưa cho Ba. Cầm caí bọc nhỏ lên, xé lớp giấy bạc bọc bên ngoài, móc lưỡi dao mỏng như lá luá, Ba lần ngón tay theo lớp bầy nhầy, ấn nhẹ nhàng, mím môi, cắt xuống tầng thịt da còn vết máu, gắp được đầu đạn nhỏ hơn lóng tay, bỏ xuống khay nhỏ bằng inox, tiếng kim khí chạm nhau, Trân nghe như luồng điện chạy theo sống lưng mình, cái cảm giác không bao giờ quên được, không phải lần đầu tiên nhìn Ba xẻ thịt da gắp lấy đạn. Lắng nghe tiếng súng đơn lẻ trong đêm sâu, mái dầm khua nước sông, tiếng người thì thầm, xuồng ghé lại dưới bến, tiếng xích chạm vào chân cầu xi măng, âm thanh dù nhỏ vẫn vang xa trong đêm sâu yên tỉnh.
    Trân cuí xuống, nhìn đôi bàn tay nhẹ nhàng bóp miếng kim loại sáng ngời, kẹp chặt lại lớp thịt da đang thoi thóp, bàn tay Ba cẩn trọng, dè dặt như ngọn bút lông trên trang giấy, khít khao từng muĩ như hàng rào Mẹ đang thêu, khâu lại miệng vết thương, cầm cho máu ngưng chảy, thận trọng khử trùng các dụng cụ cứu thương. Ba quay sang Trân
    - Con mang ly nước lọc ra đây
    Ba trút mấy viên thuốc trắng tinh trong lòng bàn tay run run của thân nhân
    - Đở chú nó dậy, cố mà nuốt viên thuốc vào, sáng mai mới có thể đi bệnh viện được, giờ nầy không còn phương tiện lưu thông, đã quá giờ giới nghiêm, hơn nữa, cầu Ô Môn tới năm giờ sáng mới mở ra.
    - Có nguy hiểm lắm không anh??
    - Viên đạn kẹt vào cánh tay, chưa đến nổi nào đâu, chỉ xé thịt, không phạm vào xương, cần nhất là không làm độc, nhưng phải đi bệnh viện xin chích ngừa phong đòn gánh.
    - Em thấy máu ra nhiều quá, sợ chết mất anh ơi !
    - Cầm lại được rồi, Thím ráng mà tỉnh trí, đi đâu mà lại bị bắn như vậy??
    - Ảnh đi thăm câu
    - Trời, sao laị đi giờ nầy??
    - Thiệt khổ quá anh ơi, mai nhà có giỗ mà
    - Thôi, tình huống nầy còn cúng kiến gì nữa, mạng con người không quí hơn sao??
    * Cây kéo mũi dẹp dùng để gắp bông gòn




    Vượt thoát
    - Trân, nhớ lấy phải ôm Ba thật chặt, không được ngủ gục hay buông lơi tay ra
    - Dạ, chạy đi Ba.
    Tiếng động cơ gào rú lên, chiếc xe Lambretta hai bánh chồm dậy như con ngưạ đang hăng, ngấu nghiến nuốt chửng khoảng đường trước mặt, đá sỏi, buị cát bay tung theo vệt bánh xe.. Trân ôm chặt lưng Ba, bàn tay quấn vào chiếc aó sơ mi, hai vạt áo khoát ngoài theo gió cuốn quất phành phạch, che kín tấm thân nhỏ nhoi sau lưng, Trân đeo lưng Ba nhìn giống như con thằn lằn nhỏ bám vào cột đình. Con đường liên tỉnh lấp lánh những giọt nắng cuối ngày, nắng vàng rực sáng như cố gắng dẫy duạ, bám viú vào đời sống mong manh trước khi lịm tắt. Bên kia con rạch nhỏ, dòng nước phù sa đỏ lặng lờ. Mấy chiếc xuồng con nằm song song bên bờ ven, dăm bóng người mặc áo bà ba đen thấp thoáng …có điều gì không bình thường, Trân nhìn thoáng qua đuôi mắt, những khuôn mặt xanh xám dưới vành nón vải, cùng lúc thấy báng súng dài vừa ló ra …


    Trân cảm thấy những bắp thịt toàn thân co thắt lại, nổi sợ hãi như cơn lạnh buốt phủ trùm lên cả người, Ba mím chặt môi, chăm chú lách qua con đường nhấp nhô sỏi đá, mấy khóm lục bình nằm chỏng chơ trên mặt nhựa đen. Khoảng đường nầy thường xuyên bị đắp mô, giựt mìn. Vượt qua khúc lộ lồi lõm đất đá ổ gà, màu đất phù sa chắp vá, trông như chiếc áo vá quàng hai màu tay khác biệt…Nắng nhạt nhoà in mấy caí bóng khẳng khiu trên mặt đường, đôi chân dài di động như những con hưu cao cổ trong màn ảnh cuả phim thời sự Phi Châu. Bàn tay giơ cao lên, vẩy phơ phất …Trân nhắm mắt lại, bấu vào lưng Ba, gió vùn vụt rát mặt mũi. Chiếc xe chồm lên như con ngựa bất kham, đâm thằng vào hàng rào người đang chắn ngang qua đường …Họ nhảy dạt ra, tiếng lên cò lách cách Ba xiết tay ga, phóng bất kể trên con đường nhựa, tiềng đạn rít trong gió, tiếng trái tim đập to như tiếng trống chầu nện trong lồng ngực. Kinh hoàng làm tê liệt cả trí nhớ, bài Bạch Y Thần Chú, thường ngày Bà dạy đọc thuộc lòng như cháo như cơm, Trân không còn nhớ được chữ nào, chỉ lầm bầm có mỗi câu “Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn …”
    Ba chống chân xuống đất, tiếng máy xe ngừng lại từ bao giờ, nhẹ nhàng gở tay Trân, đở con xuống, quay sang Mẹ
    - Mình đỡ con vào nhà, Anh vừa chạy bán mạng thoát qua Cống Bánh Tét đó
    - Giờ nầy, trời còn sáng trưng mà Họ đã dám ra chặn ngang lộ cái?
    - Ừ, họ không nhận diện được anh, bất ngờ nên chạy thoát …


    Trân còn bám chặt áo Ba, khuôn mặt tái xanh, bao nhiêu máu đỏ như đã bốc thành hơi, bay theo bóng tối hãi hùng, bao trùm xuống vạn vật. Bàn tay Mẹ nhẹ nhàng, gở những ngón tay nhỏ bé như dính chặt vào làn vải aó khoát, đôi mắt trong suốt, lạc thần, không còn nhìn thấy chunh quanh
    - Tới nhà rồi con, vào đi.


    Rạng ngày, Trân sửa soạn đi học, Nội đã dậy từ sớm, nhấp ly cà phê còn bốc khói, uống cạn ly sữa nóng Mẹ khuấy cho, khi bước vào phòng làm việc để thưa Ba, Trân thấy mấy người bà con, sống trong vùng Kinh Giáp nước, họ thường bơi xuồng đi chợ từ khuya, rất sớm, ghé ngang vào, đang thì thầm với Ba “Anh thât là may mắn. Họ treo giá anh đó, muốn bắt sống anh mang theo vào bưng …”



    Du học
    - Ba có lên Bộ giáo dục, hỏi cho kỹ càng vụ ưu tiên học bổng du học cuả con.
    - Con không muốn ra nước ngoài du học, Ba đi hỏi làm chi cho mất công. Con mà đổi được cho Kim đi là con đổi liền, em giỏi toán và khoa học, đi du học thì sẽ có lợi hơn là con.
    - Ừ thì Ba hỏi thử, nhỡ con có đổi ý thì không trở tay kịp
    - Con đã đi ghi danh rồi Ba à..


    Ba không nói gì thêm, khoảng im lặng mông lung không chứa hết nổi thất vọng. Trân vẫn là đứa con trầm ngâm, diụ dàng nhưng đầy bướng bỉnh cương quyết. Con mọt sách từ thuở tóc còn cắt cũn cỡn, leo trèo nằm vắt vẻo trên nhánh cây đọc sách. Tay không run khi xỏ kim, khi cầm pen chậm máu, cột dây xiết mạch …luôn quẩn quanh bên cạnh khi Ba chữa trị vết thương, thản nhiên nhìn khi khâu vá thịt da, chọc mưng mủ không ngại ngần…những tưởng là sẽ có đưá nối nghiệp ông cha …


    Ngày đưa con về tỉnh lỵ học, nhìn theo bóng con bé bỏng, đi lũi thũi giữa phố phường xa lạ, trong lòng Ba đau nhói, mỗi tuần hai lần đi về, lần nào Ba cũng ghé ngang qua thăm, hay canh giờ tan học đến cổng trường đón con đi ăn trưa, đảo mắt tìm kiếm trong bầy học trò tung tăng, thấy con nhỏ nhoi với cái cặp da to tướng vòng tay ôm không tròn, cắm cúi đi, không buồn chuyện trò cùng chúng bạn. Những ngày lén nhìn vào sân trường giờ ra chơi, thấy con bé ngồi dưới gốc cây Cồng đầy bóng mát, tờ giấy học trò xếp tư theo chiều dọc, ngọn bút chì thon thả trên tay, quyển sách mở bên cạnh, đôi mắt lơ đãng nhìn vào cõi không gian riêng xa thăm thẳm …


    Những đêm nằm trong hầm trú tạm, ngọn đèn dầu lung linh, quyển sách khi ngủ gối đầu, ngày nào đi học, không theo Ba đi tỉnh lỵ, thì laị trốn chuí vào hầm, nằm đọc mê mải, đọc cả những quyển sách y học dầy nặng trong cái tủ sách cuả Ba, từ những tạp chí giấy úa vàng cho đến những tờ tạp chí khoa học phổ thông, bất cứ trang giấy nào chi chit chữ, con bé cũng chúi mũi vào. Danh từ chuyên môn, dài lằn ngoằn, triệu chứng, bệnh trạng cách chửa trị, thứ gì cũng đọc ngâú nghiến. Dù Ba không hề nói ra, nhưng trong lòng luôn ao ước, con bé nầy dạn tay, rất thích đọc sách, luôn tìm tòi thêm hiểu biết, mai mốt vào học bên ngành Y


    Nhưng cái mộng cho con vào trường Y cuả Ba cũng bốc thành sương khói. Con bé lớn theo không khí chiến tranh lan rộng, theo chao đảo cuả tuổi trẻ, tràn ngập những tin tức chiến trường hàng ngày. Đôi mắt không còn ươm nét ngây thơ, quen thuộc nhìn theo vết bánh xe tăng nghiến qua thành phố, hàng kẽm gai lạnh lùng ngăn chận, những căn phố nhiều tầng ngất ngưởng xé màu trời xanh hy vọng, những người thanh niên chưa kịp qua tuồi thành nhân đã thay màu áo trắng thành áo trận, khói thuốc đốt vàng vỏ mộng tương lai. Trên tay vết mực học trò chưa kịp khô, súng thay cho ngọn bút. Chiếc khăn thêu, nét còn thơm chỉ mới, những giọt nước mắt lăn xuống chưa kịp lau khô, đã trở thành cơn mưa tầm tã.


    Con nước theo dòng sông Cửu Long, vượt qua hàng ngàn sây số từ nguồn cao, thả trôi những thi thể không toàn vẹn, cuộc chạy thoát từ Cao Miên về cuả những người Việt tha phương bấy lâu. Ký ức chưa kịp khô, nét son chưa phai sắc thắm Bạn bè thanh niên tóc chưa kịp xanh, bài học chưa thuộc nằm lòng, kỳ thi cuối năm học chưa đến, đã phất phơ tờ trình diện nhập ngũ. Lớp thanh niên đàn anh dấn thân, nắng trong sân trường cũng chao động âu lo. Bầy trẻ theo nhau sống vội vàng, sống không kịp thở không khí trong lành, sống phất phơ theo khói mù, theo tiếng nhạc thở than, cuồng loạn.


    Năm cuối cùng bậc trung học đầy âu lo. Lớp học hoang mang, tương lai không thấy ánh sáng. Những ngày lang thang theo bạn bè, trồng lại hàng cây xanh, khâu vá vết thương trong lòng người đang thoi thóp thở, chút khí trời trong không nhuộm màu khói súng, đêm sâu lắng nghe tiếng đại bác khởi hành. Trân về thủ đô, nhận mảnh giấy bao nhiêu người ước mơ, lòng hờ hững. Đầu năm học, lặng lẽ đi ghi danh.




    Bệnh nhân
    - Con sợ dùng điện thoại di động sẽ khó khăn nhận được tín hiệu trong bệnh viện, Ba nghe có rõ không?
    - Rõ lắm con à.
    - Hôm nay Ba thấy trong người thế nào?
    - Ba khoẻ rồi, mai Ba bảo em nó lo giấy xuất viện
    - Không được Ba à, đâu phải chuyện đuà, còn phải làm xác nghiệm nữa chứ, nào đã xong.
    - Ba thấy trong người khoẻ rồi, về nhà rồi đi khám lại cũng dược mà, nằm trong nầy tốn kém lắm
    - Không sao đâu Ba, cần phải chờ quyết định cuả Bác sĩ chứ, Ba ráng chờ cho hết bảy mươi hai tiếng, sau đó mới biết chắc.Ba cho con nói chuyện với Châu đi.
    - Chị hai, Ba sợ mấy anh chị tốn tiền nên cứ đòi về hoài. Ba nằm trong nầy, bệnh nặng mà cứ cố gượng đi đứng một mình, không cho người khác nâng đở phụ
    - Thì Em biết tính Ba, không bao giờ muốn làm phiền bất cứ ai hết, ngay cả bệnh nguy hiểm như vậy mà vẫn cố chiụ đựng một mình.
    - Ba luôn bảo không sao, chỉ cảm thấy mõi mêt chút thôi, để yên cho Ba nằm nghỉ, chừng cảm thấy tê nửa bên người mới chịu gọi tụi em, Anh Tường chở Ba đi liền, vừa đi vừa goị Chương, hắn cũng tất tả vào ngay trong bệnh viện đó chứ, nếu chậm lại thì đã có chuyện lớn mất rồi.
    - Thế Chương nói sao??
    - Sơ chuẩn, hai động mạch bế tắc. Nhưng phải chờ chụp hình tim mới biết chắc chắn.
    - Bao giờ thì chụp hình mạch vành?
    - Chương bảo sẽ lên thời khoá biểu ngày thứ hai, khi tìm ra chổ bị nghẽn thì mới quyết định là sẽ thông mạch hay không.
    - Vậy thì chỉ còn cách chờ đợi thôi, Ba đã vào phòng riêng chưa??
    - Mai mới có phòng chị à…
    - Châu, Ba ra sao?
    - Hôm nay thì yên rồi chị. Tối qua cả bọn vào thăm, phòng bệnh như cái chợ, ai cũng phân bì, sao bệnh nhân nầy có quá nhiều con cháu đến thăm, chưa kể Bác sĩ ra vào liên tục.
    - Thì Bác sĩ cũng là con cháu thôi.
    - Hồi Mẹ và Dì Tư, nằm trong bệnh viện, nhưng có bao nhiêu đứa vào thăm đâu.
    - Đừng nói vậy, Mẹ nghe là phiền lắm
    - Em biết, bởi thế mới nói lén.
    - Em nghĩ Ba phải nằm bao lâu?
    - Ít nhất một tuần chị à
    - Phòng ốc ra sao?
    - Phòng riêng, có hai giường, Mẹ có gọi người dưới quê đến giúp việc, trông nom Ba
    - Ba ăn uống thế nào?
    - Không kiêng cữ nhiều, em mang thức ăn vào, chị biết Ba ăn uống đơn giản, bỏ thuốc lá lâu nay, nhưng không nghe Ba nhắc đến hay than thèm thuồng
    - Em biết tính Ba mà..
    - Mẹ, hôm nay ai sẽ vào bệnh viện đón Ba về?
    - Thì trưa nay Châu đi làm ra sẽ ghé vào đón Ba
    - Có người nào đi theo phụ không
    - Thì Cô con và người giúp việc vẫn ở trong đó hàng ngày.
    - Nội về, Nội về….
    - Sao anh về sớm vậy, Châu đến chưa?
    - Chờ nó đến biết chừng nào, đi về cho xong.
    - Em mới vào tơí nơi thì thấy anh ấy mặc quần áo sẳn sàng rồi, chưa kịp gọi băng ca đẩy thì thấy anh đã đi tuốt ra cầu thang, Em phải chạy theo luôn, đồ đạc còn nguyên trong phòng chưa kịp thu dọn.
    - Ra ngoài taxi chưa đến nhaỷ lên xe buýt đi luôn nữa chứ, Em không ngăn kịp, phải theo liền, thiệt là hết ý.


    Vũ Thị Thiên Thư


    Nguồn: Tác giả gửi
Working...
X