Thông Báo

Collapse
No announcement yet.

Giai điệu ký ức

Collapse
This topic is closed.
X
X
 
  • Chọn Lọc
  • Giờ
  • Show
Clear All
new posts

  • Giai điệu ký ức

    GIAI ĐIỆU KÝ ỨC

    - Đào Thị Thanh Tuyền -

    Đã lâu lắm rồi tôi không cắm hoa, đơn giản chỉ bởi vì tôi lười. Không phải lười cắm hoa mà lười dọn những bình hoa đã tàn. Cắm hoa bao giờ cũng cho tôi một trạng thái tinh thần phấn chấn. Nhưng, khi dọn bình hoa trên bàn tôi luôn có một cảm giác rất lười biếng và mệt mỏi, và ở trong một trạng thái rất thụ động (bắt buộc phải dọn dẹp).

    Một ngày, tôi bỗng thấy mình nhẹ nhõm (và rất yêu đời), tôi nảy ra ý tưởng cắm hoa đặt lên tất cả những mặt bàn, mặt tủ trong nhà. Tôi lôi hết từ trong tủ đủ loại những chiếc bình và tôi bắt đầu như thể từ lâu lắm rồi mình mới gặp lại một khuôn mặt cũ, có những tiếng reo vui òa vỡ, những khuôn mặt của thời mình bắt đầu chép vào cuốn sổ tay : “Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay...”. Với ý tưởng muốn làm mới cho tâm hồn, muốn trang điểm một chút khuôn mặt của cuộc sống, tôi bỏ công đi tìm những chiếc lá trường sinh, dương xỉ, thủy trúc, kim thủy tùng, những cành cây khô, và mua rất nhiều hoa …. Đắm chìm vào thế giới của sự tạo hình, tôi có thể nghiêng đầu ngắm tác phẩm của mình dần hình thành và tự cho nó một ý nghĩa, một chủ đề nào đó; tôi cũng có thể hát nho nhỏ một vài bài hát ….

    Và bỗng dưng, ký ức như khi tình cờ mở một ngăn tủ đựng những đồ vật cũ. Nơi cùng khuất nhất của một xó góc tối tăm quên lãng, tôi lượm được một tấm hình. Tôi cầm lên tay và nhìn nó, một dấu tích úa héo lăn lóc rất xa ngoài vùng trí nhớ, một thoáng hương kỷ niệm phảng phất bay lên, tất cả như một luồng điện …. Tấm hình thắp sáng dần trong tôi những xâu chuỗi liên tưởng và hồi tưởng.

    Tôi thấy mình bắt đầu từ cái ngày tập tễnh cầm lấy cây đàn ghi ta. Cây đàn to đến nỗi tôi phải đặt nó nằm ngang. Ban đầu tôi đặt cây đàn trên chiếc bàn salon, rồi đặt nó lên đùi. Trên cần đàn tôi dán đầy những mẫu giấy nhỏ ghi rõ những nốt đồ, rê, mi. Tôi bắt đầu từ bài hát có giai điệu ở cung la thứ là cung đơn giản nhất cho một bài tập, không có nốt thăng, nốt giáng. Bàn tay nhỏ nhỏ của tôi có thể bấm và khảy được hết những nốt trong bài tập. Mười ba tuổi, tôi già đi nhiều quá khi lọ mọ bấm từng nốt nhạc và hát theo “Một ngày như mọi ngày, em trả lại đời tôi”, hay “Gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo bay ….”. Sau đó, tôi còn tập thêm những bài hát ở cung đô trưởng cũng không hề có nốt thăng hay nốt giáng “Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe ….”. Nhưng khó hơn là cả những ngón tay nhỏ và ngắn của tôi phải bấm nhiều nốt ở dây số 5, “Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người ….”. Tôi nhịp bàn chân theo nhịp ¾, khó hơn nhiều so với nhịp 4/4 của bài tập đầu tiên. Tôi ngồi lẩm bẩm một mình với những âm thanh khô và non nớt phát ra từ thùng đàn ghi ta gỗ. Có đôi lúc tôi có cảm giác như mình đã níu mạnh sợi dây đàn như chực đứt.

    Mười ba tuổi, những âm thanh phát ra trong thùng đàn có tiếng súng từ xa vọng về hay tiếng đại bác “ình” thật to phát ra từ khu quân sự nằm sát cạnh trường học. Tôi thấy cả một đám bạn bè ôm chặt lồng ngực, có đứa bịt chặt tai, có đứa đã ngất xỉu. Cô giáo đứng trên bục ngừng giảng bài, đi về phía cuối lớp học ôm vào lòng đứa học trò đang xanh xám mặt mày vì sợ hãi. Thầy giáo các lớp bước hẳn ra ngoài hành lang với vẻ mặt hoang mang, lo lắng, có cô giáo đã bị ngất xỉu đang được dìu về phòng giáo vụ. Những tiếng đại bác vẫn ình ình,sân trường im ắng, nhìn thấy được cả những chiếc lá vàng run rẩy trong sân, có bầy chim sẽ ngơ ngác, hoảng hốt bay loạn xạ từ những tàng hoa sứ tìm vội vàng một chỗ khuất trên mái ngói để ẩn náu …. Tôi khảy những nốt nhạc trơn tru, đúng nhịp hơn và nghe rõ giai điệu buồn da diết: ”Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này …..”. Tiếng súng lẫn trong từng nốt nhạc vang ra trong thùng đàn năm tôi mười ba tuổi.

    Từ những âm thanh yếu ớt của từng nốt nhạc, tôi tiến dần đến hợp âm khi những ngón tay đã với gần hết bề rộng của cần đàn và ôm được cây đàn đúng tư thế. Tôi bắt đầu rải hợp âm hết các dây đàn với những ngón tay gần như đau rát từ cung la thứ, chuyển sang rê thứ rồi sang mi bảy….. Mười ba tuổi tôi đã tự đệm đàn, hát và chẳng hiểu ý nghĩa của những bài mình hát: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi..”. Tôi chuyển sang điệp khúc ở cung trưởng và từ đó tôi đi xa hơn, tôi hát với những bài hát “Trong cuộc bể dâu ôi trăm ngày phố xá cũng trôi theo, trong hội trần gian bao nhiêu ngày yêu dấu cũng không còn … từng giòng nước mắt sẽ tiếc cho ngày vui ….” Mà không hề biết rằng tất cả những điều mình hát sẽ nghiệm đúng trong bất kỳ giai đoạn nào khi đã lớn.

    Tiếng súng vẫn vọng về từ xa trong đêm. Tiếng đại bác vẫn ình ình phát ra từ khu quân sự sát cạnh trường học. Một vài thầy giáo từ biệt học sinh để ra đi, một vài cô giáo chuyển trường vì không chịu nổi tiếng đại bác trong giờ học. Tôi bắt đầu những bài hát có giai điệu khó hơn với nhiều nốt thăng, nốt giáng “Đừng bỏ tôi đi hai mươi năm rồi, còn gì cho anh, còn gì cho em, không còn gì, còn lại chiến tranh”. Thầy giáo dạy tôi môn hóa là thầy Minh. Thầy Minh dạy chúng tôi hát những bài hát nói lên tâm trạng dân Việt Nam thời du mục, thời khói lửa chiến tranh. Tôi say sưa, mải miết với những bài hát có giai điệu rất khó đệm đàn và hát đối với tuổi mười ba của tôi “Người nằm co, như loài thú khi mùa đông về… Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi, người nhìn dấu xe lăn đi dấu lăn trên đời, ngựa xa rồi, người vẫn ngồi ….. Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài nhuộm đất này, nhuộm đất hồng hạt mầm trót vay”.

    Tôi được chọn vào ban văn nghệ nhà trường để hát đơn ca trong bài hợp ca của lớp tám đi dự thi “Hội diễn văn nghệ các trường trung học trong tỉnh”. Tôi nhỏ nhất trong dàn đồng ca, đứng chính giữa, hàng trước bên dưới. Nhạc bắt đầu trỗi lên, rồi ngừng lại khi tôi bước ra micro đặt ở phía trước. Tôi lĩnh xướng “Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ, trong căn nhà nhỏ, mẹ cũng ngồi chờ ……”, giọng tôi cao vút lên phá tan sự im lặng của hội trường: “Anh lính ngồi chờ, trên đồi hoang vu, người tù ngồi chờ, bóng tôi mịt mù….”. Rồi các bạn hợp xướng theo với giai điệu hùng tráng và mạnh mẽ :”Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo, chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu, chờ hoà bình tới, chờ tiếng bom rơi … chờ ngày Việt Nam thống nhất chuyến xe qua ba miền “. Bài hợp ca chiếm giải nhì, đem về cho trường lá cờ thêu màu vàng hình tam giác, và chúng tôi mỗi người được thầy giáo chiêu đãi một tô phở trong đêm hội diễn.

    Tôi lên lớp chín, lao vào học hành để lớp mười đi ban toán. Những đêm khuya học bài xong, tôi ôm cây đàn ra ngoài sân thượng bắt đầu hát những tình khúc có giai điệu mượt mà : “Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em ….” Tôi bắt đầu cảm thấy có chút buồn man mác khi nhìn lá vàng rụng đầy sân trường, cảm nhận sự nhẹ nhõm của tâm hồn khi nhìn ánh nắng lung linh, nhảy nhót trên cành cây. Nắng chiếu xuống sân trường rộn ràng qua kẽ lá, những chiếc lá xôn xao trên cành trong gió, rồi lả lướt rơi xuống sân, mây trời pha màu nắng, vừa đủ chói mắt : “Trời ươm nắng, cho mây hồng, mây qua mau em nghiêng sầu…”. Những tình khúc, với những lời thơ óng ả trong cung nhạc độc đáo ấy thấm dần vào tâm hồn đưa tôi lớn lên, như lời ru cho tuổi vừa lớn “Trời xanh trong mắt em sâu, mây xuống vây quanh giọt sầu…”. Có những “lá thư tình” là những mẫu giấy nhỏ viết vội trong giờ học rồi được chuyền tay nhau một cách kín đáo trong giờ ra chơi. Ngồi trong lớp học thỉnh thoảng tôi cũng thả hồn một chút ra ngoài khung cửa sổ, nao nức khi nhìn cây phượng sắp trổ hoa. Nắng lung linh, nắng trong trẻo làm tôi buột miệng hát nho nhỏ: “ Màu nắng hay là màu mắt em…“. Thầy giáo bước xuống đến bên cạnh từ lúc nào, cốc nhẹ lên đầu tôi, đặt lên bàn viên phấn :

    - Lên bảng giải toán.

    Tôi giật mình, bối rối một chút, cầm viên phấn đi lên bảng, bên dưới có tiếng cười khúc khích của bạn bè …..

    Tôi lên lớp mười, học được hết một học kỳ, đất nước hòa bình ngừng hẳn tiếng súng, chấm dứt hẳn tiếng đại bác, không còn khu quân sự sát cạnh trường học. Mùa hè năm đó, tôi làm “cô giáo”, tham gia dạy xoá mù chữ cho một xã ở vùng nông thôn. Thời gian này tôi có ba người bạn trai là “đồng nghiệp”. Đức chỉ tôi đánh khúc nhạc dạo đầu của cung mi thứ, Nha chỉ cho tôi cách hát bè, Chiến chỉ cho tôi đánh láy một nốt nhạc khi bấm cung re trưởng. Tôi đệm và hát những bài hát tình ca có giai điệu mượt mà, với một chút buồn man mác : “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại….”, hay “Ôm lòng đêm nhìn vầng trăng mới về ….”. Đêm cắm trại cuối cùng chia tay, chấm dứt ba tháng hè ở vùng nông thôn, chúng tôi hát suốt đêm từ những ca khúc rộn ràng, vui tươi đến những giai điệu sâu lắng, và ôn lại cả một thời có tiếng đại bác ình ình trong khu quân sự cạnh trường học.

    Tôi bận rộn học hành và nuôi dưỡng tâm hồn bằng những bài hát trong đêm khuya khoắt sau khi học bài xong với cây đàn ghi ta. Vào đại học, ở đây tôi gặp tình yêu đầu tiên, có đầy ắp những kỷ niệm đẹp của một thời, những đêm lửa trại, những buổi tối cùng nhau đàn hát trong ký túc xá. Tôi hát trên nông trường khi đi lao động, trên bãi tập vào mùa học quân sự “Chiều trên quê hương tôi có khi đây một trời mưa bay, có nơi kia đồi thông nắng đầy,có trên sông bờ xa sương khói…”. Bốn năm rồi qua mau, tôi ở lại Saigon thêm vài năm nữa, sống với bạn bè trên căn gác ban ngày nóng như một lò bánh mì của nhà người dì ruột. Hồi đó, chị họ tôi có một cái casstte âm thanh mono và chỉ có độc nhất một cuốn băng. Tôi lang thang tìm việc, học thêm …. Buổi tối, cả bọn kéo nhau về túm tụm trên căn gác nhỏ, nghe đến thuộc lòng những tình khúc lãng mạn cuối cùng của thời chiến tranh “Một đêm bước chân về gác nhỏ …” hay “Tôi như là người lạc trong đô thị….”. Từ căn gác này chúng tôi bắt đầu có những giọt nước mắt khóc cho một cuộc tình, có đứa khóc cho công việc làm, cho những điều đã tuột khỏi tầm tay “Tưởng rằng đã quên,cuộc tình sẽ yên ….”. Thời gian này, tôi không còn đủ cảm xúc để hát những tình khúc của thời mới tập tễnh học đàn, tôi tập nhấm nháp dần những vị mặn đắng của cuộc đời. Một thời gian rất dài, tôi không hát và cũng không muốn nghe những giai điệu của tuổi mười ba ngày xưa nữa khi tôi đã thật sự bước vào đời. Trong thời gian này, có lúc rãnh rỗi, để thoát khỏi sự bế tắc, tôi mua mực tàu, ngòi bút lá tre và giấy trắng, tôi chép đến bốn tập nhạc, mỗi tập cả trăm trang, đẹp như bản in mà sau này bạn bè cứ chuyền tay nhau, đến khi nó bắt đầu cũ,tôi mới thu hồi lại được,bây giờ tôi giữ kín, không dám khoe với ai vì sợ bị “chôm”.

    Ngày quyết định về Nha Trang làm việc, tôi nhớ mình đã lang thang suốt một buổi chiều trên đường phố Lê Lợi chỉ để tìm mua một cuốn sách và ghi vào trong đó dòng chữ : “Giã từ Saigon, thành phố của một thời tuổi trẻ”. Tôi có tám năm sống ở Saigon với những buồn vui lẫn lộn. Tám năm đủ để tôi thấy Saigon vừa rất gần, vừa rất xa và Saigon bao giờ cũng là một ray rứt trong tôi : ở Nha Trang tôi lại nhớ đến Saigon, vào Saigon tôi lại thấy mình lạc lõng. Cứ như thế, nhiều năm trong cuộc đời Saigon quen thuộc đối với tôi từng đường đi, lối về, nhưng vẻ tráng lệ của Saigon làm tôi luôn có cảm giác mình là dân tỉnh lẻ. Người ta nói được đi là một điều hạnh phúc, nhưng được trở về là điều hạnh phúc hơn. Đối với tôi cho đến bây giờ : Nha Trang – Saigon luôn là hai điều hạnh phúc : được đi và được trở về. Nha Trang nơi tôi ở bao giờ cũng êm đềm, êm đềm đến mức có những buổi chiều chủ nhật tôi chợt nhớ đến Saigon, lấy cây đàn trên vách, quét bụi bám, nhện giăng, tôi hát : “Nhớ Saigon những chiều lộng gió, lá hát như mưa suốt con đường đi, có mặt đường vàng hoa như gấm, có không gian màu áo bay lên …. Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân, nhớ đèn đường từng đêm thao thức …”. Thời nào đó, tôi theo anh cùng ra quán ngồi, tôi và bạn bè lang thang trên phố suốt những chiều thứ bảy, mùa thi với những ngày chôn chân trong thư viện. Bạn bè ở bên kia bán cầu gởi thư về : “Có những đêm không ngủ, nhớ Saigon đến nức lòng”. Tất cả những thành phố tôi đã đi qua, cho tôi nhớ lại và Saigon luôn là những buổi chiều, tạm quên đi những bận bịu lo toan thường nhật, thả hồn lãng đãng một chút, tôi bấm cung mi thứ và hát : “Em còn nhớ hay em đã quên, nhớ Saigon mưa rồi chợt nắng…”.

    Thời gian dần trôi. Tôi bắt đầu tập viết, chẳng mơ ước gì to tát, chỉ mong được giải tỏa và tô điểm thêm cho cuộc sống. Một ngày, đọc lại tất cả những truyện ngắn đã in trên báo, tôi giật mình sao thấy mình bị ảnh hưởng những giai điệu ký ức hơi nhiều. Tôi cho một nhân vật nam mỗi khi buồn thì hát: “Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi. Về giữa trời về hót giữa đời tôi. Hôm nay tôi nghe tôi cười như đứa bé mới lớn lên giữa đời sống kia” để lấy lại niềm tin. Nhân vật tôi mỗi buổi sáng đi làm đưa đẩy hai vòng thỏi son và hát nho nhỏ : “Sau lưng ngày con gái, môi son đừng biếng lười “. Một nhân vật nữ sống cuộc sống ở trọ, nhắm mắt là nỗi buồn “Trăm năm ở trọ nghìn năm, đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn “….

    Sau này, thỉnh thoảng có những lúc thật rãnh rỗi, vô tình tôi lơ đễnh lật lại một vài bài hát trong các tập nhạc mới in sau này và ngạc nhiên khi thấy có một vài giai điệu khác với ngày xưa, không biết có phải người nhạc sĩ đã sửa chữa lại để làm mới những giòng nhạc cũ, và phù hợp hơn với xu thế hiện đại, hay vì một lý do nào khác ?

    Tôi có một cuốn sổ, trong đó tôi cắt và dán tất cả những hình ảnh, bài báo về một người nhạc sĩ. Bạn bè tôi thắc mắc :

    - Sao không ra nhà sách mua một cuốn có đầy đủ tất cả, làm chi mất công vậy?.

    Tôi chỉ cười và nhủ thầm, tôi muốn tự làm cho mình một cuốn sổ “album”, bằng tất cả tình yêu của một người hâm mộ đối với người đã sáng tác ra những giai điệu nuôi tâm hồn tôi lớn lên cho đến bây giờ nữa.

    Ngôi nhà tràn ngập những bình hoa, trên bàn, trên tủ, trên kệ sách. Trong không gian yên tĩnh của buổi chiều, tôi bật máy vi tính, có hàng trăm bài hát nằm trong một đĩa nhạc nén của một người nhạc sĩ mà tôi chưa bao giờ có thì giờ nghe hết. Những lời hát từ rất xa trở về, mơ mơ, hồ hồ, lãng đãng chiêm bao. Cuối cùng là như thế ! Tôi lục lại ngăn kéo ký ức một tấm hình cũ, tưởng tượng, ngậm ngùi. Làm sao có thể nhớ hết được tất cả giai điệu của ký ức? Tất cả đã trôi qua và chìm vào quá khứ nhưng những giai điệu thì còn mãi, còn mãi đến muôn đời. Tôi đặt tên cho một bình hoa vàng rực rỡ, điểm xuyết một vài đóa hoa nhỏ màu hồng, màu trắng, có cành mai gầy guộc vươn lên, có lá trường sinh nằm bên dưới một chủ đề: khúc tưởng niệm.
    ***************
Working...
X