Vàm sông Ô Môn là nơi sông Ô Môn đổ ra sông Hậu. Bên phải là chợ Vàm, không biết chợ mọc lên từ lúc nào, từ khi tôi sinh ra đời đã có chợ đó rồi. Bên trái vàm sông là quê ngoại của tôi, cách cửa sông vài trăm thước thuộc xã Thới An, quận Ô môn, tỉnh Cần Thơ. Quê nội của tôi nằm bên kia bờ sông Hậu thuộc xã Tân Lược, quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Ông bà ngoại chỉ có hai cô con gái là mẹ tôi và dì Mai. Còn cậu Ba Lượm không phải là con đẻ. Nhưng, ông bà ngoại xem như con ruột. Mẹ và dì Mai coi cậu Ba Lượm như anh em một nhà. Ngoại hình của cậu Ba tuy có hơi khác thường với cái lưng gù, làm cho thân mình thấp xuống chỉ còn 1 thước 30 phân tây. Mỗi bước đi, cậu phải đưa cái đầu tới phía trước, cái lưng còng xuống như khuân vác một vật nặng. Đi trên bộ chậm chạp như thế, nhưng khi xuống sông, cậu bơi lặn nhanh như rái cá miệt U Minh. Đã vậy mà cái vai bên trái hơi xệ xuống làm cho tướng đi của cậu Ba nghiêng nghiêng một bên. Nhưng trời lấy cái nầy, lại cho cậu Ba cái khác, có tật có tài mà. Cái tài bắt chước của cậu khỏi chỗ chê, cậu có thể giả y chang giọng hò của một cô thôn nữ chèo đò, tuy xấu xí nhưng lại ăn nói rất có duyên, thích pha trò chọc cười thiên hạ; vì vậy, đám cưới, đám hỏi trong cái xã Thới An nầy, gia chủ phải mời cho bằng được cậu Ba đến chia vui cùng hai họ. Tánh tình cậu lại thật thà, chất phác, đối với ông bà ngoại của tôi vô cùng hiếu thảo, một dạ thẳng ngay. Nên ông bà ngoại, ba má và dì Mai đều qúi mến cậu. Mẹ có lần kể cho tôi nghe về lai lịch của cậu Ba.
oOo
Vào khoảng năm 1930. Lúc đó, ông bà ngoại tôi là tá điền cho gia đình một đại điền chủ ở quận Ô Môn là ông Ba Cảnh. Hầu hết đất đai từ rạch Ba Rít đến rạch Ca My đều thuộc gia đình nầy. Gia đình nghèo, lại có con nhỏ vừa mới lên 5 là má tôi bây giờ, nên mỗi buổi tối, ông ngoại thường bơi xuồng ra vàm sông Ô Môn giăng câu. Dân giăng câu đêm tại vàm sông Ô Môn đều thân mật gọi ông ngoại là ông Chín Hô. Không phải vì ông hô răng đâu. Sở dĩ có cái tên nầy là có lần ông ngoại may mắn câu được một con cá hô hồng to quá mạng, cái mình to bằng thùng phuy, nặng gần 2 tạ, cặp mắt lồi ra, tròn vo như cái chén, vảy cá màu hồng nhạt lóng lánh màu bạc. Ông ngoại tôi phải đánh vật với nó cả mấy tiếng đồng hồ, mới lôi được nó vô bờ. Ông Ba Cảnh bằng lòng mua lại với giá 100 bạc để làm thức ăn đãi bạn bè. Kể ra, ông ngoại tôi gặp may cũng đúng thôi! Vì loại cá hô chỉ thích sống vùng nước lợ như vùng biển gần miệt Trà Ôn mới có, hiếm khi loại cá nầy lội ngược dòng, vô sâu tới tận vàm sông Ô Môn hoặc tận Vàm Nao. Cá hô gồm có 3 loại: cá hô hồng thịt ngon nhất hạng, kế đến là cá hô đất và cá hô bông.
Một đêm sáng trăng, ông đang giăng câu phía dưới cù lao Cát khoảng giữa vàm sông Ô Môn và Thốt Nốt, bỗng nghe tiếng trẻ con cười khúc khích dưới gốc cây bần gần bãi cồn, ông giật mình tưởng bị ma nhát; tò mò, ông chèo ghe tấp vô, thấy một hài nhi trần truồng, còn đỏ hỏn nằm trên giề lục bình, một chân thòng dưới nước bị cá lòng tong rỉa làm nó nhột nhạt, thỉnh thoảng cười ré lên; có lẽ, vì vậy trong gần suốt cuộc đời cậu không bao giờ biết khóc, biết buồn. Nhưng, có một lần tôi thấy cậu Ba Lượm ứa nước mắt khóc...Ông ngoại tôi liền vói tay, ẵm đứa trẻ lên ghe, cởi áo và tháo cái khăn rằn quấn quanh cổ, bọc nó lại cho ấm, cấp tốc bơi xuồng về nhà. Có lẽ, đứa bé vừa mở mắt chào đời đã dị tật, xấu xí bị cha mẹ bỏ trôi sông chăng? Ông bà ngoại động lòng trắc ẩn, đồng ý nhận đứa bé làm dưỡng tử và lấy họ của mình đặt tên cho nó là Lý văn Lượm.
Từ khi nhận cậu Ba Lượm làm con nuôi, ông bà ngoại tôi làm ăn phấn chấn lên, mấy năm trúng mùa liên tiếp. Sau khi đong lúa ruộng cho điền chủ vẫn còn dư ăn, dư bán, còn thừa lúa chăn nuôi gà vịt. Năm 1935, dì Mai chào đời vào đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán Ất Hợi. Ông bà ngoại bèn trả đất lại cho gia đình ông Ba Cảnh, tậu đất vườn gần miệt vàm sông Ô Môn để lập nghiệp. Cậu Ba Lượm từ một mụn măng non èo uột, nhưng lớn lên thành một cây tre mọc bên bờ ao, bền bỉ, dẻo dai và không hề đau ốm lặt vặt bao giờ. Mới lên 10 tuổi, cậu Ba Lượm đã biết bàn chuyện làm ăn với ông ngoại tôi như mua trâu cho cho cậu chăn để cày thuê cho bà con nông dân quanh vùng. Năm cậu Ba lên 13 tuổi, mẹ tôi về làm dâu nhà họ Huỳnh bên kia bờ sông Hậu. Việc nhà, việc ruộng nương đều do một tay cậu Ba giúp đở ông bà ngoại.
oOo
Ông ngoại rất thích mai vàng. Ngược lại, bà ngoại tôi thích hoa sen trắng. Tên mẹ tôi là Lý thị Bạch Liên do bà đặt. Còn tên dì là Lý thị Hoàng Mai do ông đặt. Ngôi nhà của ông bà ngoại là nhà ngói ba gian, có sân trước rất rộng, ông trồng đủ loại hoa mai quí và hiếm như “nhất chi mai” có chùm hoa nở đỏ rực rỡ, “bạch tuyết mai” có chùm hoa trắng cánh nhỏ li ti, “lục hoàng mai” khi nở ra 6 cánh màu vàng kiêu sa... Ông ngoại thường tự hào rằng, ông chỉ khác hiền sĩ Lâm Bô vào thế kỹ thứ 10 ở Hàng Châu bên Tàu là ông lập gia đình, còn Lão Bô suốt đời sống độc thân để trồng mai và nuôi chim hạc. Còn sân phía sau nhà, ông cho người đào một cái hồ cá khá rộng, dưới thì thả cá he vàng, cá mè vinh... trên mặt ao thì ông thả hoa sen trắng. Chung quanh bờ ao, bà trồng cau. Chính giữa hồ, ông cất một cái nhà thủy tạ nho nhỏ. Vào những mùa trăng sáng, ông bà đưa nhau ra đó uống trà, ngắm trăng. Còn cậu Ba Lượm, hầu quạt, đuổi muỗi. Ngược lại, bà cũng chiều ông để đáp lễ. Một hôm, ông và cậu Ba Lượm vắng nhà 2 tuần lễ để lên Châu Đốc mua trâu cày. Bà mướn người xây một cái bể cạn giữa sân nhà, đường kính 5 thước. Giữa bể, bà cho xây một hòn giả sơn bằng nhiều loại đá khác nhau như đá vôi trắng, san hô, đá tai mèo, đá cẩm thạch... trông giống như một hòn đảo nhỏ giữa biển. Dưới bể, bà cho thả bèo tây, bèo hoa dâu và đàn cá vàng lội lững lơ. Mấy ngày sau, ông ngoại trở về, cái hòn non bộ cũng vừa hoàn tất. Ông ngoại rất ưng ý. Từ đó về sau, thú chơi hòn non bộ trở thành thú tiêu khiển thanh tao và ông đã bỏ ra nhiều công sức, sưu tầm thêm nhiều loại cây cảnh như cây dương xỉ, cây da, bụi tre, khóm trúc... để trồng thêm và làm cho hòn non bộ thật đẹp và trở thành một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong vùng. Đứng trước hòn non bộ, mọi người người có cảm tưởng đứng trước một cảnh thần tiên, nước nhược non bồng được thu nhỏ lại ở chốn trần gian.
Vào những đêm trăng thanh gió mát, Ngoại tôi thường bảo cậu Ba Lượm, chèo nghe đưa ngoại ra vàm sông Ô Môn giăng câu để nhớ lại những ngày gian khổ và mong gặp lại một số bạn bè vong niên. Trong số nầy, có người bạn chí thân của ông ngoại là ông Mười Đờn Cò. Mấy chục năm về trước, lúc còn độc thân, hai người gặp nhau vào mùa nước lũ tràn đồng ở “cái rốn” Đồng Tháp Mười. Tôi còn nhớ mãi một kỹ niệm về ông ngoại trong mùa nước nổi khoảng trung tuần tháng 10 năm Tân Mão (1951), lúc đó tôi đã lên 7 tuổi đang học lớp tư trường làng với thầy giáo Tiến ở ngoài chợ Vàm.
Khoảng 4 giờ chiều, Cậu Ba Lượm đầu đội nón lá lụp xụp, tay dắt ông ngoại lội nước ngập lé đé từ ngoài sân đi vào nhà. Vừa nghe tiếng gõ cửa, tía má tôi vội vàng đi ra đón. Tưởng ai, vừa thấy ngoại, má tôi giật mình hỏi ngay:
– Bộ má xảy ra chuyện gì rồi hả, tía?
Ngoại tôi cười, nói:
– Má tụi bây mạnh cùi cụi, có việc gì đâu mà tụi bây khéo lo!
Tía tôi nói:
– Trời lụt lội, nếu không có chuyện gì gắp, để sáng ngày mai, tía biểu cậu Ba chèo ghe qua cho vợ chồng con hay là được rồi!
– Ừa, còn thằng Bảo, cháu ngoại cưng của tao đâu rồi? Nó ngủ chưa vậy, bây?
Tôi đang nằm trên giường, ngửa mặt lên nóc nhà, nhìn con rắn hổ ngựa đang rượt con chuột lắt vừa chạy, vừa la chí chóe trên mấy cái kèo nhà. Nghe tiếng ông ngoại, tôi lật đật bước xuống giường chạy ra chào ông ngoại. Thấy tôi, ngoại hỏi liền:
– Sao nà, tối nay có muốn đi giăng câu với ông ngoại không hả, thằng chó con?
Tôi hỏi:
– Đi giăng câu ở miệt nào vậy ông ngoại?
– Ở miệt dưới cù lao Cát!
Ông ngoại cười, hỏi:
– Sao, có muốn đi giăng câu với ông ngoại không nà?
Nói gì chứ đi giăng câu là tôi chịu liền. Tôi nói:
– Dạ, đi với ai, con chần chờ, còn đi với ông ngoại là con chịu liền!
Tía tôi cười, nói:
– Mới có bây lớn mà biết nịnh ông ngoại rồi đó!
Má tôi có vẻ không đồng ý, nói:
– Nước lũ dâng lên tràn bờ, mênh mông như cái biển, rủi ro sóng đánh chìm ghe thì nguy hiểm lắm tía à! Tía đã có tuổi, còn thằng Bảo còn con nít làm sao đủ sức lội vô bờ chớ!
Cậu Ba Lượm cười, nói:
– Còn em đây nữa chi! Chị Hai khéo lo thì thôi! Em một tay ôm tía, một tay ôm thằng Bảo, lội một cái rẹt là vô tới bờ liền.
– Anh biết tài bơi lội của cậu rồi.
Tía quay sang má tôi, nói:
– Thôi, cho nó đi chơi với ngoại và cậu Ba đi má thằng Bảo à! Con nước đứng chững lại rồi mà.
– Thôi được rồi! Chị giao nó cho cậu Ba đó nghen!
Mẹ nhìn ngoại, hỏi:
– Tía ăn cơm nước gì chưa vậy?
Ngoại tôi cười, nói:
– Ăn sơ sơ, còn để bụng ăn nhậu với bạn bè tối nay chớ!
Má tôi hối:
– Thôi, tía có đi sớm, về sớm! Trời sắp hoàng hôn rồi đó tía!
– Ừa, tía đi nghe tụi bây.
Ngoại nắm tay tôi, nói:
– Thôi, đi cháu!
Từ hôm nước lụt, nhà trường đóng cửa gần cả nửa tháng. Nằm bó gối trên giường từ sáng đến tối, học ôn bài chán thấy mồ. Tôi bây giờ như chim sổ lồng, hớn hở theo ông ngoại và cậu Ba xuống ghe tam bản. Cậu Ba Lượm nhổ sào, chèo cập sát những hàng dừa dọc theo bờ sông Hậu cho an toàn. Chiếc ghe xuôi theo con nước lớn, ngược lên hướng cù lao Cát. Tôi ngồi đằng trước mũi ghe với ông ngoại. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi được ngồi trên ghe lướt sóng trên dòng sông Hậu vào mùa nước nổi. Những hoạt cảnh sinh động của người nông dân miền Tây Nam Bộ vào mùa lam lũ, đã để lại trong tuổi thơ của tôi những kỹ niệm khó phai mờ trong ký ức.
Mùa nước nổi trên dòng sông Hậu. Nắng chiều bàng bạc pha loãng trên dòng sông màu nâu, màu của đất bùn phù sa hòa cùng với màu sắc mây trời in bóng trên dòng sông, tạo thành không gian mênh mông huyền ảo làm cho cuộc sống của nông dân cảm thấy thêm phần vất vả, lẻ loi. Tiếng mái dầm khua nước nhịp nhàng, lúc nhặt lúc khoan. Một ngôi chùa cổ nào đó, vang lên những hồi chuông ngân nga như từ quá khứ xa xôi, thông thả vọng về. Tiếng hò mái dài lơi lả của những cô thôn nữ chèo thuyền, xuôi ngược trên sóng nước, cất lên lanh lảnh... và tất cả những âm thanh hỗn độn hòa lẫn vào nhau, tạo thành một bản hợp tấu khúc sinh động của phù sa, cất lên trong mùa nước nổi.
Thấy tôi đang ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, ngoại bảo tôi:
– Con đi vào khoang, lấy hai cái nắp nồi bằng nhôm máng trên vách lá đem ra đây cho ông ngoại.
Tôi ngạc nhiên, hỏi:
– Để làm gì vậy hả, ông ngoại?
Ngoại cười, nói:
– Ậy, đừng có hỏi lôi thôi mà! Cứ lấy hai cái nắp nồi đem ra đây, rồi ngoại chỉ cho cháu cái nầy ngộ lắm!
Tôi liền bò vào trong khoang ghe, lấy hai cái nắp nồi đem ra, đưa cho ông. Ngoại tôi cầm hai cái nắp đập vào nhau nghe xèng...xèng...xèng như người ta đánh chập chỏa múa lân. Chỉ vài phút sau, tôi vừa ngạc nhiên, vừa thích thú thấy một bầy cá nược khoảng chục con từ dưới mặt nước phóng lên, nhào lộn trên mặt nước, đưa cái lưng đen bóng lưởng lội chung quanh ghe. Một vài con tinh nghịch lội sát bên mạn ghe, trên đầu chúng xịt nước có vòi lên trên ghe, làm ướt cả vạt áo bà ba của tôi. Bầy cá nược xuất hiện trên mặt nước 15 phút, rồi lặn xuống sông biến mất. Cậu Ba Lượm tiếp tục vung mái chèo, chiếc ghe lướt phăng phăng trên dòng sông Hậu.
Trên những chiếc cầu tre ba nhịp lắt lẻo, bắt qua những con rạch đã biến thành những dòng sông tự bao giờ. Những người nông dân đầu quấn khăn rằn trong những chiếc áo bà ba màu nâu hay đen, vạt áo bay phất phới trong gió chiều thổi lồng lộng, quần xăn tới gối, vội vã bước qua cầu để về một nơi nào đó. Dưới sức nặng của họ làm cho cầu tre cong oằn xuống, bóng họ lung linh trên dòng nước, phản chiếu ánh nắng chiều.
Trên dòng sông, những chiếc ghe tam bản chất đầy hàng hóa hoặc đò dọc chất đầy người lướt nhanh trên dòng sông để về nhà. Ngày đang dần tàn, nhưng chưa tắt hẳn. Con trăng 16 tròn và đỏ ối, lừng lững nhô lên từ những rặng cây xanh ven bờ, ánh trăng lóng lánh, nhuộm vàng một quãng sông dài. Tôi thấy rõ dáng những người lái đò đứng đằng sau lái ghe, cúi rạp người xuống, hai tay vung mái chèo, phối hợp nhịp nhàng với đôi chân. Trong cái không gian huyền hoặc đến mơ hồ làm cho vầng trăng càng thêm sáng rực rỡ. Bỗng từ phía sau đuôi ghe của cậu Ba vút lên một điệu hò mái dài, giọng hò tiêu biểu của dân Thốt Nốt. Giọng nam đẩy đưa và trêu chọc làm xốc hông người khác phái:
Hò ơ... nước Long Hồ chảy vô Măng Thít
Thấy bộ em chèo cái đít muốn ôm.
Ông ngoại tôi nghe cũng bắt tức cười, ngoáy đầu, nói vọng ra đằng sau lái:
– Thằng dê xồm nầy hò ngạnh trê đó nghe! Mầy hò chọc quê nó cho tía nghe coi!
– Được rồi, tía nghe con hò đối lại nè!
Cậu Ba Lượm giả giọng nữ, lanh lảnh cất lên:
Hò ơ... anh muốn ôm vậy mà cũng hơi khó
Anh về nhà bắt... chó cái anh ôm.
Anh chàng bị khêu khích, tức khí hò đối lại:
Hò ơ... ô rô ba lá ô rô
Thần Hoàng không vật mấy cô kén chồng.
Cậu Ba Lượm bèn hò đối lại liền:
Hò ơ... chim quyên đậu nhánh sa kê
Thiên Lôi không đánh... mấy thằng dê cho rồi!
Biết gặp phải đối tượng đốp chát, không phải tay vừa. Anh chàng đổi giọng hò huê tình:
Hò ơ... ruộng gò anh cấy lúa nàng thơm
Ôm anh ôm đại, đừng để anh gò tốn công.
Cậu Ba Lượm ứng khẩu, hò đối lại, giọng lấp lửng:
Hò ơ... ông Tơ, bà Nguyệt còn lầm
Se duyên con gái lấy lầm... sở khanh.
Anh chàng thanh niên nọ nghe khoái quá, bèn chèo tăng tốc, đuổi riết theo, cập sát ghe cậu Ba, cất giọng hò rao:
Hò ơ... người ta vợ con đùm đề
Thân anh chửa vợ qua thề với em...
Cậu Ba giọng lẳng lơ, hỏi:
– Anh Hai chưa vợ hay vợ chưa có chửa đó?
– Qua còn độc thân, chưa có vợ thiệt mà em.
– Em chỉ khoái lấy mấy thằng cha đẹp trai.
Cậu Ba kéo cái nón lá sụp xuống, che khuất mặt hỏi:
– Anh Hai mà đẹp trai là em ưng liền hà.
Hắn đáp:
– Qua nói thiệt với em nghe! Người thanh niên đẹp trai nhứt ấp Tây Khánh, xã Mỹ Hòa ở Long Xuyên là qua đây nè!
Ông ngoại nghe anh chàng nầy quê quán ở xã Mỹ Hòa, nói vọng ra đằng sau lái:
– Đứa nào quê ở Mỹ Hòa vậy bây? Biểu nó chèo ghe lên gặp tía coi nà!
– Dạ, tía chờ chút
Cậu Ba Lượm nhìn qua ghe anh ta, nói:
– Tía tui muốn gặp anh kia kìa. Chèo ghe lên gặp ổng, lẹ đi cha nội!
– Ông già tía của em đó hả?
– Ừa mà!
– Để qua gặp ổng, xin gả em cho qua, được không em cưng?
Cậu Ba Lượm làm bộ mắc cỡ, mắng yêu:
– Đồ quỷ sứ nà!
Hắn ta như mở cờ trong bụng, vun mái chèo, chiếc ghe lướt tới. Hắn gác mái chèo lên mui, chấp hai tay xá ông ngoại tôi mấy cái, rồi cười nham nhở, nói:
– Con rể xin ra mắt nhạc phụ!
– Được, tía cho nó theo không mầy đó! Khỏi cưới hỏi lôi thôi gì hết!
Ông ngoại tôi vui vẻ, hỏi:
– Bây nói ở Mỹ Hòa, vậy bây có biết ai sáng chế ra lưỡi câu nổi tiếng nhất xứ Nam Bộ nầy không?
– Dạ, biết chớ!
Hắn ra điều kiện:
– Con mà nói đúng, tía có chịu gả con gái tía cho con không?
– Ừa, tao hứa đó!
– Ông Nguyễn văn Tho chớ ai!
Hắn tự tin, hỏi:
– Đúng không hả, nhạc phụ?
– Đúng y chang là ông ta.
Ông ngoại tôi gật gù, nói:
– Mấy mươi năm về trước, ổng chuyên môn làm lưỡi câu bán cho dân hạ bạc, sống về nghề giăng câu dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu. Nhờ lưỡi câu làng Mỹ Hòa mà qua nổi tiếng. Chín Hô là qua đây!
Hắn há hốc mồm, kinh ngạc, nói:
– Có phải ông là Chín Hô ở vàm sông Ô Môn không?
Ông ngoại tôi cười sảng khoái, nói:
– Chín Hô đích thị là qua đây!
Hắn nhìn ra đằng sau lái, hỏi:
– Có phải cô Tư đang chèo ghe không hả, ông Chín?
Ông ngoại tôi cười ha hả, nói:
– Thì nó chớ còn ai vô đây nữa!
Hắn mừng húm, nói:
– Con nói đúng rồi đó! Tía cho con rước dâu được chớ?
– Một lời Chín Hô nầy nói ra, thất mã theo cũng không kịp, đừng nói chi tứ mã! Được, qua cho bây rước dâu liền bây giờ!
Ông ngoại tôi đứng dậy, nhìn ra đằng sau lái, nói:
– Chuẩn bị sang thuyền nghe con! Tía bằng lòng gả con cho thằng mắc dịch nầy rồi đó!
Cậu Ba Lượm làm bộ vùng vằng, nói:
– Con hổng dám theo thằng cha nầy về Mỹ Hòa đâu! Thằng chả có vợ một, vợ hai rồi cũng không chừng đó tía ơi!
– Em Tư đoán không sai! Đẹp trai như qua có vợ một, vợ hai là chuyện thường tình.
Hắn cười toe toét, nói:
– Còn em về làm phòng ba cho qua! Lời tía hứa như đinh đóng cột, em không theo qua về Mỹ Hòa là chết với ổng đó!
– Bộ anh không nghe người ta nói sao hả: “Một vợ nằm giường lèo, hai vợ nằm chèo queo, ba vợ ra chuồng heo mà nằm”.
Cậu Ba hăm he:
– Tui mà làm vợ ba thì anh chỉ có nước vô chuồng... sư tử mà nằm.
– Có cô vợ ba trẻ đẹp như em, cho dầu có vô chuồng voi, chưa chắc qua đã ngán, đừng nói chi là chuồng sư tử.
Hắn chồm mình qua ghe cậu Ba, nắm cái cột chèo ghì lại, hai chiếc ghe cập sát vào nhau. Hắn cười hì hì, nói:
– Em Tư dỡ cái nón lá ra, để qua nhìn tạng mặt con sư tử cái coi nà!
– Muốn coi mắt tui hả? Được, tui cho coi liền nè.
Cậu Ba Lượm dỡ cái nón lá ra, cười chọc quê, nói:
– Cái bản mặt tui đây nè, nhìn kỹ đi cha nội!
Vừa thấy mặt cậu Ba Lượm, hắn thất kinh hồn vía, kêu trời như bộng:
– Chời ơi! Chời!... cậu Ba Lượm chơi tui nè chời!...
Cậu Ba Lượm nạy mái chèo bên phải một cái thật mạnh, hai chiếc ghe tách rời ra, làm anh chàng hụt chân rớt xuống sông, nghe một cái ầm. Ông ngoại tôi khoái chí cười ha hả, nói:
– Cho đáng đời thằng dê xồm!
oOo
Con trăng tròn 16 đang sáng rực rỡ trên bầu trời cao thăm thẳm và trong vắt, lấp lánh muôn vạn vì sao. Ghe lướt nhẹ nhàng trên dòng sông trăng, gió đêm mát lạnh thổi lồng lộng, làm những vì sao trời in bóng trên mặt nước, vỡ thành những hạt kim cương tỏa sáng lấp loáng trên những đợt sóng nhấp nhô. Ngoại tôi nói:
– Sắp đến đuôi cù lao Cát rồi đó cháu!
Tôi nhìn theo hướng ngoại chỉ, thấy loáng thoáng những đóm lửa nhỏ như tàn thuốc trôi dần vào nhau, hình dáng những ghe giăng câu đêm với cái mui lợp bằng lá dừa nước lụp xụp hiện rõ dần, những sợi khói mỏng manh màu trắng đục từ những bếp lửa trên ghe tỏa ra, ẻo lả bốc lên bầu trời cao. Sương khói quyện vào nhau trôi lờ lững trên bầu trời. Khi gần đến nơi, cậu Ba Lượm lơi dần tay chèo. Bỗng có một người trong chiếc ghe nào đó lên tiếng, hỏi:
– Ai đó?
Ông Ngoại tôi đứng dậy, đáp:
– Chín Hô ở vàm sông Ô Môn đây!
Người nọ reo lên:
– Chú Mười Đờn Cò ơi! Ông Chín Hô tới rồi đó!
Lúc đó vào khoảng 10 đêm. Cậu Ba Lượm gác hai mái chèo lên mui, chiếc ghe lướt nhẹ đến bằng trớn. Một người vói tay chận chiếc ghe cho ngừng hẳn, để chú Mười bước qua. Hai ông bạn già mừng rỡ, nắm chặt tay nhau. Về tuổi tác, ông Mười Đờn Cò nhỏ hơn ông ngoại tôi vài tuổi, nhưng trông rất phong trần với mái tóc bạc, búi tó “si nhong”, gương mặt rám nắng và ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn. Chiếc áo bà ba màu nâu bằng vải thô cứng, không đủ che dóc dáng gầy gò của ông. Với chiếc đờn cò đeo lủng lẳng trên vai, trông ông có vẽ là người nghệ sĩ giang hồ miệt vườn. Ông ngoại tôi nhìn ông Mười Đờn Cò từ đầu đến ngón chân, nói:
– Lúc nầy sao chú ốm yếu quá vậy, chú Mười?
Ông Mười cười vả lả, nói:
– Tui sống lưu linh, lưu địa, giang hồ tứ xứ. Đời như lục bình trôi, vui đâu tấp đó, lấy nghề giăng câu làm kế sanh nhai, lấy ngón đờn cò làm thú tiêu khiển, vừa giúp vui cho dân hạ bạc và anh em thương hồ. Tui sống bằng gạo chợ nước sông, bữa đói bữa no, mập làm sao cho nổi hả, anh Chín.
Ông ngoại tôi không bằng lòng, nói:
– Đó là lối sống của chú hồi còn trai trẻ kìa. Còn bây giờ, chú đã có tuổi rồi, phải an cư mới lạc nghiệp mới được, chớ sống bình bồng như lục bình trôi như vậy hoài đâu có được, chú Mười!
– Vợ con tui bị bọn người sát nhơn, nhân danh “Cách Mạng, “Kháng Chiến, “Giải Phóng Dân Tộc” cái con khỉ mẹ gì đó, cho đi “mò tôm” hết rồi. Cái lối giết người tập thể của bọn Việt Minh ác ôn, còn dã man, rùng rợn gấp ngàn lần bọn Thực dân Pháp giết dân mình.
Ông Mười Đờn sụt sịt khóc, nói:
– Sống vô gia cư, tử vô địa tán, giang hồ bạt mạng, cần gì phải an cư lạc nghiệp hả, anh Chín?
– Mà thôi, thím Mười và hai cháu đã bị bộ đội cụ Hồ giết đã 4 năm rồi. Chú có buồn, thím và cháu cũng không sống lại được đâu.
Ông ngoại tôi đề nghị:
– Sau bữa giỗ tập thể đêm nay, chú phải theo tôi về vàm sông Ô Môn, gia đình tôi có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, chú đừng nghĩ gì hết. Nếu chú ngại, tôi sẽ cho cất một căn nhà riêng cho chú sống thoải mái. Chú nghĩ sao?
Cậu Ba Lượm đứng đằng sau lái, nghe vậy cũng vọt miệng, nói:
– Phải đó, chú Mười! Cháu sẽ ở với chú cho vui. Nói thiệt nghe, cháu cũng muốn học ngón đờn cò độc chiêu của chú lắm đó!
Ông ngoại tôi nói vô:
– Thằng Lượm coi vậy mà sáng dạ lắm! Chẳng lẽ, chú để ngón đờn cò độc chiêu mai một sao, chú Mười?
Ông Mười Đờn suy nghĩ trong giây lát, rồi gật đầu nói:
– Nếu anh Chín thương tình, sau bữa giỗ tập thể đêm nay, tui sẽ chèo ghe theo anh về nhà.
Cậu Ba Lượm hớn hở, nói:
– Sáng ngày mai, con đi mua vật liệu chở về, cất nhà cho chú liền!
Lúc đó, cậu Ba Lượm và tôi không biết giỗ tập thể là cái gì mà làm giỗ cho ai? Tôi thấy hàng trăm ghe xuồng từ cù lao Ông Chưởng xuống, từ Đồng Tháp Mười qua, từ Cái Vồn lên... họ tụ tập dưới đuôi cồn cù lao Cát. Tới giờ hành lễ, họ cắm sào san sát vào nhau theo hình nửa vòng cung. Ông Mười Đờn Cò ngồi trước mũi ghe làm chủ tế. Mọi người yên lặng cầu nguyện cho những người quá cố. Họ thắp nến trong những đèn lồng, mang những lẵng hoa kết bằng đủ loại hoa tạp: màu trắng hoa huệ, màu tím hoa bằng lăng, màu vàng bông điên điển, màu đỏ hoa hồng... thắp những bó nhang thơm cắm trên những bè chuối, mỗi nén nhang thơm là mỗi tấm lòng của người sống, tưởng nhớ những người thân. Họ trịnh trọng thả tất cả xuống dòng sông nước đục phù sa. Tôi ngây người nhìn ánh sáng của những ngọn nến trôi bập bềnh, tỏa ra lung linh làm nhạt nhòa những ánh sao trời lóng lánh trên dòng sông. Hương hoa quyện lấy khói hương trầm, phảng phất trên sóng nước, làm tăng thêm nổi buồn lai láng trong lòng mọi người.
Ông Mười tháo cây đờn cò đeo trên vai xuống, tỉ mỉ so dây, rồi bắt đầu dạo khúc bi ai. Trong cái không gian trang nghiêm và yên lặng ấy, tiếng đàn cò réo rắt vang lên như khóc như than. Gió đêm thổi lồng lộng đưa âm thanh của tiếng đàn cò vượt xa hơn, hòa cùng ánh trăng sáng rực rỡ, chảy bồng bềnh trên dòng sông. Âm thanh tan dần trên những rặng cây xanh xa xa dọc hai bên bờ sông Hậu; hình như, âm thanh của tiếng đờn cò đọng lại trên những ngọn dừa nước, mù u... và mơ hồ vướng trên đám cỏ lát, phi lau. Cánh tay dài khẳng khiu của ông Mười Đờn Cò cầm vĩ cần đưa qua, kéo lại, lúc nhặt lúc khoan, phối hợp nhịp nhàng với mấy ngón tay, móng vàng nhựa thuốc, lướt thoăn thoắt trên mấy sợi dây đờn. Những cái vuốt, móc, nhấn và độ rung của mấy ngón tay điêu luyện của người nghệ sĩ giang hồ làm cường độ của âm thanh thay đổi lúc trầm lúc bổng, thống thiết ai oán làm tê tái lòng người. Vài người nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ con... bật khóc nức nở.
Tôi nghe cậu ba thì thầm bên tai ông ngoại, hỏi:
– Họ làm đám giỗ tập thể cho ai vậy, tía?
Ông ngoại nói:
– Cách đây 4 năm cũng vào tháng nầy, ngày nầy. Lợi dụng mùa nước nổi, bọn Việt Minh cho cán bộ chèo một chiếc ghe lường trọng tải hàng mấy chục tấn lúa để đón đồng bào theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo, sống dọc theo hai bên bờ sông Hậu và cù lao Ông Chưỡng, chạy lụt. Nửa đêm, họ cho người lặn xuống nước đục bể ghe, làm cho trên 300 đồng bào vô tội đi “mò tôm”, chết thảm khốc tại khúc sông nầy; vì vậy, họ tụ tập về đây để làm giỗ tập thể cho các nạn nhân hằng năm.
Tiếng đờn cò truy điệu của ông Mười vừa chấm dứt. Bà con tự động chia tay và hẹn gặp nhau vào thời điểm nầy năm sau. Tiếng mái chèo khua nước rộn ràng trên một quảng sông Hậu, những chiếc xuồng ba lá, những chiếc ghe tam bản mang những ánh lửa chập chờn của những ngọn đèn bão trôi trên dòng sông và khuất dần trong màn sương đêm màu trắng đục, bay lãng đãng trên mặt sông.
Bây giờ chỉ còn lại mươi chiếc ghe và xuồng giăng câu ở miệt cù lao Cát và hai bờ sông Hậu. Họ những người dân chuyên sống về nghề hạ bạc ở quanh vùng nầy, vừa là bạn bè, vừa là những người ái mộ tiếng đàn cò độc đáo của ông Mười. Họ cắm sào, mũi chụm đầu vào nhau giữa bốn bề nước nổi mênh mông. Ông Mười chỉ ngoại tôi, rồi lên tiếng:
– Đêm nay là đêm cuối cùng, tui sẽ từ giã nghề hạ bạc, để lên bờ sống với ông anh kết nghĩa của tui là anh Chín Hô đây!
Ông Sáu Thao là người cao niên nhứt, đầu chít khăn rằn, râu cằm bạc trắng, bay phất phơ trước ngực. Ông ta là người đầu tiên lên tiếng:
– Chèng đéc ơi! Anh Mười nở lòng nào bỏ sông, bỏ anh em để lên bờ sống sao hả, anh Mười?
Ông ngoại tôi đở lời cho ông Mười Đờn Cò:
– Chú Mười giờ tuổi đã cao, không vợ, không con, lấy ai chăm sóc khi ươn yếu. Nên vợ chồng tôi rước chú về sống chung với gia đình tôi cho có anh, có em, có muối ăn muối, có mắm ăn mắm. Vả lại, nhà tôi ở gần Vàm Ô Môn, lúc nào cũng mở rộng cửa đón anh em đến thăm chú Mười mà!
– Ờ hén, anh Chín Hô nói cũng có tình có lý! Tui xin bái phục tình nghĩa của anh đó nghen.
Ông Sáu Thao nhìn mấy người chung quanh, hỏi:
– Sáng mai, anh Mười Đờn Cò sẽ bỏ dòng sông nầy, để lên bờ sống với gia đình anh Chín Hô. Đêm nay, anh em mình tính sao cho phải phép đây?
Chú Năm Hồng lên tiếng:
– Đêm nay nhậu xả láng, để sáng tiển chú Mười về vàm sông Ô Môn sớm! Tối mai đi giăng câu kiếm ăn cũng không sao mà.
Ông Sáu Thao nói:
– Thằng Năm mầy nói có lý! Tui xin mời hết anh em chèo ghe, xuồng, về nhà tui ở trên bãi cồn, nhậu một chầu chia tay với anh Mười cho đả đời. Nhậu không say, không về à nghen! Má xấp nhỏ mới cất được trên 10 lít rượu nếp. Ngon hết sẩy!
Chú Năm Hồng không đồng ý, nói:
– Mình là dân giăng câu, sống trôi nổi theo con nước lớn, nước ròng. Bữa tiệc chia tay với Chú Mười thì phải nhậu trên ghe mới hợp lý chớ!
Ông Sáu Thao cười hì hì, hỏi:
– Rượu đế đâu mà nhậu chớ?
Ông Mười Đờn Cò cười, nói:
– Cái rốn trủng Đồng Tháp Mười là nơi kiếm sống của tui và anh Chín Hô từ cái hồi khẩn hoang lập ấp. Lúc đó, di dân khắp nơi từ vùng đồng bằng sông Cửu Long cho đến tận vùng đất mũi Cà Mau đến nơi đến nơi nầy lập nghiệp. Đồng bào miệt Kinh Cùng có cái lối ẩm thực khác với thiên hạ. Thay vì nhậu rượu đế đưa men cay với khô cá đồng mới hợp với khẩu vị, đằng nầy họ uống trà với cá khô nướng, thế mới ngược đời với thiên hạ chớ!
– Ừ, chú nhắc tôi mới nhớ ông Hai Oảnh. Trời vừa hừng sáng, mới bảnh con mắt dậy là tôi đã thấy ổng súc miệng bằng nước trà rồi điểm tâm với khô cá lóc nướng lửa than. Bạn bè ghé thăm, ổng cũng đãi bạn bè bằng cái lối nhậu lạ đời nầy, ông ngoại tôi nói: Tôi còn nhớ, hồi đó, cũng vào mùa lũ lụt như thế nầy. Đêm trên đồng nước nổi dàn trải trên khắp cánh đồng bao la như biển nước mênh mông mà lưu dân lúc đó còn thưa thớt, có khi chèo ghe đi giăng câu cả cây số mới bắt gặp được ánh đèn dầu leo lét xa xa. Lúc đó, họ tự động tìm đến nhau cho đở phần vất vả lẻ loi, phải không chú Mười?
Ông Mười Đờn Cò nói:
– Dân sống bằng nghề giăng câu đêm cũng giống như những mãng lục bình rời rạt, theo con sóng Đồng Tháp trôi tấp vào nhau kết hợp thành giề, để tương trợ lẫn nhau khi hữu sự. Lúc đó, tui đang học ngón đờn cò độc chiêu của ông Hai Oảnh. Cũng trong đêm đó, tui gặp anh Chín rồi kết nghĩa “huynh đệ” với nhau, thủy chung cho đến bây giờ đã mấy chục năm rồi.
Chú Ba Lượm vọt miệng, nói:
– Chú Mười là sư phụ của cháu, còn ông Hai Oảnh là sư tổ của cháu rồi!
Ông Mười Đờn Cò nói:
– Muốn học ngón đờn cò của tao truyền lại cho đời thứ ba là phải làm lễ cúng tổ đàng hoàng nghe con.
– Chuyện dễ thôi mà, chú Mười!
Cậu Ba cười, hỏi:
– Lúc còn sanh tiền, ông Hai thích ăn món gì nhứt hả, sư phụ?
Ông Mười nói:
– Đơn giản thôi mà. Cũng khô đồng nướng nhậu với trà nóng. Nếu là khô cá lóc thì phải là thứ cá lóc bự tổ chảng, còn khô cá sặc thì phải là cá sặc rằn lớn hơn bàn tay trở lên.
Ông Năm Hồng giục:
– Thôi, nói thì làm liền đi mấy cha nội! Ai có khô thì nướng khô, còn ai có trà nấu nước pha trà. Nổi lửa lên đi là vừa đó!
Vài phút sau, tiếng củi tạp vớt trên sông, củi tre bắt đầu nổ lép bép trong những cái cà ràng đặt đằng sau lái của những chiếc ghe tam bản, được chắn gió bằng những miếng thiếc uốn cong hình vòng cung và ánh lửa lan rộng sáng rực một khoảng sông. Khói trắng đục cuồn cuộn bốc lên mù mịt, tỏa lên bầu trời đêm sáng rực ánh trăng. Khói chảy xuống mặt nước, lẫn vào trong màn sương đêm bay bay la đà trên sóng nước đang vỗ bì bọp vào mạn ghe. Mùi khô cá lóc nướng, mùi mở cá sặc rằn tươm ra cháy xèo xèo trên lửa than hồng, bay vào mũi làm tôi cảm thấy đói bụng chi lạ. Trong lúc các bậc chú bác ngồi xếp bằng trước mũi ghe, rít thuốc rê, vừa nói huyện huyên thuyên, tiếng cười nổ dòn như bắp rang. Tôi bò ra đằng sau lái ghe, thấy cậu Ba đang nướng khô khoai, tôi hỏi:
– Còn cơm nguội không cậu?
– Sao, kiến cắn bụng rồi hả?
– Dạ, con đói bụng!
– Thôi được, ăn cơm nguội với khô khoai nướng cho đở đói.
Cậu Ba trở mấy con khô trên lửa than, rồi bới cơm ra cái chén sành đưa cho tôi, nói:
– Còn mấy miếng dưa mắm của dì Mai trộn sẵn rồi,ăn kèm với khô cá khoai,ngon lắm. Con muốn ăn không?
Tôi lắc đầu. Cậu Ba gắp mấy con khô cá khoai xé nhỏ, bỏ vào trong dĩa đẩy về phía tôi, nói:
– Con ngồi đó ăn cơm đi! Bây giờ cậu mang khô ra đằng trước cho ngoại. Lát nữa cậu trở vô.
Khô cá khoai nướng quá lửa, nhai dòn rụm, ăn kèm với cơm nguội ngon hết biết; có lẽ, vì bụng đói nên tôi ăn cái gì cũng thấy ngon miệng. Trời nửa đêm về sáng, tôi ngồi dựa cột chèo, nhìn mông lung về phía bên kia bờ sông Hậu. Vài căn nhà lá xiêu vẹo ẩn sau những lùm cây, bếp nhà ai giờ nầy vẫn còn đỏ lửa, những làn khói trắng mong manh đang bốc lên từ những mái tranh nghèo, vươn mình bay lên trời cao... gió miệt đồng thổi lồng lộng trên mặt sông làm gợn lên những đợt sóng nhỏ đủ làm chiếc ghe hơi lắc lư. Hơi lạnh của sương đêm hòa cùng hơi lạnh của nước sông tỏa lên ghe làm tôi rùng mình. Tôi vội vàng chui vào trong khoang ghe, chun vào trong cái nóp của cậu Ba Lượm đánh giấc. Tiếng những con cóc kèn, ếch nhái, ễnh ương... kêu vang rền trong bụi phi lau, tiếng vịt trời vỗ cánh trong những rặng bần, mù u xa xa... và tiếng đờn cò độc chiêu của ông Mười như ru tôi vào mộng và thiếp đi lúc nào cũng không hay... Và khi mở mắt ra thì trời đã sáng bửng, tôi mới biết là đang nằm trên giường, chớ không phải nằm trên ghe. Tôi lật đật bước xuống giường, nước đã rút đi khỏi cái nền nhà, chỉ còn phù sa phủ một lớp bùn mỏng trên nền gạch tàu. Tôi đi lần ra chái hè, hỏi mẹ tôi:
– Ông ngoại, cậu Ba và ông Mười Đờn Cò đâu rồi má?
Má tôi mỉm cười, nói:
– Cậu Ba đưa ông Ngoại và ông Mười về bển rồi. Vài bữa nữa, cậu Ba sẽ chèo ghe qua đón má và con qua thăm ông bà ngoại và dì Mai.
Một tuần lễ sau đó, nước lũ đã rút đi, lưu lượng sông Hậu gần như trở lại bình thường. Trường tiểu học mở cửa lại và lũ nhóc chúng tôi nao nức trở lại trường. Tía và má tôi chèo ghe đưa tôi qua sông Hậu sống với ông bà ngoại để tiện việc đi học. Mỗi buổi sáng sớm, dì Mai bơi xuồng đưa tôi đến trường, chiều đón về nhà. Nhờ vậy mà thầy giáo Tiến có dịp quen biết dì Mai.
Mùa nước nổi vừa qua làm cái sân đất nhà của ngoại bừa bãi không thể tả, rác rến, bùn đất bê bết khắp nơi, đất đấp chung quanh mấy gốc mai đều bị sạt lở. Vừa dắt tôi bước vào sân nhà, thấy ông ngoại và dì Mai áo quần bùn đất lấm lem, đang lui cui đấp đất lại mấy gốc mai. Tía tôi nói:
– Thôi, tía và dì Tư vô nhà tắm rửa, nghỉ mệt đi, ngoài nầy con làm cho.
Ông ngoại nói:
– Tụi bây và thằng Bảo ăn cơm nước gì chưa?
– Dạ chưa, tụi con có đem cặp gà mái dầu biếu tía má. Tía muốn ăn cháo gà xé phay không để con đi làm.
Má tôi quay sang hỏi dì Mai:
– Má đâu rồi, dì Tư?
Dì Mai chỉ ra phía sau vườn, nói:
– Má đang làm bếp, còn chú Mười và anh Ba đang be bờ cái hồ sen. Cá nuôi trong hồ theo nước lũ đi hết sạch không còn một con.
– Thôi, để chị phụ má làm cơm trưa cho gia đình.
Tôi chạy lăng xăng trên sân hốt rác gom đống dưới mấy gốc dừa cạnh bờ mương bên hông nhà. Có tía tôi phụ một tay, nhưng không ai chịu vô nhà hết. Thỉnh thoảng, dì Mai ngước nhìn những cành mai khẳng khiu bị gió thổi đong đưa trong nắng sớm làm những chiếc lá úa run rẩy lìa cành. Tôi thấy gương mặt dì Mai thoáng buồn. Thời con gái của dì Mai không lụy vì tình bao giờ mà chỉ lụy vì mai…
Dân cư sống hai bên vàm sông Ô Môn, ai cũng biết dì Mai cũng như ông ngoại tôi trồng hoa mai để thưởng ngoạn và tặng cho bà con, láng giềng cái lộc đầu năm lấy hên chớ không bao giờ bán. Có nhiều anh trai làng, nhờ những cành “lục hoàng mai” của dì Mai tặng làm quà Tết cho tía má người yêu mà cưới được vợ. Ông ngoại tôi còn có tài phù phép làm cho những đóa hoa mai chúm chím nụ, từng đợt nở bung ra vào đúng đêm giao thừa, đợt kế tiếp vào sáng mùng 1, mùng 2... cũng rực rỡ không kém. Bí quyết của ông ngoại tôi ép mai nở bung ra vào những ngày đầu xuân bằng cách tuốt lá từng đợt, bắt đầu từ sáng 15 đến 23 tháng chạp âm lịch là ngày đưa ông Táo về trời.
Tía tôi gánh nước dưới mương lên cho ngoại rửa sạch lớp phù sa bám chung quanh hòn non bộ vừa xong là bà ngoại tôi ra sân gọi mọi người rửa tay chân vô nhà ăn cơm. Nhưng, chỉ có dì Mai còn nán lại trên sân, lau sạch lớp bùn non còn bám trên thân cây. Tôi nghe bà ngoại phân bua với ông:
– Ông thiệt có phước hơn tui à nghen.
Ông ngoại tôi hỏi:
– Phước gì mới được chớ?
– Ông thích hoa mai, con Tư nó cũng yêu hoa mai như ông. Vì vậy, vườn mai ở sân trước của ông lúc nào đẹp hơn hồ sen phía sau của tui.
Bà ngoại nhìn má tôi, tiếp:
– Tui đặt tên má thằng Bảo là Bạch Liên, hy vọng nó cũng thích hoa sen trắng như tui; nào ngờ, nó chỉ thích bông bí, bông điên điển, bông so đủa, bông lục bình... không đời nào nó ngó ngàng tới cái ao sen. Nó chỉ ra đó để thăm chừng bầy cá he vàng, mè vinh... lớn chưa, đặng vớt lên chiên sù mà thôi.
– Con thấy tía má và dì Mai tối ngày lo chăm sóc mấy cây mai và ao sen là con phát mệt. Hoa với bông cũng một thứ chớ mấy.
Má tôi nhìn bà ngoại cười, rồi hỏi:
– Má biết lý do tại sao con thích bông bí, bông điên điển, bông so đủa... không nè?
Dì Mai đang rửa tay, rửa mặt bên cái lu mái giầm bên hông nhà, lên tiếng trả lời thay cho bà ngoại:
– Bông nào ăn được thì chỉ mới thích. Còn hoa mai, hoa sen ăn đâu có được nên bả đâu có mê. Má cứ nhìn thằng Bảo mập ú na, ú nần thì đủ biết chị Hai có tâm hồn ăn uống như thế nào rồi!
Ông ngoại tôi ngó ra ngoài sân, gọi:
– Mai à, rửa tay lẹ lên đi, rồi vô nhà ăn cơm, kẻo thức ăn nguội hết mất ngon nghen con!
Trên mâm cơm, ngoại vui vẻ giới thiệu ông Mười Đờn Cò với tía má tôi là thành viên mới trong gia đình. Còn cậu Ba Lượm cũng hớn hở nói:
– Kể từ bây giờ, chú Mười là sư phụ của con đó nghen.
Một tuần sau đó, hai thầy trò hì hục cất xong một ngôi nhà mái lá dừa nước thật khang trang ở góc vườn, bên cạnh cây bưởi “năm roi”. Ngôi nhà lá vừa đủ kê một bộ ván gõ cho hai người nằm, một bộ ghế trường kỷ kê giữa nhà và một cái tủ bằng gỗ cẩn xà cừ làm bàn thờ cho bà Mười và các con. Bên chái hè là một cái bếp để cho có lệ, chỉ dùng để nấu nước tiếp khách. Trên vách có treo hai cây đờn cò, một của ông Mười và một của đệ tử là cậu Ba Lượm. Đêm đêm thầy dẫn trò ra nhà thủy tạ giữa hồ sen dạy đờn.
Vườn khuya trở nên tĩnh mịch và lặng lẽ.Tôi nghe tiếng thì thầm của côn trùng rỉ rả trong bụi cỏ chung quanh bờ hồ. Tiếng những tàu lá cau khua xào xạc trong gió, tiếng rơi của những của tàu lá già lìa cành; thỉnh thoảng, sau tiếng vỗ cánh của bầy dơi quạ vô tình làm vài ba trái mận hồng đào rơi bõm xuống hồ. Càng về khuya, những hàng cau già với chùm hoa cau kết thành những chuổi hột nho nhỏ, xinh xinh màu trắng như sữa. Những nụ hoa lẽ loi nở vội, cánh nở xòe ra, tỏa ra một thứ hương thơm man mác dịu dàng hòa cùng hương sen trắng trong hồ, theo cơn gió không mùa len qua khung cửa sổ, bay vào trong nhà. Tôi đang chợp mắt, sắp sửa đi vào mộng; bất ngờ, tiếng đờn cò kéo “ò e, ò e...” của một tay chơi mới vào nghề, từ phía nhà thủy tạ vang lên từng chập, làm cái lỗ tai như bị ai tra tấn. Tôi vén mùng, bật ngồi dậy, rón rén đi lại cánh cửa sổ, nhìn ra hồ sen. Trên nhà thủy tạ, ông Mười khêu lại ngọn đèn dầu mù u cho thêm ánh sáng, mà ánh mắt không rời mấy ngón tay của cậu Ba Lượm đang di chuyển nhịp nhàng trên cái cần đàn. Sương đêm từ hồ sen bốc lên mịt mù, dầy đặc đến nổi tôi có cảm tưởng cái nhà thủy tạ treo lơ lửng trong sương mù.
oOo
Thế rồi, vài tháng sau đó, khi nghe tiếng đờn cò độc chiêu cất lên, tôi không còn phân biệt được ông Mười hay cậu Ba đờn nữa. Và sau một thời ngắn nữa, tay đờn của cậu Ba Lượm càng trau chuốt và lả lướt hơn. Ông Mười Đờn Cò rất hãnh diện về có một cậu học trò tài danh như cậu Ba Lượm; quả thật, có tật có tài. Từ đó, ngón đờn cò của cậu Ba Lượm vang dội hai bên bờ sông Hậu, từ vàm sông Ô Môn đến tận cù lao Cát và bay xuống tận vàm sông Cần Thơ. Nhiều cô thôn nữ chết mê chết mệt vì tiếng đàn cò của cậu. Trong số đó, có con gái út xinh đẹp của ông Cai tổng Biện ở Trà Nóc. Ông nầy bắn tin với ông bà ngoại tôi. Nếu cậu Ba Lượm đồng ý thì cho người đến mai mối, đàng gái sẵn sàng gả con liền với một điều kiện duy nhất là cậu Ba Lượm phải ở rể. Ông bà ngoại tôi có hỏi dọ ý cậu Ba Lượm nhiều lần. Nhưng lần nào cậu Ba vẫn lắc đầu lia lịa, không ưng là không ưng. Ngoại tôi phải nhờ má tôi khuyên cậu Ba đừng bỏ qua mối nầy rất uổng vì gia đình đàng gái rất bề thế, giàu có, ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Má tôi nói rát cổ họng mà cậu Ba cũng không nghe. Cuối cùng, ngoại tôi bực quá, nói với má tôi:
– Thôi, thây kệ nó đi!
Nhưng rồi, ông ngoại suy nghĩ một lát, bất ngờ hỏi:
– Chắc thằng Lượm nó thương thầm con nào đó rồi cũng không chừng, phải không Hai?
– Chuyện nầy thiệt là khó nói.
Má tôi tò mò, hỏi:
– Con muốn biết tại sao, khi khổng khi không mà ông cai tổng Biện muốn gả con gái út cho cậu Ba nhà ta vậy tía? Theo con nghĩ, không chừng người ta ăn sò rồi bắt cậu Ba đổ vỏ đó!
Ngoại tôi suy nghĩ một lát, rồi gật đầu, nói:
– Con nhận xét cũng có lý lắm! Không chừng là như vậy đó!
Ông ngoại và má tôi đều đoán đúng có một phần. Chuyện nầy chỉ có ông Mười và tôi biết lý do tại sao ông cai tổng Biện muốn gả cô Út Vui cho cậu, đó là vì yêu mến ngón đờn cò độc chiêu của cậu Ba Lượm.
Chuyện là như vầy:
Nghe nói hồi còn trẻ, ông cai tổng Lê văn Biện xuất thân là một kép hát tài hoa với cái tên Hữu Danh của đoàn cải lương “Sông Hậu”. Năm đó, nghe bầu chở đoàn hát lưu diễn 2 xuất hát cho hội đình Thành Long (Long Tuyền Cổ Miếu) tức đình Bình Thủy sau nầy. Các buổi trình diễn ở làng Bình Thủy cách thị châu thành Cần Thơ 6 cây số, nhân ngày lễ hội Hạ Điền nhằm ngày 14 và 15 vào tháng 12 âm lịch hàng năm. Năm nào gia đình ông Hội đồng Cầu ở Cái Côn đều đến xem biễu diễn văn nghệ. Cô Hai Bạch, con gái lớn của ông Hội đồng Cầu phải lòng anh chàng kép trẻ Hữu Danh xuất sắc trong vai võ tướng Lữ Bố đầy hào hùng trong các động tác cỡi ngựa, múa thương vùn vụt trong tuồng “Phụng Nghi Đình”. Qua đêm sau, trong vở “Phạm Lãi Tây Thi”, kép Hữu Danh lại diễn xuất thần trong vai mưu sĩ Phạm Lãi, lôi cuốn đến mức đã làm cho nữ khán giả sụt sùi rơi lệ trong màn biệt Tây Thi.
Sau đêm hát, đào kép cuốn gói xuống ghe bầu chờ con nước ròng để chèo xuống miệt Trà Ôn kiếm ăn. Cô Hai Bạch lẻn xuống ghe bầu trốn trong đống phong màn, áo mão, binh khí ngổn ngang lúc nào mà không ai hay biết. Cho đến khi ghe bầu xuống gần đến miệt Trà Ôn thì bà bầu gánh mới phát hiện được. Cô Hai Bạch thú thiệt với bà bầu là vì thầm thương kép Hữu Danh nên mới bỏ nhà trốn theo đoàn hát. Đám anh em nghệ sĩ hùa theo bà bầu là khi đến Trà Ôn thì đuổi cô Hai Bạch lên bờ để tránh tai tiếng cho kép hát đoàn “Sông Hậu” dụ dỗ gái tơ. Chỉ có thầy đờn cò là Sáu Niễng, cha nuôi của kép Hữu Danh là không đồng ý. Ông nói:
– Thằng Biện nó chưa vợ, cô nầy cũng chưa có chồng. Tui thấy hai đứa nó cũng xứng đào, xứng kép lắm chớ! Ăn thua thằng Biện, hễ nó thương cô nầy là tui đứng ra tác hợp cho hai đứa nó.
Ông quay sang kép Hữu Danh, hỏi:
– Sao, mầy ưng lấy cô nầy làm vợ không, nói cho tía biết ý coi nà?
Biện ta liếc nhìn cô Hai Bạch, cười tủm tỉm, nói:
– Thưa tía, con ưng liền! Có một cô vợ đẹp như vầy, cho dầu con có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới nữa!
– Được, tía sẽ đưa tụi bây về quê nhà tại rạch Xã Chít ở Ngan Dừa để làm lễ tác hợp cho hai đứa bây. Tới Trà Ôn thì mình rời đoàn hát đi liền.
Bà bầu nghe ông thầy đờn cò và kép chánh mà rời đoàn thì gánh hát “Sông Hậu” chỉ còn có nước rã đám. Bà bầu sợ quá, xuống nước nhỏ, nói:
– Tui nói chơi thôi mà, anh Sáu! Mình tổ chức đám cưới cho hai đứa nó trên ghe bầu cũng được mà, cần gì phải về quê nhà của anh chớ!
Đời nghệ sĩ giang hồ lưu diễn trên sông nước, sống bằng gạo chợ nước sông, lấy mui ghe bầu làm sàn diễn tập lưu động, trôi nổi bồng bềnh theo con nước lớn, nước ròng như giề lục bình xanh biếc, nay tấp bến nầy, mai tấp bến khác giống như số kiếp cầm ca của họ. Từ ngày lấy chồng theo đoàn hát, cô Hai Bạch phụ lo việc “hỏa đầu vụ” cực khổ trăm bề. Sớm khuya hầu hạ mọi người, cơm ngày hai bữa: trưa, chiều. Đó là chưa kể nồi cháo khuya phục vụ anh em trong đoàn hát khi tấm màn nhung khép lại.
Một đêm mưa gió lạnh lùng, ghe bầu neo trên bến vắng hiu quạnh bên dòng sông Ngã Bảy Phụng Hiệp. Trong lúc đào kép quây quần bên ngọn “măng sông” sáng choang đánh tứ sắc hoặc uống trà, cô Hai Bạch mới kéo chồng ra đằng sau lái ghe báo tin mừng là mình đã có thai được 3 tháng, đồng thời thú thiệt với chồng về gia thế của mình. Sau khi biết vợ là con gái của ông Hội đồng Cầu, vì mình mà chịu trăm đắng, ngàn cay, Kép Hữu Danh bèn quyết định cùng với thầy đờn Sáu Niễng đưa vợ trở về Cái Côn thú tội với ông bà Hội đồng Cầu rồi có ra sao thì ra. Kép Hữu Danh tâm sự với vợ:
– Cùng lắm là ổng bỏ tù anh thôi. Sợ gì chớ!
Kể ra, ông Hội đồng Cầu là người cũng rộng lượng. Thấy vợ chồng cô Hai Bạch trở về mà không bắt tội. Đối với ông, việc cô Hai Bạch tự động bỏ nhà theo kép hát là điều điếm nhục gia phong nên ông tuyệt đối cấm con gái và con rể vô nhà. Nhưng, ông bỏ tiền ra mua mười mẫu đất vườn và ruộng ở Trà Nóc, rồi bảo hai vợ chồng về đó lập nghiệp. Ông Sáu Niễng cũng theo hai vợ chồng về Trà Nóc sống.
6 tháng sau, cô Hai Bạch hạ sinh ra cậu con trai đầu lòng khôi ngô tuấn tú. Ông Hội đồng Cầu mới đổi giận làm vui. Về sau, cậu nầy du học ở bên Tây, rồi cưới vợ đầm ở luôn bên đó. 4 năm sau, cô Út Vui ra đời. Ông bà Hội đồng Cầu và sư phụ Sáu Niễng lần lượt qua đời. Và cuộc đời của kép Hữu Danh phất lên như diều gặp gió tạo thêm ruộng đất thẳng cánh cò bay. Được một cái là kép Hửu Danh không quên cội nguồn của mình, sống bình dân giản dị, tánh tình hào phóng. Ông nỗi tiếng một thời là Mạnh Thường Quân của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi khi đồng bào bị thiên tai, bão lụt, mùa màng thất bát... là họ không cần đến chánh quyền địa phương mà tự động tìm đến ông để xin giúp đở. Ông không ngần ngại xuất kho gạo và bỏ tiền ra cứu trợ làng xã, giúp đồng bào vượt qua khó khăn nhất thời nên bà con gọi đùa ông là cai tổng Biện, riết rồi chết tên luôn.
Cai tổng Biện là một người rất trọng tình nghĩa, ông thường nói với mọi người rằng, ông có được như ngày hôm nay là nhờ ơn sư phụ Sáu Niễng tận tình nâng đở từ khi mới tập tễnh bước vào nghề diễn viên sân khấu. Vì vậy, hàng năm đến ngày mùng 10 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ sư phụ, ông Cai tổng Biện cho người cất sân khấu lộ thiên bên dòng sông Hậu, rồi mời các đoàn hát tên tuổi về trình diễn cho dân làng xem. Và ngày giỗ của sư phụ trở thành ngày lễ hội địa phương, dân thương hồ tụ tập về rất đông. Cách đây 5 năm, ông có sáng kiến tổ chức cuộc thi cuộc tuyển lựa nhạc sĩ “kéo đờn cò” rất hào hứng. Ông dám tuyên bố với mọi người một câu xanh dờn: “Ai mà chơi đàn cò hay hơn sư phụ Sáu Niễng thì ông gả con gái cho liền.”
Ngày giỗ sư phụ năm đó, ông Mười Đờn Cò dẫn cậu Ba Lượm xuống Trà Nóc thi tài. Tiếng đờn cò “độc cô cầu bại” của cậu Ba Lượm làm cho ai nấy đều ngẩn ngơ bái phục. Ông cai tổng Biện giữ lời hứa mà cô Út Vui cũng vui vẻ đồng ý với cha. Nhưng mà tại cậu Ba không ưng. Chuyện chỉ có vậy thôi!
oOo
Sống với gia đình ông bà ngoại tôi được vài tháng, ông Mười Đờn Cò bỗng dưng mang tâm trạng buồn bã, người ông cứ héo hắt dần như một mảng lục bình trôi sông bị vất lên bờ. Chiều chiều, ông thơ thẩn ra bến sông, ngồi một mình dưới gốc dừa ngó mông lung ra dòng sông. Hôm nào trời trở gió hoặc mưa giông, nước từ vàm sông Ô Môn cuồn cuộn đổ ra sông Hậu, ghe xuồng của ai đó bị gió thổi bạt tay chèo, chao nghiêng trên dòng sông, gợi nhớ trong lòng ông những kỹ niệm xa xưa. Những hôm trời trở gió như thế nầy, má thằng Tý chèo chống đằng mũi, ông chèo đằng sau lái, tấp vào con rạch nhỏ tránh sóng. Cả gia đình ông Mười dắt díu nhau sống lênh đênh trên sóng nước, sống nhờ con tôm, con cá mắc vó lưới hoặc mắc lưỡi câu. Không có cù lao nào, con kinh, con rạch ngang dọc nào trên suốt chiều dài con sông Hậu từ cửa Trần Đề và Định An đến sát biên giới Việt Nam – Cam Bốt là điểm hẹn hò của nước sông Tân Châu, kinh Vĩnh An và kinh Vĩnh Tế cùng chảy vào dòng Hậu Giang mà ông Mười Đờn Cò không biết; thậm chí, ông còn biết rõ độ nông sâu của nó nữa.
Từ hôm bỏ dòng sông, định về nương tựa cho hết tuổi già với ông ngoại tôi, ông Mười tương tư dòng sông với bao nỗi nhớ dằn dặt như một người nghệ sĩ xa rời sân khấu và khán thính giả thân thương. Sân khấu trình diễn của ông là những bãi cồn hiu quạnh mà ánh trăng rằm và những vì sao đêm chiếu sáng lấp lánh trên bầu trời cao, thay cho ánh đèn màu trang trí trên sân khấu, còn khán thính giả hâm mộ là những dân thương hồ tứ xứ, dân giăng câu đêm dọc hai bên bờ sông Hậu. Vào những đêm trăng hạ tuần, dòng sông Hậu lặng lẽ chở ánh nguyệt mờ, họ gác mái chèo, thả trôi ghe theo con nước chảy lững lờ. Trong không gian tĩnh lặng, sâu thẳm đó, văng vẳng vang lên 6 câu vọng cổ mộc mạc, chân tình quyện lấy âm thanh buồn man mác của tiếng đờn cò làm xao xuyến khách thương hồ đang cắm sào qua đêm trên bến lạ. Vì vậy, sau khi truyền hết những ngón đờn cò tuyệt kỹ cho cậu Ba Lượm danh trấn một phương, ông Mười từ giã mọi người, mang cây đờn cò trên vai bước xuống ghe tam bản, vun mái chèo tách bến xuôi dòng. Người nghệ sĩ giang hồ đã trở lại cùng dòng sông Hậu và khán thính giả bốn phương...
Bến nước với cây cầu ván trước nhà ngoại tôi là nơi đón người đến và tiễn người đi và chưa có cuộc chia ly nào buồn cho bằng ngày ông Mười ra đi. Dòng sông bỗng dưng nổi sóng làm xào xạc bờ phi lau. Đứng trên bờ, nhìn chiếc ghe trôi dần xa bến, và những mái chèo vun lên một cách dứt khoát, đánh vỡ từng con sóng bạc đầu để lướt tới một phương trời vô định, cậu Ba Lượm chỉ thở dài; hình như, cậu có cái cảm giác rằng, sư phụ sẽ ra đi vĩnh viễn, không trở về bến sông nầy nữa...?
Sau khi ông Mười Đờn Cò đi rồi, gia đình chỉ còn lại 5 người trong căn nhà rộng rãi nầy. Người cậu Ba lo lắng nhất là ông bà ngoại, người được chìu chuộng nhất là dì Mai chớ không phải tôi. Bận rộn với công việc đồng áng hằng ngày, nên ngay cả việc bơi xuồng đưa tôi đến trường cũng khoáng trắng cho dì Mai. Cậu Ba đã tạo cơ hội cho thầy giáo Tiến gặp gỡ dì Mai đều đặn mỗi ngày. Nhờ vậy, tình yêu của hai người lớn dần theo con nước lớn, nước ròng mà không ai hay biết gì hết, chỉ trừ có tôi. Có lần, tôi tình cờ bắt gặp thầy giáo Tiến nắm lấy bàn tay thon nhỏ của dì Mai đưa lên môi hôn.
Trong sân trước nhà ngoại, tôi đã nhìn thấy đủ loại hoa mai nở rực rỡ vào mỗi độ xuân về. Ông ngoại và dì Mai đứng tán thưởng vẻ đẹp lộng lẫy kiêu kỳ của loài hoa nầy hằng giờ mà không biết chán. Nhưng, đối với tôi loại hoa nầy hình như vô nghĩa. Tôi chỉ yêu duy nhất mỗi một loài hoa mộc mạc, cánh hoa màu tím biêng biếc đơn sơ, sống bềnh bồng theo dòng nước, sáng đầu sông chiều cuối sông. Vào những ngày nắng chói chan, về đêm hoa tỏa ra mùi hương nồng nàn đến khó thở, đó là hoa lục bình. Hoa chỉ nở rộ vào mùa gió bấc. Không phải chỉ có mình tôi yêu hoa lục bình mà cả dì Mai cũng yêu mê mệt loài hoa nầy, dì không chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó như tôi mà là để... ăn. Món ăn khoái khẩu nhất của dì là canh chua bông lục bình nấu với tôm lóng. Để có một nồi canh chua bông lục bình trái mùa làm vui lòng dì, cậu Ba phải vất vả bơi xuồng theo dòng sông Hậu dưới ánh nắng chói chan mùa hè để ngắt từ bông lục bình. Có khi, cậu phải bơi xuồng vô rạch Ca My, rồi vòng qua rạch Ba Rít dài trên cả 10 cây số. Thấy cậu Ba vất vả quá, bà ngoại tôi rầy:
– Mầy khéo chìu con Tư quá! Nó mà hư là tại mầy đó nghen!
Có bông lục bình rồi, còn phải chọn tôm lóng mới có một nồi canh chua thật ngon. Cậu Ba phải bơi xuồng tìm đến cái vó lưới bè của ông Hai Mẹo gần vàm sông Ô Môn để mua tôm lóng. Ông Hai Mẹo đã già, không còn đủ sức thức khuya dậy sớm, vật lộn với con trâu, cái cày trên đồng ruộng nắng mưa dãi dầu. Các con mới làm một cái vó lưới bè cho cha hưởng nhàn, vớt được con tôm, con cá nướng liền tại chỗ, nhậu lai rai cho qua tuổi già. Cái vó lưới bè của ông Hai Mẹo nép mình bên cây da sà, cành lá sum sê nên lúc nào cũng mát rượi. Cậu Ba Lượm thỉnh thoảng tới đây, ngồi trong lều nghe ông kể chuyện Tàu hoặc chơi đờn cò cho ông nghe. Cái vó lưới bè được thiết kế một cách độc đáo, đặt ở một nơi rất yên tỉnh và nên thơ. Cái khung cần vó làm bằng tre tầm vông khá kềnh càng. Nhưng, cái lều vó như một cái chòi nhỏ khá tiện ghi, bốn cái cửa sổ lúc nào cũng rộng mở đón gió mát, một cái nóp đôi vừa trải xuống sàn lều làm chiếu để ngồi tiếp bạn bè, vừa chui vào nằm ngủ. Một cái cà ràng dùng để nấu cơm, nấu nước hoặc nướng con tôm, con cá để nhậu lai rai rồi lăn đùng ra ngủ. Vào mùa gió bấc, ngày nào ông cũng lựa tôm lóng còn tươi rói để dành cho cậu Ba Lượm; có khi, ông bơi xuồng mang ra nhà ngoại giao hàng. Có bông lục bình, tôm lóng rồi cũng chưa đủ. Cậu còn phải tìm loại me dốt, chua mà có vị ngọt độc đáo của nó. Đích thân cậu Ba phải lăn vào bếp nấu cho dì Mai thưởng thức. Hôm nào trên mâm cơm có tô canh chua bông lục bình là dì Mai vui hẵn lên mà cậu Ba cũng vui lây.
Giữa tháng chạp, dòng sông Hậu đã lắng đọng phù sa, nước sông trở nên trong trẻo làm tăng thêm cái không khí lành lạnh của mùa gió bấc hiu hiu thổi về vùng đồng bằng, bông lục bình nở rộ trôi lềnh bềnh trên mặt sông là nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết Quí Tỵ (1953). Công việc đồng áng đã hoàn tất sau mùa nước nổi, khắp xóm làng hai bên bờ sông Hậu vang vang tiếng chài giã gạo hoặc nếp tốt, nhịp đôi, nhịp ba bịch bình binh... từ sáng đến tối mịt để chuẩn bị quết bánh phồng, bánh tráng.
Cái không khí Tết đã bắt đầu lãng đãng từ những cội mai trước sân nhà ngoại tôi rồi đó. Cậu Ba phụ với ngoại và dì Mai lo tuốt lá từng đợt, những cành mai trơ rụi lá, run rẩy đón những ngọn gió bấc thổi về và công việc nầy kéo dài cho đến ngày 23 tháng chạp là ngày đưa ông Táo về trời mới xong. Còn má tôi phụ với bà ngoại lo gói bánh tét. Tết năm đó, có gì thật đặc biệt quan trọng đối với gia đình ngoại tôi, vừa để mừng sinh nhật thứ 18 của dì Mai, vừa mừng dân làng trúng mùa. Dì Mai giờ nỗi tiếng đẹp gái nhất nhì tại vàm sông Ô Môn. Ông bà ngoại tôi cưng dì như trứng mỏng.
Mùng 1 Tết Nguyên Đán, sau khi làm lễ cúng gia tiên xong, ông ngoại tôi dẫn tất cả gia đình ra trước sân chiêm ngưỡng “lục hoàng mai” nở tưng bừng chào mừng năm mới. Sáu cánh hoa mai nở xòe ra khoe sắc vàng rực rỡ như mang một hỷ tín cho gia đình trong năm mới. Con chó phèn đang nằm trong nhà, gác mõ lên ngạch cửa nhìn ra sân; bất ngờ, nó đứng dậy, chạy một mạch ra bờ sông sủa ầm ĩ. Nghe tiếng chó sủa, ngoại tôi có vẻ mừng nói:
– Chắc chú Mười trở về nhà mình ăn Tết đó!
Nhưng không phải. Đó là một lão trượng tuổi trạc ông ngoại tôi, mặc áo dài, đầu đội khăn đóng, tay cầm cây “ba ton”, tướng đi khoan thay đường bệ, râu cằm dài tới ngực, từ dưới bến sông đi lên. Ông ngoại tôi thấy khách lạ viếng nhà, lật đật dẫn gia đình ra đón. Sau cái bắt tay thân mật, ông ta hỏi ngoại tôi:
– Xin lổi ông anh. Đây có phải là “Lý Mai Trang” không?
– Dạ phải!
Ông ngoại tôi nhìn khách lạ, hỏi:
– Ông anh viếng tệ xá nhơn dịp xuân về, chắc có điều gì dạy bảo?
– Không dám! Không dám!
Ông ta tự giới thiệu:
– Tôi là Phán Điệu ở quận Chợ Mới, Long Xuyên. Nghe đồn hoa mai của “Lý Mai Trang” đẹp nhứt vàm sông Ô Môn nên mạn phép tới đây thưởng ngoạn vậy mà.
Ông ngoại tôi đích thân dẫn ông đi dạo một vòng quanh sân, len lỏi dưới những cội mai, rồi hỏi:
– Sao, ông thấy hoa mai nhà tôi thế nào?
Ông ta vuốt chùm râu bạc, gật gù khen:
– Hoa mai của Lý Mai Trang đẹp quá! Quả thật, danh bất hư truyền!
Ngoại tôi nói:
– Ông thích loại mai nào, để tôi biểu tụi nhỏ biếu ông vài cành, gọi là chút quà mọn.
Ông Phán Điệu trả lời úp mở, nói:
– Cám ơn ông anh! Nhà tôi đã có vài cành lục hoàng mai của Lý Mai Trang gởi tặng rồi!
Ngoại tôi ngạc nhiên, nói:
– Ủa, chúng tôi có tặng hoa mai cho ông hồi nào đâu nà?
– Hình như có đó!
– Ai vậy cà?
– Cháu Mai đây chớ còn ai nữa.
Ông ta nhìn dì Mai cười, hỏi luôn:
– Cháu có nhớ đã tặng hoa mai cho thằng Tiến cách đây vài ngày không?
Dì Mai trố mắt ngạc nhiên, hỏi:
– Ủa, ông là gì của anh Tiến mà biết hay vậy?
Ông nhìn dì Mai thân mật, mỉm cười, nói:
– Tôi ấy à, cha của thằng Tiến! Nó là thằng con Út của tôi đó!
Ông ngoại tôi trách:
– Tưởng ai, thì ra là ông thân của cháu Tiến. Vậy mà, ông anh không chịu nói sớm cho chúng tôi biết! Thôi, mời anh vào nhà uống nước.
Ông Phán Điệu không khách sáo, theo mọi người vào nhà. Sau khi phân ngôi chủ khách, ngoại tôi giới thiệu ông với mọi người trong gia đình.Ông ta nhìn dì Mai thật chăm chú và tỏ vẻ rất hài lòng, rồi bất ngờ thân ái, hỏi:
– Hôm nay là ngày sinh nhật thứ 18 của cháu Mai, phải không cháu?
Dì Mai ấp úng, khoanh hai tay lại gật đầu, thưa:
– Dạ thưa phải!
Ông Phán Điệu nhìn ông bà ngoại tôi, nói:
– Gia đình của chúng tôi có một món quà sinh nhựt tặng cháu Mai. Mong anh chị cho phép tôi trao cho cháu Mai.
Nói xong, ông vén vạt áo dài, cho tay vào trong túi áo bà ba lụa lèo, lấy ra một cái túi nhỏ bằng nhung đỏ để trên mặt bàn cẩn xà cừ, lấy ra một vòng cẩm thạch màu xanh nổi vân bóng láng. Ông nói với dì Mai:
– Vòng cẩm thạch nầy là của bà nội thằng Tiến để lại cho mẹ nó. Từ khi mẹ nó qua đời, tôi giữ chiếc vòng cẩm thạch nầy như của gia bảo, giờ chú xin trao lại cho cháu. Mong cháu nhận cho.
Nói là quà mừng sinh nhật, nhưng thật sự theo tôi hiểu, cái vòng cẩm thạch đó là vật sính lễ của đàng trai. Dì Mai đưa mắt nhìn ông bà ngoại như thầm hỏi ý. Thấy ông bà ngoại hân hoan gật đầu, dì Mai cám ơn ông, rồi cầm lấy vòng cẩm thạch tự đeo vào tay mình.
Thế rồi, vào một ngày đẹp trời đầu tháng 6 năm đó, ông bà ngoại tôi làm lễ vu qui cho dì Mai, xuất giá theo chồng là thầy giáo Tiến về quận Chợ Mới làm dâu nhà họ Nguyễn. Cái cầu ván bến sông nhà ngoại, một lần nữa, lại tiễn người trong gia đình ra đi, mà lần nầy là dì Mai. Dì từ giã ông bà ngoại, tía má tôi và cậu Ba Lượm mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Thầy giáo Tiến âu yếm nắm tay vợ, dìu dì Mai bước xuống cây cầu ván để lên thuyền hoa xuôi dòng sông Hậu về Chợ Mới. Khi thuyền hoa tách bến, tôi nhìn thấy đôi mắt cậu Ba Lượm đỏ hoe. Cậu lấy tay áo lau vội mấy giọt nước mắt mong manh, gượng cười, vẫy tay chào từ giã dì Mai...
oOo
Từ khi dì Mai về nhà chồng, nhà ngoại trống trước trống sau. Má tôi phải nhờ một cô em họ, bà con xa là dì Mận về chăm sóc cho ông bà ngoại. Còn dượng Tiến về dạy tại một trường tiểu học thuộc tỉnh lỵ Long Xuyên. Còn tôi vẫn tiếp tục học lớp nhì trường tiểu học ngoài chợ Vàm. Hôm nào trời mưa, dì Mận bơi xuồng đưa tôi đi đến trường. Ngày nào nắng ráo, tôi cuốc bộ đi học, xuống đò ngang để qua chợ Vàm.
Tội nghiệp cậu Ba Lượm. Trời tờ mờ sáng là cậu đã thức dậy, nấu nước pha trà thay thế cho dì Mai, rồi vác cuốc lặng lẽ ra đồng tới tối mịt mới về. Ngày nào cũng như ngày nấy, cậu sống thui thủi một mình trong căn nhà lá ở góc vườn, cây đờn cò giờ trở thành người bạn tri kỷ, cậu ôm ấp cây đàn như ôm ấp người tình trong mộng. Những đêm trời mưa gió, ngoại bảo tôi đưa ngoại xuống đó thăm cậu. Trong căn nhà lá tối tăm, tôi thấy cậu ôm cây đàn cò ngồi co ro trên cái chiếu rách, lưng dựa vào cột nhà để bóng tối xoa dịu nỗi thương, nỗi nhớ trong lòng cậu.
Ngoại tôi thắp ngọn đèn dầu, khêu lại cái tim đèn cho sáng. Mâm cơm của dì Mận mang xuống cho cậu vẫn còn nguyên trên bàn đã lạnh tanh. Nhìn thân hình tiều tụy, gương mặt xanh xao, vàng võ của cậu, ông ngoại tôi ứa nước mắt nói:
– Ráng ăn chút đỉnh đi con, rồi lên nhà trên ở với tía má!
Nhưng, cậu Ba chỉ muốn sống cô độc trong căn nhà lá nầy, như để cố quên đi một hình bóng thân yêu, nên chỉ ừ hử cho có lệ.
Linh tính báo cho ông ngoại tôi biết, chắc chắn có điều gì không ổn. Trời tờ sáng, ông ngoại biểu dì Mận tức tốc chèo ghe vô xã Thới Lai rước sư Tuệ Giác, anh họ của ông ngoại tôi đi tu từ hồi còn trẻ, ra nhà bắt mạch hốt thuốc cho cậu. Sau khi bắt mạch cho cậu xong, Sư Tuệ Giác kêu ông bà ngoại tôi lên nhà trên rồi thở dài, nói:
– Cháu bị tâm bịnh nặng lắm! Nỗi đau khổ vô bờ bến làm cho tim mạch của nó sắp vỡ ra rồi. Hơi thở của thằng Lượm giờ mong manh giống như chiếc lá úa sắp lìa cành.
Ông bà ngoại tôi hốt hoảng, nói:
– Có cách nào cứu nó được không hả, thầy?
Sư Tuệ Giác hỏi:
– Từ trước tới giờ, hai người có thấy nó yêu thương người con gái nào không?
Nghe sư Tuệ Giác hỏi bất ngờ, ông hỏi bà ngoại:
– Tôi thì không thấy rồi đó. Còn bà thì sao?
Bà ngoại tôi cố nhớ một lúc cũng lắc đầu, nói:
– Chắc nó thương thầm cô nào đó! Tại mình không biết thôi, ông à!
Sư Tuệ Giác hỏi:
– Tâm bệnh của cháu bộc phát từ lúc nào?
Ngoại tôi nói:
– Hình như từ ngày con Mai xuất giá theo chồng thì phải!
Bà ngoại tôi ngỡ ngàng, nói:
– Không lẽ, nó đã thương thầm con Mai nhà mình?
Sư Tuệ Giác an ủi:
– Tôi chỉ còn cách nầy, may ra cứu được nó.
Bà ngoại tôi khẩn trương, hỏi:
– Cách nào đây hả, thầy?
– Nhờ một người nào đó, đưa tôi về chùa liền bây giờ. Tôi sẽ hốt 7 thang thuốc “Thập toàn đại bổ” về sắc cho nó uống liền. Uống hết 7 thang thuốc nầy mà thằng Lượm còn sống, tôi sẽ đưa nó về chùa nương náu bóng từ bi, để cháu tự tìm về cội phúc mà quên đi mối tình oan trái nầy!
Đến chiều tối, người lái đò mang thuốc về đến nơi. Đích thân bà ngoại tôi sắc thuốc rồi bưng xuống căn nhà lá biểu cậu uống. Cậu Ba miễn cưỡng uống cho vui lòng dưỡng mẫu. Đêm ấy vào cuối tháng 7, bầu trời tối đen như mực, tuôn lệ sụt sùi, những giọt mưa ngâu rỉ rả, rơi tí tách trên mái lá, rơi trong lòng người làm sống dậy những kỹ niệm đầu đời của cậu. Gió luồn qua khung cửa sổ làm ngọn đèn dầu leo lét chao đảo, cũng đủ sáng cho tôi nhìn thấy những giọt nước mắt nhạt nhòa, ứa ra từ hai hốc mắt sâu hoắm, chảy ngoằn ngoèo trên gương mặt hốc hác của cậu. Nỗi tương tư làm lòng cậu héo khô cạn kiệt như ruột bấc khô trong lòng cây “sầu đâu”, đang trút chiếc lá cuối cùng như gởi hết nỗi sầu bay theo cơn gió bấc chớm lạnh mùa đông...
Thấy tôi khóc thút thít, cậu vuốt đầu tôi, thều thào nói:
– Khuya rồi, đi lên nhà trên ngủ đi con, kẻo ông bà ngoại chờ!
Tôi không chịu, nói:
– Cậu cũng lên nhà trên ngủ với con, kể chuyện đời xưa cho con nghe.
– Kể từ ngày mai, cậu hứa sẽ từ giã vĩnh viển căn nhà lá nầy, lên hầu hạ ông bà ngoại để đền ơn dưỡng dục. Cậu sẽ kể chuyện cổ tích cho con nghe và sẽ bơi xuồng, đưa con đến trường như ngày xưa.
Quá nửa đêm về sáng, cả nhà đang say ngủ, bỗng bị tiếng đàn cò của cậu Ba Lượm trổi lên đánh thức giữa đêm mưa ngâu. Tôi bật ngồi dậy, đứng trên giường. Qua khung cửa sổ, tôi nhìn ra nhà thủy tạ trên mặt hồ sen, thấy dáng cậu mờ mờ đang ngồi kéo đàn. Ông bà ngoại vén mùng, bước ra khỏi giường, ngồi trên bộ ghế trường kỷ uống trà, vừa lắng nghe âm thanh ngọt ngào, nỉ non đến thiết tha của tiếng đàn cò như lắng đọng vào trong tận đáy tâm hồn. Ông bà ngoại tôi nhắm mắt, thả hồn theo tiếng đàn, lúc mơ màng, lúc trầm mặc suy tư, hình như bị cuốn hút bởi những âm điệu ray rứt như tiếng thở than thay cho lời trần tình của cậu. Những giọt mưa ngâu tháng bảy mang tiếng đàn chảy trên mặt hồ sen, bay lướt trong sương khuya, rồi vỡ ra trên dòng sông Hậu mênh mông. Tiếng đàn nương theo cánh gió bay lên trời, tỏa rộng ra trong không gian lạnh lẽo u ám, trước khi tan biến trong làn mưa ngâu để đọng lại thành những giọt lệ rưng rưng rơi xuống trần gian...
Ông ngoại nói với bà:
– Thuốc của sư Tuệ Giác quả là thuốc tiên. Chỉ mới uống có một thang mà thằng Lượm đã nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Tôi chưa bao nghe nó kéo đờn cò hay như đêm nay!
Nhưng ngoại ơi! Ngọn đèn sắp cạn dầu đã cháy bùng lên lần cuối cùng trước khi tắt lịm. Sức bật của dây tơ đàn là sức bật của máu hồng từ trong trái tim nát tan của cậu vỡ ra. Bỗng dưng, tiếng đờn ngưng bặt, đầu cậu gục xuống. Tôi vội vàng nhảy xuống giường, chạy bay ra nhà thủy tạ, ôm chầm lấy cậu Ba Lượm, thân mình cậu mềm nhũn, lạnh ngắt. Tôi hoảng hốt gọi người nhà:
– Ông ngoại ơi! Câu Ba Lượm sắp chết rồi!…
Nghe tiếng la thất thanh của tôi, dì Mận đốt đuốc dẫn ông bà ngoại hấp tấp chạy ra. Ngoại tôi dằn lấy người cậu từ trong đôi tay bé bỏng của tôi, rồi ngoại bật khóc tức tưởi. Cậu Ba nhướng đôi mắt gần như thất thần nhìn mọi người, thều thào trăn trối lời sau cùng: “Tía má ơi!... Đừng khóc nữa, con đau lòng lắm!.. Hãy thiêu xác con rồi đem nắm tro tàn rải xuống dòng sông Hậu. Con muốn trở về với cội nguồn của con...”
Trên mặt hồ, những hoa sen trắng bị tiếng đàn của cậu đánh thức, đua nhau nở rộ, tỏa hương thơm bát ngát như tiễn đưa một linh hồn về cõi hư vô...
Một tháng sau. Khi phù sa sông Hậu từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, ông bà ngoại thực hiện lời trối trăn của cậu trước khi từ giã cõi đời. Bình minh vừa ló dạng, tía má tôi chèo ghe tam bản, băng qua con sông Hậu đón gia đình. Sư Tuệ Giác bước xuống ghe tam bản trước, tôi ôm di ảnh bán thân của cậu theo sau, kế đến là dì Mai ôm chiếc bình sứ đựng nắm tro tàn, ông bà ngoại và mẹ tôi bước xuống sau cùng. Cha tôi chèo ghe ra giữa vàm sông Ô Môn. Dì Mai đứng trước mũi ghe khóc như mưa. Dì nghiêng cái chiếc bình sứ trút xuống, tro tàn hài cốt của cậu theo cơn gió sớm bay tỏa đi khắp nơi, rơi lỏa xỏa trên dòng sông nâu: cát bụi trở về cùng cát bụi, phù sa trở về cùng phù sa. Và tiếng đờn cò lừng danh một thời của cậu Ba Lượm, từ đây đã vĩnh viễn đi vào huyền hoại trên vàm sông Ô Môn…
NGUYỄN VĨNH LONG HỒ