Tình Sử Bông Cỏ May
Tôi còn nhớ mùa thu năm ấy, con đường rợp bóng ngập tiếng chim trong mỗi độ có hai dáng đi qua. Ven đường với hàng cây trải dài trông xa tít tắp. Những vòm lá chật chội chỉ một ít nắng len lỏi chiếu xuống thành bóng râm lỗ chỗ. Con đường có lá bay, mỗi độ sang thu trời man mác hàng cây thay áo vàng lá rụng nhiều, tiếng rột rột dưới vòng bánh xe quay, mùi lá khô hừng hực lặng lẽ trôi vào hai tâm hồn. Tôi thích con đường này! Quang cảnh không bao giờ chịu im ắng, chúng lao xao trong muôn vàn gió trở, tiếng chim ríu ra ríu rít như một đoản khúc lặp đi lặp lại chỉ có hai người nghe cùng một bản nhạc thật du dương trữ tình. Mùa thu không đơn giản chỉ là trong năm như một quy luật bắt buộc, mà nó còn chứa đựng cả một trời kỷ niệm ngây ngô trong sáng của một thời áo trắng. Tuổi ô mai qua trang nhật ký với dòng lưu bút mực tím ngắt viết bài thơ tình e ấp trao nhau để tỏ bày! Điều gì đó mà khó có thể nói thành lời.
Tôi soi mình trong mùa thu, bắt gặp cái dư âm nóng hổi bị đánh rơi giữa hiên trời tháng chín! Mùa thu năm ấy vẹn nguyên trong suối tóc đầy mùi hương bồ kết, năm tháng dịu dàng quay ngược thời gian và nhắc lại những khoảnh khắc của đôi bạn trẻ hàng ngày từng đi ngang. Con sông in bóng những chiều mỏi mệt dừng chân lại tựa lưng mà nghỉ ngơi! Hai đôi bóng nhỏ hiện rõ dưới con nước yên ả. Với hai tà áo trắng như mây, một bên tóc ngắn với tóc dài! Nhưng sao ôi kỳ lạ! Tóc ngắn đây! Giờ tóc dài ở đâu? Nghe mùa thu đi qua tôi giật mình cứ đi tìm dáng áo dài ngày ấy.
Thời gian mãi cựa quậy trong trí nhớ, mà tôi thì bao năm tháng đứng đây làm hàng cây chuyển động, nỗi nhớ rụng như lá vàng lên dấu chờ một người đã kịp khuất ngõ xa. Tôi tựa vào mùa thu mà than thở, khoảnh khắc nào muôn trùng gió mang về rồi thổi vào hồn lồng lộng thoáng lên cõi phiêu du. Tôi nghe hương tóc từ tâm tưởng gửi về chật kín trời nhớ nhung, mùi của con gái thoang thoảng bay vào hồn thơ dại say hương từ dạo ấy. Đến tận bây giờ còn chưa tan, mỗi mùa thu đến nhặt chiếc lá rung cảm nghe xao xuyến như thu đang kể chuyện. Chuyện lâu lắm rồi có đôi bạn thân thiết yêu nhau rất nồng say.
Lên cấp hai, tôi thường bị giáo viên chủ nhiệm phê bình về thành tích học tập rất kém cỏi so với các bạn cùng lớp. Tiếp thu chậm, không chú tâm lắng nghe đến giáo viên giảng bài! Bất cứ tiết học nào cũng trông rất mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật miệng ngáp ngáp liên hồi. Trong lúc họp phụ huynh giáo viên chủ nhiệm đưa ra ý kiến: phải để một học sinh nào đó học giỏi nhất lớp theo kèm cập kể cả trong lớp và ở nhà. Giáo viên chủ nhiệm chọn Hạ Băng là một lớp phó học tập có thành tích đáng kể từ lúc tiểu học cho tới tận bây giờ. Nhà ở gần nhau việc để cô bé kèm sẽ rất thuận tiện hiệu quả hơn bao giờ hết. Nếu như đã không bị gia đình và giáo viên ép buộc phải sang học cùng cô bé vào thời gian mỗi tối thì tôi chẳng bao giờ mà vác xác đến đó. Tôi ghét nhất chính là con bé này! Tuy nhiên, không bỗng dưng mà tôi ghét nếu không có những mâu thuẫn xảy ra liên tục giữa tôi và cô bé từ thuở nhỏ cho đến nay thì chuyện ghét bỏ sẽ không hề diễn ra.
Thứ nhất là việc cô bé thường mách lại với giáo viên chủ nhiệm những việc làm của tôi ở nhà ham chơi hoặc đánh nhau với mấy thằng cùng xóm. Thứ hai thường mách lại với mẹ những việc tôi làm ở trên lớp học, cụ thể như là không thuộc bài, chẳng chú ý lắng nghe và bị giáo viên phê bình. Đấy! Việc làm gì của tôi cũng luôn bị can thiệp phanh phui bại lộ một cách thảm hại, chẳng biết ém nhẹm giấu đi đâu cho được. Tôi chẳng lạ gì với tính cách bao đồng của cô bé từ thời còn học chung ở lớp một. Khổ thân cho tôi là luôn học chung cho đến suốt mấy năm liền chẳng thể nào thoát ra cho được.
Hạ Băng là con của bà dì Năm, cách nhà tôi bốn căn nhà. Gia đình của cô bé có một nhà máy xay gạo lớn nhất trong cái xóm. Thuộc con nhà giàu lại là đứa học giỏi nên cô bé được cha mẹ cưng lắm. Mỗi năm cứ đến mùa hè cô bé được đi du lịch nơi này nơi kia rồi về kể lại cho chúng bạn, nghe mà thấy mệt. Cô bé sở hữu những con búp bê rất đắt tiền mà cả xóm này chẳng ai có bao giờ. Có một lần tôi theo mẹ đến để xay gạo! Thấy cô bé ôm con búp bê giống hệt một đứa trẻ mới chào đời, thấy lạ tôi tò mò đến xem! Lúc đặt búp bê nằm xuống thì đôi mắt nó nhắm lại như đi vào giấc ngủ, nhưng khi dựng đứng dậy bỗng nhiên mắt mở ra trao tráo, làm tôi một phen hoảng sợ mà bỏ chạy thục mạng. Cô bé ré lên cười ngây ngất, từ đó thường mang theo con búp bê bên mình để dọa tôi! Cho rằng tôi chết nhát, dám đi đánh nhau khắp làng khắp xóm mà lại sợ con búp bê chỉ có bé tí. Cũng từ đó tôi chẳng dám lén vào vườn nhà cô bé mà hái trộm ổi ăn nữa. Đặc biệt hơn là Hạ Băng có bộ máy chơi điện tử trông khá đẹp mắt từ thuở học lớp ba! Thật khác xa với đám trẻ chúng tôi mỗi khi nghiện chơi điện tử phải nhặt ve chai bán lấy tiền hoặc xin từ cha mẹ rồi chạy ra tiệm vào các ngày chủ nhật. Cô bé chẳng ưa gì tôi và tôi cũng thế! Chẳng hiểu thế nào mà Hạ Băng lại nhận lời để tôi theo học kèm? Có lẽ do nể giáo viên chủ nhiệm và cả cha mẹ tôi rồi đây. Chẳng ai mà lại đi dạy kèm cho người không ưa thường kiếm chuyện cãi cùn, phản đối mọi lời nói, ý kiến, đề nghị. Tôi cũng chẳng muốn người tôi ghét lại làm thầy của mình. Tôi nghĩ rằng có thể cô bé nhận lời là để có cái quyền mà hành hạ cho thỏa thích cái sự ghét bỏ, một việc trả thù rất đúng quy trình! Số phận tôi từ đây rồi sẽ khổ dài dài.
Cứ mỗi tối tôi lại ôm bài tập vừa học trên lớp rồi đến nhà cô bé. Hạ Băng có một gian phòng rất rộng rãi, ngăn nắp, những tờ giấy khen được dán chi chít trên vách tường, sau lưng là những con búp bê chất đầy trong tủ kính. Chiếc bàn học có đầy đủ dụng cụ học tập! Tôi liếc ngang thấy cây thước gỗ dày cui được đặt ngay trên vị trí góc bàn mà tái xanh mặt mày! Thiết nghĩ, cây thước này sẽ dành cho mình rồi đây? Cũng chẳng biết Hạ Băng chuẩn bị từ khi nào? Cô bé sẽ trở thành cô giáo, tôi là một cậu học sinh bất đắc dĩ! Mỗi khi lì lợm, hoặc vi phạm đều bị khẻ tay như hồi ở tiểu học nhớ đến mà cảm thấy rùng mình.
“Ở lớp không hiểu được những gì! Ngay bây giờ có thể hỏi! Nhưng nói trước, chỉ rồi mà không chịu chú ý lắng nghe thì tao đánh ráng mà chịu” – Cô bé nói những lời chanh chua như thế.
“Hay là tao với mày mở điện tử lên chơi một lát rồi học hãy sau. Thấy được không? Vừa giải trí vừa học” – Tôi gợi ý như thế, vì đến đây tôi chỉ thích cái bộ máy chơi điện tử tay cầm. Tôi thấy có cái băng với tựa game Battle City đã được cắm sẵn.
“Đến đây là để học hay là chơi điện tử? Không điện tử điện tiết gì hết, bắt đầu học” – cô bé nói với lời gắt gỏng đôi mắt cứ liếc nhìn tôi trừng trừng.
Nghĩ ra một kế hay để lấy lòng cô bé, tôi nhẹ giọng đáp rằng.
“Trò contra tao biết cách chơi về nước. Mario giải cứu công chúa cũng vậy, mở lên đi tao dạy cho mày. Hay lắm.”
Tưởng rằng nói thế cô bé sẽ làm theo mà không phản ứng gì. Nào có giờ Hạ Băng lại nạt lớn.
“Tao dạy cho mày học chứ không phải mày tới đây để dạy ngược lại cho tao chơi điện tử. Ở đây là học chứ không phải để chơi! biết chưa”. – Những lời như đinh đóng cột được phát ra thể hiện lập trường cứng cỏi.
Thấy quá khó để thuyết phục được cô bé, tôi đành phải im lặng rồi răm rắp nghe theo. Trong lúc học tôi liên tục bị mắng chửi, nỗi uất ức nó dâng tới tột cùng. Tôi hét lên rằng:
“Tao không học với mày nữa! Tao đi về đây”
Cô bé cười mỉa mai rồi đanh đá trả lời.
“Ừ không học thì tốt, để mai tao lên thưa với thầy là mày không chịu học chứ chẳng phải tao không dạy. Tao cũng sẽ nói với ba mẹ mày như thế”
Tôi đành phải nhẫn nhịn mà chịu khó ở lại để được học tiếp tục. Những câu mắng chửi của cô bé luôn liên tục xuất ra bất cứ câu hỏi nào từ tôi. Tôi tủi thân muốn khóc, trách ông trời tại sao lại cho tôi gặp phải cái con người này. Giao không giao! Lại đi giao nộp mình cho chính kẻ thù. Ôi cuộc đời thật trớ trêu mà chẳng biết phải than vãn với ai.
“Mày làm gì mà xụ mặt xuống vậy Long! Lì lợm như mày thì có biết sợ là cái gì. Mày đi đánh nhau với đám thằng Tý, thằng Nô ở xóm chợ đến ra máu cam mà còn không sợ nữa kia mà! Tao đâu là cái gì mà khiến mày sợ. Tao nói rồi nếu không làm bài được thì đừng trách tao”
Tôi vẫn giữ im lặng nghiến răng mà chửi thầm trong bụng “rồi một ngày nào đó, mày sẽ biết tay tao, cứ chờ đó mà xem”. Chắc rằng cô bé cũng thừa biết tôi đang nhẫn nhịn chẳng phải vì chuyện học mà đơn giản chỉ là sợ cha mẹ và thầy cô ở trường. Kết thúc việc học tôi ra về với tinh thần nhẹ nhõm nhưng nỗi tức giận còn nặng trĩu trên người. Ra tới ngã ba, đứng bên hàng rào râm bụt, tôi không quên nhặt viên đá ném vào nhà rồi bỏ chạy thật nhanh. Vậy mà từ đó được giáo viên khen là tôi đã có sự tiến bộ rất nhanh chóng, nhờ vào sự học kèm từ Hạ Băng mà ra! Tuy nhiên tôi đều phủ nhận và cho đó là năng lực của chính mình. Cũng từ đó cô bé cũng đỡ quát tháo gắt gỏng như những lần trước! Cách ứng xử có phần nhẹ nhàng do cố gắng từ tôi. Những lần học sau này, mỗi khi cứ đòi chơi điện tử thì Hạ Băng luôn nói “cứ học trước rồi chủ nhật đến đây mà chơi” thế là cứ mỗi sáng chủ nhật tôi lại được chơi điện tử cùng cô bé miễn phí đến mấy giờ đồng hồ! Sướng cuộc đời thật.
Chúng tôi thân nhau từ lúc nào không hay! Cô bé thường mua bánh rồi chia cho tôi ăn! Cùng đi chung nhau như hình với bóng suốt cả mấy năm liền. Những người trong xóm thường nói với nhau rằng “Con bé nhà chị Năm lạ đời thật, trong cái thôn này đâu thiếu con gái để đi chơi cùng, ấy vậy mà nó chẳng thân thiết với một ai, suốt ngày chỉ biết chơi với thằng cu Long con chú Tư! Mãi thế này thì lớn lên chúng yêu đương nhau không bao giờ tách rời được cho coi”. Hàng ngày cô bé đều chạy chiếc xe đạp đến nhà tôi rồi chở nhau đi học, chiều về cùng dạo chơi, đến tối lại tiếp tục học kèm, cứ thế mà hết ngày hết tháng. Vào mùa hè tôi thấy lẻ loi buồn hiu hắt như tiếng ve kêu nghe sao thật não nề bên những hàng cây. Cô bé sẽ đi du lịch cùng gia đình! Thế là tôi bơ vơ ở lại mà trông đợi ngày về. Mỗi khi về thì tay bắt mặt mừng như xa nhau đã từ lâu lắm rồi! Cô bé đều mua quà tặng tôi, cùng đi ra phía bờ đê mà kể tôi nghe về chuyến đi thật ý nghĩa với những cảnh quan đẹp như một bức tranh rạng ngời. Mong muốn một ngày nào đó sẽ dẫn tôi theo cho biết đây biết đó.
Ngồi dưới đám cỏ mây mà dõi theo những cánh diều vương màu nắng quê hương! Có hôm cánh diều của chúng tôi đứt dây bay đi mất nỗi buồn xa vời vợi lại về trong mắt nhỏ thơ ngây. Cô bé bảo tôi đừng buồn, rồi sẽ mua lại một con diều khác, chẳng để tôi phải đi xa tìm kiếm và nhặt lại. Khói lam chiều tỏa lên trong xóm nhỏ, đôi mắt của quê hương là hoàng hôn giăng kín trùm lên miền thương nhớ thấy quá đỗi an bình. Chạng vạng đến hai đứa trẻ ra về trên người mang theo nheo nhóc bông cỏ may, chúng đang bám lấy khắp quần áo. Có khi cô bé gỡ ra giúp tôi! Cũng có lúc để nguyên trở về mà tự gỡ.
Là người nhà quê nhưng chưa bao giờ cô bé được một lần ra đồng mò cua với bắt cá. Vốn dĩ con nhà giàu nên chưa bao giờ chạm đến những thứ này! Hạ Băng chủ động rủ tôi cùng nhau đi, cô bé thích cuộc sống như thế này mà chưa bao giờ có được từ bé cho tới giờ. Chúng tôi đi bắt cá, tay chân quần áo đầy bùn dơ nhưng đầy ắp tiếng nói cười bên nhau! Khi trở về cô bé bị mẹ mắng cho một trận tơi bời. Rồi đến mùa nước về trắng xóa cánh đồng, ngập luôn cả con sông! Cô bé thích được bơi lội, trốn người nhà rủ tôi cùng theo chúng bạn trong xóm ra tắm cho thỏa thích. Ham vui nhưng chẳng hề biết bơi lội! Thế là Hạ Băng bị hụt chân đuối nước nơi con sông sâu đang chới với dưới dòng nước trắng xóa. Hai tay nhô lên đập liên tục, tôi hốt hoảng bơi ra kéo cô bé vào bờ. Với gương mặt thất thần ho sụt sùi như chết đi sống lại! Cô bé nắm lấy tay tôi cùng đi vào đất liền rời khỏi dòng nước đang ám ảnh vừa qua. Tôi lo âu nhưng cô bé lại an nhiên nở nụ cười.
“Làm gì mà mày căng thẳng quá vậy Long?”
“Giờ này mà mày còn cười được nữa hả. Chuyện này thì không trước sau gì thì cha mẹ mày cũng biết cho coi”
“Yên tâm, không ai biết đâu” – Cô bé nói với vẻ đầy tự tin.
“Mày nhìn đi! Xung quanh đây có biết bao nhiêu đứa, nó cũng sẽ về nói lại với cha mẹ mày cho coi”
“Nói thì nói, sợ cái gì”
“Tao chỉ sợ, cha mẹ mày không cho mày đi chơi chung với tao nữa”
“Mày đã cứu tao một mạng, trả ơn không hết sao có thể lại là cấm chứ?”
Tuy nói vậy nhưng tôi vẫn thấy lo trong bụng chẳng thể yên tâm cho đặng. Nhất là chuyện con nhà giàu, lại là con một nên chắc chắn nhận không ít lời chỉ trích từ phụ huynh là điều không bao giờ tránh khỏi. Chiều đó hai đứa chúng tôi mạnh nhà ai nấy về. Tối đến tôi lại sang học kèm cùng với cô bé như thường lệ. Mới bước vào đã nghe dì Năm mẹ cô bé gắt gỏng nói.
“Con bé nhà dì, nó không biết bơi mà cháu rủ nó đi tắm nước nổi làm gì? Một chút xíu là bỏ mạng ở ngoài đó rồi cháu có thấy không?”
Tôi chỉ biết đứng im lặng chẳng biết nói gì. Cô bé ở trong nhà nghe lớn tiếng vội vã chạy ra.
“Là con rủ nó chứ không phải nó rủ con. Huống gì con bị đuối nước là nhờ nó cứu”
Bà nghiêm giọng nhìn cô bé vẫn lớn tiếng đáp.
“Trước kia nó chưa tới đây học thì mày ở nhà rủ ai? Từ nay về sau tao cấm mày đi chơi cùng nó! Hết lội bùn sình bắt cá rồi lại tắm mùa nước nổi. Không học hành học hiếc gì nữa cả! Chuyện học là chuyện của nó không liên quan gì tới mày”.
Tôi im lặng gục mặt còn cô bé thì mếu máo như sắp khóc. Dì Năm nhìn sang tôi rồi nói.
“Còn cháu nữa! Đàn ông con trai ai lại tối ngày cứ kè kè đi theo con gái. Cái xóm này đâu phải không có con trai để cháu chơi cùng. Thôi cháu về đi, từ nay về sau tự mà ở nhà học một mình, để cho con bé nhà dì còn lo bài vở của nó nữa”.
Tôi “dạ” một tiếng rồi quay lưng ra đi, nghe trong tủi thân, gương mặt thoáng hiện lên nét buồn rất rõ ràng. Cô bé đã khóc thành tiếng, hai chân giẫm xuống nền đành đạch kèm tiếng khóc om sòm. Ra tới đầu ngõ còn nghe dì Năm mắng cô bé.
“Nín chưa? Thằng đó quậy chúa cái xóm này! Mày chơi với nó rồi sinh ra hư”.
Tôi cầm cuốn vở bài tập một mạch chạy thẳng về nhà đứng nép vào cái hàng rào như sợ có ai đó qua trông thấy. Lặng lẽ trở vào, vừa tới sân nghe tiếng gọi của mẹ.
“Sao nay đi học về sớm vậy?” – mẹ hỏi.
“Từ nay về sau không cần tới nhà dì Năm học nữa” – Tôi vội vàng đi nhanh để tránh câu hỏi tiếp tục, nhưng mẹ vẫn đi theo hỏi cho ra chuyện.
“Sao lại không học nữa?”
“Dì Năm không cho” – Tôi đáp gọn như thế.
“Có phải con tới nhà người ta quậy phá gì nên người ta không cho phải không”?
“Không phải! Do hồi chiều Hạ Băng có rủ đi tắm nước nổi rồi bị hụt chân lại không biết bơi. Dì Năm biết được chuyện đó nên giờ không cho học và đi chơi với con bé nữa”.
Comment